dongcong.net
 
 

Suy Niệm của Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh MD

CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA GIÊSU KITÔ


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
(Jer. 31:31-34; Heb. 5:7-9; Ga 12:20-33)

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD 

Bài Tin Mùng Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng diện mạo  Chúa Giêsu, một khuôn mẩu linh mục tư tế đau khổ, đầy lòng trắc ẩn, đồng cảm và kết hợp nhân loại.

 THIÊN CHÚA TRONG CỰU ƯỚC
Qua các Tin Mừng, chúng ta thấy ai cũng đều mong ước được gặp Chúa Giêsu, ngắm nhìn diện mạo, vẻ đẹp huy hoàng và vinh quang của Thiên Chúa. Trong các Ca Vịnh đều nói lên lòng ước mong được ngắm nhìn diện mạo gặp Chúa !
« Xin dung nhan Chúa hãy tỏa chiếu sáng trên tôi tớ Chúa » (Cv 119 :135).
Không phải chỉ chúng ta cầu khẩn để được gặp mặt Chúa mà chính Chúa cũng thúc dục, nhắc nhở thâm tâm chúng ta đi tìm kiếm Chúa:
« Hãy tìm kiếm mặt ta và dung nhan ta » (Cv 27: 8).
Nhưng có lẽ chúng ta không thể kiếm ra được gương mặt mà Chúa muốn chúng ta đi tìm, nên đã có lời than van :
« Xin Chúa đừng lánh mặt tôi » (Cv 102:2)
« Tại sao Chúa cứ lánh mặt tôi »(Cv 88:14).
« Chúa còn lánh mặt tôi đến bao lâu nữa » (Cv13:2).
Chúng ta cầu khẩn, chúng ta tìm tòi nhưng chúng ta không thể kiếm ra được diên mạo Chúa. Lúc đó chúng ta cảm thấy bối rối. Ông Maisen, với tính cách bạn nói với bạn, xin được gặp mặt Chúa, thì Chúa nói với ông:
 «Ngươi không thể nhìn được mặt ta, vì không ai nhìn thấy ta mà sống được» (Xh 33:20).

 THIÊN CHÚA TRONG TÂN ƯỚC
Nhưng trong Tân Ước thì khác, Thiên Chúa đã thay đổi, đã xuống thế làm người như chúng ta để cứu chuộc muôn dân. Chúng ta hãy coi câu chuyện Tin Mừng thánh Gioan (chương 12) nói về sứ vụ công khai của Đức Giêsu đi tới đỉnh điểm. Đây là hành động chính thức và sau cùng trước khi xẩy ra những biến cố khổ nạn của Chúa. Có rất nhiều người là dân ngoại, không phải là Do Thái lần đầu tiên đi tìm kiếm Chúa Giêsu. Họ đến không phải chỉ để xem mặt hoặc tham dự một cuộc ra mắt của Chúa, nhưng để «gặp» Người. Theo Tin Mừng Gioan, từ « gặp » Đức Giêsu tức là «tin»vào Người. Một yêu cầu đơn giản và lạ lùng: «Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu» (Ga12:21).
Trong ca vịnh, khi chúng ta cầu khẩn để gặp mặt Chúa, chúng ta xin được gặp Chúa là Chúa thực để ngắm nhìn xâu thẳm trong Chúa. Ở chương chót của sách Tin Mừng Khải Huyền có viết : «Họ sẽ được nhìn thấy dung nhan Người» (Kh 22: 4). Chúng ta đã nhìn thấy dung mạo Chúa thể hiện qua con người Giêsu thành Nazareth. Biết bao nhiêu lần chúng ta thèm muốn được nhìn thấy dung nhan Chúa Giêsu ? Chúng ta sẽ làm gì khi chúng ta « gặp » được mặt Chúa Giêsu Kitô?

 TƯ TẾ TRONG CỰU ƯỚC
Tác giả của thư gửi tín hữu Do Thái mang nặng tư tưởng và tính thần học của thánh Phaolo và Gioan, nhưng tác giả cũng chiêm ngưỡng và nhìn thấy sự khổ nạn và  hấp hối của chúa Giêsu trong vườn cây dầu có liên quan đến những hiến tế trong đền thánh và chức tư tế. Trong Cựu Ước không bao giờ thấy đòi hỏi thầy cả thượng tế phải tự mình trở nên giống như những người anh em mà trái lại ông ta còn cố gắng để trở nên khác với họ. Thái độ đồng cảm với những kẻ tội lỗi đã tỏ ra không  thích hợp với chức tư tế của thời Cựu Ước. Ngoài ra không thấy có bản văn nào đòi hỏi vị thượng tế phải là người không vướng mắc tội lỗi gì cả.

