dongcong.net
 
 


KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU: I
Thứ Sáu sau Chúa Nhật thứ hai sau lễ Hiện Xuống
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Lễ Trọng

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã có từ thời Trung Cổ như một hình thức đạo đức tư; và được thiết lập thành một lễ trong phụng vụ vào năm 1675, sau những lần Chúa hiện ra với thánh nữ Margaret Mary Alocoque. Qua những mặc khải này, thánh nữ được hiểu biết sâu xa về nhu cầu phải đền tạ vì các tội lỗi riêng cũng như tội lỗi toàn thế giới, để đáp lại tình yêu Chúa Kitô. Chúa yêu cầu thánh nữ cổ động việc thường xuyên hiệp lễ, nhất là vào các ngày thứ Sáu đầu tháng, với tâm tình đền tạ. Chúa muốn thiết lập một lễ đặc biệt kính Thánh Tâm vào ngày thứ Sáu sau tuần bát nhật kính Mình Máu Thánh. Ngày lễ này đã được mừng lần đầu vào ngày 21 tháng 6 năm 1686. Đức Pius IX sau đó đã cho mừng trong toàn Giáo Hội. Và năm 1928, Đức Pius XI đã nâng lên bậc lễ như hiện nay.
Qua biểu hiệu Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta trước tiên nhớ đến tình yêu vô cùng của Chúa Kitô dành cho từng linh hồn. Vì vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm – theo lời Đức Gioan Phaolô II đã nói trong giáo huấn về mầu nhiệm đầy ủi an này - phát xuất từ những nguyên tắc của giáo lý Kitô Giáo.

49.1 Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ.

Trong Ca Nhập Lễ hôm nay, chúng ta đọc rằng, Tư tưởng lòng Người còn mãi từ đời nọ sang đời kia, để cứu gỡ linh hồn họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.1

Có hai khía cạnh gắn liền trong đại lễ chúng ta mừng kính hôm nay: thứ nhất, đó là việc tạ ơn về những kỳ công của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta; thứ hai, đó là sự đền tạ, bởi vì tình yêu Chúa thường phải chịu một sự đền đáp tệ bạc và bất xứng,2 ngay cả nơi chúng ta là những người có nhiều lý do phải yêu mến và tạ ơn Chúa. Căn bản lòng đạo đức Kitô Giáo vẫn luôn là việc suy về tình yêu Chúa Kitô dành cho nhân loại; vì vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa phát xuất từ những nguyên tắc giáo lý Kitô Giáo.3 Nhiều vị thánh đã có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa một cách đặc biệt. Các thánh đã được Chúa cho biết nhiều điều kín nhiệm của Trái Tim đáng mến của Người, khiến các ngài truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm và hun đúc một tinh thần đền tạ.

Vào thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ kính Mình Máu Thánh, Chúa đã yêu cầu thánh nữ Margaret Mary Alacoque cổ động việc thường xuyên hiệp lễ… nhất là vào các thứ Sáu đầu tháng với tinh thần đền tạ. Chúa hứa cho thánh nữ được thông chia nỗi đau đớn của Người tại vườn Cây Dầu, từ thứ Năm đến đêm thứ Sáu. Một năm sau, Chúa lại hiện ra và tỏ cho thánh nữ thấy Trái Tim rất thánh của Người; Chúa phán những lời tha thiết, nung nấu lòng sốt sắng của nhiều linh hồn: Con hãy xem Trái Tim này đã yêu dấu loài người quá bội, không giữ lại gì cho mình, đến nỗi đã hoàn toàn cạn kiệt để chứng tỏ cho họ thấy lòng yêu. Đáp lại, Cha chẳng nhận được gì ngoài sự vô ơn tệ bạc, vì thái độ bất kính và những phạm thánh của họ, vì sự nguội lạnh và khinh dể họ dành cho Cha trong bí tích Tình Yêu. Nhưng điều làm Cha đớn đau nhất là trái tim của những người tận hiến cho Cha cũng xử với Cha như thế. Vì vậy, Cha xin con dùng ngày thứ Sáu sau tuần bát nhật kính Mình Máu Thánh làm ngày tôn vinh Thánh Tâm Cha, hãy rước lễ đền tạ, cùng với một hành vi khổ chế…

