dongcong.net
 
 

Suy Niệm của Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh MD

September 26, 2014

THỢ VƯỜN NHO TRUNG THÀNH VÀ QUẢNG ĐẠI ?

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN A

(Ed 18:25-28; Pl 2:1-11; Mt 21:28-32)

Ngay trước khi câu chuyện nói trong bài Phúc Âm hôm nay xẩy ra, đức Giesu đã trở lại đền thờ (Mt 21:23a) và tuyên bố đền thờ là đất thánh dùng để cầu nguyện và làm mục vụ chữa lành (Mt 21:14). Chúa Giesu đã giảng dạy như thách thức những người đối kháng Chúa. Họ là các thượng tế và kỳ mục trong dân luôn luôn làm áp lực bắt bí người: “ Ông lấy quyền gì mà làm những điều đó, và ai ban cho ông quyền ấy?” (21:23b). Chính Thiên Chúa là nguồn mạch quyền uy của đức Giesu, nhưng nếu nói ra như vậy thì chẳng ích lợi gì mà còn là cớ cho họ xúc phạm Người. Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi, đức Giesu hỏi ngược lại họ về phép rửa của ông Gioan Tiền Hô. Vì họ không tin chúa Giesu qua hành động mục vụ của Gioan nên họ không trả lời Người. Niềm tin vào Thiên Chúa và đức Giesu được biểu hiện qua phản ứng về ông Gioan Tiền Hô của những kẻ đối kháng Chúa. 

Ý NGHĨA BÀI PHÚC ÂM HÔM NAY 

Bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu bằng cách giới thiệu cho chúng ta khung cảnh một người cha bảo hai người con đi làm vườn nho (Mt 21:28-32). Đối với những người Do Thái quen nghe chuyện kinh thánh Do Thái thì câu chuyện này đã có giải đáp rồi. Có biết bao nhiêu là chuyện trong kinh thánh nói về những người anh em, thường là những chuyện xung đột, bán mua, hiểu lầm, tranh đua và gây cấn. Chúng ta chỉ cần nhớ lại chuyện hai anh em Jacob và Esau, Isaac và Ishmael hay Joseph và các anh em ông. Đức Giesu thực là một tay có tài kể chuyện, đã thu hút được người nghe và đưa họ vào vấn đề. Tôi chỉ có thể tưởng tượng được điều mà người nghe nghĩ khi đức Giesu bắt đầu câu chuyện: “Anh nghĩ gì? Một ông già có 2 người con….” 

Sau khi ra lệnh, người cha kỳ vọng vào câu trả lời, không phải chỉ tiếng vâng, nhưng là một cam kết thực sự. Người con đầu đã trả lời “Không” nhưng rồi nghĩ lại, hối hận, đổi ý và đi làm. Người con thứ hai nói “Vâng”  cho xong chuyện để đẹp lòng cha, nhưng không giữ lời.

 MÙ QUÁNG TRƯỚC HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚA

 Hai người con tượng trưng cho các vị lãnh đạo tôn giáo và những người theo  lời kêu gọi thống hối của Gioan.  Qua câu họ trả lời chúa Giesu (Mt 21:31), họ đã tự kết án họ. Là những người lãnh đạo tôn giáo, họ tuyên bố họ trung thành và vâng lời Thiên Chúa, nhưng họ lại mù quáng, không biết rằng vâng lời thực sự là phải tin vào những những điều mới lạ mà Thiên Chúa đang làm. Cuối cùng, những kẻ tội lỗi ở Israel như những người thu thuế và gái làng chơi là những kẻ chẳng cần biết đến những đòi hỏi đạo giáo của họ lại được nhận vào nước trời, những kẻ chống đối đức Giesu lại bị loại ra ngoài. Ngoài ra, những kẻ coi như chỉ tìm kiếm ơn cứu chuộc ở đâu đó vì họ không chấp nhận những hình thức đạo giáo bề ngoài thì lại là những kẻ rất nhậy cảm với hồng ân Thiên Chúa, do đó họ đã ăn năn thống hối và phục vụ Thiên Chúa là Thầy mình một cách rất chân tình. Cũng một cách lạ kỳ và bất ngờ như vậy, ta cũng thấy ở bài đọc hôm nay trong Cựu Ước, cách thức của Thiên Chúa và của dân người hoàn toàn trái ngược (Ed18:25-28).

