CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Is. 2, 1-5; 1Tm. 2,1-8; Mt. 28,16-20

TRUYỀN GIÁO : CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

 Chúa Giêsu không ở trần gian mãi, đến kỳ hạn, Chúa Giêsu lại trở về cùng Cha bởi lẽ Ngài xuất phát từ Cha. 

Trước khi chia tay với các môn đệ thân tín ở Galilê, ở cái ngọn núi mà các môn đệ được dặn trước và từ đó Ngài về Trời cùng Cha như đã loan báo. Ta bắt gặp lời trối trăng của Chúa Giêsu với các môn đệ rằng : "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." 

          Thi thoảng, ta lại bắt gặp lời trăn trối đó và lòng ta lại "được" chất vấn trước lời trăng trối của Chúa Giêsu. Để sống đúng nghĩa và đúng chất với lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải là chuyện dễ dàng. Đơn giản là ta nhìn vào con số tỷ lệ giữa người Công Giáo và không Công Giáo tại Việt Nam và nhìn vào con số theo đạo Công Giáo tại Việt Nam thì ta sẽ rõ. 

          Hẳn nhiên vẫn có con số gia tăng vởi trẻ con của những gia đình có đạo cũng cất tiếng khóc chào đời để rồi được rửa hội và ta có thể gọi là rửa tội tự nhiên. Còn một thể thức rửa tội xem ra tự nhiên mà cũng không tự nhiên tí nào đó là phương thức rửa tội của những người dự tòng để lập gia đình với người bạn đời của mình. Tính như thế, ta sẽ thấy được con số thực của việc truyền giáo trong Giáo Hội ngày hôm nay. 

          Tỷ lệ người tự nguyện rửa tội chứ không phải tự nhiên ta ngồi nhẩm được bao nhiêu ? Và từ đó, ta lại nhìn lại cung cách sống của ta nhất là với lời mời gọi của Chúa. 

          Phải nói rằng, điều đầu tiên và căn cốt nhất để người khác không theo đạo, không thiển cảm mấy về đạo Công Giáo đó chính là cung cách sống của người Kitô hữu. Đức cố giáo hoàng Ðức thánh Phaolô VI đã nói rất thấm thía trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng như sau: "Người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy.  Nếu họ có nghe các thầy dạy là bởi vì thầy dạy cũng chính là chứng nhân". 

          Và rồi, tư tưởng của Nathan Soderblum : " Thánh nhân là những người có thể làm cho người khác dễ tin vào Chúa hơn". 

          Thế đó, để người khác tin vào Chúa thì chỉ có duy nhất một con đường cho người Kitô hữu là phải sống, sống như thế nào để người khác tin rằng nơi mình có sự hiện diện của Chúa để rồi tự khắc người ta theo Chúa. 

          Nhìn vào thực tại truyền giáo tại Việt Nam chúng ta có điều gì đó lợn cợn. Lợn cợn bởi lẽ đã qua nhiều năm, nhiều cách thức, nhiều nẻo đường truyền giáo nhưng rồi ta lại thấy thu lượm kết quả không là bao và chính trong kết quả đó cũng không được có cái gì gọi là bảo đảm. 

          Thực tại ta thấy ngày hôm nay đó là cảm thức đức tin. Chính người Kitô hữu dù đã có Chúa Kitô, dù đã mang trong mình dấu ấn của Kitô rồi nhưng rồi lại không diễn tả một niềm tin Kitô ngay trong cuộc đời của mình. Và ta thấy vẫn còn cái gì đó, điều gì đó mang dáng dấp của cái nhãn, cái mác bên ngoài mà thôi. 

          Cái nhãn, cái mác đó dù đẹp, dù hay và thậm chí có dán tem như sản phẩm lan tràn ở thị trường ngày hôm nay làm cho ta nhiều suy nghĩ. 

            Thánh Giacôbê đã không ngần nại để nói thẳng rằng : "Ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Ðức tin có thể cứu người ấy đợc chăng? Giả như có một người anh em hay chị em không có áo che thân, và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?" ( Gc 2,14-15 ). Chính nhờ công việc, nhờ việc làm mà củng cố lời rao giảng. 

Lời rao giảng, giới thiệu của Gioan tẩy giả về Chúa Giêsu trở nên đáng tin đến độ có những môn đệ của ông đã xin làm môn đệ của Chúa Giêsu. Bởi vì ông đã sống hết mình với sứ điệp ông rao giảng. Ông mời gọi người ta ăn năn sám hối đón đợi Ðấng Cứu Thế thì chính ông đã là mẫu gương của người sám hối, chờ mong. Nhìn nhận Ðấng Cứu Thế, ông tự làm cho mình trở nên bé nhỏ, từ chối những vinh dự mà dân chúng thời đó muốn suy tôn ông, để giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, cho những môn đệ của mình. Ông đã để cho môn đệ của mình đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu, một người lúc đó còn vô danh chưa ai biết đến. 

Không phải tất cả chúng ta đều có điều kiện để giới thiệu, để rao giảng Chúa Giêsu cho người khác. Nhưng tất cả chúng ta đều có ơn gọi làm chứng cho ngài bằng đời sống của chúng ta, và bổn phận đó nằm trong tầm tay của chúng ta, từ em thiếu nhi cho đến cụ già. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận của mình với trách nhiệm làm người, làm con Thiên Chúa. Và khi chúng ta sống đúng đắn tư cách, bổn phận là người, là con Thiên Chúa, chúng ta đã trở nên chứng nhân cho Chúa , là ánh sáng cho thế gian. 

Ta cần và cần lắm khi truyền giáo ngay chính gia đình của ta và gần hơn nữa là truyền giáo cho chính bản thân chai lỳ của chúng ta. 

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta làm mới con người chúng ta từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử để rồi người khác nhìn vào chúng ta họ nhìn thấy một Thiên Chúa sống động đang ở trong chúng ta. Chính khi sống như thế, ta đã người truyền giáo rồi. Xin Chúa thêm ơn và chúc lành cho chúng ta..

