Chúa Nhật X Thường Niên Năm A
 
 


“Tôi muốn lòng nhân lành hơn là của lễ”

Giai Đoạn Mùa Thường Niên: Liên Kết Phụng Niên

Mùa Thường Niên được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn sau Mùa Giáng Sinh và giai đoạn sau Mùa Phục Sinh. Giai đoạn Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh thường kéo dài từ 5 tuần (Năm A: 2002; B: 1991, 1997; C: 1986, 1989) tới 9 tuần lễ (Năm B: 2000). Căn cứ vào giai đoạn dài ngắn của Mùa Thường Niên (sau Mùa Giáng Sinh) mà Mùa Thường Niên (sau Mùa Phục Sinh) được tiếp tục lại, sớm nhất vào tuần 9 (Năm C; 1989) và muộn nhất vào tuần 13 (Năm A: 1987; B: 2000; C: 1992). Từ trước đến nay (2002), chỉ có năm 1989 là liên tục, nghĩa là không mất một tuần nào giữa hai giai đoạn này: Ở chỗ, Mùa Thường Niên của năm 1989 này sau Mùa Giáng Sinh được kết thúc vào tuần thứ 5, và sau Mùa Phục Sinh cũng như sau sau 3 Chúa Nhật Lễ Trọng (Thánh Thần, Ba Ngôi, Thánh Thể bắt đầu Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh) được tái tục vào tuần thứ 9.

Ngoài ra, Mùa Thường Niên có năm liên tục sau khoảng cách có năm bị hụt mất một tuần. Chẳng hạn chu kỳ Năm A, năm 1987 và 1990 cùng được kết thúc sau Mùa Giáng Sinh ở tuần thứ 8 (ngày 1/3/1987 và 25/2/1995), nhưng sau Mùa Phục Sinh thì năm 1987 tiếp tục vào tuần thứ 13 (28/6), tức thiếu tuần thứ 9, còn năm 1990 tiếp tục vào tuần 12 (ngày 24/6), tức liên tục không mất một tuần nào. Một trường hợp khác cũng trong chu kỳ A, năm 1993 và 1996, cả hai được kết thúc sau Mùa Giáng Sinh vào tuần thứ 7 (21/2/1993 và 18/2/1996), nhưng sau Mùa Phục Sinh, thì năm 1993 tiếp tục vào tuần 12 (20/6), tức mất tuần thứ 8, còn năm 1996 tiếp tục vào tuần 11 (16/6), tức không mất một tuần nào. Riêng năm 2002 của chu kỳ A hôm nay, sau Mùa Giáng Sinh được kết thúc ở tuần thứ 5 (ngày 10/2), nhưng sau Mùa Phục Sinh và sau Ba Lễ Trọng, Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh được bắt đầu từ tuần thứ 10 (ngày 9/6), tức mất tuần thứ 6.

Một trong những lý do tại sao có sự kiện dài ngắn, sớm muộn và thiếu đủ này nơi Mùa Thường Niên giữa hai giai đoạn sau Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh, có thể là vì sự kiện đủ và đúng của các Mùa Phụng Vụ khác, Mùa Vọng (đủ 4 tuần hay tối thiểu đủ 4 Chúa Nhật) và Mùa Giáng Sinh (phải được cử hành vào đúng ngày 25/12 hằng năm), Mùa Chay (đủ 5 Chúa Nhật hay đúng 40 ngày kể từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật Lễ Lá), Tuần Thánh (từ Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương Khó kết Mùa Chay 40 ngày) và Mùa Phục Sinh (7 tuần lễ hay đủ 50 ngày trước Lễ Ngũ Tuần cử hành Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

Tuy nhiên, cho dù hai giai đoạn sau Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh có liên tục hay mất một tuần nào đi nữa, Mùa Thường Niên vẫn không bị ảnh hưởng gì về ý nghĩa của mình. Đúng thế, vì giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn gắn liền với một Mùa Phụng Vụ như thế, mà Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh có một ý nghĩa, nội dung và chiều hướng khác nhau. Nếu ý nghĩa, nội dung và chiều hướng của Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, được bắt đầu từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tỏ Mình, thì Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được bắt đầu từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh. Vì chủ đề cho cả Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh, mà Giáo Hội của Người đã nhập cuộc, qua việc rao giảng về Người và làm chứng cho Người, cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, một biến cố được Giáo Hội để kết thúc Phụng Niên của Giáo Hội với Lễ Chúa Kitô Vua. Có thể nói, nếu Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, chủ đề của Phụng Vụ (Lời Chúa) hướng về Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tỏ Mình, qua những việc Người làm chứng về mình theo tác động của Thánh Thần, thì Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, chủ đề của Phụng Vụ (Lời Chúa) hướng về Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh, qua chứng từ của Giáo Hội được thực hiện bởi tác động của Thánh Linh. Bởi thế, cốt lõi của các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Thường Niên (Hậu Phục Sinh) phải được hiểu theo chiều hướng Giáo Hội, chiều hướng Chứng Từ Giáo Hội, hơn là chiều hướng Chúa Kitô Tự Chứng.

