dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Một Thoáng Suy Tư
 
 
Sơn Hà
 
<<<    

CÓ PHẢI LÀ LUẬT CHÚA TRÊN LUẬT NGƯỜI KHÔNG?
 

Mấy hôm nay, tin tức trên đài truyền hình ở các nước tự do dân chủ với nhân quyền khắp thế giới nói về sự kiện một em bé gái 9 tuổi, ở xứ Brésil bị hiếp dâm bởi ông dượng (beau-père) làm cho em bé đó có bầu để rồi dẫn đến chuyện phải phá thai. Đây là một chuyện nếu có thật thì cũng phải nói là lạ, vì theo quy luật tự nhiên thì sự thụ thai phải có sự rụng trứng, nghĩa là người con gái phải tới tuổi có kinh (có tháng), thì mới có thể thụ thai. Ở trường hợp này nếu bé gái đó thật mới có 9 tuổi thì là còn quá trẻ, mà đã có 2 trứng rụng một lượt để mà bị có bầu (jumeaux), thì phải nói là trường hợp hiếm có hay có thể nói là chuyện lạ. Nhưng nếu nói theo phúc âm, thì "vì không có chuyện gì là không có thể đối với Thiên Chúa"(Lc.1,37). Vì vậy biết đâu đó cũng là một chuyện Chúa muốn để cho con người tự đặt câu hỏi lại về sự sống, về đức tin, về thiên chức làm người của mình và về Thượng Đế trong mùa chay này.

Theo tin tức mà tôi nghe và hiểu được là chuyện này đã xảy ra trong một gia đình công giáo như gần 80% dân số ở Brésil theo Thiên Chúa giáo, và vì ông cha xứ họ đạo đã biết được chuyện phá thai này và đã trình lên Đức Giám Mục để dứt phép thông công (excommunion) gia đình em bé này (lẫn luôn cả đội bác sĩ y tá lo cho mạng sống em bé này) và đã loan tin qua phương tiện truyền thông hiện đại để cho mọi người biết là "Luật Chúa trên luật người".

Hội Thánh La Mã cũng đã lên tiếng qua giáo chức thẩm quyền về chuyện đồng ý dứt phép thông vì tội phá thai này và bênh vực lập trường không được phá thai của Giáo Hội theo nguyên tắc kính trọng sự sống của Thiên Chúa giáo, dựa trên tín điều Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Toàn Quyền nên là chủ của mọi sự sống trên trái đất này, nên sự sống hay sự chết của con người là ở trong tay Chúa.

Thế là ông Lula Tổng Thống xứ này đã lên tiếng công khai chống lại lập trường của giáo hội công giáo. Nên tôi không muốn đề cập những hậu quả thực tế bên ngoài có liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khoẻ, gia đình, xã hội, giáo dục của em bé gái đó và của con của bé gái đó (nếu để có sau này) mà mọi người đều đã thấy và đã biết. Ở đây qua bài này, tôi xin được mạo muội đóng góp vài tư tưởng về nền tảng ý nghĩa của con người và Thượng Đế, theo quan niệm Đạo Trời của tổ tiên Việt tộc, còn gọi là Minh Triết, là Đạo Việt.

Nhưng trước khi đi vào sâu vào vấn đề này, tôi cần phải nhắc lại cho bạn là qua bài viết này tôi không có ý xét đoán hay bênh vực lập trường của ai hết, vì dựa trên nền tảng của Đạo Trời mà cũng là Đạo Việt thì quan niệm Trời là nguyên lý Mẹ với "thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tướng sinh bát quái...", để rồi sinh ra Con người để cho con người siêu việt về lại Cội Nguồn bằng cách tiến hoá không ngừng, không nghỉ như Càn Khôn (Trời Đất), để thành Một với "thiên địa vũ trụ vạn vật Nhất Thể", nghĩa là con người với Thượng Đế là Một.

Đó là vũ trụ với nhân sinh quan của Việt tộc đã có từ thời Hòa Bình, mà theo khoa học khảo cổ hiện nay phát hiện thì thời đó cũng đã có ít nữa là từ 10 ngàn năm nay. Quan niệm đó chính là nền tảng chân lý của mọi chuyện, mọi sự, mọi vật với con người trong Trời Đất này và cũng đã được tóm tắt trong câu hệ từ: "nhất âm nhất dương chi vị Đạo" với âm dương còn gọi là lưỡng nghi, như tượng với hình, như thể với dụng, như phương với hướng, như ngày với đêm, như tròn với vuông, như vợ với chồng, v.v... như ca dao có câu:

