dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Mùa Chay Thánh
 
 
Trần Mỹ Duyệt
 
<<<    

Đi Tìm Một Ý Nghĩa Chay Tịnh

Mùa Chay của Giáo Hội là thời gian ăn chay, đền tội, trở về với chính mình. Ý nghĩa này được tìm thấy qua nghi thức xức tro của Ngày Thứ Tư Lễ Tro: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro” (Gen 3:19). Thống hối ăn năn được kể như điều kiện tối thiểu của Mùa Chay, và chay tịnh thể xác cũng như tinh thần là điều phải làm trong thời gian này. Nhưng ngoài những hành động ấy, người tín hữu có cần làm gì hơn nữa khi đối diện với những sự dữ đang xẩy ra quanh cuộc sống của mình. Họ có cần phải hướng tầm nhìn về một khía cạnh xã hội đang làm lương tâm con người phải nhức nhối, đó là vấn đề nhân loại và xã hội ngày nay đang đối xử tàn tệ với các trẻ em. Và đây cũng là những gì Đức Thánh Cha Gioan Phaolôi II đã đề cập tới qua Sứ Điệp Mùa Chay 2004 mà Ngài đã gửi cho toàn thể Giáo Hội.

Thật vậy, nghi thức xức tro của Thứ Tư Lễ Tro đã tạo nên một ý sâu xa về thân phận con người, và cùng tận của con người, đó là khi linh mục xức một ít tro trên trán mỗi người và nói với họ: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro.” Hành động này không những là một triết lý sống và còn là một niềm tin xác tín của tâm linh. Xưa nay chưa ai thoát được cái chết. Và nơi dành cho mọi người sau cái chết cũng đều rất công bằng, là một huyệt mộ đủ để gửi nắm tro tàn. Rồi cùng với thời gian, nắm tro tàn ấy cũng tan biến vào đại dương của cát bụi. “Cát bụi trở về với cát bụi”.

Trong thực tế, một khi đã trở thành cát bụi, chúng ta ít thấy có sự phân biệt giữa cát bụi này với cát bụi khác, cát bụi của một đại đế, một hoàng hậu, một công chúa, một hoàng tử, một đại tư bản, một chính trị gia, một khoa học gia, và ngay cả đến cát bụi của một nhà tu hành khác với cát bụi của một con người tầm thường nhất giữa xã hội, thí dụ, cát bụi của một anh ăn mày, một chị bán hàng rong, hay cát bụi của một em bé đánh giầy.

Nhưng nếu con người không phân biệt được sự khác nhau giữa cát bụi này với cát bụi kia, thì con người vẫn phân biệt được ý nghĩa và giá trị đời sống của những cát bụi ấy. Người đời thường nói: “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Điều này có nghĩa là dù khi con người cát bụi nào đó đã trở về với cội nguồn của nó, và nó đã hoàn toàn tan biến vào sa mạc cát bụi của thân phận con người, thì tất cả những hành vi nhân tính nó đã làm, đều được truyền tụng và biết đến. Và đây chính là lý do tại sao con người cần nhớ lại cội nguồn của mình. Cần thống hối và sửa sai về những hành động sai trái của mình.

