Thánh Cả Giuse
57- Thánh Cả Giuse : tình yêu không lời
Tình yêu không lời
(Lễ Đức Thánh Giuse, Phu Quân Đức Mẹ Maria)
Đức Thánh Giuse là người chồng và người cha gương mẫu, nhưng lại sống rất khiêm nhường, trầm tĩnh, quên mình vì vợ con, vì người khác, nêu cao tinh thần phục vụ, âm thầm tan biến như muối hòa tan để làm ngon mọi thứ, và ngài được tôn xưng là Đấng Công Chính.
Trình thuật 2 Sm 7:4-5, 12-16 cho biết lời Thiên Chúa phán với ông Na-than: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
Trình thuật ngắn gọn nhưng cho thấy Thánh Ý Thiên Chúa nhiệm mầu, mọi sự đã được tiền định rạch ròi. Ở đây, chúng ta hiểu sự tiền định về Đức Thánh Giuse, một người đầy quyền thế nhưng lại không thích dùng quyền, chỉ thích khiêm nhường, thầm lặng. Thật vậy, ngài tự hạ như hạt muối hòa tan vào mọi thứ, đến nỗi không còn ai nhận ra muối. Ngài không nói gì nhưng hành động cụ thể. Thánh nữ Teresa Ávila (Teresa Sánchez de Cepeda y Ahumada, 1515-1582), Tiến sĩ Giáo hội, quả quyết: “Không có điều gì tôi xin với Đức Thánh Giuse mà không được. Nếu không tin tôi nói, bạn hãy thử mà xem!”.
Đức tin của Đức Thánh Giuse quá lớn, lớn đến nỗi ngài chìm đắm trong Dòng Thác Thương Xót nên Ngài không còn biết nói gì nữa, chỉ biết xưng tụng Thiên Chúa, như tác giả Thánh Vịnh đã từng thốt lên: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời” (Tv 89:2-3). Và mọi điều đã ứng nghiệm như Thiên Chúa tuyên phán từ ngàn xưa: “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: Dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ” (Tv 89:4-5).
Thiên Chúa biết rõ mọi sự, mọi tâm can, ai tốt hoặc xấu, cả những gì sâu thẳm (Cv 1:24; Cv 15:8; Rm 8:27; 1 Cr 2:10). Thánh Phaolô nói: “Không phải chiếu theo Lề Luật mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp, nhưng ông được lời hứa đó vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin” (Rm 4:13). Vì tin mà Tổ phụ Áp-ra-ham được công chính hóa. Đức Thánh Giuse cũng vì tin mà được công chính hóa. Đó là hệ quả tất yếu theo lời hứa của Thiên Chúa, Đấng muôn đời thành tín.
Tất nhiên chúng ta cũng phải qua “hành trình đức tin” vậy, vì Đức Tin vô cùng quan trọng, Chúa Giêsu đã chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta về cách sống đức tin bằng lời cầu nguyện ngắn gọn, đơn giản mà mạnh mẽ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.
Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4:16-18). Tấm gương của Tổ phụ Áp-ra-ham thật là sáng ngời! Lời giao ước của Thiên Chúa là tặng phẩm hoàn toàn miễn phí, nhưng lại hiệu quả và ích lợi cho những ai thực sự có lòng tin tưởng.
Đức tin của Tổ phụ Áp-ra-ham vô cùng vĩ đại: Sẵn sàng ra đi theo lệnh Chúa truyền, và cũng không ngại hạ sát đứa con trai I-xa-ác duy nhất của mình làm hy lễ dâng Thiên Chúa (St 22:1-18). Dù khó khăn cỡ nào, có lúc như tuyệt vọng, nhưng Tổ phụ Áp-ra-ham vẫn một niềm tín trung: “Ông Áp-ra-ham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 4:20-22).
