Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B
 
 

 

Chúa Nhật 25 Thường Niên B 23-9-2012
Hiểu Lầm  Mc 9: 29-36

Có người du khách kia kể lại rằng vào tờ mờ buổi sáng, khi anh lái xe qua miền rừng núi quanh co  ở Pêru thì có một người từ trong rừng chạy ra, đầu đội chiếc mũ đen trùm kín cả mặt, tay cầm vật gì đó vừa vẫy tay vừa hô to.  Vì không hiểu tiếng nói, nên anh sợ hết hồn tưởng là tên cướp trong rừng cầm khí giới mò ra kiếm ăn.  Khi thấy người ấy chạy nhanh về phía mình.  Anh chốt cửa xe, và dọt lẹ tiến lên phía trước.  Nhưng ông ta đổi hướng chạy đường tắt đón đường.  Anh cố nhấn ga chạy thoát thân thì người  đó  đã tới gần bên vệ  đường, lột mũ ra và tay cầm một con cá lớn, ông ta mới bắt được ở hồ gần đó và muốn bán cho khách qua đường.  Nhưng anh lại hiểu lầm cho là tên cướp cầm khí giới ra chặn đường.

Có lẽ, nhiều lần ta cũng hiểu lầm người khác khi ta chỉ nhìn họ theo dáng vẻ bên ngoài, hoặc chỉ nghe qua tai mà không hiểu lời họ muốn nói. Tin Mừng cho thấy nhiều lần các môn  đệ cũng  đã hiểu lầm lời Chúa Giêsu.  Nhiều khi các ông hiểu ngược hẳn lại với những điều Chúa Giêsu muốn dạy.  Có lần Chúa bảo các ông hãy coi chừng men bọn Pharisiêu thì các ông lại nghĩ chắc mình quên mang bánh, nhưng Chúa không có ý nói về men trong bánh mà Ngài có ý nói về cách sống giả hình, cách giữ đạo vụ vào hình thức của người Pharisiêu và Ngài lên tiếng cảnh giác các ông đừng để mình bị sa lầy vào lối sống ấy.  Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu đã
tiên báo cho các môn đệ Ngài:  "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Ngài và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Mc 9,31).  Mặc dầu đã nghe Chúa nói nhiều lần nhưng các ông vẫn còn chưa hiểu.  Ngài lại dạy:  "Ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ, ai muôn làm lớn thì phải là kẻ rốt hết” (Mc 9: 31) thì  đâu các ông  đã hiểu  được ý nghĩa.  Vì thế khi đi đường các ông đã tranh luận xem ai là kẻ cả trong nước Ngài thiết lập, và tranh nhau cho được địa vị đó.

Nếu kiểm điểm cuộc sống của mỗi người, nhiều lần ta cũng đã hiểu lầm Chúa Giêsu và hiểu sai lời Ngài.  Mặc dầu là Kitô hữu, là người  đã theo Chúa, chắc gì mấy ai đã hiểu được lời Chúa dạy trên đây.  Chúa còn quả quyết:  "Ai bỏ mọi sự mà theo Thầy thì sẽ  được gấp trăm ở đời này và được sống đời đời" (Mt 19: 29).  Nhiều khi ta cũng hiểu lầm Chúa như các môn  đệ xưa.  Ta tưởng đã theo Chúa thì mình phải được quyền ưu tiên trong mọi sự.   Ưu tiên trước mặt Chúa, xin gì Chúa cũng phải cho, phải chiều theo ý của ta.  Ưu tiên trước người đời, phải được mọi người nể vì, tôn trọng, phải được hưởng cuộc sống vật chất thoải mái, phải  được các người hữu trách ưu đãi, mà nếu không được như ý là thôi Chúa, thôi nhà thờ luôn.  Như thế là ta theo Chúa như kiểu đi đạo lấy gạo mà ăn.  Đó là sự hiểu lầm tai hại.

Nhưng vì đâu lại có sự hiểu lầm? Hiển nhiên người du khách trên đã hiểu lầm người lương thiện vì thiếu hai yếu tố:

1/   Yếu tố thứ nhất là tại thiếu ánh sáng, vì trời chưa sáng tỏ, còn lờ mờ nên không nhìn thấy rõ, tay ông ta cầm con cá mà anh tưởng là khí giới.

2/    Yếu tố thứ hai là thiếu chuẩn bị ngôn ngữ, không học tiếng Pêru, nên không hiểu tiếng nói, do đó, ông ta càng gọi to nói lớn thì anh càng sợ.

Khi ta không hiểu Chúa hay hiểu lầm Chúa ít nhất cũng tại thiếu hai yếu tố:

1/   Yếu tố thứ nhất là tại thiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng.  Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ:  “Đấng Bảo Trợ là Thần Chân Lý Cha sai đến Ngài sẽ dạy cho các con mọi điều và làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Jn 14: 26).  Và qủa thực, sau ngày lễ Ngũ Tuần khi các tông đồ được tràn đầy ánh sáng của Chúa Thánh Thần thấm nhập, các ngài đã hiểu Thánh Kinh, đã hiểu lời Chúa và đã can
đảm hăng hái dấn thân phục vụ làm nhân chứng cho Tin Mừng Cứu độ.