Mình với Ta tuy Hai mà Một
Ta với Mình tuy Một mà Hai


hay nói cách khác đó là hai trạng thái, hai bình diện, hai cách thức, hai đối cực, hai chiều hướng, v.v... như hai mặt của Một đồng tiền hay một vấn đề. Đó là một điều tự nhiên nên hiển nhiên và dĩ nhiên là đương nhiên cho hết mọi người mà khỏi cần phải chứng minh hay phải tin, cho nên gọi là nguyên lý nghĩa là đúng ngay từ đầu. Ngày nay khoa học cũng đã khám phá và đã chứng minh được điều "âm dương" đó trong mọi vật như tôi đã nói (trong các bài viết của tôi) và nguyên lý đó là tiền đề (prémise) cho Việt Đạo học.
Hay từ đó còn gọi là định đề như: "âm dương bất trắc vị chi thần" tức là thần thì đến ngay âm dương cũng không còn đo lường được nữa, vì nó đã vượt ra khỏi không gian thời gian và trở nên bao la như vũ trụ. Vì vậy mà Kinh Dịch đã đặt tên là "vũ trụ chi tâm" nghĩa là vũ trụ là tâm của mình, thì khi đó chân lý cho mình mới là "thiên lý tại nhân tâm", nghĩa là điều gì đúng với sự thật với chân lý là ở nơi tâm của mình, khi nào mà mình biết "đồng tâm" với vũ trụ bằng cách lấy minh Tâm làm đường đi, lấy thành Tính làm điểm đến, tức là đạt tới "Chí Trung Hoà". Hay nói cách khác là khi mình sống ý thức với chiều kích vô biên của con người Đại Ngã là Giao chỉ của đức Trời và Đất, như câu: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức", thì chân lý mới ở nơi Tâm mình.

Đó là định đề nền tảng để cắt nghĩa sự tiến hoá của con người với cơ cấu Trí, Nhân, Dũng, là ba đức Tính bản nhiên của con người được thể hiện bằng Ý, Tình, Chí; mà tư tưởng với quan niệm là sự hiểu biết của lý trí để áp dụng vào đời sống bằng tình với cách sao cho chí lý, thì mới là thuận thiên, mới là tiến hoá thì đó mới là "thuận tính mệnh chí lý", tức mình mới là Người nghĩa là Thành Nhân.

Sự tiến hoá đó của con người để thành Nhân phải trải qua ba giai đoạn mà từ xưa đến nay theo tiến trình lịch sử nhân loại đã cho thấy đó là: bái vật, ý hệ và tâm linh.

1/ Giai đoạn Bái vật (Tiềm thức)
Là lúc con người tự cảm thấy mình bé nhỏ yếu đuối nên sợ sệt trước những biến chuyển của thiên nhiên, như động đất, bão lụt, hạn hán, cháy rừng, sấm sét, v.v... hay trước sức mạnh của những thú dữ như cọp beo, sư tử, cá mập, cá sấu,... thành thử đâm ra hoảng sợ vì không hiểu hay chưa biết luật tất yếu của Càn Khôn là tiến hoá, nên mới tưởng tượng ra thần thánh hay ma quỷ, để rồi đâm ra thờ thần mặt trời, thần sấm sét, thần núi lửa (sơn tinh), hay sóng thần (thủy tinh),... cũng như thờ cây đa, cây bồ đề, hay một cây cổ thụ nào đó... và đi hối lộ quỷ thần bằng lễ vật hy sinh, bằng cúng tế để khấn vái, để xin che chở hộ phù, thì đó chỉ là mê tín! Hay cũng có thể nói đó là giai đoạn mà con người chưa tỉnh thức, còn sống với tiềm thức nghĩa là chỉ biết sống với bản năng tự nhiên như thú vật: ăn, ngủ, làm tình... mà chưa biết đặt câu hỏi tại sao.

2/ Giai đoạn Ý hệ (Nhận thức)
Là giai đoạn con người sống với kinh nghiệm nên bắt đầu học hỏi để tìm giải pháp cho bản năng sinh sống như săn bắn (du mục) hay trồng trọt (nông nghiệp) hay làm nhà ở để tránh mưa che nắng, v.v... Đây là giai đoạn bắt đầu nhận thức sự hiện hữu của mình với môi trường sống xung quanh, như thời tiết với nóng lạnh để sống thích ứng với thiên nhiên một cách hữu hiệu hơn và thành quả hơn. Giai đoạn này còn gọi là thời Xuân Thu vì với kinh nghiệm người ta biết là mùa Xuân thì phải gieo để sang mùa Thu mới có lúa gặt. Đó cũng là giai đoạn bắt đầu cơ cấu hoá ý nghĩ bằng chữ viết trên đá, trên gỗ, trên da (súc vật), rồi từ đó dẫn tới sự hệ thống hoá tư tưởng thành sách với quy tắc, quy luật, thơ văn, v.v... nên gọi là Ý hệ.

