dongcong.net
 
 


Suy niệm : Trầm Thiên Thu

Chuyện Phục Vụ
(Chúa Nhật XXIX TN, năm B)
Phục vụ là giúp đỡ người khác, có thể đó là việc phải làm theo bổn phận, theo trách nhiệm, hoặc có thể là việc muốn làm vì tự nguyện. Tinh thần phục vụ làm cho chúng ta nên cao quí, vì phục vụ là dâng hiến chính con người bé nhỏ của chúng ta cho Thiên Chúa, Đấng tối cao tuyệt đối.
Hàng ngày, các công ty, các cửa hàng, các quán ăn hoặc giải khát,… luôn có những đợt tuyển nhân viên phục vụ. Công việc của người phục vụ rất bình thường, đôi khi bị coi làm tầm thường, nhưng thực ra lại rất cần thiết. Có thể nói rằng không có họ thì các sinh hoạt xã hội khó tồn tại. Không có các công nhân thì giám đốc chỉ bó tay, và xã hội sẽ không có sản phẩm để tiêu thụ. Cách phân biệt “cao – thấp” là do quan niệm của những người thiển cận, nông cạn – cũng là một dạng “thiểu não” đấy. Chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu, cũng không có nghề nào hơn nghề nào. Tiền nhân nói: “Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông... nhất nông, nhì sĩ”. Ảnh hưởng “” là do quan niệm xưa: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Kẻ sĩ được coi là “dân ngon”. Nhưng hết gạo ăn thì “ngon” cái nỗi gì? Ai hơn ai đây?
Ai cũng phục vụ lẫn nhau, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bằng cách nào đó. Đừng tưởng tôi tớ mới phải phục vụ chủ nhân, mà chính chủ nhân cũng phải phục vụ tôi tớ bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có nhân viên mới phải phục vụ giám đốc, mà chính giám đốc cũng phải phục vụ nhân viên bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có đệ tử mới phải phục vụ sư phụ, mà chính sư phụ cũng phải phục vụ đệ tử bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có giáo dân mới phải phục vụ linh mục quản xứ, mà chính linh mục cũng phải phục vụ giáo dân bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có bề dưới mới phải phục vụ bề trên, mà chính bề trên cũng phải phục vụ bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có người nhỏ mới phải phục vụ người lớn, mà chính người lớn cũng phải phục vụ người nhỏ bằng cách nào đó;… Rất nhiều mối quan hệ trong xã hội, mọi mối quan hệ đều liên đới với nhau. Vợ chồng đối với nhau, cha mẹ và con cái đối với nhau, anh chị em đối với nhau, bạn bè đối với nhau,... nói chung là con người đối với con người. Chúa Giêsu đã có quy luật sống: “Ai làm đầu phải hầu thiên hạ” (x. Mt 20:25-28; Mc 10:40-45).
Sau khi được Chúa Giêsu chữa khỏi chứng sốt nặng, nhạc mẫu của ông Phêrô liền chỗi dậy phục vụ Người (x. Mc 1:29-31; Lc 4:38-39). Và rồi chính Chúa Giêsu đã minh định: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27). Quả thật, ngay tại Bữa Tiệc Ly, trước khi Chúa Giêsu bị bắt, chính Ngài đã đích thân hạ mình bằng cách quỳ xuống mà rửa chân cho các môn đệ, Ngài muốn làm gương và dạy chúng ta về tầm quan trọng của sự phục vụ (x. Ga 13:3-20).
Chuyện phục vụ cũng liên quan thái độ “chảnh”. Người ta thường thích “sai” người ta làm cái này, việc nọ, và cứ tưởng thế là oai lắm. Ảo tưởng quá, dại dột quá, vì đi ngược lại đường lối của Chúa mà lại dám “hãnh diện”, thế mới chết chứ! Phục vụ là việc bình thường mà lại nhiêu khê. Phục vụ là dấn thân, cũng rất cần phải khiêm nhường mới có thể phục vụ. Không dễ chút nào!
Phục vụ còn liên quan nịnh bợ, tâng bốc, ranh mãnh. Cứ thấy “ông to, bà lớn” thì họ tìm mọi cách để “đưa đón” và “đẩy đưa”, đãi bôi, tâng bốc,… cốt để tỏ ra mình “oai”, tìm mọi cách “nịnh trên, đạp dưới”. Thật ra họ chỉ là “cáo mượn oai hổ”, chứng tỏ đầu óc kém cỏi, ngu dốt với cái đầu rỗng tuếch. Họ tự thú với người khác rằng “ông ơi, tôi ở bụi này”, ngu dại mà cứ tưởng mình giỏi giang. Kinh khủng thật! Tục ngữ Đức có câu nói thú vị: “Người ta bắt thỏ rừng bằng chó săn, bắt đàn bà bằng bạc tiền, và bắt kẻ ngu si bằng lời khen dối trá”.