Dù “muộn màng” cũng xin được mượn lời Thánh Vịnh để chúc mừng Tổ phụ Áp-ra-ham và Đức Thánh Giuse: “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài” (Tv 84:5). Ước gì chúng ta cũng mau trưởng thành tâm linh để khả dĩ được công chính hóa, nhất là trong Mùa Chay Thánh này – cũng gọi là Mùa Thương Khó, vì đây là cơ hội ngàn vàng! Ít nói là tốt, dù người đời không ưa người ít nói, vì người ta cho rằng người lầm lì là người khó chịu. Nhưng thật ra, ít nói thì ít sai (về lời nói), nói nhiều rất dễ lỡ lời. Đức Thánh Giuse thật là khôn ngoan vì ngài rất ít nói, hầu như không nói gì. Ít nói cũng là một cách ăn chay, vì tịnh tâm cần thiết để sống Mùa Chay.
Trình thuật Lc 2:41-51a nói về việc Con Trẻ Giêsu “thất lạc” khi Thánh Gia đi trẩy hội đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua theo thông lệ hằng năm, đồng thời cũng cho thấy tính cách trầm lặng của Đức Thánh Giuse.
Khi Con Trẻ Giêsu được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền thờ Giêrusalem, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
Người đông như kiến, biết đâu mà tìm. Nếu chúng ta gặp trường hợp này? Chắc hẳn vợ chồng sẽ cắn đắng nhau, đổ lỗi cho nhau đã không theo sát con cái, chồng trách vợ “vô trách nhiệm”, vợ trách chồng “vô tâm”. Nhưng cả Đức Maria và Đức Giuse đều không nửa lời trách nhau, cùng im lặng vì biết nhận lỗi về mình, và chỉ lo tìm Con Trẻ.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Một thiếu niên mới mười hai tuổi mà làm sững sờ cả các nhà thông thái. Ngạc nhiên chưa? Chắc hẳn cha mẹ Ngài cũng ngạc nhiên lắm. Nhưng Đức Maria và Đức Giuse không hề “khoe” với ai về điều này. Còn chúng ta? Ôi thôi, khỏi nói! Con trẻ mới lanh lẹ một chút đã tưởng con mình là thần đồng, nó biết cái gì là khoe rùm beng, cả làng trên xã dưới đều biết ráo trọi. Đèn nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay!
Hôm đó, khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Đức Mẹ nói với Con Trẻ Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Ngài đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nhưng ông bà không hiểu lời Con Trẻ vừa nói. Phải vậy thôi, phàm nhân đâu hiểu nổi! Nếu là chúng ta thì còn ngớ ngẩn hơn nhiều, chẳng khác chi “chú Tàu nghe kèn”.
Nói là nói vậy thôi, chứ Ngài vẫn ngoan ngoãn đi xuống cùng với cha mẹ để trở về Na-da-rét, Thánh Luca cho biết rằng Con Trẻ Giêsu “hằng vâng phục các ngài”. Là Con Thiên Chúa, nhưng khi chấp nhận mặc xác phàm và sinh trong một gia đình, Chúa Giêsu vẫn giữ trọn đạo làm con đối với cha mẹ theo nhân tính. Một bài học “nhớ đời” cho chúng ta, vì không ai lại không làm con của cha mẹ mình.
Tinh yêu vô hình nhưng khả dĩ cảm nhận. Tình yêu không lời là tình yêu quá lớn, đến nỗi không thể diễn tả bằng lời! Ít nói như Thánh Giuse có nhiều lợi ích. Người ít nói là người có 8 “lợi ích” này: [1] Người ít nói là người biết lắng nghe, [2] Người ít nói là người biết quan sát, [3] Người ít nói là người suy nghĩ chín chắn, [4] Người ít nói là người thân thiện, [5] Người ít nói là người làm việc nhiều, [6] Người ít nói là người không nói nặng người khác, [7] Người ít nói là người bình tĩnh, [8] Người ít nói là người có óc sáng tạo.
