dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Người Say Yêu Thánh Thể
 
 
Tác giả: Thánh Phêrô Giulianô Eymard
 
<<<    

Dẫn Nhập

Tháng Đức Mẹ là tháng phước lộc và ân sủng, vì như thánh Bênađô, cùng với tất cả cacs thánh, đã quả quyết: mọi ân sủng đến với chúng ta đều qua Mẹ Maria. Tháng Đức Mẹ là một lễ hội liên tục để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho chúng ta đón mừng tháng Thánh Thể tiếp theo sau đó.

1. Bởi vì ơn gọi của chúng ta là để tôn kính đặc biệt phép Thánh Thể, nên chúng ta đừng vì lý do gì mà kém lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ. Thật là tội lộng ngôn nếu nói rằng: "Chỉ duy phép Thánh Thể đã đủ cho tôi rồi; tôi không cần Đức Maria." Nhưng tôi sẽ tìm được Chúa Giêsu ở đâu trên trái đất này nếu không phải ở trong vòng tay Mẹ Maria? Chẳng phải Mẹ là người ban cho chúng ta phép Thánh Thể sao! Chính việc Mẹ ưng thuận cho Ngôi Lời nhập thể trong lòng Mẹ đã khai nguyên mầu nhiệm vĩ đại của sự đền tạ Thiên Chúa và sự kết hợp với chúng ta mà Chúa Giêsu đã thực hiện suốt cuộc đời dương thế của Ngài, và vẫn còn tiếp tục trong phép Thánh Thể.

Không có Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được Chúa Giêsu, vì Mẹ chiếm hữu Ngài trong Trái Tim Mẹ. Ở đó, Ngài lấy làm khoái vui, và ai muốn biết những nhân đức thâm sâu nhất của Ngài, muốn nếm cảm đặc ân tình yêu thâm thiết của Ngài, phải tìm biết và nếm cảm những sự ấy nơi Đức Maria. Những ai yêu mến Mẹ nhân lành sẽ tìm gặp được Chúa Giêsu trong Trái Tim thuần khiết Mẹ.

Chúng ta đừng bao giờ tách lìa Chúa Giêsu ra khỏi Mẹ Maria; chúng ta chỉ có thể đến với Ngài qua Mẹ. Tuy nhiên, tôi vẫn chủ trương rằng chúng ta càng muốn yêu mến Thánh Thể, thì càng phải yêu mến Mẹ Maria hơn. Bao giờ chúng ta cũng yêu hết những gì mà bạn hữu ta yêu; mà có bao giờ có thụ tạo nào được Thiên Chúa yêu hơn, có người Mẹ nào được con mình kính mến hơn là Đức Maria được Chúa Giêsu yêu dấu?

Phải rồi, Chúa Giêsu sẽ phải đau khổ nhiều nếu chúng ta, những tôi tớ của phép Thánh Thể, lại không có lòng tôn sùng lớn lao đối với Mẹ Maria, vì Mẹ là Mẹ Ngài! Chúa Giêsu mắc nợ Mẹ mọi sự trong trật tự nhập thể, tức bản tính nhân loại của Ngài. Chính bởi thịt Mẹ đã hiến cho Ngài mà Ngài đã tôn vinh Chúa Cha, đã cứu chuộc chúng ta, và vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và cứu chuộc thế giới qua phép Thánh Thể.

Bây giờ Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn kính Mẹ nhiều hơn, vì trong cuộc đời trần thế, chính Ngài xem ra sao nhãng việc đó. Chắc chắn trong đời sống tư, Chúa đã dành cho Mẹ Ngài tất cả niềm tôn kính; nhưng trong cuộc đời công khai, Ngài đã để Mẹ trong hậu trường, vì luôn luôn và trước mọi sự khác, Ngài phải khẳng định và giữ tư cách Thiên Chúa của Ngài. Nhưng bây giờ Chúa muốn chúng ta, cách nào đó, bù đắp cho Đức Trinh Nữ Cực Thánh tất cả những gì mà Ngài đã không làm cho Mẹ bên ngoài: và chúng ta buộc (liên quan thiết yếu đến phần rỗi đời đời của chúng ta) phải tôn sùng Mẹ như Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.

