suy niệm : Trầm Thiên Thu
CHÚA BA NGÔI VÀ THÁNH THỂ
Kính Mình và Máu Thánh Chúa 2022
Khi khôn lớn, tôi nhớ ai đó đã cầu nguyện lời kinh khác thường này trước bữa ăn ở đâu đó: “Lạy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ai ăn nhanh nhất thì được nhiều nhất.” Mặc dù không phải là người ngoan đạo nhất, nhưng tôi đã nghĩ đến những lời này và làm cách nào đúng trong đời sống tâm linh, ở một mức độ nào đó. Một trong những câu Kinh Thánh yêu thích của tôi đã nói: “Vì nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong. Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát.” (Hc 24:20-21)
Thánh Gioan Thánh Giá cho biết: “Nếu ai đó tìm kiếm Chúa thì Người Yêu Dấu của người đó còn tìm kiếm người đó nhiều hơn nữa.” (The Ascent of Mount Carmel – Lên Núi Cát Minh) Chúng ta chỉ có thể mở rộng trái tim và miệng của mình, như nó vốn có, để được tràn ngập Sự Hiện Diện của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Ba Ngôi thực sự là một mầu nhiệm khôn lường, chúng ta được diễm phúc gặp gỡ Ngài theo nhiều cách liên hệ khác nhau.
Trong nhiều khoảnh khắc của cuộc sống, tôi thấy việc cung cấp các Tuần Cửu Nhật cho người khác hoặc cho chính mình là điều hữu ích. Tuần Cửu Nhật là cách thức mạnh mẽ để mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Mặc dù yêu cầu ơn phân định ý muốn của Thiên Chúa, ơn chữa lành cho người khác hoặc cho chính mình, hoặc chỉ đơn giản chỉ là để gần gũi hơn với Chúa Cha Vĩnh Hằng và phát triển tình yêu lớn hơn đối với Chúa Giêsu, Con Ngài, thời gian cầu nguyện đặc biệt này luôn là thời gian đại phúc. Cũng như các tông đồ và Đức Mẹ đã cùng cầu nguyện sau khi Chúa Giêsu về trời cho đến Lễ Ngũ Tuần, chúng ta được mời gọi khẩn cầu Chúa Thánh Thần hiện xuống trên chúng ta, Giáo hội và thế giới. Khi Hoa Kỳ chuẩn bị khởi động phục hồi Thánh Thể vào ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta có thể tham gia cùng những người Công giáo khác trong Tuần Cửu Nhật để chuẩn bị cho Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Chúng ta không muốn sống trên một hòn đảo mà muốn hiệp thông với nhau. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Ba Ngôi cũng bày tỏ thân phận của chúng ta. Trong bài “Listen to Him” (Hãy Lắng Nghe Ngài), Danielle Rose hát: “Trước sự hiện diện của Ngài, lạy Chúa Giêsu, con biết con thực sự là ai.” Có một bộ phim đã ra mắt cách đây vài năm có tựa là “Overcomer” (Người Chiến Thắng), kể về một thiếu niên mắc chứng hen suyễn nhưng rất thích chạy bộ. Hannah xuất thân từ một gia đình tan vỡ và trải qua những trở ngại dường như không thể vượt qua, nhưng cô đã nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa là Cha đã dành cho cô, và cô là con của Ngài. Khi ai đó hỏi cô là ai, cô được đầy dẫy Chúa Thánh Thần và nói: “Tôi được Thiên Chúa tạo nên. Ngài đã thiết kế tôi. Vì vậy, tôi không phải là sự sai lầm. Con Ngài đã chết vì tôi, để tôi có thể được tha thứ. Ngài đã chọn tôi là của riêng Ngài, vì vậy tôi được chọn. Ngài đã cứu chuộc tôi, vì vậy tôi được mong muốn. Ngài đã cho tôi thấy ân sủng, chỉ để tôi có thể được cứu. Ngài có một tương lai dành cho tôi bởi vì Ngài yêu tôi. Vì vậy, tôi không còn thắc mắc gì nữa... Tôi là con của Chúa.”
Trong tác phẩm kinh điển được tái bản gần đây, cuốn “You Are Called to Greatness” – Bạn Được Mời Gọi Tới Sự Vĩ Đại, Lm Leo Trese chia sẻ cách chúng ta được mời gọi “tìm hiểu” về Chúa Ba Ngôi và cảm nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa.
Lm Leo Trese viết: “Khi Thiên Chúa nhìn vào chính Ngài, Ngài tìm thấy điều gì? Ngài tìm thấy hình ảnh tốt đẹp vô tận, hoàn hảo vô tận, đáng yêu vô tận của chính Ngài. Hình ảnh sống động của Thiên Chúa, Chúa Con, nhìn lại vào Chúa Cha (nói theo nghĩa loài người) và thấy sự đáng yêu vô tận của Nguồn Gốc mà Ngài phát sinh. Giữa hai người – Chúa Cha (Thiên Chúa biết chính Ngài) và Chúa Con (Thiên Chúa biết chính Ngài) – luôn có tình yêu lẫn nhau. Đó là tình yêu mãnh liệt vô tận, tình yêu hoàn hảo vô tận, và đó là tình yêu sống động. Tình yêu trọn vẹn và sống động này chính là Chúa Thánh Thần. Đơn giản vậy thôi. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Ngài là tình yêu của Thiên Chúa – tình yêu sống động, ý thức và vĩnh cửu.”
