dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Bài Đọc Hằng Ngày
 
<<<
Lễ Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ, LN
 

BÀI ĐỌC I: Is 61, 9-11

"Tôi sẽ hân hoan vui mừng trong Chúa".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dòng dõi dân ta sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nẩy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Đáp.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Đáp.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Đáp.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 28-30

"Những ai Thiên Chúa đã biết trước thì Người đã tiền định".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng mọi sự đều hợp tác để dẫn tới điều thiện hảo cho những ai yêu mến Thiên Chúa, cho những ai đã được kêu gọi chiếu theo ý định của Người. Những ai Người đã biết trước, thì Người đã tiền định cho nên đồng hình thức với ảnh tượng Con Người, để Con Người làm huynh trưởng một đại số các em. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 11, 27-28

"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!" Nhưng Người phán rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".

Đó là lời Chúa.

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ                Mt 12,46-50
BÀ CON VỚI CHÚA

“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ để rồi chính Mẹ lại trở thành Đền thờ cho Con Thiên Chúa cư ngụ, đền thờ không do tay người phàm làm ra mà do quyết định “xin vâng” theo thánh ý Chúa. Mẹ dâng mình để thuộc về Chúa, và rồi Chúa đã biến hành động ấy thành mẫu gương tuyệt hảo để những ai muốn thuộc về Chúa phải noi gương Mẹ: dâng mình lúc này có nghĩa là muốn thực thi ý Chúa, cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Nhờ biết “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” Đức Ma-ri-a đã trở thành Mẹ, thành người thân thuộc của Chúa; đồng thời Mẹ trở thành mẫu mực và mẫu tử cho tất cả những ai muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ta trở thành “người nhà” của Thiên Chúa không do huyết thống tự nhiên mà nhờ việc lắng nghe tiếng Chúa và hành động thực hành thánh ý Thiên Chúa. Mỗi cá nhân một khi biết sống Lời Chúa đó chính là lúc người ấy góp phần “Phúc Âm hóa” Lời Chúa cho chính mình và cho anh chị em chung quanh. Bạn có muốn trở nên người nhà, bạn hữu, con cái… của Chúa và Đức Mẹ không? – Hãy toàn tâm toàn ý làm theo lời Chúa dạy.

Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa làm ý lực sống trong ngày hôm nay. Trong bầu khí cầu nguyện bạn thưa với Chúa: “Qua Lời Chúa đây, Chúa muốn con làm gì?” Và bạn thực hành như điều Chúa soi sáng cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để xứng đáng với tình yêu của Chúa và ngày một nên con yêu dấu của Mẹ như chính Chúa Giêsu, Con Mẹ..

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ      Mt 12,46-50
KHÔNG AI LÀ NGƯỜI DƯNG
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Khi dâng con mình vào Đền thánh, song thân Đức Ma-ri-a và chính ngài sau này đều muốn thi hành thánh ý Thiên Chúa, trở nên bà con với Ngài. Như thế ta có thể nói rằng vai trò làm anh chị em, làm mẹ Chúa đã nằm sẵn từ trước biến cố dâng mình. Tình máu mủ đến sau mối tình thiêng liêng của con người đạo đức, biết kính sợ và yêu mến Thiên Chúa. Chính hành vi của Mẹ và sự tuyển chọn của Thiên Chúa đã “trình bày cho các tín hữu một mẫu gương hoàn hảo của tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại” (Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II). Từ thái độ ấy khai sinh ra một thế hệ bao gồm tất cả những ai muốn kết nối thành đại gia đình của Chúa; và không ai bị coi là người dưng nước lã.

Mời Bạn: Đức Ma-ri-a trở thành ngôn sứ cho lòng tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những ai phận nhỏ, cho những người muốn thực thi ý Chúa. Là tu sĩ hay giáo dân, khi biết dâng mình cho Chúa mỗi ngày, chúng ta cũng trở thành sứ giả của lòng thương xót Chúa. Đồng thời ta cũng hãy lắng nghe tiếng nói từ mẫu của Mẹ Ma-ri-a: “Người bảo gì anh em cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Sống Lời Chúa: Chúng ta hãy biết cụ thể hóa hành vi dâng hiến mỗi ngày khi tâm niệm và quyết sống theo lời Chúa dạy: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, hôm nay con muốn dâng mình cho Chúa như Mẹ, để “toàn thân con thuộc về Mẹ; và tất cả những gì của con là của Mẹ”, nhờ đó con trở nên người một nhà với Mẹ và với Chúa Ba Ngôi...

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Đó là lời Chúa.

