Bài Viết của Người Giồng Trôm
Tháng 10-2023
PHIM ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM VÀ... 16-10-2023
Có thể nói rằng trong các sản phẩm phim Việt Nam sản xuất, chắc có lẽ chưa có phim nào gây tranh cãi như phim Đất rừng Phương Nam. Có lẽ tỷ lệ pr cho phim cùng với tỷ lệ chê trách phim thuận chiều nhau. Càng pr thì càng bị soi.
Tôi không soi mà cũng chẳng pr. Chỉ nhìn chuyện “dậy sóng” hay đúng hơn là “bão” của phim để nhìn cuộc đời. Có thể nói ngay một câu rằng cuộc đời này chẳng có gì là hoàn hảo và phim Đất rừng Phương Nam cũng chẳng hoàn hảo.
Gà mờ như tôi nếu như xem thì xem và công nhận sự hoành tráng của phim chứ không có trình độ chuyên môn để thẩm định. Chỉ thấy những gì mình thấy chứ không biết được những khía cạnh như một số người phân tích.
Đứng trước gọi là drama như người ta hay nói thì quả thật Đất rừng Phương Nam đang thu hút rất nhiều người và nhiều tầng lớp trong xã hội quan tâm. Dường như là cứ mở mạng lên là thấy nói về Đất rừng Phương Nam. Điều này cho thấy rằng Đất rừng Phương Nam đã thành công về mặt lôi cuốn sự quan tâm của nhiều người.
Bao quát và nhìn, như đã nói, trên đời này chả có cái gì là hoàn hảo. Và như người ta vẫn thường hay nói là “bói ra ma quét nhà ra rác” hay “bới lông tìm vết” thì Đất rừng Phương Nam khi càng bới thì càng thấy “rác”.
Có bộ phim nào hoàn hảo đâu dù nó hoàn chỉnh. Đời một vị thánh nào mà chả có những phút yếu lòng hay cả như chối Thầy bây bẩy như Phêrô. Chuyện quan trọng rằng đứng trước một sự việc, một con người, một vấn đề thì ta nhìn nhận như thế nào ? Có người thì phẫn nộ, có người thì bao dung, có người thì ủng hộ và cũng có người tẩy chay.
Trong cuộc sống, ta thường thấy hiệu ứng của đám đông để rồi có những chuyện, những sự việc dù người ta không biết rõ hay vì tính hiếu kỳ để rồi thấy hay nghe người khác ném đá là họ vui vẻ ném đá theo. Cũng như câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình kia. Vài người gọi là bắt được nhưng rồi cả đám đông hăm hở và háo hức để ném đá. Chi đến khi Thầy Giêsu lên tiếng thì đám đông đó bỏ đi.
Đời thường là như thế, đời Giêsu cũng vậy, đôi khi cũng chả làm hại ai mà có khi làm ơn cho rất nhiều người. Thế nhưng khi người ta không ưa là người ta đồng thanh phán “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”. Đơn giản là không ưa thì dưa nó cũng có giòi là vậy.
Chuyện phim Đất rừng Phương Nam cũng đang bị người ta săm soi.
Săm soi cũng là bình thường vì nó là quyền của con người nhưng khi săm soi thì nhất định phải có trình độ nhất định kèm theo văn hóa. Tôi vô tình đọc những phân tích về Đất rừng Phương Nam rất chuẩn mực kèm với chất giọng đầy văn hóa. Cạnh đó, không biết bao nhiêu lời thóa mạ kêu gọi tẩy chay.
Xét cho bằng cùng và trên phương diện công tâm mà nói thì từ nhà sản xuất đến đạo diễn và diễn viên cùng đoàn làm phim đã dốc hết tâm huyết của mình vào phim mà mình làm. Thời buổi cơm áo gạo tiền và đồng tiền lên ngôi thì chả ai dại để bỏ số tiền quá lớn và công sức vào tác phẩm của mình. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả gia tài đầu tư vào phim đó để rồi họ cũng mong được lại chút gì đó với những gì họ bỏ ra.
Câu chuyện là có nhiều anh hùng bàn phím cũng như những người quá khích đã dùng khả năng và ngôn từ nặng nề của mình để đi chỉ trích về bộ phim. Âu cũng là quyền và tự do của con người.
Qua những gì đã và đang xảy ra, chắc có lẽ nhà làm phim, đạo diễn cũng như ekip làm phim đang lắng nghe để rồi tiếp thu những ý kiến trái chiều để mong những lần sau họ không phạm phải những hạt sạn mà khán thích giả đang nhặt cho. Có lẽ họ cũng cảm ơn những người nhặt sạn dùm họ vì lẽ nếu họ biết trước họ đã không để cho có sạn trong tác phẩm hoành tráng như thế.
Đời người mà ! Ở rộng người cười, ở hẹp người chê, sao tránh khỏi những dèm pha hay chỉ trích. Dù ta cố gắng sống tốt mấy đi nữa ta cũng không thể nào hoàn hảo.
Qua chuyện Đất rừng Phương Nam, tôi thấy bóng hình tôi trong đó. Cuộc sống của tôi không tránh khỏi những va vấp vì lẽ là phận người. Tôi luôn đón nhận những chỉ trích, những dèm pha và cả những đạp đổ, thù ghét. Có chăng là tôi bình tâm lại để nhìn đời mình để mình cân chỉnh đời mình làm sao cho nó tròn nhất.
