<<< |
Thứ
Sáu Tuần XXXIV Thường Niên Năm I |
|
BÀI
ĐỌC I: Đn 7, 2-14
"Kìa có ai như con người ngự trên đám mây".
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi nhìn thấy có những ngọn gió từ
bốn phương trời, làm dấy động biển cả. Có bốn con thú khổng lồ
khác nhau từ biển đi lên. Con thứ nhất giống như con sư tử cái,
mang hai cánh chim phượng: tôi nhìn nó mãi cho đến khi hai cánh
nó bị nhổ đi, nó cất lên khỏi đất và đứng thẳng hai chân như con
người, nó được ban tặng quả tim loài người.
Con
thú thứ hai giống như con gấu đứng một bên: trong miệng nó có
ba hàng răng và người ta bảo nó rằng: "Mi hãy chỗi dậy ăn
cho thật nhiều thịt". Kế đó, tôi nhìn xem, và đây, con thú
thứ ba giống như con beo, trên mình nó có bốn cánh như con chim,
và nó có bốn đầu, nó được ban tặng một thứ quyền năng.
Sau
đó, trong một thị kiến ban đêm, tôi thấy con thú thứ tư dữ tợn
lạ lùng và mạnh mẽ: nó có nanh sắt to lớn, nó đang cắn nuốt nhai
xé, và những gì còn sót lại thì nó lấy chân giày đạp; nó khác
hẳn những con thú tôi đã trông thấy trước, nó có mười sừng. Tôi
nhìn các sừng của nó, thì kìa một cái sừng nhỏ khác mọc lên giữa
các sừng kia, ba trong số mười sừng trước bị nhổ ra trước mặt
nó: trong chiếc sừng nhỏ có mắt như loài người và có miệng nói
những lời trịnh trọng.
Tôi
chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên
ngự trên toà: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh
tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe
như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuộn chảy như thác.
Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người.
Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra. Tôi nhìn
về phía có tiếng ầm ầm từ chiếc sừng ấy phát ra: Tôi thấy con
thú đó bị giết, xác nó bị huỷ diệt và bị lửa đốt. Các con thú
khác cũng bị tước đoạt hết quyền lực, và thời gian sinh sống của
chúng đã được quy định từng thời kỳ này đến thời kỳ kia.
Trong
một thị kiến ban đêm, tôi ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy Con
Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và
người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài
quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ,
và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng
vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không
khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Đn 3, 75. 76. 77. 78. 79. 80. 81
Đáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Chúc tụng Chúa đi, núi non và các ngọn đồi. - Đáp.
2) Chúc tụng Chúa đi, cỏ hoa mọc cõi trần ai. - Đáp.
3) Chúc tụng Chúa đi, những dòng suối nước. - Đáp.
4) Chúc tụng Chúa đi, biển cả với sông ngòi. - Đáp.
5) Chúc tụng Chúa đi, cá voi và muôn loài lội nước. - Đáp.
6) Chúc tụng Chúa đi, hết mọi giống chim trời. - Đáp.
7) Chúc tụng Chúa đi, mọi thú rừng và gia súc, hãy ngợi khen và
tán tạ Chúa muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA: Kh 2, 10c
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ngươi hãy giữ lòng trung
thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống".
- Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 21, 29-33
"Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng
nước Thiên Chúa đã gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các
con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy
lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các
con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên
Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua
đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời
Thầy nói sẽ chẳng qua đâu". Đó là lời Chúa.
THỨ SÁU TUẦN 34 TN (2015)
Lc 21,29-33
ĐỂ NƯỚC CHÚA MAU TRỊ ĐẾN
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Như cây vả mùa đông trụi lá chết khô để rồi sống dậy, đâm chồi nẩy lộc khi “mùa hè gần đến,” cũng thế khi “những sự ấy xảy ra” thì Nước Thiên Chúa cũng đến gần. Trong những đoạn trước đó (cc. 9-11.25-28), Phúc Âm Lu-ca mô tả “những sự ấy” là chiến tranh loạn lạc và những xáo trộn kinh hoàng chấn động cả vũ trụ. Rồi trước đó nữa là những bách hại ngược đãi mà các môn đệ Chúa phải chịu (c. 12). Qua những lời đó, Chúa nhắc ta một chân lý rất quen thuộc: Nước Thiên Chúa mà Đức Ki-tô loan báo là “đã đến gần,” chỉ đến qua con đường thập giá, con đường chính Ngài đã đi qua: chịu khổ hình, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang.
