Suy Niệm của Huệ Minh

4 mùa vọng, năm A

 

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG 2019.

Is 7:10-14; Rm 1:1-7; Mt 1:18-24

ĐẶT NIỀM TIN VÀO CHÚA ĐỂ ĐỪNG SỢ

          Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng và ít ngày nữa chúng ta sẽ mừng Chúa ra đời trong đêm Giáng Sinh. Ngoài trời thông reo và gió tuyết cùng ngàn vạn vì sao lấp lánh hợp với muôn tiếng nhạc du dương của bản thánh ca Noel hiền hoa... ai ai chúng ta cũng rộn rã trong tim một niềm vui thánh miên man đầm ấm khó tả. Hồn chúng ta bỗng chùng hẳn lại... bâng khuâng nhớ về những mùa Giáng Sinh thật đẹp năm xưa tại quê nhà dù không có tuyết rơi gió lạnh nhưng với ngàn vạn kỷ niệm yêu dấu không bao giờ quên.

          Trong cuộc sống đời người không thiếu những lo âu sợ hãi. Có những điều do hoàn cảnh khách quan đưa đến, cũng có những cái do chủ quan từ bên trong con người. Nếu xét từ nguyên nhân, thì tất cả mọi lo âu sợ hãi trong đời sống đều phát xuất từ cảm giác cô đơn, từ lòng ích kỷ, từ những việc chỉ nghĩ đến bản thân mà quên đi người khác. Quan trọng hơn, đó là vì không thấy Chúa hiện diện ở trong con người của mình, cùng hành động với mình, mà chỉ hành động cách đơn lẻ.

          Dường như theo cách nghĩ thông thường của con người thì ai càng yếu đuối thì càng cần nhiều đến sự giúp đỡ của người khác. Thiên Chúa chúng ta là Ðấng Toàn Năng quyền phép vô cùng nhưng Người vẫn cần nhờ đến sự cộng tác của con người là thụ tạo của mình. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa mời gọi hai con người cộng tác đặc biệt vào chương trình cứu độ loài người.

          Mỗi người trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác cô đơn sợ hãi. Chúng ta cũng đã từng giải quyết nhiều vấn để khúc mắc. Nhưng đã giải quyết như thế nào? Chúng ta đã vượt qua cách khổ sở như lần từng bước đi trong đêm tối, để rồi niếm mùi chua cay thất bại và trải qua nỗi thất vọng ê chề. Chúng ta đã trải qua với sự lo âu thắp thỏm, cùng với những toan tính hại người, nên sợ sẽ bị trả thù. Hay chúng ta đã vượt qua với những bực tức và khó chịu vì không được như ý muốn. Đó là vì chúng ta đã hành động cách cô đơn, hành động mà không Có Chúa Ở Cùng, hành động trong cơn mê, hành động trong đêm tối.

          Thiên Chúa bước vào cuộc đời của Đức Maria và thánh Giuse và Ngài làm thay đổi hết những dự tính của các ngài. Chúa dắt các ngài bước đi theo một con đường hoàn toàn mới mẻ và xa lạ, nằm ngoài những dự tính ban đầu của các ngài. Có thể nói, Chúa đã làm xáo trộn kế hoạch vốn cũng rất tốt đẹp và thánh thiện nơi cuộc đời của Đức Maria và thánh Giuse.

          Không phải tự nhiên ta có thể khẳng định Đức Meria sợ hãi. Điều đó đã được chứng minh qua việc khi sứ thần truyền tin. "Maria đừng sợ, Bà đã được Thiên Chúa sủng ái" Chắc Maria lại càng sợ hơn khi nghe nói mình sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu . Không phải chỉ có Đức Mẹ khi nghe lời đó sợ hãi mà hầu hết tất cả các thiếu nữ Do Thái khi nghe đều sợ.

          Với Tin mừng, ta thấy rõ là Đức Maria đã đính hôn với Giuse. Một kế hoạch xem ra rất bình an và hạnh phúc đối với những con người bình thường sống trong xã hội rồi. Nhưng rồi Thiên Chúa "không để yên" cho các ngài. Chúa giao cho các ngài một sứ mạng xem ra kỳ cục và nghịch lý lắm; xem ra Chúa muốn phá vỡ hạnh phúc của các ngài. Nhưng đó là cách thức Chúa hành động trên những kẻ Ngài yêu thương cách riêng.