Trong tâm tưởng, tròn vuông méo gì thì Chúa biết và Chúa thương thông cảm và đón nhận tác phẩm của đời tôi. Chắc có lẽ Chúa sẽ không chê trách kể cả cái vụng dại của đời tôi vì Ngài biết những nổ lực, những cố gắng của mình.
Công tâm mà nói, dạo này có những tác phẩm được những nhà làm phim Việt Nam cho ra đời rất hay và có ý nghĩa trong cuộc sống. Một trong những tác phẩm hay và phải kiên nhẫn mới xem được và thấy hay đó là phim Bên trong vỏ kén vàng.
Gần đây, tôi cũng khá chịu khó đến rạp khi có thể để thưởng thức những sản phẩm của Việt Nam. Dĩ nhiên điện ảnh của ta làm sao so bì với thế giới nhưng đứng ở góc độ nào đó, ta cũng nên trân trọng những nỗ lực của bao người.
Thay vì ngồi đó chỉ trích hay thóa mạ thì tìm một việc gì làm tốt hơn đi
Khi mình không thích ai đó thì đừng để họ trong tâm trí mình. Buông đi để sống cuộc đời thảnh thơi.
Với tôi, đơn giản, mình nên trân trọng nỗ lực của người khác. Nếu thấy có gì đó chưa hay chưa phải thì ta nhẹ nhàng góp ý với nhà sản xuất. Nên chăng dùng những lời lẽ chân thành hơn là thóa mạ, nổi đóa và tẩy chay.
Kiếp sống nhân sinh là như vậy, cuộc đời con người là như thế, là chuỗi ngày trau chuốt cho mình để mình tốt hơn, đẹp hơn. Trong hành trình tiến về Thiên Quốc, người Kitô hữu cũng vướng phải va vấp và cả những đổ vỡ nữa để rồi qua đó con người trưởng thành và lớn hơn.
Tưởng nghĩ dù sao đi chăng nữa thì cũng không thể nào phủ nhận công lao, tâm huyết của các nhà làm phim, những đạo diễn đã đặt hết tâm huyết của mình vào tác phẩm. Với góc nhìn của cuộc đời, ta nên bao dung hơn, rộng lượng hơn khi xét đoán hay khi bình phẩm một ai đó trong cuộc đời. Bản thân ta, ta cũng đâu có hoàn hảo nên đâu có thể nào đòi hỏi ai đó hay một tác phẩm nào đó hoàn hảo.
Vui đi để sống với cuộc đời vắn vỏi này
Vui đi để sống qua cái cõi tạm quá ngắn này
YÊU VÀ GHÉT 16-10-2023
Yêu và ghét là hai cảm xúc luôn luôn có trong lòng của con người. Đứng trước một con vật, một sự việc và một con người, người ta sẽ có trong lòng mình cảm xúc về con vật hay con ngườ hay sự việc đó.
Đơn giản như gần đây, ta thấy trên mạng truyền nhau cái clip có mấy người thả cá phóng sinh rượt đuổi người đi với đám cá vừa thả xuống nước. Người thả cá rượt đuổi người bắt cá.
Trước hình ảnh đó, ta sẽ thấy ngay có 2 luồng dư luận đó là yêu và ghét. Người thả và bị người khác bắt thì chắc chắn là ghét vì công lao tiền của họ mua để phóng sinh nay bị bắt. Người khác đi qua đường hay coi hình ảnh đó thì lại có thái độ thương người bắt cá. Họ lý luận rằng người đi bắt kia vì gia cảnh nghèo quá không có gì để ăn nên họ mới làm như vậy ...
Có người hỏi : Nếu anh chích cá không làm nghề này thì lấy đâu nguồn cung cho nhu cầu mua phước của những kẻ có tiền ? Có khi ngoài bản thân, anh ta còn một mớ miệng ăn trông chờ vào sự liều lĩnh bán phước của anh để tồn tại. Thất học, yếu thế ,trên răng dưới không có dép mà mang, anh làm gì để có thể mang vác trách nhiệm với người thân ?
Và lý luận tiếp theo đó : Anh ta chịu khó lặn lội kiếm tiền, không cướp của giết người ,.không mua bán mai thúy hay lừa đảo, buôn gian, bán lận là tốt hơn vạn lần mấy thằng ăn tiền trên xương máu đồng loại mà ra toà mồm còn leo lẻo nói chuyện đạo đức. Hàng ngày các vị có ăn cá, tôm, gà, bò ... không ? Ăn chay được mấy bữa ? Giữa những con cá vừa được phóng sinh với mạng con người và cả gia đình họ ,bạn chọn cá và sẳn sàng đập chết, chọi chết một con người khi họ chạm đến cơn sân si của bạn. Vậy đạo đức dữ chưa ? Thiện tâm dữ chưa ? Anh chích cá chửi bới, hung hăng bởi anh đã ở mức tận cùng không còn gì để mất. Một phản ứng rất Chí Phèo, rất "con giun” khi bị xéo, bị động đến chén cơm.
