September 3, 2024
NHỮNG BÀI VIẾT XÃ HỘI
by NGƯỜI GIỒNG TRÔM
XE ĐÔNG LẠNH VÀ HỒI ỨC ĐAU LÒNG (13-9-2021)
Còn nhớ vụ việc 39 sinh mạng vượt biên đến Anh trong chiếc xe container làm điếng lòng người.
Vào tối ngày 7.11.2019, Bộ Công an Việt Nam và cơ quan thực thi pháp luật xác nhận 39 người chết là công dân Việt Nam. 31 đàn ông và 8 phụ nữ được tìm thấy chết trong xe tải đông lạnh ở Grays, Essex, vào sáng sớm ngày 23.10.
Một loạt các hồ sơ đã được trình lên Ủy ban Nhận dạng và điều tra viên Caroline Beasley-Murray đã chính thức thông báo về việc xác định danh tính toàn bộ 39 người, theo Daily Mail.
Vậy đó, vì kế sinh nhai để rồi rất nhiều người tìm cách rời bỏ quê hương mình để đến xứ người sinh sống. Và chẳng may ...
Hôm nay, Xe tải chở 14 người trong thùng đông lạnh hòng 'thông' chốt kiểm dịch Covid-19
Sáng sớm ngày 13.9, Trạm CSGT Hàm Tân (thuộc Phòng CSGT - Công an Bình Thuận) và chốt kiểm dịch Covid-19 trên QL1 đã lập biên bản xử phạt 3 xe ô tô, liên quan việc xe đông lạnh chở người “thông” chốt kiểm dịch Covid-19.
Tưởng nghĩ những con người này cũng rơi vào bước đường cùng cũng như không còn chọn lựa nào khác nên liều lĩnh về quê nhà sinh sống. Đơn giản rằng họ không thể nào ở lại nơi mà không còn cơ hội sống.
Với những di dân là như vậy, còn dân tại chỗ thì sao ? Những người dân dù là gốc gác ở Sài Thành đi chăng nữa nhưng rồi họ cũng lao đao. Ngần ấy ngày sống trong tình trạng giãn cách cũng đủ làm cho người người mệt mỏi.
Covid đã làm cho cuộc sống dường như hoàn toàn thay đổi mọi sự. Nếu như trước đây người ta có thể cũng như có quyền làm những điều mình muốn. Thế nhưng rồi bây giờ dù muốn và dù có tiền cũng không thể nào làm được.
Những gian nan khốn khó đang ập đến nhà nhà, người người dường như bởi những chuyện bất cập khởi đi từ sự bất công. Nếu như khôn ngoan và nhanh nhẹn cũng như đừng vì mối lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích thì chắc có lẽ tình trạng nó không tệ như bây giờ.
Chiều nay, chỉ vòng ra chợ để mua một ít gọi là đồ khô như mì, nui, hủ tíu để dành ăn dần thôi thì đã choáng váng với chi phí. Ngay như chị bán quán cũng ngao ngán về đồng tiền ngày nay mất giá còn vật giá thì lại lên quá nhanh.
700 ngàn cho một túi đồ ăn xem chừng ra chả có gì. Thế thì thử hỏi những người nghèo, những người không có công ăn việc làm họ sẽ sống ra sao ?
Nhiều người hỏi thăm dạo này sao cha buồn vậy hay hỏi sao cha có vẻ xìu xìu ển ển vậy. Không buồn, không xìu sao được khi cuộc sống còn đó những ngổn ngang.
Sáng vào làng thăm dân một tí thì dường như tất cả dồn lên núi để có thể tìm được chút gì đó đắp đổi qua ngày. Còn nếu ở nhà thì cũng chẳng làm được gì hết vì cũng chả có cái gì để mà làm. Kèm theo đó là khí hậu quanh năm nắng nóng và đất ngày mỗi ngày nên cằn cỗi. Người dân ở đây và có khi cả mình nữa cũng cằn cỗi cùng với đất và với trời.
Dọc theo tuyến đường đi, nhìn những đứa trẻ chăn gia súc mặt mày đen đúa da đậm màu nắng sao thấy mà thương. Cuộc đời của chúng sẽ đi đâu và về đâu với những con súc vật như thế này. Và nếu không chăn thì lấy gì đắp đổi qua ngày. Rồi may mắn hơn những đứa đó là những đứa trẻ được cắp sách đến trường. Thế nhưng rồi dù có được đi học đi chăng nữa thì cũng giỏi lắm hết cấp II.
Chẳng ai muốn mình phải ém mình trong chiếc xe đông lạnh để qua vùng đất mới hay trở về nhà như những chuyến xe định mệnh. Họ phải đau lòng và không còn chọn lựa nào khác.
Những con người nghèo ở cái vùng núi này cũng vậy thôi. Chỉ là cố sức để đắp đổi qua ngày nhưng sợ lắm cố quá rồi lại trở thành quá cố.
Thương và thương lắm phận nghèo ơi !
Lm. Anmai, CSsR
VĨNH BIỆT NHÀ GIÁO YÊU NGHỀ - YÊU CON 9 tháng 9 năm 2021
Covid đã lấy đi biết bao sinh mạng của con người, trong đó có quá nhiều người thân quen. Sự ra đi của những người thân quen làm cho lòng quặn đau cũng như chả có gì để diễn tả nỗi đau ấy.
Chiều ngày 9 tháng 9, tin không vui được loan đi : Anh Antôn Trần Đình Dũng về nhà Cha.
Anh ra đi để lại trong lòng những người thân quen, nạm bè, cách đặc biệt những sinh viên được Anh hướng dẫn nỗi tiếc thương vô hạn. Từ đây, chúng ta không còn gặp được hình ảnh của một nhà giáo Công Giáo, một giảng sư tâm huyết với nghề.
Nghề gặp người hay người gặp nghề ! Nghề giáo đến với anh Dũng như một sự ngẫu nhiên nhưng có lẽ đúng hơn đó là định mệnh của cuộc đời !