Xin “mở ngoặc” nhỏ: Theo tiếng Do Thái, Giuse là יוֹסֵף [Yosef], tiếng Hy Lạp là Ἰωσήφ [Ioseph], nghĩa là “thêm vào” – tức là “phần phụ” mà thôi. Ý nghĩa này thật phù hợp với Đức Thánh Giuse, con ông Gia-cóp, dòng dõi Thánh vương Đa-vít, là Hôn phu của Đức Trinh Nữ Maria, người nhận trọng trách làm Dưỡng phụ của Chúa Giêsu trên trần gian.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cảm tạ Ngài luôn quan phòng và tiền định mọi điều, dù có những lúc con cảm thấy trái ý. Con chân thành xin lỗi Ngài. Xin biến đổi con nên mới, giúp con biết noi gương thầm lặng của Đức Thánh Giuse, biết quên mình mà dấn thân sống tích cực, một lòng tuân phục Thánh Ý Chúa và hết lòng vì tha nhân. Xin giúp con nhận ra Ngài nơi tha nhân, và xin cho những ai gặp con cũng nhận ra Ngài. Xin Đức Thánh Giuse nên giống ngài: Nói ít, làm nhiều; xin luôn đồng hành với con và luôn cầu giúp nguyện thay. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Nghĩ về Đức Thánh Giuse
Ngày 1-5-2013, lễ kính Đức Thánh Giuse Thợ, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ký sắc lệnh qui định từ nay tên Thánh Giuse được ghi thêm vào Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn). Sắc lệnh này được công bố ngày 19-6-2013.
Xin được mở ngoặc một chút: Trong các bài viết, dịch thuật và thi ca – kể cả nhạc, tôi “thích” dùng cách xưng hô với Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu là “Đức Thánh Giuse”. Dĩ nhiên đây chỉ là cách riêng của tôi mà thôi. Và rồi có một số người “dị ứng” với cách gọi này, cho rằng xưa nay chúng ta quen dùng danh xưng Thánh Cả Giuse, có lẽ vì vậy mà người phụ trách một website Công giáo ở Việt Nam (không biết tuổi nhỏ hay lớn) đã gởi mail cho tôi và “thắc mắc”: “Tại sao có cách gọi là Đức Thánh Giuse mà không là Thánh Cả Giuse?”.
Khoảng năm 1973-1975, tôi nhớ có đọc một cuốn sách có tựa là “Đức Thánh Giuse, Phu Quân Đức Mẹ”, rất tiếc là bây giờ tôi không còn nhớ được tên tác giả. Khi đó, tự dưng tôi rất ấn tượng, và cách gọi đó đã “ăn sâu” trong tâm trí tôi. Riêng tôi thấy cách gọi đó không chỉ HAY mà còn HỢP LÝ.
Theo kiến thức thô thiển của tôi, về danh xưng trong Việt ngữ, khi dùng từ ĐỨC trước một danh xưng là để tỏ lòng kính trọng, vì người đó có uy tín “lớn”. Trong Anh ngữ, Pháp ngữ,… tôi không thấy có từ “Đức” riêng biệt như Việt ngữ. Chúng ta dùng cách gọi Đức Giavê, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Trời, Đức Chúa, Đức Giêsu, Đức Kitô, Đức Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Linh. Tất nhiên về Thiên Chúa thì “miễn bàn”, khỏi phải tranh luận, thậm chí danh xưng đó chỉ là cách diễn đạt của con người, ngôn từ trần gian chỉ đến vậy, chưa hoàn toàn xứng tầm với Thiên Chúa.