ĐÔI DÒNG SUY TƯ CHIA SẺ:

Lời Chúa Giêsu phán “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy", nói lên tất cả những gì mà trong Kinh Lạy Cha Chúa dạy chúng ta “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời¬”. Trong vườn Cây Dầu Chúa cũng thưa cùng Chúa Cha như vậy. Vì sao? vì cho dù ¬dưới ở trong nghịch cảnh, trong thử thách gian nan, con người phải vượt qua cái nhìn trần tục, đó là nhìn bằng cặp mắt đức tin, để hiểu rằng Chúa luôn yêu thương con cái ngài. Và những thử thách này là để đem lợi ích cho linh hồn, cho tha nhân, nhất là về phần rỗi tất cả chúng ta.

Mẹ được dâng mình trong đền thánh cũng cùng một mục đích này, đó là giao phó trọn vẹn cuộc đời Mẹ trong tay Chúa Quan Phòng. Chúa định sao thì vâng theo như vậy.

Chỉ khi nào ở trên nước Thiên Đàng, con người mới hiểu rõ tình yêu Chúa đối với họ trong gian nan thử thách, nước mắt đau buồn sẽ thành niềm vui mai sau.

Chúng ta thường làm theo ý riêng mình nên cuộc đời gặp nhiều khốn đốn, nếu Chúa không ban cho sự sung túc giàu có, là vì có lẽ Chúa biết nó sẽ làm cho linh hồn xa dần Chúa, “con lạc đã khó mà qua lỗ kim” là thế đấy. Nếu Chúa để chúng ta trong bệnh tật, có thể là vì Chúa muốn thánh hóa nó để đem lợi ích cho tha nhân và cho chính chúng ta. Bệnh tật được đón nhận trong vâng phục, chịu khó bằng lòng, đem lại vinh quang Nước Trời. Nếu Chúa để cho chúng ta bị mất mát của cải, có thể Ngài muốn con người hiểu rằng tất cả đều là phù vân, chỉ cần có một điều duy nhất, đó là gom góp của cải Thiên đàng. Nếu Chúa để cho người chúng ta tin tưởng phản bội, để chúng ta hiểu rằng chỉ có Chúa là đấng Tín Trung.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vâng theo ý Chúa thật khó biết bao, vì nó đòi hỏi chúng con phải tự bỏ ý riêng, từ bỏ những hoạt định trong đời chúng con, xin Chúa ban cho chúng con ơn phân định điều tốt điều xấu để thi hành hầu Chúa được vinh quang.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết dâng cả cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa Tình Yêu, với một lòng phó thác vô biên như con trẻ đối với cha mình; hầu được Chúa nói “các con không là đầy tớ, nhưng là bạn hữu Thầy”. Amen

Tri Ân Lucia
Nhóm TẤT CẢ CHO MẸ
.

HAI NGƯỜI MẸ

(Suy tư Gl 4:22-31)

Một người mẹ là nô lệ
Sinh con theo luật tự nhiên
Người sinh con nhờ lời hứa
Là người mẹ của tự do

          Hai người mẹ, hai giao ước
          Giao ước một tại Xi-nai
          Nằm trong vùng miền Ả-rập
          Tương đương Gia-liêm ngày nay (*)

Còn miền Gia-liêm thượng giới
Đó chính là mẹ chúng ta
Người mẹ không vương tội lỗi
Người mẹ của sự tự do

          Chúng ta đã được Thiên Chúa
          Như I-xa-ác ngày xưa
          Được sinh ra bởi lời hứa
          Theo Thần Khí Chúa nhân từ

Hãy tống cổ người nô lệ
Không được thừa kế gia tài
Tự do là thoát nô lệ
Thuộc về Thiên Chúa đời đời

          Muôn lạy Chúa Trời thương xót
          Tài sản con: Tội một đời
          Kiếp nô lệ, xin giải thoát
          Để hưởng tự do tuyệt vời!

TRẦM THIÊN THU
(*) Gia-liêm là Việt hóa chữ Giêrusalem.

 

DÂNG MÌNH

Ma-ri-a rất dịu hiền
Một đời nhân đức mười phân vẹn mười
Ma-ri-a Mẹ Chúa Trời
Xin thương dẫn lối cuộc đời sớm khuya
Mẹ là Mẹ của muôn hoa
Tươi màu bác ái, mặn mà yêu thương
Một đời dâng hiến, khiêm nhường
Thanh tuân, thanh khiết, và luôn thanh bần
Là thôn nữ vẫn tuyệt luân
Vuông tròn ba đức đối thần sớm khuya
Thương chồng con, mến mẹ cha
Quên mình phục vụ cho vừa đối nhân
Gian nan, khốn khổ đời con
Kiêu sa, ích kỷ, nghèo nàn tâm linh
Xin thương, lạy Mẹ Đồng Trinh
Giúp con luôn biết quên mình vì yêu
Yêu điên dại dẫu khổ đau
Yêu như Con Chúa tiêu điều Can-vê
Yêu như Mẹ chẳng kêu ca
Yêu cho trọn nghĩa tâm tư dâng mình
Trầm Thiên Thu