Ngôn sứ Isaia cho biết: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu“” (Is 53:10). Nghe chừng rất lạ, vì có vẻ rất… “ngược đời”, bình dân gọi là “trái khoáy”. Thế nhưng như vậy mà lại không phải như thế. Nghịch mà thuận, gọi là nghịch-lý-thuận.
Lý do vừa mặc nhiên vừa minh nhiên: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:11). Ai chân thành theo Chúa sẽ được tha thứ tội lỗi, được “trắng án” và được công chính hóa – tức là được “giải án, tuyên công”, vì chính Thiên Chúa “bù lỗ” cho họ. Thật hạnh phúc biết bao!
Thiên Chúa công minh và chính trực. Ngài giàu lòng thương xót (Ep 2:4), nhưng Ngài lại thẳng thắn, không thiên vị bất cứ ai (1 Pr 1:17; Gl 2:6; Cv 10:34). Mọi lời Ngài nói đều nên trọn: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33:4-5).
Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật, còn mọi người đều giả dối (Rm 3:4). Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối, Ngài “không thể bị cám dỗ làm điều xấu và chính Ngài cũng không cám dỗ ai” (Gc 1:13). Tác giả Thánh Vịnh đã minh chứng: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì” (Tv 33:18-20).
Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8 và 16), là lòng thương xót, là lòng trắc ẩn. Chúng ta có biết yêu thương thì cũng là nhờ Ngài, bắt nguồn từ Nguồn Yêu Thương của Ngài. Thiếu tình yêu, chắc chắn con người sẽ chết sớm. Vì thế, chúng ta phải biết không ngừng cầu xin Ngài: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).
Yêu thương là phục vụ, không yêu thương thì người ta không muốn phục vụ – dù có thể họ vẫn biết cách phục vụ. Nhưng để có thể phục vụ, người ta phải biết yêu thương; để có thể yêu thương, người ta phải biết lắng nghe nhau, đặc biệt là lắng nghe Thiên Chúa. Ước gì mọi người đều biết sẵn sàng và mau mắn như cậu Samuel ngày xưa: “Lạy Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3:9).
Chúa Giêsu là vị Thượng Tế biết cảm thương, luôn chạnh lòng thương xót người khác, luôn động lòng trắc ẩn trước những con người khốn khổ. Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (Dt 4:14). Tuyên tín là điều cần thiết, nhưng lại không đơn giản, vì đơn giản như việc làm Dấu Thánh Giá mà nhiều người vẫn “e ngại”, nhất là khi có người khác tôn giáo hoặc ở nơi công cộng. Họ lý luận bằng cách phát âm là “làm dấu” nhưng thực ra là “làm giấu” đó mà!
Thánh Phaolô nói rõ ràng, dùng phủ định cách để làm nổi bật sự xác định: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Không đến với Lòng Chúa Thương Xót không chỉ là dại dột mà phải nói là ngu xuẩn. Tuy nhiên, nếu ảo tưởng thì chúng ta chỉ “lợi dụng” Lòng Chúa Thương Xót mà thôi. TIN mình được Chúa thương thì không là kiêu ngạo, nhưng TƯỞNG mình được Chúa thương thì lại là kiêu ngạo!
Kiêu ngạo là ảo tưởng. Vì ảo tưởng mà không yêu thương – mà yêu thương thì rất thực tế, vì cần hành động cụ thể. Do đó, không yêu thương thì không thể phục vụ. Phục vụ đối lập với quyền hành, địa vị, chức tước, vì người có chức quyền không muốn phục vụ, chỉ muốn “chỉ dạy” và muốn được phục vụ. Tại sao chúng ta khó phục vụ? Bởi vì chúng ta ích kỷ, ỷ lại, ngại khó, sợ hèn, quen “chảnh”. Thánh nữ Têrêsa Avila (1515-1582), Tiến sĩ Thần bí, nhận xét: “Chúng ta quá tự ái, quá vận dụng tài trí trần gian để khoe khoang mình, đó là sự dối trá to lớn và ngông cuồng, các thánh nhân không như thế”.
Chuyện phục vụ có “dính líu” tới chức quyền. Trình thuật Mc 10:35-45 là câu chuyện đầy kịch tính về vấn đề này, hầu như lúc nào cũng là vấn đề “thời sự nóng”.