Trong Giáo Hội, nhiều tín hữu có tập quán làm việc đền tạ vào các thứ Sáu đầu tháng bằng một hành vi Thánh Thể, hoặc đọc kinh cầu Thánh Tâm. Tháng Sáu được hiến dâng đặc biệt để tôn kính Thánh Tâm Chúa, không phải chỉ một ngày – ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa thường rơi vào tháng này – mà là mọi ngày.4

Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch và là biểu hiện tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người, cho dù tình trạng của họ như thế nào. Chúa tìm kiếm mỗi người chúng ta. Sách ngôn sứ Ezechiel có một đoạn trích rất hay: Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm non đến chúng. Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình, vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, thì Ta cũng chăm nom chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng tán loạn, và ngày mây mù đen tối.5 Mỗi người đều được Chúa Cha giao cho Chúa Con, để không bị chết, mặc dù họ đã lạc xa Người.

Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và người thật, yêu thương trần gian bằng một trái tim nhân tính,6 trái tim ấy như kênh chuyển thông tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Không ai đã từng yêu và có thể yêu chúng ta cho bằng Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói, Người đã yêu thương tôi, và đã phó mình vì tôi.7 Mỗi người chúng ta đều có thể tự hào nói lên lời ấy. Trái Tim Chúa tràn đầy tình yêu, tràn đầy vì Người vừa là Thiên Chúa, vừa là con người.

49.2 Tình yêu Chúa Kitô đối với mỗi người chúng ta.

Trái Tim Chúa Kitô chứa chan tình yêu hơn mọi trái tim khác. Trái Tim ấy cũng có những vui mừng và đau buồn, cảm thông và phiền não. Các thánh Sử thường ghi lại lời Chúa thổ lộ: Thầy thương đám dân này;8 Chúa động lòng thương vì họ giống như đàn chiên không có người chăn.9 Các Tông Đồ đã thành công trong chuyến rao giảng đầu tiên đã làm Chúa cũng cảm nghiệm như chúng ta khi nhận được một tin vui: Người vui mừng, thánh Luca đã ghi lại như thế:10 và Chúa đã khóc khi bạn thân qua đời.11

Chúa không giấu những nỗi thất vọng: Hỡi Jerusalem, Jerusalem, ngươi giết các tiên tri… Bao lần Ta đã qui tụ con cái ngươi…12 Biết bao lần! Chúa Giêsu nhìn thấy toàn bộ lịch sử của Cựu Ước và của nhân loại; một phần trong đó là lịch sử Israel và các dân tộc khác đã khước từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói trong đoạn Phúc Âm này, Thiên Chúa dường như đang khóc bằng cặp mắt nhân loại cho nỗi buồn nơi Trái Tim nhân tính của Người. Chúa không hững hờ trước thái độ hiếu khách và sự quan tâm dành cho khách được mời, như Người đã nói thẳng với Simon Tật Phong. Nhiều lần Chúa đã tỏ ra vui mừng khi thấy một con chiên thống hối và trở thành môn đệ, khi thấy những tấm lòng hào hiệp sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Người. Chúa vui trước niềm vui của những người mù khi được Người cho nhìn thấy, có lẽ là lần đầu tiên trong đời họ.

Trước khi ăn bữa Tiệc Ly, Chúa đã nghĩ đến việc thiết lập nhiệm tích Thánh Thể để ở lại mãi mãi với chúng ta. Chúa phán với các Tông Đồ, Thầy khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ hình.13 Cảm xúc ấy ắt càng mãnh liệt hơn nữa khi Người cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra, và trao cho các môn đệ, ‘Này là Mình Thầy…’14 Ai có thể nói lên được những tâm tư chất chứa trong Trái Tim đầy yêu thương của Chúa khi trối Mẹ Maria lại cho chúng ta trên núi Canvê?