Huệ Minh 2015  

 

Chúa Nhật Tuần XXIX TN-2018

Is 53, 10-11; Dt 4, 14-16; Mc 10, 35-45 (bài dài); Hoặc bài vắn này:

Mc 10, 42-45

ĐỂ PHỤC VỤ

Nhìn vào thực tế đời sống xã hội, người ta thường quan niệm việc làm lớn hay trở nên cao trọng luôn gắn liền với quyền bính, chức tước, danh vọng. Như vậy, làm lớn đồng nghĩa với việc được phục vụ, được ca tụng, được ngưỡng mộ. Biết bao người đã xử dụng mọi thời giờ, vận dụng mọi tài sức, chấp nhận mọi hy sinh và lắm khi không từ nan mọi thủ đoạn đê hèn để thực hiện ước muốn đạt được danh vọng, chức tước, quyền bính trong nhiều lãnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, văn nghệ, thể thao...và cả tôn giáo nữa!

Ta bắt gặp Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng làm giá chuộc con người. Ngài trở nên giống con người mọi đàng, Ngài chia sẻ những giới hạn của con người. Có thể nói: ai bị cám dỗ thử thách như thế nào thì Chúa Giêsu ít nhất cũng bị cám dỗ và thử thách như vậy.

Thật thế, quyền hành không quan trọng bằng phục vụ. Nếu chọn giữa chức quyền địa vị và việc phục vụ, thiết tưởng tôi sẽ chọn việc phục vụ, vì phục vụ làm mình lại gần con người, làm mình có "trọng lượng thật" hơn, làm mình có công phúc hơn, làm mình triển nở và hạnh phúc hơn. Quyền hành địa vị so với việc phục vụ, là như tiếng thanh la vang dội, như phù vân giả tạo, như hình bóng so với cái thực. "Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và làm giá cứu chuộc nhiều người".

Chúa Giêsu sẵn sàng cho hai môn đệ thân yêu được chia sẻ chén đắng và phép rửa của Ngài, nhưng còn việc ngồi bên tả bên hữu thì lại không thuộc quyền Ngài. Cái nhìn của Chúa Giêsu về quyền hành chức vị khác người đời quan niệm rất nhiều. Với người đời, những người có chức có quyền được người khác phục vụ; còn đối với Chúa Giêsu và cả những người theo Đức Giêsu, những người muốn làm lớn nhất giữa anh em mình, thì phải làm người phục vụ anh em, phải là tôi tớ anh em, phải là người "tùy thuộc" anh em để mưu lợi ích cho anh em mình.

Chúa Giêsu trở thành tôi tớ phục vụ con người! Tại sao Ngài phải sinh trong chuồng chiên cừu nghèo hèn như vậy? Tại sao Ngài phải lang thang rong ruổi hết nơi này nơi kia để rao giảng Tin Mừng? Tại sao Ngài phải bữa đói bữa no? Tại sao Ngài phải ngủ bờ ngủ bụi "chồn cáo có hang chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu"? Tại sao Ngài phải nói sự thật để phải chết? Tại sao bây giờ Ngài vẫn tự hủy nơi bí tích Thánh Thể? Tất cả là để phục vụ con người, để con người biết sự thật về Thiên Chúa, về tình yêu Thiên Chúa đối với con người đến độ nào. Và Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là con người nhận ra sự thật, được giải phóng và hạnh phúc.

Lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan đã làm các tông đồ khác khó chịu, vì tất cả các ông đều cùng tâm trạng như nhau, dù chưa dám xin Chúa. Cho tới lúc đó chưa ai hiểu được tư tưởng của Chúa. Chúa đã nói về cuộc khổ nạn của Người tới ba lần (Mc 10, 32-34) với những lời lẽ rõ rệt: Con Người sẽ bị bắt nộp, sẽ bị xử tử, bị chế giễu, ngừơi ta khạc nhổ vào mặt, đánh đòn và giết chết...

Trong lúc Chúa Giêsu tự chọn chỗ rốt hết, thì các môn đệ lại mơ màng danh vọng, lại nghĩ tới địa vị cao sang. Một lần nữa Chúa nói lại chủ trương của Chúa trong tổ chức Người. Khác hẳn mọi tổ chức trần gian, ở đây người nào muốn lãnh đạo phải là tôi tớ, ai muốn đứng đầu phải trở thành nô lệ cho mọi người. "Vì Con Người không đến để cho người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn dân". Đó là căn bản Hiến pháp của Giáo hội Chúa.

Chúa Giêsu đưa ra hai mẫu người làm lớn, người cầm đầu thiên hạ, người thủ lãnh: mẫu người thứ nhất dùng uy quyền để thống trị và cai quản dân, mẫu người thứ hai đối nghịch với mẫu người thứ nhất là phục vụ và là đầy tớ của mọi người:"Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".

Nhìn lại ngôn sứ Isaia, ta thấy ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Đấng sẽ đến, người tôi tớ trung tín và công chính sẽ chịu khổ hình để gánh tội: "Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ" (Is 53, 11).

Làm người ai cũng muốn sống an vui và hạnh phúc, chẳng mấy ai muốn đời mình bị đau khổ. Thực ra, chỉ có đau khổ mới hoá giải được khổ đau. Nếu chúng ta không gặp đau khổ, chúng ta không biết thế nào là vui sướng hạnh phúc. Nếu chúng ta không có đau đớn bệnh hoạn, chúng ta không biết mình đang an khang khoẻ mạnh. Người tôi tớ công chính đã lãnh chịu mọi thống khổ ở đời để biến đổi nó thành hoa trái tốt lành của ơn cứu độ.