 

DÂNG HIẾN
(Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, 21-11)
Số 0 là con số nhỏ nhất (theo cách tính bình thường, nghĩa là không tính số âm). Số 0 chẳng là gì, nhưng giá trị càng tăng cao nhờ những con số 0 phía sau một đơn vị nào đó. Lúc đó, càng nhiều số 0 càng cao giá trị.
Dâng hiến là quên mình, tự biến mình thành số 0 trước Thiên Chúa và người đời. Đức Mẹ cũng dâng hiến cho Thiên Chúa để biến thành số 0, hoàn toàn khiêm nhường và tuân phục Thánh Ý Chúa. Chúng ta có thể gọi số 0 là con-số-khiêm-nhường.
Lễ Đức Mẹ Dâng Mình có nguồn gốc từ việc thánh hiến Đền thờ Đức Mẹ được xây dựng năm 543, thời Hoàng đế Justinian I, gần vị trí Đền thờ Giêrusalem bị phá đổ.
Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc đi vô “Đền thờ của Mẹ Thiên Chúa”. Họ mừng lễ trong vòng sáu ngày (từ 20 tới 25 tháng 11), và dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo Thánh Giacôbê hồi giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Trinh nữ Maria lúc nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc: ‘Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ’. Thiên Chúa ban cho con trẻ ân sủng của Người, và nó nhảy mừng, và mọi người trong nhà Ít-ra-en yêu mến con trẻ...”.
Lễ này tiếp tục được cử hành ở khắp Đông phương, và được cử hành ở các tu viện tại Nam Ý hồi thế kỷ IX, rồi được đưa vào Nguyện đường Giáo hoàng ở Avignon (Pháp) năm 1372, do sắc lệnh của ĐGH Grêgôriô XI. Năm 1472, ĐGH Sixtô IV ghi lễ này vào lịch phụng vụ vào, nhưng ĐGH Piô V bỏ lễ này từ năm 1568. ĐGH Sixtô lại đưa lễ này vào Lịch Rôma năm 1585. ĐGH Clement VIII làm cho lễ này thành quan trọng hơn vào năm 1597, và được tiếp tục cử hành theo Lịch Rôma từ năm 1969.
Giáo hội Công giáo tưởng nhớ việc Đức Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa tại Đền Thờ từ lúc mới 3 tuổi. Trong Tông thư Marialis Cultus năm 1974 – về việc tôn sùng Đức Mẹ, ĐGH Phaolô VI viết: “Mặc dù có nội dung ngụy tác, nó vẫn thể hiện các giá trị cao vời và mẫu mực, đồng thời thể hiện truyền thống tôn kính có nguồn gốc từ các Giáo hội Đông phương”.
Đức Mẹ được dâng cho Chúa và trở thành người-của-Chúa. Và chúng ta cũng vậy, mỗi chúng ta đã được dâng cho Chúa và hoàn toàn thuộc về Chúa, vì Ngài là chủ nhân: “Chính Ngài đã tạo dựng trái đất với muôn vật khắp nơi” (Nkm 9:6). Bức tượng không thể không theo ý của nhà điêu khắc, bản nhạc không thể không theo ý của nhạc sĩ, bài thơ không thể không theo ý của thi sĩ, bức tranh không thể không theo ý của họa sĩ,…
Sấm ngôn của Đức Chúa: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi” (Dcr 2:14-15). Đó là lời tiên báo về Đức Maria, một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa, được tuyển chọn để làm Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của chúng sinh.
Sấm ngôn của Đức Chúa nói tiếp: “Đức Chúa sẽ lấy Giuđa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giêrusalem. Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người” (Dcr 2:16-17). Thiên Chúa quá vĩ đại, vượt ngoài tầm hiểu biết của phàm nhân. Và mọi loài chỉ còn biết cúi đầu thờ lạy Ngài, Chúa Tể của muôn loài!
Tới lúc 14 tuổi, Cô Maria trở thành thiếu nữ nên không được ở trong nơi thánh nữa, vì tuổi này thường có kinh nguyệt, dạng này bị coi là “ô uế”, và có nghĩa là cô gái bắt đầu trưởng thành. Sau đó, Đức Maria được đính hôn với Đức Giuse. Và rồi Sứ thần Gabriel báo Hỉ Tín là sẽ thụ thai và làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Maria bất ngờ, nhất là nhận thức rõ mình “không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1:34), nhưng Đức Mẹ vẫn “xin vâng cho trọn Thiên Ý” (Lc 1:38). Được vâng Ý Chúa, rồi quá đỗi vui mừng, Đức Maria đã phải thốt lên lời tán tụng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:49).
