Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B
 
 


Chúa Nhật 6 Phục Sinh- B (13-5-2012)
Yêu Như Chúa Yêu (Ga.15, 9-17)

Chưa có một vị thần linh, hay một sư phụ nào trước khi chết lại có lời trăn trối cao thượng và tâm huyết như Chúa Giêsu của đạo Kitô chúng ta. “Con chim trước khi chết thì cất tiếng hót bi thương, con người trước khi chết thì nói lời chân thật” Điều này chúng ta có thể lấy Chúa Giêsu làm bằng chứng. Trong bữa tiệc ly, trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thành, và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Người. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”

Luật cũ trong Cựu  Ước dạy:  “Hãy yêu thương  đồng loại như chính mình”,  n g hĩa là lấy bản thân mỗi người làm tiêu chuẩn: tôi yêu bản thân tôi thế nào, thì tôi cũng hãy yêu thương người khác như vậy.   Đó là mức yêu thương cao  độ lắm rồi, nhưng vẫn còn giớihạn và chưa loại trừ hết  được  động lực vị kỷ. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra những đòi hỏi mới về tình yêu thương, và Người đưa tình yêu đó lên đến tột đỉnh mà loài người không ai dám nghĩ tới.  Đó là Người dạy: hãy yêu thương như chính Người yêu thương. Chúng ta không chỉ lấy chính mình làm tiêu chuẩn, mà phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn và mẫu mực: yêu người như Chúa yêu. Chúng ta phải yêu như Chúa đã yêu. Khó quá! Ai trong chúng ta cũng phải kêu lên như thế.

Vậy Chúa  đã yêu như thế nào? Cả cuộc  đời của Người, Người  đã yêu thương tất cả mọi người, và mỗi người một cách thức khác nhau, nhưng thiết thực và chân thành  đến cùng. Người không  để ai  đến với Người phải ra về tay không: người mù được thấy,  kẻ điếc được nghe, người què đi được, kẻ câm nói được, người chết sống lại…vv… thậm chí,  đám cưới  đang lúng túng vì thíêu rượu cũng  được Người cho rượu tràn trề. Người quan tâm cả tới nỗi mệt nhọc của môn đệ và đưa họ đi nghỉ ngơi dưỡng sức. Người quan tâm tới những yếu đuối của họ để sửa dạy và nâng đỡ. Quả thực, tình yêu của Người thiết thực như một người mẹ hiền chăm sóc đàn con thơ bé.

Có những người xem ra không xứng  đáng cho Người yêu thương, thế mà Người vẫn quan tâm đến họ. Những cô gái  điếm, trước mắt Người vẫn có giá trị. Những người sống ngoài lề xã hội, những người không một ai thèm để ý tới, thì người đã đi bước trước đến với họ. Tất cả mọi người, trong ánh mắt Người đều rất quan trọng. Mỗi người là một nhân vị Người thấy cần được yêu thương. Ngay cả khi Người đứng trước cái chết, Người vẫn thể hiện một tình yêu  đến cùng, đúng như Người nói: “Tình yêu lớn nhất là thí mạng cho người mình yêu” Thực là khó quá, làm sao chúng ta có thể thực hiện được?!

Có một câu truyện cùng lời khuyên sau  đây: trong một lớp học kia, thầy giáo bất ngờ ra bài làm cho các học sinh như sau:  “Từ nay  đến cuối tuần, mỗi em hãy quan sát và tìm ra một loại hoa tầm thường nở bên vệ đường hay nơi đồng nội. Những bông hoa không được ai để ý đến và đặt tên cho đàng hoàng, nhưng chỉ được gọi bằng một tên chung là 'hoa dại', không có giá trị gì” Cả lớp học hăng hái thực hiện bài làm. Mỗi em mang theo một cái kính lúp và quan sát thật kỹ những bông hoa các em gặp bên đường. Sau đó, từng em lên mô tả lại nét đẹp của những bông hoa dại mà các em  đã gặp và quan sát. Cuối cùng, cả lớp cùng có chung một công nhận: tất cả những bông hoa dại bị khinh thường bên vệ  đường, mỗi bông hoa  đều có vẻ  đẹp riêng thật tuyệt vời  đến không thể ngờ được.