Sau khi Chúa Giêsu đã phó linh hồn trong tay Chúa Cha, một tên lính lấy một ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra.15 Vết thương rộng mở hôm nay nhắc cho chúng ta về tình yêu bao la Chúa Giêsu dành cho chúng ta, vì Người đã sẵn lòng ban đến giọt máu cuối cùng cho chúng ta, như thể trên trần gian này chỉ có một mình chúng ta. Thế thì sao chúng ta lại không đến với Chúa Kitô trong niềm tín thác? Tội lỗi nào có thể ngăn chúng ta được, nếu tâm hồn chúng ta đủ lớn lao để nài xin ơn tha thứ?

49.3 Tình yêu đền tạ.

Sau khi đã lên trời trong thân xác hiển vinh, Chúa Kitô vẫn không ngừng yêu thương chúng ta. Chúa không ngừng mời gọi chúng ta hãy luôn sống thân mật với Trái Tim đầy yêu thương của Người. Ngay cả trong vinh quang thiên đàng, Chúa Kitô vẫn mang những thương tích nơi tay và chân, biểu trưng ba chiến thắng của Người trên ma quỉ, tội lỗi, và sự chết.

Tương tự, Chúa cũng giữ lại thương tích nơi Trái Tim, đó là đền thánh quí báu nhất, những kho tàng công trạng, những hoa trái từ ba cuộc chiến thắng của Chúa. Và Người ban rộng rãi cho nhân loại được cứu độ.16

Hôm nay, trong ngày đại lễ, chúng ta hãy tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ Trái Tim ấy trào tràn tình yêu Thần Tính và Nhân Tính. Đó là nguồn mạch phong phú những kho tàng ơn thánh Đấng Cứu Thể đã sắm cho chúng ta qua cuộc sống và cuộc khổ nạn của Người. Đó thực là một nguồn suối tình yêu bất tận Thánh Thần đã trào đổ trên tất cả những chi thể trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô.17 Hôm nay, suy niệm về tình yêu Chúa Kitô, chúng ta hãy tạ ơn Người về tặng ân cao cả và lòng thương xót nhưng không Người dành cho chúng ta. Khi nghĩ đến bao người đang quay lưng lại với Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng chính chúng ta nhiều phen cũng đã thiếu trung thành và đã có quá nhiều yếu đuối. Chúng ta hãy trở về với Thánh Tâm yêu thương, nơi chúng ta có thể tìm được sự bình an. Chúng ta hãy luôn đến với lòng thương xót Chúa và nài xin ơn bình an là hoa trái mà Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta: Cor Iesus sacratissimum et misericors, dona nobis pacem. Lạy Trái Tim Chúa Giêsu rất ngọt ngào và hay thương xót, xin ban bình an cho chúng con.

Khi đã thấy Chúa Giêsu quan tâm đến chúng ta, đến những vấn đề, những lý tưởng của chúng ta, chúng ta hãy thưa với Người: Lạy Chúa Giêsu, con xin cám tạ vì Chúa đã quyết định trở nên con người hoàn hảo, với Trái Tim đầy yêu thương và đáng mến vô cùng, Trái Tim đã yêu đến chết và chịu đau khổ, Trái Tim đầy vui mừng và sầu khổ, đã vui mừng vì những việc của con người và chỉ cho chúng con con đường về trời, đã chăm sóc những người nghèo lẫn những kẻ giàu, quan tâm những người tội lỗi và những người công chính.

Con xin cám tạ, lạy Chúa Giêsu của con. Xin ban cho chúng con những trái tim biết yêu Chúa cho cân xứng.18

Bên Chúa Giêsu, chúng ta thấy có Mẹ Người. Chúng ta hãy hướng về Mẹ vào phút cuối trong giờ cầu nguyện hôm nay và xin Mẹ dẫn chúng ta đi trên con đường vững chắc và an lành đến với Con Mẹ.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)