Thử sống cuộc sống như anh ta một thời gian xem, lúc đó bạn mới biết bạn là ai ! Bạn chửi tất cả những ai tỏ chút lòng thông cảm với kẻ yếu, nhưng bạn có đủ dũng khí để chửi những kẻ hại dân hại nước đang đầy rẫy trước mắt kia không ? Thói bắt nạt kẻ yếu luôn đi kèm sự hèn hạ trước kẻ mạnh thế, mạnh tiền ! Coi lại đi mình đạo đức dữ chưa ?
Vậy đó, chỉ có một sự việc nho nhỏ như thế nhưng có người ghét và kẻ thương huống hồ gì là bao việc khác trong cuộc đời.
Một phim nổi tiếng đang bị vạ lây bởi người ta không thích một diễn viên trong vai diễn nặng ký của phim đó để rồi dường như người ta ghét luôn phim đó. Chỉ vì không ưa diễn viên đó mà bộ phim đang dậy sóng với biết bao nhiêu ngôn từ dành cho người đó.
Mà cũng khổ ! Khi đã bị ghét rồi thì có nói ra lời nào đi chăng nữa cũng bị ghét. Cái ghét nó không tăng lên theo cấp số cộng mà nó lại theo cấp số nhân.
Đời mà ! Vui nhỉ ! Cái thương cái ghét nó hòa lẫn trong con ngườ và nó chi phối con người. Và cái thương cái ghét đó có người bộc lộ ra bằng những phản ứng rất người. Cũng có những người chả nói gì và hài nhất là người chả bận tâm. Những người chả bận tâm rơi vào con đường sống vô vi, họ chả bận tâm gì để rồi họ thanh thản. Đó cũng là một triết lý sống mà không ít người chọn.
Thà chả quan tâm, chả để ý chứ yêu và ghét nó làm khuấy động con người.
Mà cũng lạ lắm ! Khi yêu ai thì người đó ở trong tâm của mình và khi ghét ai thì người đó ở trong trí của ta.
Thật ra mà nói, đời, ai ai cũng có gánh nặng đời mình rồi ! Hơn thua nhau chi cho nặng trí. Khi mình ghét ai đó thì tự nhiên trong trí của mình luôn luôn có họ. Thử hỏi bạn và tôi có biết bao nhiêu quang gánh trong cuộc đời rồi, chất nặng thêm gánh để làm chi.
Đời nó cũng buồn cười ở hiệu ứng đám đông. Mình yêu ai mình lại muốn kéo theo nhiều người yêu người đó. Mình ghét ai thì cũng vậy, mình lại kéo theo nhiều người khác cũng ghét như mình. Nếu ai nào đó không ghét người mà mình đang ghét thì mình cũng ghét luôn người đó ! Nghĩ cũng lạ nhỉ.
Như câu chuyện của phim. Người ta kéo nhau để đi ghét người diễn viên ấy. Ghét ai là quyền tự do mà. Nhưng dù mình có ghét thì mình có làm gì được họ đâu. Dù bị ghét nhưng thấy họ vẫn vinh quang và họ vẫn giàu có hơn mình. Như vậy ghét để làm chi ? Có phải để mệt thêm không ? Cuộc đời đã thấm mệt vì nhiều chuyện, vì cơm áo gạo tiền, vì vợ con, vì cuộc sống chưa đủ sao sao còn đi ghét người ta nữa.
Xét cho bằng cùng, người mà ta ghét họ cũng chả đụng chạm gì đến đời ta, họ cũng chả cướp của giết người hay lừa đảo ai cả. Vậy thì hà cớ gì ta ghét chi cho mệt lòng.
Trong đời sống thường nhật, nghĩ lại đi, ta ghét người ta sẽ được gì ? Được đó chứ ! Được đó chính là người đó lúc nào cũng ở trong não, trong đầu của ta.
Cuộc sống mời gọi ta buông bỏ. Cái gì tốt thì hãy cầm hãy giữ, cái gì không tốt hà cớ gì lại không buông.
Bỏ ngoài tai, dẹp khỏi trí não người mà ta không ưa cho nhẹ lòng.
Thử ngẫm xem có đúng hay không : Yêu ai thì người đó ở trong tâm, ghét ai thì người đó ở trong trí. Mắc cái mớ gì ôm cái người mà mình ghét ở trong não. Khi mình ghét ai đó thì mình tự hại não mình chứ không là người khác. Mình đã ghét ai đó thì kể cả khi đi ngủ người đó cũng ở trong đầu ta. Chuyện cười là người mà ta ghét vẫn cứ sống phây phây. Vậy thì hà cớ gì ghét và rủ người khác ghét cho nặng cái đầu.
Và cũng buồn cười nữa là khi mình ghét ai đó họ đâu có biết. Có khi chỉ mình mình biết và mình tự làm cái đầu mình nặng thêm thôi. Vô duyên thật đấy chứ !
Không thích ai thì đừng nhớ và đừng xem người đó trên điện thoại hay ở trong phim và cũng đừng nhắc đến họ cho nhẹ lòng.
KHÓ NUỐT ! 10-10-23
Ai nào đó vừa đọc cái tựa bài sẽ bảo tác giả viết thô quá, có từ nào khác hay hơn không ? Chắc là khó vì lẽ từ này nó thô nhưng mà nó thật. Cũng giống như trong đời thường, thô thô một chút nhưng thật chứ không có cái kiểu như màu mè mà giả tạo.
