ĐỀ
TÀI VII
THỨ THA & HÒA GIẢI
TRONG GIA ĐÌNH KITÔ HỮU
I. NHẬP ĐỀ
Trong Thư Mục vụ ngày 11.10.2002 về Hôn nhân và Gia đình, Hội
đồng Giám mục Việt Nam đã nêu lên những nét đẹp truyền thống của
gia đình Việt Nam như sau:
“Nói
đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong
rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ HIẾU làm
đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều
răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn qui định
việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia dình ấy xem chữ TÍN làm trọng
nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói
chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân
ly. Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cái trên THUẬN dưới HÒA
trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên
thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng
Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em.” (Số 2).
Thế nhưng trong thực tế không phải gia đình công giáo nào cũng
thể hiện được những nét đẹp vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa thấm
nhuần tinh thần Kitô giáo. Trở ngại lớn nhất là sự bất hòa và
xúc phạm thường xẩy ra trong gia đình: giữa vợ và chồng, giữa
cha mẹ và con cái.
Vậy
chúng ta thử hỏi: (1) Do đâu mà thường xẩy ra bất hòa và xúc phạm
trong gia đình? (2) Tại sao những người trong gia đình Kitô hữu
phải thứ tha và hòa giải với nhau? Thứ tha và hòa giải với nhau
sẽ đem lại lợi ích gì? (3) Để thứ tha và hòa giải trong gia đình
Kitô hữu, cần có những điều kiện gì?
II.
TRÌNH BÀY
1. Nguyên nhân gây bất hòa và xúc phạm trong gia đình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bất hòa và xúc phạm trong gia đình.
Có nguyên nhân gần và nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân gần là do
giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái có nhiều cái khác nhau
về tuổi tác, tính tình, sở thích, tập quán, cảm nhận, sức khỏe,
áp lực của trách nhiệm và công việc. Nguyên nhân sâu xa là do
giới hạn tự nhiên “nhân vô thập toàn” của con người và do hậu
quả của tội nguyên tổ, khiến mỗi người đều có những giới hạn,
yếu đuối và tội lỗi trong đời sống nhân linh.
2.
Lý do và kết quả của sự thứ tha và hòa giải trong gia đình Kitô
hữu.
2.1 Lý do tại sao phải thứ tha và hòa giải giữa những người trong
gia đình và kết quả của việc thứ tha và hòa giải, xét về mặt tự
nhiên, là một cuộc sống thuận hòa đem lại hạnh phúc, bình an và
thành công cho gia đình. Ca dao Việt Nam có câu:
“Vợ chồng là nghĩa Tào Khang,
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui,
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm vui”
Hay “Thuận vợ thuận chồng, tát Bể Đông cũng cạn”
2.2 Còn xét về mặt siêu nhiên, thì gia đình thuận hòa, đầm ấm
là điều mà Thiên Chúa mong muốn cho con người. Trong Tám Mối Phúc
mà Chúa Giêsu công bố trong bài giảng trên núi, thì đã có những
Bốn Mối Phúc có liên quan tới cuộc sống thuận hòa ấm êm giữa người
với người ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc
thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc
thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thươngï.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên
Chúa.” (Mt 5,3-4.7.9).
Hơn nữa trong Kinh Lạy Cha, chúng ta “xin tha tội cho chúng con,
như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.”
(Mt 6,12), có nghĩa là việc chúng ta thứ tha cho những người mắc
lỗi, xúc phạm đến chúng ta là điều kiện để chúng ta được Thiên
Chúa tha thứ tội lỗi, yếu hèn và phản bội xúc phạm đến Người.
3.
Các điều kiện cần có để thứ tha và hòa giải trong gia đình Kitô
hữu.
