dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Bài Đọc Hằng Ngày
 
<<<
Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, LT
 

BÀI ĐỌC I: St 3, 9-15. 20

"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".

Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại: "Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn".

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".

Thiên Chúa phán bảo con rắn: "Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Đáp.

3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 1, 3-6. 11-12

"Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Đức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Đức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Đấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Đức Kitô. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! - Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

"Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Đó là lời Chúa.

Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội                    

Lc 1,26-38
“LÒNG THƯƠNG XÓT LỚN HƠN MỌI TỘI LỖI”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.(Lc 1,38)
Suy niệm: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngày hôm nay, lễ Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội để khai mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc công đồng Vaticanô II, vì “ý nghĩa phong phú của lễ đó trong lịch sử Giáo Hội hiện đại” (Misericodiae Vultus, số 4). Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Ma-ri-a nhắc chúng ta nhớ lại hành động của lòng thương xót Chúa “ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại” (số 3). Quả vậy, chính vì Thiên Chúa giàu lòng thươung xót muốn cứu độ con người nên Ngài gìn giữ Đức Ma-ri-a tinh tuyền không tỳ ố bởi tội lỗi, không lệ thuộc sự ác một giây phút nào ngõ hầu chuẩn bị một cung lòng xứng đáng cho Con Chí Ái của Ngài giáng sinh. Mặt khác, nhờ lòng khiêm cung và tinh thần vâng phục của Đức Ma-ri-a, mà lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thành tựu. Và Đức Ma-ri-a trở thành nhân chứng tuyệt hảo của lòng Chúa thương xót.
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau.” Trong Năm Thánh Lòng Thương và Phúc âm hóa xã hội này, mời bạn hãy thực thi lòng xót thương người trong xã hội tội lỗi và vô cảm này bằng việc yêu thương, tha thứ, phục vụ mọi người nơi môi trường của mình.
Sống Lời Chúa: Tha thứ, cảm thông và chia sẻ quảng đại là sống, và làm chứng cho lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội                   Lc 1,26-38

XIN VÂNG

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lờu sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Nếu Chúa bảo: “Này con, con làm kỹ sư,” con thưa: “Xin vâng”. Và “Này con, con làm linh mục,” con thưa: “Xin vâng.” Hai tiếng “xin vâng” ấy là vâng có điều kiện, có nghĩa vụ và quyền lợi thuộc về tôi nhiều hơn. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ hôm nay thì khác. Qua hai tiếng ấy Mẹ đặt mối quan hệ của mình và Thiên Chúa trong mối quan hệ thấp cao: Mẹ chỉ là nữ tỳ, còn Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Vì vậy, Mẹ xin vâng không điều kiện, không mặc cả. Mẹ trao toàn thân để Chúa có thể làm bất cứ điều gì nếu Chúa muốn dù có đau thương Mẹ vẫn một lòng trung tín. Cho nên, Chân Phước mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nhưng tôi thuộc về Chúa, nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.

Mời Bạn: Lời “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a vẫn được lặp lại trong đời sống Kitô hữu mỗi ngày. “Xin vâng” với ý thức là hiến toàn thân cho Chúa qua việc sám hối ăn năn tội và sống Lời Chúa, đồng thời hiệp thông với Ngài mọi giờ trong cuộc sống ngang qua thập giá của Chúa Kitô. Mời bạn hãy noi gương Mẹ, thưa xin vâng với Chúa qua việc sám hối, hy sinh hãm mình và làm việc lành phúc đức trong Mùa Vọng này để được Chúa Giêsu giáng sinh nơi cung lòng bạn.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm đọc Lời Chúa và sống Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện:Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm, Mẹ luôn lắng nghe, thi hành Lời Chúa và kết hiệp với Ngài. Xin Mẹ giúp con sống như Mẹ mỗi ngày bằng việc siêng năng đọc và thi hành Lời Chúa hầu tâm hồn luôn sạch mọi tội để được Chúa ở cùng con. Amen.