          Vì theo luật Do Thái người phụ nữ nào có chồng mà có con trong khi Đức Mẹ lại là người phụ nữ đẹp nết đẹp người, Hơn nữa Đức Maria lại là con ông Gioan Kim và Anna sống tốt lành thánh thiện thì lại càng sợ hơn nữa. Nhưng cái sợ của Đức Maria khi nghe truyền tin không giống như cái sợ của những người phụ nữ Do thái khác. Sợ vì có một chút bất ngờ một chút bỡ ngỡ, vì không ngờ một thụ tạo hèn kém như mình lại được Chúa chọn, được Chúa ban cho hồng ân to lớn đến thế. Có thể nói cái sợ của Mẹ Maria như lời tạ ơn đơn sơ đẹp lòng Chúa nó cũng chứng tỏ nơi Mẹ một tâm hồn phó thác vì biết sợ trong Chúa vì biết tin tưởng nới Thiên Chúa mà Mẹ đã biến nỗi sợ hãi bằng lời thưa trong sự can đảm và vâng phục thánh ý Thiên Chúa

          "Đừng sợ, hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô". Nếu tôi nhớ không lầm, thì ngay sau khi làm giáo hoàng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mở đầu triều đại của mìn bằng một sứ điệp với những lời lẽ như thế. Trải dài trên 20 năm làm giáo hoàng của mình, Đức Thánh Giáo Hoàng không ngừng nhắc đi nhắc lại với thế giới: "Đừng sợ!".

          Xoay quanh hai tiếng "đừng sợ", Đức Thánh Giáo Hoàng mở ra cho ta thấy có những cái sợ rất nghịch lý. Lẽ ra ta không được sợ, lẽ ra ta phải xây dựng nó, thì ta lại sợ. Bằng chứng là hai sứ điệp ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 15 và lần thứ 16, Đức thánh cha nhắc tới nỗi sợ nghịch lý này: "Các con đừng sợ trở nên những vị thánh của thiên niên kỷ mới" (ngày QTGT lần thứ 15, số 3), và các con đừng sợ đi trên con đường Chúa đã đi" (ngày QTGT lần thứ 16, số 6).

          Nên thánh mà sợ? Đi con đường của Chúa mà sợ? Đúng lắm! Vì đi trên con đường của Chúa để được nên thánh là khổ nạn, là từ bỏ bản thân, là sống các giá trị Tin Mừng như nghèo khó, khiêm nhu, hiền từ, vâng lời... Suy nghĩ như thế, cho tôi cảm nhận trọn vẹn lời của Đức Thánh Giáo Hoàng: "Các con đừng sợ nên thánh, đừng sợ đi trên con đường của Chúa". Đức Thánh Giáo Hoàng chắc phải có một cảm nghiệm thiêng liêng sâu đậm lắm, người mới vượt lên trên sự sợ hãi, tông du khắp thế giới làm cho nhiều tâm hồn thay đổi, Lời Chúa được loan báo.

          Nhưng chắc chắn, khi nói tới sợ hãi, thì cái sợ của chúng ta không chỉ là sợ ma, sợ học thua sút, sợ mất người yêu, sợ không tròn trách nhiệm gia đình... mà nỗi sợ còn lớn hơn nhiều. Đó là nỗi sợ trước một thế giới mà giá trị của Tin Mừng bị xem nhẹ. Một thế giới mà vật chất đang lên ngôi, quyền lực đang thắng thế, tự do tình dục đang được ưa chuộng, quyền của trẻ thơ, của thai nhi bị tước mất. Có khi chính những người cha, người mẹ lại tước mất quyền sống của con mình. Một thế giới mà ngòi nổ của khủng bố, chiến tranh lúc nào cũng sẵn sàng. Sự bình an của tôi, của anh chị em, của cả nhân loại luôn bị đe dọa. Ngay trên quê hương của Chúa Giêsu, nơi mà ngày xưa Chúa sinh ra, lại không có được một thánh lễ trong đêm sinh nhật Chúa, vì người ta đang gieo rắc bạo lực và chiến tranh...