Người Tôi Trung của ngôn sứ Isaia là hình ảnh của Đấng Được Xức Dầu, Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã chấp nhận thân phận con người yếu đuối, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã chọn con đường thánh giá để giao hoà. Thư gửi tín hữu Dothái đã viết: "Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội" (Dt 14,15). Con đường Chúa đi là con đường ngược chiều, có nhiều đau thương và chông gai. Thư Do Thái gọi Ngài là Thượng Tế để gắn kết với hy tế mà chính Ngài đã hiến dâng. Hy lễ đền tội cho nhân loại hiến dâng lên Thiên Chúa Cha một lần là đủ.

Các môn đệ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu vì vốn nghĩ Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai và Đấng Thiên Sai đầy quyền bính trong lời nói và hành động. Như thế, chắc hẳn sẽ có ngày Người đạt tới một thứ vinh quang cao trọng nào đó, như Thánh Vương Đavít năm xưa chẳng hạn. Và chắc chắn họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Người. Như để nắm chắc được phần thưởng tương lai, hai anh em con Ông Giêbêđê trong Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn đến bày tỏ với Chúa Giêsu ước muốn thầm kín xưa nay của họ: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy" (Mc 10, 37).

Chúa Giêsu không trách mắng các ông vì sự mê muội của các ông, nhưng Người nhẹ nhàng hướng các ông về mầu nhiệm Thập Giá khi nói các ông: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng phép rửa Thầy sắp chịu không?" (Mc 10,  38).

Các tông đồ khi theo Chúa Giêsu cũng còn có tham vọng tương tự. Họ có ao ước lớn muốn giải phóng Israel khỏi ách thống trị của người Roma, nhưng cũng ao ước có chức có quyền. Điều này được thấy khi hai anh em Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi bên tả bên hữu thầy khi thầy được vinh quang. Các tông đồ khác tức giận khi biết hai ông xin điều đó; sở dĩ vậy vì các ông cũng ao ước cùng một điều. Gioan và Giacôbê quá khôn nên muốn "qua mặt" các ông.

Ta lại thấy Chúa Giêsu mở con đường phục vụ trong khiêm hạ: "Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45). Một lời mời gọi phục vụ chân tình đối với tất cả các phẩm trật trong Giáo Hội. Đặc biệt trong các giờ phụng vụ thánh lễ và các nghi lễ, linh mục và các thừa tác viên có những trách nhiệm và bổn phận riêng phải chu toàn. Chúng ta hãy ý thức tôn trọng lẫn nhau, đừng dẫm chân lên nhau, đừng lớn tiếng phàn nàn, đừng tỏ thái độ cau có và xúc phạm danh dự của nhau. Chúng ta cùng đến để phục vụ cộng đoàn, chứ không phải được phục vụ.

 

 

Thứ Hai Tuần XXIX Mùa TN

 Ep 2, 1-10; Lc 12, 13-21

ĐỪNG CẬY VẬT CHẤT

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?

Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương đất ấy ra nghênh đón và chúc vua rằng: “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói: “Đừng chúc thế!” Viên quan lại chúc: “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa: “Xin chúc nhà vua đông con trai”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua: “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?”

Vua Nghiêu đáp: “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối.
Viên quan tâu: “Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc. Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ? Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì còn công việc gì mà lo? Ăn uống có chừng mực, thức ngủ có điều độ, trong lòng thanh thỏa, thiên hạ tài giỏi thì vui cái vui của họ, trăm tuổi nhắm mắt về cõi trời. Một đời chẳng gây tai họa gì, hỏi có gì là nhục?”

Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau: Vua Nghiêu vì quá thận trọng chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay lại quá cậy dựa vào tiền của, nên khi thần chết bất ngờ đến thì tiền muôn bạc nén cũng không cứu được linh hồn ông. Duy chỉ có viên quan địa phương là có thái độ đúng mực về tiền bạc: Nếu giàu có thì đem chia sẻ cho người thiếu thốn. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: Hãy dùng của cải đời này mà “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21). Đó chính là nghệ thuật làm giàu đích thực.

Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến hạnh phúc mai hậu của sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai… tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.

Những của cải trần gian có thể chiếm trọn trái tim, chi phối hành động và biến thành một thứ thước đo giá trị của con người. Con người bị các thực tại phàm trần tác động và điều kiện hoá, vì ai cũng phải đối diện với những nhu cầu rất căn bản của cuộc sống như cái ăn, cái mặc… Các thực tại vật chất là rất cần thiết để con người có thể sống được: chúng ta không thể chỉ sống bằng suy tưởng hay bằng ý chí và không cần bất cứ thứ gì khác. Để sống, người ta buộc phải ăn, phải uống, phải mặc; và chính trong sự tuỳ thuộc vào các thực tại vật chất như thế mà mối tương quan của người ta với của cải trần gian được thực hiện. Không ai có thể tránh né được mối tương quan này.

Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.

Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.

Của cải vật chất, lúa gạo, quần áo, nhà lầu, xe hơi, vàng bạc là phương tiện cần thiết để sống, nhưng không bao giờ là tất cả. Không thể vì chúng mà người ta tự cho phép mình làm tất cả mọi cách, kể cả làm gian bán lận, xâm phạm mạng sống cũng như tiết hạnh của kẻ khác, tham ô, tham nhũng hoặc khai thác “con người” và “thiên nhiên” cách bất chính.

Tiền bạc, của cải tự nó không phải là xấu. Ai cũng cần có tiền bạc, của cải để sống xứng đáng với nhân phẩm. Tuy nhiên, tiền bạc, của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền bạc sẽ giúp cho con người sống tốt đẹp, hạnh phúc. Trái lại, nếu chạy theo tiền bạc mà quên mất những giá trị khác trong cuộc sống, thì thật là nguy hiểm và tai hại. Nó có thể đem lại ấm no hạnh phúc đời này, nhưng thiệt mất linh hồn thì ích gì? Bởi vì cái chết sẽ đóng dấu chấm hết cho mọi cuộc sống giàu nghèo, sang hèn. Quan trọng là khi nhắm mắt, số phận đời đời của chúng ta sẽ ra sao? Của cải trần gian có giúp chúng ta tìm được hạnh phúc bất diệt hay lôi kéo chúng ta vào chỗ trầm luân?