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và “lấy lòng” Ngài bằng cách rào trước đón sau: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Ngài hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”. Họ không ngần ngại vào thẳng vấn đề: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.
Đức Giêsu trách mắng họ và Ngài cũng nói thẳng: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Họ có vẻ “vô tư” khi trả lời Ngài: “Thưa được”. Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Nghe lời này, có lẽ họ cảm thấy… “ngại” lắm đấy. Và đó cũng là “tâm trạng” của chúng ta ngày nay!
Sau khi nghe hai anh em nhà Dêbêđê nói vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Bản tính ghen tỵ trong con người luôn muốn trỗi dậy, sẵn sàng vùng lên bất cứ lúc nào, nhất là khi cảm thấy mình “lép vế” hơn người khác. Ghen tỵ vì tự ái. Tính ghen tỵ có ở mọi nơi và trong mọi người. Tính ghen tỵ dễ thấy trong các cộng động – cả xã hội và tôn giáo. Trong các giáo xứ, đoàn thể, cộng đoàn tu trì, nhóm từ thiện, thậm chí ngay trong gia đình, chúng ta vẫn thấy có tính ghen tỵ – với các mức độ khác nhau. Con gà còn tức nhau vì tiếng gáy kia mà! Tự ái và ghen tỵ là “chướng ngại vật” khiến chúng ta khó “từ bỏ mình” theo ý của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu biết các đệ tử đang hậm hực với nhau vì muốn tranh giành quyền hành, Ngài gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Rõ ràng quá, không có gì khó hiểu, nói ngắn gọn là “ai muốn làm đầu phải hầu người khác”.
Tại sao lại “ngược đời” vậy chứ? Chúa Giêsu đã minh chứng cụ thể: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Chúng ta không thể viện cớ với bất cứ lý do gì để tự biện hộ nữa. Thật vậy, cứ “xem quả thì biết cây” (Mt 12:33; Lc 6:44).
Trong dịp viếng thăm đất nước Hoa Kỳ (cuối tháng 9-2015), ĐGH Phanxicô đã vấp bậc cầu thang và lảo đảo khi lên máy bay (*). Trong lúc đó, gió còn thổi khăn choàng vai phủ lên đầu, và không có ai đi kế bên ngài. Khi ngài lên tới cửa máy bay, có người muốn xách cặp giùm nhưng ngài từ chối. Gương khiêm nhường và phục vụ rốt rõ nét. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Con Người đến KHÔNG phải để ĐƯỢC người ta phục vụ, nhưng là để PHỤC VỤ và HIẾN DÂNG mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45). Khi ăn uống, ĐGH Phanxicô hòa mình vào với mọi người, thân thiện và gần gũi, không thích ngồi “chỗ danh dự”, không muốn đi ăn với người sang trọng mà thích đi ăn với người vô gia cư.
Còn chúng ta, nhất là những “người lớn”? Thực tế, có nhiều người chưa “lớn” đã chảnh lắm! Trả lời với Chúa Giêsu thế nào đây? Ai “dám” noi gương ĐGH Phanxicô? Có lẽ người ta gãi đầu, ậm ừ, lần lữa, và… hậu xét!
Hôm nay, ngay bây giờ, và hơn bao giờ hết, có lẽ chúng ta phải suy tư nhiều và cố gắng chân thành cầu nguyện theo gương Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Lời cầu này mệnh danh là Kinh Hòa Bình vì đậm chất phục vụ theo Ý Chúa – phụng sự Chúa TRONG mọi người. Quả thật, đúng như lời Chúa Giêsu đã xác định khi “phân loại” Chiên và Dê: “Mỗi lần các ngươi LÀM [giúp đỡ] cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã LÀM cho chính Ta, mỗi lần các ngươi KHÔNG LÀM [giúp đỡ] cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta là các ngươi đã KHÔNG LÀM cho chính Ta” (x. Mt 25:31-46).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết nhận diện chính mình để đủ sức triệt hạ “cái tôi” trong con. Hạt-bụi-con không đáng gì mà đã làm bận mắt Ngài, con chỉ là kẻ vô dụng vì bất tài, nhưng vì Tôn Danh Ngài, xin biến con thành khí cụ bình an và yêu thương, để bất cứ ai gặp con cũng gặp được Ngài, và xin cho con cũng gặp Ngài nơi những người con gặp. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Xin xem đoạn video này để thấy rõ: https://www.youtube.com/watch?v=kxKU9v5aorA