          Để có bình an, bạn và tôi hãy đặt hết niềm tin vào Chúa. Tin rằng Chúa sẽ thực hiện chương trình của Người theo ý mà Người muốn. Và xin cho Thánh Ý được thể hiện nơi trần gian trong mọi hoàn cảnh của thế giới, của nhân loại, của Giáo Hội, và của mỗi người. Tin nơi Thiên Chúa là gói trọn cuộc đời mình trong tay Người, để mặc Ý Chúa được thể hiện, chắc chắn ta sẽ có bình an. Tôi xin mượn lời thiên thần lặp lại một lần nữa: "Bạn và tôi, đừng sợ!".

Huệ Minh 2019

 

*Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng

 Is 7, 10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24

KHUÔN MẶT GIUSE : ĐẤNG CÔNG CHÍNH

Trước ngày lễ Giáng Sinh, ta được nghe ba cuộc truyền tin: một cho thánh Giuse, một cho ông Dacaria và một cho Đức Maria. Thánh Giuse, người công chính, đã nhanh chóng “đọc” được ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa và cũng mau mắn vâng lời. Đặt tên cho em bé là nói lên quyền làm cha của em. Con Trẻ tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ; và Ngài còn được gọi là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Để cứu chuộc con người, Con Thiên Chúa đã đến trần gian, mặc lấy thân xác và sống giữa, sống với con người. Thiên Chúa đã đích thân đến với con người bằng một cung cách thật gần gũi và bình thường.

Chúa Giêsu Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trần gian do quyền năng Chúa Thánh Thần. Cha mẹ của Người: Đức Maria một cô thôn nữ đơn sơ, nhỏ bé, bình dị đã thành hôn với ông Giuse thuộc dòng tộc Đavít (18.20b). Ông là người công chính, luôn mau mắn vâng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa (c. 19.24). 

Sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể  là để “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (c. 21b). Con Thiên Chúa làm người, đi vào lịch sử loài người, Ngài không chọn một gia đình cao sang quyền quí làm nơi xuất thân nhưng là một mái ấm gia đình đơn nghèo đạm bạc để làm nên trang sử gia đình thánh và viết lên trang sử đời Người. Ngài là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Với sứ mạng Thiên sai, Ngài đến để rao giảng Tin mừng tình thương cứu độ. Ngài gần gũi, quan tâm, săn sóc những người nghèo khổ, lầm than vất vưởng, bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Và điều quan trọng là Người đến để cứu vớt, giải phóng con người khỏi nô lệ, xích xiềng tội lỗi, cho họ được tự do và làm con Thiên Chúa, được chung hưởng hạnh phúc nước trời.

Xét về nguồn gốc, thánh Giuse đích thực thuộc dòng dõi Đavid, hậu duệ của vua Đavid. Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi này để ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước: "Này đây đã tới ngày Ta gây cho Đavid một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm Vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan thực hiện công lý và công bình trên đất nước". Hoặc ở một chỗ khác: "Chúa sẽ tạo lập cho David một nhà. Nhà của Người và triều đại của Người sẽ vững chắc đến muôn đời. Ngôi báu của Người sẽ vững bền mãi mãi".

Trước sự kiện Maria tuy đã thành hôn nhưng chưa về chung sông mà đã có thai nên chắc không phải con của mình, Giuse đã suy đi nghĩ lại trong lòng và đã bình tĩnh chọn lối ứng xử công bình ngay chính như sau: Ông “không tố cáo bà” tội ngoại tình vì không dám xét đoán ý trái cho Maria, một người mà ông biết rõ rất mực thánh thiện. Nhưng đàng khác, ông cũng không thể tổ chức lễ rước dâu để đón Maria về nhà làm vợ và nhắm mắt thừa nhận bào thai Maria đang cưu mang là con mình vì không đúng sự thật và cũng vì chưa nhận được chỉ thị nào từ nơi Thiên Chúa. Cuối cùng Giuse đã chọn giải pháp “âm thầm lìa bỏ” bà để vừa tôn trọng sự thật lại vừa bào toàn danh dự cho Maria, tránh cho bà khỏi bị kết tội cách oan ức trước mặt người đời.