3/ Giai đoạn Tâm linh (Ý thức)
Con người sau khi sống với bản năng bằng tiềm thức để rồi với kinh nghiệm thì mới tri thức để rồi nhận thức những yếu tố quan trọng làm cho cho đời sống thành quả tốt đẹp hơn với cơ cấu hệ thống để rồi tổ chức việc phát triển theo chiều ngang trải ra trước mắt, thì mới thấy mình bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thế là con người mới bắt đầu ý thức là mình còn thiếu chiều dọc trong cái Tính Bản Nhiên nơi mình, còn gọi là Nhân Tính tức là có Tính của Trời Đất nghĩa là Thiên Tính với chiều kích vô biên và sự linh hoạt không ngừng (thiên hành kiện) theo quy luật tiến hoá tất yếu và siêu việt của Càn Khôn. Vì như tiền đề định nghĩa con người với vạn vật vũ trụ Trời Đất là Một (nhất thể) nên mới được cái thiên chức làm người, nên mới bị thu hút và thúc đẩy bởi quy luật tiến hoá này để quy về với Nhất Thể, là Thiên Chúa, là Thượng Đế, thì là mới Thành Nhân và đó là giai đoạn Tâm linh.

Vì vậy con người với Nhân Tính là bản chất của Thiên Tính nên mới gọi là Tính Bản Nhiên, đó cũng là ý nghĩa "con người được tạo nên giống hình ảnh Chúa". Vậy thì nếu Chúa có Tính toàn năng, toàn quyền, và nếu nói là cùng bản tính mà suy ra thì con người cũng có Tính toàn năng, toàn quyền vậy chứ tại sao lại không? Còn nếu hỏi, nếu như vậy thì tại sao con người lại không làm được những chuyện như Chúa, chẳng hạn như nhịn đói 40 đêm ngày ở trong sa mạc với thú dữ (xin đọc lại bài Ý nghĩa mùa Chay theo Đạo Việt) hay như là đi trên mặt nước, v.v..., thì chỉ tại vì mình chưa đạt được Thần để Linh như Chúa, nghĩa là tại vì mình chưa biết làm như Chúa, tức là chưa đạt được Minh Triết mà thôi!

Tục ngữ mình có câu: "Con hơn Cha là nhà có phúc" có nghĩa là ở đời này không có một cha (hay mẹ) trần gian nào mà lại tức giận và đi phạt con mình khi con mình nó học giỏi hơn mình hay thành công hoặc giàu có hơn mình, mà trái lại là một phúc đức cho mình là cha là mẹ khi con mình nó giỏi hơn mình và có chức tước trong xã hội, thì có cha mẹ nào mà lại không vui sướng và hãnh diện? Thì tại sao Cha Trời lại kết tội con mình (Adong Evà) là kiêu ngạo chỉ vì nó muốn thông minh sáng láng như Cha Trời khi nó ăn trái cấm trong vườn địa đàng, để rồi không những chỉ phạt nó và mắng đuổi nó ra khỏi vườn địa đàng mà còn phạt luôn con cháu nó với cái tội "tổ tông truyền" cho tới nay không biết là bao nhiêu đời???!!!

Nên nếu con mình nó xét theo khoa phân tâm với tâm lý học ngày nay thì sẽ không ai ngạc nhiên gì khi nó nói là ông Cha Trời này mới quả thật là độc đoán, mới thật là kiêu ngạo, mới thật là ích kỷ, là tàn nhẫn,... thì biểu làm sao mà con nó kính trọng được, chứ đừng biểu là nó phải tôn thờ!!!

Vì vậy nếu con người nhìn Cha Trời theo quan niệm độc đoán một chiều của mình thì chỉ có Thiên Chúa hay Thượng Đế là toàn năng, toàn quyền, còn con người chỉ là tôi tớ với đầy tội lỗi và chỉ chờ được Chúa cứu vớt, thì con người quả đúng là nô lệ của Thiên Chúa. Nói cách khác, tin tưởng như vậy thì quả đúng là duy tâm, duy thần, duy thiên, duy linh... nghĩa là chỉ có duy (một chiều) tức là mình còn ở giai đoạn bái vật vì mình chưa nhận thức được mình với vũ trụ, với Thượng Đế là Một. Và một khi chỉ có Một, thì tức Thượng Đế là Thiên Chúa ở trong mình, thì đâu còn ai trên ai dưới, hay ai lớn hơn ai.

Vì nếu con người chỉ là tôi tớ hèn mọn đối với Thiên Chúa thì còn đâu là Một, còn đâu là Thiên Tính với Thiên Chức làm người? Còn đâu là con người đồng bản Tính với Chúa và giống hình ảnh Chúa? Và nếu con người được quan niệm là hèn mọn như vậy thì dĩ nhiên là luật của Chúa đương nhiên phải trên luật của con người, là điều đâu có ý nghĩa gì đâu để mà cần phải rao giảng?!

