dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Theo Ánh Mắt Tâm Linh
 
 
John of God Khổng Nhuận
 
<<<    

Chúa làm người
để người làm Chúa

Lời tòa soạn: Đây là bài của linh mục Thiện Cẩm, OP, tác giả Mong Manh soạn lại và ban biên tập xin phép được rút gọn vì bài khá dài.


Irénée đã nói về Đức Kitô rằng: "Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người". Đó không phải là một sự thần hóa thật sự và trọn vẹn trong Con Thiên Chúa nhập thể sao? Về sau, Clémẹnt (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã làm biến đổi suy tư ấy một cách sâu xa khi quả quyết: "Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa". Trong bài giảng về người anh mình là Césaire, Grégoire đã nói: "Tôi phải được chôn cùng với Đức Kitô, tôi phải trở thành con Thiên Chúa, tôi phải trở thành Thiên Chúa" (Oratio 7,23). Một vài tác giả tu đức đã nối gót theo khi bảo rằng người tín hữu nào sống đạo đều phải "đánh mất bản thân mình trong Chúa như giọt nước tan trong biển". Nhà thần học Karl Rahner, trong bộ sách thần học của ông, "Mysterium Salutis", đã viết:

"Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa", để con người trở thành con Thiên Chúa trong ý nghĩa chúng ta vừa nói.

"Ta hãy dựng con người giống hình ảnh Ta, giống như Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia sú , dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (Gn 1, 26).

"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo người nam và người nữ"
( Gn 1, 27).

Quan trọng nhất là “Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trong đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." ( 2 Pt 1, 4).

CHÚA LÀM NGƯỜI

Trong nhiều bài viết trước đây, tôi thường nói đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể, và nhấn mạnh đến yêu cầu thể hiện mầu nhiệm ấy trong đời sống mỗi Kitô hữu nói riêng và Giáo hội nói chung, hơn là chỉ giải thích và rao giảng. Tôi cũng thường nói tới chuyện người ta xưa nay kẻ thì muốn nên thánh, kẻ muốn làm quân tử, kẻ muốn trở nên bồ tát, hay đạo sĩ vv... nhưng lại chẳng làm người. Có lẽ người ta cho rằng làm người là chuyện tự nhiên, khỏi phải làm. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, làm người không dễ! Và điều không thể chối cãi, đó là trong mầu nhiệm Nhập thể, Lời đã làm người, và trong suốt ba mươi năm trước khi công khai loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã chỉ làm người, giống như mọi người trong mọi sự, ngoai trừ tội lỗi, và sống như mọi người. Trong khi người Do thái chờ đợi một Đấng Kitô, mà họ nghĩ rằng phải là Đấng bí mật, khác người, “chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27), thì Đức Kitô lại đến như một người bình thường, ai cũng biết cả ( x.Mc 6,3), và vì thế mà họ không tin tựởng vào Người. Mà đó cũng là thói thường của con người! Người ta thường chỉ mong mỏi, chờ đợi, tin tựởng một người có địa vị, quyền thế, có tài, có khả năng đem lại cho kẻ khác một điều gì đó: công chúng chỉ hoan nghênh một ca sĩ hát hay, chỉ vỗ tay khen thưởng một anh hề biết làm cho người ta cười; dân chúng chỉ đi xem một trận bóng đá khi có những siêu sao. Người Do thái chờ đợi một Đấng Kitô nếu không phải là Đấng siêu việt từ trời mà xuống, nếu không phải như kiểu ông Elia trở lại trần thế, thì ít ra cũng phải là một vị quân vương, một đấng anh hùng. Nhưng đây họ chỉ thấy một “bác thợ, con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon” (Mc 6,3). Vì thế Máccô nói: “Và họ vấp ngã vì Người”. Vấp ngã theo nghĩa là họ lấy làm chướng, không thể chấp nhận một con người tầm thường như thế mà lại có thể là Đấng Kitô.

Nhưng Đức Giêsu thì chỉ làm người như mọi người, không tìm cách sống khác ai. Chính Người đã nói về mình: “Ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : ‘Ông ta bị quỉ ám’. Con người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, ban bè với quân thu thuế và phường tội lỗi' (Lc 7,33-34). Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn là một người thích đi hết làng này đến làng khác, thành này đến thành nọ (x.Lc 4,43; 8,1), lang thang không có chỗ tựa đầu (x.Lc 9,58).