Bằng cách suy ngẫm các tác phẩm về Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi đi sâu hơn vào sự bí ẩn của tặng phẩm mà Thiên Chúa đã hào phóng trao ban cho chúng ta.
Tác phẩm “The Dialogue” (Đối Thoại) của Thánh TS Catarina Siena có thông điệp của Chúa Cha dành cho bà. Trong đó, bà viết lời cầu nguyện về Chúa Giêsu Thánh Thể, liên quan niềm khao khát Thiên Chúa của chúng ta: “Lạy Thiên Chúa Hằng Hữu, Thiên Chúa Ba Ngôi Vĩnh Hằng, Ngài đã làm cho Máu của Chúa Kitô trở nên vô cùng quý giá nhờ Ngài chia sẻ Thiên Tính của Ngài. Ngài là sự bí nhiệm sâu như biển, càng tìm kiếm thì con càng tìm thấy nhiều hơn, và con càng tìm thấy nhiều hơn thì con càng tìm kiếm Ngài. Nhưng con không bao giờ có thể thỏa mãn, những gì con nhận được sẽ khiến con khao khát nhiều hơn. Khi Ngài lấp đầy tâm hồn con thì con càng khao khát hơn bao giờ hết, và con càng khao khát Ánh Sáng của Ngài hơn nữa. Trên tất cả, con mong muốn được nhìn thấy Ngài, Ánh Sáng đích thực, như chính Ngài thực sự.”
Bạn có biết rằng Chúa Ba Ngôi hiện diện trong Thánh Thể? Cũng giống như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê rằng Chúa Giêsu “đồng bản thể” với Chúa Cha, chúng ta được mời gọi suy gẫm về mầu nhiệm này trong Bí tích Thánh Thể. Nếu chúng ta đấu tranh với niềm tin của mình, chúng ta có thể cầu nguyện như người đàn ông đã đến gặp Chúa Giêsu để cầu xin sự chữa lành cho con trai: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9:24)
Lm Richard Foley, S.J., viết: “Tặng phẩm Thánh Thể còn có tỷ lệ tuyệt vời hơn nữa khi chúng ta phản ánh rằng Con Thiên Chúa hiện diện ở đây luôn luôn kết hợp mật thiết và không thể phân biệt, với các Đồng Ngôi Vị của Ngài trong Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha Hằng Hữu của Ngài và Thần Khí Tình Yêu hỗ tương. Điều đó có nghĩa là các Ngôi Vị cũng bí nhiệm nhưng thực sự với Ngài, và do đó với chúng ta không kém. Vì vậy, mầu nhiệm Thánh Thể bao gồm sự hiện diện của cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần như đồng bản thể không thể tách rời… Bí tích Thánh Thể bao quát Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.” (Mary and The Eucharist, 83)
Khi biết Chúa thực sự hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta muốn chia sẻ điều tuyệt vời này với những người khác. Hãy cầu nguyện để có lòng sùng kính mới đối với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Thánh Lễ và trong giờ Chầu. Nếu giáo xứ của bạn không có Chầu Thánh Thể, hãy xin linh mục xứ điều tuyệt vời này và mời giáo dân giúp bạn dành thời gian cho Chúa Giêsu Thánh Thể.
Đây là lời cầu nguyện xác định sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu và cầu xin Chúa Ba Ngôi ban ơn phổ biến việc Chầu Thánh Thể vĩnh viễn trên toàn cầu:
Lạy Thiên Chúa Cha, xin gia tăng đức tin của chúng con vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Con Ngài, Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Chúng con có nhiệm vụ tôn thờ Ngài, cảm tạ Ngài và đền tội. Chúng con cần sự bình an của Ngài trong trái tim chúng con và giữa các quốc gia. Chúng con cần ơn hoán cải tội lỗi và lòng thương xót tha thứ của Ngài. Xin cho chúng con có được điều này qua lời cầu nguyện và sự kết hợp của chúng con với Chúa Thánh Thể. Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mọi dân tộc để ban cho họ tình yêu thương, lòng can đảm, sức mạnh và sẵn sàng đáp lại lời mời Chầu Thánh Thể vĩnh viễn. Chúng con cầu xin Ngài truyền bá việc Chầu Thánh Thể tại các giáo xứ trên khắp thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu. Amen.
MARY BETH BRACY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu – 15-6-2022
THÁNH THỂ
(Lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm A – Ga 6:51-58)
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống
Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời
Bánh Tôi ban chính là thịt Tôi đây
Để thế gian được sống dồi dào mãi
Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi:
“Sao ông này có thể cho chúng ta
Ăn chính thịt của ông ta được kìa?”
Đức Giêsu liền trần tình với họ:
“Tôi bảo thật, nếu tất cả quý vị
Không ăn thịt, không uống máu Con Người
Thì sẽ chẳng có sự sống muồn đời
Thịt Máu Tôi nếu ai ăn và uống
Sẽ muôn đời được tận hưởng sự sống
Và người ấy được sống lại ngày sau
Thịt Máu Tôi là thần lương cao siêu
Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi vậy
Thì chính Tôi ở lại trong người ấy
Và người ấy cũng được ở trong Tôi
Như Chúa Cha, Đấng hằng sống sai tôi
Tôi luôn sống nhờ Chúa Cha vậy đó
Kẻ ăn Tôi, cũng nhờ tôi như thế
Đây là bánh từ trời xuống thế gian
Chứ không phải bánh tổ tiên đã ăn
Nhưng cuối cùng rồi họ đều đã chết
Còn những ai ăn tấm bánh này thật
Thì sẽ được hưởng sự sống muôn đời”
Lạy Giêsu là Con Đức Chúa Trời
Xin xót thương con yếu hèn, tội lỗi
Và luôn luôn ở trong con sớm tối
Để con được thuộc về Chúa mà thôi!