Ngẫu nhiên khởi đi từ Thầy Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng khoa Quản Lý Công Nghiệp - Đại Học Bách Khoa) mời dạy một bộ môn.
Thời đó năm 1996 khi Anh 28 tuổi, Anh đang là người làm truyền thông nhưng Thầy Nhân muốn thổi đi một luồng gió mới cho sinh viên.
Kể lại kỷ niệm của ngày đó, Anh nói anh bước và trường với cổng ở đường Lý Thường Kiệt nhưng khi dạy xong anh ra khỏi trường bằng cổng nhỏ bên đường Tô Hiến Thành
Sau khoảnh khắc đó, Anh mớibiết rằng Anh là thầy giáo.
Tôi yêu bục giảng, tôi yêu học trò, tôi yêu công việc mình làm.
Đặc biệt, gia đình không ai làm nghề giáo nhưng nhìn ánh mắt của sinh viên, nghề giáo lại cuốn hút cuộc đời của Anh.
Với học trò, Thầy hoàn thành xuất sắc trong vai của một nhà giáo tâm huyết. Còn gia đình, Thầy là một người bố mẫu mực.
Anh đã để lại nhiều ký ức, nhiều hình ảnh đẹp. Đẹp nhất có thể nói trong 2 tập sách Viết cho người thương và Quà của Bố !
Khởi đi từ tấm lòng nhân hậu, Anh đã Quà của Bố !
Anh tâm tình : "Bố có âm hưởng vùng miền. Nó có thể một nào đó là Bố, một nơi nào đó gọi là, một nôi nào đó Ba, một nơi nào đó gọi Tía. Trong ngữ cảnh này gọi là Bố. ... chắc chắn chúng ta yêu thương. Chúng ta là người Bố, người Cha chắc chăn chúng ta yêu thương con mình nhưng chưa chắc chúng ta biết cách yêu thương lại là hành vi, đòi hỏi sự tỉnh táo"
Có lẽ con gái Anh là đứa trẻ may mắn bởi bé được hưởng trọn vẹn tình thương của Bố. Cả một tuổi thơ với bao kỷ niệm : cắt móng tay, chở con đi trong trời mưa, tin nhắn đã thêu dệt nên cuộc đời của bé.
Nói về những người Bố, Anh chi sẻ : Những ông bố quá bội và quá nhanh trong bước đường mưu sinh. Có ông bố là chiến binh nhưng r ồi sợ con mình thua, sợ con mình. Con của mình là người duy nhất tặng mình cả cái tuổi thơ của con và hãy tận hưởng"
Nơi Anh Dũng, Bố không áp đặt điều bố muốn nơi con. Bố chỉ là người hướng dẫn, gợi ý để con tự lựa chọn cách suy nghĩ, chọn một thái độ và để con chịu trách nhiệm về điều đó cho cuộc đời mình. Thú vị nữa là bố để cho con gái trách “Con ngã chảy máu mà bố vẫn ngồi nhìn, thế mà bố dửng dưng nhìn con đau”và bố giải thích: “Chẳng bao giờ bố hết thương con, nhưng cách bảo vệ con tốt nhất là dạy con tự bảo vệ mình, và ai cũng lớn lên với những lần vấp ngã”
Có lẽ bố Dũng và nhiều ông bố khác sẽ đồng ý với tôi, với tình cảm vô bờ của người làm cha, làm mẹ, chúng ta cần con cái được ấp ủ trong chiếc nôi tình yêu của cha mẹ, tất nhiên cũng cần các con hiểu biết và trân trọng tình cảm này. Nhưng điều mong mỏi lớn nhất là con hãy hiến dâng lại tình cảm thiêng liêng này cho các con của con.
Với tâm tình của Anh Dũng, mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng : Bố yêu thương Hãy làm điều gì cho Bố trước khi quá muộn.
Bố yêu các con nhiều như hơi thở, như những lần chớp mắt trong đời
Lần cuối cùng tôi được gặp Anh đó là trong đêm "Gánh nhau trong đời". Trong đêm "Gánh nhau trong đời" đó, anh Antôn Dũng đã khéo léo, đã tinh tế cũng như đủ cách thuyết phục để thu về những khoản tiền khá lớn từ việc chủ trì buổi đấu giá. Cung cách, thần thái của Anh để lại trong lòng nhiều người lòng cảm mến tri ân.
Đối diện với con virus quái ác, Anh đã chia sẻ với sinh viên trong buổi tọa đàm Tư duy tích cực. Anh đã mở lối cho thính giả nghe về thực trạng của cuộc sống, của chuyện học online, của những tư duy mới phù hợp với cuộc sống hiện tại và đặc biệt anh mời gọi mọi người hãy tư duy tích cực : Nhìn điều tích cực, thấy điều tích cực, nghe điều tích cực, cảm điều tích cực. Lấy cái tích cực pha loãng những điều tiêu cực.
Thầy nhắn gửi : "Hãy luôn luôn cho các em điều tích cực. Sinh viên của Thầy nên nhớ tích cực, tích cực. Tư duy tích cực sẽ dẫn đến hành vi tích cực, sẽ dẫn đến kết quả tích cực. Chúng ta có thể thay đổi cuộc đời bằng thay đổi tư duy. Gieo suy nghĩ gặt lời nói,gieo lời nói gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.
Tư duy tích cực, cười tích cực, nói tích cực, thơm tho tích cực ... sẽ dẫn đến việc gặp người tích cực, nói những lời tích cực"
Xin vĩnh biệt nhà giáo Công Giáo Antôn Trần Đình Dũng. Anh đã rời cõi tạm vĩnh viễn nhưng nhân cách, tấm lòng của Anh vẫn còn đó. Hẹn gặp Anh trên Nước Trời - nơi mà mỗi Kitô hữu chúng ta hằng mong đợi.