2/   Yếu tố thứ hai là tại thiếu chuẩn bị ngôn ngữ là khiêm tốn cầu nguyện.   Để có thể hiểu Lời Chúa thì cần phải cầu nguyện với tâm hồn  đơn thành khiêm tốn.  Đó là thứ ngôn ngữ cần thiết để trao đổi, thông đạt, và nói với Thiên Chúa.  Vì Lời Ngài đã tự hạ, bỏ trời đến với con người, tỏ mình ra cho con người dưới hình một hài nhi nhỏ bé tí ti, thì con người cũng phải dùng thứ ngôn ngữ đó mới gặp gỡ và hiểu được Chúa.

Tóm lại,  để hiểu rõ lời Chúa và ý  định của Ngài về mỗi người chúng ta, thì yếu tố quan trọng nhất là khiêm tốn cầu nguyện và mở lòng mình ra  để Chúa Thánh Thần hoạt động, như các Tông Đồ xưa đã quây quần bên Mẹ Maria sốt sắng cầu nguyện khi  ấy CTT đã ngự xuống trên từng vị và đã biến đổi các ngài, làm cho các ngài hiểu rõ Lời Chúa và can  đảm dấn thân phục vụ các linh hồn.

Lm Gioan B. M.

Ai tiếp đón một em bé vì danh Thầy là tiếp đón Thầy

Có một nhóm thiếu nhi vào rừng thám hiểm, bị lạc không biết đường về. Dưới ánh nắng như thiêu như đốt của mùa hè miền nam Texas, thức ăn, nước uống đã cạn. Một em trong bọn kiệt sức, hấp hối vì khát nước. May thay, có mấy người leo núi đi ngang qua, họ gọi trực thăng đến đưa em đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Một em trong bọn tình nguyện đi theo giúp bạn mình. Số còn lại được đưa về nhà. Tại nhà thương, sau khi giúp bạn nhập viện, một mình ngồi nơi phòng đợi, em mới biết rằng mình không còn một đồng xu dính túi. Ăn ở đâu, ngủ ở đâu bây giờ? Nhân viên bệnh viện đề nghị em đến nghỉ tạm với những người vô gia cư (homeless). Em rùng mìmh, từ chối. Mượn điện thoại gọi về nhà, cha em liên lạc với khách sạn và dùng thẻ tín dụng để thanh toán mọi chi phí cho em.

Giúp bạn trong cơn họan nạn là một cử chỉ đẹp, em sẵn sàng làm, nhưng ở chung với những người cùng khổ, cho dù chỉ có một đêm thôi, em không thể chấp nhận được.

Ai tiếp đón một em bé là tiếp đón Thầy. Rõ ràng là Đức Giêsu đã đồng hoá mình với một em bé. Em bé đây, là các tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội. Không quyền thế, không địa vị, bị lạm dụng, bị bỏ rơi, vô gia cư, nghèo đói, bệnh tật, già nua, goá bụa, tội lỗi, bị xã hội gạt ra một bên lề.

Đức Giêsu đã sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn như một người vô gia cư, sống cuộc đời nghèo khó, bạn với những người nghèo, giao du, ăn uống với những người tội lỗi và chết trong cảnh nghèo hèn và tủi nhục. Trái với não trạng con người ở mọi thời đại, ai cũng thích làm lớn, ai cũng thích làm việc vĩ đại. Ngạn ngữ có câu: "Thà làm đầu con chuột còn hơn làm cái đít con voi". Cứ xem các cuộc bầu bán địa phương, trong năm bầu cử này thì rõ. Cũng tại vì cái não trạng muốn làm lớn ấy mà sinh ra ghen tương, tranh chấp, xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa (xem Gc 3:16).

Các tông đồ cũng không thoát khỏi cái não trạng ấy. Đức Giêsu đã ba lần nói trước về sự chết và sự sống lại sắp xảy đến cho mình, nhưng ba lần các môn đệ đều có phản ứng tiêu cực. Lần thứ nhất Phêrô ngăn cản, đã bị Chúa khiển trách nặng lời. Lần này các ông nghe, nhưng không hỏi lại, giả điếc, phớt lờ cho qua rồi tiếp tục bàn cãi việc làm lớn. Lần thứ ba trắng trợn hơn nữa, Gioan và Giacôbê dám xin cho mình hai chỗ nhất, khiến cho mười ông kia bất bình. Tư tưởng làm lớn còn đeo đuổi các ông mãi cho đến ngày Chúa sống lại, trước khi ngự về trời, các ông hỏi: Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục lại vương quốc Israel không? (Cv 1:6) (Để chúng con được làm lớn).

Tiếp đón em bé là sứ vụ mà Chúa Cha trao cho Chúa Con: Con Người đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. (Mc 10: 45). Sứ vụ nầy xưa kia Người đã nghiêm chỉnh dạy các môn đệ và hôm nay Người trao lại cho mỗi người chúng ta.

Trong gia đình, ai là người lớn nhất? Cha mẹ, con cái hay người giúp việc? Cha mẹ là người lớn nhất khi ngồi chỉ tay năm ngón, la rầy, đánh đập con cái rồi rượu chè be bét, hay là khi cha mẹ làm lụng vất vả nuôi con, dạy con, hy sinh cho con và yêu thương con mình?