Mời Bạn: Chúng ta có xu hướng muốn Nước Chúa trị đến mà không muốn “những sự ấy xảy ra.” Hoặc có khi chúng ta có thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu ‘qua cơn mưa trời lại sáng’. Một mặt Nước Chúa sẽ đến khi “mãn thời của dân ngoại” (c. 24). Nhưng mặt khác chúng ta có thể góp phần làm cho Nước Chúa đến bằng cách tham dự cách tích cực vào mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, một cách cụ thể: dám hy sinh, dám chịu thiệt thòi để thực thi công bằng và trung thực trong công việc nghề nghiệp hằng ngày của mình, dấn thân vào các hoạt động bảo vệ sự sống dù có phải chấp nhận những khó khăn nguy hiểm…
Chia sẻ: Mời bạn nêu một sáng kiến để tham dự cách cụ thể và tích cực vào mầu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh để cầu cho các đẳng linh hồn sớm được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình....
THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
TIẾNG CHÚA ĐANG NÓI
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Nước Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Như dụ ngôn Chúa Giê-su kể cho các môn đệ nghe hôm nay, người ta có thể nhìn xem dấu hiệu của cây cối để biết thời tiết. Cũng vậy người ta có thể nhìn xem những việc xảy ra chung quanh mình để biết điều Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta hôm nay là gì. Thiên Chúa vẫn đang nói với con người không chỉ qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhưng còn qua các dấu chỉ của cuộc sống xung quanh và trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta: những biến cố chính trị, xã hội, những bất trắc hay thuận lợi của hoàn cảnh, và cả những đau khổ, bệnh tật... Bổn phận chúng ta là phải biết lắng nghe và nhận ra tiếng nói ấy để biết mình phải làm gì. Lắng nghe bằng sự thinh lặng suy niệm sâu xa, bằng thái độ khiêm tốn và yêu mến. Nhịp sống hiện đại càng ồn ào hối hả, càng đòi chúng ta phải biết thinh lặng và lắng nghe nhiều hơn.
Mời Bạn: Hôm nay tôi sẽ chọn một biến cố trong cuộc sống của mình, để lắng nghe xem Chúa muốn nói với tôi điều gì và Ngài muốn tôi làm điều gì?
Chia sẻ: Theo bạn, thái độ nào là cần thiết để có thể lắng nghe được tiếng Chúa đang nói với chúng ta qua những biến cố của cuộc sống.
Sống Lời Chúa: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10,27), tôi sẽ đọc lại câu này luôn để xin ơn được nhận ra tiếng Chúa, là Chủ Chăn đích thực của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa cuộc sống ồn ào náo nhiệt này, xin cho con biết dành cho mình những giây phút thinh lặng, để con có thể lắng nghe được điều Chúa muốn nói và con có thể thi hành trong ngày hôm nay. Amen...
THỨ SÁU TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,29-33
"Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu."
(Lc 21,33)
Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu nói thật rõ: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu". (Lc 21,33)
1. Vâng, mọi sự rồi sẽ qua đi hết. Chỉ có Thiên Chúa mới đời đời.
Có một sự kiện mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Đó là ngày hôm nay, con người ít nhạy bén với những giá trị thiêng liêng.
Nhà giảng thuyết Payson nói: "Triệu chứng của sự suy thoái thiêng liêng cũng giống như sự suy thoái thân xác. Nó thường bắt đầu bằng việc không thích ăn và chê chán mọi thứ thực phẩm, như cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và sách thiêng liêng. Khi nào có những triệu chứng đó, bạn hãy cẩn thận; sức khỏe thiêng liêng của bạn đang lâm nguy. Cần đến ngay vị Đại Y Sĩ là Thánh Linh để chữa trị".