          Trang Tin mừng ngày hôm nay Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết cách chuẩn bị như thế nào! Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì người sắm đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó" (Lc 12, 20-21).

Khi tin vào Thiên Chúa con người cũng còn phải biết phó thác tất cả cho Người. Phải tin vào giá trị của mình cũng như phải tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chim chóc hoa cỏ mà còn được Chúa để ý chăm nom thì huống chi là con người. Bởi thế nói theo kiểu của Thánh Phaolô thì “ngay cả khi ta phục vụ Thiên Chúa mà ta vẫn bị đói rách hay bị chết chóc thì ta vẫn không phải là kẻ bị quyền năng Thiên Chúa tử bỏ (Rm 8,28; Mt 10, 28-31) mà đó còn là một cái phúc.(Mt 5, 3-12) Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu hết được những sự tốt lành mà Ngài làm cho các con cái của Người.

Thật vậy, Đức Kitô nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng đời sống chứng tá của mình trong trần gian này là sự yêu thương đồng loại, sống bác ái, chân thật và hết lòng tôn thờ Thiên Chúa. Đây là một sự chuẩn bị tốt nhất cho mỗi người chúng ta là những Kitô hữu của Chúa, những người con của Chúa.

       Để làm được điều này, mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi hãy năng đến với Thánh lễ để lãnh nhận Lời Chúa và chính Mình Đức Kitô là nguồn sức mạnh nâng đỡ ta trong cuộc sống. Hãy lo tích góp của cải trần gian để mua lấy Nước Trời chứ đừng mua lấy sự đau khổ của kiếp người mà đi phần thưởng mai sau của Chúa. Thánh Matthêu đã nói, lợi lãi cả thế gian mất linh hồn nào ích gì!!!

 

Thứ Ba Tuần XXIX TN

 BÀI ĐỌC I: Ep 2, 12-22; Lc 12, 35-38

Tỉnh thức và cảnh giác

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì không biết giờ nào Thiên Chúa sẽ đến. Người đưa ra mẫu gương về người đầy tớ chờ đợi chủ. Người đầy tớ này luôn trong tư thế tỉnh thức: “thắt lưng và thắp đèn”, suốt đêm không hề chợp mắt để chờ đợi ông chủ trở về… Dường như anh luôn sống trong mối dây hiệp thông mật thiết với ông chủ của mình. Anh luôn nghĩ rằng ông chủ đang ở ngoài cửa, đang chờ đợi anh chạy đến chào đón ông. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta chờ đợi Người trong tâm thức đó.

Thiên Chúa rất yêu thương con người và luôn muốn con người sống trong tình hiệp thông với Ngài. Vào buổi đầu tạo dựng, con người được sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa: “Ngày ngày, Thiên Chúa xuống viếng thăm và trò chuyện với con người”. Đến khi con người phạm tội, Thiên Chúa không cắt đứt mối dây hiệp thông với con người nhưng lại làm cho sợi dây đó thêm gần gũi và bền chặt hơn. Ngài đã cho Con Một của Ngài xuống thế, sống kiếp phàm nhân, để đồng phận và đồng cảm với con người. Với cái chết đầy tủi nhục trên thập giá, Người Con đã mang con người trở về với Thiên Chúa. Không chỉ có thế, Ngôi Hai Thiên Chúa còn luôn hiện diện giữa nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài ở đó và chờ đợi con người đến với Ngài.

Thiên Chúa còn muốn ta hiệp thông với Ngài qua tha nhân và qua vũ trụ này. Ngài ban cho chúng ta ngũ quan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới, để liên đới và yêu thương nhau.

Quả thật, khi ta mở ra với thế giới, chúng ta sẽ cảm nhận được thiên nhiên như một người bạn rất gần gũi và thân thiết, đồng thời cũng nhận ra được sự hiện diện của Chúa ẩn tàng trong những quy luật và những kỳ quan của vũ trụ. Khi ta tiếp xúc, giúp đỡ hay làm một việc gì đó cho tha nhân, ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi “sống với và sống cho”, đồng thời nhận ra được một điều: tha nhân không chỉ là hình ảnh của Chúa mà còn là chính Chúa (Mt 25, 35-45).

Người tôi tớ khôn ngoan là người biết ý chủ mình. Người tôi tớ tài giỏi là người đã biết suy đoán ý chủ lại còn luôn tỉnh thức sẵn sàng chu toàn việc bổn phận của mình (Lc 17, 10), và trung thành sinh lợi cho chủ từ những việc rất nhỏ (Lc 19, 17). Trái lại, hình ảnh phản diện là tên đầy tớ lười biếng bất trung, lại còn lu loa đổ thừa tại ông chủ khắc nghiệt (Lc 19,21), tên đầy tớ này chỉ làm cho ông thêm tức giận và, phần mình, hứng chịu hậu quả cơn thịnh nộ của ông mà thôi.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu chúng ta duy trì sự hiệp thông với ba mối tương quan đó là chúng ta đang sống tỉnh thức. Nhưng với thân phận bất toàn và đầy yếu đuối, điều đó thật khó thực hiện. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy Thiên Chúa dường như vắng bóng, Ngài đã bỏ rơi chúng ta. Đối mặt với thiên tai, đau khổ và bất công, chúng ta không cảm thấy thiên nhiên và tha nhân gần gũi với chúng ta nữa, mà xem tất cả là kẻ thù, là hỏa ngục.

Đôi khi, vì ích kỷ và kiêu ngạo, chúng ta rơi vào tình trạng“tỉnh mà không thức”, các giác quan có mà cũng như không. Chúng ta thờ ơ trước vẻ đẹp của cuộc sống, tàn phá thiên nhiên không thương tiếc, lãnh đạm trước những đau khổ và nhu cầu của anh em. Chúng ta bưng tai, bịt mắt trước sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời này. Nếu Chúa đến với chúng ta trong những lúc đó, chúng ta sẽ ra sao?