Chúa Nhật X Thường Niên Năm A: Ý Nghĩa Phụng Vụ

Căn cứ vào chiều hướng Phụng Vụ này, bài Phúc Âm Chúa Nhật X Năm A của Mùa Thường Niên (Hậu Phục Sinh) đây cần phải được hiểu như thế nào mới đúng?

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại sự việc Chúa Giêsu kêu gọi viên thu thuế Mathêu theo Người, rồi sau đó đã đích thân vào nhà của viên thu thuế này dùng bữa, nên Người đã bị nhóm Pharisiêu xì xầm trách móc với các môn đệ của Người về việc Người chung đụng với hạng người xấu xa, nhưng Người đã nói rõ cho họ biết rằng: “Tôi đến không phải là để kêu gọi những kẻ tự cho mình là người công chính mà là những người tội lỗi”. Theo chiều hướng của Mùa Thường Niên (Hậu Phục Sinh) về chủ đề Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh qua Chứng Từ Giáo Hội, bài Phúc Âm này cần phải được áp dụng vào trường hợp Giáo Hội, nghĩa là, Giáo Hội muốn làm chứng cho Chúa Kitô, muốn Chúa Kitô được thế gian nhận biết, thành phần môn đệ theo Người cũng phải giống như Người, ở chỗ, sống bằng tình thương, thương tội nhân, đến với tội nhân, chứ đừng tránh họ chỉ vì khinh họ, như thành phần Pharisiêu xưa. Và chỉ có thế, chỉ khi nào môn đệ của Chúa Kitô biết thương người như thế, họ mới chứng thực sự họ là thành phần công chính, một tình trạng công chính bởi được cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết nhờ Chúa Kitô Vượt Qua. Đó là lý do trong bài đọc hai, Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma đã kết thúc như sau: “Chúa Giêsu là Đấng đã bị trao nộp cho tử thần vì tội lỗi của chúng ta song đã sống lại vì sự công chính của chúng ta”.

Phải, chính vì Chúa Giêsu đã sống lại cho sự công chính của chúng ta, mà vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, khi hiện ra với các tông đồ, Người đã thở hơi trên các vị mà phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Jn 20:22-23). Qua hơi thở phát ra từ Thánh Thể Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chẳng những các tông đồ được công chính hóa, mà các vị còn được ban cho quyền năng công chính hóa tha nhân nữa. Như thế, thừa tác vụ của Giáo Hội là thừa tác vụ của lòng thương xót. Và các vị thừa tác là thành phần lãnh nhận lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót đã công chính hóa các vị, để các vị có thể ban phát cho thành phần tội nhân đáng thương như các vị. Đó là thừa tác vụ tình thương, một thừa tác vụ chẳng những liên quan trực tiếp đến thiên chức tư tế thừa tác của thành phần môn đệ Chúa Kitô trong việc ban phát Bí Tích Rửa Tội và Giải Tội. Thế nhưng, chưa hết, trước khi thừa tác vụ tình thương này có cơ hội thực hiện, trước hết cần phải có chứng từ tình thương được phát xuất từ tất cả mọi thành phần môn đệ Chúa Kitô, kể cả giáo dân lẫn giáo sĩ, để trở thành động lực thúc đẩy con người thế gian đến với Chúa, hay là một hấp lực lôi kéo con người tội nhân về với Chúa.

Bởi vậy, dù đã được công chính hóa bởi Phép Rửa, Kitô hữu vẫn không thể là chứng nhân của Chúa Kitô Tử Giá và cho Chúa Kitô Phục Sinh, nếu họ không sống tình thương của Chúa Kitô và như Chúa Kitô với những người đáng thương, về thể lý (nghèo nàn hay đau khổ) cũng như về luân lý (gian ác hay tội lỗi). Thậm chí họ không được tỏ thái độ khinh thường hay mất thiện cảm với những người anh em cũng là môn đệ Chúa Kitô nhưng không thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Điển hình nhất là đối với quí giáo sĩ Hoa Kỳ đang bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như đối với những vị mục tử đã hành sử nội vụ, cuối cùng đã đi đến chỗ làm thiệt hại cho Giáo Hội địa phương nói riêng (nhất là về tài chính) và Giáo Hội hoàn vũ nói chung (thế giá và uy tín). Trong trường hợp này, theo chứng từ tình thương, Kitô hữu chúng ta cũng không được có những lời lẽ và thái độ chia rẽ hơn là xây dựng. Thậm chí đối những tay phá đạo, từ bên trong (cấp tiến) cũng như bên ngoài (bêu xấu như trong vụ nạn linh mục tình dục hiện nay tại Hoa Kỳ), Kitô hữu chúng ta cũng vẫn phải sống chứng từ tình thương, một chứng từ cần hơn bao giờ hết trong trường hợp này và đối với những thành phần này. Bởi vì, Chúa nói: “Tôi muốn tình thương hơn là lễ vật”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)