TRẦM THIÊN THU
THẦN LƯƠNG
Chúa xót thương phận nhân thế
Nên ban Thịt Máu lương thần
Dưỡng nuôi trên hành trình khổ
Tháng ngày đầy nỗi gian truân
Cảm mến Tình Ngài chan chứa
Đã xót thương nhân thế nhiều
Tháng ngày trần gian no thỏa
Thánh Thể giúp vượt khổ đau
Hồng ân Chúa cao vòi vọi
Dù con bất xứng mà thôi
Gục đầu ăn năn sám hối
Tín thác Tình Chúa muôn đời
Hồn con vui mừng chan chứa
Ngất ngây hạnh phúc vô ngần
Giờ này hồn con nên mới
Vì được đón Chúa đến thăm
Hồn con thật là diễm phúc
Được hòa tan trong Chúa Trời
Xin giúp con luôn thánh thiện
Để rước Thánh Thể hằng ngày
TRẦM THIÊN THU
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – 26/6/2011
Nguồn trường sinh
(Lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm A)
Lương thực là một phần thiết yếu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, ngày nay người ta phải cảnh giác cao độ vì các loại thực phẩm nhiễm độc vì các hóa chất, đặc biệt là thực phẩm của Trung cộng. Do đó, người ta càng văn minh càng quan ngại về thực phẩm, nghĩa là càng cần sự an toàn về thực phẩm.
Lương thực và thực phẩm rất cần, người ta cũng chỉ vì “miếng ăn” mà không ngừng gây chiến tranh. Để hỗ trợ dân nghèo vì nhân đạo, Liên Hiệp Quốc đã thành lập FAO (Food and Agriculture Organization – Tổ chức Lương Nông) vào ngày 16-10-1945 tại Canada. Tổ chức này nhằm mục đích chính: (1) Nâng cao mức sống và mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên; (2) Nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực và nông sản; (3) Góp phần vào việc phát triển kinh tế thế giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói. Trên logo của FAO có chữ La ngữ “Fiat Panis” – “Để Có Lương Thực” (let there be bread).
Chính Chúa Giêsu đã vì chạnh lòng thương, sợ người ta đói nên Ngài đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám người mê Ngài nói mà quên cả bụng đói. Các thánh sử đã ghi lại phép lạ lần một (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), với 5 cái bánh và 2 con cá, Ngài đã cho mọi người no nê, số thực khách lên tới 5.000 người, chưa kể phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 12 thúng đầy; và lần hai (Mt 15:32-39; Mc 8:1-10), với 7 cái bánh và vài con cá, Ngài cũng đã cho mọi người no nê, phần dư còn thu được 7 thúng đầy. Đó là ngụ ý đề cập Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong buổi Dạ Tiệc Vượt Qua, trước khi Ngài chịu tử hình vì tội lỗi của chúng ta. Máu và thịt không thể tách rời. Chính máu và thịt là dấu chứng tỏ của sự sống.
Ăn là một trong tứ khoái của con người, ăn đứng đầu, và có thể gọi là “đệ nhất khoái”. Miếng ăn cũng có thể làm cho người ta vinh hoặc nhục. Có lẽ vì vậy, nhất là với người có lòng tự trọng, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Ăn cũng có nghệ thuật ăn, không phải cứ cho vô miệng là xong. Không chỉ vậy, ăn không chỉ để no bụng mà còn cần ngon miệng: Đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, và người ăn (với mình) cũng ngon. Thế mới đủ “độ” ngon!
Chuyện ăn uống phức tạp! Ngày xưa, khi dân đi qua sa mạc ròng rã 40 năm để tới Miền Đất Hứa, lương thực duy nhất là man-na, một món cứ ăn mãi rồi ai cũng ngán. Chán lắm! Vì nhớ lại đồ ăn ngon ngày xưa thường ăn, đám dân ô hợp sống giữa dân Ít-ra-en bắt đầu thèm ăn, và cả con cái Ít-ra-en cũng khóc lóc mà nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi” (Ds 11:4-6). Mô-sê cũng “nhức đầu” lắm, vì họ đòi thịt thì lấy đâu giữa sa mạc khô cằn và hoang vu như vậy chứ?
Kinh Thánh cho biết rằng man-na là loại “bánh từ trời”, nhìn như hạt ngò và trông như nhựa hương. Lạ lắm. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu. Đêm về, sương rơi trên doanh trại, và man-na cũng rơi xuống (Ds 11:7-9). Cái món man-na lạ nhưng ăn hết ngày này sang tháng nọ thì chịu hết nổi rồi! Mô-sê “cầu cứu” Chúa. Và rồi Ngài cho gió lùa chim cút tới, lớp chim cút dày tới cả mét, dân cứ việc lượm mà xơi cho đã cơn thèm. Nhưng ai cũng tham nên lượm nhiều để dành, thế nên Chúa nổi trận lôi đình (Ds 11:31-33). Đúng là “tham thì thâm”. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, cái miệng hại cái thân rõ ràng. Có ăn mà không khéo cũng khổ!
Thiên Chúa thịnh nộ vì chúng ta sai trái, cứng đầu cứng cổ, ngang bướng. Được ăn chưa biết cảm ơn lại dám nổi loạn. Loài người vô ơn bạc nghĩa hết sức! Thế nhưng Ngài vẫn luôn nhân từ, vẫn tha thiết mời gọi tất cả chúng ta: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55:1). Và đó là “lời mời gọi cuối cùng”.