2. Nhưng vì chúng ta là những người tôn thờ, đặc biệt nhất là đã thánh hiến để phụng sự Thánh Thể, chính bởi hậu quả của ơn gọi này mà chúng ta mắc nợ Đức Maria một lòng tôn sùng đặc biệt. Là những tu sĩ, những tôi tớ, những người bạn đồng minh của phép Bí tích Cực thánh, qua lời khấn, chúng ta là những người tôn thờ phép Thánh Thể. Đây là một danh xưng rất đẹp đã được Đức Thánh Cha Piô IX chúc lành. Những người tôn thờ - nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta bị cột chặt vào Ngôi vị đáng tôn thờ của Chúa Giêsu đang sống trong phép Thánh Thể. Nhưng nếu chúng ta thuộc về Người Con, thì cũng thuộc về Người Mẹ; nếu chúng ta tôn thờ Con thì cũng phải tôn kính Mẹ: do đó, để tiếp tục sống trong ân sủng của ơn gọi và tham dự trọn vẹn vào đó, chúng ta bắt buộc phải đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ dưới danh hiệu Đức Mẹ Thánh Thể.

Tuy nhiên, lòng tôn sùng này vẫn chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa được Giáo hội định tín dứt khoát. Nhưng vì sự tôn sùng Đức Maria đi theo việc tôn thờ Chúa Giêsu, nên cũng sẽ đi theo những giai đoạn và những bước phát triển khác nhau của việc tôn thờ đó.

Khi chúng ta tôn vinh Chúa Giêsu trên Thánh giá, chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ Bảy niềm đau. Khi tôn vinh sự khiêm nhường, cuộc sống ẩn dật vâng phục ở Nazareth của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể lấy cuộc đời mai ẩn của Mẹ làm gương mẫu. Đức Thánh Trinh Nữ chia sẻ tất cả mọi kinh nghiệm của Con Mẹ.

Chúng ta vẫn chưa kêu cầu Mẹ dưới danh hiệu xinh đẹp này: Đức Mẹ Thánh Thể; nhưng lòng tôn sùng đối với Thánh Thể bây giờ đã lan rộng; chưa bao giờ nó phổ biến rộng rãi và mãnh liệt như ngày nay. Lòng tôn sùng phát triển khắp nơi ngày cũng như đêm; Thánh Thể sẽ trở nên một phương tiện cứu độ cho thời đại này. Việc tôn thờ Thánh Thể là vinh quang, là sức mạnh của thế kỷ này. Và lòng tôn sùng Đức Mẹ Thánh Thể sẽ phát triển cùng với sự tôn thờ Thánh Thể.

Tôi đã không thấy bất kỳ tác phẩm nào bàn đến lòng tôn sùng này; cũng không nghe thấy nó được nói đến, trừ ra những mạc khải của Đức Mẹ, tôi có đọc thấy việc Đức Maria hiệp lễ; và trong sách Tông đồ Công vụ, chúng ta thấy Đức Maria trong nhà Tiệc ly.

3. Đức Thánh Trinh Nữ đã làm gì trong nhà Tiệc ly? Mẹ thờ lạy. Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của những người tôn thờ. Nói tóm lại là Đức Mẹ Thánh Thể. Suốt trong tháng này chúng ta sẽ quan tâm đến việc tôn sùng Mẹ dưới danh hiệu xinh đẹp này, suy ngắm về điều Mẹ đã làm, và nhìn xem Chúa Giêsu tiếp nhận sự tôn thờ của Mẹ ra sao. Chúng ta sẽ khám phá ra sự kết hợp toàn hảo của hai Trái Tim này – Trái Tim Chúa và Trái Tim Mẹ - đã hoà trộn với nhau như một Trái Tim, một sự sống. Chính nhờ lòng hiếu kính đó mà chúng ta có thể thâm nhập vào bức màn mầu nhiệm đang bao trùm sự sống tôn thờ của Đức Mẹ Thánh Thể.