Chính bằng cách sống đơn sơ, giản dị, với “lòng hiền hậu và khiêm nhường” như vậy (Mt 11,29), mà Đức Giêsu mặc khải, nghĩa là vén mở cho chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, chứ không đóng vai một ông vua, một ông thượng tế, kinh sư hay luật sĩ. Đêm Giáng sinh, mặc dù theo Luca trình thuật, thì “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh” các mục đồng, và “có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 2,9.13), nhưng dấu chỉ để họ nhận ra Đấng Cứu Độ, hay là Đấng Kitô Đức Chúa, vẫn chỉ là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Trong suốt cuộc đời tại thế, Đức Giêsu chỉ tỏ cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, thấy dung nhan vinh hiển của Người có một lần, và chỉ trong chốc lát (x.Mc 9,2-8; Mt 17,1-8; Lc 9,28-36).

ĐỂ NGƯỜI LÀM CHÚA

Chúa làm người để người làm Chúa. Đây không phải là chuyện phạm thượng hay chuyện kiêu ngao nhưng chuyện thật của những người đã một lần hoán cải biến đổi làm đảo lộn cuộc sống để có thể nói được “Không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đây là chuyện của những con người bị chiếm đoat, bị nắm bắt (Pl 3,12); chuyện của những con người có lòng tin sâu xa, của các nhà thần bí, của những con người chiêm niệm thật sự. Đặc biệt khi ta rước Mình và Máu Đức Kitô thì Mình Máu Người tan chảy và luân lưu trong máu thịt của ta. Đến nỗi ta có thể nói được là Chúa trở nên ta, ta trở nên Chúa (hai trong một), nhưng còn ta có sống như Chúa không? Đấy mới là vấn đề? Khi các đệ tử của Mẹ Têrêsa Calcutta đi làm việc từ thiện bác ái thì trong nhà các người Ấn Độ chỉ trỏ và nói với nhau là “Đức Kitô đang đi ngoài đường kìa!”
“Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa...” (Ga 14,12). Những dấu lạ đi theo những ai có lòng tin, đã nên một trong Chúa.

Tuy nhiên, lời Ngài nói cần phải hiểu theo nghĩa tâm linh, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen: tôi không tin rằng bất kỳ người mạnh tin nào cũng đều có thể uống thuốc độc mà không chết, hay bị rắn cắn mà không sao! Vì thế, những dấu lạ nói trên cần được hiểu như sau:

  • “Trừ được quỷ”: Quỉ tựợng trưng cho thế lực của sự ác. Người thật sự tin vào Thiên Chúa - là nguồn sức mạnh của mình - có thể thắng được những thế lực của sự ác hay của tội lỗi ngay trong bản thân mình. Cụ thể là thắng được những cám dỗ, những tư tưởng xấu, những khuynh hướng xấu, v.v… Nếu đức tin của họ mạnh hơn nữa, họ có thể giúp những người yếu tin cũng thắng được thế lực ác giống như họ.
  • “Nói được những tiếng mới lạ”: Người có đức tin đích thực và sống nhuần nhuyễn đức tin ấy sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa và Đức Giêsu, tức chứng ngộ được chân lý nơi bản thân mình. Nhờ đó họ có thể tự diễn đạt đức tin của mình theo đủ mọi phương thức khác nhau, chứ không dùng những kiểu nói sáo mòn, trống rỗng, thiếu chất sống. Họ luôn luôn dùng những cách diễn tả mới lạ, phù hợp với thời đại, với trình độ của người nghe, giúp người nghe cũng cảm nghiệm được thực tế đức tin như họ. Họ như một y sĩ đã nắm thật vững cốt yếu của y lý nên biết tùy bệnh mà tự mình cho thuốc thật hữu hiệu, phù hợp với từng căn bệnh. Họ không sao y những bài thuốc có sẵn của người khác để áp dụng chữa bệnh một cách máy móc giống như những y sĩ chưa nắm vững y lý. Hay như một thầy giáo đã tiêu hóa thật kỹ môn mình dạy nên chỉ cần nói tất cả những gì đang có sẵn trong bụng không phải lệ thuộc một bài bản nào cả. Họ có thể nói một cách sáng tạo theo đủ kiểu đủ cách mới lạ để học sinh dễ hiểu mà vẫn luôn luôn chính xác, chứ không nô lệ vào những giáo trình mẫu do người khác soan sẵn.
  • “Cầm được rắn trong tay”: Người có đức tin đích thực ắt nhiên có tâm hồn an bình và đầy tràn tình yêu. Họ coi mọi người - dù xấu ác hay ghét họ, muốn làm hại họ - như anh em ruột thịt và sẵn sàng hy sinh cho những người ấy. Vì thế, họ có thể tiếp cận và sống chung cả với những người xấu ác mà không hề bị hại, vì những người nguy hiểm này vẫn luôn cảm nghiệm được tình thương của họ dành cho mình: không ai lại muốn hại người đang yêu thương mình.
  • “Dù có uống nhằm thốc độc cũng chẳng sao”: Tất cả những nghịch cảnh, những đau khổ trong cuộc đời không thể làm mất được sự bình an và hạnh phúc của những người có đức tin thật sự. Với đức tin, họ biết rằng tất cả những đau khổ hay nghịch cảnh xảy tới đều chìm trong sự thinh lặng để lắng nghe Thánh Ý tình thương của Ngài. Họ tin rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28) và “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (8,18). Vì thế, họ rất vui khi đau khổ hay nghịch cảnh xảy tới, nên đau khổ hay nghịch cảnh cỡ nào cũng không hề làm hại được họ.
  • “Nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”: Ngoài ra người có đức tin đích thực còn có sức cảm hóa và giúp những người xấu ác - là người bị bệnh về tâm linh - trở về đường ngay nẻo chính. Họ có khả năng nâng đỡ và thêm sức mạnh cho những người yếu đuối tinh thần. Ai gần họ cũng cảm thấy mình bình an hạnh phúc hơn, tin vững mạnh vào Thiên Chúa, vào chính bản thân và tương lai mình hơn.