Lm. Anmai, CSsR
LẤY CÁI ĐÀ TRONG MẮT ĐẠI CA TRƯỚC HEN ! 9 tháng 9 năm 2021
Lâu lâu nghe lại câu chuyện cái đà và cọng rác !
Khen Thầy Giêsu cũng như nói nước biển nó mặn hay Trung Quốc đông dân. Thầy Giêsu quả là siêu sao, quả là siêu nhà giáo, siêu luân lý, siêu đạo lý.
Qua hình ảnh đơn giản cái xà và cái đà cho ta ít nhiều suy nghĩ.
Thường, ở đời, người ta dễ thấy người khác hơn là thấy mình. Đơn giản là mắt có thể thấy những điều trước mắt họ, còn sau lưng họ có biết bao nhiêu vết hằn mà họ không hề biết.
Câu chuyện giáo dục khác cũng dễ hiểu về chuyện thấy cái xấu của người khác :
Một hàng người xếp hàng. Mỗi người đeo sau lưng của mình một túi "hậu quả" của mình. Và rồi ngươi này cứ chê của người đứng trước mình là không thơm. Thế nhưng rôi họ đâu biết cái túi của họ mà người đứng đàng sau phải ngửi và khó chịu đến mức nào.
Câu chuyện ví von như là tật xấu của mỗi người vậy. Mình chỉ thấy cái xấu của người khác còn mình thì không thấy cái xấu của mình.
Dân gian vẫn nói với nhau : Chuột chù chê khỉ rằng hôi ! Khỉ quay lại bảo cả họ mày thơm !
Khỉ và chuột chù "thơm" như thế nào thì chắc chắn mọi người đều biết. Ấy vậy mà chuột chê khỉ ! Khỉ nghe thế khen lại.
Trong cuộc sống của ta cũng vậy. Có khi ta là cả một con chuột chù vậy mà ta lại chê cái đám khỉ khác.
Những ngày này, trên nhiều trang mạng, ta lại thấy người ta bươi móc, thóa mạ người khác một cách không thương tiếc. Có bao nhiêu lời xấu và ác người ta dành cho nhau một cách nhiệt tình.
Tưởng nghĩ có bao giờ những người thóa mạ người khác biết nhìn lại cuộc đời của mình hay không ? Nêu mình trong sạch đủ thì mình hãy bươi móc người khác. Khi mình mạnh tay to miệng lên án người khác thì hãy coi chừng và cẩn thận khi người khác lại moi mình ra thì khó xử.
Ở đời mà ! 70 chưa gọi là lành nên chăng ta đừng bao giờ thốt ra lời độc địa hay thóa mạ bất cứ một ai. Những kẻ hùa theo ai đó để thóa mạ người khác xem chừng cũng vô minh, cũng không nhận biết mình.
Ở đời ! Ai nói mình sạch tội, ai nói mình không tội !
Đến như thánh vẫn còn có quá khứ mà ! Thánh nhân nào cũng có quá khứ và tội nhân nào cũng có tương lai. Chính vì thế, nên chăng là con người ta phải có lòng nhân nghĩa nghĩa là biết bao dung cho người khác. Ta được mời gọi sống bao dung chứ không phải là sống bung dao vào người khác.
Chuyện biết mình biết ta như câu nói biết người biết ta trăm trận trăm thắng là vậy. Mình cần phải biết mình là ai trong cái cõi tạm này.
Tâm tình của Thánh Augustinô thật là hay : "Nguyện xin cho con biết Chúa ! Và xin cho con biết con ! Để con được gặp gỡ Chúa ! Và con tìm lại chính con.
Augustino đã để ra một khoảng thời gian dài để sống cho và sống với bản năng. Đến khi tỉnh ngộ thì với Ngài tất cả đều là hư vô mà thôi.
Ta cũmg vậy, ta cần biết mình là ai, ta biết mình đang sống để làm gì và cuộc sống tương lai sẽ ra sao.
Câu chuyện cái xà và cọng rác là câu chuyện hay nhắc nhở cho chúng ta về đạo lý làm người.
Người quen nhắn đùa : "Cha ơi ! Gỡ hoài mà không ra (cái đà) thì sao Cha ?"
Nếu gỡ không ra thì chịu thua thôi ! Khi gỡ không ra cái đà thì người ta cứ vô tư để moi cái rác như những ai không sáng mắt đủ để moi móc người khác trong cuộc đời vậy.
Để cho được sáng mắt và nhất là cho lòng được bình an thanh thản, nên chăng mỗi người chúng ta hãy như lời Chúa Giêsu nhắc nhở : "Hãy lấy cái đa trong mắt ngươi ra trước đã".
Hay như hiểu đơn giản là : Đại ca ơi ! Chịu khó lấy cái đà trong mắt đại ca xong rồi thì hãy lấy cái rác trong mắt em nhé !
Lm. Anmai, CSsR
6 tháng 9 năm 2021 MỘT NỀN GIÁO DỤC ĐÁNG QUAN NGẠI
Trách nhiệm thuộc về ai khi một kẻ lộng ngôn đang dường như khuynh đảo và chi phối truyền thông của cả nước. Giờ đi đâu cũng nghe không ít thì nhiều lời ra tiếng vào của kẻ khuynh đảo truyền thông.
Không ít thì nhiều, nhiều gia đình, nhiều người cũng bị lôi kéo theo cái kiểu truyền thông không biết liệt vào thể loại nào. Ca kịch cũng không đúng, tấu hài cũng không ra. Có lẽ được liệt vào hàng đấu tố cách vu khống và mạ lỵ vô căn cứ cũng như không có tính cách pháp lý.
Trong chương trình truyền thông kệch cỡm này, ta thấy nhân vật chính là một nhân vật thiếu văn hoá, dùng lời lẽ bỗ bã, tục tĩu, hàm hồ, bất chấp nhưng được nhiều người theo dõi, hâm mộ, tung hô.
