Suy Niệm Chúa Nhật 16 Thường Niên, năm A

Lm Tạ Duy Tuyền

 

Suy niệm Chúa nhật 16 Năm A-2017
Cỏ Lùng Ai Gieo?

Cuộc sống trên trần gian luôn có người tốt, kẻ xấu, sự lành, sự dữ, . . . Cái tốt và cái xấu đôi khi hòa lẫn với nhau như ánh sáng và bóng tối. Và có khi cái xấu lên ngôi xâm chiếm và bóp nghẹt cái tốt như bóng tối nhậm chìm ánh sáng.

Chúa Giêsu đã dùng "dụ ngôn cỏ lùng" để trả lời cho những người thấy bức xúc trước cái xấu có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí cái xấu ngày càng bành trướng, lấn át cả cái tốt. Mặc dầu, Thiên Chúa luôn gieo giống tốt trong ruộng mình nhưng ma quỷ là kẻ thù của Thiên Chúa vì ghen ghét, nên đã gieo cỏ lùng là tội lỗi vào thế gian.

Cỏ lùng mà ma quỷ đã gieo rắc vào thế gian là những việc làm thiếu yêu thương, và là những lời thiếu tình hiệp nhất, gây nên chia rẽ, đau khổ, bất ổn cho cuộc sống chung. Giữa cuộc sống chung với nhau ta vẫn thấy ma quỷ gieo sự so bì, dèm pha, nói hành, nói xấu, vu oan, giáng họa, căm thù, ghen tỵ, chia rẽ, phỉ báng dẫn đến hành động gian ác, sảo trá, bất công, bóc lột, buôn gian bán lận, tranh dành, diệt trừ, tàn sát lẫn nhau...

Lời Chúa hôm nay cho ta thấy bộ mặt thật của những người thích nói xấu người khác, và hay phao tin đồn là những tay chân của ma quỷ. Họ là hiện thân của ma quỷ khi đi gieo những điều bất chính, dối gian. Cái gian tà không lấn át được chân lý. Sẽ có ngày Thiên Chúa nhổ cỏ lùng để vất vào lửa đời đời. Ngày đó họ sẽ phải khóc lóc nghiến răng vì những việc làm nhân quả xấu mà mình đã gieo vào trần gian.

Là người ky-tô hữu Chúa mời gọi chúng ta đừng bao giờ tiếp tay với ma quỷ để gieo cỏ lùng vào trần gian. Hãy gieo việc thiện. Hãy gieo lời lành. Những việc làm tốt, những lời hay sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc khi được sống trong môi trường yêu thương và hạnh phúc. Ngược lại, khi chúng ta gieo điều xấu sẽ làm cho thế gian bất an và đầy chia rẽ, lo âu.

Người ta kể rằng: Thời trẻ, có một lần, một người bạn của Socrates chạy tới tìm ông. Người bạn này vừa thở vừa cao hứng nói: “Mình nói với cậu chuyện này, đảm bảo là ngoài sức tưởng tượng của cậu.”
“Chờ chút!” Socrates vội vã ngăn anh ta lại và nói: “Những lời mà cậu định nói với tôi, cậu đã dùng ba “cái sàng’ để lọc qua chưa?’

Người bạn của Socrates với vẻ mặt không hiểu, lặng im và lắc đầu.

Socrates nói: “Lúc mà cậu muốn nói cho người khác một việc gì đó, ít nhất cũng nên dùng ba “cái sàng” lọc qua một lượt. Cái thứ nhất gọi là chân thật, cậu phải xem xem chuyện mà cậu muốn nói cho người khác có đúng sự thật không?”

Anh bạn tiếp lời: “Tôi là nghe được trên đường đi tới đây, mọi người đều nói như vậy chứ tôi cũng không biết là có đúng sự thật không.”