5 phut suy niem

ĐỨC MARIA và ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM

Khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ mười bốn vào ngày 3-3-1858, sau khi lần Chuỗi Mân Côi, Bernadette thay mặt Lm Peyramale hỏi Đức Mẹ tên gì. Đức Mẹ chỉ tươi cười. Đến ngày 25 tháng Ba, lễ Truyền Tin, Bernadette cho biết: “Đã ba lần tôi hỏi bà là ai. Bà chỉ mỉm cười thôi. Tôi lại hỏi lần nữa. Lần này Bà ngước mắt lên trời, chắp tay như cầu nguyện, và nói: Ta là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Vô nhiễm Nguyên tội. Danh xưng tuyệt vời biết bao! Bernadette không thể biết rằng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là tín điều sẽ được ĐGH Piô IX tuyên bố vào 4 năm sau đó! Bernadette cố gắng ghi nhớ từ ngữ “Vô Nhiễm Nguyên Tôi” nên cứ lặp đi lặp lại để về nói với Lm Peyramale. Lần này, Lm Peyramale đã tin. Ngài xúc động vì sự giản dị và khiêm nhường của Bernadette. Lm Peyramale nói: “Bụi hoa hồng không trổ bông, nhưng nước đã vọt lên”.

VÔ NHIỄM LÀ GÌ?

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhiều người, kể cả người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền Tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng Sinh 9 tháng).

Vô Nhiễm nói đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên Tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna. Chúng ta mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, nghĩa là 9 tháng trước ngày 8-12 (lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm).

LM John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các Giáo phụ Hy Lạp hoặc Latin dạy rõ ràng về Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên”. Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 ĐGH Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

Trong Hiến chế “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa bất khả ngộ), ĐGH Piô IX viết: “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên Tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng”.

LM Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên Tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được”.

KHÁI NIỆM SAI LẦM VỀ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên Tội không bị truyền qua Đức Kitô. Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hơn nữa, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô Nhiễm Nguyên Tội không là điều kiện tiên quyết để công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ. Đó là cách giải thích cụ thể về Tình Yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

LỊCH SỬ

Lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng Thánh Anna.
Tuy nhiên, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng. Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học. Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên Tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên Tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên Tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “Vô Nhiễm”). Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên Tội.

Để trả lời cách phản đối của Thánh Thomas Aquinas, như Chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô. Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

PHÁT TRIỂN LỄ Ở TÂY PHƯƠNG

Sau khi Chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ Thai của Thánh Anna (tức là Sinh Nhật Đức Mẹ). Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, ĐGH Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra VẠ TUYỆT THÔNG CHO NHỮNG NGƯỜI CHỐNG LẠI TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.

Khoảng giữa thế kỷ  XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo. Tạ ơn Chúa!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)

CU M VÔ NHIM

Hồng ân Vô nhiễm diệu kỳ
Chúa ban riêng Mẹ, thật là phúc thay!
Nhưng cây cao, gió mạnh lay
Cuộc đời Mẹ chịu đắng cay muôn phần
Lệ sầu, tim cũng nát tan
Thế nhưng Mẹ chẳng than van nửa lời
Đức tin vẫn trọn một đời
Đồng công cứu độ với Người Con Yêu
Mẹ là khúc hát ca dao
Ru loài người lúc khổ đau, nhọc nhằn
Cúi xin Mẹ đỡ nâng luôn
Giúp con sống trọn mến tin cậy hoài
Mẹ vô nhiễm tội nguyên rồi
Xin thương dìu dắt bước đời con đi
Trầm Thiên Thu

TÌNH YÊU KHÁC ĐẠO

Ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” không phải là bài hát liên quan dịp Noël, nhưng lại thường được vang lên trong Mùa Giáng Sinh. Tác giả của ca khúc này là Phượng Linh (tức là NS Nguyễn Văn Đông, sn 1932, tác giả ca khúc “Mùa Sao Sáng” quen thuộc mỗi dịp Giáng Sinh về). Trước năm 1975, khá nhiều ca khúc của Phượng Linh được phát trên làn sóng Đài Quân Đội (đài này có cô Dạ Lan với giọng nói khá đặc biệt).

Ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” cũng giống như đại đa số các ca khúc của các thập niên 1960 và 1970, nghĩa là có cấu trúc A – A’ – B – A’’, lồng trong nhịp 4/4. Độc đáo của ca khúc này là tuy được viết ở âm thể Trưởng nhưng người nghe có cảm giác như giai điệu chảy êm đềm theo âm thể Thứ.