Điều lạ là sách Tông đồ Công vụ không nói gì về điều này, nhưng việc tuyên bố công khai sự kiện Mẹ có mặt tại nhà Tiệc ly cũng đã đủ. A! đó là vì toàn thể cuộc đời Mẹ là một hành vi yêu thương và thờ lạy không ngừng.

Nhưng làm thế nào diễn tả được tình yêu và sự tôn thờ đó? Diễn tả làm sao vương quốc Thiên Chúa trong linh hồn và sự sống của linh hồn trong Thiên Chúa? Không thể nào diễn tả được. Ngôn ngữ trần gian không đủ lời để diễn tả niềm vui sướng thiên đàng, và về cuộc sống của Đức Maria trong nhà Tiệc ly cũng thực sự như thế. Thánh Luca chỉ kể cho chúng ta cách đơn sơ rằng Mẹ đã sống và cầu nguyện ở đó.

Chúng ta hãy học đời sống nội tâm của Mẹ với việc cầu nguyện và tôn thờ. Chúng ta có thể hình dung ra trước mắt tất cả những gì mãnh liệt nhất trong tình yêu, tất cả những gì thánh thiện nhất, tốt nhất trong nhân đức, và đem gán tất cả cho Đức Maria. Và vì Mẹ Maria đã sống tại nhà Tiệc ly hơn 20 năm trong sự kết hợp với phép Bí tích Cực thánh, nên tất cả các nhân đức của Mẹ đều được mang dấu ấn Thánh Thể. Chúng được nuôi dưỡng bởi những lần hiệp lễ, bởi việc tôn thờ, và bởi sự kết hợp không ngừng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Các nhân đức của Mẹ Maria suốt thời gian Mẹ lưu ngụ tại nhà Tiệc ly đã đạt tới trình độ hoàn hảo nhất - một sự hoàn hảo hầu như vô giới hạn – và chỉ thua các nhân đức của Người Con Chí Thánh Mẹ.

Chúng ta hãy xin Chúa mạc khải cho chúng ta biết điều đã xảy ra giữa Ngài và Mẹ Thánh Ngài suốt trong những năm ở nhà Tiệc ly đó. Ngài sẽ tỏ cho chúng ta biết một số trong các điều kỳ diệu đó - một số thôi, vì chúng ta không thể chịu nổi sự hiểu biết tất cả - và sự hiểu biết này sẽ làm chúng ta đầy tràn hân hoan và kinh ngạc.

Ôi! Tôi sẽ sung sướng biết bao nếu tôi có thể viết lên được một số suy tư về Tháng Đức Mẹ, Đấng Tôn thờ! Để làm điều đó cần phải nghiên cứu nhiều, và cũng cần nhiều lời cầu nguyện. Hơn nữa, người ta cần phải hiểu việc tạ ơn của tình yêu Đức Maria. Tôi hết sức mong muốn điều này, nhưng đối với một công việc như thế đòi phải có sự chuẩn bị lâu dài.

4. Tất cả các mầu nhiệm về cuộc đời Đức Maria đã được tái diễn nơi nhà Tiệc ly. Nếu chúng ta suy gẫm về việc Mẹ sinh Con ở Bêlem, chúng ta hãy tiếp tục trình thuật Tin mừng, và chúng ta sẽ hiểu ra ngay việc sinh ra phép Thánh Thể của cùng một người Con ấy trên bàn thờ. Hoặc nếu chúng ta suy về cuộc đào vong sang Ai cập: chúng ta lại chẳng thấy rằng ngay bây giờ Chúa chúng ta vẫn ở giữa những người xa lạ và lỗ mãng, trong các thành phố và các quốc gia mà các nhà thờ bị đóng cửa, không có ai đến viếng thăm Ngài đấy ư? Và rồi đến cuộc đời ẩn dật tại Nazareth: chúng ta lại không thấy Ngài vẫn còn mai ẩn hơn nữa tại đây sao? Cứ theo cách này mà suy gẫm tất cả các mầu nhiệm khác dưới ánh sáng Thánh Thể, và suy tư về phần mà Đức Maria đã góp vào đó.

