suy niệm về Thánh Giuse
sưu tầm 3-2009
THÁNH GIUSE –
Người thợ vô danh
Dẫn vào thánh lễ:
Kính thưa ông bà anh chị em,
Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh hoàn vũ, chúng ta long trọng cử hành lễ Thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria, Cha nuôi Chúa Cứu thế, và được mệnh danh là ‘Người Công Chính” hay là “Vị quản lý trung tín và không ngoan mà Chúa đã cắt đặt để trông coi Nhà Chúa” (CNL).
Ngày lễ nầy ra đời vào thế kỷ 15, và kể từ năm 1621 đã được mừng kính trong khắp cả Giáo Hội. Vào năm 1847, ĐGH Piô IX đã tôn phong Thánh Giuse làm quan thầy của toàn thể Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ghi tên Thánh Giuse vào lễ qui Rôma…
Đối với lịch sử Giáo Hội Việt nam, Ngày lễ Thánh Giuse 19.3 còn là một cột mốc quan trọng trong cuộc hành trình truyền giáo: vào chính ngày nầy, 19.3.1627, phái đoàn truyền giáo của Cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Bạng ở Đàng Ngoài để đem Tin Mừng cho dân tộc Việt nam. Đó cũng là một lý do để Hội Thánh Việt nam chọn Thánh Giuse làm quan thầy.
Ngoài chiều kích long trọng của ngày lễ Phụng vụ, thánh lễ hôm nay còn được nhân thêm niềm hân hoan tạ ơn vì bao hồng ân Chúa đã ân ban cho cộng đoàn giáo xứ, dưới sự bảo trợ đầy ưu ái của Thánh Cả Giuse, Vị Thánh mà Cha ông chúng ta khi tạo lập Nhà Thờ nầy đã chọn làm Bổn Mạng. Trong thánh lễ đặc biệt nầy, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô, vì Bổn mạng của Ngài là Thánh Giuse: Giuse Ratzinger, cầu cho cố linh mục quản xứ có công đặc biệt trong việc tạo lập giáo xứ và xây dựng ngôi Thánh đường nầy: Cha Giuse Tô Đình Sơn, các linh mục, trong đó có Cha Giuse Võ tá Hoàng (đang du học Rôma), các anh em chọn Thánh cả Giuse làm Bổn Mạng.
Trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta hân hoan cùng hiệp dâng Thánh lễ Tạ Ơn Chúa và tôn vinh Thánh Cả Giuse. Nguyện xin Thánh Cả cầu thay nguyện giúp cho giáo xứ được bình an và phát triển, cho mọi người còn sống được yên vui hạnh phúc, sống đạo tốt lành, và cho mọi anh chị em đã qua đời được chung hưởng hạnh phúc trên quê trời.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.
Giảng Lời Chúa
1. Giuse, Người công chính
Để tôn vinh và xác nhận địa vị cao cả của Thánh Giuse trong chương trình cứu rỗi, Thánh thi của Giờ Kinh Phụng vụ kinh sáng của ngày lễ hôm nay đã hát lên:
Đây Chúa tể càn khôn đây Thượng Đế,
Một dấu tay là địa ngục hải hùng,
Cả thiên đình đều phụng mệnh khiêm cung
Mà không quản vâng ý ngài trọn vẹn.
Trong khi đó thánh Bê-na-di-nô thành Siê-na trong bài đọc của giờ phụng vụ Kinh Sách đã lý giải vai trò cao cả của Thánh Giuse như sau:
“Nếu bạn muốn nói đến vị thế của Thánh Giuse trong Hội Thánh Đức Kitô, thì không phải thế nầy sao: Thánh nhân chính là con người được tuyển chọn, con người đặc biệt. Nhờ có thánh nhân đứng bảo lãnh mà Đức Kitô đã vào trần gian một cách hợp pháp và đàng hoàng ? Vậy nếu toàn thể Hội Thánh mắc nợ Đức Mẹ đồng trinh, vì nhờ Mẹ mà Hội Thánh được đón nhận Đức Kitô, thì sau Đức Mẹ, Thánh Giuse phải được Hội Thánh biết ơn và tôn sùng hơn hết”.
Nhưng, còn điều gì khác nữa khiến Thánh Giuse được tôn vinh, trọng vọng như thế ?