Như đã nói, ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” không liên quan gì tới Giáng Sinh, vậy tại sao người ta lại “lồng” ca khúc này vào dịp chuẩn bị đón mừng Con Thiên Chúa ra đời?

Thiết tưởng, có ba lý do: [1] ca khúc này có giai được nhẹ nhàng, nghe như có “mùi vị” thánh ca về Giáng Sinh; [2] ca khúc này nói tới niềm tin vào Thiên Chúa; [3] Noël là dịp hẹn hò đôi lứa, đặc biệt là đêm 24, và mùa này cũng là “mùa cưới” (chứ không như ngày nay, mùa nào người ta cũng cưới).

Ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” nói về tinh yêu giữa hai người không cùng tôn giáo, một trong hai người đó là tín hữu Công giáo. Ca khúc này là lời tâm sự với Chúa về cuộc tình của mình, một người ngoại đạo, với một người Công giáo. Thời nào cũng có những cuộc tình khác đạo như thế, có những người cố gắng và đến được với nhau, nhưng cũng không ít cuộc tình không trọn vì khác đạo.

Tác giả không cho biết chàng và nàng trong ca khúc này có đến được với nhau hay không, mà chỉ cho biết sự ngại ngùng về khác đạo, thế nên thương thì thương đứt ruột mà không dám mở lời. Và anh chàng (cô nàng) thưa với vị-Chúa-của-người-yêu: “Lạy Chúa! Con thương nàng (chàng) đã lâu rồi, thương thì nhiều nhưng con chưa dám nói. Con thương nàng (chàng) đã lâu rồi mà chưa dám hé môi, ngại ngùng không cùng tôn giáo thôi!”.

Khổ thế nhỉ! Đúng như người ta ví von: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Nói là “một ít” thế thôi, chứ nhiều thí mồ. Nhiều lắm, nhiều tới mức không thể nào cân, đo, đong, đếm. Thế nên có những người vì “yếu thần kinh” (và vì không có niềm tin tôn giáo) mà liều chết (thắt cổ, cắt cổ tay, đâm mình, gieo mình xuống dòng sông). Mới đây, có một cô gái tuổi đôi mươi, xinh xắn, đã liều nhảy cầu Bình Lợi (Bình Thạnh, Saigon), nhưng cô may mắn được người ta cứu sống (khoảng 8 giờ tối). Thật là ngu xuẩn!

Lời tự tình có vẻ chân thành, tình yêu có vẻ thanh thoát qua lời kể của người-ngoại-đạo: “Lạy Chúa! Con thương nàng (chàng) rất ngoan đạo, thương nàng (chàng) thường hay luôn đi xem lễ. Con thương nàng (chàng) rất đơn sơ, màu áo trắng thư sinh với nét môi cười nắng nghiêng nghiêng”. Người-yêu-có-đạo ngoan hiền, đơn sơ, trinh nguyên,… Ôi, thật là dễ thương quá chừng, thế mà sao thương không dễ chút nào. Mệt tim và mệt óc quá đi!
Trái tim bồi hồi, nhức nhối, không chịu ngủ yên, thế nên người-ngoại-đạo lại tiếp tục kể lể nỗi lòng của người đang yêu: “Con yêu nàng (chàng), tình yêu rất chân thành, tình yêu không lừa dối. Nhưng Chúa ơi! Nàng (chàng) nào hay biết đâu, một người ngoại đạo tha thiết yêu nàng (chàng), tình yêu trái ngang”. Có nói đâu mà người ta biết, mà người-ngoại-đạo làm sao dám nói chứ? Khổ hết sức! Bao tiếng thở dài não nuột mà khúc nhôi không ai hiểu dùm. Buồn ơi là buồn!

Cảm thấy thất vọng nhưng quyết không tuyệt vọng, và rồi người-ngoại-đạo thề hứa với hy vọng Chúa thấy tội nghiệp mà lay động đối phương. Người-ngoại-đạo nghiêm túc thân thưa: “Lạy Chúa! Con xin nguyện Chúa trên trời, cho trọn niềm tin yêu Thiên Chúa. Con xin được sống bên nàng (chàng), người con nhớ con thương, kính mến tôn thờ Chúa. Amen”.

