dongcong.net
 
 


NGÀY 17 THÁNG 3
THÁNH PATRICK
Lễ Nhớ tùy ý

19-A.1 Thánh Patrick đặt nền tảng công cuộc tông đồ trên việc cầu nguyện và hãm mình.

Câu truyện cuộc đời thánh Patrick từ khởi đầu đến kết thúc là một cuộc mạo hiểm thánh thiện. Sinh trong một gia đình Công Giáo tại nước Anh vào cuối thế kỷ IV, bấy giờ là thuộc địa của Roma, khi còn là một thiếu niên, Patrick đã bị bọn hải tặc bắt đem về Ái nhĩ lan, một miền đất từng có thời rất văn minh, nhưng khi ấy đã suy tàn. Tại Ái nhĩ lan, Patrick bị bán cho một tộc trưởng, và ông này bắt ngài đi chăn heo. Theo truyền tụng, nơi ngài bị bắt là Slemish, hiện nay là Antrim.

Patrick luôn coi thảm họa này như một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống vì tội lỗi của ngài. Ngài đã kể lại, Khi ấy tôi mười sáu tuổi. Tôi không biết Thiên Chúa thật; và tôi bị bắt sang Ái nhĩ lan với nhiều ngàn người khác, đáng với tội lỗi chúng tôi, vì chúng tôi đã xa lìa Chúa, không giữ các giới răn của Người, không tùng phục các linh mục, những vị thường nhắc nhở cho chúng tôi về phần rỗi của chúng tôi.1
Tuy nhiên, giữa cảnh lầm than, ngài đã hồi tưởng lại những bài học thời thơ ấu và trở về với Chúa. Giờ đây, sau khi tôi đã đến Ái nhĩ lan, công việc hằng ngày của tôi là chăn dắt đoàn vật; và tôi thường cầu nguyện vào ban ngày. Lòng yêu mến và kính sợ Chúa ngày càng gia tăng, đức tin tăng triển, tinh thần được đánh động, thành ra trong một ngày tôi thường đọc nhiều trăm kinh, và ban đêm cũng gần được chừng ấy; tôi thường ở lại trong rừng và trên núi vì mục đích ấy. Trước lúc tảng sáng, tôi thường thức dậy để cầu nguyện, trên tuyết, trong băng giá, trong mưa. Tôi không cảm thấy đau đớn, cũng không biếng trễ như giờ đây, bởi vì khi ấy tinh thần trong tôi rất sốt sắng.2

Sau sáu năm trong hoàn cảnh ấy, Patrick đã tìm cách trốn thoát. Trước tiên, nhờ một số nhà buôn tốt bụng, ngài đã trốn sang Pháp, và sau cùng, ngài đã về đến quê hương và được hân hoan chào đón. Vào thời điểm ấy, Patrick không có ý định trở lại nơi bị bắt trước kia, nhưng Thiên Chúa đã có những chương trình khác. Và quả thật, trong những thị kiến ban đêm, tôi đã nhìn thấy một người tên là Victoricus từ Ái nhĩ lan đến, mang theo vô số thư từ. Ông trao cho tôi một bức, và tôi đọc phía trên bức thư có hàng chữ ‘tiếng kêu từ Ái nhĩ lan’; và trong khi đang đọc lớn phần đầu bức thư ấy, tôi nghĩ rằng ngay lúc ấy tôi nghe thấy tiếng kêu của những người đang sống gần khu rừng Foclut, sát với biển Tây. Họ đồng thanh kêu lớn: ‘Chúng tôi năn nỉ, ôi bạn trẻ, hãy đến, và một lần nữa hãy đi lại giữa chúng tôi.’ Tôi tan nát trong lòng, không đọc thêm nữa. Và thế là tôi thức giấc. Cám tạ Thiên Chúa, vì sau nhiều năm, Chúa đã ban cho họ điều họ kêu xin.3
Sau đó, Patrick sang Auxerre, Pháp một vài năm để chuẩn bị cho sứ mạng bằng việc học tập dưới quyền thánh Germanus, người được Đức Celestine I giao phó việc chuẩn bị cho công cuộc truyền giảng xứ Ái nhĩ lan. Tuy nhiên, Patrick vô cùng thất vọng vì không được tuyển chọn; sứ vụ được giao phó cho một người khác tên là Palladius.4 Nhưng Palladius đã qua đời ngay khi vừa đặt chân đến Ái nhĩ lan, và thế là đoàn người đành quay về Auxerre. Lúc ấy, Patrick được chọn để thay thế và được thánh Germanus tấn phong giám mục.