Điều thiết yếu là phải cố gắng thực hành một số nhân đức của Đức Thánh Trinh Nữ. Hãy bắt đầu với nhân đức thấp nhất, nhỏ nhất. Khi các bạn đã làm cho chúng trở nên của riêng bạn, các bạn sẽ tiếp tục, từng chút từng chút, cho tới khi các bạn đạt đến các nhân đức bên trong của Mẹ, ngay cả nhân đức tình yêu của Mẹ.

Rồi mỗi ngày chúng ta hãy dâng một số hy sinh. Chúng ta hãy dự kiến trước một số điều sẽ mất. Có một số hy sinh mà chúng ta có thể lên kế hoạch trước: thăm một người nào đó, thực hiện một hành động nào đó. Những hy sinh này được dâng lên sẽ khiến Đức Thánh Trinh Nữ hài lòng rất nhiều. Đó là gắn thêm hoa vào triều thiên mà Mẹ muốn dâng lên Con Mẹ, nhân danh chúng ta, vào ngày đại yến - yến tiệc tuyệt vời Mình Chúa Kitô.

Nếu chúng ta không thấy trước hy sinh đặc biệt nào, chúng ta hãy duy trì trong mình cái dự tính quảng đại là sẽ chấp nhận mọi sự Chúa gửi đến. Chúng ta hãy tỉnh thức để không lỡ mất cơ hội từ bỏ mình nào qua đi do không chú ý. Đó là những sứ giả từ trời, mỗi cái sẽ đem lại ân sủng và một vòng triều thiên. Chúng ta phải đón nhận cả hai. Một hy sinh được thấy trước dễ làm cho chúng ta lý luận, và việc lý luận đó sẽ làm giảm bớt công trạng; nhưng những hy sinh chúng ta chấp nhận cách quảng đại mà không biết trước hoặc không suy hơn tính thiệt thì có giá trị hơn. Thiên Chúa muốn bắt chợt chúng ta. Ngài nói với chúng ta: "Hãy tỉnh thức!" và linh hồn trung tín thì sẵn sàng chấp nhận mọi điều Chúa muốn. Tình yêu lấy làm vui khoái trong cái bất ngờ. Chúng ta đừng bao giờ để lỡ mất dịp hy sinhl; tất cả điều cần thiết là lòng quảng đại. Một linh hồn quảng đại! Còn gì xinh đẹp hơn dưới ánh nhìn của Chúa! Thiên Chúa được vinh hiển bởi một linh hồn như thế, và Ngài nói về nó như đã nói về thánh Gióp - một cách hân hoan thán phục – "Ngươi có thấy Gióp đầy tớ Ta chăng?" Linh hồn yêu mến không để cho những hy sinh hàng ngày qua đi. Nó luôn luôn tỉnh táo, mắt hướng về trời. Nó cảm được thánh giá sắp đến và chuẩn bị đón nhận.

Do đó, chúng ta hãy tôn kính Đức Thánh Trinh Nữ bằng những hy sinh hàng ngày. Chúng ta hãy đến với Chúa qua Mẹ; hãy ẩn mình nơi Mẹ, hãy nấp sâu trong tà áo chở che của Mẹ; hãy mặc lấy nhân đức của Mẹ. Tắt lại, chúng ta hãy ở dưới bóng Mẹ. Hãy dâng lên Chúa tất cả các hành động, nhân đức, và công trạng của Mẹ. Chúng ta hãy cậy nhờ Mẹ và nói với Chúa Giêsu: "Con xin dâng Chúa sự giàu có mà người Mẹ nhân lành của con đã sắm được cho con" – và Chúa chúng ta sẽ rất hài lòng.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)