Socrates lại nói tiếp: “Vậy thì nên dùng “cái sàng” thứ hai của cậu để kiểm tra đi. Nếu như nó không phải là sự thật, thì ít nhất cũng là có thiện ý tốt chứ? Chuyện mà cậu muốn kể với tôi có phải là có thiện ý không?”

Người bạn kia nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Không có, thậm chí còn ngược lại nữa”, người bạn này nói xong dường như cảm thấy có chút xấu hổ, liền cúi mặt xuống đất.

Socrates không ngần ngại mà nói tiếp: “Vậy thì chúng ta lại dùng cái sàng thứ ba xem thử xem, việc mà cậu vội vã để nói cho mình biết có phải là việc quan trọng không?’

“Cũng không phải là việc quan trọng!”

“Một việc không quan trọng mà lại không xuất ra từ thiện ý, hơn nữa cậu còn không biết có phải là sự thật không, thế thì cậu cần gì phải nói ra? Nói ra cũng chỉ tạo thành phức tạp cho hai người chúng ta mà thôi.”

Socrates cũng từng nói: “Đừng nghe và tin vào lời nói của những người bàn luận thị phi hay là người gièm pha, phỉ báng. Bởi vì lời mà họ nói cho bạn không phải là xuất từ thiện ý, họ đã vạch trần việc riêng tư của người khác thì đương nhiên cũng sẽ làm như vậy với bạn.”

Vì vậy, mọi người trước khi muốn nói ra một chuyện gì đó hãy dùng ba cái sàng để lọc một lượt, không làm người đưa đẩy thị phi thì đương nhiên cũng đừng để bị người khác lợi dụng làm người truyền bá thị phi.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trước những trào lưu của xã hội để biết tích lũy cái hay và bỏ cái dở. Nhất là biết mở rộng lòng đón nhận chân lý, sự thật và loại trừ những chia rẽ hận thù. Và xin cho chúng ta cũng biết gieo vào nhân thế những điều tốt hầu xây dựng một môi trường hạnh phúc, hiệp nhất và yêu thương. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 2017

 

Diệt cỏ lùng bằng nhân đức

Chúa Nhật 16 Thường Niên 2014

Một nhà hiền triết dẫn các học trò đến trên bãi cỏ hoang và hỏi các học trò: Làm thế nào để diệt trừ hết cỏ hoang này?

 Một học trò thưa: “Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!”

Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu.

Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: “Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!”

Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác.

Người học trò thứ ba nó: “Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!”.

Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”.

Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết mới nói: “Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đấy. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt”.

Đây là một câu chuyện thật ý nghĩa. Ý nghĩa vì nó rút cho chúng ta một bài học làm người thật giản dị. Muốn trở nên người tốt thì không phải chỉ bỏ tật xấu mà quan yếu là tập thói quen tốt mới có thể giảm dần tính xấu.

Con người chúng ta mặc dầu được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng lại được đặt giữa thế gian nên ma qủy cũng gieo vào hồn ta những cỏ dại là tính hư nết xấu. Có đôi lúc chúng ta ngủ mê trong đam mê nên để cỏ dại mọc kín tâm hồn chúng ta. Có đôi lúc chúng ta mải mê trong danh vọng nên để cho tính hư nết xấu, cùng thói kiêu căng giả hình phát triển mạnh mẽ nơi chúng ta.