Đối tượng của những hành động sai trái của con người là anh chị em của họ, những người mà họ vẫn thường ngày chung đụng và gặp gỡ. Chính vì vậy, khi nói mình có tội với Trời, nhưng đúng ra, phải nói rằng tội phạm của tôi đã trực tiếp xúc phạm đến anh, chị, em tôi. Ít khi chúng ta đủ lý lẽ để tức giận Trời, Phật, hay Chúa, Mẹ vì thua bạc, bị vỡ nợ, bị phá sản, nhưng chúng ta lại có đủ lý do để la lối, đánh vợ, chửi chồng, đánh con, cãi nhau với người này, người khác vì cho rằng họ là nguyên nhân gây ra những chuyện đó. Và đó là cách thức duy nhất chúng ta thường làm để phủ nhận hoặc chối bỏ sự yếu đuối hay lầm lỗi của chính mình. Sở dĩ chúng ta không dám đụng tới Trời, tới Chúa, tới Đấng linh thiêng vì chính lương tâm chúng ta. Chúng ta tự biết rằng mình đã làm gì, sai lỗi gì, nên không dám lấy chính sự thật của thần linh để thề thốt hay làm chứng cho những tư tưởng, lời nói và việc làm của mình, vì ai cũng biết rằng, thần minh, hay Thiên Chúa đều biết tất cả sự thật. Còn lại chỉ có con người mới không nắm vững được hành động sai trái của chúng ta, và do đó, chúng ta mới “cả vú lấp miệng em”, hoặc “giết người bịt miệng”.

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn một chủ đề khác với thông lệ là hướng mọi người về một hành động thống hối và bác ái rất thực tế, theo sát với trào lưu tiến bộ của con người. Một thực tại, một vấn nạn đang làm nhức nhối lương tâm con người, và đạo đức xã hội: Vấn đề lợi dụng, bạo hành, và đối xử tàn tệ với trẻ em. Ngài đã khai triển Sứ Điệp của mình dựa trên một trích đoạn Thánh Kinh của Thánh Mátthêu: “Ai vì Thầy tiếp nhận một trẻ nào như em bé đây là tiếp nhận Thầy” (Mt 18:5). Qua Sứ Điệp này, chúng ta thấy hiện lên ba khía cạnh liên quan đến tuổi trẻ, mà cả ba lại liên lạc mật thiết với những hành động thống hối, ăn năn, và bác ái của Mùa Chay. Đó là hiện tượng khai thác giới trẻ, tục hóa giới trẻ, và sát hại giới trẻ. Đức Thánh Cha nhận định: “Những lời của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy để ý xem tuổi trẻ đang được đối xử như thế nào trong gia đình, trong xã hội, cũng như Giáo Hội của chúng ta. Những lời của Chúa cũng là một động lực thúc đẩy chúng ta tái nhận thức tính cách đơn sơ và sự tin tưởng các tín hữu cần phải vun trồng theo gương Con Thiên Chúa, Đấng đã chia sẻ thân phận với các kẻ bé mọn và nghèo khổ.”

Ngày nay, nếu để ý chúng ta sẽ thấy tuổi trẻ, những người bạn thân của Chúa Giêsu đang bị đối xử một cách hết sức bất công, tàn nhẫn, và độc ác. Các em đã trở thành nạn nhân của một xã hội băng hoại về đạo đức và lương tâm. Hằng năm thống kê cho thấy nguyên trên nước Mỹ, có hơn 1 triệu thai nhi bị chết oan uổng ngay trong lòng mẹ. Đao phủ của những cái chết tức tưởi này là những cha mẹ vô đạo đức chỉ chú trọng vào những thú vui xác thịt và ích kỷ tìm sung sướng cho mình. Đao phủ của những cái chết tức tưởi này là những bác sĩ vô lương tâm và thiếu tinh thần đạo đức nghề nghiệp. Họ là những kẻ bị tiền bạc làm che mờ con mắt và lương tâm, nên sẵn sàng áp dụng mọi cách thức y khoa cho phép để loại bỏ những thai nhi vô tội.