Mang tâm tình Tỉnh thức, ta nhớ lại và hãy luôn có thái độ sẵn sàng như Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nhưng thái độ chủ động trong thức tỉnh chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn dẫn đến cầu nguyện. Thật thế, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ”(Mc 14, 38). Cuộc sống thường ngày chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong những tiện nghi dễ dãi làm ta say mê những thực tại trần thế mà quên đi ngày Chúa đến.

Thái độ chờ đợi của người Kitô không phải là một thái độ chạy trốn, tránh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng ngược lại vì sự chờ đợi tương lai và sẽ biết tương lai đó như thế nào, nên người Kitô hiểu rõ ý nghĩa hiện tại và sống hiện tại để đạt đến tương lai.

Được mời gọi luôn tỉnh thức chờ Chúa đến, chúng ta đáp lại bằng thái độ sống đạo sốt sắng. Cung cách sống đạo ấy được diễn tả qua một hình ảnh cụ thể “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.” Với bao lo toan của cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ bị cuốn hút theo nhịp sống đời thường, dễ phân vân trước chọn lựa theo con người tự nhiên hay tinh thần siêu nhiên, hơn – thiệt, được – mất khi theo Chúa.  Bề ngoài có thể ta vẫn sống đạo tốt đấy, nhưng kỳ thực chưa chắc tận đáy lòng “mến Chúa trên hết mọi sự.” Vì thế, “thức tỉnh” là thái độ cần thiết để hình thành thói quen ưu tiên cho Thiên Chúa trong các chọn lựa, ngõ hầu giữa trăm mối bận tâm của cuộc sống, chúng ta vẫn luôn thuộc về Chúa, chung hưởng niềm vui với Ngài.

Hiện trạng đời sống đạo của một số Kitô hữu ngày nay đã bị phai nhạt dần. Họ có thể sống và làm gương cho những người vô thần, thế mà họ lại sống như những người vô thần. Đáng lẽ ra Thiên Chúa phải ra tay hay đe dọa những người lợi dụng danh vọng, quyền bính để chà đạp người khác, vì tiền bạc mà làm mọi tội ác ngay cả giết người, vậy mà Thiên Chúa vẫn im lặng trước những sự dữ như thế. Chính vì điều này làm cho họ phải nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

          Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.

Trang Tin Mừng hôm nay đã nói, ông chủ sẽ quay về bất ngờ và phúc cho những đầy tớ nào còn tỉnh thức đợi chờ. Thiên Chúa sẽ đến bất ngờ, chúng ta sẽ không kịp sửa soạn nếu đang lúc chúng ta còn chìm đắm trong tội lỗi. Có một lần Don Bosco hỏi Đa Minh Saviô: "nếu con biết là một lát nữa đây con sẽ chết, vậy bây giờ con sẽ làm gì?" Saviô trả lời:"con vẫn tiếp tục chơi". Chúng ta cũng hãy như vị thánh nhỏ Đaminh Saviô, để cho mình luôn có một tâm hồn tinh tuyền đơn sơ, tránh bao có thể những dịp tội làm mất lòng Chúa. Điều đó chúng ta sẽ trở nên những người "đầy tớ" trung thành và tốt lành, thắp đèn sẵn sàng chờ đón "ông chủ" trở về.

Hãy tỉnh thức nghĩa là hãy luôn luôn hướng về Chúa, chờ đợi Chúa dù khuya dù mệt mỏi dù lâu ngày. Nhưng hãy tin rằng thế nào Chúa cũng đến như ông chủ thế nào cũng phải về nhà, mà khi ông về dù rất khuya mà thấy gia nhân vẫn sẵn sàng chờ ông. Ông chủ nhân hậu chính là Chúa Giêsu sẽ yêu thương săn sóc cho ta.

Thứ Tư Tuần XXIX TN

Ep 3, 2-12; Lc 12, 39-48

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Sự sống ở đời này là một cuộc hành hương, trần gian này là nơi tạm trú, chúng ta rời khỏi đó khi chúng ta chết, việc chấm dứt cuộc hành hương, hay rời khỏi thế gian bằng cái chết vào lúc nào, ở đâu, bằng cách gì,chúng ta thường không biết, giờ phút ấy rất bất ngờ, giờ đó chúng ta gọi là giờ Chúa đến.

Sự chết là điểm đến chung cuộc của phận người (Gv 6, 6). Thế nhưng, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, bởi đó là giờ phút ta không ngờ (Lc 12, 40). Tuy vậy, cái chết không phải là dấu chấm hết của một kiếp người (Mt 25, 31-46), bởi lẽ, con người là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (St 1, 26) và được mời gọi thông phần vào sự sống thần linh của Ngài (Ep 1,3-7).

Để chuẩn bị cho điểm đến này, thì tinh thần “tỉnh thức – sẵn sàng” là điều tối cần đối với những ai muốn cùng với Chúa đi trọn cuộc hành trình dương thế để tiến về quê trời. Hình ảnh người quản gia trung tín và khôn ngoan (Lc 12, 42-44) mà Chúa Giêsu trưng dẫn, được coi như khuôn mẫu cho những ai muốn thuộc trọn về Ngài.

Chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được ân sủng của Chúa nữa.

Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận".

Nhưng trên tất cả, Chúa Giêsu luôn là khuôn mẫu tuyệt hảo (Ep 1, 14). Tinh thần tỉnh thức luôn thấm đượm trong nếp sống của Ngài. Thái độ tỉnh thức đã giúp Chúa Giêsu có thể lắng nghe và sẵn sàng thực thi Thánh ý của Thiên Chúa Cha trong mọi lúc. Nhờ thế, cái chết mà Ngài đã trải qua, đã trở thành giờ vinh thắng khải hoàn tiêu diệt sự chết, và là niềm hy vọng phục sinh cho những ai tín thác vận mệnh của mình trong tay Ngài (Cl 1, 18-20; Pl 2, 8-9; Ep 1, 7).