Giuse còn thể hiền đức công chính qua thái độ luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Khi được sứ thần hiện ra báo mộng và cho biết ý Chúa muốn, Giuse đã thức dậy và làm theo ý Chúa như sau: Một là tổ chức lễ rước dâu để “đón vợ về nhà”: Để làm được điều này, ông phải làm chủ tính tự ái và can đảm bỏ ngoài tai các dư luận bất lợi chung quanh. Hai là “Ông không ăn ở với bà”: Điều này cho thấy bản lãnh và sức mạnh tinh thần cao cả của ông, để có thể tôn trọng lời khấn hứa trọn đời đồng trinh của Đức Maria. Ba là“Cho đến khi bà sinh một con trai, ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”: Đặt tên là xác nhận tư cách làm cha của Hài nhi Cứu Thế về mặt luật pháp.

Tuy nhiên, hậu duệ của Đavid không phải chỉ có một mình Giuse nhưng đã có hàng trăm hàng ngàn hậu duệ ấy Giuse đã được chọn làm dưỡng tử của Con Thiên Chúa, vì Ngài quảng đại và bao dung.

Một gia đình sống đời vợ chồng ai lại chẳng mơ ước đến chuyện chung chăn gối, thế mà Giuse lại ký kết hôn ước với một người đã thề hứa suốt đời không biết đến người Nam. Và rồi người Nữ mà Ngài hết lòng yêu mến và quí trọng ấy bỗng dưng lại mang thai. Nàng là người đức hạnh đoan trang sao lại bụng mang dạ chửa cách lén lút?

Theo luật Do Thái, Giuse có thể tố cáo người Nữ ấy trước Hội Trường Do Thái để nàng bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng do tấm lòng bao dung ngài đã không làm thế. Ngài chỉ muốn âm thầm rút lui, không cãi vã to tiếng. Ngài tôn trọng nàng, ngài muốn để mặc cho nàng tự phân xử.

Cách ứng xử của thánh Giuse nói trên cho thấy ngài là một người công chính vì đã dành cho Đức Maria một tình yêu chân thành, có lòng khoan dung nhân hậu, tự chủ mực thước, bản lĩnh và có lập trường vững chắc… Qua đó cho thấy Giuse là một người công chính, xứng đáng là cha nuôi của Hài nhi Cứu Thế Giêsu và là bạn trăm năm của Ðức Maria, đồng thời nêu gương thánh thiện cho các tín hữu chúng ta hôm nay. 

Ðang khi định tâm như vậy thì Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, vì ngần ấy diễn tiến cũng đủ để cho Giuse làm dưỡng tử của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì.

Giuse được Thiên Chúa ra tay can thiệp để lòng yêu thương nơi Ngài không bị rạn nứt, sứt mẻ, mà từ đây lòng yêu thương đã có dịp bộc lộ trọn vẹn. Giuse đã đón nhận người bạn đời về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng đang cưu mang.

Cuộc đời của mỗi người cũng có lúc căng thẳng, phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa quyết định, nhưng Thiên Chúa Ngài đã thông suốt tất cả những giai cấp này, thế nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản ứng nơi mỗi người chúng ta do yêu thương hay giận ghét, nếu chúng ta xử sự với tấm lòng yêu thương quảng đại thì chắc chắn Ngài sẽ kịp thời trợ giúp và chẳng bao giờ Ngài để cho lòng yêu thương bị rạn nứt sứt mẻ. Trong mùa đón chờ vị Vua tình yêu giáng thế, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn dùng thái độ bao dung quảng đại làm kim chỉ nam hướng dẫn các suy tưởng và hành động của mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần tránh thái độ hồ đồ, hay xét đoán ý trái cho tha nhân theo thiên kiến chủ quan “suy bụng ta ra bụng người”. Chúng ta cũng cần ứng xử bình tĩnh tự chủ trước mọi tinh huống bất ngờ, luôn phản ứng theo cách khôn ngoan vị tha và trung thực, luôn tìm kiêm thánh ý Thiên Chúa bằng cách tự hỏi: “Nếu Chúa Giêsu ở trong hoàn cảnh của tôi bây giờ thì Người sẽ làm gì?” rồi làm theo lời Chúa dạy để ngày một trở nên công chính thánh thiện noi gương thánh Giuse.