Vào tiệm cắt tóc, nào ngờ 1 người (đã 1 lần gặ) chạy vào niềm nở chào. Rồi thêm một người quen của người đó chào.
Chờ một lát thì thợ cắt tóc ra và cắt.
Anh thợ mở cái chương trình ca hát gì đó của thiếu nhi được dàn dựng bài bản. Xem qua một chút là chán ngay vì nó xem chừng ta đẹp nhưng không có thật, hay nhưng giả tạo.
Anh thợ than : Tai anh sâu quá !
Nghe vậy biết vậy vì thợ nào cũng nói vậy.
Cái gì nó cũng đến lúc kết thúc. Cái đầu xong và lỗ tai cũng đỡ ngứa. Thanh toán tiền và ra về.
Vừa leo lên xe thì cái chị người quen hồi nảy ngoái lại. Thì ra là chị đưa cho cây chả lụa. Chả phải cây chả lụa mà còn thêm cân thịt bò nữa.
Đồng hồ lúc này chỉ 10 g 30 nhưng hàng của chị còn nhiều quá.
Cái vùng không khá này thì chả phải mình chị nhưng nhiều người khác phải lao đao. Dường như cả năm trời chỉ chờ vào mùa thu hoạch cà. Lao đao vất vả lắm chứ không tưởng giỡn. Mùa cà trúng thì tư thương lại ép giá thật thấp. Hễ mùa thất thì giá lại cao. Chung chung là người dân lam lũ suốt quanh năm ngày tháng.
Cả năm trông chờ vào mùa vụ và dĩ nhiên ăn trước trả sau nên chuyện nợ nần là chuyện không tránh khỏi. Có những người tưởng làm đại lý thu mua ngon ăn nhưng cũng không ít người vỡ nợ.
Vậy đó, cái nghèo như nó thương người nông dân như trầu thương mến cau vậy.
Lần trước đã được biếu cân chả và ký thịt bò rồi. Lần đó xem chừng ra nuốt cũng khó trôi. 2 vợ chồng 4 mặt con trông mong vào cái sạp bên vệ đường như thế.
Nghĩ dến hoàn cảnh của họ xem chừng nuốt không trôi. Cũng mong mong có dịp nào đó để bù qua sớt lại phần thiệt cho họ.
Lần này cũng vậy, tay cầm khúc giò và miếng thịt nhưng lòng thật sự không vui. Quà họ gửi coi như mất đi một phần chợ của họ rồi.
Đời ! Như người ta nó, “của biếu là của lo, của cho là của nợ” mà ! Ăn của những người nghèo như vậy thật lòng chả thấy vui.
Rôi hôm qua, gia đình “rảnh” nọ cũng từ xa đến. Chạy một quãng đường thật xa chủ đích mang món mà người quen thích. Nhận xong quà chỉ biết nói : “Ăn cái này vào là mắc nợ ! Phải cầu nguyện cho người mua thôi ! Vất vả quá !”. Ngày hôm sau người mua còn chọc : “Cả trăm cây số chứ không phải ít đâu nha”.
Đọc được tin nhắn ấy, hồi đáp lại ngay : “Chả cần phải nói đâu ! Nói ra mất ơn đó ! Hiểu được tình cảm của gia đình gói ghém trong phần ăn mà”.
“Biết là thích ăn bánh chưng nhưng hôm qua tìm không thấy ! Nếu thấy thì cũng đã mua rồi”.
Ơ hay ! Tình người là vậy đó.
Phải nói rằng khi nhận của ai cái gì đó và nhất là của người nghèo hay của người đi đường xa mang đến thì thật là khó nuốt. Bao công lao mồ hôi vất vả gói ghém trong những phần ăn hay miếng thịt cây chả đó.
Nhìn đời và nhìn người. Cuộc sống ngày càng khó khăn để rồi thấy thương người nghèo quá.
Đứng trước người nghèo như vậy đôi khi phải nói dối (nói dối kiểu này không có tội) vì có người nghèo kia nữa hay cho thịt bò. Ngườ ta nghèo quá làm sao dám nhận nên đành phải nói : “Cha không ăn được thịt bò vì ăn vào là dị ứng. Đừng cho nữa nha”.
Có như vậy thì mới ngăn ngừa được chuyện đi mua thịt bò biếu cha trong khi gia cảnh túng thiếu.
Vậy đó ! Ở với người nghèo để rồi thương và đồng cảm với họ hơn. Dù biết rằng họ biếu vì cái tình nhưng cuộc sống của họ còn lao đao vất vả quá. Chẳng may ai nào đó biếu cái gì thì cũng liệu liệu thu xếp sao đừng để họ phải thiệt thòi quá.
Thật như đã nói của biếu là của lo ! Chả phải ăn của người nghèo là khó nuốt đâu. Cả với người giàu cũng được. May mắn thì gặp người kín tiếng, còn không thì họ biếu cha cái gì đó thì cả làng đều biết.
Khổ lắm cơ khi nhận quà ! Không có quà thì cũng buồn như khi có quà đâm lại lo, nhất là quà của người nghèo ! Thật sự là khó nuốt thật.