Chúa Giê-su dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng như muốn nhắc nhở chúng ta sự phát triển rất nhanh của tính hư nết xấu trong con người chúng ta. Chỉ một chút thờ ơ thì cỏ lùng đã lấn lướt cây lúa. Cũng vậy, chỉ một chút mất cảnh giác cũng đủ chúng ta lây nhiễm biết bao thói đời xấu xa. Cỏ thì dễ mọc. Lúa thì phải chăm bón. Thói xấu thì dễ nhiễm, nhưng nhân đức phải tập luyện mới thành. Đó là nỗi khổ mà thánh Phao-lô đã từng thốt lên: “việc lành tôi muốn làm mà tôi lại không làm. Việc dữ tôi không muốn làm mà tôi lại làm”. Đó là lý do mà có biết bao người đang hiền lành bổng dưng làm chuyện ác, đang sống tốt bỗng trở thành kẻ sát nhân. Đó cũng là mâu thuẫn tự nội tâm con người và vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng hôm nay Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng hay thất vọng. Hãy tin  tưởng vào sức mạnh của ân sủng Chúa. Chính Chúa sẽ hoàn tất những điều tốt đẹp nơi chúng ta. Tựa như một cây cải nhỏ bé tưởng chừng như bị nuốt chửng giữa cỏ dại um tùm nhưng một lúc nào đó nó sẽ trở thành cây cao bóng cả. Hay việc tốt chúng ta làm tuy nhỏ bé như nắm men được ủ vào ba thúng bột, thế mà nó làm cho tất cả đều phải dạy men. Hãy kiên nhẫn rèn luyện nhân đức. Hãy kiên nhẫn sửa lại lỗi lầm bằng những việc cao thượng hơn hầu khống chế những tính hư nết xấu trong ta.

Cuộc sống con người có cái tốt, cái xấu. Nó có thể biến chúng ta thành thiên thần hay ác quỷ trong một khoảng cách rất gần. Điều quan yếu là chúng ta đừng bao giờ mất cảnh giác với lời mời gọi đi vào đường xấu. Hãy tỉnh thức kẻo sa vào cám dỗ. Hãy nói không với tội lỗi. Hãy tránh xa môi trường xấu để giữ mình khỏi quyến luyến tội lỗi.

Người xưa nói rằng: “biết mình yếu thì đừng ra gió”. Hãy tự biết sự yếu đuối của mình để phòng tránh những cám dỗ tội lỗi. Hãy nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cậy dựa vào ân sủng Chúa. Hãy để cho Chúa dẫn dắt chúng ta đi trong ánh sáng Lời Chúa. Hãy rèn luyện các nhân đức tốt để đẩy lùi những thói xấu ra khỏi con người chúng ta. Hãy nuôi dưỡng những mầm sống lương thiện thay cho những ý đồ bất chính. Hãy làm cho tâm hồn mình trở thành miền đất màu mỡ cho Tin Mừng của Chúa được vươn lên thành những nhân đức cao đẹp.

Ước gì chúng ta hãy làm đẹp cuộc đời mình thành những cánh đồng lúa xanh tươi bằng những việc lành phúc đức. Xin đừng để tính lười biếng mà biến hồn ta thành nơi chất chứa những điều xấu xa. Xin cho chúng ta biết chiến thắng cỏ lùng bằng việc rèn luyện những nhân đức tốt thay cho những cái xấu làm mất vẻ đẹp cuộc đời chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa để hoàn thiện đời mình nên hoàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn hảo. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền, 19-7-2014

 

TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
CN 16 TN-A-2011

Nét nổi trội nơi con người hơn muôn loài muôn vật chính là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Và dấu hiệu của sự trổi vượt ấy chính là sự tự do giống như thần linh mà các tạo vật khác không thể có được. Chính nhờ sự tự do mà con người có khả năng làm chủ mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là điểm mạnh và cũng là yếu điểm của con người. Con người có thể sử dụng tự do để đi theo lề luật Thiên Chúa hay đi theo những đòi hỏi của tính xác thịt và theo ý riêng của mình.

Quả thực, con người hơn mọi tạo vật  khác là có khả năng biết phân biệt điều thiện điều ác, biết chọn lựa điều nào nên làm hay không nên làm, và vì thế chỉ có con người mới phải nhận lãnh trách nhiệm về việc làm của mình. Có một chuyện ngụ ngôn kể rằng:

Một hôm Satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành 1 trong 3 điều nó yêu cầu, nếu không nó sẽ cướp linh hồn người đó. Ba điều đó là: giết cha, hành hạ người em, uống rượu. Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập người em là điều trái với đạo lý làm người, còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Thế là anh ta quyết định đi uống rượu. Lúc đầu anh ta còn làm chủ được, nhưng về sau không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như qủy mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em và còn làm nhiều điều tội lỗi khác.