Một người giàu có nọ xây một toà nhà rất đầy đủ tiện nghi, có thể nói là ngoài sức tưởng tượng! Xây xong, ông mời bạn bè đến tham quan, và những người này đã không ngớt lời khen ngợi công trình tuyệt mỹ. Chính chủ nhà cũng tỏ ra không kém phần hứng khởi, và sau khi dọn đến ở trong ngôi nhà mới, ông đã bày ra mọi thứ trò tiêu khiển, đủ mọi lạc thú trên đời!
Ngày nọ, một người tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa đến thăm và được ông chủ mời đi tham quan tòa nhà tráng lệ. Sau khi hướng dẫn vị khách đi xem xong, người chủ giàu có mới hỏi người của Thiên Chúa có ý kiến gì không. Vị này trả lời:
- Tòa nhà làm tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, nó dư một cánh cửa! Ông cần bít cánh cửa này lại nếu ông muốn có một tòa nhà không chê vào đâu được và hạnh phúc lâu bền!
- Cánh cửa nào thế?
- Đó là cánh cửa mà có lẽ không bao lâu nữa đâu, người ta sẽ khiêng thi hài của ông đi qua. Ngày nào cánh cửa này còn mở, ngày đó hạnh phúc của ông trong lâu đài này sẽ không thể kéo dài, và cái gì không kéo dài được thì không có giá trị cao. Hãy biết rằng, thời gian đang qua đi này sẽ được tiếp nối bằng sự vĩnh cửu, cái sẽ không bao giờ qua đi!
Lời sách Khôn ngoan:
Tất cả sẽ qua đi như bóng câu vụt mất,
như mẩu tin khẩn cấp loan truyền.
Và cũng tựa con tàu đi trên sóng nước
ai còn thấy dấu vết khi nó đã băng qua?
Ai còn thấy lằn tàu trên sóng biển?
Như con chim bay lượn giữa bầu trời,
ai tìm được đường bay của nó?
Ðập đôi cánh trên làn khí nhẹ,
nó vỗ cánh lướt đi, vùn vụt băng ngang trời,
và rồi không còn một dấu vết đường bay.
Như khi mũi tên lao về đích,
trời xé ra, rồi lập tức khép lại
mà không ai biết nổi đường tên bay.
Cũng thế mà thôi, bọn chúng mình" (Kn 5,9-12).
2. Hãy biết khôn ngoan nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa.
Khi thấy cây vả đâm chồi thì người ta biết mùa hè sắp đến; cũng thế, khi thấy "những điều đó" (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.
Khi nói điều này Chúa Giêsu muốn nói đến vai trò dấu chỉ trong đời sống của chúng ta.
Theo cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xảy đến trong đời sống thường ngày. Điều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa. Nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lỗi lầm của chúng ta.
Năm 1937, nữ tu Têrêsa được cử làm giám đốc của một trường trung học dành riêng cho các học sinh giàu tại Calcutta. Nữ tu vẫn còn nhớ mãi lời căn dặn của mẹ mình:
"Con hãy nhớ rằng: con được gởi đến Ấn Độ là để phục vụ người nghèo." Trước cảnh đói khổ của dân chúng, trước cảnh cô đơn của các bệnh nhân, những người phong cùi và nhất là trước cảnh trẻ em và những người già cả lê lết ngoài đường phố, nữ tu Têrêsa cảm thấy không yên tâm để tiếp tục nghề thầy giáo của mình, nhất là thầy giáo cho học sinh giàu nữa.
Ngày 10.07.1946. trên một chuyến xe lửa chật chội, ngồi bên những người cùng khổ, nữ tu Têrêsa bỗng nghe như có tiếng thì thầm trong lòng:
"Con hãy ra khỏi nhà dòng để phục vụ người nghèo bằng cách đến ở với họ, sống giữa họ và như họ."
Đây là lần thứ hai chị nghe tiếng gọi như thế. Xác tín rằng: đây là tiếng gọi của Chúa, chị đã trình bày ước nguyện lên bề trên và đúng một năm sau, chị đã được bề trên và Đức Giám Mục bản quyền địa phương cho phép ra khỏi dòng để sống với những người nghèo khổ.
Cởi bỏ chiếc áo dòng của các nữ tu, chị choàng vào chiếc áo Sari cổ truyền Ấn Độ, ăn mặc giống như người nghèo, nữ tu Têrêsa đã hoàn toàn trở thành một người nghèo giữa những người nghèo.
.
|