Tiếp theo, chúng ta dùng từ “Đức” với một thụ-tạo-đặc-biệt là Đức Mẹ Maria, Đức Maria, Đức Trinh Nữ. Là Mẹ Thiên Chúa thì cũng dễ hiểu. Vậy sao chúng ta chỉ dùng Thánh Giuse hoặc Thánh Cả Giuse, là Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu và là Phu Quân của Đức Mẹ, mà lại không dùng danh xưng Đức Giuse hoặc Đức Thánh Giuse? Ngài âm thầm, khiêm nhường, nhịn nhục, lặng lẽ, không nói gì, nên bị lãng quên và bị… “coi thường” chăng? Với các thánh khác, chúng ta cũng chỉ dùng từ “thánh”: Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Gioan, Thánh Anna, Thánh Têrêsa,…
Với những người còn tại thế, còn đầy bản-chất-con-người, nghĩa là còn khả năng sai lầm và phạm tội, chưa thực sự là thánh nhân, nhưng chúng ta vẫn dùng từ “Đức” trước các danh xưng. Công giáo có Đức Giáo hoàng (thậm chí là Đức Thánh Cha), Đức Hồng y, Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục (Đức Cha), Đức Khâm sứ, Đức Ông, Đức Viện phụ. Ông lớn hơn Cha, sao Đức ông lại “nhỏ” hơn Đức cha? Có mâu thuẫn? Chính thống giáo có Đức Thượng phụ. Phật giáo có Đức Phật, Đại đức (không chỉ “đức” bình thường mà còn “đại”). Cao đài giáo có Đức Giáo chủ. Về phần đời có Đức Vua. Và một số vị nổi tiếng như Đức Khổng tử, Đức Dalai Lama,… Ngay cả người chồng bình thường đôi khi còn được gọi bằng mỹ từ Đức Lang quân kia mà! Dùng từ “Đức” là để kính trọng, còn dùng từ “Cả” khi gọi Thánh Cả, vậy là có Thánh “Thứ” (mức độ “nhỏ” hơn hoặc “thấp” hơn). “Cả” là từ miền Bắc. Ngôn ngữ miền Nam và miền Trung gọi là “hai”, nếu vậy có thể (hoặc “phải”) gọi Dưỡng phụ của Chúa Giêsu là Thánh Hai – kiểu Anh Hai, Chị Ba, Cô Tư, Thím Bảy, Dượng Út,… Một anh bạn của tôi lý luận: “Trong từ Thánh đã ngụ ý từ Đức”. Tôi hỏi lại: “Vậy tại sao gọi Đức Thánh Cha?”. Người đó không trả lời được và nói: “Thôi, cứ để Thánh Linh tác động”. Hòa vốn! Huề cả làng !
Nói là nói vậy thôi. Ngôn ngữ nào cũng có những rắc rối và chưa đủ chuẩn để diễn đạt! Ngay cả từ CHÚA trong Việt ngữ cũng chưa đủ diễn tả mức độ cao nhất của Chúa. Vì thế, khi người Pháp sang truyền giáo ở Việt Nam, họ phải thêm chữ Dieu (Chúa, đọc là đi-ơ), người Việt đọc thành “diêu”, rồi ghép thành “Chúa Dêu”. Ngày nay không còn dùng từ “Chúa Dêu” nữa.
Nếu dùng từ “Đức” làm mức cân-đo-đong-đếm thì Dưỡng Phụ Giuse còn bị “lép vế” lắm, “thua” cả những người còn sống trên trần gian này (!). Thiết tưởng cách xưng hô Đức Giuse, Đức Thánh Giuse hoặc Đức Phu Quân là hợp lý, không có gì là thái quá, chẳng qua là do nghe chưa “lọt tai” và đọc lên còn cảm thấy “trúc trắc”, bởi vì chúng ta đã quá quen với cách gọi cũ. Mà thay đổi một “nếp nghĩ” hay một thói quen đã lâu hẳn là không dễ chút nào vậy!
Trở lại vấn đề trên đây. Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích cho biết thêm rằng đã có những lời thỉnh cầu của nhiều tín hữu Công Giáo ở khắp thế giới muốn Giáo hội phê chuẩn việc ghi thêm tên Thánh Giuse sau tên của Đức Maria.