Mạc khải ơn cứu độ là công việc của Thiên Chúa, nhưng để thực hiện ơn cứu độ ấy thì cần đến sự cộng tác của con người. Chỉ khi ta sẵn sàng dẹp bỏ chương trình, sở thích cá nhân, để mở lòng ra lắng nghe Lời Chúa, ta mới có thể cộng tác với chương trình của Ngài. Như Đức Maria khiêm tốn đón nhận lời truyền tin hay tựa như thánh Giuse lập tức thi hành điều được báo mộng, ta cũng hãy tìm mọi cách giúp cho Chúa Giêsu nhập thể và sống giữa môi trường của ta.

Huệ Minh 2016

 

Thứ Hai tuần 4 MV.

Ml 3:1-4.23-24; Lc 1:57-66

TÊN VÀ CUỘC ĐỜI ĐƯỢC GẮN VÀO TÊN

          Mỗi khi nhắc tới cha mẹ, cho dù chúng ta còn ít hay đã nhiều tuổi, có lẽ trong lòng đều dậy lên những cảm xúc khó tả. Và có lẽ khi lớn lên, thánh Gioan Tẩy Giả khi được kể về ngày lễ cắt bì và đặt tên, ngài cũng đã rất tự hào về cha mẹ của mình.

          Trong dòng tộc của Zacaria không có ai tên Gioan cả. Họ hàng của ông biết rõ điều đó và ông cũng biết rõ như thế. Nhưng Zacaria vẫn đặt tên cho con là Gioan, vì ông biết giữ lòng trung tín với Chúa.

          Thật vậy, tên Gioan là tên do Thiên Chúa truyền đặt, để nhắc nhở người con đó là do Ngài thương ban, là ân huệ của Thiên Chúa ban cho gia đình ông, trong lúc cả hai ông bà đều đã cao niên mà lại còn son sẻ. Zacaria vẫn có thể đặt tên khác cho con theo ý riêng hay theo tục lệ trong dòng tộc, nhưng ông không làm trái ý Thiên Chúa, bởi vì như thế sẽ là thất tín, là vô ơn đối với Thiên Chúa. Sự trung tín với Lời Chúa của ông được chứng thực bằng việc ông mở miệng nói được sau những tháng ngày bị câm nín; và điều đó đã làm cho mọi người chung quanh bỡ ngỡ và kính sợ Thiên Chúa.

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã họa lại một bức tranh thật sinh động và tràn đầy niềm vui. Bức tranh đó làm nổi bật lên hình ảnh thật đẹp của mẫu gương làm cha làm mẹ trong gia đình. Ông Zacaria và bà Êlisabeth là đôi vợi chồng son sẻ, đau khổ vì quan niệm của xã hội. Cựu Ước cho rằng son sẻ là dấu chỉ bị Thiên Chúa chúc dữ. Nay được Chúa thương ban một người con. Ông bà mừng rỡ biết bao.

          Tám ngày sau, làng xóm láng giềng, họ hàng thân thích tới chia vui, làm lễ cắt bì và đặt tên cho cậu bé. Theo truyền thống, mọi người đề nghị lấy tên của cha là Dacaria, đặt tên cho cậu. Thế nhưng, Êlisabeth là người mẹ thánh thiện, luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa đã lên tiếng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”; Dacaria cũng thể hiện mình là người cha cương nghị và tuân phục thánh ý, ông viết: “Tên cháu là Gioan” (Lc 1, 60; 63).

          Quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Zacaria. Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông. Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con.“Tên cháu là Gioan” (c. 63). Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị.Chính lúc Zacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan, thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64). Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm.Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ. Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé. Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.

          Gioan là một tên bình thường của người Do Thái. Tương tự như những tên Thiên Ân, Thiên Phúc của người Việt, tên Gioan có nghĩa là  ‘Thiên Chúa thi ân’ - ‘Gia vê có lòng tốt, từ bi, nhân từ, độ lượng’. Tuy  nhiên, sự kiện khác thường trong việc đặt tên cho Gioan là vì trong dòng tộc của hai ông bà không ai có tên như thế, mà theo tục lệ người ta sẽ lấy tên ông nội đặt cho đứa trẻ, nhưng vì Zacaria đã cao niên và người ta cũng kính trọng ông nên người ta muốn lấy tên ông để đặt cho con, và điều gây ngạc nhiên ở đây là cả hai ông bà đều nhất trí “Tên cháu là Gioan”. Tại sao? Bởi vì Gioan chính là tên Chúa đặt cho, mà theo truyền thống Kinh Thánh thì Thiên Chúa đặt tên cho ai thì người ấy thuộc về Thiên Chúa – người được Thiên Chúa chọn. Tên Gioan nói lên con người và sứ mạng của ông; bởi chính bản thân Gioan đã là một quà tặng mà Thiên Chúa ban cách chung cho nhân loại và cách riêng cho ‘đôi bạn già’ Zacaria và Êlisabeth.