Một người bình thường và nhất là một đứa trẻ sẽ thấy rằng, hoá ra cứ thiếu văn hoá, tục tĩu trước đám đông cũng được tung hô đấy thôi, cần gì phải rèn luyện, bồi đắp văn minh, lịch sự, lễ phép?
Một lối sống hưởng thụ, đề cao vật chất được loan đi giữa một xã hội đang phải oằn mình với biết bao nhiêu khó khăn về kinh tế. Người đình đám về truyền thông kệch cỡm này là một người trọng vật chất đến mức không hiểu nỗi.
Nhân vật có cái suy nghĩ lệch lạc này nghĩ rằng đeo một viên kim cương thật to vào tay sẽ trở nên sang trọng, viên kim cương to nhất nghĩa là sang trọng nhất. Đó là tư duy của trọc phú. Người này quên cũng như không biết rằng, người sang trọng thật sự thì phải có thần thái sang trọng toát ra từ bên trong. Muốn đeo một viên kim cương to vào tay thì thần thái phải cao hơn viên kim cương đó, kim cương hay bất kì trang sức nào đều chỉ là phụ hoạ cho giá trị, cho nhân cách của bản thâm mình.
Những người và những trẻ con theo dõi thấy cung cách khoe khoang ngày mỗi ngày sẽ tìm và học theo kiểu vô học như vậy, chúng dễ tin rằng giá trị con người được định giá bằng kích thước kim cương hay số lượng tiền bạc. Tức là đã xô đổ chân giá trị tốt đẹp mà mỗi con người đang theo đuổi.
Tự cho mình là vô minh cũng như tự tát vào mặt mình khi báng bổ tôn giáo bằng câu chuyện xàm xí cũng như cho mọi nhười biết là mình chẳng hiểu chút gì về đạo Công giáo nhưng kể câu chuyện “Cha giải tội và chửi thề”. Chỉ riêng chuyện này thôi đã cho thấy tầng văn hoá của bà ấy đang ở đâu. Nếu một con người kém văn hoá như vậy mà vẫn dẫn dắt được tầng tầng lớp lớp sóng người đi theo, chẳng phải là chuyện quá buồn cho giáo dục không?
Chuyện đáng và cần suy nghĩ về chuyện công khai tố tội ăn chặn từ thiện dù không công bố chứng cứ, mà các cơ quan hữu trách vẫn để yên cho người này hùng hồn nói. Vậy chẳng phải nhiều đứa trẻ khác và cả người lớn nữa, sẽ thấy việc ghét ai đó, muốn hạ bệ ai đó, cứ việc đăng đàn, dùng lời lẽ chua ngoa hét lên thật to là xử đẹp được 1 người mình không ưa. Bởi hét to lên một phát để hạ uy tín thì nạn nhân có giải thích cả đời cũng không lấy lại được danh dự. Vô pháp như vậy mà được tung hô, nghĩa là đúng? Thật nguy hiểm. Nếu ai cũng làm như người này làm không thể hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.
Chung chung thì truyền thông kiểu này là kiểu truyền thông đầu độc, nhồi sọ vào người khác những điều vô cùng tác hại đến độ nhiều người không kịp nghĩ ra hậu quả của nó.
Tiếc thay chưa có cơ quan nào lên tiếng, quản chế kênh truyền thông phi nhân bản, phi giáo dục và phi văn hóa như thế này. Cứ để kiểu loạn ngôn và lộng ngôn này phát triển thì chẳng biết xã hội còn gì là tôn ti trật tự, còn gì là đạo lý luân thường nữa.
Có lẽ không chỉ riêng tôi nhưng nhiều người lo cho nền văn hóa tốt đẹp, lo cho một nền truyền thông sạch thật sự quan ngại về kiểu cách loan truyền thông tin như thế này lên mạng xã hội. Kiểu vô văn hóa và đạo đức cứ ngày mỗi ngày tiêm nhiễm vào đầu óc của nhiều người và nhất là lớp trẻ thì xã hội đi về đâu.
Giải pháp gần nhất và tiện nhất mà mỗi người có thể làm đó là tuyệt nhiên ngăn chặn không để lọt vào tai mắt mình những điều trái khuáy. Khi mình lao mình vào những câu chuyện ồn ào độc hại thì không ít thì nhiều mình cũng bị tiêm nhiễm cung cách hành xử kiểu như đang diễn ra. Tốt nhất là ngăn chặn những thứ văn hóa, những cách hành xử không phải là người để cho lòng mình nhẹ lại và bình an.
Giờ này đây là giờ mà mỗi người phải chung tay để bảo vệ sức khỏe và nhất là bảo vệ cho tâm hồn mình được mãi tươi xanh.
Lm. Anmai, CSsR
LẮNG NGHE : CHỌN LỰA CỦA MỖI NGƯỜI
5 tháng 9 năm 2021
Sinh ra, trừ những người bị bệnh hay tai nạn để rồi bị mất khả năng thính giác. Và dĩ nhiên những người bị mất khả năng thính giác thì sẽ rất thiệt thòi. Còn phần người nghe, không khéo sẽ bị thiệt thòi hay có khi bị họa bởi cái khả năng nghe của mình.
Mở mắt dậy là ta đã nghe được biết bao điều trong cuộc sống. Rồi trải qua bao giờ phút trong một ngày ta cũng được nghe biết bao nhiêu âm thanh phát ra từ chung quanh.
Những âm thanh phát ra từ chung quanh đóng vai trò phát. Nhận và thu là quyền của mỗi người. Có những người muốn tránh những tạp âm thì họ tìm cách gắn tai nghe vào để không nghe những điều chói tai hay nghe những gì họ thích. Như vậy, chuyện nghe lại là tự do và chọn lựa của mỗi người.
Gần đây, với bản tính hiếu kỳ, nhiều người đã đổ xô đi nghe những âm thanh xem chừng ra chát chúa, những cung giọng xem chừng ra hừng hực sự căm thù người đồng loại cũng như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Với khả năng hùng biện cùng với tài chính, con người đó đãc hút được rất nhiều người.