Một số em may mắn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì lại phải sống trong cảnh cha mẹ cãi lẫy, ly thân hoặc ly dị. Số khác bị chà đạp nhân vị và nhân phẩm bằng những trận đòn vọt dã man do chính cha mẹ mình, nhân danh sự dậy dỗ và thương yêu, nhưng thật ra là chỉ để trút bỏ những nóng nẩy, giận hờn, hoặc mặc cảm của cha mẹ. Kết quả là nhiều em đã phản ứng lại bằng cách bỏ nhà đi hoang, hoặc bị chinh phục vào những sinh hoạt tội ác, băng đảng. Tội nghiệp hơn nữa, một số đã bị chính những người mà các em tin tưởng và kính trọng lợi dụng và khai thác vào những hành động tội lỗi, mà nhân phẩm của các em hoàn toàn bị chà đạp. Những con số các trẻ em bị bán vào các ổ mãi dâm, hoặc ngay ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục ngàn vụ các em bị bán làm vợ cho những người nước ngoài. Một số khác nữa thì bị dụ dỗ vào con đường nghiện ngập và hút sách. Đức Thánh Cha đã viết về tệ trạng con người ngày nay đối xử với các trẻ em như sau: “Có những thành phần giới trẻ đã bị xúc phạm nặng nề bởi hành động bạo lực của người lớn: như việc lạm dụng tình dục, bắt làm gái điếm, dính dáng đến việc buôn bán và xử dụng ma túy; bị bắt lao động và gia nhập hàng ngũ chiến đấu; luôn phập phồng về tình trạng gia đình bị đổ vỡ; bị lọt vào việc buôn bán các bộ phận con người và con người. Còn thảm cảnh hội chứng AIDS cùng với các hậu quả tai hại của nó ở Phi Châu nữa?”

Nhưng những người đã gây ra những tội ác ấy hoặc những kẻ liên quan đến những hành vi tội lỗi ấy bề ngoài lại là những kẻ có địa vị xã hội, và cả trong Giáo Hội. Họ trông nết na, đạo mạo và đáng kính, những thực chất, chính họ là những kẻ rất nham hiểm và độc ác. Điều đáng buồn là những người này không hề cảm thấy một chút ân hận và áy náy. Đó là một sự dữ kinh hoàng mà lương tâm con người vì mù quáng hoặc bị tội lỗi che khuất mới có thể làm được. Do đó, việc trở về với Chúa trong Mùa Chay năm nay đối với cha mẹ và những ngưòi có trách nhiệm đối với tương lai của tuổi trẻ là gì, nếu không phải là việc họ cần phải nhìn lại những hành vi đối xứ bất công, và hạ nhục thân phận của tuổi trẻ. Những việc làm cụ thể để bù đắp nhân danh đức ái trọn hảo, đó là cần phải tôn trọng sự sống con người, dù là những bào thai bé nhỏ. Cần phải để tâm săn sóc, lo lắng cho tuổi trẻ, giáo dục tuổi trẻ, và hướng dẫn tuổi trẻ. Nhất là giúp tuổi trẻ sống đúng với nhân phẩm và nhân vị cần được tôn trọng của các em.

Tóm lại, những gì người Kitô hữu cần phải làm trong Mùa Chay năm nay, chính là sự trở lại với tinh thần của các em nhỏ. Chính tuổi trẻ là một chứng nhân của tình yêu và Tin Mừng mà mọi người phải nhìn vào để đối chiếu mình với Thiên Chúa, và để biết rằng mình đã lỗi phạm như thế nào đối với Thiên Chúa, khi hành xử và đối đãi một cách thiếu đạo đức, bất công, và khai thác giới trẻ như hiện nay. Ngoài ra, cũng cần phải suy nghĩ lại hành vi, ngôn ngữ, và thái độ đối xử của mình đối với các em nhỏ. Vì vẫn theo Đức Thánh Cha: “Trở nên một trong thành phần hèn mọn nhất và tiếp nhận những kẻ nhỏ bé nhất đó là hai khía cạnh của cùng một giáo huấn Chúa Giêsu muốn lập lại với các môn đệ Ngài trong thời đại của chúng ta hiện nay. Chỉ có những ai biến mình thành một trong những kẻ hèn mọn nhất mới có thể yêu thương kẻ hèn mọn nhất trong anh chị em chúng ta mà thôi.” Đây mới chính là tinh thần thống hối và ăn năn thật sự của Mùa Chay năm nay.

 

<tiểu mục

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)