Và Thánh Bộ quyết định: “Thánh danh Giuse, Phu Quân Đức Trinh Nữ Maria, từ nay được điền thêm vào các Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV của kỳ xuất bản thứ ba Bộ Sách Lễ Rôma, sau Thánh danh Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh”.
Chuyện ngắn gọn là thế, nhưng có gì đó không như thế, mà lại khác thế. Lâu nay Đức Thánh Giuse bị quên lãng, nay mới chính thức được nhắc tới một cách trịnh trọng!
Với nỗ lực cố gắng giữ Chúa Giêsu không bị tách khỏi đời sống con người bình thường, từ đầu Giáo hội đã nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là thợ mộc “chính hiệu con nai vàng”, chuyên nghiệp đàng hoàng, được Đức Thánh Giuse đào tạo cả về nhiệm vụ lẫn sự vất vả của nghề nghiệp. Con người giống Thiên Chúa không chỉ về suy nghĩ và lòng yêu thương mà còn về cách sáng tạo được thể hiện qua công sức lao động hằng ngày. Dù chúng ta đóng một cái bàn hay làm một thánh đường, chúng ta vẫn được mời gọi sinh lợi từ đôi tay và khối óc của mình, đặc biệt là xây dựng Nhiệm thể Đức Kitô.
Kinh thánh “tặng” cho Đức Thánh Giuse danh hiệu cao quý nhất: Đấng Công Chính. Phẩm chất đó có ý nghĩa hơn lòng trung tín trong việc thanh toán nợ nần.
Khi Kinh thánh nói về Thiên Chúa là Đấng “bào chữa”, nghĩa là Thiên Chúa chí thánh và “công chính” cũng biến đổi một người đã chia sẻ cách nào đó về sự thánh thiện của Thiên Chúa, và người đó cũng thực sự “công chính” vì được Thiên Chúa yêu thương. Nói cách khác, Thiên Chúa không đùa giỡn, Thiên Chúa hành động như thể chúng ta đáng yêu ngay khi chúng ta không đáng yêu.
Khi nói Đức Thánh Giuse công chính, Kinh thánh có ý rằng ngài là người mở rộng tấm lòng với tất cả mọi điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi ngài, và ngài nên thánh nhờ mở rộng tấm lòng mình ra với Thiên Chúa. Phần còn lại chúng ta có thể dễ suy đoán. Hãy nghĩ về dạng tình yêu mà ngài đã “tán tỉnh” và được lòng Đức Mẹ, độ sâu của tình yêu mà hai người chia sẻ trong đời sống hôn nhân.
Không có mâu thuẫn trong sự thánh thiện của Đức Thánh Giuse mà ngài muốn “ly dị” Đức Mẹ khi ngài thấy “người yêu” có thai đột xuất. Những từ quan trọng trong Kinh thánh là ngài “định tâm lìa bỏ” vì ngài là “người công chính”, không muốn để vị hôn thê phải xấu hổ (x. Mt 1:19). Người Công Chính này sống giản dị, vui vẻ, một lòng một dạ và toàn tâm toàn ý tuân phục Thiên Chúa – sẵn sàng cưới Maria, vâng lời đặt tên Con Trẻ là Giêsu, cố gắng đưa hai Mẹ Con trốn sang Ai cập, rồi lại sẵn sàng đưa hai Mẹ Con về Nadarét, nhiều năm sống âm thầm với đức tin triệt để và lòng can trường. Đức Thánh Giuse thực sự là Người Công Chính. Ngài là người trầm tư, không nói nhưng hành động cụ thể.
Thánh nữ Tiến sĩ Giáo hội Têrêsa Avila nói: “Không có điều gì tôi xin với Đức Thánh Giuse mà không được. Nếu ai không tin thì cứ thử mà xem”. Dù bị lãng quên, nhưng Đức Thánh Giuse vẫn sẵn sàng giúp đỡ, giống như ngài đã quên mình mà phục vụ Chúa Giêsu và Đức Mẹ vậy.