 SUY NIỆM VỀ NƯỚC TRỜI

 Bài dụ ngôn hôm nay mới chỉ là một khái niệm về căn tính của vương quốc Thiên Chúa. Dù bài dụ ngôn đưa ra một phán xét về những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái, nhưng Mathieu cũng muốn áp dụng sứ diệp này một cách rộng rãi hơn, và cho cả chính chúng ta. Mỗi người chúng ta cũng có thể tự cảm nghiệm về chính mình. Chúng ta đã có lúc mù quáng, không muốn nhận biết những việc Chúa làm chung quanh ta. Phải chăng bài dụ ngôn này đang nói về những kẻ bề ngoài xem ra rất đạo đức và khiêm nhường khúm núm vâng phục ngay từ đầu, nhưng thực tế không bao giờ họ nghĩ tới lòng Chúa thương sót sâu thẳm thế nào để thực sự nhận biết tường tận tâm can Thiên Chúa? Bài dụ ngôn này là một bài học cho những kẻ xưng mình là người Công giáo/Kito giáo, nhưng không sống với niềm tin, không thờ phượng Chúa, không đi nhà thờ đọc kinh xem lễ. Trái ngược với những người trở lại với Chúa mà chẳng bao giờ nói mình là người công chính.

 Ở thời đại ngày nay, có nhiều người nói mình biết đức Kito, nhưng không bao giờ sống đời sống Kito giáo. Thực ra nói ra ngoài minh là gì không là vấn đề quan trọng, quan trọng là mình sống, nghĩ, hành sử phù hợp với lòng mình. Nói phục vụ đức Kito, lạy Chúa tôi ơi! mà chỉ là đầu môi chóp lưỡi, nói để ngoại giao hay đẹp lòng người đối diện hoặc tỏ ra mình đạo đức mà lòng trí thì trống rỗng, không nhận biết sứ diệp Chúa, tỏ lòng ăn năn thống hối thì chẳng có giá trị gì đâu. Điều Chúa muốn là kết quả cuộc sống của chúng ta. Thiên Chúa nhẫn nại vô cùng, chắc chắn Người tha thứ cho tiếng “Không” lúc ban đầu, nhưng trên bước đường dài đi đến kết thúc phải là tiếng “Vâng”.

 PHÚC ÂM HÓA VÀ ĐỔI MỚI VỚI NHIỆT TÌNH HỨNG KHỞI

 Quả là dễ dàng nếu “cố gắng của giáo hội, của giáo phận, giáo xứ, hội đoàn” kết cục đạt được kết quả chút xíu thôi thì cũng còn hơn là chỉ giữ cái tên xứ này, cộng đồng nọ, hội đoàn kia cho có vẻ mà không hồ hỡi về những điều do ân sủng Chúa ban để mà hăng say rao truyền Tin Mừng, tuyên xưng niềm tin trong đời sống xã hội công cộng và đổi mới. Chúng ta nói chúng ta sẽ làm việc trong vườn nho, nhưng lại than phiền, lẩm bẩm trách móc, không hái nho mà đi nhặt đá dọc đường, không hân hoan vui mừng vì những thành quả dồi dào quanh ta.

 LÒNG TRÍ VÀ CÁI NHÌN CỦA ĐỨC GIESU KITO

 Thư thánh Phaolo gửi tín hữu Philiphe trong bài đọc 2 hôm nay (Pl 2:1-11) là một trong những bài thánh ca tuyệt đẹp trong Tân Ước. Những giòng ngắn có âm điệu được chia làm 2 phần: Ở các câu 6-8 đức Giesu là chủ thể của mỗi động từ; các câu 9-11 đức Giesu là túc từ. Nhìn tổng quát cho thấy đức Kito hạ mình/khiêm nhường để rồi được tôn vinh.