Và thầy giáo lên tiếng kết luận: Các em đã có kinh nghiệm rồi đó. Nếu chúng ta dành thời giờ để chú ý, và quan sát đi quan sát lại, thì chúng ta sẽ thấy cả vật tầm thường nhất như bông hoa dại kia cũng sẽ có vẻ đẹp trước mắt chúng ta. Áp dụng vào mối tương quan giữa người với người, các em hãy nhớ  điều này: mỗi người là một kỳ công tuyệt đẹp của Đấng Tạo Hoá. Nét đẹp của mỗi người khác nhau mà chúng ta không thể quan sát cho hết được. Thế nhưng, mỗi người chúng ta không có thời giờ dành cho nhau, tìm hiểu nhau, chúng ta chỉ biết nhau hời hợt bên ngoài, ngay khi chúng ta  ở bên cạnh nhau. Chúng ta chỉ ghi nhận những tật xấu, những khuyết  điểm, những lỗi lầm… mà quên  đi hay không muốn nhìn  đến những  điều hay, cái  đẹp của những người chúng ta gặp gỡ, hay người đang ở bên cạnh ta. Chúng ta không thể có tất cả những cái, những ai chúng ta thích, nhưng hãy biết yêu thích những gì chúng ta  đang có, hãy yêu mến những ai chúng ta gặp hằng ngày. Ước gì, lời nhận  định cuả thầy giáo trên  đây thức tỉnh mỗi người chúng ta về mối tương quan của mình đối với  đồng loại. Chúng ta có dành  đủ thời giờ  để tìm hiểu và nhận ra những điều tốt đẹp nơi tha nhân hay không? Có phải vì thường xuyên gặp mỗi ngày mà chúng ta có thái  độ coi thường, không biết tôn trọng không? Có phải vì cuộc sống khó khăn mà chúng ta sống thơ ơ vô cảm với anh chị em chung quanh không? Có phải vì một điều gì đó mà chúng ta né tránh và phủ nhận những điều cao đẹp của người anh em không?

Sr. GM Lệ Tâm

 

Chúa Nhật 6 Phục Sinh B 10-5-2015
Hãy Ở Lại Trong Tình Yêu Thầy (Ga 15: 9-17)

Lời tâm huyết sau cùng của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ là những lời từ con tim vào những ngày cuối của Ngài trên trần gian: “Hãy ở lại trong tình yêuThầy.”

Ngài muốn đưa các tông đồ vào trong nội tâm tình yêu thâm sâu nhất, linh thiêng nhất: nơi đó Ngài là một với Thiên Chúa Cha qua bản tính. Trong tình yêu, Ngài không còn gọi các tông đồ là tôi tớ nữa màlà bạn hữu, thông chia tình nghĩa tử trong tình Cha-Con linh thánh qua lời đoan hứa: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũngyêu mến anh em như vậy.”(Ga 15:9). Trong Chúa Giêsu, các tông đồ được gọi Thiên Chúa là Cha, nhận được tình yêu Thiên Chúa quaviệc tham dự vào tình Con Thảo của Chúa Giêsu. QuaChúa Giêsu, con người thực sự trở nên vĩ đại trong việc chấp nhận có ý thức lời mời gọi chìm ngập vào Thiên Chúa trong tương quan thần linh, do Thiên Chúa là Cha tốt lành và nhân hậu.  Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta là những tạo vật mỏng dòn và yếu hèn được cứu độ và đi vào sự trường tồn trong Thiên Chúa.

Chúa Cha Ngài, các tông đồ noi gương Chúa Giêsutrong việc thi hành thánh ý Cha, lệ thuộc vào Cha,phó thác cho Cha, tin vào Cha cả khi phải hy sinh cả mạng sống. Tình con thảo này chỉ đạt được khi Thiên Chúa nhìn thấy hình ảnh Con Yêu Dấu Ngài thật rõ nét trong ta, hay khi ta có thể tuyên xưng với Thánh Phaolô: “Tôi sống, không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20).