Chúa Giêsu dạy chúng ta “Anh em hãy biết điều này”, đó là biết sự bất ngờ của giờ Chúa đến. “Vì chính giờ phút chúng ta không ngờ thì con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để dạy chúng ta hiểu về sự bất ngờ ấy: dụ ngôn về kẻ trộm “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông sẽ không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Dụ ngôn thứ hai về người quản gia chân chính khôn ngoan, luôn làm tròn trách nhiệm của mình với những người tôi tớ của chủ. “Nhưng nếu anh ta nghĩ chủ còn lâu mới về mà chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái, chủ sẽ loại anh ta như những người thất tín”.

Chúa Giêsu còn dạy chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng hình ảnh thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay, Chúa muốn dạy chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và sẳn sàng đón tiếp Ngài, đó là những đam mê xác thịt và những sự thế gian, cầm đền cháy sáng trong tay là chúng ta phải luôn sống theo đức tin, đức tin của chúng ta luôn phải sáng, luôn tỏa sáng ra chung quanh, chiếu sáng cho mọi người, chúng ta luôn biểu lộ đức tin của chúng ta bằng hành động để, chứng tỏ những điều chứng ta thâm tín, tin tưởng trong lòng, cầm đèn sáng ở tay biểu lộ chúng ta luôn sẳn sàng chờ đón Chúa, như “những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đón chàng rể”, đời sống chúng ta phải luôn tốt đẹp.

Tỉnh thức trông chờ Chúa với tư thế đó, thì Chúa đến bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa cũng hài lòng mời chúng ta vào bàn tiệc, mà chính Chúa sẽ phục vụ chúng ta, đó là phần thưởng Nước Trời Chúa sẽ ban cho chúng ta trong kiếp sống vĩnh cửu.

Việc tỉnh thức sẵn sàng cần thiết cho mọi người, nhưng với những người có trách nhiệm phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người khác, thì tư cách sẳn sàng và tỉnh thức là biết chu đáo bổn phận được trao phó cách trung thành và khôn ngoan nữa. Nguyên nhân chúng ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị.

          Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta qua dụ ngôn người quản lý trung tín. Phải luôn chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người Chúa ban cho một khả năng, đó là những nén bạc Chúa trao để chúng ta quản lý và sinh lợi cho Chúa và cho tha nhân. Khi chúng ta biết sử dụng những khả năng đó cách thích hợp và tích cực thì đó là lúc chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa đến.

Đời sống chúng ta, những Kitô hữu, là một cuộc hành trình đức tin, chúng ta luôn bảo vệ ơn nghĩa cùng Chúa, biết dùng ơn Chúa mà sống tốt lành như người quản gia trung tín và khôn ngoan, luôn khao khát và chăm chú vào việc đón tiếp Chúa sắp đến cách trung thành kiên nhẫn, chờ đợi trong tư thế tỉnh thức không thiếp ngủ trong đam mê xác thịt, luôn bảo vệ phần rỗi linh hồn mình cho tới khi Chúa đến.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm. Với một tinh thần phục vụ quên mình. Người ky-tô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời. Người ky-tô hữu luôn phải làm chứng cho Tin mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, chúng ta mới đáng được chủ thưởng công ở đời này và cả đời sau.

 

Thứ Sáu Tuần XXIX TN

Ep 4, 1-6; Lc 12, 54-59

TRẢ LẼ VỀ THÁI ĐỘ SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH

Khi tiên báo về ngày giờ của Chúa sẽ đến, một người trong đám đông dân chúng tiến lại đặt câu hỏi với Chúa Giêsu để biết khi nào thì các sự ấy xảy ra. Chúa Giêsu liền nhắc họ cách đoán biết thời tiết để nhận ra những dấu chỉ. “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”. Và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”

Trang Tin Mừng hôm nay đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta về thái độ sống thế nào để khi thời giờ của Chúa đến chúng ta không phải nuối tiếc. Đôi lúc chúng ta giả vờ hay cố tình lãng quên lời dạy của Chúa. Chúng ta mải mê điên cuồng đuổi theo những gì là phù hoa hư ảo, chạy theo cơn cám dỗ của tiền bạc vật chất, đam mê xác thịt mà không sống và tìm kiếm những giá trị Tin Mừng.

Nhìn lại cuộc đời, có khi ta say sưa ngủ yên trên những vinh quang đạt được mà quên rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ, trời đất này sẽ qua đi vì bản chất của nó chỉ là vật chất không thể tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta quen sống trong sự giả dối ngu muội, ù lì chìm trong các thói hư tật xấu. Một lần nữa Chúa nhắc nhở chúng ta quan sát những điềm thiêng dấu lạ để nhận biết ngày giờ của Chúa.

Chúa Giêsu lên tiếng khen người Do Thái, họ rất giỏi về thiên văn, đoán biết được các hiện tượng tự nhiên, các điềm lạ dựa vào sự xuất hiện của tinh tú, sự thay đổi của thời tiết, mưa nắng...Thế nhưng họ lại là những kẻ giả hình vì không nhận ra ngày giờ của Chúa. Họ suy nghĩ có lý luận chặt chẽ và thường kiểm chứng bằng khoa học nhưng tiếc thay họ lại thiếu niềm tin.

Chúa Giêsu cũng đã khen ngợi họ về sự lanh lợi, sự hiểu biết và mau lẹ ứng dụng kinh nghiệm sống của mình trong đời sống hàng ngày. Và Chúa Giêsu cũng mong muốn họ áp dụng, thích ứng những kinh nghiệm dân gian đó vào đời sống đức tin, đọc ra được những dấu chỉ của thời cuộc.

