dongcong.net
 
 

Thánh Cả Giuse
55- Những nẻo đường kỳ diệu

vhd March 20, 2013 9:56 AM

Tên Giuse dễ khiến ta liên tưởng đến tổ phụ Giuse trong Cựu ước.  Vì thánh cả Giuse và tổ phụ Giuse không những có cùng tên mà còn đi trên cùng một con đường thiêng liêng.

Cuộc đời tổ phụ Giuse thật lạ lùng.  Là một trong 12 người con của tổ phụ Giacob.  Vì là con áp út, sinh ra trong lúc cha mẹ đã già, nên Giuse được cha mẹ yêu mến một cách đặc biệt.  Vì thế bị anh em ghen ghét và muốn giết đi.  Gặp cơ hội, các anh em bán Giuse cho lái buôn sang Ai cập.  Tại Ai cập ngài bị làm nô lệ, bị cáo gian và bị tống ngục.  Nhưng nhờ có thể giải nghĩa các giấc mơ, ngài được vua Ai cập phong làm tể tướng để cứu giúp dân.  Nhờ đó ngài cứu dân Ai cập khỏi nạn đói.  Khi đó bên Do thái cũng bị nạn đói, phải sang Ai cập mua thóc lúa, tổ phụ Giuse đã tha thứ, đón tiếp các anh em và cả cha già sang Ai cập.

Cuộc đời thánh cả Giuse cũng thật lạ lùng.  Sống đồng trinh nhưng đã vâng lệnh Chúa mà kết hôn với Đức Mẹ.  Muốn bỏ Đức Mẹ mà trốn đi, nhưng đã nghe lời Chúa trở lại nhận Đức Mẹ.  Sinh sống ở Nazareth nhưng phải về Belem mà khai hộ tịch.  Đang lúc xa nhà lại sinh con nên phải thiếu thốn.  Bị Hêrođê tìm giết nên phải đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai cập.  Làm chủ gia đình nhưng hết tình phục vụ.  Làm cha nuôi Chúa Cứu Thế nhưng phải sống đời thợ thuyền vất vả.

Đường đời của các ngài đã có những kỳ diệu.  Nhưng con đường thiêng liêng của các ngài còn kỳ diệu hơn.  Đó là con đường vâng theo thánh ý Chúa.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài chấp nhận mọi hoàn cảnh.  Dù hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi, các ngài vẫn bình thản . Dù vất vả hay nhàn hạ, các ngài luôn bình tĩnh.  Dù ở địa vị lao động thợ thuyền hay quyền cao chức trọng, các ngài vẫn bình dân.  Dù gặp hoạn nạn hay gặp may mắn các ngài vẫn bình tâm.  Chấp nhận mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến nên tâm hồn các ngài luôn bình an.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài đón nhận mọi người.  Tổ phụ Giuse đón nhận anh em dù anh em ghen ghét ngài.  Thánh Cả Giuse đón nhận Đức Mẹ dù không hiểu. Tổ phụ Giuse đón nhận cả quan lại lẫn thứ dân, cả phạm nhân lẫn vua chúa, không trừ một ai.  Thánh Giuse cũng đón nhận tất cả mọi người không phân biệt, không thù oán dù những người làm hại mình.  Tin rằng mọi người gặp trên đời đều do Chúa gửi đến.  Đón nhận tất cả để tha thứ tất cả, để hoán cải tất cả và để yêu thương tất cả.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài đã trở nên dụng cụ hữu hiệu trong tay Chúa.  Tổ phụ Giuse trở thành người cứu giúp dân chúng khỏi nạn đói kém, không chỉ dân Ai cập mà còn cả các dân nước chung quanh.  Nhất là đóng góp vào lịch sử cứu độ của Chúa đối với dân Chúa chọn.  Thánh Giuse đóng góp tích cực vào mầu nhiệm cứu chuộc khi trở thành bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, trở thành cha nuôi Chúa Cứu Thế, góp phần quan trọng làm cho công cuộc cứu độ của Chúa được thực hiện thành công.