Để ý một chút, từ cung giọng đến ngôn từ cho đến nội dung những câu chuyện xem chừng ra cuốn hút thính giả đó thì chả có chất cũng như chả có lượng. Có chăng là những câu chuyện bươi móc, những ngôn từ tố tụng, những giọng điệu trịch thượng của một kẻ có quyền không hơn không kém. Nội dung của những câu chuyện mà người ta đang bị hút vào xem chừng ra chả có gì gọi là nhân văn đó là chưa nói đến nhân cách của người cuốn hút.
Văn là người ! Dù anh muốn gọi là truy xét một ai đó thì cũng cần có cung giọng là người chứ không thể nào dùng những ngôn từ xem chừng ra không hợp với nhân cách con người.
Trước sự cuốn hút này, nhiều người đã nghe và rồi có người đồng tình và có kẻ lại bức xúc. Nguyên nhân đầu tiên để rơi vào vòng luẩn quẩn này đó chính là sự chọn lựa nghe của mỗi người.
Đó là một ví dụ điển hình minh họa cho sự chọn lựa kênh nghe của mỗi người.
Bản thân tôi, tôi chả để tâm cũng như nghe cung cách của thể loại ấy. Trước hết là không có thời gian cũng như quan trọng nhất đối với tôi vẫn là chọn lựa kênh để mình tiếp nhận.
Đơn giản cách chọn nghe của tôi là dòng nhạc Bolero, dòng nhạc nhẹ. Kèm theo đó là những bài giảng của các đức cha, của các cha và thậm chí của những vị giảng sư khác nữa. Dù các giảng sư khác tôn giáo nhưng những gì hay, những gì bổ ích, những gì có giá trị là tôi nghe. Nghe để mình học, mình sống theo. Đơn giản là mỗi người có cách giảng cũng như nội dung bài giảng chất lượng tùy theo lượng định, cân nhắc và chọn lựa của mình.
Có lẽ khá cẩn trọng khi chọn lựa kênh để mình nghe nên rồi thời gian cũng như chất lượng những gì mình nghe xem chừng ra hữu ích cho mình hơn là những câu chuyện xem chừng đậm máu của hận thù.
Tôi có cách chọn lựa của tôi ! Đường vinh quang tôi chọn đó là con đường khiêm hạ, nhẹ nhàng chứ không có cái kiểu theo cung cách đại loại như là : "đường vinh quang xây xác quân thù !"
Và tưởng nghĩ chuyện giáo dục cho con cái, cho chính bản thân mỗi người rất quan trọng từ chuyện nghe.
Mọi người chắc còn nhớ câu chuyện giáo dục của mẹ Mạnh Tử :
Mạnh Tử mồ côi cha và chịu sự giáo dục nghiêm túc của mẹ là Chương Thị, sau này được gọi là Mạnh Mẫu. Bà nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.
Chuyện kể rằng, mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma. Hàng ngày, Mạnh Tử vẫn thường ra đây nô đùa, ông thường diễn lại những cảnh nhìn thấy ở bãi tha ma. Mạnh Mẫu nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà liền chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất nhưng tình hình không khả quan cho lắm. Ông học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán, hay khoe khoang đồ của mình.
Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường, Mạnh Tử sống gần đây nên học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ, lúc bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”.
Từng có lần, nhà hàng xóm giết lợn, Mạnh Tử thấy vậy hỏi mẹ giết lợn để làm gì, bà lỡ miệng nói đùa:“Để cho con ăn”. Sau đó, bà đi mua thịt lợn về cho con ăn vì bà nghĩ nếu mình nói dối con chẳng khác nào dạy con nói dối. Một câu chuyện nổi tiếng khác về Mạnh Mẫu dạy con đó là khi đang dệt vải, thấy con trốn học đi về. Bà kêu Mạnh Tử đến gần rồi cầm dao chặt đứt tấm vải và mắng: “Con đi học mà bỏ học chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt nó vậy”. Thấm thía lời mẹ dạy, ông chăm học, dần trở thành học sinh giỏi nhất lớp và bậc đại hiền triết sau này.
Mạnh Mẫu dạy Mạnh Tử rất nghiêm túc khiến ông thấm thía được những tư tưởng và đạo lý
Mạnh Mẫu nổi tiếng là một bà mẹ có cách giáo dục con nghiêm khắc và chu đáo nhất trong lịch sử. Bà có những cách dạy con hiệu quả như chấp nhận chuyển nhà để chọn môi trường sống thích hợp với con để tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài đem lại. Đồng thời, bà gieo vào tiềm thức con cái đức tính chân thật để tạo cho con nếp sống đạo đức sau này, dạy con tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng, không biếng nhác, có một thái độ kiên trì nhẫn nại, khắc phục khó khăn, gian khổ.
Câu chuyện giáo dục từ mẹ của Mạnh Tử phải chăng là câu chuyện ý nghĩa cho sự nghiệp giáo dục của mỗi chúng ta.
Mỗi chúng ta bớt nghe những lời vô bổ, những lời phỉ báng lẫn nhau cũng như những lời gây bất hòa chia rẽ. Chúng ta bớt đi những kênh thị phi hay những lời bất lợi cho mình và người khác.
Chúng ta có sự tự do chọn lựa cung cách sống cho mình. Chúng ta tự do chọn lựa kênh nghe của mình. Tưởng nghĩ chũng ta nên nghe Lời Chúa, nghe những huấn giáo để ngày mỗi ngày ta trở nên tốt và là người hữu ích cho mọi người hơn.
Lm. Anmai, CSsR
LÒNG TRĨU NẶNG VỚI NHỮNG NỖI ĐAU 4 tháng 9 năm 2021
8.499 người nhiễm được ghi nhận trong ngày 3 tháng 9 ở đất Sài Thành ! Con số nhiễm làm đắng lòng người và làm cho nhiều người khó ngủ.