Trong trường học, ai là người lớn nhất? Hiệu trưởng, thầy cô giáo, học trò hay người gác gian? Ai phục vụ ai?

Trong Giáo hội, ai là người lớn nhất? Đức Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục hay giáo dân? Theo truyền thống, Đức Giáo hoàng tự xưng mình là: Tôi tớ của các tôi tớ Chúa.

Chân phước Damien de Veuster làm thợ mộc trước khi làm Linh mục. Cha được Đúc Giám mục Hawaii sai đến đảo Molakai làm một cái nhà thờ bằng ván tàu vỡ, tạm thời làm nơi thờ phượng cho những người cùi trên đảo. Cha được lệnh phải rời đảo ngay sau khi công việc hoàn tất, khi có tàu ghé lại và cấm không được tiếp cận với người cùi. Nhưng cha đã ở lại phục vụ họ và trở thành một người như họ. Cha đã không nỡ bỏ Chúa!

Mẹ Têrêxa Calcutta đã đi vào những khu ổ chuột, tìm những người hấp hối đem về chôn cất. Có người hỏi mẹ tại sao làm như vậy vì họ đâu có phải là người có đạo? Mẹ trả lời: Tôi săn sóc cho chính Chúa Giêsu trong mỗi người của họ.

Ai tiếp đón một em bé vì danh Thầy là tiếp đón Thầy.

Nấc thang giá trị trên nước trời không hệ ở địa vị cao thấp nhưng căn cứ vào việc phục vụ người khác.

Pt. Huỳnh Văn Ngọc

 

HÃY LÀM NGƯỜI RỐT HẾT 

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B 

Tuần rồi Hội Thánh mừng lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Nói cho cùng, trước mắt mọi người, cây thập giá mà ta gọi là Thánh Giá ấy, cũng chỉ là hai thanh gỗ mang hình thập giá và cũng chỉ là phương tiện người ta dùng để giết người. Chỉ duy nhất một điều cho ta nhìn nhận cây thập giá là Thánh Giá đó chính là đức tin. Chính trong đức tin, ta biết: “Đức Giêsu Kitô vốn vĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philip 2, 6- 7). 

Một vì Thiên Chúa cao sang là thế, quyền năng là thế, vô biên là thế, đã trút bỏ mọi vinh quang để làm người. Không dừng ở đó, Đấng là Thiên Chúa làm người ấy, lại còn trở nên một người rốt hết, hóa thân chia sẻ đến tận cùng cái kiếp người, để cùng được nghèo, cùng đói, cùng rét, cùng tha hương, cùng bị nguyền rủa, bị chống đối, cô đơn, tủi nhục… với tất cả những ai thấp bé, long đong, những ai bị cuộc đời chối bỏ, bị vùi giập… 

Nhưng tất cả những điều đó chưa là điểm kết, Chúa Kitô “lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philip 2, 8), chết đớn đau, chết nhục nhã và oan nghiệt… 

Thiên Chúa làm người đã là một điều không thể tưởng tượng. Vậy mà Thiên Chúa làm người lại lặn sâu trong kiếp người để đồng hóa mình với mọi người, vì thế càng kỳ diệu quá đỗi. Nhưng Thiên Chúa làm người lại còn chấp nhận một cái chết thê thảm, đứng chung với hàng ngũ tử tội, thì tình yêu của Thiên Chúa đã đạt tới đỉnh điểm và bước tới mức độ tuyệt đối. 

Chiêm ngắm mầu nhiệm tự hạ quá lớn lao của Chúa Kitô, chúng ta chỉ còn biết lặn đi để những gì Người đã sống có cơ hội thẩm thấu trong tâm hồn, để ta càng ngày càng rập theo những gì Người đã noi gương để từng lúc từng lúc một, ta nên giống Người hơn. 

Chúa Kitô đã tự hạ để phục vụ đến cùng như thế, cho nên Người có quyền đòi ta cũng biết hạ mình, trở nên nhỏ bé và có ích cho anh chị em như Người. 

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nhắc lại đòi hỏi này: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). 

Nhưng trước khi mời gọi như thế, ChúaKitô đã nói về chính bản thân mình, không phải để tự đề cao, tự ca tụng, hay nói về những gì mình đã làm. Hoàn toàn không phải thế. Để cho lời mời gọi đạt hiệu quả, Chúa Kitô đã mạc khải về sự bắt bớ, bách hại, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thức ba, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). 

Cuối cùng để cụ thể lời mời gọi, Chúa dạy một bài học mà có lẽ cả các tông đồ lẫn chúng ta, chẳng bao giờ suy nghĩ được như thế. Đó là bài học của trẻ thơ, và trở nên trẻ thơ. Còn hơn nữa, Chúa Kitô không chỉ dạy ta sống khiêm hạ, nhưng chính Thiên Chúa đã đồng hóa mình với trẻ thơ. Một sự tự đồng hóa trở nên bé nhỏ hoàn toàn: “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37). 