Huệ Minh
GIÔNA DỄ THƯƠNG ! Giona 1,1-2,1-11 Thứ hai tuần 27 TN năm lẻ 2023
Dâng Lễ, đến bài đọc thì cứ chia trí vì Giôna khi nghe bài đọc về ông.
Ông hài quá ! Phải nói là ông quá hài.
Được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn lẽ ra mừng cũng như mau mắn thi hành lệnh truyền của Ngài. Nhưng không. Giôna là trường hợp đặc biệt, ngoại lệ và ... dễ thương.
Câu chuyện mở đầu về Giôna cho ta thấy ‘chuyện dài nhiều tập’ của Giôna. Thoạt tiên, Chúa sai Giôna đi Ninivê, một thành thù nghịch của Ngài, “Hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta”. Giôna bất tuân lệnh Chúa, ông chạy trốn Ngài! Thay vì lên Ninivê, hướng đông; ông xuống tàu ngược qua Tarshish, hướng tây. Chúa không để yên, Ngài theo Giôna đến cùng! Người ta ném ông xuống biển; một con cá đã chực sẵn, nuốt ông. Cá nhả ông lên bờ, Chúa gọi ông lần hai. Cuối cùng, vì ‘không thể trốn chạy’ và cô đơn mãi, ông đến Ninivê, mang cho họ thông điệp sám hối. Họ ăn năn và được thứ tha.
Kết quả này khiến Giôna bực mình, tiên tri trách Chúa về việc Chúa đã làm, và ông muốn chết quách cho rồi. Ông đi ra ngoài thành ngồi chờ xem việc gì sẽ xảy ra trong thành; Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên che bóng mát cho ông và ông rất vui, nhưng hôm sau Chúa cho cây ấy bị khô héo khiến ông lại nổi giận và xin Chúa cất mạng sống mình đi. Chúa giải thích cho Giôna nhận ra cơn giận của ông là vô lý. Nếu ông giận chỉ vì một cây thầu dầu không đáng giá chi và ông cũng chẳng mất công gieo trồng và chăm bón, thì chẳng lẽ Thiên Chúa không thương hại thành phố Ninivê rộng lớn mà cứ để cho nó bị huỷ diệt sao?
Lời rao giảng của Giôna giúp dân Ninivê thức tỉnh, mau mắn sám hối và đã nhận được sự thương xót thứ tha của Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn ông thực hiện một việc tốt đẹp: Đi thẳng đến Ninivê, kêu gọi người dân tội lỗi trong thành sám hối để được Thiên Chúa thứ tha. Ông đã từ chối đi con đường thẳng do Thiên Chúa vạch ra, mà đi vòng để trốn tránh huấn lệnh của Ngài.
Thế nhưng rồi ta thấy Giôna đã lầm lạc khi tưởng rằng có thể trốn xa khỏi Thiên Chúa khi đi con đường vòng.
Quả thật, hành trình chạy trốn của ông được vẽ bằng những đường vòng vo: lên tàu trốn sang hướng ngược lại hướng đi thành Ninivê, tưởng là được yên thân, ai ngờ lại bị ném xuống biển. Ông ẩn mình trong một tập thể hầu xa lánh khỏi Thánh ý Thiên Chúa, nhưng lại bị chính tập thể đó xua đuổi, loại bỏ.
Rơi xuống đại dương, ông nằm trong tay của một thế lực đen tối, nguy hiểm (theo quan niệm của người Do Thái, biển cả là nơi trú ngụ của ma quỷ, sự dữ). Giôna bất lực trước sức mạnh không thể chống cưỡng của sự dữ, thậm chí ông còn bị thế lực đó nuốt chửng! Thế là hết! Giôna đành buông xuôi, tuyệt vọng, bỏ mặc cho số phận!
Thiên Chúa đã cứu vớt ông ra khỏi hiểm họa nguy tử: con cá to lớn đã giữ ông trong bụng ba ngày, thì nay lại nhả ông vào bờ an toàn! Lúc này, có thể thấy một Giôna mới biết khiêm tốn và vâng phục Thiên Chúa hơn, vì chấp nhận lên đường vào Ninivê mà rao giảng. Tuy nhiên, Giôna vẫn chưa nhận ra Thiên Chúa là dấu lạ cho chính ông, vì ông còn thực hiện ý Chúa một cách miễn cưỡng. Ông như muốn trốn chạy khỏi tình thương và sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời của ông.
Và rồi ta thấy chỉ đến khi Giôna được Thiên Chúa thức tỉnh rằng: ông thương tiếc cây thầu dầu giá trị không là bao, cũng chẳng do ông trồng tỉa và chăm sóc, trong khi đó lại chẳng tỏ ra nhân từ, khoan dung, độ lượng với đám dân tội lỗi nhưng đã kịp thống hối ăn năn, điều đó chẳng phải là vô lý quá ư? Đến đây, chúng ta mới nhìn thấy khuôn mặt Giôna nghệch ra, tẽn tò, xấu hổ: ông đã nhận ra bài học quý giá mà Thiên Chúa dành cho chính ông, chứ không hẳn là dành cho dân Ninivê – bài học về sự khiêm tốn, nhân từ và khoan dung!