Ngoan ngoãn để Chúa dẫn đi, nên Chúa đã đưa dẫn các ngài qua những nẻo đường mà các ngài không ngờ tới.  Nẻo đường có nhiều bóng tối nhưng cuối cùng dẫn đến ánh sáng.  Nẻo đường có nhiều gian khổ nhưng cuối cùng dẫn đến hạnh phúc.  Nẻo đường tưởng chừng thất bại nhưng dẫn đến thành công. Nhìn vào cuộc đời các ngài ta thấy bàn tay Chúa thật kỳ diệu.  Chúa dùng cả những điều tưởng chừng là xấu xa để làm nên những điều tốt đẹp.  Chúa dùng cả những điều tưởng chừng đi ngược với chương trình để hoàn thành chương trình của Chúa.  Chúa dùng những con người tầm thường bé nhỏ khiêm tốn để làm nên những việc lạ lùng.  Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

Mừng lễ thánh Giuse ta hãy noi gương thánh Cả biết luôn tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành trong khiêm nhường.  Nếu ngoan ngoãn để Chúa dẫn đi, ta sẽ được Chúa dẫn đi trên những nẻo đường thật kỳ diệu, những nẻo đường mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.

Lạy thánh Cả Giuse xin cầu cho chúng con.  Amen!

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

THÁNH GIUSE  - ĐƯỜNG NÊN THÁNH 

Trong các loài hoa, có một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà hoa còn luôn quay về phía mặt trời. Đó là Hoa hướng dương.Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời với cánh hoa mở rộng đón nhận ánh sáng và sức sống để toả hương khoe sắc. 

Thánh Giuse như hoa hướng dương luôn hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.Ngài hằng hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa để nhận ra và làm tròn Thiên Ý.Thánh Giuse được sách Tin mừng gọi là “người công chính”. Theo Kinh thánh, “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4; Rm 1,17; Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính, là hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham. Người công chính, nói đơn giản là người tốt, ngay thẳng, trung tín, có trách nhiệm. Là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Là con người luôn biết kính trọng và yêu thương tha nhân. 

Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Ngài đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào,hễ biết là Ý Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành. 

-Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20);rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24). 

- Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). 

- Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel”(Mt2,21). 

Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38). 

Thánh Ý Thiên Chúa bao giờ cũng hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Thánh Giuse người công chính đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5, 48) bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa. 

Công đồng Vatican II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11,3). 

Nên thánh theo con đường của Thánh Giuse là một con đường cho nhiều người.Không quan trọng mình là ai, địa vị nào trong xã hội, làm việc cao quý hay tầm thường. Trước nhan Thiên Chúa, mọi địa vị và công việc đều có giá trị. Điều quan trọng là hãy thực thi thánh ý Chúa, đáp lại tiếng Người mời gọi trong cuộc sống. Địa vị và công việc lao động chân tay của Thánh Giuse chỉ ở mức tầm thường; thế nhưng, ngài vẫn có khả năng biến đổi nó trở thành phi thường. Cái phi thường ở trong cái tầm thường của mỗi con người là một viên ngọc quý tiềm ẩn. Những người đồng thời nói về Thánh Giuse rất trìu mến là “bác thợ mộc”. Một tên gọi rất thường nhưng lại bao hàm lòng yêu mến con người thợ mộc ấy. Dĩ nhiên, phải có điều gì đó nơi người thợ mộc kia đã tạo được thiện cảm và lòng yêu mến của nhiều người. Ngày nay có bao nhiêu người chức nọ, quyền kia, có học vị, có địa vị, rất giàu có; nhưng khi nói về họ, nhiều người rủa thầm: tên này, tên nọ, thằng này, thằng kia, tay này, tay nọ... Để được tôn trọng, trước tiên người đó cần có lòng tự trọng. Công việc mỗi ngày bộc lộ tính tự trọng trong đó, người có lòng tự trọng sẽ làm công việc cẩn thận, có trách nhiệm, liêm khiết, công bằng, hợp tác, thân tình... Thánh Giuse là một con người “đầy tinh thần trách nhiệm”, một con người nhiều sáng kiến trong bất cứ công việc gì được trao phó. Thánh Giuse nên thánh trong nghề nghiệp của mình nên Ngài là Thánh bổn mạng của những người lao động. 