Nhiều lần Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nghèo hèn. Nhất là phụ nữ và trẻ con, đối với xã hội Do thái thời Chúa Giêsu là những thành phần không đáng kể, không có chỗ đứng trong xã hội. Vậy mà không những Chúa đã đặt trẻ con làm mẫu mực để dạy chúng ta về bài học của lòng khiêm hạ, Người còn ôm lấy đứa bé vào lòng. Thánh Marcô thật tinh tế khi không bỏ qua chi tiết này. 

Bạn ạ, con đường tự hạ làm người bé nhỏ là con đường trở nên người lớn nhất, và là người đáng kể trước mặt Chúa. Ngày 19.10.2003, chỉ sáu năm, sau khi Mẹ Têrêsa thành Calcutta qua đời, Mẹ đã được phong chân phước. Đó là thời gian kỷ lục, bởi từ trước cho đến khi Mẹ Têrêsa được nâng lên bàn thờ Hội Thánh, chưa có vị thánh nào được tuyên phong nhanh như thế. Qua việc tuyên phong nhanh chóng này, chúng ta thấy, Hội Thánh dành cho Mẹ sự quý mến, yêu thương, cũng như qua Mẹ, Hội Thánh dạy chúng ta những bài học lớn bằng chính tấm gương thánh thiện của Mẹ. 

Ngày 5. 9. 1997, ngay sau khi tin Mẹ Têrêsa qua đời được loan đi, đã gây một chấn động lớn cho toàn thế giới. Cũng từ ngày đó, người ta đã nghĩ ngay đến việc phong thánh cho Mẹ. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn. Lập tức Đức Gioan Phaolô II đã làm lễ tưởng niệm Mẹ ngay tại biệt thự của mình. Tổng thống Bill Clinton xúc động nói: “Mẹ là người luôn gây kinh ngạc, một trong những bậc vĩ nhân của thời đại này”. Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam ghi nhận: “Nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh cả cuộc đời của Mẹ Têrêsa cho những người bần cùng trên thế giới”. Và còn nữa, còn rất nhiều những lời chia buồn của các vị nguyên thủ trên khắp thế giới. 

Mẹ Têrêsa là ai mà quang trọng quá vậy? Đó chỉ là một nữ tu người Albani, rất bình thường. Mẹ sang Ấn độ lập dòng nữ tu Thừa Sai Bác Ái. 

Điều đáng chú ý nơi người nữ tu bé nhỏ này là một tâm hồn vĩ đại, một tâm hồn dạt dào lòng yêu thương không nhỏ chút nào. Mẹ đã dành cả đời mình để lo cho những anh chị em cùng khổ. Mẹ đã cúi xuống để đưa người đói rét, bệnh tật, bị bỏ rơi… về lại với cuộc sống con người. Mẹ đã đưa người hấp hối bên lề đường, phố chợ về lại một mái nhà để họ được yêu thương vỗ về và được chết như một con người. Mẹ đã cúi xuống để trả lại hy vọng cho những ai mất hết lòng tin trong cuộc đời. Mẹ đã đưa bàn tay, dẫu đã già nua, nhưng tràn đầy sức mạnh của tình yêu để nâng đỡ bất cứ ai bạc nhược, cô thân, và bất cứ ai đói khát tình người, đói khát yêu thương… 

Chính vì vậy, trước dong linh Mẹ, Thủ tướng Albani, Fatos Nano đã bày tỏ nỗi lòng: “Mẹ Têrêsa là con người nhỏ bé nhưng có một tâm hồn lớn lao cao cả”. Chính ông đã muốn đưa thi hài của Mẹ về nước an táng, nhưng không thành vì Mẹ là ân nhân của nhân dân Ấn độ. 

Chính quyền Ấn độ đã tuyên bố lễ tang của Mẹ là quốc tang. Hàng ngàn người Ấn độ và nhiều người thuộc nhiều quốc tịch, thuộc mọi tầng lớp, bất chấp mưa gió, nối nhau xếp hàng dài hàng cây số trước trụ sở dòng Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta để được viếng xác và để nhìn thấy lần cuối cùng gương mặt người nữ tu vô cùng khả ái ấy. 

Quả thật Mẹ Têrêsa là tấm gương của thời hiện đại cho những ai muốn sống đời khiêm nhu tự hạ và phụ vụ. Chỉ khi nào đã trở nên người nhỏ bé, ta mới thật là một vĩ nhân. Bây giờ mẹ Têrêsa còn hơn một vĩ nhân: Mẹ trở thành thánh nhân. Gương nhân đức của Mẹ chiếu sáng lấp lánh cho cả loài người. 

Chính Chúa Giêsu đã tự hạ đến tột cùng nên Người được Thiên Chúa tôn vinh đến tột đỉnh vinh quang. Vì thế, ai đi con đường khiêm tốn và tự hạ như Chúa, Người ấy cũng sẽ được đưa tới vinh quang tột đỉnh. 

Mẹ Têrêsa là một bằng chứng lớn. Ơn gọi nên thánh là ơn gọi dành cho từng người không trừ ai. Để đạt tới sự thánh thiện như Mẹ Têrêsa, chúng ta hãy khắc sâu Lời Chúa dạy trong hồn mình, để mỗi một ngày một sống lời dạy ấy cách tốt hơn, xứng đáng hơn: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. 