          Quả thế, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót với những kẻ có lòng kính sợ người. Người biểu lộ lòng thương xót với Êlisabeth, giải thoát bà khỏi nỗi tủi nhục không con, vì theo quan niệm Do Thái, người phụ nữ không con là người vô phúc, không đẹp lòng Thiên Chúa, thì nay lòng dạ son sẻ của bà đã được Chúa chúc phúc để từ đây bà có thể ‘ngẩng mặt’ trước hàng xóm láng giềng. Và cách đặc biệt, Gioan là người đầu tiên (sau Đức Mẹ) được Chúa thi ân viếng thăm ban ơn cứu độ nên đã “nhảy lên vui sướng trong lòng mẹ” (Lc 1,44).

          Gioan có sứ mạng loan báo lòng thương xót Chúa thi ân cho gian trần, là đã ban chính con của người làm vị Cứu thế đến để giải thoát nhân loại khỏi xích xiềng và bóng đêm tội lỗi  - Ông là vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu tinh và rất xứng đáng với lời ngợi khen của Đức Giêsu: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc 7,28).

          Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu từ trong ngục. Đụng chạm đến những hôn quân bạo chúa thì chỉ chuốc lấy họa vào thân. Thế nhưng, lương tâm ngay chính, Gioan đã khẳng khái nói lên những lời cần phải nói cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống mình.

          Sứ mạng Ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá khi dám nói sự thật, khi dám đấu tranh cho công lý và dân chủ. Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành, bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7,28).

          Như Gioan, mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên,nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa. Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan. Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình,và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó. Xin được chung vui với gia đình Zacaria và mọi gia đình trên địa cầu.

          Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta sống sao cho đẹp như Gioan để không làm cho gia đình họ hàng thất vọng đồng thời để dọn đường cho Chúa đến với mọi người.

 

Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Vọng

1 Sm 1:24-28; 1 Sm 2:1,4-5,6-7,8; Lc 1:46-56

Lên đường thăm viếng

          Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Êlisabét đã có thai, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Maria vừa đem lại niềm vui cho gia đình Dacaria, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Maria đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mêsia cho thai nhi Gioan, thể hiện qua sự kiện nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhờ được Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận ra cô em Maria chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai và bà đã ca tụng Maria diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa.

          Bà Elisabeth gặp Đức Maria. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của một con người với mẹ của Đức Chúa như tác giả Luca mô tả, hoàn toàn đơn giản và thanh thoát. Cuộc gặp gỡ này chan hòa niềm tâm tình phấn khởi và niềm vui tươi hân hoan. Bà Elisabeth tự giới thiệu cho chúng ta như là người đã tôn kính Đức Maria trước tiên. Bằng những lời “em được chúc phúc”, “Thân Mẫu Chúa tôi”, “em thật có phúc”, bà phác họa những đường nét chính của dung mạo Đức Maria: công trình của Thiên Chúa nơi người, tương quan của người với Chúa Giêsu Kitô, thái độ của người đối với Thiên Chúa. Tất cả những điều này, Bà Elisabeth hiểu được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng. Cuộc gặp gỡ này đã là cơ hội cho phép bà có một kinh nghiệm hết sức mạnh mẽ và một niềm vui thật chan hòa.

          Trong Tin Mừng hôm nay sứ thần Gáprien đã chào Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Do việc chào hỏi dài dòng mất nhiều thời gian, nên Chúa Giêsu đã chỉ thị môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường khi đi làm công tác truyền giáo (Lc 10, 4).