Câu chuyện trên đây có lẽ không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà là thực tế xảy ra hằng ngày trước mắt chúng ta. Tội ác luôn tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta. Rơi vào một hoàn cảnh nào đó, nếu không biết tự chủ bản năng, ai cũng có thể là một tên sát nhân. Thế nhưng câu chuyện này không chỉ nêu lên mặt trái của con người, nó còn nói lên nét cao qúy trong lòng con người nữa. Thật thì người đàn ông trong câu chuyện đã không lao vào tội ác như một phản ứng bình thường. Đạo lý và lẽ phải đã đến với anh ta trước tiên. Từ thâm sâu lòng mình, con người luôn hướng về điều thiện. Con thú cắn xé mồi rồi lăn ra ngủ yên, nhưng con người thì không như thế. Thử hỏi có kẻ sát nhân nào mà không cảm thấy bị cắn rứt trong lương tâm, có hành động xấu nào mà không dày vò lòng dạ con người?  Con người sinh ra vốn hướng về điều thiện, nhưng ma qủy lại luôn lôi kéo con người vào sự dữ.  Thực vậy, con người luôn bị giằng co giữa thiện và ác, giữa phúc và tội. Tại sao vậy?

Thưa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thế nhưng, ma quỷ lại gieo những điều xấu vào thế gian. Nó còn gieo điều gian ác vào trong chính tâm hồn con người. Hạt giống của sự dữ đó được ấp ủ, được nuông chiều nuôi nấng bởi tâm hồn thiếu cương quyết tránh xa sự dữ, thiếu tự chủ trước những tư tưởng bất chính nên hạt giống xấu luôn có cơ hội bùng phát và một khi có cơ hội nó sẽ triển nở  làm cho con người ra băng hoại.

Theo giáo lý Ky-tô giáo, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài, vì thế, khát vọng sâu thẳm nhất trong lòng ta chính là Thiên Chúa. Chọn tuân phục Chúa, chúng ta có được sự tự do đích thực, được bình an, hạnh phúc. Còn khi chúng ta bất tuân Thiên Chúa, là đánh mất ý nghĩa đời mình, là đặt cuộc sống mình dưới sự điều khiển của sự ác và sẽ bị buông mình trong hố sâu của tội lỗi, tựa như cánh diều chỉ có thể tự do bay bổng khi còn được ràng buộc với sợi dây, con người chỉ có thể được tự do sống trong hạnh phúc khi tự ràng buộc đời mình theo lề luật của Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, vì bản tính con người đã bị thương tích do tội nguyên tổ trở nên yếu đuối, dễ sa vào những cám dỗ tội lỗi, như lời thánh Phaolô đã nói: “sự lành tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, còn sự dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm”. Đó chính là sự giới hạn của mình, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa qua việc cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích để xin Thiên Chúa gia tăng ơn cần thiết mà biết làm điều lành tránh điều dữ, và gìn giữ ta trong ơn thánh của Người, mà trong giáo lý chúng ta gọi là ơn thánh hoá và ơn trợ giúp. Vì vậy, để gìn giữ vẻ đẹp linh hồn mình luôn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chúng ta cần thường xuyên cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và nếu chúng ta lỡ phạm tội chúng ta cần can đảm đến với bí tích giải tội để được ơn tha thứ và qua đó, Chúa sẽ ban ơn soi sáng để chúng ta biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn can đảm nói không với sự dữ, luôn kiên trường tránh xa những mưu chước cám dỗ của Sa-tan và luôn trung thành theo giáo huấn của Chúa, ngõ hầu chúng ta luôn trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của tự do không lệ thuộc bởi đam mê tội lỗi. Amen

Lm. Jos Tạ duy Tuyền (13-7-2011)

 

July 14, 2020