Mừng ! Vì được phát hiện sớm để chữa trị, để ngăn ngừa, để có giải pháp cứu mạng.
Lo ! Vì cứ như con số này càng tăng thì thật sự cuộc sống chả biết đi về đâu.
Thật vậy, trong cái thân phận làm người và trong cõi nhân sinh này thì chắc có lẽ ai ai cũng quan tâm đến cuộc sống và nhất là sự sống. Đọc thấy con số người tử vong vì dịch bệnh chắc có lẽ không ai không khỏi chạnh lòng. Những hủ hài cốt không được như ý muốn của gia đình làm nhói cả lòng người.
Nếu như trước đây sau khi hỏa táng thì sẽ được gói ghém trong chiếc hũ làm bằng đá, có khắc hình Thánh Giá (nếu là theo Công Giáo) nhưng nay không được như vậy. Chỉ đơn giản là cái hủ hình búp hoa sen đơn điệu mà thôi.
Linh mục, tu sĩ, già, trẻ ... không phân biệt một ai. Cứ từ từ lặng lẽ rời bỏ cõi tạm này quá nhanh và quá vội. Dẫu biết không ai lột da sống đời nhưng ai ai cũng nhói lòng khi thấy nhiều sự ra đi để lại trong lòng nhiều tâm tình luyến nhớ.
"Hôm nay thêm 2 Dì nữa đó cha !"
Lời nhắn gửi của một nữ tu quen biết gửi đi từ Hội Dòng có quá nhiều mất mát làm điếng lòng người. 9 Dì chưa đủ hay sao mà còn thêm 2 Dì nữa chứ !
Với người Kinh, sự sống và cuộc sống đang bị đe dọa đến mức khủng khiếp thì với người sắc tộc nó nặng nề đến mức nào.
"Cha ! Con mới nhận được quà nè Cha !"
Thì ra là di dân ở tận ngoài Vinh vào ngã tư Bình Phước khoe mới nhận quà !
Cô bé này cứ ngỡ Cha ở đâu đó ở gần nơi ở nên mạo muội gọi cho Cha. Cha không ở gần cũng như ngoài tầm tay với nên giới thiệu địa chỉ có thể chia sẻ và nay gia đình cô bé đã nhận được sẻ chia.
Nhiều và nhiều trường hợp nữa như cô bé đã nhận được sự sẻ chia từ nhiều tấm lòng thơm thảo.
Như bắt được tờ vé số độc đắc khi liên lạc được với vị linh mục trẻ đầy nhiệt năng !
"Vừa rồi chúng con đã làm 3 đợt ! Mỗi đợt như vậy là được vài ngàn người. Đợt thứ tư này chúng con dự định sẽ làm 10.000 phần (mỗi phần 350.000 đồng) cho anh chị em đang kẹt ở các khu phong tỏa hay khu ở trọ. Danh sách cha đưa ít quá (38 phòng trọ). Cha đưa thêm đi Cha. Chúng con đi cho tiện 1 chuyến xe. Cha cứ làm danh sách như con gửi mẫu nha Cha !"
Nghe sao mà dễ thương quá ! Đang lúc cần và mong thì đã có Cha cùng nhiều cộng tác viên hỗ trợ.
Thấy công việc đang làm của Cha đã mang lại hiệu quả cũng như làm ấm lòng người di dân xa xứ.
"Hôm qua, con nghe được có 1 em qua đời vì kiệt sức. Các em không còn gì để ăn Cha ơi !"
Cũng từ Cha đó, tâm tình nghe sao trĩu nặng! Người phải đói và kiệt sức đến độ không thể cầm cự được qua cơn!
Nơi đất khách quê người là vậy, còn ở tại nhà quê thì sao ?
Ở nhà quê, chả biết phải trả lời như thế nào nữa khi cái đói nó đang ập đến cũng như nó ôm trọn cả cuộc đời của những người dân ở đây.
Ở cái vùng đất nghèo cùng với suy nghĩ nông cạn để rồi cuộc sống càng ngày càng rơi vào bế tắt.
Thấy nhà hàng xóm có con xe ngon là nhà mình cũng phải có dù nhà mình rất nghèo. Chỉ có hướng duy nhất là bán đất thôi ! Mà bán đất xong rồi thì lấy gì để tìm kế sinh nhai !
Thấy đứa bạn đi bắt chồng (văn hóa mẫu hệ) thì mình cũng đi bắt chồng thôi. Quan niệm thiển cận là miễn sao mình cũng có chồng dù rằng chỉ mới "tốt nghiệp" lớp 10 hay 11 thôi.
Thử hỏi dù xong 12 hay đại học mà chưa có công ăn việc làm ổn định thì cũng chưa ăn ai chứ đừng tưởng ngon.
"Nó sinh 2005 thôi mà đi "bắt chồng rồi !"
Lời Cha Sở nói nghe đâu sao đắng quá ! 16 tuổi thì biết gì để đi vào đời sống vợ chồng. Và dĩ nhiên cái nghèo nó cứ mãi quanh quẩn ở trong làng, trong gia đình của những người thiểu số.
Trong hoàn cảnh sống như vậy, chả biết ai làm sao nhưng với tôi có gì đó buồn buồn ! Dẫu biết rằng Chúa có cách của Chúa nhưng trong lòng nó vẫn cứ nặng trĩu.
Chắc chắn không bao giờ Chúa để cho bản thân này đói hay là bỏ rơi vì nhu cầu cuộc sống cũng chẳng có cao hay đòi hỏi bất cứ điều gì khác hơn thua trong cuộc sống. Thế nhưng rồi lòng vẫn cứ nằng nặng làm sao đó khi nghĩ đến bao nhiêu phận người.
Chẳng làm được gì ngoài ra cái chuyện dâng Lễ, cầu nguyện mỗi ngày cùng với sự chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.
Hình ảnh cụ già khiếm thị và con bé khiếm thính và nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ khác trong làng không thể nào phai được. Còn đó những người bị tai biến, những người không có công ăn việc làm và những mảnh đời lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.