Theo gương thánh Giuse, sống đạo là tin tưởng, cậy trông, yêu mến Thiên Chúa. Tin với tâm hồn thờ phượng, tạ ơn, với lòng phó thác nguyện cầu và sống theo Ý Chúa. 

Hoa hướng dương là hình ảnh Thánh Giuse. Nhìn một đoá hoa hướng dương khoe sắc ta nghĩ đến Thánh Giuse. Nhìn cả vườn hoa hướng dương đang rực rỡ trong nắng ấm ta ước mong mỗi người Kitô hữu là một bông hoa nhỏ luôn hướng tâm hồn về Thiên Chúa, mở rộng lòng đón nhận sự sống,tình yêu, niềm vui để rồi toả hương khoe sắc cho cuộc đời. 

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria. 

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn, sống theo Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã làm nên một con đường tu đức hướng đến trọn lành. Thánh Giuse là bậc thầy dạy con người sống an vui và nên thánh trong địa vị của mình. Thánh Giuse là mẫu gương cho mọi người nên thánh trong cuộc sống thường ngày. 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An 2013

  March 20, 2013

 

HÃY ĐẾN CÙNG THÁNH CẢ GIUSE!

Thánh nữ Maria Giuseppa Rossello - tục danh Benedetta Rossello - chào đời ngày 27-5-1811 tại Savona (Trung Bắc Ý). Benedetta là con thứ tư trong một gia đình Công Giáo nghèo, sống về nghề sản xuất chén đĩa. Ngay từ nhỏ Benedetta đã giúp đỡ thân phụ trong việc nắn đúc chén đĩa nơi xưởng chế tạo và phó thác việc uốn nắn bản thân cho tác động của ơn thánh Chúa.

Lớn lên Benedetta ghi danh vào Dòng Ba Phanxicô. Vì gia cảnh nghèo, năm 19 tuổi, Benedetta đến giúp việc cho một gia đình quý tộc thuộc dòng họ Monleone. Khi vị gia trưởng từ trần, bà góa phụ mời Benedetta ở lại với bà cho có bạn với tư cách không phải người giúp việc mà là con nuôi. Bà cũng hứa khi nào bà qua đời, trọn gia tài sẽ thuộc về Benedetta, bởi vì gia đình Monleone không có con cái nối dõi tông đường. Benedetta ở lại với bà góa - người mẹ nuôi - thêm 7 năm nữa. Mặc dầu sống trong khung cảnh giàu sang, trọn tâm lòng cô thanh nữ vẫn thuộc trọn về THIÊN CHÚA. Cô mong ước có ngày thực hiện ước mơ trở thành nữ tu tận hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA.

Khi hoàn cảnh cho phép, Benedetta từ giã nhà quí tộc Monleone và ra đi với đôi bàn tay trắng, không mang theo bất cứ của cải nào. Sau đó Benedetta đến gõ cửa một Tu Viện nhưng bị từ chối vì không có của hồi môn mang theo khi gia nhập Tập Viện (theo phong tục lúc bấy giờ). Bị từ chối, Benedetta trở lại gia đình. Cùng thời gian này gia đình mang cùng lúc hai cái tang: đứa em gái 17 tuổi và thân phụ đột ngột qua đời. Benedetta phải ra tay làm việc để có thể nuôi sống gia đình. Mặc dầu thế, Benedetta vẫn sẵn sàng đáp lời Đức Cha Agostino De Mari - giám mục sở tại - mong muốn chị tìm người cộng tác trong việc giáo dục các thanh thiếu nữ nghèo trong vùng.