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

NÃO TRẠNG ĐẠI GIA          

(CN XXV/TN-B)   

Hiểu rõ các môn đệ với tâm trạng hoài nghi, chưa thật sự tin vào Lời Người giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um, nên mới có cảnh “Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" (Ga 6, 60); và vì thế, Đức Giê-su muốn tạm gác việc rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho dân chúng qua một bên, để có thì giờ dạy dỗ các môn đệ, đặc biệt báo cho các ông biết một viễn cảnh sắp xảy ra mà các ông khó có thể hiểu và chấp nhận. Đó là cảnh “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9, 31). Sở dĩ Người làm vậy là có ý giúp các môn đệ chuẩn bị tinh thần, để các ông không quá ngỡ ngàng và thất vọng khi biến cố xảy ra, mà sẵn sàng đón nhận nó. 

Đây không phải lần đầu tiên Người nói việc ấy với các môn đệ, Người đã từng nói rõ với các ông trước đó không lâu (“Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết.” – Mc 8, 31), nhưng lúc đó các ông tỏ ra ngán ngại, không tin rằng Thầy mình – một “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mc 1, 22) – lại có thể phải chịu đau khổ đến như vậy. Thái độ không chấp nhận này biểu lộ rõ rệt nhất ở Phê-rô, khi ông “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!", khiến  Đức Giê-su quở trách rất nặng lời: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mc 8, 31-33). Chính vì lần trước các ông bị quở trách nặng nề như thế, nên lần này “các ông sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9, 32). 

Các môn đệ không dám hỏi lại Thầy về cuộc thương khó Người sắp phải chịu vì sợ bị khiển trách, nhưng trong lòng vẫn nghĩ khi Thầy chết rồi thì ai trong nhóm 12 sẽ lên thay, ai sẽ là người lớn nhất? Ấy thế  là “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34). Đức Ki-tô dư biết các môn đệ bàn tán điều gì, nhưng khi tới thành Ca-phac-na-um, Người vẫn hỏi: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các môn đệ chỉ còn nước ngậm miệng làm thinh. Cũng chính vì thế nên Đức Ki-tô mới gọi nhóm Mười Hai mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 33-37). 

Vấn đề làm lớn, làm bé vẫn là vấn đề muôn thuở của con người. Thường ở đời, con người ai cũng thích làm lớn, thích “ăn trên ngồi trốc”, chớ chẳng ai muốn làm bé và thích ngồi ở dưới. Cái ”miếng đinh chung” luôn luôn và mãi mãi là cái hấp lực vô cùng mạnh mẽ. Quan nịêm “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” đã trở nên như một phong tục tập quán khiến cho giấc mộng “sống ở làng, sang ở nước” luôn ám ảnh con người. Ngày nay, hủ tục mua quan bán tước hay khao vọng đình đám tuy không còn ồn ào như ngày xưa, nhưng vẫn diễn ra bằng nhiều kiểu, nhiều cách, với đủ thứ mưu ma chước quỷ để tranh bá đồ vương, tiếm quyền tiếm chức, tranh danh đoạt lợi, hầu mong được nổi danh nổi tiếng, tiền hô hậu ủng, xe hơi nhà lầu, võng lọng xênh xang. Tâm lý chung của con người ai chẳng muốn chọn cho mình phần tốt nhất, ai chẳng muốn làm "đại gia" đi ăn tiệc được ngồi vào "cỗ nhất". Cái não trạng “đại gia” đã ăn sâu vào tiềm thức con người, khiến nhiều khi nó trở nên như một bản năng cố hữu. 

Chính vì thế, nên các Tông đồ ở cận kề với Người Thầy luôn dạy dỗ môn đệ phải khiêm nhường, vậy mà cũng có hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an muốn được "một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." (Mc 10, 37). Tin tưởng khi Thầy mình được vinh quang sẽ làm Vua, mà lại xin được ngồi bên tả và bên hữu Người, thì chẳng phải đó là muốn được ngồi "cỗ nhất", được hưởng “miếng đinh chung” bảnh nhất là ”Tả hữu Thừa tướng” đó sao? Không phải chỉ có 2 môn đệ này đâu, mà các môn đệ khác cũng tỏ ra tức tối ("Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an." – Mc 10, 41). Tức tối tức là ghen tị, là mong muốn mình phải được coi trọng hơn, và "chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh" xảy ra cũng là điều tất nhiên ("Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau." – Gc 4, 1-3) 

Rõ ràng Đức Ki-tô "nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi" (Lc 14, 7). Vì thế, nên Người mới dạy: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối." (Lc 14, 8-9). Người còn chỉ rõ những người ham ngồi “cỗ nhất”, đó là "những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." (Lc 20, 46). Ngay đến cả việc đãi khách, mời khách dự tiệc, Người cũng dạy trái ngược với thông lệ của người đời: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có… Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…" (Lc 14, 12-13). 