Lòng còn nặng lắm với những mảnh đời bất hạnh ! Trằn trọc lắm với những người kém may mắn như anh chị em dân tộc thiểu số. Bao nhiêu năm rồi mà cái nghèo, cái đói và cái văn hóa nửa nạc nửa mỡ cứ ôm chầm lấy cuộc đời của họ.
Lm. Anmai, CSsR
4 tháng 9 nam 2021
Loạn ngôn ! 31 tháng 8 năm 2021
Còn nhớ Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ephêsô :
"Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô" (Ep 4,29-32).
Công - dung - ngôn - hạnh là những đức tính không chỉ dành cho nữ giới dẫu ta nghe nói có vẻ cho nữ giới. Thế nhưng rồi, khi đã làm người và nhất là là người thì bất cứ ai cũng thật cẩn trọng về phát ngôn của mình.
Lời phát ngôn của mỗi người, tùy vào vị trí của mình sẽ lan tỏa, sẽ ảnh hưởng đến tùy mức độ, tùy vị thế của người đó. Thế nhưng rồi, dù bất cứ một ai, khi phát ngôn sẽ làm ảnh hưởng đến những người nghe dù bất cứ người đó là ai.
Nhiều ngày tháng qua, ta thấy có những người loạn ngôn. Ta thấy những phát biểu, những câu từ của họ xem chừng là chướng tai gai mắt vì như họ nói mà không biết họ nói cái gì.
Những ngày gần đây, cộng đồng lại được nghe một người đem đạo Công Giáo ra để cười đùa với câu chuyện quá tục tằn về chuyện giải tội. Người nói cười hả hê đắc thắng như là đắc thắng với bao nhiêu chuyện mà người đó đã làm và sẽ làm.
Nhưng không, có thể đụng đến bất cứ ai nhưng đến tôn giáo là điều cấm kỵ. Loạn ngôn phát ra từ người này đã để lại biết bao nhiêu bức xúc, phẫn nộ trong cộng đồng. Dĩ nhiên chuyện bức xúc và phẫn nộ là bộc lộ tâm lý hết sức bình thường của người bình thường. Chỉ có những người nào đó khác thường mới có thể im lặng hay ủng hộ hay thỏa hiệp với cung cách loạn ngôn của con người đó.
Thế nhưng rồi, ta hãy hết sức bình tĩnh vì lẽ công mãi mãi vẫn là công và quạ mãi mãi vẫn là quạ.
Văn là người mà ! Từ xưa đến giờ ai ai cũng biết vậy để rồi khởi đi từ ngôn từ, từ giọng nói của ai đó ta có thể biết được tâm trạng, tâm tính và tính cách của người đó.
Ở đời ! Ai dám nói mình trong sạch, ai dám nói mình sạch tội để đi xét đoán và bươi móc người khác : "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". (Ga 8, 7)
Và ta nên nhớ trong thư của Thánh Giacôbê tông đồ : "Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?"
Với tất cả những điều đó, ta thấy chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can của con người mới có quyền xét xử con người mà thôi.
Tiếc thay nhiều người trong cuộc sống tự cho mình là có quyền trên người khác để xét xử, để moi móc, để thóa mạ người khác. Phải nói là thương cho thể loại người như vậy. Ta có thể nói họ là những người vô minh và nhất là không biết mình là ai.
Ngày nay, ở cái thời đại bùng nổ truyền thông, ta thấy mạnh người người nói, mạnh nhà nhà nói và họ không biết lời đó mang lại sự hiệp nhất yêu thương hay gây chia rẽ. Cứ thích là cho lên mạng những lời bất chấp để gây tổn thương cho người khác. Và tiếc thay là nhiều người khác không xem xét cũng như không cân nhắc mà hùa theo những loạn ngôn ấy.
Ta thấy một người nữ như đang gây sóng gió hay bão trên mạng. Bình tĩnh và hết sức bình tĩnh vì ta cũng chưa hiểu được những gì đàng sau lưng của người nữ đó. Có khi cũng là chiêu trò để kéo sức hút về mình để làm cho nhiều người quên đi mình là ai cũng như quên đi những điều cần thiết trong đời mình.
Hiện tại, giây phút này là giây phút mà ta cần nhìn lại mình, cần phải sám hối vì cái chết có thể đến với ta bất cứ điều gì.
Và với những loạn ngôn mà ta nghe được như là lời nhắc nhở ta để ta hết sức cẩn trọng khi nói ra bất cứ lời nào. Không cân nhắc, không suy nghĩ, không lựa lời thì ta cũng sẽ đi theo vết xe đổ của những loạn ngôn của con người đang cuồn cuộn như thế này.
Nên nhớ ở đời không ai thoát khỏi quy luật nhân quả. Thế thì những lời mình nói, những việc mình làm trước tiên phản tĩnh về con người của mình cũng như sẽ là những lời tự kết án mình.
Ta cũng chả cân phải đao to búa lớn, cũng chả cần phải thóa mạ những kẻ loạn ngôn. Những người đó không sớm thì muộn cũng phải lãnh tất cả những lời mình nói và những việc mình làm. Phần chúng ta, chuyện cần nhất đó chính là sự bình an trong tâm hồn.
Để được như thế, ta cần có sự bình an ngay trong tâm hồn của ta.
Ngày còn bé, Mẹ tôi vẫn dạy chúng tôi : "Ngậm máu phun người là dơ miệng mình". Lời của Bà vẫn còn đó để tôi, chúng tôi không bao giờ nói ra những lời độc địa hay làm gì đó hại ai.
Cũng tương tự ý nghĩa lời dạy đó : "Bạn đừng lấy bùn ném vào người khác vì đôi khi không trúng người khác mà tay bạn đã bẩn".
