|
|
Củng
Cố Tình Yêu và Hạnh Phúc Gia Đình |
|
BÀI
SÁU: TIN
Tin
là Niềm Tin, là Đời Sống Đức Tin, là Cách sống Đức Tin của hai
vợ chồng.
Có
lẽ một số ông bà anh chị đã thầm trách tôì là đã không nói đến
vấn đề Đức Tin - là vấn đề quan trọng bậc nhất - ngay từ đầu.
Vì chưng đối với chúng ta là các Kitô hữu thì mọi lời ăn tiếng
nói, mọi suy nghĩ hành động đều phải xuất phát từ Niềm Tin Kitô
của mình. Quả đúng như vậy. Tất cả mọi sinh hoạt con người đều
phải bắt nguồn từ Niềm Tin, đều phải đối chiếu với Niềm Tin, đều
phải thấm nhuần Niềm Tin. Tôi nói là tất cả: cả trong việc đón
nhận những khác biệt về giới, về tính tình và sở thích đến việc
giải quyết và hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống gia đình;
cả trong việc tìm kiếm và xử dụng tiền bạc; cả trong việc đón
nhận và giáo dục con cái; thậm chí cả trong việc vợ chồng yêu
thương hy sinh cho nhau cho đến việc ăn nằm, ân ái với nhau (Xin
hãy nhớ lời cầu nguyện của Tobia (Tb 8.4-8) là một bài đọc trong
Lễ Hôn Phối).
Vì
thế khi trình bày các vấn đề tính, tình, tiền, tử ở trên tôi đều
lấy tinh thần Kitô giáo làm chuẩn cho cách nhìn và giải quyết
vấn đề. Nhưng tôi vẫn muốn sắp xếp mục Đức Tin ở mục cuối cùng
bài nói chuyện này vì đó là điều quan trọng nhất và bao trùm tất
cả các vấn đề đã được trình bày từ đều cho đến giờ. Chúng ta nên
nói gì với nhau ở bài cuối cùng này?
Tôi
cũng xin được lưu ý quí ông bà anh chị hai điều:
1.
Điều thứ nhất:
Phần
lớn chúng ta nghĩ đơn sơ rằng: mình đã có Đạo, đã có Đức Tin,
thì chỉ cần giữ Đạo, giữ Đức Tin ấy (tức không để mất Đạo, mất
Đức Tin) là đủ. Thật ra không phải thế. Đức Tin như hạt cải được
gieo vào lòng chúng ta. Đức Tin ấy phải được lớn lên, phải được
phát triển, phái đâm rễ sâu vào cuộc đời chúng ta và phải sinh
hoa kết trái công bằng và bác ái cho những người xung quanh. Muốn
cho hạt giống Đức Tin lớn lên thì chúng ta phải chăm bẵm, vun
trồng. Chăm bẵm vun trồng bằng đời sống cầu nguyện, bằng đời sống
Bí Tích, bằng việc học hỏi nâng cao trình độ hiểu biết về Giáo
Lý, Thánh Kinh, Thần học, Công Đồng. Chăm bẵm vun trồng hạt giống
Đức Tin bằng đời sống bác ái, hy sinh, bằng cách chu toàn bổn
phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Thường thì từ sau ngày
lập gia đình, chúng ta phải lao đầu vào việc làm ăn sinh sống
để kiếm tiền đảm bảo kinh tế cho gia đình, mà sao lãng việc phát
triển đời sống Đức Tin của mình và của bạn đời mình. Sau 5, 10,
15, 20, 25 năm, chúng ta ít nhiều đã có tài sản và cơ nghiệp,
đã có “của ăn của để” như kiểu nói bình dân, thì chúng ta được
thong thả hơn để nhìn lại vấn đề và điều chỉnh cuộc sống một cách
phù hợp.
Việc
trau dồi đời sống Đức Tin càng ngày càng là một đòi hỏi hợp lý
và cấp bách trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cao như
ngày nay. Chúng ta có thể dùng một hình ảnh khá bình dân: giống
như con người có hai chân để có thể bước đi một cách cân bằng,
vững chãi thì những người có đạo cũng cần có hai chân để bước
mạnh và tiến xa: một chân là kiến thức trình độ học vấn đời thường,
một chân là vốn liếng Giáo lý, Thánh kinh, Thần học. Có nhiều
người trong chúng ta là bác sĩ, kỹ sư, giám đốc công ty, chủ nhà
máy, dân biểu hay thượng nghị sĩ quốc hội, nhưng chỉ có vốn giáo
lý xưng tội rước lễ vỡ lòng. Thử hỏi làm sao những người ấy có
đời sống tinh thần và cân đối và phong phú?
2.