Lời dạy của Đức Ki-tô mới thoạt nghe sẽ thấy là mâu thuẫn, khó chấp nhận được, chẳng hạn như Người muốn ai đi theo Người thì phải từ bỏ tất cả, từ của cải vật chất đến cha mẹ anh em họ hàng, kể cả từ bỏ chính mình. Trong khi đó, Người lại dạy phải yêu thương mọi người như yêu thương chính bản thân mình, thậm chí còn yêu thương cả kẻ thù của mình nữa (Mt 5, 44). Tuy nhiên, suy nghĩ cho thấu đáo, thì thấy Đức Ki-tô chuyên dùng dụ ngôn với những cách nói tương phản, phản đề, cốt ý nhấn mạnh để nêu bật ý chính (chủ đề). Như Lời dạy trên (Lc 14, 12-13), nếu trích đầy đủ, sẽ là: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Lc 14, 12-14). Và như vậy, mục đích nhắm tới của Lời dạy là "… ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." Rõ ràng Đức Giê-su chỉ luôn mong muốn Lời dạy của Người có tác động mạnh mẽ, làm cho người nghe hiểu được ý nghĩa sâu xa và cái mục đích tối hậu cần đạt tới. 

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, cũng vì thấu hiểu được tâm địa con người như vậy, nên Đức Ki-tô mới dạy: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9, 35). Người chỉ muốn dạy môn đệ đức tính khiêm nhu tự hạ. Và nếu anh biết khiêm nhường chịu lụy, anh sẽ được mời lên ngồi “cỗ nhất”. Anh đừng nghĩ khi được ngồi cỗ nhất là anh sẽ được kẻ hầu người hạ, anh sẽ vênh vang nhìn đời bằng nửa con mắt. Trái lại, "Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa." (Hc 3, 18), "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người." (Mt 20, 43-44). 

Khiêm nhường cũng có nhiều cách thể hiện, có thể thực lòng và cũng có thể màu mè bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp giả bộ khiêm nhường để bóng gió móc họng nhau nữa. Và cũng vì thế nên Đức Giê-su Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người khó nghèo và dùng chính cuộc sống của Người minh hoạ cho những Lời dạy dỗ chân tình về đức khiêm nhường. Người đã khiêm nhường vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu để cái tính kiêu ngạo của loài người hành hạ, đánh đòn, sỉ nhục, đóng đinh Người vào thập giá. Người đã thức tỉnh nhân loại bằng cách hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, phỏng đã được bao nhiêu người ý thức được tội kiêu ngạo đứng hàng đầu trong 7 mối tội đầu, hiểu được chính tội kiêu ngạo đã đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá? Và chẳng hiểu có được bao nhiêu con người dám hy sinh chỗ ngồi “cỗ nhất” (chưa dám nói hy sinh mạng sống mình) cho anh em, cho đồng loại, để sẵn sàng xuống ngồi “chỗ cuối” mà  phục vụ mọi người? Quả thực “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.” (Hc 3, 28). 

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa luôn soi sáng và hướng dẫn con, để con đừng bao giờ quên dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế” (Lc 18, 9-14). Cũng bởi vì đến ngay như việc thờ phượng Thiên Chúa, con cũng cách này cách khác làm như anh chàng Pha-ri-sêu lên tận cung thánh khoe hết thành tích nọ đến chiến công kia ("Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con."). Và nếu không tìm ra được chiến công, thành tích (kiểu như rủ nhau đóng góp mua một vài thùng mì tôm, đôi ba bao gạo mốc, năm ba túi quần áo rách, rồi trương biểu ngữ thật hoành tráng đi làm chuyện tế bần, từ thiện), con cũng cố gắng tìm những việc làm thường nhật (đi lễ, đọc kinh sớm tối, bỏ tiền lẻ vào túi kín, hay vênh vang ném từng đồng xu cho những hành khất...) để kể công với Chúa hệt như anh chàng Pha-ri-sêu thủa xưa. Con đã kênh kiệu nhắm tít mắt mà không quay nhìn lại dưới cuốí nhà thờ đang có những ”người thu thuế” chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18, 13). 

Ôi! ”Lạy Chúa! Con là kẻ có tội!” Con biết tội con nặng lắm rồi, vì chỉ thích làm đại gia chớ không thích làm nguời bé mọn, chỉ thích đứng đầu, ăn ”cỗ nhất” chớ không thích ngồi sau, ăn cơm thừa canh cặn. Con biết những hành động trên của con đã hàng ngày hàng giờ đóng đinh Chúa, đâm thâu vào Trái Tim Chúa. Cúi xin Chúa không chỉ dạy con mà luôn đồng hành với con để con sẵn sàng thể hiện bằng hành động, bằng chính cuộc sống của con như những kẻ bé mọn, như những ”người thu thuế”, như những ”bà goá nghèo”, như những ”người rốt hết”, để đến ngày sau hết, con được Chúa cho đứng bên phải Ngài. Ôi! Lạy Chúa! Con hết lòng cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết (Mc 9, 35). 

Bài Tin mừng hôm nay Thánh Maccô tường thuật chuyện Chúa mạc khải cho các môn đệ về con đường khổ giá Người phải trải qua trước khi bước vào vinh quang phục sinh: ” Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại “, nhưng các ông không hiểu lời đó và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Các ông lúc ấy chỉ chăm chăm vào vị trí của từng người trong cộng đòan. Thánh Maccô mô tả “ khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. 