Tôi không dám lạm bàn, vì có những người còn cao siêu hơn nhiều. Có thể có người sẽ cho tư tưởng của tôi thuộc loại “phản động”, nhưng thực ra đây chỉ là cảm nhận theo thiển ý riêng, dù sao tôi cũng chỉ là một người bình thường nhất trong những người bình thường mà thôi.
Đức Thánh Giuse trầm lặng, không nói gì, tất nhiên ngài cũng chẳng cần vẻ hào nhoáng gì thuộc trần thế, ngài chỉ làm trọn trọng trách Thiên Chúa trao là bảo vệ Con Trẻ Giêsu và Đức Maria, mong sáng danh Thiên Chúa chứ không sáng danh riêng ngài.
Đức Thánh Giuse là Phu quân của Đức Maria, là Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Lễ kính Đức Thánh Giuse ngày 19-3 là lễ bổn mạng của Giáo hội Hoàn vũ, Bỉ quốc, Canada, Trung quốc và Pêru. Lễ kính Đức Thánh Giuse ngày 1-5 là lễ bổn mạng của giới thợ thuyền, giới lao động nghèo, các gia trưởng, và những người hấp hối.
Đức Thánh Giuse được Thiên Chúa tuyển chọn làm Dưỡng phụ của Chúa Giêsu trên trần gian. Thiên Chúa biết Chúa Giêsu cần một dưỡng phụ để dưỡng dục. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Đức Thánh Giuse là “người công chính”. Nghĩa là ngài là người tốt, chân thật, công bình, và yêu kính Thiên Chúa.
Khi thấy Đức Maria mang thai, Đức Thánh Giuse không biết xử trí cách nào, vì hai người đã đính hôn nhưng chưa về chung sống với nhau.
Thiên thần hiện ra với Đức Thánh Giuse trong giấc mơ và bảo đừng lo, Con Trẻ là Đấng Mêsia, thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Giuse là chồng của Đức Maria và bảo vệ Con Trẻ. Đức Thánh Giuse tin lời sứ thần nên kết hôn với Đức Maria và đưa Nàng về nhà mình.
Sau khi Con Trẻ Giêsu sinh ra tại Belem, thiên thần lại hiện ra với Đức Thánh Giuse, nói rằng Con Trẻ đang gặp nguy hiểm. Đức Thánh Giuse lại vâng lời của sứ thần, đưa Vợ Con sang Ai Cập để trốn “lệnh truy nã” của vua Hêrôđê. Sau nhiều năm lẩn trốn, Thánh Gia lên đường trở về quê quán Nadarét.
Sử sách không ghi chép nhiều nên chúng ta không biết nhiều về Đức Thánh Giuse, 30 năm từ khi Chúa Giêsu giáng sinh tới khi Chúa Giêsu đi đây đó giảng dạy được gọi là “thời gian ẩn dật”. Chỉ có một sự kiện khác mà Kinh thánh cho chúng ta biết về cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Thánh Giuse là “tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ”, sau khi “thất lạc” 3 ngày, Đức Thánh Giuse và Đức Maria thấy Con đang giảng thuyết trong Đền thờ giữa các Kinh sư và các Trưởng lão. Đức Maria nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48), nhưng Đức Thánh Giuse vẫn không hề nói gì. Quả thật, Đức Thánh Giuse là người trầm tĩnh và ít nói.