19-A 2. Hướng đến mọi tầng lớp xã hội.

Khi đặt chân lên đất Ái nhĩ lan vào năm 432 để truyền giáo cho một dân tộc ngoại giáo hiếu chiến, thánh Patrick đã có một đức tin sắt đá kiên vững trong mọi thử thách, một sự khôn ngoan thực tế, và một kiến thức về đất nước, ngôn ngữ và phong tục địa phương.

Trong công việc, thánh Patrick đã giữ một tập quán. Mỗi khi đến một miền nào, trước tiên thánh nhân đến trình diện và giảng Phúc Âm cho vị tộc trưởng địa phương, và trao tặng một ít quà cáp theo tập tục thời ấy. Các tài liệu cổ xưa kể lại, mặc dù có một số tộc trưởng qui thuận đức tin, nhưng một số kẻ khôn ngoan thế gian vẫn giữ lại một số tập tục dễ dãi của tổ tiên họ. Tuy nhiên, thánh Patrick luôn yêu cầu hai điều mà lúc nào ngài cũng thành công: xin một miếng đất để xây nhà thờ; và xin phép tộc trưởng để rao giảng cho dân chúng.

Kế đó, thánh Patrick hướng về phía các con trai con gái của vị tộc trưởng. Lúc này, thành công của ngài hầu như rất khả quan. Lúc trước tại Ái nhĩ lan, khi chưa nghe biết về Thiên Chúa, người ta thờ lạy bụt thần và các sự quái gở. Gần đây, họ đã trở thành một dân tộc của Chúa, và được gọi là con cái Chúa. Các con trai con gái của các tộc trưởng Ái nhĩ lan trở thành các đan sĩ và trinh nữ của Chúa Kitô.

Đặc biệt, một nữ lưu Ái nhĩ lan dòng dõi quí phái vị vọng, rất xinh đẹp, khôn lớn, và đã được rửa tội; sau một vài ngày, bà đã đến gặp chúng tôi vì một lý do gì đó. Bà tỏ cho chúng tôi biết bà đã được một thiên thần của Thiên Chúa cảnh báo, và khuyên bà hãy trở thành một trinh nữ của Chúa Kitô, và sống thân mật với Thiên Chúa. Cám tạ Chúa, sáu ngày sau, rất đáng khen và hăm hở, bà ấy đã giúp tất cả các trinh nữ của Thiên Chúa làm theo như bà; nhưng vì không được sự đồng ý của cha mẹ họ; nên họ bị thân nhân bắt bớ và quở mắng; tuy nhiên, con số họ ngày càng gia tăng.5

Điều này đã đặt nền tảng cho công cuộc hoán cải về sau của rất đông dân thường mà thánh Patrick đã đề cập đến. Chính ngài đã đích thân rửa tội cho ‘nhiều ngàn người”: Điều hết sức cần thiết là chúng ta phải giăng những chiếc lưới của chúng ta để đem vô số đám đông về cho Chúa. Mọi nơi nên có linh mục được phong chức để rửa tội và nâng đỡ những người nghèo khó và túng quẫn.6

Tuy nhiên, ta không nên nghĩ rằng mọi việc đều xuôi thuận. Nhiều lúc thánh Patrick đã gặp nguy hiểm từ mọi nơi, nhất là bọn Druids, những kẻ đối nghịch không đội trời chung. Nhờ khôn ngoan, thánh nhân đã thoát được; và hơn một lần, Chúa quan phòng đã phải can thiệp để cứu ngài. Tuy nhiên, thử thách gian truân nhất đối với thánh Patrick là sự chống đối từ phía các anh em Kitô giáo tại Anh và Pháp. Họ truyền cho nhau nhiều câu truyện bịa đặt về ngài, đến độ ngài đã phải dùng ngòi bút để tự vệ. Nhờ đó, chúng ta ngày nay mới may mắn có được quyển Tự Thuật của thánh nhân, tài liệu chủ yếu về những chi tiết trong cuộc đời của ngài.