- Có phải vì thánh Cả xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc như các thánh sử Matthêô và Luca trình bày: Ông là “Con cháu Vua Đa-vít” (Mt 1,23), thuộc “hoàng tộc Đa-vít” (Mt 1,27), thuộc “dòng dõi vua Đa-vít” (Lc 2,4). Có phải vì ý nghĩa đó, mà Bài đọc 1 trong Phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ hôm nay đã chọn trích đoạn sách thứ 2 Samuel để nhắc lại lời giao ước của Thiên Chúa dành cho Đa-vít là sẽ “thiết lập cho Đa-vít một nhà chính là dòng dõi kế vị để vương quyền bền vững thiên thu”. Tin Mừng Matthêô đã xác nhận cái mắc xích liên tục trong cái chuỗi huyết tộc vương giả mà Giuse được dự phần: “Ông Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).
Nhưng trong lịch sử loài người có cơ man những người danh gia vọng tộc như thế nhưng nào có được tôn vinh !
- Hay vì thánh Giuse đã để lại những công trình vĩ đại, những tác phẩm danh tiếng, những lời vàng ngọc làm thước đo về luân thường đạo lý cho cuộc sống của nhân sinh ? Điều nầy thì hoàn toàn không. Phúc âm không để lại một lời phát ngôn nào của “người thợ mộc Na-da-rét” nầy và cũng chẳng ghi lại một tác phẩm nào, một công trình nghệ thuật, tâm linh nào của Ngài. Cả đến “Người con” mà người có công chăm sóc, nuôi dạy, bảo bọc ngay từ lúc mới sinh thì lại là “con nuôi”, “con theo giấy tờ”, chứ hoàn toàn không phải là “giọt máu” của Ngài. Cũng chính sự kiện nầy mà ngay từ buổi bào thai Giêsu còn trong bụng mẹ, thánh Giuse đã một phen bối rối, băn khoăn đến độ, nếu không có thiên thần hiện ra báo mộng mặc khải, chắc thánh Giuse đã khăn áo lên đường bôn tẩu cao bay xa chạy để khỏi gây nên vụ án thảm khốc cho người yêu Maria trong trắng dịu dàng.
Như vậy thì điều gì khiến thánh Giuse được ca tụng, cao rao và đặt trên bệ thờ với muôn ngưỡng vọng kính tôn của Dân Chúa muôn nơi muôn thuở.
Thưa, chỉ cần một nhân đức thôi: Giuse người công chính. (Mt 1,19)
Để hiểu khái quát về nội dung của từ Công chính theo nghĩa Thánh kinh, chúng ta hãy theo chân học giả Phạm Đình Khiêm để nghe ông chia sẻ trong tác phẩm “Thánh Giuse trong Dân Chúa”:
“Ông Giuse là người công chính” (Mt 1,19). Đó là lời giới thiệu cao quí nhất mà Phúc âm Chúa Giêsu dành cho thánh Cả Giuse ngay ở trang đầu. Nếu diễn ngữ “Đầy thánh sủng” là lời thiên sứ chào mừng Đức Trinh nữ như biểu dương trọn vẹn nhân phẩm Đức Mẹ thế nào thì diễn ngữ “Người công chính” cũng tóm gọn phẩm giá và nhân đức Thánh Giuse như vậy.
Trong cựu ước, công chính là đức tính của người tuân giữ trọn vẹn lề luật, công bình với mọi người, và theo một nghĩa rộng hơn, đó là sự thánh thiện của bản thân hay ít nhất là một nếp sống nhân đức đã thành lề thói. Công chính là trái ngược với tội lỗi. (X. St 18,23), và người công chính là người sống theo lẽ phải, chỉ làm điều thiện, không bao giờ làm điều ác, điều tội lỗi (X. Ez 18,5). Tóm lại, người công chính là người có đủ mọi nhân đức, và đức công chính là nhân đức toàn thiện, toàn hảo, như thánh Gioan Kim Khẩu, tiến sĩ HộiThánh, đã nhận định.
Thông thường nhất, người công chính được khen ngợi bằng sự tuân thủ lề luật và các giới răn Thiên Chúa, như Phúc âm Luca viết về hai ông bà Giacaria và Êligiabét: “Cả hai đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, đi theo đường lối Người truyền dạy, không ai chê trách được điều gì (Lc 1,6). Những người biệt phái và người thông giáo thời đó cũng tự cho mình là người công chính vì chăm chỉ giữ lề luật, nhưng đó là thứ công chính che dấu một lương tâm suy đồi, khiến họ chỉ biết giữ hình thức lề luật mà khinh khi, vi phạm cả công bình và bác ái.
Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã lên án lối giữ lề luật như vậy và Chúa đã đòi hỏi nơi các môn đệ một đức công chính mới trỗi vượt hơn nhiều (x. Mt 5,20,tt), sự công chính của Nước Trời: khiêm nhường, thành thật, không giả hình, bác ái, không phô trương, đạo đức nội tâm, lương tâm trong sáng, siêu thoát của cải, cậy tin Đấng quan phòng, làm cho người khác tất cả những gì mình muốn người khác làm cho mình v.v... (x. Mt chương 6). Tóm lại, đó là đức toàn thiện của Kitô giáo vậy.