Kinh Thánh nhắc nhở: “Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Ðnl 8:2-3). Chính Đức Kitô cũng đã nhắc nhở y như vậy (Mt 4:4; Lc 4:4). Xác cần ăn thì hồn cũng cần ăn, có vậy mới sống và phát triển được.
Kinh Thánh tiếp tục giải thích và động viên: “Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai” (Ðnl 8:14-16). Thế nhưng trái tim phàm nhân bằng đá hoặc đã xơ cứng, nghe xong rồi quên, hứa xong rồi thôi, cứ tưởng mình là “cái rốn của vũ trụ”, tự nhận mình là “số dzách”, cho nên lúc nào cũng chỉ chực nổi loạn. Lô-gích thôi. Đó là chúng ta có “gen kiêu ngạo” của Ông Bà Nguyên Tổ!
Chúng ta dễ quên ơn lắm, dù là đại ân. Ngược lại, chúng ta lại luôn nghĩ mình “ngon”, là ân nhân, dù chúng ta chỉ cho người khác những thứ thừa thãi – còn tệ hơn bố thí (thay vì vứt bỏ í mà)! Do đó, tác giả Thánh Vịnh nhắc khéo chúng ta bằng cách mời gọi: “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân. Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo” (Tv 147:12-14).
Ít-ra-en là Dân Riêng của Chúa. Ít-ra-en là hiện thân của chúng ta, vì chúng ta cũng là Dân Thánh của Ngài. Chúng ta cũng được “đặc cách” mà vẫn vô ơn. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp, chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người” (Tv 147:19-20).
Thiên Chúa ban tặng chúng ta mọi thứ, đặc biệt là Con Một Ngài. Đó là hệ quả của “khối tình si” của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Vâng, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5:8). Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10:16-17). Và đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta yêu thương nhau, bằng mọi động thái, bằng cả con người của chúng ta. Chữ MỘT rất quan trọng!
Trong thời gian Chúa Giêsu đi rao giảng, có lần Ngài nói với người Do Thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Có vẻ họ “chói tai” nên họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ đặt vấn đề: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52).
Tất nhiên làm sao họ hiểu được. Nếu có chúng ta trực tiếp nghe Chúa Giêsu nói lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng phản đối tới cùng chứ chẳng vừa đâu. Tất nhiên Chúa Giêsu biết tỏng, và Ngài nghiêm túc nói với họ, có vẻ “dài dòng” nhưng cần thiết, đồng thời vừa xác định vừa giải thích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:53-58). Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ làm cho chúng ta sống, vì chính Ngài là Sự Sống (Ga 14:6), mà Ngài còn cho chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10).
Và rồi điều đó đã được Đức Giêsu thực hiện ngay trong Bữa Tiệc Ly, và đó cũng là cách Ngài thực hiện lời hứa trước đó: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Một cách tương tự là Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Và Chúa Thánh Thần đang ở với chúng ta hằng ngày cùng với Thánh Thể.
Cũng là “bánh từ trời”, nhưng man-na chỉ là lương thực bình thường, ăn để sống phần xác rồi... chết, còn Mình Máu Đức Kitô là lương thực thiêng liêng, vừa là Thần Lương vừa là Thần Dược, ăn để sống và điều trị phần hồn (kể cả phần xác), đặc biệt là Thánh Thể làm cho chúng ta bất tử và được hưởng vĩnh phúc. Thánh Thể chính là Thần Lương cho chúng ta đủ sức kiên nhẫn đi hết chặng đường lữ hành trần gian, là Của Ăn Đàng, là Nguồn Trường Sinh của chúng ta.
Đối với Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có đức tin trưởng thành, không thể dựa trên thính thị hoặc cảm giác. Chỉ có đức tin mới thực sự cảm nghiệm được Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa.
Hằng ngày, mỗi khi rước lễ là chúng ta đón rước Thiên Vương Giêsu vào lòng, lúc đó Vua Trời Đất đang hòa tan vào chúng ta, nên một với chúng ta, đại phúc đối với phàm nhân chúng ta. Ước gì sau khi rước lễ, chúng ta có được vài phút để cùng nhau cảm nghiệm Chúa Giêsu Thánh Thể, Vua Thương Xót. Ngài muốn lắng ngeh chúng ta về mọi điều buồn vui, đặc biệt là Ngài muốn chúng ta tôn thờ và cảm tạ Ngài. Vài phút ngắn ngủi đó rất cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta.
Bí tích Thánh Thể “gắn liền” với đức tin. Mà đức tin (nói chung) là điều rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu, nhưng cũng phải thận trọng lắm, vì có thể dễ trở thành cuồng tín hoặc tin lệch lạc. Vấn đề tín lý quan trọng lắm. Tương tự, khi nói về Kinh Thánh cũng phải thận trọng, nếu không rất nguy hiểm. Chẳng hạn, mới đây có người nói trong một bài viết nói về “con tim” mà sai tín lý. Xin trích nguyên văn: “Lạy Chúa Giêsu mến yêu! như trái tim của Áp-ra-ham đau khổ khi vâng lời Chúa, sát tế con mình, như trái tim Mô-sê vâng lệnh Chúa đưa dân Israel vào sa mạc suốt 40 năm mà vẫn không vào được Đất Hứa, hoặc như trái tim vua Đavit đã hối hận ăn năn vì biết bao tội lỗi mình đã phạm, và trái tim đau khổ vô ngần khi Mẹ Maria vâng theo Thánh ý Chúa Cha để công cuộc cứu độ loài người được hoàn tất”. Nguy hiểm hết sức nếu tác giả “trực tiếp chia sẻ” với người khác như vậy, nếu người nghe là tân tòng thì càng nguy hiểm hơn! May thay bài viết này đã kịp được sửa lại.
