|
|
Củng
Cố Tình Yêu và Hạnh Phúc Gia Đình |
|
BÀI
BA: TÌNH
Về
tình yêu vợ chồng tôi cũng xin được phép lưu ý quý ông bà anh
chị chỉ hai điều sau đây mà thôi:
1.
Điều đáng lưu ý thứ nhất:
Nếu
như quý ông bà anh chị đã vì yêu nhau mà kết hôn với nhau và nguyện
"sống đời ở kiếp" vớí nhau, thì không phải vì thế mà
tình yêu không có thể bị sói mòn, thậm chí bị giết chết. Vợ chồng
muốn có mãi 'tình yêu nồng thắm, tươi trẻ...”, thì hai người phải
dầy công vun đắp và phải cảnh giác đối với các nguyên nhân dẫn
tới tình trạng phai nhạt hay giết chết tình yêu.
Có
nhiều nguyên nhân có thể giết chết hay ít ra là làm giảm bớt tình
yêu giữa vợ chồng. Có thể là tính tình, sở thích của hai người
quá xung khắc mà cả hai hoặc một bên ngoan cố, độc đoán không
chịu thay đổi và thích ứng cho phù hợp. Có thể là đời sống kinh
tế quá khó khăn. Có thể là sự ngoại tình của một người phối ngẫu.
Nhưng tôi muốn lưu ý cách đặc biệt đến một nguyên nhân tự nó là
không quan trọng nhưng lại có tác hại vô cùng to lớn: Đó là sự
thờ ơ của một hay của cả hai người không coi trọng việc chăm sóc
vun trồng tình yêu.
Khác
hẳn với thời gian đầu của cuộc sống lứa đôi, càng khác xa với
thời gian chưa cưới, giờ đây vợ chồng sống bên nhau mà ít quan
tâm săn sóc cho nhau. Sống với nhau 5-10, 15-20 thậm chí 25 năm
rồi, có với nhau hai ba mặt con rồi, hai người bìết quá rõ về
nhau, cả sở trường lẫn sở đoản, cả đức tính lẫn nết xấu của nhau,
nên vợ chồng dễ lơ là chểnh mảng việc chăm chút cho nhau. Chăm
chút cho nhau không chỉ miếng cơm, ngụm nước, mà còn cần phải
biết quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, hoài bão của nhau nữa.
Quan tâm để chia sẻ, nâng đỡ, khích lệ và ủi an.
Có
nhiều phụ nữ phàn nàn là sau khi lấy chồng rồi thì không còn biết
đến chuyện gì khác ngoài chuyện chồng con, bếp núp. Bao nhiêu
sinh hoạt thời con gái (sinh hoạt hội đoàn, giáo lý, xã hội) bị
gác hết sang một bên. Có nhiều người chồng trách cứ vợ là chẳng
quan tâm gì đến hoài bão, ước mơ của mình; vợ chẳng để ý gì đến
thành công hay thất bại trong công ăn việc làm của mình; vợ chẳng
chia sẻ với mình những công việc “ích nước lợi đân” mà chồng tha
thiết, say mê. Hai người tuy "đồng sàng" (cùng ngủ một
giường) mà "dị mộng" (ôm ấp, theo đuổi những ước mơ
khác nhau). Chúng ta đừng quên rằng vợ-chồng và cha mẹ-con cái
được Thiên Chúa và Giáo hội mời gọi xây dựng gia đình thành một
cộng đoàn hiệp thông sâu sắc với nhau trong mọi lãnh vực nhân
bản cũng như tâm linh của con người.
Vì
thế hôn nhân lý tưởng là hôn nhân giữa hai người cùng lúc vừa
là vợ là chồng của nhau vừa là bạn tâm tình, là đồng chí của nhau.
2.
Điều đáng lưu ý thứ hai:
Sự
chăm chút cho nhau giữa vợ chồng còn phải được quan tâm trong
một lãnh vực hết sức tế nhị, khó và ngại nói, nhưng cũng rất cần
phải nói: Đó là việc chăm chút cho nhau trong đời sống ái ân vợ
chồng. Điều này quan trọng hơn chúng ta thường nghĩ.