Điều thứ hai:
Hôn
nhân Kitô giáo là một Bí Tích, Bí Tích của Tình Yêu. Nhưng có
thể cả khi quí ông bà anh chị theo học các Khóa Giáo Lý Chuẩn
Bị Hôn Nhân trong thời gian trước đây cũng như những năm tháng
sau này của đời sống gia đình, có lẽ quí ông bà chị ít có dịp
tìm hiểu một cách cặn kẽ, đầy đủ ý nghĩa của Bí Tích ấy. Ngày
nay ở một số nơi, việc giúp các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời
sống hôn nhân chỉ được thực hiện cách sơ sài, làm chiếu lệ cho
có, thì làm sao mà các người làm chồng làm vợ thấu hiểu được ý
nghĩa của Bí tích Hôn nhân và biết cách sống Bí tích Hôn nhân
ấy cho phong phú và hiệu quả?
Chúng
ta thường chỉ được dạy rằng: Bí Tích Hôn Nhân làm cho chúng ta
thành vợ thành chồng trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Mà chúng
ta không hề biết rằng Bí Tích Hôn Nhân là hồng ân Thiên Chúa ban
cho chúng ta để chúng ta sống đời vợ chồng một cách phong phú,
thánh thiện mỗi ngày. Sống Bí Tích Hôn Nhân có nghĩa là chúng
ta nhìn nhận Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích của Tình Yêu.
Sống Bí Tích Hôn Nhân có nghĩa là hai vợ chồng phải yêu nhau như
Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Giáo hội. Sống Bí Tích Hôn Nhân
còn có nghĩa là đời sống hôn nhân và gia đình của chúng ta phải
trở nên Bí Tích tức trở thành dấu chỉ và công cụ của Tình Yêu
đối với tha nhân và thế giới, nghĩa là qua cuộc sống và tình yêu
của hai vợ chồng, Tình Yêu của Thỉên Chúa hiện diện trong thế
giới loài người.
Kết
luận:
Linh
mục Đào Quang Chính, Dòng Đa Minh đã phổ biến một bài viết với
tựa đề: BẠN LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO LOẠI NÀO? trên Vietcatholic News
ngày 25/02/2004. Theo cha Chính thì có hai cách sống đạo: cách
thứ nhất là “biểu dương đức tin” (Demonstration of faith) và cách
thứ hai là “tìm hiểu đức tin” (Understanding of faith).
Cách
sống đạo “biểu dương đức tin” có một số dấu hiệu như: Đi nhà thờ
thường xuyên, hàng tuần, hằng ngày - Đi chầu Thánh Thể - Rước
kiệu - Ăn chay hãm mình đền tội - Hành hương. Và có các việc bác
ái như: Thăm viếng người bệnh trong nhà thương, tư gia - Làm thừa
tác viên Thánh Thể, đọc sách trong nhà thờ - Đọc kinh liên gia
trong giáo xứ - Thăm viếng và an ủi người cô nhi, quả phụ - Mời
người khác vào trong đoàn thể Công giáo của mình - Mời người xa
nhà thờ trở lại cùng Giáo hội - Chú tâm đến ơn đặc sủng của đoàn
thể mình đang sinh hoạt. Đa số các việc này có liên quan đến nhà
thờ.
Còn
cách sống đạo “tìm hiểu đức tin” thì có các dấu hiệu như: Học
Thánh Kinh - Học thần học tại giáo xứ, các trường đại học (Bible
class) - Đi dự các buổi thuyết trình, hội thảo tại các hội nghị.
Và có các việc thường làm như: Dậy giáo lý tại giáo xứ - Tranh
đấu cho công bằng, bác ái xã hội - Tranh đấu cho quyền lợi con
người (nhân quyền) - Giúp đỡ người cô thân, cô thế, tỵ nạn - Giúp
đỡ các quốc gia nghèo.
Xin quí ông bà anh chị cho tôi được phép hỏi: quí ông bà anh chị
là người công giáo loại nào?
CÂU HỎI TRAO ĐỔI CHIA SẺ
Câu
1: Để gia đình có hạnh phúc, chắc chắn cần phải có nhiều
điều kiện (1. Tình yêu, 2. Sự hòa hợp, 3. Đời sống kinh tế, 4.
Đời sống tinh thần và tâm linh, 5. Con cái). Theo kinh nghiệm
riêng của mình xin quí ông bà anh chị cho biết ba điều kiện nào
là quan trọng nhất?
Câu
2: Niềm Tin (Đức Tin, Cậy, Mến, Cầu nguyện) đã giúp quí
ông bà anh chị như thế nào để quí ông bà anh chị vượt qua các
khó khăn và bảo toàn hạnh phúc gia đình của mình?
|
|