Tuy nhiên, kinh nghiệm sống, giỏi thiên văn của người Do thái dường như đã và đang chôn vùi họ trong sự tự tôn, trong sự ích kỷ, trong sự thiển cận của mình. Chúa Giêsu đã mời gọi họ đi xa hơn những kinh nghiệm thường ngày mà họ đang cảm nhận. Ngài gọi mời họ khám phá, đi ra khỏi sự hạn hẹp và dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng, mặc cho sự gọi mời, mặc cho chân lý vẫy gọi, người Do thái, những kinh sư, những luật sĩ, họ vẫn cứng lòng, chai dạ trước sự thật, trước đức tin.

Thật thế, để đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Nhưng người khôn ngoan phải biết nhìn xa trông rộng, nghĩa là không chỉ sắp xếp công làm đồng áng mà còn phải thu xếp được hiện tại và hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. Trong cuộc sống có nhiều người được xem là trí thức học cao hiểu rộng hơn người, họ biết lợi dụng thời thế xã hội mà tiến thân, làm giàu một cách nhanh chóng. Nhưng thực chất đó chỉ là những kẻ khôn ranh, khôn ma, khôn lỏi.... Trái lại có người lại bị liệt vào loại khờ khạo, không biết làm ăn tính toán nên buôn bán thua lỗ, học hành thất bại...Cả hai loại người này đều không có gì đáng bắt chước.

Dấu chỉ thời đại không chỉ là sự thay đổi của thời tiết, các vì tinh tú trăng sao nhưng còn là những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống xã hội hàng ngày. Nạn tham nhũng, bất công, nạn bài thiêng tục hóa, nạn phá thai cùng lối sống hưởng thụ thác loạn của giới trẻ...đang là tiếng chuông cảnh báo về ngày tận cùng của thế giới. Đứng trước những vấn đề nhức nhối ấy, niềm tin như bị tê liệt, chúng ta dường như phải “bó tay”. Hãy để cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và lương tâm con người.

Và rồi ta là những người Kitô hữu chính danh. Chúng tin vào Chúa, chúng ta có Chúa ở trong mình. Thế nhưng chính đời sống của chúng ta lại không phản ánh, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho anh chị em mình. Là người tin có Chúa, thế nhưng khi gặp những nghịch cảnh trong đời sống như ốm đau, thất bại... chúng ta dễ dàng tìm đến thầy bói toán. Là người mang trong mình dòng máu Kitô hữu, thế nhưng khi phải đối diện với thử thách, với chủ nghĩa trần tục, chúng ta dễ dàng chao đảo và buông xuôi...

Quả thế, chính Chúa Giêsu là thực tại Nước Trời, thiết nghĩ mỗi người phải mang tâm tình của người thương gia đi tìm ngọc qúy. Ông đi tìm, rồi khi tìm thấy và nhìn ra giá trị của viên ngọc, ông sẵn sàng bán hết tất cả tài sản để mua cho được viên ngọc ấy. Hướng về thực tại Nước Trời trong chính Chúa Giêsu, đòi hỏi chúng ta cũng phải biết nhận ra vẻ đẹp, sự giàu sang và những giá trị vĩnh cửu mà Người mang đến. Điều đó chỉ có thể đến từ cái nhìn của con tim qua lời của Người. Thật vậy, những điều cốt yếu thì vô hình với đôi mắt nhưng tỏ rạng với trái tim. Cùng với đó, biết loại bỏ những giá trị trần thế đang ngăn cản ta trong hành trình tìm về bên Chúa là điều cần thiết.

Qua đó để thấy, khi đặt công trình cứu độ của Thiên Chúa bên cạnh cuộc đời, trong chính sự hiện diện của Chúa Giêsu với con người, thì chúng ta thấy tình yêu là biểu hiện cao cả nhất của thực tại Nước Trời giữa lòng đời. Nên, hướng về Nước Trời, con người phải sống tốt với thực tại của mình, mà trong đó, tình yêu phải là cốt lõi. Quả vậy, tình yêu là thực tại của Thiên Chúa, đồng thời cũng là thực tại gắn với con người. Chính trong sự yêu thương, mỗi người chúng ta đang chỉ cho thế gian biết Nước Trời đang hiện diện ở giữa họ.

Đứng trước trào lưu trần tục hóa, người Kitô hữu cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu của Chúa dành cho trần gian. Đối diện với sự tha hóa về đạo đức, người Kitô xác tín rằng chỉ nơi Chúa sự thật, công lý mới trường tồn, hằng bất biến. Cuối cùng, người Kitô hữu luôn được gọi mời sống tâm tình tạ ơn, xác tín vào lòng Chúa xót thương. Dám tin và đọc ra những dấu chỉ, sự gọi mời mà Chúa đã và đang gửi đến cho nhân loại chúng ta. Có như thế, cuộc đời người Kitô hữu luôn là một bản trường ca vang xa, tán tụng hồng ân Chúa như lời thánh vịnh đã nói lên rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126).

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hướng giải quyết đó là phải có thái độ sống công bằng, yêu thương bác ái với mọi người và phải sám hối mỗi ngày. Vì “khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết, anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”. Mỗi người chúng ta luôn phải trả lẽ trước mặt Chúa về thái độ sống của chính mình.

 

Thứ Bảy Tuần XXIX TN

Ep 4, 7-16; Lc 13, 1-9

LÒNG NHẪN NẠI CỦA THIÊN CHÚA

Dụ ngôn cây vả càng làm tăng thêm lời cảnh báo về sự khẩn trương phải sám hối; và khẳng định một cách chắc chắn rằng, một cơ may mới luôn luôn được trao ban cho người có tội để mỗi người đón nhận sự sống mới nơi chính mình. Người thợ làm vườn nho trong dụ ngôn hy vọng về tất cả và chống lại tất cả, thậm chí chống lại người chủ đang có khuynh hướng áp dụng một biện pháp nghiêm khắc đối với cây vả cho đến bấy giờ vẫn không sinh hoa trái.

