|
Củng
Cố Tình Yêu và Hạnh Phúc Gia Đình |
|
BÀI
BỐN: TIỀN
Tiền
là tiền của, là tài sản vật chất của vợ chồng. Không cần phải
nói thì ai trong chúng ta cũng hiểu đồng tiền quan trọng như thế
nào trong cuộc sống của con người ngày hôm nay. Có biết bao người
khổ vì không có tiền. Có biết bao người khổ vì phải kiếm tiền.
Và cũng có bao người khác khổ vì có quá nhiều tiền. Hình như người
Pháp có câu châm ngôn này: “đồng tiền là tên đầy tớ hữu dụng nhưng
lại là ông chủ bất lương”. Ý nói rằng: nếu chúng ta biết sử dụng
đồng tiền như là một phương tiện thì nó rất hữu ích; nhưng nếu
chúng ta để đồng tiền làm chủ mình thì chúng ta sẽ khốn khổ vì
nó. Nó sẽ điều khiển chúng ta và biến chúng ta thành những kẻ
tham lam, mưu mô, nham hiểm và độc ác.
Về
tiền, tôi cũng xin được phép được lưu ý quý ông bà anh chị hai
điều này thôi:
1.
Điều thứ nhất:
Tiền
bạc của cải là của chung của hai vợ chồng. Trong mỗi gia đình
việc kiếm ra tiền có thể là khác nhau: có gia đình thì là do vợ
là chính, có gia đình thì là do chồng là chính, nhưng phần lớn
thì do cả hai người cùng làm ra tiền, ngang hay gần ngang nhau.
Việc quản lý hay giữ tiền cũng khác nhau tùy mỗi gia đình: có
gia đình thì vợ là người giữ tiền, có gia đình thì chồng là người
quản lý. Cũng có gia đình thì việc quản lý là của cả hai vợ chồng.
Ai
làm ra tiền, ai quản lý tiền không phải là điều tôi muốn nói ở
đây. Điều tôi muốn đề cập với quý ông bà anh chị là việc chúng
ta có coi tiền của là tài sản chung của cả hai người hay chúng
ta coi đó là tài sản riêng của một người, ví dụ của người làm
ra nhiều tiền nhất, không? Cha ông ta đã có câu: “của chồng công
vợ" để nói lên quan điểm coi mọi thứ tài sản đều do hai vợ
chồng tạo dựng nên, tức là tài sản chung. Mà đã là tài sản chung
của hai người thì vợ chồng phải bàn bạc với nhau, phải có ý kiến
thống nhất trong việc sử dụng. Chứ không một người nào có toàn
quyền muốn chi tiêu sao thì chi tiêu, mua sắm gì thì mua sắm.
Ở Mỹ
tôi nghe kể có một người phụ nữ kia tối ngày đi shopping (mua
hàng ở siêu thị), mua hết thứ này đến thứ khác, không cần đếm
xỉa đến sự vất vả lao động của người chồng. Kết quả là hai người
chia tay. Một gia đình khác mà tôi biết cũng rơi vào cảnh tan
vỡ vì người chồng làm ra được bao nhiêu thì đem nướng hết ở sòng
bài (casino) mà không đem về cho vợ con được đồng nào. Tôi cũng
biết có hai cặp vợ chồng người Việt khác sống ở hai tiểu bang
khác nhau nhưng đều biết sự dụng đồng tiền một cách rất có ý nghĩa.
Họ không có con cái, nên mỗi tháng, mỗi năm đều dành ra một khoản
tiền giúp cho việc truyền giáo ở Việt Nam. Thậm chí họ còn thỏa
thuận với nhau là khi một trong hai người chết, thì người còn
sống không được dùng hết khoản tiền chung của hai người mà chỉ
được thừa hưởng một nửa thôi, còn nửa kia dâng cúng vào công cuộc
bác ái, từ thiện hay truyền giáo.
2. Điều thứ hai:
Tôi
muốn lưu ý quý ông bà anh chị là tiền bạc của cải là của chung
của hai vợ chồng đã đành, mà cũng là của Thiên Chúa nữa. Trong
cách nói thông thường của người công giáo, chúng ta đều xác nhận
mọi cái (cái nhà, cái xe, cái tiệm, cái công ty v.v…) chúng ta
có là đều do Thiên Chúa ban cho. Nhưng trong thực tế khi sử dụng
tiền bạc, chúng ta lại không cư xử phù hợp với chân lý ấy.
Giáo
lý của Thánh Phaolô và của Hội Thánh Công giáo rất rõ ràng về
điểm này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tiền bạc, của cải cũng
như những khả năng khác như sức khỏe, tài năng, công ăn việc làm,
hoàn cảnh và địa vị xã hội. Nhưng Thiên Chúa ban tất cả những
thứ ấy cho chúng ta không phải để chúng ta sở hữu chúng mà chỉ
để chúng ta quản lý chúng mà thôi. Chúng ta đều đã biết thế nào
là người quản lý tốt. Người quản lý tốt là người biết làm cho
số vốn được ông chủ (là Thiên Chúa) giao cho mình sinh lời sinh
lãi, chẳng những cho bản thân mà còn cho cả tha nhân và xã hội
nữa.
Nếu
chúng ta thật sự coi tiền của của chúng ta là tài sản của Thiên
Chúa, thì trước khi quyết định làm việc gì, mua sắm gì, nhất là
những thứ tốn nhiều tiền, chúng ta đều phải tham khảo ý kiến của
Thiên Chúa, vì Người là mới chính là chủ nhân ông (real owner)
của khoản tiền trong túi hay trong tài khoản ngân hàng của chúng
ta.
Kết
luận:
Tất
cả những gì chúng ta đang có trong tay, trong tủ, trong nhà, trong
tài khoản ngân hàng, trong sổ tiết kiệm đều là những nén vàng
nén bạc Thiên Chúa giao cho chúng ta quản lý để chúng ta sinh
lời sinh lãi cho mình và cho tha nhân. Chúng ta không phải là
"các ông bà chủ " mà chỉ là những người quản lý các
tài sản ấy mà thôi!
Như
vậy thì tâm tình của chúng ta phải là tâm tình biết ơn, tin tưởng
phó thác và có trách nhiệm. Biết ơn vì Thiên Chúa đã chu cấp cho
chúng ta những thứ chúng ta cần thiết cho cuộc sống. Tin tưởng
phó thác vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trách nhiệm
vì chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về cách chúng
ta sử dụng tiền bạc của cải - cũng như những hồng ân khác - mà
chúng ta đã lãnh nhận đấy!
|