Ở lại trong tình yêu Chúa Giêsu... kết quả của sự gặp gỡ này đụng chạm đến đức tin, mang cho đời ta một định hướng, một ý nghĩa mới và canh tân những tương quan giữa ta với tha nhân: không loại trừ không chọn lựa “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúng ta được mời gọi vào cung cách hiện hữu, suy nghĩ, hành động trong tương quan với mọi người kể cả kẻ thù theo gương mẫu của Chúa Giêsu: “Hãy yêu kẻ thù, cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44).

Tương quan trong tình yêu là căn tính của Kitô giáo, tất cả lề luật và các tiên tri đều dựa vào đó. Giới răn quan trọng nhất: Yêu mến Thiên Chúa, và giới răn thứ hai cũng giống như vậy yêu thương tha nhân như chính mình. Chúng ta chỉ chu toàn được hai giới răn này nếu chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu cho đến khi Ngài thay thế trái tim ta bằng trái tim của Con-Thiên-Chúa-làm-người. Con đường duy nhất dẫn đến sự hiệp thông với Thiên Chúa là Chúa Giêsu, ngoài ra không có con đường nào khác. Tình yêu tha nhân cũng chỉ vào trong Thiên Chúa khi chúng ta yêu thương vô vị lợi, không ích kỷ như Chúa Giêsu yêu thương và làm gương. “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 15:5). Sự gặp gỡ này không thụ động mà mang sức tác động mãnh liệt đến thiêu rụi tất cả những gì không phù hợp với Tin Mừng trong tư tưởng, tình yêu và lòng trí chúng ta.Sau đó cũng do sự gặp gỡ này sẽ tạo lập trong ta một con người mới theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, để ta có thể yêu Chúa Cha như Ngài, thi hành ý Cha như Ngài và yêu thương tha nhân như Ngài, có thế thì hoa trái trường sinh mới đâm chồi nảy lộc trong đời ta.

Ở lại trong Ngài... sẽ biến đổi chúng ta nên một tạo vật mới, một tông đồ nhiệt thành như Thần Khí Ngài đã biến đổi các tông đồ từ những con người thất đảm sợ hãi trốn chạy sau cái chết của Ngài trên thập giá nên những nhà truyền giáo mạnh dạn đầy sinh khí khi rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh và sẵn lòng chứng minh cho Tin Mừng bằng chính cái chết dũng cảm. Ở lại trong tình yêu Chúa... sẽ làm ta nên nhân chứng kiên hùng như cha ông tiền nhân của chúng ta trong đức tin, và tha nhân sẽ nhận ra hình ảnh Chúa trong ta. Như men được trộn vào ba đấu bột, môi trường sống của chúng ta cũng được Phúc Âm hóa, do tác động của Thần Khí.

Việc gặp gỡ này không chỉ là cuộc gặp gỡ thân hữu trong chốt lát, nhưng là một hiện thực có khởi điểm từ khi ta được tháp nhập vào sự sống Thiên Chúa qua ơn thánh và sẽ tiếp tục đời đời trong nước của Ngài. Sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa liên tục và thường xuyên trong tất cả mọi cảnh huống của cuộc đời, chứng tỏ một bước tiến khả quan trong việc“ở lại trong tình yêu Thầy”. Tin và ý thức mình được mời gọi sống trong tình yêu của Thiên Chúa mỗi ngày với một mức độ mới là một tiến trình tiến lên liên tụctrong việc “ở lại trong tình yêu Thầy”. Mỗi ngày Chúa ban thêm vào đời sống ta, được ta đóng ấn bằng việc suy gẫm và chiêm ngắm Chúa trong Phúc Âm là sửa soạn cho sự gặp gỡ và hiện diện với Ngài trong cõihằng sống, cũng mang đến từ việc “ở lại trong tình yêu Thầy”. Đón nhận những thương tích và đau khổ trong cuộc đời mà vẫn kiên trì tin tưởng vào tình yêu Ngài, là dấu chỉ được mời gọi vào mầu nhiệm của tình yêucứu chuộc qua việc “ở lại trong tình yêu Thầy”. Niềm vui thiêng liêng nảy sinh trong tâm hồn rộng mở để Chúa tự do chinh phục, thống trị, hướng dẫn và uốn nắn là dấu chứng đích thực mình đang “ở lại trong tình yêu của Thầy.”