 TƯ TẾ TRONG TÂN ƯỚC LÀ ĐỨC KITO KHỔ NẠN
Trái lại chức tư tế trong Tân Ước thì khác. Thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 5 :7-9) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là một tư tế rất khác biệt, có đầy lòng trắc ẩn phi thường, tính đồng cảm và tình liên đới bền chặt. Trong những ngày còn ở dương thế, chúa Giêsu đã chia sẻ với chúng ta một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta. Ngài cũng cầu nguyện, cũng đau khổ, cũng sầu muộn và khóc than như chúng ta. Chúa Giêsu cũng bị thử thách, bị cám dỗ bằng mọi cách như chúng ta nên Chúa thấu hiểu những khó khăn của chúng ta cả trong lẫn ngoài, do đó ngài có lòng trắc ẩn, cảm thông và đồng cảm rất sâu đậm với chúng ta. Đức Giêsu là tư tế độc nhất, đặc biệt, có đầy đủ ý nghĩa và là mẫu mực từ đó cho đến giờ.

 TƯ TẾ/LINH MỤC GIÊSU LÀ CHÚA, LÀ THẦY VÀ BẠN CỦA CHÚNG TA
Chúng ta rút ra được bài học gì qua những hình ảnh đó của chúa Giêsu? Những thử thách hàng ngày và những yếu đuối của chúng ta, thay vì tạo ra hố xâu ngăn cách giữa Chúa Giêsu và chúng ta thì nó lại trở thành điểm hội tụ, nơi gặp gỡ giữa chúng ta và Chúa, không phải chỉ với một mình chúa Giêsu Kitô mà còn với chính Thiên Chúa nữa. Hiệu quả là từ nay về sau, không một ai trong chúng ta  khi bị rơi vào tình huống đau khổ mà không cảm nhận được  -do thực tế này- có Chúa Kito cũng luôn luôn ở bên cạnh chúng ta trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn. Chúng ta lắng nghe lời  Chúa Giêsu vì Chúa là đấng « đáng kính và đáng tuân phục ». Chúng ta cũng sẽ được Chúa nghe lời và an ủi bởi vì chúng ta biết cầu nguyện Chúa liên lỉ, kính thờ Chúa, phục tùng và lắng nghe lời Chúa thúc dục trong lòng. Chúa Giêsu thực là một linh mục, là Thầy, là Bạn và là Chúa chúng ta.