Ngày xưa, các tà thuyết hoặc dị giáo (*) cũng chỉ vì có niềm tin lệch lạc và suy diễn lệch lạc, đối nghịch với đức tin Công giáo. Có lẽ họ muốn lập một đạo mới chăng?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin thêm đức tin cho chúng con, xin đốt Lửa Yêu Mến trong lòng chúng con và biến trái tim chúng con thành trái tim si tình để chúng con chỉ yêu Ngài mà thôi, yêu bằng cả con người của chúng con, yêu qua từng động thái, và xin luôn canh giữ chúng con như con ngơi mắt Ngài để chúng con xứng đáng đón rước Ngài vào lòng hằng ngày. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Ví dụ các tà thuyết: Albigensianism (thế kỷ XII–XIII), Arianism (thế kỷ IV), Donatism (năm 311), Jansenism (thế kỷ XVII), Macedonianism (khoảng năm 362), Manichaeism (khoảng 216–276), Nestorianism (giữa thế kỷ IV và V), Pelagianism (thế kỷ V), Priscillianism (thế kỷ IV–V), Calvinism (1570),...
Chén Thánh
SANDRA MIESEL
Chén Thánh (Holy Grail) có mọi ý nghĩa đáng mơ ước có thể đạt được. Ở đây, Chén Thánh không mang nghĩa như chén thánh (chalice) được sử dụng hằng ngày trên các bàn thờ – quen gọi là “chén lễ”, mà Chén Thánh (viết hoa) có ý nói Chén Thánh chính Chúa Giêsu đã dùng tại Bữa Tiệc Ly.
Thuật ngữ này được dùng tại Cup Stanley của môn khúc côn cầu (bóng gậy). Theo truyền thống, Chén Thánh là vật được sử dụng tại Bữa Tiệc Ly, chén hoặc ly (chalice) hoặc dĩa (dish) đựng Bánh Thánh hoặc Chiên Vượt Qua. Máu Đức Kitô được hứng vào Chén (Grail) trên đồi Can-vê hoặc khi an táng. Thời Trung cổ, thi sĩ Wolfram von Eschenbach (người Đức) đã kể câu chuyện này theo cách khác. Chén Thánh bằng đá trắng, phía trên chén có bồ câu đặt Bánh Thánh vào chén mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh. Qua các thế kỷ, Chén Thánh có các ý nghĩa khác: Nguồn của sự chữa bệnh, sự soi sáng, sự tái sinh vũ trụ, hoặc sự giao tiếp với thực tế. Người ta không thỏa mãn với Kitô giáo về việc liên kết với các bí ẩn dị giáo, kiến thức huyền nhiệm và thần bí. Ngay cả những người tân ngoại giáo (neo-pagans) cũng cố gắng nói rằng Chén Thánh là vật dụng nghi lễ tiền Kitô giáo liên quan nữ thần của họ.
Người Công giáo có phải tin Chén Thánh có thật?
Dĩ nhiên, có các dụng cụ để ăn tại Bữa Tiệc Ly. Không ai biết còn Chén Thánh đó hay không. Giáo hội không đặt nặng vấn đề về Chén Thánh. Thời Trung cổ, khi các câu chuyện đang hình thành, phổ biến trong dân ngoại, nhưng Giáo hội làm ngơ.
Mức độ chính xác về các vật dụng được coi là Chén Thánh do phán đoán của dân thường. Vấn đề này không thuộc lĩnh vực đức tin. Quy luật tương tự cũng áp dụng cho những gì được coi là thánh tích. Chẳng hạn, không người Công giáo nào buộc phải tin tấm khăn ở Turin hiện nay là khăn liệm Chúa Giêsu, mặc dù tấm khăn này được tôn kính từ xưa tới nay. Mặt khác, thật buồn cười nếu từ chối xương thật của Thánh Teresa Hài Đồng được tôn kính tại Lisieux (Pháp).
Thánh Gioan Phaolô II và ĐGH danh dự Bênêđictô XVI đã dùng Chén Thánh khi cử hành Thánh lễ ở Nhà thờ Valencia (Tây ban nha). Thực hư thế nào?
Nếu Chén Thánh vẫn hiện hữu, người ta có thể dễ dàng thấy nó giống như “chén lễ” của Nhà thờ Valencia – chén bằng đá đỏ từ thời Đức Kitô. Thời Trung Cổ có những chiếc bình bằng đá quý với quai cầm bằng vàng để đựng đồ nữ trang.
Chuyện chẳng liên quan gì tới Chén Thánh mà Chúa Giêsu đã dùng, nhưng truyền thuyết cho rằng Chén Thánh được Thánh Phêrô đưa tới Rôma, sau đó được trao cho Thánh Lôrensô, rồi Thánh Lôrensô đam Chén Thánh tới Tây Ban Nha, và Chén Thánh được giấu kín lâu tại đây. Năm 1399, vua Aragon lấy Chén Thánh từ tu viện Catalan. Năm 1437, người kế vị đem đi cầm cố Chén Thánh cho Nhà thờ Valencia. Vẫn có Chén Thánh tại nhà nguyện của Nhà thờ này, và một bản sao được rước trong dịp lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi). Tin đồn đó không thật.