Chúa Giêsu đã biết rõ lòng các ông. Chúa thấu hiểu tâm lý con người trần gian là ai cũng muốn có vị trí cao hơn người trong một tập thể, trong xã hội lòai người. Ý tưởng muốn “ làm lớn “ cũng là tâm trạng bình thường trong xã hội có tổ chức, có sự phân công. Nhưng quan niệm làm lớn để làm gì thì lại không đơn giản. Người mong được làm lớn để thể hiện quyền lực với người khác, với bề dưới. Cũng có người có thiện ý là mong có vị trí cao để phát huy năng lực của mình, thể hiện tài năng của mình trong môi trường được giao. Nhưng đa phần thì mong có quyền cao chức trọng là để thỏa mãn cái tôi, để được thụ hưởng quyền lợi lớn lao về tiền tài, nhà cửa, phương tiện do chức vụ, vị trí đem lại. Có người mong có danh vị theo suy nghĩ ”một người làm quan cả họ được nhờ”, thích đi đến đâu cũng được người khác chào đón tung hô, tùng phục, kiêng nể, kính sợ. 

Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay có cái nhìn khác, Người là Thầy dạy của các môn đệ lúc đó đã ngồi xuống, gọi nhóm Mười Hai lại mà nói :”Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người “, và chính Người đã làm như vậy với các ông . Một quan niệm xem ra trái ngược với suy nghĩ của con người mọi thời mọi lúc. Làm việc, học hỏi, nghiên cứu . . . tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc bỏ ra để mong có ngày được cất nhắc lên vị trí cao hơn như tổ trưởng, trưởng khoa, trưởng phòng, quản đốc rồi lên phó giám đốc, giám đốc  . . . của một đơn vị, một công ty, một cơ quan, một ngành, sở mà Chúa lại dạy  phải sống như người rốt hết, phải phục vụ mọi người thì dại gì mà phấn đấu, dại gì mà hăng say. Làm sao lại phải khép mình sống nghịch lại lẽ thường như vậy ? Thế mà Đức Kitô lại dạy như thế ai nghe cho lọt. Và để minh họa rõ thêm, Người đã dùng một em nhỏ đặt giữa các ông, ôm lấy em và nói : “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy “ . 

Sống trong xã hội hay trong Giáo hội vẫn có sự sắp xếp, phân công. Cần những người có khả năng, đáp ứng một số điều kiện sẽ được điều động cất nhắc, không vì lợi ích của bản thân họ, nhưng vì lợi ích của cộng đồng, mưu ích cho nhiều người. Người được cất nhắc tất nhiên có quyền lợi chính đáng nhưng đồng thời có trách nhiệm lớn lao đối với công việc đảm nhận. Có quyền hạn để thực thi chức trách của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là thái độ và tinh thần phục vụ, phải tận tụy, hy sinh cho tập thể, cho lợi ích chung chứ không theo quyền lợi cá nhân, riêng tư theo kiểu lợi ích nhóm. Thực hiện chức trách theo đúng bổn phận, quyền hạn như đón tiếp một trẻ thơ, không đòi hỏi nơi các em sự hầu hạ mà sẵn sàng hạ mình đáp ứng nhu cầu của em bé ngây thơ, trong trắng. Phục vụ  trong Giáo hội cũng như vậy.

Lạy Chúa, 

Xin cho con biết nhìn lại mình với vai trò người cha, người mẹ trong gia đình; người anh, người chị; người đội trưởng, đòan trưởng các đòan thể trong giáo xứ. Người trưởng khu giáo, hay trong Hội đồng mục vụ giáo xứ. . .Là người có địa vị nào đó trong xã hội, con đã thể hiện vai trò đó ra sao? Có trở nên người phục vụ mọi người, hay đòi hỏi người khác phải qui phục, phải phục vụ con? 

Xin cho con biết :” Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không màng. Phục vụ là hy sinh, phục vụ vì Chúa Kytô “( Bài ca phục vụ ). 

     Fx Đỗ Công Minh .

 

Chúa nhật 25 TN-B-2015
Nghĩ đến cùng đích (Mc 9:30-37)

Cách đây khá lâu trên con đường từ Calif trở về nhà Dòng ở Missouri, trước khi lên máy bay tôi mua một tờ nhật báo USA Today chính là để theo dõi phần t hể thao. Tình cờ tôi đọc được một bài báo của tác giả Michael Levine, một bình luận gia ở thành phố Los Angeles, trong đó ông viết: Nếu ông được làm vua ở xứ này thì việc đầu tiên ông sẽ làm đóa là ông sẽ ra chiếu chỉ buộc mọi người từ 40 tuổi trở xuống kể cả đàn ông đàn bà cùng con nít phải đi tham dự đám tang, lễ an táng người chết, của ai cũng được nhưng một năm ít nhất là một lần.

Chúng ta thắc mắc là tại sao việc đầu tiên ông không làm là ví dụ như sửa sang lại Toà Bạch Ốc thành cung điện nguy nga tráng lệ, hay bãi bỏ thuế má này nọ kia hoặc ân xá tha thứ cho các tù nhân, nhưng lại buộc phải tham dự lễ an táng người chết một năm một lần.