Trong
một cuốn sách nhỏ nói về hạnh phúc lứa đôi có tựa đề là HOW TO
KEEP YOUR WIFE HAPPY? (Tạm dịch: LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐEM LẠI HẠNH PHÚC
CHO VỢ?), tác giả là William W. Orr đã đưa ra kết quả một cuộc
điều tra đáng chúng ta suy nghĩ. Câu hỏi người điều tra đặt ra
cho các bà vợ là: "Chị có được thỏa mãn trong đời sống chăn
gối với chồng không?" Nếu như chúng ta làm cuộc điều tra
này tại Việt Nam và nhất là tại các giáo xứ, thì chắc chẳng có
người vợ công giáo nào dám trả lời vì câu hỏi ấy quá tế nhị và
liên quan tới chuyện riêng tư, thầm kín rất khó nói.
Kết
quả cuộc điều tra kể trên khiến nhiều người phải kinh ngạc: Cứ
trong số 10 người vợ trả lời câu hỏi được nêu, thì chỉ có một
người cho biết là được thỏa mãn trong đời sống ái ân với chồng
mà thôi. Tại sao vậy? Chắc chắn có nhiều nguyên nhân. Có thể là
vì các ông chồng ích kỷ, chỉ biết tìm thỏa mãn một mình mình mà
không biết chờ đợi vợ và giúp vợ mình tiến cùng một nhịp. Cũng
có thể là nhiều bà vợ chỉ biết thụ động, thậm chí chịu đựng "việc
ấy " như chịu một cực hình mà không hưởng ứng, không tham
gia với chồng. Nguyên nhân còn có thể là do yếu tố thời gian,
sự quen thuộc, khiến cả vợ lẫn chồng "cho nhau" theo
thói quen, theo nhu cầu sinh lý, không chăm chút, chuẩn bị, không
quan tâm đến việc âu yếm, vuốt ve nhau trước, trong và sau khi
"cho nhau".
Vì thế trong lãnh vực tinh tế khó nói này, vợ chồng cần quan tâm
đến một số điều quan trọng sau đây:
(1o)
Điều thứ nhất là hai người phải chân thành cởi mở với nhau, thẳng
thắn nói cho nhau biết mình được thỏa mãn hay không được thỏa
mãn trong mỗi lần vợ chồng ân ái với nhau.
(2o)
Điều thứ hai là hai người phải cùng nhau chăm chút hơn nữa đến
đời sống chăn gối, không phải chỉ quan tâm đến kỹ thuật thể lý
mà quan tâm đến các việc thể hiện lòng yêu thương trìu mến, đến
việc chuẩn bị, đến lời nói và cử chỉ âu yếm trong và sau khi ân
ái với nhau.
Một
kinh nghiệm khác của các nhà nghiên cứu đời sống gia đình được
ông William W. Orr nêu trong cuốn sách nói trên, cho thấy ít người
quan tâm đến việc ấn định trước với nhau giờ phút ái ân. Cũng
như xưa kia khi chưa lấy nhau thì hai người thường có những cuộc
hẹn hò, thì nay vợ chồng cũng nên có "thỏa thuận" trước
về thời điểm "gần gũi nhau". Làm như thế để không ai,
nhất là người vợ, bị bất ngờ và không có chuẩn bị. Hơn nữa làm
như thế thì cả hai người có thêm cái thú chờ đợi. Thật vậy, về
mặt tâm lý thì khi chúng ta càng chờ đợi một điều gì đó, thì khi
điều đó xẩy ra, chúng ta sẽ thích thú tận hưởng điều đó hơn. Cũng
như khi chúng ta càng chờ đợi một người nào đó, thì khi người
đó xuất hiện, chúng ta càng vui vẻ đón tiếp người đó hơn. Quý
ông bà anh chị có kinh nghiệm tương tự như thế không? Hãy thử
làm theo những gì tôi gợi ý ở đây xem kết quả có tuyệt vời không!
Kết
luận:
Tình
yêu vợ chồng giống như một cây cảnh quý. Nếu chúng ta muốn tình
yêu ấy luôn xinh tươi, tốt đẹp thì chúng ta không thể không quan
tâm đến việc chăm sóc, vun tưới. Vì tình yêu vợ chồng bao hàm
cả lãnh vực tâm sinh lý nhân bản và tâm linh của con người, nên
việc chăm sóc cũng cần được thể hiện trong tất cả những lãnh vực
ấy.
|
|