Tác phẩm “The Da Vinci Code” (Mật mã Da Vinci) của Dan Brown cho rằng Chén Thánh không là một cái ly mà là một con người. Ý tưởng này do đâu? Ông ta có tạo ra chén đó?
Nguồn chính của Dan Brown là Máu Thánh, còn Chén Thánh là do Michael Baigent, Richard Leigh và Henry Lincoln (1982). Tác phẩm dã sử thuộc loại sách bán chạy (best-seller) này cho rằng Thánh Maria Madalena là Chén Thánh thật vì bà là vợ của Chúa Giêsu, là người đã “mang” máu Ngài bằng cách sinh ít là một đứa con. Tin đồn nhảm này vẫn có tới ngày nay, dù Giáo hội đã nỗ lực bác bỏ. Về Chén Thánh, cuốn sách này nói rằng người ta đã tìm kiếm “phụ nữ mất tích”, đại diện là Thánh Maria Madalena.
Một số tác giả khác ảnh hưởng Brown là Lynn Picknett, Clive Prince, và Margaret Starbird. Baigent và Leigh đã tức giận vì Brown “vay mượn” quá nhiều nên họ đã kiện ông ta tội “đạo văn” (plagiarism) nhưng vụ kiện không thành.
Người Công giáo nên coi tư tưởng về Chén Thánh như thế nào? Nghiên cứu về Chén Thánh có ý nghĩa gì đối với đức tin của chúng ta?
Chén Thánh nói tới Thánh Thể. Theo nghĩa đen và duy nhất, Đức Maria là người mang thai Con Chúa chính là Chén Thánh sống động. Nhưng các huyết mạch thánh của Thánh Lễ cũng là Chén Thánh, và việc tìm kiếm Chén Thánh của chính chúng ta được nối kết mỗi lần chúng ta rước Mình Máu Thánh Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu Thánh Thể mới là Chén Thánh thật.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ CatholicDigest.com)
BÁNH TRƯỜNG SINH-Trầm Thiên Thu
(Lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm A-2017)
Thánh Thể liên quan đức tin, bởi vì “đây là mầu nhiệm đức tin”. Giáo Hội đã xác định như vậy, và mỗi khi lãnh nhận Thánh Thể, mỗi chúng ta có trách nhiệm “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Có rất nhiều loại bánh. Mặn có, ngọt có, dẻo có, cứng có,… và người ta có cả bánh chay nữa. Thích gì ăn nấy, đủ loại có thể tự chọn theo sở thích. Bánh là một loại thực phẩm, ăn để no một thời gian rồi lại cần ăn nữa, thậm chí mỗi ngày người ta còn phải ăn vài lần mới ổn cái bụng. Và rồi ai cũng phải chết, dù no hay đói, dù ăn bất cứ loại thực phẩm nào.
Nhưng có một loại bánh đặc biệt được mệnh danh là Bánh Trường Sinh, đó là Thánh Thể. Chúa Giêsu đã xác định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Thật vậy, chị Marthe Robin (1902-1981, người Pháp) là người chứng tỏ điều Chúa Giêsu đã nói. Chị Marthe ốm yếu từ nhỏ, đến năm 28 tuổi thì bị liệt, thi thoảng chị được Chúa Giêsu hiện ra, chị không thể ăn hoặc uống được bất cứ thứ gì, chị chỉ sống nhờ Thánh Thể trong suốt 51 năm. Giáo Hội đã tôn phong chị là bậc đáng kính vào ngày 7-11-2014.
Thánh Thể là bằng chứng hùng hồn về Lòng Chúa Thương Xót, và liên quan đức tin, nhưng đức tin lại liên quan cách thể hiện yêu thương, liênquan cuộc sống và con người – đặc biệt là những con người hèn mọn. Mẹ Thánh Teresa Calcutta lý giải: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể”. Vô hình mà hữu hình. Rất thực tế, rất cụ thể!
Cuộc đời được gọi là cuộc sống. Sự sống liên quan việc ăn uống, liên quan ẩm thực. Ăn để sống, chứ không sống để ăn. Lương thực là một phần thiết yếu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, ngày nay người ta phải cảnh giác cao độ vì các loại thực phẩm nhiễm độc vì các hóa chất, đặc biệt là thực phẩm của Trung cộng. Do đó, người ta càng văn minh lại càng đáng quan ngại về thực phẩm – kể cả các dụng cụ, nghĩa là người ta càng cần có sự an toàn.
Theo dòng đời, ai cũng biết rằng lương thực và thực phẩm rất cần, người ta cũng chỉ vì “miếng ăn” mà không ngừng gây chiến tranh. Các dạng tội phạm cũng vì đó mà leo thang. Để hỗ trợ dân nghèo vì nhân đạo, Liên Hiệp Quốc đã thành lập tổ chức FAO (Food and Agriculture Organization – Tổ chức Lương Nông) vào ngày 16-10-1945 tại Canada. Tổ chức này nhằm ba mục đích: (1) Nâng cao mức sống và mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên; (2) Nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực và nông sản; (3) Góp phần vào việc phát triển kinh tế thế giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói. Trên logo của FAO có dòng chữ bằng La ngữ: “Fiat Panis – Để Có Lương Thực” (Anh ngữ: Let There Be Bread).
Ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã vì chạnh lòng thương, sợ người ta đói khát nên Ngài đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám người mê Ngài nói mà quên cả cái bụng. Các thánh sử đã ghi lại phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm bằng cách hóa bánh ra nhiều: lần một (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), với 5 cái bánh và 2 con cá, Ngài đã cho mọi người no nê, số thực khách lên tới 5.000 người, chưa kể phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 12 thúng đầy; và lần hai (Mt 15:32-39; Mc 8:1-10), với 7 cái bánh và vài con cá, Ngài cũng đã cho mọi người no nê, phần dư còn thu được 7 thúng đầy. Đó là ngụ ý đề cập Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong buổi Dạ Tiệc Vượt Qua, trước khi Ngài chịu tử hình vì tội lỗi của chúng ta. Máu và thịt không thể tách rời. Chính máu và thịt là dấu chứng tỏ của sự sống.
Đối với phàm nhân, chuyện ăn uống là một trong tứ khoái của con người, ăn là hành động đứng đầu, và có thể gọi là “đệ nhất khoái”. Tuy nhiên, miếng ăn cũng có thể làm cho người ta vinh hoặc nhục. Có lẽ vì vậy, nhất là với người có lòng tự trọng, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Ăn cũng có nghệ thuật ăn, không phải cứ cho vô miệng là xong. Không chỉ vậy, ăn không chỉ để no bụng mà còn cần ngon miệng: Đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, và người ăn (với mình) cũng ngon. Thế mới đủ “độ” ngon. Có cả chuỗi nghệ thuật liên quan chứ không đơn giản đâu!
Quả thật, chuyện ăn uống cũng đủ kiểu và đủ mức, nhiêu khê lắm! Ngày xưa, khi dân Chúa đi qua sa mạc suốt 40 năm để tới Miền Đất Hứa, lương thực duy nhất là man-na, một món cứ ăn mãi nên dân chán ngán. Chán lắm! Chán ngán đồ ăn nhớ không mùi vị nên thèm đồ ăn ngon ngày xưa thường ăn, đám dân ô hợp sống giữa dân Ít-ra-en bắt đầu cảm thấy không chịu nổi, họ và cả con cái Ít-ra-en đều khóc lóc mà nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi” (Ds 11:4-6). Mô-sê cũng “nhức đầu” lắm, vì họ đòi thịt thì lấy đâu giữa sa mạc khô cằn và hoang vu như vậy chứ? Căng dữ nghen!
Và Kinh Thánh cho biết rằng man-na là loại “bánh từ trời”, nhìn như hạt ngò và trông như nhựa hương. Lạ lắm. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu. Đêm về, sương rơi trên doanh trại, và man-na cũng rơi xuống (Ds 11:7-9). Cái món man-na lạ nhưng ăn hết ngày này sang tháng nọ thì chịu hết nổi rồi! Mô-sê “cầu cứu” Chúa. Và rồi Ngài cho gió lùa chim cút tới, lớp chim cút dày tới cả mét, dân cứ việc lượm mà xơi cho đã cơn thèm. Nhưng ai cũng tham nên lượm nhiều để dành, thế nên Chúa nổi trận lôi đình (Ds 11:31-33). Đúng là “tham thì thâm”. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, cái miệng hại cái thân rõ ràng. Có ăn mà không khéo cũng khổ!
Ngày nay chúng ta cũng không hơn gì dân ngày xưa, thế nên Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ vì chúng ta sai trái, đã vậy còn cứng đầu cứng cổ, ngang ngược và bướng bỉnh. Được ăn chưa biết cảm ơn lại dám nổi loạn. Loài người vô ơn bạc nghĩa hết sức! Thế nhưng Ngài vẫn luôn nhân từ, vẫn tha thiết mời gọi tất cả chúng ta: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55:1). Và đó cũng là “lời mời gọi cuối cùng”.
Kinh Thánh nhắc nhở: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Ðnl 8:2-3). Chính Đức Kitô cũng đã từng nhắc nhở y như vậy (Mt 4:4; Lc 4:4). Xác cần ăn thì hồn cũng cần ăn, có vậy mới sống và phát triển toàn diện.
Kinh Thánh tiếp tục giải thích và động viên: “Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết, để bắt anh em phải cùng cực và thử thách anh em, hầu làm cho anh em được hạnh phúc trong tương lai” (Ðnl 8:14-16). Thế nhưng trái tim phàm nhân bằng đá hoặc đã xơ cứng, nghe xong rồi quên, hứa xong rồi thôi, cứ tưởng mình là “cái rốn của vũ trụ”, tự nhận mình là “số dzách”, cho nên lúc nào cũng chỉ chực nổi loạn. Lô-gích thôi. Đó là chúng ta có “gen kiêu ngạo” của Ông Bà Nguyên Tổ!
Ôi, phàm nhân chúng ta dễ vô ơn lắm, dù có lãnh nhận đại ân. Và rồi chúng ta cũng rất “chảnh”, luôn nghĩ mình “ngon lành”, tự nhận mình là ân nhân, mặc dù chúng ta chỉ cho người khác những thứ thừa thãi – còn tệ hơn bố thí (thay vì vứt bỏ í mà)! Do đó, tác giả Thánh Vịnh nhắc khéo chúng ta bằng cách mời gọi: “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân. Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo” (Tv 147:12-14).
Dân tộc Ít-ra-en là Dân Riêng của Chúa. Ít-ra-en là hiện thân của chúng ta, vì chúng ta cũng là Dân Thánh của Ngài. Chúng ta cũng được “đặc cách” mà vẫn vô ơn. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp, chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người” (Tv 147:19-20).