Thế đấy ! Thử lặng thinh và nhìn những biến cố trong đời, ta nhận ra “Thiên Chúa tạo nên đường thẳng từ những đường cong” cách lạ lùng, huyền nhiệm, vượt quá tính toán và trí hiểu của con người. Chạy trốn Thánh ý Thiên Chúa, Giôna tưởng có thể yên thân khi tìm sự lành theo ý riêng mình, nào ngờ chỉ toàn gặp phải hiểm nguy, đau khổ và thất bại! Thiên Chúa sử dụng chính những “nét vẽ vòng vo” của Giôna để kẻ lại một “con đường thẳng” đưa đến hạnh phúc.
Thiên Chúa đã yêu thương thì có cách nào Ngài cũng yêu thương dẫu rằng người đó tội lỗi và yếu đuối cũng như thậm chí trốn chạy Chúa như Giôna. Có thể nói Giôna “lọt vào mắt xanh” của Chúa rồi nên đừng hòng chạy thoát.
Thật sự mà nói chả mấy ai dễ thương như Giôna. Chúng ta gặp Giôna chúng ta sẽ hành xử khác với Chúa. Nếu chúng ta là Chúa chắc có lẽ là sẽ trừng phạt và giận cũng như loại trừ Giôna. Ngủng ngẳng, ươn ngạnh hay bướng bỉnh với Chúa chắc có lẽ không ai bằng Giôna. Dẫu vậy, Chúa vẫn thương.
Ta cũng vậy, nhiều khi ta thấy ta cũng bướng bỉnh hay cứng đầu như Giôna nhưng ta thấy nào Chúa có bỏ ta đâu. Có chăng là ta bỏ Chúa chứ Chúa nào bỏ ta. Lằng nhằn theo ý của mình nhưng Giôna không thoát khỏi thánh ý của Thiên Chúa.
Chúa yêu thương từng người chúng ta như Chúa thương Giôna. Thế cho nên mỗi chúng ta hãy buông đời mình vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa để người dẫn chúng ta đến hạnh phúc trường cửu!
Huệ Minh 6 tháng 10 năm 2023
KHÓ NUỐT !
Ai nào đó vừa đọc cái tựa bài sẽ bảo tác giả viết thô quá, có từ nào khác hay hơn không ? Chắc là khó vì lẽ từ này nó thô nhưng mà nó thật. Cũng giống như trong đời thường, thô thô một chút nhưng thật chứ không có cái kiểu như màu mè mà giả tạo.
Vào tiệm cắt tóc, nào ngờ 1 người (đã 1 lần gặ) chạy vào niềm nở chào. Rồi thêm một người quen của người đó chào.
Chờ một lát thì thợ cắt tóc ra và cắt.
Anh thợ mở cái chương trình ca hát gì đó của thiếu nhi được dàn dựng bài bản. Xem qua một chút là chán ngay vì nó xem chừng ta đẹp nhưng không có thật, hay nhưng giả tạo.
Anh thợ than : Tai anh sâu quá !
Nghe vậy biết vậy vì thợ nào cũng nói vậy.
Cái gì nó cũng đến lúc kết thúc. Cái đầu xong và lỗ tai cũng đỡ ngứa. Thanh toán tiền và ra về.
Vừa leo lên xe thì cái chị người quen hồi nảy ngoái lại. Thì ra là chị đưa cho cây chả lụa. Chả phải cây chả lụa mà còn thêm cân thịt bò nữa.
Đồng hồ lúc này chỉ 10 g 30 nhưng hàng của chị còn nhiều quá.
Cái vùng không khá này thì chả phải mình chị nhưng nhiều người khác phải lao đao. Dường như cả năm trời chỉ chờ vào mùa thu hoạch cà. Lao đao vất vả lắm chứ không tưởng giỡn. Mùa cà trúng thì tư thương lại ép giá thật thấp. Hễ mùa thất thì giá lại cao. Chung chung là người dân lam lũ suốt quanh năm ngày tháng.
Cả năm trông chờ vào mùa vụ và dĩ nhiên ăn trước trả sau nên chuyện nợ nần là chuyện không tránh khỏi. Có những người tưởng làm đại lý thu mua ngon ăn nhưng cũng không ít người vỡ nợ.
Vậy đó, cái nghèo như nó thương người nông dân như trầu thương mến cau vậy.
Lần trước đã được biếu cân chả và ký thịt bò rồi. Lần đó xem chừng ra nuốt cũng khó trôi. 2 vợ chồng 4 mặt con trông mong vào cái sạp bên vệ đường như thế.
Nghĩ dến hoàn cảnh của họ xem chừng nuốt không trôi. Cũng mong mong có dịp nào đó để bù qua sớt lại phần thiệt cho họ.
Lần này cũng vậy, tay cầm khúc giò và miếng thịt nhưng lòng thật sự không vui. Quà họ gửi coi như mất đi một phần chợ của họ rồi.
Đời ! Như người ta nó, “của biếu là của lo, của cho là của nợ” mà ! Ăn của những người nghèo như vậy thật lòng chả thấy vui.
Rôi hôm qua, gia đình “rảnh” nọ cũng từ xa đến. Chạy một quãng đường thật xa chủ đích mang món mà người quen thích. Nhận xong quà chỉ biết nói : “Ăn cái này vào là mắc nợ ! Phải cầu nguyện cho người mua thôi ! Vất vả quá !”. Ngày hôm sau người mua còn chọc : “Cả trăm cây số chứ không phải ít đâu nha”.