Ông trả lời sở dĩ ông có ý tưởng như vậy là do một lần ông tham dự lễ an táng thân phụ của người bạn của ông.  Ông thú nhận ông chưa gặp mặt vị này lần nào, và ông tham dự nghi lễ chỉ để bày tỏ lòng kính trọng với người quá cố và vì lịchs ự xã giao với người bạn. Nhưng những gì ông học được trong ngày hôm đó thật quan trọng.

Ông nhận thấy rằng tất cả những người đọc điếu văn cũng như vị linh mục giảng thuyết ở nghi lễ này đều đề cập đến sự tử tế, lòng thương yêu, sự tế nhị của ông dành cho gia đình và bạn bè cùng tất cả những người sống chung quanh. Ngay cả đến những bạn cùng làm chung trong ngành thương mại, làm ăn buôn bán với ông cũng không đề cập nhắc nhở gì đến các sự nghiệp thành công cũng như địa vị bằng cấp, chức tước của ông đã đạt được trong khi ông còn sống, nhưng tất cả đều chú trọng đến con người của ông, con người họ đã biết và đã yêu.

Nhấn mạnh đến tư cách, đến đức tính con người đó là điều trái ngược với xã hội thường chú ý đến. Xã hội hôm nay cũng như các thời đại khác thường đề cao chú trọng đến bằng cấp, địa vị, coi trọng tiền tài danh giá.

Chúng ta thường cho những kẻ tu hành những kẻ theo Chúa là những người khiêm nhường chẳng còn thiết gì đến danh giá chức quyền, nhưng Lời Chúa hôm nay cho thấy các môn đệ là những người đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa, đã được Chúa trực tiếp huấn luyện nhưng, một chữ nhưng thật quan trọng, nhưng các các ngài vẫn còn là con người. Đối với các ngài địa vị vẫn quan trọng.  Dưới con mắt của các ngài, người lớn nhất chính là người có địa vị cao nhất.  Được ngồi bên cạnh ông vua là điều ai nấy đều mong muốn. Họ muốn được điạ vị cao nhất với nhữnglý do thấp kém nhất. Họ là nạn nhân của tham vọng đầy ích kỷ ghen tương.

Tuy nhiên điều Chúa muốn dạy các môn đệ và chúng ta hôm nay một bài học đó là : Vinh quan trần thế sẽ qua mau, chỉ duy có sự khiêm nhường phục vụ yêu thương, hy sinh cho tha nhân mới là điều đáng kể.

Nói một cách tổng quát, ước muốn ước vọngtham vọng là điều tốt vì nó là động lực thúc đẩy con người cố gắng tiến hơn trên đường sự nghiệp, giúp thành công trên đường đời. Ví dụ, ước muốn làm linh mục, bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, khoa học gia… sẽ thúc đẩy các bạn trẻ cố gắng hơn trong việc học hành, dấn thân hơn trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội.  Tuy nhiên, nó trở nên xấu khi có những ước vọng tham vọng quá đáng và vượt quá khả năng giới hạn của mình.  Tôi còn nhớ khi còn nhỏ đọc được câu chuyện ngụ ngôn giữa con nhái và con bò.

Con nhái nom thấy con bò,
Hình dung đẹp đẽ, mình to béo tròn.
Nhái bằng quả trứng tí hon,
Lại toan cố sức bằng con bò vàng,
Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương;
Kêu: chị em đến xem tường cho ta.
Đã bằng chưa, chị trông, nà!
Bạn rằng: còn kém. Nhái đà phồng thêm;
Hỏi rằng: được chửa, chị em?
Bạn rằng: Chưa được; Phồng thêm ít nhiều.
Chị ơi! Còn kém bao nhiêu?
Bạn rằng: Còn phai phồng nhiều. Kém xa!
Tức mình, chị nhái oắt ta,
Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền.
Ở đời lắm kẻ thật điên,
Sức hèn lại muốn tranh tiên với người.
Dại thay những thói đua đòi.
Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh.

Người ta kể rằng vua A-lịch-sơn đại đến, một vị vua lừng danh bách chiến bách thắng, trước khi chết đã truyền là khi chôn cất ông bỏ hai tay của ông ra ngoài quan tài với mục đích để cho mọi người hiểu được rằng: vua A-lịch sơn khi vào đời với hai bàn tay trắng và dù trong cuộc sống có đạt được danh vọng giầu sang phú quí, thì khi ra khỏi đời này cũng vẫn chỉ với hai bàn tay trắng.

Nếu trước cái chết, một số người đã cảm thấy ân hận vì quá muộn mới nhận ra được rằng danh vọng vinh quang trần gian này mau qua, chỉ duy có sự khiêm nhượng phục vụ, bác ái yêu thương tha nhân mới là điều đáng kể, còn chúng ta? Chúng ta được mời gọi suy nghĩ nhiều về giá trị đích thực của cuộc sống hôm nay, để ngày mai khi giờ chết đến, chúng ta không phải ân hận vì cũng đã quá muộn đối với chúng ta.

Lm. Louis M. Nhiên, CMC (báo TTDM 8-2015)

September 17, 2015

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)