Là người-ngoại-đạo mà biết như thế thì tốt lắm, Chúa không nỡ bỏ đâu. Các bạn trẻ nào “lâm vào tình trạng” thế này thì đừng vội nản chí. Các cha mẹ của người-yêu-là-Kitô-hữu không khó khăn với các bạn là người-ngoại-đạo chi cả, họ chỉ muốn bạn chứng tỏ tình yêu đích thực với con của họ. Vả lại, không như các tôn giáo khác, vui thì ở, buồn thì đi, đạo Công giáo rất nghiêm túc với nghiêm luật Thiên Chúa đã đưa ra: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9). Điều đó có nghĩa là phải chung thủy với nhau trọn đời trong mọi hoàn cảnh, và chỉ một vợ và một chồng mà thôi.

Xin được nói thêm điều này: Các bạn ngoại đạo thường hiểu lầm về hôn nhân Công giáo, cứ cho là “khó khăn”. Nên nhớ rằng nhờ nghiêm luật mà người ta biết sống nghiêm túc, vì khó khăn mà chúng ta nên người. Những người buông thả, dễ dãi, có ai thành nhân không? Chắc chắn các bạn khả dĩ trả lời. Nếu yêu người có đạo và kết hôn với họ, tất nhiên người-ngoại-đạo phải theo đạo, nhưng cái “phải” ở đây không tiêu cực, mà rất tích cực. Bạn sẽ có hai mối lợi: [1] Nhận biết Thiên Chúa và làm con cái của Ngài; [2] Được tận hưởng tình yêu chung thủy, không sợ người vợ/chồng bỏ rơi mình; [3] Đượng hưởng nhiều lợi ích khác từ các Bí Tích và được cộng đồng cầu thay nguyện giúp. Hoàn toàn có lợi, hãy cố gắng lên!

Một lần nữa, Giáng Sinh đang về – mỗi lúc một gần hơn, ngày tháng cũng đang đi dần vào cuối năm – mỗi lúc càng gấp rút hơn...

Trong không khí Noël, nghe lại ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” để khả dĩ cảm nhận điều kỳ diệu của tình yêu. Ai có vợ/chồng rồi thì cũng hãy coi đây là dịp nhắc lại khế ước hôn nhân với nhau trước mặt Thiên Chúa; còn ai chưa hoặc sắp kết hôn thì đây là dịp để minh định lại vấn đề hôn nhân một cách nghiêm túc, đặc biệt nếu bạn là người-ngoại-đạo nhưng lại yêu người-có-đạo, một người Công giáo, nhất định chọn họ là người phối ngẫu, quyết tâm gắn bó và đồng hành với họ suốt đời.

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH AN LÀNH và HÔN NHÂN THÁNH ĐỨC – MERRY CHRISTMAS and HOLY MARRIAGE.

TRẦM THIÊN THU
Sáng Saigon 1-12-2016

NGUYỆN XIN VÂNG

(Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 8-12)

Ngôn sứ Samuel đã đặt vấn đề: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, VÂNG PHỤC thì TỐT HƠN là DÂNG HY LỄ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 Sm 15:22). Để dễ nhớ, người ta thường nói ngắn gọn: “Vâng lời trọng hơn của lễ”.

Đức vâng lời đã được tuân thủ tuyệt đối bởi một Nữ Tỳ đặc biệt của Thiên Chúa: Đức Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội.

Động từ “nhiễm” có nghĩa là “nhuộm”. Theo nghĩa bóng, “nhiễm” là lây lan, lan truyền, thấm sang, thường ở thể thụ động và mang nghĩa xấu, Việt ngữ gọi là “lây nhiễm” – nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm cái xấu,... Vô nhiễm nghĩa là không bị nhiễm.

Có những sinh vật truyền nhiễm – như vi khuẩn, virus, ký sinh, nấm,... Sức đề kháng yếu kém thì cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng, bị bệnh. Sức đề kháng là khả năng phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập vào cơ thể con người. Hệ miễn dịch là một hệ thống gồm các tế bào phức tạp, các tế bào này sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Muốn sống khỏe thì phải bảo vệ hệ miễn nhiễm bằng các hoạt động tốt (vệ sinh, thể dục, ngủ nghỉ,…).