 

Chấp Nhận Bị Tù Vì Bảo Vệ Sự Sống

Mary Wagner, 38 tuổi, là một phụ nữ tinh nghịch với cá tính mạnh mẽ. Sống trong một gia đình toàn anh em trai ở Đảo Vancouver, chị trở thành người mẹ thứ hai của các em (dù mẹ chị vẫn còn) và chị còn biết sửa xe hơi nữa. Có lúc nhìn chị như một người mẹ, có lúc nhìn chị như một nữ tu.
Chị bị kết tội làm điều sai trái và bị tù 40 ngày vì tham gia nhóm chống phá thai ở Toronto để khuyên các phụ nữ giữ lại đứa bé. Chị bị kết án lần 2 năm 2000 và ở tù 2 năm. Chị mãn hạn tù hồi đầu năm 2011 - nhưng phải mất 4 tháng chờ xét xử. Hẳn là chị đã được thả khi bị tạm giam trước khi xét xử, nhưng với điều kiện phải ký thỏa hiệp không lui tới các nơi phá thai.
Đây là điều chị có thể làm. Chị nói: “Làm sao tôi có thể hứa không bảo vệ anh chị em của tôi không có ai bảo vệ chứ?”. Mỉa mai thay, chị nói rằng có nhiều người sẵn sàng nói thật về việc phá thai trong tù hơn ở ngoài.
Chị chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ ở một nơi dễ nói về việc phá thai như vậy. Các phụ nữ đều biết phá thai là giết thai nhi. Một số thai phụ có thể nói rằng họ nghiện ma túy nên không biết làm sao hoặc họ bị hãm hiếp và không biết mình có thai. Tôi đoán họ không bị người khác bắt buộc phá thai”.
Giới trẻ và cách sống đã rõ, một số nữ tù nhân vào tù mà mang thai. Khi giao tiếp tại Trung Tâm Phụ nữ Vanier ở Milton, Ontario, chị nói bằng lòng trắc ẩn dành cho các nữ tù nhân, 80% trong số họ bị tù vì liên quan ma túy hoặc rượu chè. Chị nói: “Rất nhiều người có hoàn cảnh rất khác so với tôi. Đời tôi hẳn đã khác nếu tôi không có hoàn cảnh thế này”.
Có Điều Gì Bên Trong?
Alissa Golob là nhân viên biên chế với Phong trào Sự sống Canada (Campaign Life Canada) đứng chờ ngoài đường để đưa đồ phá thai hồi tháng 12 -2010, khi chị Wagner vào thì bị bắt. Alissa Golob nói rằng bạn của chị đã đưa cho các phụ nữ các đồ phá thai ngụy trang là đồ trang trí cây Noel.
Sau khi bị bắt, chị Wagner được thả nhờ người bảo lãnh, nhưng chị lại bị bắt ở phòng chờ tại một phòng phá thai khác hồi tháng 8-2011 và bị tù. Nhưng án tù 40 ngày của chị phải chờ đến ngày 5-10-2011 mới xét xử. Chị Wagner cho rằng tòa sẽ kết án chị tù một thời gian.
Sau 3 năm ở nhà thử Dòng Tiểu Muội Thánh Gioan (Sisters of St. John) ở Hoa Kỳ và Pháp quốc, chị vẫn duy trì lòng sùng kính, kinh chiều, kinh sáng, lần Chuỗi Mân Côi và Chuỗi Lòng Thương Xót, và trong quá khứ, các việc thực hành này vẫn thu hút các bạn tù khác cùng tham dự.