Sr. Marguerite Tường Vi, Dòng Trinh Vương

 

Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con

Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ trước khi Người bị trao nộp, với tình thân thương của Thầy đối với trò, Chúa Giêsu đã tâm sự và tỏ lộ tất cả những gì cần nói của một người sắp sửa ra đi. Lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu cho các môn đệ không dài dòng, mà cũng chẳng với mục đích để trăn trối một kho tàng vật chất lớn lao. Không, di chúc của Chúa Giêsu rất ngắn gọn, nhưng bao hàm tất cả giáo huấn của Người và cũng chính là trọng tâm của đạo Kitô: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12).

Để làm gương cho các môn đệ và để cho các ngài thấy rằng Người không chỉ nói trên lý thuyết hoặc nói suông mà không làm, Chúa Giêsu đã hy sinh chính tính mạng mình, đã chấp nhận cái chết trên thập giá để chuộc tội loài người. Còn bằng chứng hùng hồn nào hơn Người có thể dùng để chứng tỏ tình yêu của Người? Cái chết trên thập giá đã bày tỏ hoàn toàn không những tình yêu của Người đối với Chúa Cha mà còn là chóp đỉnh của tình yêu của Người đối với nhân loại, vì "không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

Truyện kể rằng, ngày kia tướng quỷ cố gắng tìm cách đột nhập vào Thiên Đàng nên hắn đã cải trang làm Đức Kitô Phục Sinh. Hắn dẫn theo một đoàn quỷ con cũng cải trang như các Thiên Thần. Đoàn rước tiến về phía cổng Thiên Đàng, vừa đi vừa ca hát thánh vịnh: "Hãy ngẩng đầu lên, hỡi cửa ngàn thu, hãy mở cửa ra để Vua Vinh Quang ngự tới!" Các Thiên Thần đứng ở trên thành nhìn xuống tưởng là Đức Kitô, Vua của họ, và đoàn tuỳ tùng đang trở về trong chiến thắng vinh quang sau phục sinh. Do đó các ngài đã xướng đáp lại: "Vua vinh quang là ai vậy?" Tướng quỷ liền cao hứng mạnh dạn giang tay ra tuyên bố: "Vua vinh quang chính là ta!" Nhưng hắn đã làm một sự sai lầm vì khi giơ tay ra, bàn tay của hắn không có dấu đinh, không có những dấu thương tích của tình yêu. Do đó, các Thiên Thần phát hiện ra sự giả tạo của hắn và đã đóng sập cổng Thiên Đàng lại.

Chúa Giêsu yêu thương chúng ta nên đã chịu đóng đinh và chịu chết vì chúng ta, và Người muốn chúng ta cũng yêu thương nhau như vậy. Mọi người trong chúng ta ai ai cũng cần tình yêu, ai cũng sinh ra để yêu và được yêu. Tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của mọi người. Vì thế, giới luật yêu thương Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ Người cũng truyền lại cho mỗi người chúng ta, để chúng ta cũng được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa (Ga 15,9) và trở nên bạn hữu của Người (Ga 15,14). Ở lại trong tình yêu của Chúa và tình bạn hữu với Người bảo đảm sự hiện diện của Người trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ sự hiện diện này, linh hồn mỗi người được tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, một thứ niềm vui mà không của cải vật chất hay khoái lạc nào của trần gian có thể đem lại được.

Để lãnh nhận những ân huệ đó, Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ giới luật yêu thương Người đã truyền là hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. "Yêu thương nhau" không phải chỉ là thứ tình yêu hạn hẹp chúng ta dành riêng cho cha mẹ, ông bà, con cái, họ hàng, bạn bè, và các thành viên khác của gia đình. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu rộng rãi, yêu tất cả thành viên trong nhân loại, không loại trừ ai: yêu cả người tốt lẫn người xấu, yêu cả người chê ghét chúng ta... Yêu như Chúa yêu còn đòi phải hy sinh tiền của, thời giờ, sức lực, và thậm chí còn phải chết đi cho chính mình.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết yêu Chúa với hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn, và yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Sr. M. Claire T. Thư, MTGQN

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)