Ngày 10-8-1837, cùng với 2 thanh nữ khác, Benedetta chính thức khai trương căn nhà dùng làm nơi cư ngụ cho Hội Dòng mới thành hình. Hai tháng sau, cả ba khoác tu phục và Benedetta chọn tên dòng là Maria Giuseppa. Hội Dòng mới mang tên Nữ Tử Đức Bà Nhân Lành. Linh đạo của Hội Dòng nhấn mạnh đến lòng tin tưởng hoàn toàn nơi sự Quan Phòng của THIÊN CHÚA. Châm ngôn sống của các Nữ Tử:
- Đôi-Tay cho Lao-Công và Con-Tim dâng THIÊN CHÚA.

Một điểm son trong cuộc đời thánh nữ Maria Giuseppa Rossello là tâm tình đặc biệt kính mến và luôn luôn phó thác trong vòng tay hiền phụ của Thánh Cả GIUSE.

Lòng sùng kính bắt đầu ngay từ những ngày thánh nữ còn thơ. Thánh nữ nhận được từ Thánh Cả GIUSE không biết bao nhiêu ơn lành cần thiết cho thể xác cũng như cho tinh thần. Sau này khi trở thành Mẹ Bề Trên tiên khởi của Các Nữ Tử Đức Bà Nhân Lành niềm tín thác nơi Thánh Cả GIUSE lại càng lớn mạnh hơn nữa. Thánh nữ giao phó mọi âu lo vật chất cũng như thiêng liêng của toàn thể Hội Dòng cho Thánh Cả GIUSE. Và mỗi khi gặp một trường hợp nan giải, một vấn đề khó khăn, Mẹ Bề Trên Maria Giuseppa tức khắc chạy đến van xin Thánh Cả GIUSE. Và không sớm thì muộn, thế nào Thánh Cả GIUSE cũng ra tay cứu giúp.

Một ngày - vào thời hạn hán - cái giếng nơi Cộng Đoàn không còn một giọt nước. Thật thế, không một giọt nước! Làm thế nào bây giờ? Mẹ Maria Giuseppa nghĩ ra một diệu kế. Mẹ lấy ảnh vảy Thánh Cả GIUSE và cột vào cần múc nước bên trên miệng giếng. Ngày tiếp theo đó trời nắng gay gắt, càng làm cho việc thiếu nước trở nên trầm trọng hơn. Mọi người xôn xao cuống cuồng lo lắng, nhưng Mẹ Bề Trên vẫn bình chân như vại. Và biến cố xảy ra đêm ấy chứng tỏ Mẹ có lý do tin tưởng. Trời đổ mưa như thác lũ, thoa mát cây cối đất đai rau cỏ và đong đầy các hồ nước.

Mẹ Bề Trên Maria Giuseppa Rossello không bao giờ đánh mất lòng tin tưởng nơi THIÊN CHÚA Quan Phòng cũng như nơi sự trợ giúp hiền phụ của Thánh Cả GIUSE. Trong vòng 40 năm điều khiển Hội Dòng, Mẹ luôn luôn can đảm và hy vọng. Mẹ thường nói:
- Nếu công trình khởi sự đến từ THIÊN CHÚA thì chính Ngài sẽ hoàn tất.

Thật thế, ngày nay Các Nữ Tử Đức Bà Nhân Lành có mặt tại nhiều nơi trên thế giới. Mẹ cũng luôn luôn nhắn nhủ các Nữ Tu con cái Mẹ:
- Nếu chúng ta không biết sống quảng đại với THIÊN CHÚA thì Ngài cũng sẽ không quảng đại với chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đáp lại Tình Yêu bằng tình yêu.