Mẹ của chị, bà Sarah Wagner, nói: “Mary luôn nghĩ tới trẻ em và như người mẹ thứ hai với các em trong gia đình. Chị là nhân viên phục vụ, chị bỏ việc vì sếp của chị không tử tế với một phụ nữ mang thai”. Bà Sarah Wagner nói thêm: “Con gái tôi không cuồng tín mà luôn nghiêm túc về luân lý”.
Chị nhận thức rõ nhờ các nữ tu Dòng Thánh Gioan ở Pháp quốc, sau khi bị tù lần đầu năm 2000, chị được phân công làm tài xế cho nhà dòng. Khi chị đưa các
thành viên tới bác sĩ, chị không thể không tư vấn cho các thai phụ ở phòng chờ sinh con. Hiện nay, chị nhận thức rõ rằng đây là tiếng Chúa kêu gọi chị – một ơn gọi.
Phước Lành
Alissa Golob nói: “Chị ấy là nguồn cảm hứng. Chị ấy có thể làm mọi thứ.” Nhưng Joyce Arthur, giám đốc tổ chức Liên Minh Quyền Phá Thai Canada (Abortion Rights Coalition of Canada), nói rằng chị Wagner có “sổ đen” của cảnh sát và bị vài tội.
Arthur nói: “Mặc dù bị cảnh báo nhiều về việc phạm pháp, chị ta vẫn cứ làm. Tòa án đành phải cho chị ta vào tù. Rõ ràng chị ta sẵn sàng trả giá. Chị ta phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và những thiệt hại mà chị ta bắt các phụ nữ phải chịu”.
Thiệt hại gì? Arthur kể ít nhất 8 nghiên cứu nói rằng những người chống phá thai “làm tăng nguy cơ biến chứng y khoa và tâm lý đối với phụ nữ phá thai”. Đó là lý do các thẩm phán và các nhà lập pháp Canada đã lập các vùng nóng quanh các khu công nghiệp.
Leeda Crawford, Phát ngôn viên của Phong trào Sự sống, nói: “Buồn là những người phá thai được hỗ trợ để cảm thấy an tâm. Đó là tội lỗi. Mục đích của chị Mary Wagner đến các bệnh viện phụ sản là để nói cho các thai phụ biết sự thật về những gì các cán bộ sẽ nói với họ. Thai nhi là một con người và phá thai là sát nhân”. Crawford nói rằng chị đã có những lần phá thai, và cảm giác tội lỗi khiến chị nghiện rượu.
Tại Trung Tâm Vanier, chị Wagner cùng tổ chức với Linda Gibbons, một bà già cũng bất chấp luật pháp Canada và tư vấn cho các thai phụ đến các điểm phá thai ở Toronto.
Chị Wagner nói rằng đó là “niềm vui” ở bên Gibbons, trong khi Gibbons gọi chị Wagner là “Mẹ Mary Wagner”. Chị là người Công giáo theo hệ phái Phúc Âm (Evangelical Catholic). Chị chính là phước lành!
VIỄN ĐÔNG (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)