Đức Mẹ diễm phúc không chỉ vì đã tin tưởng và vâng lời hoàn toàn, mà Đức Mẹ còn một diễm phúc đặc biệt khác nữa, như Chúa Giêsu đã xác định rạch ròi: “Phúc thay kẻ lắng nghetuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11:28). Ai biết lắng nghe và giữ Lời Chúa thì cũng được diễm phúc như vậy. Chuyện tưởng chừng rất khó tin nhưng lại hoàn toàn có thật, thật một trăm phần trăm. Và chắc chắn không ai lắng nghe Thiên Chúa bằng Đức Maria. Vả lại, lắng nghe Lời Chúa còn được Chúa Giêsu nói là “phần tốt nhất” – phần mà cô Maria người Bêtania, chị em với Mác-ta và Ladarô, đã chiếm được (Lc 10:42).
Một hôm, khi Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, có mẹ và anh em của Ngài đứng bên ngoài tìm cách nói chuyện với Ngài. Có kẻ thưa Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12:47). Nghe vậy nhưng Ngài vẫn tỏ ra thản nhiên, xem chừng như “vô tình” lắm, rồi Ngài đáp lại bằng một câu nghi vấn: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12:48). Chả ai hiểu ất giáp gì ráo trọi! Thiên Chúa luôn có những động thái vượt ngoài và vượt trên tầm hiểu biết của trí tuệ phàm phu tục tử.
Rồi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:49-50). Điều kiện trở thành thân nhân của Chúa rất đơn giản: Thi hành Ý Chúa. Đó là đức vâng lời: Vâng lời vô điều kiện, không so đo, không tính toán, sẵn sàng và mau mắn. Trong ba lời khấn của các tu sĩ, vâng lời đứng hàng đầu, vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9). Vâng lời là nhân đức, liên quan ba đức đối thần Tin, Cậy, Mến. Có Tin tưởng mới Yêu mến, có Yêu mến mới Cậy trông (Hy vọng, Mong đợi), có Cậy trông mới Vâng lời. Mối liên kết chặt chẽ, một hệ lụy tất yếu!
Vâng lời cũng quan trọng hơn những thứ khác trong các trường hợp khác: Vâng phục cha mẹ là làm đẹp lòng Chúa” (Cl 3:20). Tổ phụ Áp-ra-ham đã tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa nên Ông sẵn sàng và mau mắn vâng lời mà ra đi để đến Đất Hứa, và Ông cũng không nghi ngờ gì, không quản ngại gì khi vâng lời Thiên Chúa sát tế chính đứa con trai yêu dấu của mình (x. St 22:10).
Đức Tin quá lớn, Đức Cậy vững vàng, Đức Mến nồng nàn, thế nên Đức Tuân Phục tuyệt đối! Là thân nhân của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải noi gương Đức Mẹ.
Tưởng cũng nên nhắc lại điều này: Ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình được gọi là ngày “Pro Orantibus” (Ngày Cầu Nguyện). Trong ngày này, Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, ơn gọi sống thánh hiến cho Thiên Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, giữ thinh lặng, sống ẩn dật để có thể chỉ nói với Chúa và nói về Chúa.
Đức Mẹ không đi tu ngày nào, chẳng khoác tu phục, cũng chẳng công khai tiên khấn và vĩnh thệ, nhưng các lời khấn luôn được Đức Mẹ tuân giữ triệt để. Đức Mẹ là số 0 nhưng lại có giá trị cao hơn những con số khác. Đức Mẹ là mẫu gương cho các giáo sĩ và tu sĩ. Hãy tự xem lại để có thể kịp chấn chỉnh! Đức Mẹ cũng là mẩu gương cho giáo dân trong việc tận tụy hy sinh và phục vụ gia đình.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết kiên trì tuân giữ và mau mắn thi hành Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh, luôn can đảm làm chứng về lòng thương xót của Ngài – mọi nơi và mọi lúc.
Lạy Thánh Mẫu Maria, xin hướng dẫn chúng con biết cách dâng hiến cuộc đời và mọi sự cho Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định. Chúng con xin tận hiến trọn cuộc đời cho Mẹ, hôm nay và mãi mãi.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU 2016Ai là mẹ tôi?

Lời Chúa: Mt 12, 46-50

Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.

Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.

Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa
Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

  <tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)