Mẹ Maria Giuseppa Rossello êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 7-12-1880 hưởng thọ 70 tuổi. Ngày 12-6-1949 Đức Thánh Cha Pio XII (1939-1958) đã tôn phong Mẹ lên bậc hiển thánh.

KINH CẦU CÙNG THÁNH CẢ GIUSE TRONG CƠN GIAN NAN SẦU LO CỦA CUỘC SỐNG

1. Là những kẻ khốn cùng, chúng con biết chạy đến cùng ai trong những cơn sầu lo nơi thung lũng nước mắt, nếu không phải là chạy đến cùng Ngài, Đấng mà Hiền Thê Dấu Ái MARIA của Ngài đã trao phó mọi kho tàng châu báu, hầu Ngài gìn giữ để lo phần lợi ích cho chúng con?
Hãy đến cùng Phu Quân GIUSE của Mẹ - Đức MARIA nói với chúng con như thế - và Người sẽ an ủi các con và làm cho các con được sung sướng và hài lòng, bằng cách thoa dịu cái khốn khổ đè nặng trên các con.
Vậy xin Thánh Cả GIUSE thương xót chúng con. Xin thương xót chúng con vì mối tình Ngài dành cho một Hiền Thê đáng trọng đáng yêu dường ấy.

(Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh)

2. Chắc chắn chúng con ý thức rõ đã xúc phạm phép công thẳng của THIÊN CHÚA vì tội lỗi chúng con và đáng bị nghiêm thẳng trừng phạt. Vậy thì đâu là nơi trú ẩn của chúng con? Trong bến bờ nào giúp chúng con có thể tìm được chốn an toàn?
Hãy đến cùng Thánh Cả GIUSE - Đức Chúa GIÊSU sẽ nói với chúng con như thế - Hãy đến cùng Thánh Cả GIUSE, Người đã được Thầy tiếp nhận và xem như Cha. Với Người, giống như Cha của Thầy, Thầy đã thông truyền mọi quyền bính để Người sử dụng như tài năng hầu mưu ích cho các con.
Vậy xin Thánh Cả GIUSE thương xót chúng con. Xin thương xót chúng con vì mối tình Ngài có đối với một Người Con thật cao cả và dấu ái dường ấy.
(Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh)

3. Chắc chắn những tội chúng con lỗi phạm, kéo xuống trên đầu chúng con những cú phạt nặng nề nhất. Vậy thì biết tìm ra con tàu nào để chúng con chạy đến nương ẩn hầu được cứu thoát? Đâu là nơi chốn khoan dung an bình có thể trao ban sức mạnh trong cơn hiểm nguy khốn khó như thế?
Hãy đến cùng GIUSE - CHA vĩnh cửu sẽ nói với chúng con như thế - Hãy đến cùng GIUSE, Người đã thay thế chỗ của CHA nơi dương thế bên cạnh Con CHA nhập thể làm người. CHA đã giao cho Người, Con của CHA, Đấng là nguồn suối ơn thánh đời đời. Từ đó mọi ơn thánh nằm trong tay Người.
Vậy xin Thánh Cả GIUSE thương xót chúng con. Xin thương xót chúng con vì lòng kính mến Ngài bày tỏ cùng THIÊN CHÚA Đấng tỏ ra quảng đại với Ngài dường ấy.
(Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh)

(Chanoine Joseph SCHAFER, ”Allez à JOSEPH!”, Éditions du Parvis, CH-1648 Hauteville/Suisse, Septembre 1990, trang 22-24) + (”La Mia Messa”, Anno A - 2008, 1 Marzo - 31 Maggio, Casa Mariana Editrice, trang 110)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

post: March 20, 2013 10:14am

 

Một mình và cô đơn
Một mình hoặc đơn độc chưa chắc là cô đơn hoặc cô độc, vì có thể người đó đang suy tư, đang sáng tác, đang cầu nguyện, đang ngắm nhìn cái gì đó,… Và như vậy thì dù một mình nhưng không hề cô đơn. Cô đơn có thể là chỉ một mình, nhưng người ta vẫn có thể cô đơn khi đứng giữa hàng trăm người. Anh ngữ cũng phân biệt “alone” (một mình) khác với “lonely” (cô đơn, cô độc), Pháp ngữ tương đương là “seul” và “solitaire”. Nhưng nếu vừa một mình vừa cô đơn thì thật trĩu nặng – trĩu nặng cả tâm hồn và thể lý!

Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là mong ước, mà điều mình mong ước chẳng xảy đến. Cô đơn là chờ đợi, mà người mình chờ đợi không đến. Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu thấu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn như ta. Cô đơn là cảm giác khó diễn tả, không thể gọi tên. Cô đơn là một dạng đau khổ!

Cô đơn cũng có thể là khi một mình lang thang trong mưa, một mình lê bước trên đường đời, khi một mình trong phòng, khi không ai hiểu mình, khi bị gièm pha, khi bị chỉ trích, khi bị đố kỵ, khi bị ghét bỏ,…

Nỗi cô đơn khiến người ta u buồn, và ngược lại, nỗi buồn khiến người ta cô đơn!

Chiều tối Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi dùng Bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đi vào Vườn Dầu một mình cầu nguyện với Chúa Cha. Có 3 môn đệ thân cận nhất đi theo nhưng các ông lăn ra ngủ khò, chả nước non gì!

Cả chương 17 (gồm 26 câu) trong Phúc Âm theo Thánh sử Gioan là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi Ngài cô đơn đến tột cùng với bao điều trăn trở, như những lời trăng trối dành cho mọi người – trong đó có chính mỗi chúng ta.

Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-Làm-Người, thế nên Ngài có hai bản tính: Thần tính và nhân tính. Về nhân tính, Ngài cũng là một con người bình thường – ngoại trừ tội lỗi. Nghĩa là Ngài cũng cảm thấy vui và buồn như chúng ta. Thế nên, khi biết đến giờ phải chịu khổ hình, Ngài cũng muốn tâm sự nỗi lòng với các môn đệ để được cảm thông, vì nói ra cũng nhẹ lòng phần nào: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26:38; Mc 14:34).

Nỗi buồn của Chúa Giêsu quá lớn, quá nặng, mà không chỉ buồn mà còn sợ, đến nỗi tưởng chừng có thể chết đi được. Chúng ta cũng chỉ có thể cảm nhận phần nào dù chúng ta cũng đã từng mất người thân yêu nhất.

Nỗi cô đơn chồng chất, nỗi u buồn chồng chất. Sức người phải cố gắng hết sức mới có thể vượt qua. Vì không thể vượt qua cú sốc quá lớn nên một số người đã tìm đến cái chết bằng cách này hay cách nọ: Treo cổ, uống thuốc độc, nhảy sông, nhảy lầu, lao vào xe, tự cắt mạch máu hoặc tự đâm mình,… Một số người khác không tự tử thì bị tâm thần, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nói chung, nỗi buồn quá lớn khiến người ta bị nhiều dạng tâm bệnh.

Có lần Chúa Giêsu nói: “Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở” (Ga 16:25), các môn đệ khoái chí lắm. Rồi Ngài nói tiếp: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16:27-28), thế là các ông nhao nhao giành nhau nói: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16:29-30).

Thật may mắn cho các môn đệ còn kịp nhận biết Sư Phụ là ai trước giờ sinh ly tử biệt. Nghe vậy, Đức Giêsu xác định bằng cách nói nghi vấn: “Bây giờ anh em tin à?” (Ga 16:31). Như một lời trách. Ngài buồn lắm, vì các ông ở bên Thầy suốt mấy năm trời, ăn dầm nằm dề với nhau, đi khắp nơi, thế mà bây giờ mới nói được một câu “nghe lọt tai”. Nhưng Ngài biết đám học trò mình chỉ nói miệng thôi, thế nên Ngài nói trước: “Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình” (Ga 16:32).