          Đức Maria vội vã lên đường : Sự vội vã của Đức Maria nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ và cũng chia vui với chị ơn được làm mẹ như một ơn Chúa ban đang khi bà không còn chút hy vọng có con. Ngòai ra, Mẹ còn muốn giúp đỡ bà chị họ “nay đã có thai được sáu tháng” qua việc “ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi đứa con chào đời. + Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét: Người Do thái có nhiều cách chào: Thần dân chào vua chúa thì xuống ngựa và đến sấp mình trước mặt nhà vua (1 Sm 20, 41; 25 ,23); Nếu hai bên là thân thuộc nghĩa thiết hay có quan hệ thầy trò thì sẽ chào hỏi bằng cách ôm hôn nhau (1 V 19, 20; Lc 22, 47). Lời chào thông thường là “Shalom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” hay “Giavê ở cùng anh” (Ga 20, 19).

          Đứa con trong bụng nhảy lên: Có lẽ thai nhi Gioan chỉ co đạp liên hồi trong bụng khiến bà Êlisabét tưởng như em đang nhảy mừng hân hoan khi gặp thai nhi Mêsia (Lc 1,14), giống như vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia Giao ước (x 2 Sm 6,14). + Và Bà được đầy Thánh Thần: Nhờ được ơn Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận biết bào thai cô em họ đang cưu mang chính là Đấng Thiên Sai. + Em được chúc phúc: Bà Êlisabét ca tụng Đức Maria là người có phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người.

          Thân mẫu Chúa tôi: Trong Thánh kinh, danh hiệu “Chúa tôi” thường dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng có lần danh hiệu này được gán cho Đấng Thiên Sai. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” về sau trở thành nền tảng để Hội Thánh tôn vinh Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa“ (Theotokos), và hình thành phần thứ hai của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”.

          Về danh xưng này, khi hiện ra với các mục đồng ở Belem vào ngày Chúa Giáng Sinh, sứ thần đã nói như sau: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 11). Trong Tin mừng Luca, danh xưng Đức Chúa của Đức Giêsu được nói đến 40 lần. + Em thật có phúc vì đã tin: Tin Mừng Luca đã quy tụ hai ơn phúc của Đức Maria vào trong lời chúc tụng của bà Êlisabét: một là phúc được “làm Mẹ Đấng Cứu Thế” và hai là phúc “đã tin những lời Chúa phán” (Lc 1, 42-45).

          Về sau trong lúc Chúa Giêsu giảng đạo, một phụ nữ cũng ca ngợi thân mẫu của Ngừơi: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” và Đức Giêsu liền bổ túc thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Nơi Đức Maria hai phúc này liên kết thành một: ngay khi tin mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Maria lập tức trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Có thể khi nói câu này, bà Êlisabét đã liên tưởng đến sự nghi ngờ cứng tin của ông Giacaria chồng bà trước đó (Lc 1, 20.45).

          Sau khi nghe sứ thần cho biết tin vui của bà chị Êlisabét, Đức Maria đã vội vã lên đường để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình bà. Ngôn sứ Isaia cũng đã tuyên sấm về cuộc hành trình thăm viếng này của Đức Maria như sau: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an; Người loan tin hạnh phúc công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7a).

          Khi đi thăm viếng bà chị họ, Đức Maria đã “đi bước trước” đến với bà, không đòi bà phải mời như ngày nay người ta thường nói: “Ăn có mời, làm có khiến !”. Đối với Đức Maria: Chính tình thương đã thôi thúc vội vã lên đường đi thăm Mẹ khi vừa nghe sứ thần cho biết tin vui của bà.

          Qua đó cho thấy Mẹ đã thực hiện đức ái qua thái độ cảm thông chia sẻ như lời dạy của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Sự thăm viếng của Mẹ đã lập tức mang lại hiệu quả: thai nhi Gioan đã giãy đạp trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền, như bà Êlisabét đã thốt lên ca tụng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 2,42-44).

          Chính hành động thăm viếng chia sẻ cụ thể và phục vụ “Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi” nơi những người bệnh tật nghèo hèn, sẽ giúp họ dễ dàng nhận biết và tôn vinh “Thiên Chúa là Tình Thương” (1 Ga 4, 8), và nhận được niềm vui ơn cứu độ của Chúa như lời Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).

December 21, 2022