 CƠN HẤP HỐI CỦA THÁNH G.H. GIOAN  PHAOLO  II
 Trong bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy những người lên Jerusalem thờ phượng Thiên Chúa có những người Hy Lạp đến nói với ông Philipê là người đến từ làng Bethsaida, miền Galilea là họ muốn gặp Đức Giêsu: « Ông Philipe đi nói với ông An Rê rồi ông An Rê cùng ông Philipe đến nói với  Chúa Giêsu » (Ga 12: 20-22). 
 Để gặp Chúa Giêsu, người ta phải được một môn đệ dẫn tới gặp. Lời giới thiệu của những người đã từng sống với Ngài, ở bên cạnh Ngài, cho chúng ta biết về Ngài và chúng ta không thể biết về Ngài nếu không có sự giới thiệu ấy.
Sự giới thiệu ấy thế nào? Đó là những bản văn viết của các tông đồ, nhất là những bản Tin Mừng được lưu truyền cho chúng ta do truyền thống, tập tục, qua cha mẹ, các linh mục, phó tế, thầy giáo, giáo lý viên, những nhà giảng thuyết và những tín hữu là những chứng nhân và người mang Tin Mừng của Chúa. Nhận biết ra những vị then chốt này quả là quan trọng và cần thiết! Họ là những chứng nhân sống động và có liên kết với truyền thống và Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô.
Một người trong hàng triệu người như vậy trên khắp thế giới là Karol Wojtyla, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Cả thế giới chứng kiến một cách công khai cuộc hấp hối và khổ nạn của đấng nối nghiệp thánh Phêro. Sắp đến ngày mừng kỷ niệm lễ giỗ của Ngài vào ngày 2 tháng 4, chúng ta không thể không nhớ lại cái ngày đầy sống động ấy.  Cử chỉ của ngài đã khiến chúng ta nhớ lại gương mặt Thiên Chúa với những hình ảnh chúa Giêsu chịu đóng đanh trên thập giá.
Một trong những bài học đáng ghi nhớ nhất mà Ngài đã dạy cho chúng ta vào những giờ phút cuối cùng của triều đại ngài là tất cả mọi người đểu phải chịu đau khổ, ngay cả vị đại diện của Chúa Kitô. Thay vì che dấu những tật nguyền của mình như đa số những vị thủ lãnh trên thế giới, Ngài để cho cả thế giới nhìn biết những điều Ngài đã và đang hứng chịu.  Cử chỉ cuối cùng của đời Ngài cho thấy dù là lực sĩ rồi cũng phải bất động, tiếng nói trước kia có âm vang sang sảng thì nay cũng phải bặt tắt và bàn tay đã viết lên biết bao tông thư vĩ đại giờ này cũng không còn động đậy được nữa. Tuy nhiên không có gì làm cho Ngài phải ngập ngừng, e ngại, ngay cả những yếu ớt bệnh hoạn ẩn dấu bên trong căn bệnh Parkinson của Ngài, và cuối cùng Ngài đã không thể nói và cử động được nữa. Nhiều người tin rằng thông điệp mãnh liệt nhất mà Ngài đã truyền giảng lúc đó là khi Ngài không còn nói và cử động được nữa.
Một trong những khoảnh khắc giảng dạy trong thinh lặng khó quên của những ngày cuối cùng đó đã xẩy ra vào đúng đêm thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005 khi Đức Thánh Cha đang ngồi trong nhà nguyện riêng của ngài ở Vatican coi truyền hình cuộc khổ nạn đoạn đường thánh giá được diễn lại ở đấu trường Colosseum tại Rome. Đến chặng đường Chúa chịu chết, ống kính truyền hình trong nhà nguyện chiếu Đức Thánh Cha giữ cứng Cây Thánh Giá trong tay, ôm vào ngực, má ngài đè chặt lên phiến gỗ. Ngài chấp nhận đau khổ và cái chết không cần nói. Hình ảnh đó tự nó đã nói nên lời.
Trước khi ra đi mấy tiếng đồng hồ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II  đã nói : « Hãy đề cho tôi đi về nhà Cha.» Trong khi những lời kinh thân thiết nhất được vang lên, thánh lễ được cử hành ngay dưới chân giường của Ngài và hàng ngàn vạn người đang hát vang dưới công trường thánh Phêro thì ngài nhắm mắt lìa đời lúc 9:37 chiều tối ngày 2 tháng 4 năm 2005. Qua cuộc khổ nạn công khai, nỗi đau khổ và sự chết của ngài, vị tư tế thánh thiêng này, người nối nghiệp các thánh tông đồ và là đầy tớ của Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy dung nhan Chúa Giêsu bằng một phương cách rất đặc biệt và sống động.
Đến đây, tất cả mọi hình ảnh, công đức, sự nghiệp của Ngài lại hiện ra trong tâm trí tôi. Những việc Ngài đã làm cho Giáo Hội, cho Ba Lan, cho con người, cho cả thế giới…dù không nói lên, nhưng vẫn còn âm vang đâu đó. Đặc biệt câu nói tuy bình thường nhưng bất hủ: Các Con Đừng Sợ…

 ĐÔI LỜI KẾT
Như chúng ta đã biết, khi đoàn người đi lên Jerusalem thờ phượng Chúa, có những người Hy Lạp, đến xin ông Philiphê cho gặp Chúa Giêsu thì Chúa Giêsu trả lời:”…Thật vậy, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh sôi nhiều hạt lúa khác. Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ được sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quí trọng người ấy….” (Ga 12: 20-26).

Chúa Giêsu là tư tế, là linh mục và là Thiên Chúa. Một hình ảnh đau khổ, hấp hối, chịu cực hình, chịu đóng đanh chết trên thập giá vì tội lỗi nhân loại. Các thánh tông đồ như Phêro, Phaolồ…đều chịu cực hình và chịu chết như Thầy mình là Đức Giêsu Kitô. Những gương sáng, hình ảnh, dung nhan diện mạo đầy lòng trắc ẩn, đồng cảm và kết hợp nhân loại của chúa Kitô, của các thánh tông đồ đã để lại cho tất cả chúng ta, cho những ai là môn đệ của Chúa. 

Fleming Island, Florida
March 19, 2015
NTC
Fxavvy@aol.com

- dongcong.net - March 27, 2015

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)