Đọc được tin nhắn ấy, hồi đáp lại ngay : “Chả cần phải nói đâu ! Nói ra mất ơn đó ! Hiểu được tình cảm của gia đình gói ghém trong phần ăn mà”.
“Biết là thích ăn bánh chưng nhưng hôm qua tìm không thấy ! Nếu thấy thì cũng đã mua rồi”.
Ơ hay ! Tình người là vậy đó.
Phải nói rằng khi nhận của ai cái gì đó và nhất là của người nghèo hay của người đi đường xa mang đến thì thật là khó nuốt. Bao công lao mồ hôi vất vả gói ghém trong những phần ăn hay miếng thịt cây chả đó.
Nhìn đời và nhìn người. Cuộc sống ngày càng khó khăn để rồi thấy thương người nghèo quá.
Đứng trước người nghèo như vậy đôi khi phải nói dối (nói dối kiểu này không có tội) vì có người nghèo kia nữa hay cho thịt bò. Ngườ ta nghèo quá làm sao dám nhận nên đành phải nói : “Cha không ăn được thịt bò vì ăn vào là dị ứng. Đừng cho nữa nha”.
Có như vậy thì mới ngăn ngừa được chuyện đi mua thịt bò biếu cha trong khi gia cảnh túng thiếu.
Vậy đó ! Ở với người nghèo để rồi thương và đồng cảm với họ hơn. Dù biết rằng họ biếu vì cái tình nhưng cuộc sống của họ còn lao đao vất vả quá. Chẳng may ai nào đó biếu cái gì thì cũng liệu liệu thu xếp sao đừng để họ phải thiệt thòi quá.
Thật như đã nói của biếu là của lo ! Chả phải ăn của người nghèo là khó nuốt đâu. Cả với người giàu cũng được. May mắn thì gặp người kín tiếng, còn không thì họ biếu cha cái gì đó thì cả làng đều biết.
Khổ lắm cơ khi nhận quà ! Không có quà thì cũng buồn như khi có quà đâm lại lo, nhất là quà của người nghèo ! Thật sự là khó nuốt thật.
Huệ Minh 6 tháng 10 năm 2023
MỪNG SƯ PHỤ NGHÈO KHÓ (lễ thánh Phanxicô nghèo) 4-10
Hôm nay mừng lễ của sư phụ nghèo khó ! Xem chừng chẳng vui tí nào cả vì lẽ ở đời, ai ai cũng thích giàu sang phú quý danh vọng chứ chả ai thích nghèo để mừng cái sự nghèo và sư phụ của sống nghèo bao giờ cả.
Cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisi, chả cần phải nói nhiều, ta chỉ biết rằng Ngài sống nghèo và có thể nói là sư phụ của nghèo.
Sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng rồi Thánh Phanxicô Assisi chấp nhận khước từ tất cả, ngay cả bộ đồ đang mặc trên người để theo Chúa. Có thể nói rằng một con người kỳ lạ sống đến lạ kỳ mà chả ai hiểu nổi. Ngài đã trở nên nghèo hèn và khiêm hạ để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên thập giá.
Để sống nghèo hay có thể nói là yêu cái nghèo như Thánh Phanxicô Assisi không phải là chuyện đơn giản. Đơn giản là vì trong cõi đời này, tâm lý chung thì ai cũng muốn thu vén cho mình. Điều người ta thu vén có khi chả phải là tiền bạc hay vật chất mà thu vén danh vọng, địa vị và quyền lực. Để hủy mình ra không và sống đơn hèn quả là thử thách lớn cho con người.
Mỗi khi nghe hay hát bài Tâm Tình Hiến Dâng tôi chả hiểu mọi người nghĩ sao chứ bản thân tôi thấy rờn rợn : Xin cho con nghèo khó cuộc đời bao nguy khó sao mà thấy sợ sợ. May mà không dừng lại ở câu đó mà có câu đàng sau đó : Đời hạnh phúc con được chính Chúa gia nghiệp trọn đời.
Vâng ! Nói một cách lý thuyết : Đời hạnh phúc con được chính Chúa gia nghiệp trọn đời. Xem chừng ra lý thuyết điều này lại là chân lý cho những ai đi tìm Chúa và theo Chúa cách thật sự.
Theo Chúa hình thức thì ta thấy dễ nhất là nói là tin và yêu Chúa. Tin và yêu Chúa ở mức độ nào ? Cung bậc nào mới là điều quan trọng.
Với Chúa, Chúa đòi hỏi thật gắt gao : Hễ ai tra tay vào cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không đáng là môn đệ Thầy. Hay rõ ràng : Không ai làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này hoặc ghét chủ kia.
Với lời mời gọi dứt khoát của Chúa đó, mỗi người nên hay phải đặt lại cuộc đời của mình đó là hoặc là Chúa, hoặc là của cải vật chất.
Đứng trước vật chất, con người có nhiều băn khoăn. Một trong những băn khoăn nhất của con người đó là liệu rằng giàu có khó vào Nước Trời chăng như Chúa nói người giàu khó vào Nước Trời như lạc đà chui qua lỗ kim ?