 Dù thánh Phaolo đang bị giam trong tù, không thể thăm viếng và giảng phúc cho cộng động Philiphe yêu quí của ngài, nhưng không phải vì vậy mà cộng đồng không thể hiệp thông và giúp đỡ ngài. Từ trong ngục tù, Phaolo cầu xin họ hãy làm cho niềm vui của ngài được trọn vẹn bằng cách có “cùng một cảm nghĩ”, “cùng một tinh yêu mến” (2:2). Đừng để bị lôi kéo, tâng bốc lên tận mây xanh theo trào lưu thế tục, của thế giới, của xã hội, của tất cả những đổ vỡ trong cuộc sống tội lỗi, chúng ta sẽ được mời gọi bước vào khuynh hướng “đi xuống” của đức Giesu Kito tự làm cho mình trở nên trống rỗng để rồi có được tràn đầy và sự sống vĩnh cửu.

 SÁCH GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VÀ CHÚA GIESU

 Giáo Lý đã nêu lên những liên hệ giữa đức Kito và lề luật qua những câu sau đây:

  #580- Chu toàn lề luật không phải là ai khác ngoài đấng làm ra luật là Thiên Chúa, đấng sinh ra vì luật trong con người của Chúa Con. Nơi Chúa Giesu, luật không còn ghi trên bảng đá nhưng tận “đáy lòng” của người đầy tớ đã trở thành “giao ước của dân”, bởi vì Người “trung thành theo luật pháp /công lý”.  Chúa Giesu chu toàn lề luật đến độ đã lãnh lấy cho mình “sự chúc dữ của lề luật” mà những kẻ không thi hành giới răn luật phải gánh chịu. Cái chết của Chúa Giesu là để cứu chuộc họ vì đã “vi phạm giao ước thứ nhất”.

 #581-Dưới mắt dân Do Thái, chúa Giesu là một rabbi. Người thường tranh luận về cách giải thích luật của các rabbi, nhưng Người không thể chấp nhận nên đã phải đụng chạm đến các tiến sĩ/thầy dạy luật, bởi vì Người không chỉ đề ra những cách giải thích như họ, mà “Người còn giảng dạy như một người có uy quyền, chứ không như các luật sĩ của họ”. Nơi chúa Giesu, cũng vẫn Lời Thiên Chúa xưa đã từng vang dội trên núi Sinai để viết ra thành luật Maisen, nay lại được nghe lại tại núi Tám Mối Phúc Thật. Chúa Giesu không dẹp bỏ lề luật, nhưng kiện toàn bằng cách đưa ra những giải thích tối hậu theo đường hướng của Thiên Chúa: “Các ngươi đã nghe có lời dạy người xưa rằng…., còn ta, ta bảo các ngươi rằng…”(Mt 5:33-34) Với uy quyền Thiên Chúa như thế, Người không chấp nhận một số truyền thống loài người của những người biệt phái vì chúng “phá bỏ Lời Thiên Chúa”.

 SUY NIỆM TRONG TUẦN:

 1-    Thế giới quanh ta đang khao khát Tin Mừng thực sự từ những người thợ làm việc trong vườn nho của Chúa là những người rao truyền Tin Mừng không biết mệt, không biết chán, không buồn sầu nản chí, nhưng là những thừa tác viên / mục tử của Phúc Âm mà cuộc sống sáng ngời đầy nhiệt khí, là những người đã nhận niềm vui chúa Thánh Thần trước tiên, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cho nước Trời được tuyên xưng, Giáo Hội được thiết lập giữa lòng thế giới. Chúng ta phải rao truyền Phúc âm như thế nào? Chúng ta có tiếp nhận việc Tân Phúc Âm hóa với niềm hứng khởi nhiệt thành không?

2-    Cái gì ngăn cản chúng ta trở thành những cộng đồng thực sự, tình nghĩa huynh đệ thực sự và  một hội đoàn sống động hơn là một cơ chế tổ chức máy móc, nặng phần trình diễn?

3-    Một số biến cố xẩy ra trên thế giới và trong Giáo Hội đã giúp chúng ta gạn lọc và xét lại lời tuyên xưng của chúng ta thế nào? Chúa Thánh Thần đã nói gì với Giáo Hội qua những biến cố ấy? Chúa Thánh Thần đang dạy bảo và đòi hỏi chúng ta phải theo những hình thức mới nào vể việc phúc âm hóa?

4-    Chúng ta có phải là những người thợ làm việc trong vườn nho của Chúa, đầy niềm tin, quảng đai, nhiệt tình và tràn trề hy vọng không? 

Fleming Island, Florida
Sept.25, 2014

Fxavvy@aol.com
NTC 

- dongcong.net - September 26, 2014

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)