 

Đau khổ và Đức tin
(Chúa nhật XXIX TN, năm B)

Không ai muốn “chạm trán” đau khổ, nghĩa là ai cũng tìm mọi cách và bằng mọi giá để tránh đau khổ, thế nhưng hầu như ngày nào chúng ta cũng phải đối mặt với đau khổ, dù ít hay nhiều, với các dạng và mức độ khác nhau.

Chính Chúa Giêsu đã từng tỏ cho các môn đệ biết rõ rằng “Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21). Một câu ngắn mà có tới 2 từ PHẢI và 1 từ BỊ, cả hai đều ở thể thụ động. Não lòng quá! Đau khổ có hệ lụy gần gũi với nước mắt, loại nước đặc biệt mang vị mặn đặc trưng.

Thế nhưng đau khổ như một phần tất yếu của cuộc sống, như “phần cứng” được cài đặt mặc định trong mỗi con người. Một đứa trẻ chưa hề nếm mùi đau khổ, thế mà vừa sinh ra đã bật tiếng khóc để chào đời. Vui sao lại khóc? Đứa trẻ nào không khóc là có vấn đề, cha mẹ lo sốt vó. Như vậy, mặc nhiên người ta đã chấp nhận sự đau khổ là phần tất yếu. Đúng vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).

ĐAU KHỔ CÓ VỊ ĐẮNG HAY NGỌT ?

Bài đọc I hôm nay là một phần của bài thứ tư trong số các Bài Ca Người Tôi Trung: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53:10). “Bị nghiền nát vì đau khổ” là để “được trường tồn”. Ngược đời quá! Với con người, như thế thật là chua chát, cay đắng, có thể không còn nước mắt để khóc nữa. Người Tôi Trung đó chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia giải thích: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:11).

Đau khổ nào cũng cay đắng, đắng đến tê lòng, nhưng đau khổ vẫn có vị ngọt bùi kỳ lạ. Trong thực tế cuộc sống, khi chịu đau khổ vì tình yêu, có người gọi nỗi đau khổ đó là “thú đau thương”, là “nỗi đau dịu êm”. Vậy đó, đau thương mà vẫn thú vị, đau khổ mà vẫn dịu êm. Còn nước mắt lại được ví von là “giọt nước mắt ngà”. Thế mới lạ, thế mới cao thượng. Người đời con khả dĩ nhận thức như vậy huống chi những người tin nhận Đức Kitô là Thiên Chúa! Ai có thể cảm nhận được như vậy chính là người ta đã vượt lên trên nỗi đau khổ. Chắc chắn không ai có thể tránh đau khổ, nhưng muốn tránh đau khổ thì chỉ còn cách đi xuyên qua đau khổ. Đó là cách độc đáo để tự “vượt qua số phận”.

Người can đảm chấp nhận đau khổ mà không than thân trách phận, không so đo với những người may mắn khác, chắc hẳn người đó phải có chiều sâu tâm linh, sống trong niềm phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng. Thật vậy, tác giả Thánh vịnh bày tỏ: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin” (Tv 33:4). Nói được như vậy là biết rõ Chúa là người thế nào: “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33:9). Chúng ta không thể nào hiểu hết tình yêu Chúa, cũng không thể cân-đo-đong-đếm Lòng Chúa Thương Xót, vì tình yêu thương ấy hoặc lòng trắc ẩn ấy vẫn triền miên hết ngày dài lại đêm thâu, suốt từ thuở hồng hoang trải dài từ đời nọ tới đời kia (x. Lc 1:50).