3.1 Muốn có sự thứ tha và hòa giải trong gia đình thì trước tiên,
xét về mặt tự nhiên, chúng ta phải có:
(1)
Lòng yêu thương chân thực:
“Yêu
nhau trăm sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”
”Thương thì củ ấu cũng tròn,
Không thương quả bồ hòn cũng méo”
(Củ ấu vốn méo còn quả bồ hòn vốn tròn)
(2) Sự nhường nhịn lẫn nhau:
“Chồng
giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời mà khê”
Hay “Chồng giận thì vợ bớt lời,
Chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng”
Hay “Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở thưa anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi?
Muốn cưới vợ lẽ, em thì cưới cho”
(Câu cuối chỉ là kế hoãn binh để chồng bớt giận, bớt nóng mà thôi)
3.2 Còn về mặt siêu nhiên thì chúng ta cần có
(1)
Tâm hồn khiêm nhường, tinh thần hy sinh, lòng bao dung quảng đại,
và nhất là Đức Ái Kitô giáo:
“Đức
Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang,
không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không
nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin
tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
(2)
Nỗ lực sống theo Phúc Âm:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc
thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc
thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên
Chúa.” (Mt 5,3-4.7.9).
(3) Đời sống cầu nguyện: sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chúng
ta vượt thắng chính mình. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta “xin tha
tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi
với chúng con.” (Mt 6,12), có nghĩa là việc chúng ta thứ tha cho
những người mắc lỗi, xúc phạm đến chúng ta là điều kiện để chúng
ta được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, yếu hèn và phản bội xúc phạm
đến Người.
(4) Siêng năng đón nhận các Bí tích nhất là Bí tích Thống Hối
Hòa Giải và Thánh Thể. Bí tích Thống Hối Hòa Giải chẳng những
sẽ xóa tan mọi tội lỗi và đem lại bình an thâm sâu cho tâm hồn
chúng ta mà còn cho chúng ta cơ hội cảm nghiệm lòng thương xót
bao la của Thiên Chúa đối với mỗi người đầy tội lỗi và yếu hèn.
Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm sâu sắc về tình thương tha thứ
ấy của Thiên Chúa, chúng ta mới dễ dàng tha thứ cho vợ hay chồng,
cho cha mẹ hay con cái của mình. Còn Bí tích Thánh Thể sẽ đưa
chúng ta vào mối hiệp thông yêu thương với Thiên Chúa và với tha
nhân, trước hết là với những người thân trong gia đình của chúng
ta.
III.
KẾT LUẬN
Một gia đình yêu thương đầm ấm là Thiên Đường dưới thế. Một gia
đình bất hòa, chia rẽ, ghen ghét nhau thì quả là địa ngục trần
gian. Ai cũng muốn sống trong Thiên Đường và chẳng ai thích sống
trong địa ngục. Cho nên điều tối quan trọng là làm thế nào để
gia đình mình thành Thiên Đường dưới thế. Việc ấy không vượt quá
khả năng của chúng ta, miễn chúng ta biết tận dụng những điều
kiện thuận lợi tự nhiên và những ơn trợ lực siêu nhiên mà Thiên
Chúa TÌNH YÊU sẵn sàng ban cho chúng ta.
IV.
CHIA SẺ
1. Trong đời sống gia đình, ông bà anh chị đã giải quyết những
lần xẩy ra bất hòa, xung khắc, xúc phạm như thế nào? Hãy chia
sẻ kinh nghiệm với các gia đình khác.
2. Từ kinh nghiệm sống của gia đình mình, ông bà anh chị thấy
những yếu tố nào là quan trọng nhất để có thể thứ tha và hòa giải
trong gia đình? Hãy chia sẻ đúc kết kinh nghiệm ấy với các gia
đình khác.
V.
THỰC HÀNH
Mỗi người, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình chọn một hai việc cụ
thể về thứ tha và hòa giải làm quyết tâm thực hành trong tuần,
trong tháng.
Ghi
chú:
Đề
tài này được Ban Mục Vụ Gia đình Giáo phận Tp HCM chọn làm CHỦ
ĐỀ cho NGÀY THÁNH HÓA GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN ngày 28.12.2002)
|