Cho nên theo nguyên lý mẹ với quy luật Càn Khôn là tiến hoá và siêu việt mà con người phải sống thuận thiên để trường tồn, để quy về Thượng Đế thì việc phá thai tức hành động giết người (không kính trọng sự sống) không phải là vấn đề nên không phải là tội, vì giết người chỉ là tội đối với con người qua cái lương tri, chứ đâu có là vấn đề đối với Chúa, với Thượng Đế. Vì Chúa là vô cực, vô biên thì nếu trái đất này có tiêu tan đi nữa cũng chưa chắc gì có ảnh hưởng đến Chúa là vũ trụ mênh mông bát ngát, hay quá lắm chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ. Chứ luật biến hoá và tiến hoá của Càn Khôn vẫn tiếp tục sinh sinh hoá hoá và có bao giờ ngưng lại đâu. Nên nếu mình không chịu tiến hoá theo quy luật Càn Khôn thì đó mới là "tội" cho cái "nghiệp" của mình thôi, vì mình sẽ không biết bao giờ mới quy về lại được với Chúa là Thiên Đàng, là Hạnh Phúc vĩnh cửu và vô biên bất tận... Nên tội chính là sự bám víu mê muội vào tư tưởng của mình để dẫn tới thái độ hay hành động làm cản trở việc tiến hoá của mình theo quy luật Càn Khôn để cải hoá và quy về với Cội Nguồn là Cha Trời, là Thiên Chúa, là Thượng Đế. Vì vậy mà Khổng Tử đã ghi ra bốn cái không "tứ vô" phải có để mới có thể tiến hoá đó là:

1/ Vô Ý: nghĩa là không bám vào ý thức hệ tức là những suy luận của lý trí.

2/ Vô Tất: nghĩa là không bám vào sự khẳng định tất nhiên (cho là chắc chắn) nào, kể cả những chứng minh khoa học.

3/ Vô Cố: nghĩa là không cố chấp vào bất cứ điều gì để khỏi bị "kẹt" mà không còn có thể biến thông.

4/ Vô Ngã: nghĩa là không sống bằng tiểu ngã của mình với ích kỷ, tư lợi,... mà là sống bằng tình chân thật (cố năng ái) với cái Tâm của mình cho tha nhân để mới đạt được Đại Ngã.

Vì vậy muốn hiểu biết Đạo và sống Đạo thì phải tự mình làm cho sáng ba cái Đức (minh Minh Đức) nơi mình đó là Trí, Nhân, Dũng còn gọi là tam bảo hay Tính bản nhiên. Mà muốn làm cho sáng cái bản Tính đó thì phải biết thực hiện (áp dụng) tam công đó là: công phu, công quả, công trình.

Công phu (Trí) nghĩa là phải tu luyện học hỏi với năm cấp bậc đó là: bác học, quảng vấn, thận tư, minh biện, để rồi mới có thể đốc hành.

Công quả (Nhân) tức là phải sống với "đồn hồ nhân" nghĩa là bằng cách đôn hậu tình người và sống tình chân thật với tha nhân qua những việc từ bi, bác ái.

Công trình (Dũng) tức là không hề nản chí và phải biết tự kiểm điểm công việc mình làm để tu sửa cho thăng tiến hầu tiến hoá.

Để kết luận, con người (mình) chỉ là người một khi mình biết tiến hoá cách siêu việt, đó là quy về với Chúa bắng cách sống chân tình với tha nhân. Mà như trong Phúc âm Chúa cũng đã tóm tắt lại trong chỉ có một điều đó là: "Mến Chúa và yêu người" (Lc.10,27). Còn nếu nói theo quan niệm của Đạo Việt thì cũng tương tự như câu: "Tri chu hồ vạn vật nhi Đạo tế thiên hạ, cố bất quá. Bàng hành nhi bất lưu. Lạc thiên Tri mệnh cố bất ưu. An thổ đôn hồ nhân cố năng ái" (Hệ Từ IV) nghĩa là "Biết trọn được (chu vi) khắp vạn vật là Đạo (Nhân) nên gây được an hòa cho khắp cõi, vì vậy mà không đi quá. Hoạt động ở vòng ngoài mà không bị trôi theo lưu tục. Thấu hiểu mệnh Trời, nên không ưu sầu. Yên nghỉ lại nơi Thổ tâm linh và đôn hậu tình người nên có thể yêu thương bằng tấm lòng chân thực."

Viết xong ngày 9 tháng 3 năm 2009.
(tức 13 tháng 2 năm Kỷ Sửu)

Nguyễn Sơn Hà


dongcong.net sưu tầm

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)