Vâng ! Với tất cả tâm tình, ta được mời gọi hãy chọn cung cách sống sao để được bình an. Tưởng nghĩ trước hết để được bình an đó là ta phải có tâm an và nhất là cái miệng cũng phải an. Nghĩa là ta xin Chúa cho ta đừng bao giờ thốt ra lời độc địa, thóa mạ hay mạt sát bất cứ ai.
Ngày đầu tháng 9 năm 2021
Lm. Anmai, CSsR
DÒNG LỆ CHIA LY
Có những tình riêng người ta nén trong lòng không bộc lộ nhưng rồi có những dòng lệ không nén nổi khi phải mất mát chút tình riêng với ai đó trong cuộc đời.
Có những dòng nước mắt mà người nhận được thấy và có những dòng nước mắt người khận chẳng bao giờ thấy vì khi đã chợp mắt khép mi mãi mãi.
Thấy được dòng nước mắt khi ở tuổi già và về nhà hưu dưỡng cũng như được tận mắt nhìn thấy dòng người thương nhớ tiễn đưa.
Không bao giờ thấy được người ta khóc cho mình khi mình đã nằm xuống yên giấc ngàn thu trong chiếc cỗ quan tài bé bé xinh xinh.
Khoảng chừng vài tháng nay, nhiều người thân quen của nhiều người đã ngấn lệ, đã quặn đau khi nghe tin người thân của mình vừa lìa xa cõi thế. Chính sự chia ly cách biệt giữa hai đầu nỗi nhớ bằng cái chết đã không có gì bù đắp nổi để rồi niềm thương nhớ lại càng nhiều.
Cái phận người sao nó mong manh quá, sao nó mỏng dòn quá, sao nó vô thường quá !
Một Cha già, dù có “ráng” sống cũng được chăng ở cái tuổi chín hai. Một cha trẻ vươn mình trong cuộc đời tận hiến cũng phải dừng ở cái tuổi chưa kịp năm mươi. Và, một thầy trẻ đang tận hiến đời mình cho Chúa cũng đã đột ngột đi xa khi tuổi đời vừa tròn hai con giáp.
Những cuộc ra đi đó không thể ngăn được dòng lệ sâu thẳm trong tâm hồn. Thật ra, chả hiểu sao dòng lệ trào đó cứ chảy tuôn bởi lẽ hình ảnh, tâm tư, tình cảm của người quá cố còn đâu đó và in dấu ấn trong cuộc đời.
Con người là như vậy đó ! Sống với nhau có chữ tình, với chữ tình, trong chữ tình để rồi dòng lệ cứ tuôn trào khi phải mất mát người thân.
Cạnh những sự chia ly mãi mãi ngàn trùng xa cách của phận người thì lại có những cuộc chia ly như không bao giờ mong muốn đó là cuộc chia ly của những vị mục tử mà dường như nửa đời người hay cả đời người gắn bó với đoàn chiên. Dù muốn dù không, người mục tử cũng phải lên đường để nhường đường cho người khác đi bởi không tránh khỏi cái quy luật của cuộc đời về tuổi tác, năng lực và nhất là sức khỏe.
Cả một đời trai tráng hy sinh cả đời của mình chỉ để nhằm phục vụ ơn cứu độ cho Thiên Chúa rồi đến lúc cũng phải chia xa, cũng phải rời xa cái cõi mà nhiều năm gắn bó với mình cũng như có thể là do chính bàn tay, công khó mình tạo thành với sự chia sớt của nhiều người. Tất cả đều để lại sau lưng khi chiếc xe lăn bánh đưa vị mục tử về với nhà dưỡng lão để chờ ngày ra đất Thánh.
Đời người có cố gắng mãi cũng như thế thôi. Để rồi, qua đó, ta nhận thấy cái giới hạn của con người và nhất là cái phận người nhỏ bé.
Một vị linh mục chia xa với cộng đoàn trong dòng lệ ngấn trào. Đơn giản là vì Cha đã đặt hết tâm huyết của mình cho cộng đoàn dân Chúa cũng như tất cả những gì mình có để xây dựng cộng đoàn cách tốt nhất. Ngày cha đi xa nhường chỗ cho xứ mới, từ người bé đến người lớn ngậm ngùi tiễn đưa Cha về nơi ở mới là một chiếc phòng be bé ở nhà hưu. Họ thương nhớ, bịn rịn đến độ không muốn rời bước và cứ mãi muốn quấn quýt với Cha mãi. Nhưng rồi, cũng phải chia tay để trở về với cuộc sống hàng ngày của con người.
Nay ta khóc cho người nhưng rồi ngày nào đó người lại khóc cho ta. Phần số của mỗi người đều nằm trong bàn tay Chúa như người thợ đốn cây cầm chiếc rìu đặt ở dưới cây. Thế cho nên những cuộc ra đi thật xa của những người thân thương ấy hay những cuộc tiễn đưa đầy nước mắt đưa cha về nhà dưỡng lão báo hiệu cho đời ta là thế. Có như thế, nhìn như thế để ta hãy sống làm sao cho như ngày hôm nay là ngày cuối của đời ta để khi ta nhắm mắt lìa đời, mọi người cũng thương nhớ ta như ta đã từng thương nhớ những người thân.
Và quan trọng nhất, với người Kitô hữu, bên cạnh những cố gắng, nỗ lực sống sao đó để thắm đậm tình người với những dòng nước mắt ấy lại cần hơn cả đó là tình Chúa thương ta. Hãy cố sống như thế nào đó khi ta chia xa, khi ta nhắm mắt lìa đời thì nhiều người than khóc tiễn đưa nhưng chuyện cần hơn cả đó là chuyện ta có một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa.
Hãy bình tĩnh sống ! Không manh động cũng như đừng lít xít lăng xăng. Đơn giản rằng ai ai cũng sẽ đi về cái cõi đi về mà không ai muốn. “Hãy yêu như chưa yêu lần nào” cũng như “hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua” để trọn vẹn thân phận làm người và làm con Chúa của mỗi người chúng ta.
September 3, 2024