Tác giả Thánh vịnh tiếp tục minh định: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33:18-20). Ngay cả khi chúng ta quên Ngài mà Ngài vẫn luôn nhớ đến chúng ta, thậm chí cả khi chúng ta hoàn toàn đối nghịch với Ngài mà Ngài vẫn miệt mài tìm chúng ta để đưa về hưởng an bình nơi “đồng cỏ xanh rì bên suối ngọt lành” [x. Tv 22 (23)]. Vô tri bất mộ. Nhưng đã nếm thử Chúa ngọt ngào thế nào rồi thì không thể giữ riêng cho mình, mà tự lòng mình sẽ thôi thúc chia sẻ với người khác về Chúa: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì” (Tv 33:20), đồng thời tin tưởng và vui mừng cầu nguyện liên lỉ: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).

Và tới lúc này thì sự đau khổ không còn vị đắng nữa mà lại hóa vị ngọt ngào và êm dịu. Nghĩa là người ta có thể cảm nhận sâu sắc thế nào là “thú đau thương”, là “nỗi đau dịu êm” hoặc “giọt nước mắt ngà”.

Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (Dt 4:14). Niềm tin luôn quan trọng trong cuộc sống đời thường, đức tin càng quan trọng gấp bội trong đời sống Kitô hữu, nhất là chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin (*), đồng thời còn phải lưu ý việc tân Phúc Âm hóa.

Thánh Phaolô vừa giải thích vừa khuyến khích: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của cả nhân loại”. Quả thật, nếu Lòng Chúa Thương Xót không lớn lao hơn mọi thứ xấu xa tồi tệ nhất trên đời này thì chúng ta chết ngay lập tức. Tại sao? Không khí là bằng chứng sống động về Lòng Chúa Thương Xót: Nếu không khí loãng hơn một chút hoặc đậm đặc hơn một chút, chúng ta đủ chết ngắc rồi chứ đừng nói chi đến thiếu không khí. Đơn giản về không khí thôi thì chúng ta cũng phải không ngừng tạ ơn Chúa rồi, đừng nói chi đến những thứ khác!

ĐAU KHỔ CÓ ĐÁNG MƠ ƯỚC ?

Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây” (Mc 10:35). Rào trước đón sau, thậm chí như “ra điều kiện” với Chúa vậy. Và chúng ta cũng thường xuyên có cách cầu nguyện như vậy. Chúa Giêsu hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Các ông thưa ngay, không hề ngại ngùng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37). Rất thẳng thắn, rất thực tế, rất rõ ràng. Đây là cách cầu nguyện vị kỷ và tìm tư lợi. Hai con trai ông Dêbêđê chắc mẩm Sư phụ mình rất “ngon”, nổi tiếng như cồn, quyền phép vô song, uy tín vô cùng, chắc chắn Sư phụ sẽ lên ngôi báu trị vì thiên hạ, làm cận thần của Thầy mình thì còn gì oai hơn chứ? Trên cả tuyệt vời! Nếu là chúng ta, có thể chúng ta không muốn làm cận thần như họ, vì như vậy vẫn “bèo” lắm, mà có thể chúng ta muốn làm phó nguyên soái hoặc thủ tướng, chí ít cũng phải xin làm bộ trưởng.

Tuy nhiên, Đức Giêsu bảo ngay: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Chén này không phải là chén mật hoặc chén sữa, cũng chẳng phải là chén cà-phê, càng không phải là chén mật ngọt, mà là chén mật đắng; phép rửa này không rửa bằng nước mà rửa bằng máu tươi. Có lẽ các ông không hiểu ý Chúa nên mạnh dạn đáp: “Thưa được” (Mc 10:39a). Quá ngon!

Đức Giêsu thản nhiên: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Mc 10:39b-40). Vế thứ hai trong câu nói của Chúa Giêsu thật đáng lưu ý. Nghe Thầy trò họ đối thoại, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với anh em Giacôbê và Gioan. Đó cũng chính là động thái của chúng ta ngày nay, cũng ghen ăn tức ở chứ chẳng hơn gì ai!

Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết rằng những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người (Mc 10:42-44). Và Ngài dẫn chứng: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).

Vấn đề phục vụ là chuyện rất tế nhị, dễ “chạm” vào “phần mềm nhạy cảm” của bất kỳ ai – dù đời hay đạo. Nhưng Lời Chúa quá rõ ràng, không bóng gió, không “nói khéo”, không tránh né. Tuy nhiên, trong sinh hoạt thường nhật, cái mà người ta nói là phục vụ người khác nhưng thực chất có thể lại chỉ là cung cách “phục vụ có điều kiện”.

Phục vụ cũng liên quan đau khổ. Hầu như mọi thứ đều liên đới với nhau, nối kết như mạng nhện vậy, nối kết không trực tiếp thì gián tiếp. Trên một tấm bảng đồng, người ta khắc những dòng chữ này:

Lạy Chúa, con cầu xin được Mạnh Mẽ để thành đạt trong cuộc đời, Chúa lại làm cho con ra yếu đuối để biết vâng lời khiêm hạ.
Con cầu xin có Sức Khỏe để mong thực hiện những công trình lớn lao, Chúa lại cho con chịu tàn tật để chỉ làm những việc nhỏ tốt lành.
Con cầu xin được Giàu Sang để sống sung sướng thoải mái, Chúa lại cho con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.
Con cầu xin có Uy Quyền để mọi người phải kính nể ca ngợi, Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần Chúa.
Con cầu xin cho Có Tất Cả để tận hưởng cuộc đời, Chúa lại cho con cả cuộc đời để tận hưởng mọi sự.
Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn. Nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết cầu xin, thế mà Chúa vẫn ban cho con thật dư đầy từ lâu.
Lạy Chúa, hóa ra con lại là người hơn hết trên đời này, bởi con đã nhận được vô vàn ân phúc của Chúa.Toàn những thứ trái ngược nhau. Tuy nhiên, chúng ta khả dĩ nhận thấy rằng đau khổ không là điều đáng nguyền rủa, mà ngược lại, đau khổ là điều đáng mơ ước: Thánh giá Chúa trao – như người ta thường nói với người gặp đau khổ. Vui chịu đau khổ là sống đức tin, là bước qua cửa hẹp (Mt 7:13-14; Lc 13:24), là vác thập giá theo Chúa (Mt 10:38; Lc 14:27), là từ bỏ mình (Mt 10:39; Lc 14:33).

Năm Đức Tin đã khởi đầu, nhắc nhở chúng ta phải nghiêm túc xem lại đức tin của chính mình: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10:32-33).

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin ban cho chúng con lòng can đảm và khôn ngoan để chúng con tuyên xưng Danh Chúa mọi nơi và mọi lúc, đồng thời biết dùng ánh mắt đức tin để nhân biết Thánh Ý Ngài trong từng nỗi đau khổ của cuộc đời. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

__________________________________
(*) ĐGH Biển Đức XVI đã ban hành Tông thư Porta Fidei (Cổng Đức Tin) hồi tháng 10-2011, nói về việc mở Năm Đức Tin để kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II (Chân phước GH Gioan XXIII) và 20 năm xuất bản sách Giáo lý Công giáo (Chân phước GH Gioan Phaolô II). Năm Đức Tin đã chính thức khai mạc tại Rôma ngày 11-10-2012, và sẽ kết thúc ngày 24-11-2013 (lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ). Chủ đề của Năm Đức Tin là Tân Phúc Âm hóa.
Giáo hội Công giáo Việt Nam chính thức khai mạc Năm Đức Tin ngày 18-10-2012 tại GP Thanh Hóa, nơi diễn ra Hội nghị thường niên các Giám mục Việt Nam, và các giáo xứ khai mạc Năm Đức Tin ngày 21-10-2012, Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo.

TRẦM THIÊN THU

 

DongCongNet 28-tháng 10-2012

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)