Với lòng đại lượng bao la, Thiên Chúa ban tặng chúng ta mọi thứ, đặc biệt là chính Con Một Yêu Dấu của Ngài. Đó là hệ quả của “khối tình si” của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Vâng, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân kia mà! (x. Rm 5:8). Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10:16-17). Và đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương nhau – bằng mọi động thái, bằng cả con người của chúng ta. Chữ MỘT rất quan trọng!
Khi Chúa Giêsu đi rao giảng khắp nơi, có lần Ngài nói với người Do Thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Có vẻ họ “chói tai” nên họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Và họ đặt vấn đề: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52).
Với trí tuệ loài người, tất nhiên làm sao họ hiểu được. Nếu có chúng ta trực tiếp nghe Chúa Giêsu nói lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng phản đối tới cùng chứ chẳng vừa đâu. Tất nhiên Chúa Giêsu biết tỏng, và Ngài nghiêm túc nói với họ, có vẻ “dài dòng” nhưng cần thiết, đồng thời vừa xác định vừa giải thích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:53-58). Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ làm cho chúng ta sống, vì chính Ngài là Sự Sống (Ga 14:6), mà Ngài còn cho chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10).
Và rồi ngay trong Bữa Tiệc Ly, điều đó đã được Đức Giêsu thực hiện, đồng thời đó cũng là cách Ngài thực hiện lời hứa của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Một cách tương tự là Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Và Chúa Thánh Thần đang ở với chúng ta hằng ngày cùng với Thánh Thể.
Tuy là “bánh từ trời”, nhưng man-na chỉ là lương thực bình thường, là loại bánh ăn để sống phần xác thôi, nghĩa là có ăn bao nhiêu rồi cũng... chết. Ngược lại, Mình và Máu Đức Kitô là lương thực thiêng liêng, vừa là Thần Lương vừa là Thần Dược, ăn để có sự sống và được điều trị phần hồn (kể cả phần xác), đặc biệt là Thánh Thể làm cho chúng ta bất tử và được hưởng vĩnh phúc. Thánh Thể chính là Thần Lương tăng lực để chúng ta đủ sức kiên nhẫn đi hết chặng đường lữ hành trần gian, là Của Ăn Đàng, là Nguồn Trường Sinh của chúng ta.
Đối với Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có đức tin trưởng thành, không thể dựa trên thính thị hoặc cảm giác. Chỉ có đức tin mới thực sự cảm nghiệm được Mình và Máu Thánh của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa.
Hằng ngày, mỗi khi rước lễ là chúng ta đón rước Thiên Vương Giêsu vào lòng, lúc đó Vua Trời Đất vui mừng hòa tan vào chúng ta, nên một với chúng ta, thật là đại phúc đối với phàm nhân chúng ta. Ước gì sau khi rước lễ, chúng ta dành vài phút để cảm nghiệm Chúa Giêsu Thánh Thể, Vua Thương Xót, và tâm sự với Ngài. Thực sự Ngài rất muốn lắng nghe chúng ta về mọi điều buồn vui, đặc biệt là Ngài muốn chúng ta tôn thờ và cảm tạ Ngài. Vài phút ngắn ngủi đó rất cần thiết và sinh nhiều ích lợi cho đời sống của mỗi chúng ta.
Như chúng ta đã biết, Bí tích Thánh Thể “gắn liền” với đức tin. Mà đức tin (nói chung) là điều rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu, nhưng cũng phải thận trọng lắm, vì có thể dễ trở thành cuồng tín hoặc tin lệch lạc. Vấn đề tín lý quan trọng lắm. Tương tự, khi nói về Kinh Thánh cũng phải thận trọng, nếu không rất nguy hiểm.
Ngày xưa, có nhiều tà thuyết hoặc dị giáo – chẳng hạn: Albigensianism (thế kỷ XII–XIII), Arianism (thế kỷ IV), Donatism (năm 311), Jansenism (thế kỷ XVII), Macedonianism (khoảng năm 362), Manichaeism (khoảng 216–276), Nestorianism (giữa thế kỷ IV và V), Pelagianism (thế kỷ V), Priscillianism (thế kỷ IV–V), Calvinism (1570),... Đó là do niềm tin sai lạc và suy diễn lệch lạc, đối nghịch với đức tin Công giáo. Có lẽ họ muốn lập một đạo mới chăng? Ngày nay cũng vẫn có các tà thuyết nhưng ở dạng khác, tinh vi hơn nên khó nhận ra. Còn chúng ta, những tín hữu của Đức Kitô Giêsu, hãy cố gắng tâm niệm như Thánh nữ Catharina Senensis (Catarina Siêna, 1347–1380): “Mặc dù tôi u mê yếu đuối, nhưng tôi quyết không thất vọng đem linh hồn của tôi ẩn núp vào trong các vết thương của Chúa Giêsu, xin Máu Thánh của Chúa Giêsu rửa sạch tội lỗi của tôi”.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con xin tôn vinh và kính thờ Ngài. Xin thêm đức tin cho con người yếu kém của con, xin dùng Lửa Yêu Mến thiêu đốt lòng con và biến trái tim chai cứng của con trở thành trái tim si tình để con chỉ yêu Ngài mà thôi, yêu bằng cả con người của con, yêu qua từng động thái, và xin luôn canh giữ con như con ngươi trong mắt Ngài để con xứng đáng đón rước Ngài vào lòng hằng ngày. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
DongCongNet -
December 20, 2022