Cuộc sống có nhiều thứ “nhiễm”, nhất là trong cuộc sống ngày nay: Nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,... Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó. Vì thế, người ta rất cần bảo vệ hệ miễn nhiễm của cơ thể, làm mạnh sức đề kháng. Thật kỳ diệu đối với một số người Phi châu, họ miễn nhiễm với HIV (Human Immunodeficiency Virus), căn bệnh thế kỷ này quen gọi theo Pháp ngữ là SIDA (Anh ngữ là AIDS). Đó là một dạng thiếu khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Quả thật, người Phi châu có dạng “vô nhiễm” kỳ lạ biết bao!

Ngày 8-12-1854 là ngày quan trọng, mang tính lịch sử, vì đó là ngày ĐGH Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ). Thánh Ý Chúa thật là mầu nhiệm, vì ngày 25-3-1858, chưa đầy 4 năm sau khi Giáo Hội công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, chính Đức Mẹ đã hiện ra xác nhận với Thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” (Je suis la conception immaculée, I am the immaculate conception, Ego sum immaculata conceptio, Soy la inmaculada concepción). Dĩ nhiên khi đó Bernadette chưa thể hiểu ngay, về sau mới có thể hiểu thế nào là Vô Nhiễm Nguyên Tội. Điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn tác động trong đời sống Giáo hội Lữ hành.

Trong cuộc sống đời thường, khi người ta “có tật” thì cũng dễ bị “giật mình”, và người ta còn thường đổ lỗi cho nhau theo “dây chuyền” bằng nhiều dạng tinh vi: Vì A, tại B, bởi C, nếu D, giá mà E,... Lỗi tại X, lỗi tại Y,… có lẽ hiếm khi dám nhận: “Lỗi tại tôi”. Cái kiểu “đổ rô, đổ trê” thế này thì nguy hại lắm, bởi vì tội lỗi cũng có tính liên đới, xảy ra theo “dây chuyền”.

Kinh Thánh hôm nay (St 3:9-15) cho chúng ta biết lý do “giật mình” của Ông Bà Nguyên Tổ. Lúc đó, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Trước đó thì Ông Bà thường xuyên chuyện vãn với Thiên Chúa, bây giờ thì lủi đi như chim cút, mắt liên láo và không thích gặp mặt Ngài nữa. Và rồi Ngài hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Ngài hỏi không phải là Ngài không biết, mà Ngài muốn tự con người xác nhận, nhưng chẳng ai dám nhận lỗi, Ông đổ lỗi cho Bà, Bà đổ lỗi cho con rắn.

Sau đó, hệ lụy tất yếu đã xảy ra, đó là lúc Thiên Chúa nói thẳng thắn với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Đó là cách Thiên Chúa đề cập một phụ nữ vĩ đại nhất trong nữ giới và cả nhân loại này: Trinh Nữ Maria.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, sau khi được Thiên Chúa trao cho một mỹ nhân, Chàng Ađam thích lắm, cứ ngỡ mình nằm mơ. Và trong khi phấn khởi khôn tả, Chàng gọi Nàng là Êva, Kinh Thánh giải thích rằng Chàng “đặt tên” cho Nàng như vậy vì Nàng là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20).

Người phụ nữ đầu tiên và là người mẹ đầu tiên của nhân loại đã hư hỏng vì thiếu đức vâng lời – bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Thế là nhân loại mất Người Mẹ thứ nhất: Bà Êva, nhưng nhân loại lại được Thiên Chúa ban cho Người Mẹ thứ nhì: Đức Maria. Thật là mầu nhiệm đối với sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cảm thấy hạnh phúc lắm, không thể không cảm tạ Thiên Chúa theo lời mời gọi của tác giả Thánh Vịnh: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người” (Tv 98:1).

Và còn rất nhiều lý do khác để chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa. Đây là một trong các lý do đó: “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ítraen. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98:2-3). Niềm vui của chúng ta cứ tăng dần, trách nhiệm của chúng ta cũng phải tăng dần, và không thể không chia sẻ với người khác: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát” (Tv 98:4).