Chúa nói vậy nhưng không phải vậy ? Chúa mời gọi sống nghèo, sống từ bỏ chứ Chúa không lên án và kết án cái giàu có về của cải vật chất. Điều mà Chúa lên án đó chính là giàu có mà vô cảm như nhà phú hộ kia đối xử với Lazaro.
Đứng trước sức hút của tiền bạc và vật chất, con người luôn phải đấu tranh cho sự chọn lựa của đời mình. Chúa đâu bắt người ta phải nghèo. Chúa đòi buộc hay mời gọi người ta sống tinh thần nghèo. Và như thế, giàu đâu phải là cái tội. Tội ở chỗ là vô cảm và không biết sẻ chia.
Tận căn mà con người cần suy nghĩ và phải suy nghĩ đó là tất cả đều là phù vân. Con người, dù giàu sang phú quý cỡ nào không cần biết, nhưng khi nằm xuống xuôi đôi tay thì chả ai mang theo được cái gì. Điều này ta dễ thấy khi đêm về. Dù nằm ở trên nệm ấm chăn êm hay miếng ván gập ghềnh đi chăng nữa thì đi ngủ ai ai cũng xuôi tay. Đó là hình ảnh khi con người nhắm mắt lìa đời. Nhìn như thế để nhắc mỗi chúng ta khi chúng ta từ giã trần gian này.
Vậy thì giàu có để làm gì ? Được chứ ! Được người ta kính trọng, được người ta chào hỏi, được người ta tâng bốc ... Nhưng cuối cùng cũng phải chạm đến cái chết dù là ai trong cuộc đời này.
Ngẫm và hát câu hát xin cho con nghèo khó vậy mà hay !
Chính cái nghèo mà ta xin Chúa đó sẽ dạy ta thêm bài học về sự khiêm tốn. Bài học ấy lại rất cần cho cuộc đời chúng ta. Một khi chúng ta nhận rằng tất cả những gì chúng ta đang có thì chúng ta khiêm tốn. Còn khi chúng ta cứ nghĩ những gì chúng ta có là của chúng ta thì khi đó chúng ta đã quay lưng lại với Chúa rồi.
Mẫu gương sống nghèo của vị thánh nào đó hay của sư phụ Phanxicô Assisi rất gần và rất cần cho cuộc đời của mỗi chúng ta.
Chúng ta chịu khó đến các nhà hưu dưỡng, các trung tâm dưỡng lão chúng ta sẽ nhận ta thấp thoáng hình ảnh của chúng ta đâu đó. Nếu như chúng ta được sống già, nếu chết trẻ thì cũng chả cần suy nghĩ. Những người hưu dưỡng (có khi là nữ tu, linh mục) có khi vang bóng một thời nhưng đến ngày nào đó phải chấp nhận xuôi tay.
Vị linh mục già nơi tôi đang sống là bài học thiết thực nhất mỗi ngày cho tôi. Cha cũng đã vang bóng một thời hay có thể nói vui mà thật đó là một thời cha oanh và đến bây giờ thì cha liệt. Đúng như vậy vì cha già không còn khả năng tự mình để sinh hoạt như người bình thường nhất là khi đôi mắt cha đã lòa.
Sáng nay khi dâng Lễ, tôi trộm nghĩ ngày nào đó như cha, tôi cũng sẽ lòa để rồi thấy cái thân phận hạn hẹp của con người để mình bớt sân si. Với cha, giờ thì ngày cũng như đêm và đêm cũng như ngày vì cha không còn nhận ra ánh sáng. Ngày trước còn chức còn quyền thì kẻ đón người đưa bây giờ hết chức và hết sức thì chèo queo chẳng ai ngó đến. Đúng là còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết tiền hết của hết thầy tôi.
Con người là như vậy đó. Khi sinh thời, khi thành đạt thì vinh quang. Cuối cùng của đời người và đắt giá nhất đời người đó chính là giường bệnh.
Sáng nay, ăn phở gói, cha anh hỏi vùng trước đây tôi ở dân có ăn mì gói không. Tôi nói ngay và luôn rằng có khi họ chả có mì gói để mà ăn. Lương mỗi ngày chưa được 2 trăm bạc mà nuôi mấy miệng ăn thì quả là khốn đốn.
Mỗi khi thấy mình thiếu thốn hay thiệt thòi, tôi lại lấy hình ảnh của người đồng bào ra để răn dạy chính bản thân tôi. Những người đồng bào có lẽ là những người sống tinh thần nghèo khó hơn ai cả vì cái nghèo nó cứ bám lấy bám để cuộc đời của họ.
Cao sang thấp hèn giàu nghèo gì đó cuối cùng cũng nhắm mắt xuôi tay. Chuyện quan trọng hơn cả là có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa. Đến một lúc nào đó người ta khi chạm hay gần đến cái chết thì chả thiết tha gì chuyện giàu nghèo nữa. Giàu nghèo để làm gì khi được cả thế gian mà lỗ vốn mất linh hồn. Chính vì thế, được Chúa là gia nghiệp đời mình có lẽ là điều tuyệt hảo nhất chứ không phải là chuyện giàu hay nghèo ở cái cõi tạm này.
Huệ Minh 4 tháng 10 năm 2023
October 19, 2023