Lạc mất Con Trẻ, hẳn là các ngài lo lắng lắm! Thiên Chúa đã trao trọng trách cho các ngài chăm sóc Con Trẻ, thế mà lại sơ ý để lạc mất Con Trẻ. Hẳn là Đức Thánh Giuse cảm thấy mình không hoàn thành trách nhiệm. Khi thấy Con Trẻ, Đức Mẹ đã la rầy Con Trẻ một chút rồi cùng nhau về nhà ở Nadarét. Sau “sự cố” này, Chúa Giêsu trở về và “luôn vâng phục cha mẹ” (Lc 2:51). Chúa Giêsu vâng phục cha mẹ nghĩa là tôn trọng quyền cha mẹ.
Đức Thánh Giuse nhiều tuổi hơn Đức Mẹ, và có thể qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ. Là Đại Thánh trên trời nhưng Đức Thánh Giuse vẫn chu toàn vai trò làm chồng và làm cha với gia đình và Giáo hội, luôn bầu cử cho chúng ta. Đức Thánh Giuse được cầu xin giúp đỡ trong những vụ bán nhà, giúp đỡ người nghèo, nâng đỡ và bảo vệ những người cha và gia đình, đồng thời bảo trợ cho nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1870, ĐGH Piô IX đã tuyên bố nhận Đức Thánh Giuse làm bổn mạng Giáo hội Công giáo Hoàn vũ.
Đức Thánh Giuse thuộc dòng dõi Thánh vương Đa-vít. Điều này ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng Đấng Mêsia xuất thân từ “Nhà Đa-vít”. Một thợ mộc tên là Giuse được tuyển chọn để giúp dưỡng dục Con Trẻ Giêsu tới khi trưởng thành.
Chúng ta không biết nhiều về cuộc đời Đức Thánh Giuse, nhưng chúng ta chắc chắn rằng ngài hẳn phải là người tốt và đáng kính nên mới được Thiên Chúa yêu quý. Sau Mẹ Thiên Chúa, không ai sống nhân đức như Đức Thánh Giuse. Tinh tuyền trong trái tim, trong sạch trong cuộc sống, luôn khiêm nhường, kiên nhẫn, chịu đựng, hòa nhã và kiên cường về tính cách, Đức Thánh Giuse cho chúng ta thấy mẫu gương hoàn hảo của người Kitô giáo đích thực.
Vì là người đại diện cho Chúa Cha, với tư cách là cha của Đức Kitô trên trần gian, Đức Thánh Giuse được đặt làm người trưởng của Thánh gia. Đức Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu tạo nên Thánh gia, kiểu mẫu cho đại gia đình của Thiên Chúa, tức là Giáo hội của Chúa trên thế gian. Theo cách này, Đức Thánh Giuse cũng là cha của tất cả chúng ta.
Là mẫu gương của những người làm cha, Đức Thánh Giuse được cầu xin với tư cách là người bảo vệ gia đình. Sự bảo trợ của Đức Thánh Giuse cũng bao gồm cả Nhiệm thể Đức Kitô, các gia đình Kitô giáo, các trường học Kitô giáo, những người yêu quý đức khiết tịnh và những người cần ngài bầu cử – nhất là những người trong cơn hấp hối.
Có nhiều sách viết về Đức Thánh Giuse. Năm 1961, Micheal Gasnier (Dòng Đa Minh) xuất bản cuốn sách hay có tựa là “Đức Thánh Giuse, con người thầm lặng” (Joseph the Silent). Ngày 15-8-1989, Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng đã ban hành Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Đấng Cứu Thế), nói về Đức Thánh Giuse trong đời sống Đức Kitô và Giáo hội.
“HÃY ĐẾN CÙNG GIUSE”, đó là điều tâm niệm của mỗi người, nhất là trong tháng kính Đức Thánh Giuse.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài đã giao trọng trách cho Đức Thánh Giuse việc chăm sóc chúng con ngay khi khởi đầu mầu nhiệm ơn cứu độ. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Thánh Giuse, xin cho Giáo hội của Chúa luôn trung tín trong sứ vụ để Thánh Ý Ngài nên trọn. Amen.
TRẦM THIÊN THU
- dongcong.net -
March 17, 2015