19-A.3 Đức tin và văn hóa.

Giáo đoàn do thánh Patrick thành lập mang một số đặc trưng rất rõ nét. Sứ điệp Phúc Âm ăn rễ sâu và biến đổi từ bên trong mà không hủy diệt nền văn hóa Celtic. Chúng ta giờ đây khó mà tưởng tượng được dân tộc và văn hóa của họ sẽ như thế nào, nếu không được thấm nhuần tinh thần Kitô Giáo sâu xa, ngay cả nhiều thế kỷ về sau. Vì thế, nền văn hóa ấy luôn phù hợp với đức tin. Về giáo lý cũng như về việc truyền bá Phúc Âm nói chung, chúng ta được mời gọi đem sức mạnh Phúc Âm vào trái tim của từng nền văn hóa và mọi nền văn hóa. Vì mục đích này, người làm công tác giáo lý phải tìm hiểu các nền văn hóa và những yếu tố chính của chúng; phải biết các biểu hiện ý nghĩa nhất của chúng; phải tôn trọng các giá trị và sự phong phú riêng của chúng… Họ phải ghi nhớ hai điều sau đây.

Thứ nhất, không được tách rời sứ điệp Phúc Âm khỏi nền văn hóa nguyên thủy của nó (tức là thế giới Thánh Kinh, chính xác là địa phương văn hóa mà Chúa Giêsu thành Nazareth đã sống), cũng đừng tách biệt khỏi những nền văn hóa mà sứ điệp Phúc Âm đã được diễn tả theo dòng các thế kỷ.

Thứ hai, sức mạnh của Phúc Âm biến đổi và chấn hưng mọi sự. Khi hội nhập vào một nền văn hóa, chắc chắn sức mạnh ấy sẽ chỉnh đốn nhiều yếu tố của nền văn hóa này. Nếu như Phúc Âm đã bị biến dạng khi tiếp xúc với các nền văn hóa, thì có lẽ đã chẳng còn giáo lý. Quên điều này tức là vấp vào điều thánh Phaolô đã mạnh mẽ tố cáo là ‘làm trống rỗng sức mạnh thập giá của Chúa Kitô’ (1 Cr 1:17).7

Điểm đặc trưng thứ hai của giáo đoàn mới mẻ này là bản chất tông đồ sâu xa. Những người đầu tiên được hưởng nhờ lợi ích từ động lực tông đồ là những người Picts xứ Scotland, sau đó là các bộ tộc man di định cư tại những miền hoang tàn của đế quốc Roma tại Bắc Âu: Pháp, Đức, và xa nữa là Lombardy. Kể từ giai đoạn ấy, quê hương Ái nhĩ lan của các nhà truyền giáo thánh thiện và học thức đã nổi danh khắp thế giới Kitô Giáo là ‘đảo các thánh và các học giả.’ Mặc dù giai đoạn hoàng kim ấy đã chấm dứt vào thế kỷ IX, khi Ái nhĩ lan rơi vào tay những người Vikings xâm lược, nhưng các di sản của thánh Patrick không suy suyễn và vẫn trường tồn qua các thăng trầm của lịch sử.

Điểm đặc trưng thứ ba mà đức tin của thánh Patrick đã nung đốt cho giáo đoàn ở đây là sự hợp nhất với Tòa Thánh, suốt từ khi có ủy nhiệm thư đầu tiên của Đức Celestine. Thánh Patrick đã mô tả những người tín hữu yêu quí của ngài là Giáo Hội người Ái nhĩ lan, tức là Giáo Hội Roma.8 Sau khi thánh Patrick qua đời, thánh Columbanus đã thưa với Đức Boniface IV: Chúng con những người Ái nhĩ lan… là môn đệ của thánh Phêrô và Phaolô… Chúng con nắm giữ vững vàng đức tin Công Giáo mà chúng con trước tiên đã được lãnh nhận từ cha.9 Lời tuyên xưng này đã được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại vào năm 1979: Ái nhĩ lan luôn luôn trung thành – ‘semper fidelis.’10

Ngày nay, khi cám tạ Thiên Chúa về đặc ân đức tin thánh Patrick đã truyền lại, chúng ta hãy quyết tâm noi theo gương sáng của ngài. Chúng ta hãy sống những lời được truyền tụng là của chính ngài:

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)