NHƯ CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,13-14). Đó là những lời rõ ràng và đầy đủ nhất cho thấy lập trường và thái độ của Đức Giêsu: Người ý thức rõ rệt mình là Chúa, là Thầy, nhưng không xử sự như một vị Chúa hay một bậc thầy, mà lại như một người tôi tớ

Thực vậy, Đức Giêsu Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Điều này, thánh Phaolô đã khẳng định gần 2000 năm rồi, không cần phải nhấn mạnh thêm. Ngày nay, trong thời đại dân chủ, có lẽ Chúa cũng chẳng đòi hỏi chúng ta phải làm nô lệ để hầu hạ ai, nhưng điều chắc chắn, là Người không thể chấp nhận thái độ quan liêu phong kiến, cung cách thống trị như vua chúa của những đấng bậc trong Giáo hội. Nói thế không có nghĩa là Người muốn dep bỏ quyền bính, và muốn cho Giáo hội của Người thành một nhóm người sống vô tổ chức. Trái lại, chính Người đã lập ra Hội Thánh, và trao quyền lãnh đạo Hội Thánh của Người cho ông Phêrô (x.Mt 16.18-19), chỉ khác có một điều, là Người xác định rõ cách thức mà các môn đệ phải thi hành quyền bính, đó là phải hầu hạ mọi người: kẻ làm đầu phải hầu thiên hạ (x. Mc 9, 235; Lc 22,25-27).

KẾT LUẬN

Khi làm người, Chúa trở nên đồng hàng với nhân loai, và như vậy là cho con người được nên ngang hàng với mình. Nói cách khác, Chúa làm người để người làm Chúa. Làm Chúa có nghĩa là làm chủ chính bản thân mình, không phải làm nô lệ cho bất cứ ai, cho dù là nô lệ của Thiên Chúa, bởi vì Đức Giêsu đến trần gian chính là để giải phóng và đem lại tự do cho con người (x.Ga 8,32-36). Vì thế, con người, trong cái nhìn Kitô giáo, không phải là kẻ vong thân, đánh mất chính mình, hoàn toàn nô lệ cho thần thánh, cho Thượng Đế. Con người Kitô hữu, trước hết, là một con người tự do, bởi vì được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng dạng đồng hình với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

Một khi người Kitô hữu nhận ra bản tánh đích thực của mình, cuộc sống của họ tự do, bình an, hạnh phúc thực sự. Lúc đó, họ sẽ hiểu một cách rất rõ ràng và cảm nghiệm một cách sống động châm ngôn: Chúa làm người để người làm Chúa.


Mong Manh

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)