Và quả thật, ai cũng “bỏ của chạy lấy người”, chạy như ma đuổi, chạy mất dép, chạy đến rơi cả áo vẫn không dám quay lại nhặt, tất cả đều bỏ rơi Chúa khi Chúa cần họ nhất. Chúng ta cũng là những người đã từng đối xử với Chúa Giêsu như vậy. Do đó mà nỗi buồn của Chúa Giêsu quá lớn, nỗi cô đơn của Chúa Giêsu quá sâu!

Vừa mới thề sống thề chết, nói mạnh và chắc như đinh đóng cột, thế mà chỉ nghe mấy đứa đầy tớ gái bàn tán thôi, giáo hoàng tiên khởi Phêrô đã thẳng thừng chối Chúa (x. Mt 16:26-31; Mt 26:30-35; Lc 22:31-34; Ga 13:36-38). Vì không hề còn chút tình nghĩa nào đọng lại nên Phêrô mới dễ dàng chối leo lẻo như thế, và cũng như vậy nên các môn đệ khác mới trốn chạy. Môn đệ nào có “can đảm” lắm cũng chỉ dám đứng xa xa mà thôi. Không thể biện hộ!

May mà ông Phêrô kịp hối hận khi nhìn thấy ánh mắt sâu thẳm của Chúa Giêsu. Đó là ánh mắt cảm thông, yêu thương và tha thứ, có sức xoáy sâu vào tận đáy lòng Phêrô. Chỉ có mỗi chàng trai trẻ Gioan còn dám dứng gần Thánh Giá với Đức Maria.

Thấy các trò như vậy, thấy những người thân đối xử tệ như thế nên nỗi buồn của Chúa Giêsu càng tăng gấp bội, và nỗi cô đơn của Ngài càng căng phồng như sắp nổ tung vậy.

Phàm nhân quá yếu đuối, đầy tội lụy, quá xấu xa, như người-môn-đệ-Chúa-yêu đã nhận định: “Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác Thần” (1 Ga 5:19). Thời nào cũng có sự giả dối có ở khắp nơi, với hàng giả đã đành, đến cả người cũng có nhiều người giả: “Có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4:1).

Sự giả dối của con người khiến xã hội xáo trộn, làm cho người thật cảm thấy buồn và hóa cô đơn. Tại sao? Người chân thật sẽ khó nói chuyện với người giả dối, bị người giả dối ghét, bị người giả dối khinh miệt, bị người giả dối trù dập, bị người giả dối chơi khăm, bị người giả dối thù hằn, bị người giả dối lừa bịp, bị người giả dối cô lập, bị người giả dối chơi gác,…

Những người giả dối còn vào hùa với nhau để hại người chân thật bằng nhiều thủ đoạn và mánh lới. Vì thế, người chân thật không chỉ có một mình mà còn chịu cảnh cô độc.

Chúa Giêsu đã bị bọn thủ ác cô lập, gài bẫy và bị sát hại đến chết. Những người chân thật theo tinh thần Đức Kitô cũng sẽ luôn bị như vậy: “Tôi tớ không lớn hơn chủ” (Ga 13:16; Ga 15:20). Nhưng ai dám giữ vững lập trường, không a dua, không sợ “lạc bầy”, cứ là chính mình, không sợ một mình, chẳng ngán cô đơn,… đó mới là môn đệ đích thực của Đại Sư Giêsu vậy!

Quả thật, chỉ có ai cùng chết với Đức Kitô thì mới xứng đáng được sống lại với Ngài: Đó chính là niềm tin của chúng ta (Rm 6:8).

TRẦM THIÊN THU
Lễ Đức Thánh Giuse Phu Quân Đức Maria, 19-3-2013


- dongcong.net sưu tầm 3-2013


 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)