Từ Cựu Ước tới Tân Ước có vô vàn các kỳ công của Thiên Chúa khiến chúng ta phải tâm phục khẩu phục và không ngừng tạ ơn Ngài. Thánh Phaolô đã lên tiếng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1:3-4).

Dâng lời tạ ơn cũng là một cách cầu nguyện, chứ không phải chỉ là cầu xin, van nài. Để cầu nguyện có hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa, Thánh Faustina cho biết: “Khi cầu nguyện, chúng ta ĐỪNG NÀI ÉP Chúa ban cho điều chúng ta muốn, mà chúng ta NÊN TUÂN PHỤC Thánh Ý Ngài” (Nhật Ký, số 1525). Nghĩa là có những điều chúng ta xin nhưng không được vì không đúng Thánh ý Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Rõ ràng việc tạ ơn vô cùng quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta – những người mệnh danh là Kitô hữu.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, nhân từ, yêu thương vô hạn, giàu lòng thương xót, Ngài chỉ muốn những gì tốt lành nhất cho chúng ta, dù đôi khi chúng ta cảm thấy trái ý, không vừa lòng. Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã TIỀN ĐỊNH cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng THEO KẾ HOẠCH của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12).

Không gì ngoài Thánh Ý Chúa, dù chỉ là một sợi tóc nhỏ nhoi cũng được Ngài quan phòng và tiền định rạch ròi (x. Mt 5:36; Mt 10:30; Lc 21:18; Cv 27:34). Trình thuật Lc 1:26-38 nói về việc Sứ thần Gáprien loan báo Hỉ Tín cho Trinh nữ Maria, một Thôn nữ đoan trang, duyên dáng, nết na và thùy mị.

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một chính nhân là Giuse, thuộc dòng dõi Hoàng tộc Đavít. Đó là trinh nữ Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Vâng, Thôn nữ Maria rất khiêm nhường, thế nên rất ngại khi được người khác đề cao mình, nói mình là người nhân đức.

Lúc đó Sứ thần liền nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Cái “vụ” kia đã thấy ngại rồi, cái “vụ” này còn ngại hơn. Ui da, kỳ thí mồ đi! Bụng muốn đánh lô-tô rồi đó.

Thế nên Cô Maria ngạc nhiên lắm, Cô phân trần: “Mèn ơi! Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Nhưng Sứ thần xác định ngay: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa, Cô Êlisabét, người họ hàng với Chị, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Nghe xong nhẹ cả mình. Vâng Thôn nữ Maria hiền thục và luôn một niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Bấy giờ, Trinh nữ Maria không cần đắn đo, nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Thế là hoàn thành sứ vụ, rồi sứ thần từ biệt ra đi...

Chắc hẳn trình thuật Tin Mừng hôm nay như một thước phim hay, chúng ta đã biết rõ và quá quen thuộc, hầu như thuộc lòng, thế mà chúng ta vẫn không cảm thấy nhàm chán. Thật là kỳ diệu quá chừng! Ước gì mỗi chúng ta cũng biết luôn tín thác vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa để có thể mau mắn “xin vâng” như Đức Mẹ, vâng lời ngay trong những đoạn đường tối tăm gian khổ nhất của cuộc đời.

Cùng với Đức Mẹ, đặc biệt trong niềm hân hoan kính mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm, mỗi chúng ta hãy chân thành thân thưa với Thiên Chúa: “Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ” (Tv 119:34).

Lạy Thiên Chúa toàn năng và chí ái, chúng con cảm tạ Ngài đã thương ban cho chúng con một Người Mẹ nhân đức tuyệt vời, xin giúp chúng con luôn biết tuân phục Thánh Ý Ngài mọi nơi và mọi lúc, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Lạy Thánh Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin nguyện giúp cầu thay chúng con còn đang lưu lạc nơi thung lũng nước mắt trần gian này, xin bảo vệ chúng con cũng được “miễn nhiễm” với tội lỗi và mọi mưu ma chước quỷ, xin thương cầu bầu cùng Chúa cho chúng con bây giờ và trong giờ lâm tử.

Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

  <tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)