Để cứu chúng ta khỏi bị loại khỏi sự sống vinh quang đời đời mà Chúa Giêsu lấy cây vả không trái làm ví dụ để dạy ta đã là cây ăn trái thì phải có trái, nếu không sẽ bị hạ xuống.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người hãy tự nhìn lại mình và hoán cải thay vì bình luận tai ương rủi ro xảy đến cho người khác. Sự kiện những người Galilê bị Philatô giết đang khi dâng lễ vật không thể không làm cho Chúa Giêsu suy nghĩ. Nhưng khác với cách phê phán của người đương thời, Ngài không xét đoán nạn nhân xem có phải họ đang lãnh lấy hậu quả tội lỗi của họ hay không. Ngài cũng không coi mọi sự dữ là do Thiên Chúa trừng phạt dù rằng Thiên Chúa có quyền làm như vậy. Chúa Giêsu nhắc lại một sự kiện khác: chuyện mười tám người bị tháp Silôa đổ xuống đè chết. Cách chết của những người này cũng thê thảm không kém những người bị Philatô giết. Tuy nhiên, trường hợp của họ có thể coi như một sự rủi ro.

Chúa Giêsu đã đến rao giảng, kêu gọi sám hối. Ngài đã sẵn sàng chết để minh chứng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã để lại cho Giáo hội các bí tích để nuôi dưỡng đời sống kitô hữu, nâng đỡ khi yếu đuối, chữa lành khi vấp ngã, bị thương tích. Vậy mà có biết bao lần ta dửng dưng không quan tâm lãnh nhận các ân phúc ấy, hoặc lãnh nhận theo thói quen không với lòng ao ước xứng đáng.

Vì thế cuộc đời ta không biến đổi, không tỏa sáng nét đẹp Tin Mừng, không làm cho người xung quanh nhận biết có Chúa trong đời ta. Chúa Giêsu là người làm vườn độ lượng, tận tụy, kiên trì. Nếu không như vậy thì ta đâu có gặp lại những cơ hội đã bỏ qua: ngày hôm nay ta vẫn còn được nghe Lời Chúa, được mời gọi lãnh nhận các bí tích, được khuyến khích sống lương thiện, bác ái. Sẽ đến lúc ta không còn được hưởng sự may mắn ấy nữa. Không ai trong chúng ta biết mình sẽ kết thúc cuộc sống cách nào, lúc nào. Đừng nghĩ là còn thời gian. Thời gian được ban cho ta nhưng ta không có quyền làm chủ.

Qua các biến cố trong cuộc đời, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi con người hoán cải và trở về với Người. Thế nhưng, con người thường phớt lờ sứ điệp yêu thương ấy. Dẫu thế, giữa cuộc đời nổi trôi của ta, tiếng Chúa vẫn khẽ vang vọng, mời gọi và thôi thúc tự trong lòng ta. Tiếng gọi ấy nói lên lòng thương xót và nhẫn nại bao la của Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng không ngừng chuyển cầu cho ta trước nhan Thiên Chúa và quan phòng dẫn dắt ta như hình ảnh người làm vườn kiên nhẫn chăm bón cho cây vả không sinh trái. Ước mong trái tim chúng ta biết thổn thức để mau chóng nhìn lại bản thân, chân nhận những khuyết điểm và quyết tâm sửa đổi để được “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15, 9) – Đấng giàu lòng xót thương.

Thật vậy, trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi và hay gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để thức tỉnh lương tâm của họ, nhưng hoàn toàn khởi đi từ lòng nhân từ muốn cho họ được sống. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa, mà ngược lại, chúng ta nên nhận ra tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta thì tốt hơn.

Qua khuôn mặt người làm vườn này tỏ cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa hằng sống, đối với ngài “ sự kiên nhẫn là tên gọi khác của tình yêu”. Cần phải ghi nhớ là, sự kiên nhẫn không có nghĩa là ngài không vội vã, gấp rút. Tuy nhiên, ngài không ngừng giơ bàn tay ra cho chúng ta, bởi vì ngài không bao giờ mất can đảm về những lầm lạc liên tục của chúng ta, về những sự cằn cỗi và những quá khứ không sinh hoa trái của chúng ta.

Chính Chúa Giêsu lưu ý những người đang đối thoại với Ngài rằng hai thảm kịch đã xảy là lời cảnh báo cho chính họ: cần phải sám hối khi thời gian còn cho phép. Dụ ngôn cây vả không bạo tàn như các sự kiện vừa nêu, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể trì hoãn, không chịu hoán cải. Người ta thường mau mắn tỉnh ngộ trước những biến cố gây kinh hoàng nhưng hay trì hoãn khi cuộc sống cứ trôi đi êm ả bình an dẫu biết rằng thời gian đi không trở lại; cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào.  

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa như thế còn là một sự tin cậy không mệt mỏi. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không phải là dửng dưng. Ngài không chán chường về những hoa trái không chắc chắn mà chúng ta sẽ có thể mang lại; làm như điều đó rất ít quan trọng, đối với ngài. Thiên Chúa không nhìn chúng ta như là chúng ta hiện tại, nhưng như chúng ta phải là, hoặc có thể sẽ là. Ngài không bỏ rơi chúng ta cho sự tầm thường và sự nặng nề của chúng ta. Ngài không ngừng mong muốn chúng ta trổ sinh hoa trái cho Nước Trời. Sự tha thứ của Thiên Chúa làm sống lại trong chúng ta điều tốt nhất nơi con người chúng ta, bởi vì ngài đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh ngài.

Thiên Chúa Cha là Đấng công minh, đã tạo dựng muôn loài với mục đích riêng cho từng loại, nhưng tất cả muôn vật đều cùng có một đích chung là tôn vinh Thiên Chúa tùy cách của mỗi vật. Như bụi hoa thì có hoa làm rực rỡ vườn xuân; cây ăn trái thì có trái chín làm vui mắt, làm ngọt miệng; con chim để bay nhảy, để ca hót làm vui làm đẹp cho vũ trụ, con người để yêu thương nhau, giúp nhau nhận ra Thiên Chúa là Cha và cùng nhau kính mến Thiên Chúa.

Và rồi trang  Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em chúng ta, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh em kia...