Diễn ngữ “người công chính” mang ý nghĩa trọn vẹn nhất trong câu nói của viên đại đội trưởng quân binh La Mã, khi chứng kiến thái độ phi thường và nghe những lời bất tử của Chúa Giêsu trên thập giá, lại thấy những hiện tượng vũ trụ kinh hoàng xảy ra lúc Chúa trút hơi thở cuối cùng. Ông ta cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa và nói: “Chắc hẳn ông đây là người công chính” (Lc 23,47). Người công chính ở đây không phải chỉ là người vô tội như Philatô tuyên xưng (Lc 23,22) mà phải là bậc Toàn thiện, là Đấng chí thánh, hơn nữa, là chính “ConThiên Chúa” theo bản văn của Matthêô: Mt 27,54) và của Mát-cô (Mc 15,39).
2. Giuse, Người Quản lý mầu nhiệm Thiên Chúa
Và cũng từ nhân đức “công chính” đó, Thánh Giuse xứng đáng được Thiên Chúa ký thác để giữ gìn mầu nhiệm thiên Chúa theo quảng diễn của tông huấn “REDEMPTORIS CUSTOS” (Đấng Hộ thủ Chúa Cứu Thế) của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chúng ta cùng dừng lại suy niệm đôi điều về nội dung nầy của tông huấn:
Đức Thánh Cha, trong khi nêu bật đức tin của Thánh Giuse đối chiếu với đức tin của Đức Maria, Ngài đã làm rõ sứ mệnh “quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” của Thánh cả:
“Bằng một cách đặc thù và phi thường, Thánh Giuse đã trở thành Người được ký thác mầu nhiệm “giấu kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa” (Ep 3,9)….Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi phục vụ bản thân Chúa Giêsu và sứ mệnh của Chúa bằng cách thực hành quyền làm Cha của mình: Chính bằng cách ấy mà, khi thời gian đến hồi viên mãn, Người được cọng tác vào mầu nhiệm vĩ đại của công trình cứu chuộc, và Người đích thực là vị “Thừa quản ơn cứu độ”…Đức Maria là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, đã được chuẩn bị từ muôn thuở cho sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa; còn thánh Giuse là người mà Thiên Chúa đã chọn làm “phối trí viên sắp đặt mọi sự cho Chúa ra đời, người có trách vụ lo liệu, chu cấp mọi sự cho Con Thiên Chúa bước vào trần gian “trong trật tự”, nghĩa là tôn trọng mọi ý định của Thiên Chúa và lề luật của loài người. Trọn vẹn đời sống “riêng tư” hay “ẩn dật” của Chúa Giêsu được giao phó cho Thánh Giuse trông coi” (Số 8).
Ý nghĩa nầy cũng đã toát lên nơi lời cầu nguyện của Hội Thánh qua lời kinh tổng nguyện của ngày lễ kính Thánh Giuse hôm nay:
"Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu".
Và chúng ta cũng biết rằng: Giáo Hội không bao giờ là một thực tại trừu tượng, một cơ cấu rỗng tuếch. Giáo Hội đó chính là tôi, là anh, là chị. Giáo Hội là mỗi người kitô hữu chúng ta. Vì thế, “cầu xin cho Giáo Hội biết luôn luôn cọng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu” là cầu xin cho chúng ta biết từng ngày lắng nghe tiếng Chúa âm vang trong cuộc sống và can đảm, khiêm nhu cúi dầu thực hiện trong thái độ phó thác tin yêu.
Trong ý nghĩa và tâm tình đó, chúng ta có thể mượn lời Thánh Thi giờ kinh Phụng vụ lễ Thánh Giuse Thợ 1/5 để cầu nguyện với Thánh Giuse:
Hỡi người thợ vô danh
Của xưởng mộc nghèo khó,
Xin ban no lành
Cho người lao công khắp cùng xứ sở.
Chúng con càn gương ngài
Để thấy kho tàng trong giọt mồ hôi,
Thấy nụ cười trong từng dòng nước mắt,
Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô
Thấy sáng tạo, đi lên, tình người,
Yêu thương và hiệp nhất.
Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt,
Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ới.
Hỡi người thợ vô danh
Của xưởng mộc nghèo khó,
Xin cho những người đang xây dựng thé giới nầy
Thấy Ngài phục sinh,
Thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ…
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
- dongcong.net