Chia sẻ tin mừng CN năm C
Tác giả: AM Trần Bình An

 

Chia sẻ Tin Mừng CN 3 TN NC 2016 ( Lc 1, 1-4; 4, 14-21 )

Cùng uống Thần Khí độc nhất

Thánh Philip Neri, biệt danh là “Tông đồ thành Rôma” là một trong những khuôn mặt vĩ đại đã đóng góp vào việc cải tổ Giáo Hội thời bây giờ. Ngài đã ảnh hưởng dân chúng bằng chính đời sống của mình. Ngài không viết một quyển sách, cũng không đưa ra một lý thuyết thần học nào, hoặc một đường hướng tinh thần nào. Neri sinh ở Florence năm 1515. Gia đình ngài sống chật vật nên đã gởi ngài đến ở với người bà con buôn bán giàu có. Trong thời gian này, Neri thường đến một hang đá gần nhà đã biến thành nhà nguyện, mà đọc kinh cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện Neri được soi sáng nên quyết định rời bỏ việc buôn bán mà tận hiến đời sống mình lên Thiên Chúa.

Sau khi từ giã người bà con, Neri đi lên Rôma vào năm 1533 và sinh sống bằng cách dạy kèm cho mấy đứa con của một người đồng hương. Neri theo học triết và thần học cho đến lúc Neri nhận thấy việc học đã cản trở việc kinh nguyện, nên Neri liền bỏ việc học mà sống như một vị ẩn tu. Ðêm đêm, Neri thường ra ngoài đường phố, lắm lúc đi vào trong nhà thờ, nhưng thường xuyên là đến hầm mộ của thánh Sebastiano mà cầu nguyện.

Thánh Philip Neri lúc 29 tuổi, nhận được một quà lớn lao của Chúa Thánh Thần. Khi ngài sốt sắng cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hãy ban cho ngài những ơn đặc sủng của Chúa, thì một có một trái cầu bằng lửa rớt vào miệng ngài và nằm trong ngực ngài. Lúc ấy,  ngài ngạc nhiên vì nhận được lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần. Vì không thể chịu được sức nóng của tình yêu Thiên Chúa, nên ngài phải ném mình xuống mặt đất để làm cho thân xác được mát mẻ hơn. Trong khi đó nơi lồng ngực ngài thì có lửa tình yêu thiêng liêng bốc cháy. Ngài phải nằm yên trong một hồi lâu để được phục hồị. Sau đó ngài ngồi dậy với tràn đầy niềm vui. Trái tim ngài sưng to lên như có một cái bướu lớn bằng nắm tay của một người lớn. Nhưng sau đó ngài không còn đau đớn nữa, trong suốt 50 năm của cuộc đời. Ngài cương quyết từ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Giúp việc tại bệnh viện của những người bệnh gần chết và ngài bắt đầu rao giảng cho mọi người về Thiên Chúa, từ người ăn xin ngoài đường cho đến những chủ nhà băng.

Năm 1548 Neri thành lập một hội đoàn, cầu nguyện giúp đỡ những người hành hương đến Roma, thiếu thốn lương thực và nơi trú ngụ. Vi linh hướng của cộng đoàn khuyến khích Neri làm linh mục, thì sẽ giúp ích được nhiều hơn. Sau khi đã theo học đầy đủ, Neri được lãnh nhận chức linh mục vào năm 1551.

Tại trú sở mới, nhà thờ San Girolamo, ngài yêu mến phép giải tội. Những người trẻ tìm thấy nơi Neri những lời khuyên giải khôn ngoan và giúp cho đời sống thiêng liêng lớn mạnh. Neri cảm thấy những ngưòi trẻ này không chỉ cần tha tội, nhưng cần được hướng dẫn trong đời sống thường nhật nữa, nên Neri mời gọi họ đến nhà thờ mỗi buổi chiều, để đọc và học hỏi Kinh Thánh và cùng nhau cầu nguyện. Số người đến tham dự càng ngày càng gia tăng, nên ngài cùng Cha Buonsignore Cacciaguerra chính thức thành lập một Hội đoàn cầu nguyện để hướng dẫn họ. Năm 1575, Hội đoàn này được Đức Giáo Hoàng Gregory XIII thừa nhận và những qui luật của Hội đoàn phản ảnh tính phóng khoáng của thánh nhân.  Thánh Philip Neri đã làm nhiều phép lạ, trong dịp lễ Hiện Xuống năm 1544, Neri đã xuất thần và cảm thấy tim mình tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Sau đó khi dâng Thánh Lễ thì mặt ngài sáng rực một cách lạ lùng. Vào ngày 25 tháng 5 năm 1595, như thường lệ, Thánh Neri ngồi tòa giải tội và tiếp những người đến thăm viếng. Trước khi đi về nghỉ ngài nói: “Cuối cùng rồi chúng ta cũng phải chết.” Và đêm đó ngài về với Chúa. ( Kim Hà, 7 Vị Thánh Tràn Đầy Ơn Chúa Thánh Thần. MeMaria.org )

Tin Mừng Chúa Nhật 3 TN hôm nay, thánh sử Luca thuật lại Đức Giêsu về Nazareth, vào hội đường ngày Sabat, đọc sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan; loan báo năm hồng ân của Chúa.” Với tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa, thánh Philip Neri đã bước theo bước chân Đức Giêsu, chu toàn cả ba sứ vụ: tư tế, ngôn sứ và vương giả. Đây cũng chính là ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu trong Giáo Hội và trong thế giới.

Tư tế

“Thần Khí Chúa ở trên tôi,”Qua Bí Tích Thanh Tẩy, Thần Khí Chúa  thánh hoá người lãnh nhận, trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Giêsu. "Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô." ( Gl 3, 27 ) Người Kitô hữu bất cứ ở đâu, hay bất cứ thân phận nào được xức dầu trong Thần Khí đều trở nên đền thờ thiêng liêng, hiệp nhất với Đức Giêsu và Hội Thánh. Như thánh Phaolô đã mạnh mẽ minh xác với tín hữu Côrinhtô: "Vì trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được thanh tẩy mà nhập vào Thân Mình độc nhất, dù là Do thái hay Hy lạp, dù là nô lệ hay tự do, và hết thảy ta đã được cùng uống Thần Khí độc nhất.( 1Cr 12, 13  bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, DCCT )

Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu được tham dự vào chức năng tư tế của Ðức Kitô, theo cách thức riêng của mình, trở nên đền thờ Thiên Chúa, chiếu tỏa sự thánh thiện và thánh hiến con người cho Thiên Chúa Cha. "Thực vậy, mọi hành động, kinh nguyện và công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm hàng ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô." ( Hiến Chế Lumen Gentium, 34, đ 2 )

Chức năng tư tế của tín hữu là hiệp dâng lên Thiên Chúa tất cả bổn phận, lẫn trách nhiệm theo ơn gọi, noi gương cuộc đời Ðức Giêsu hiến dâng, phục vụ cho Thiên Chúa và con người. Hằng ngày, người Kitô hữu tiến dâng lên Chúa những thành quả, lẫn thất bại, niềm vui lẫn nỗi buồn, âu lo và hy vọng, để biết ơn, cảm tạ, ngợi khen, cũng như để được an ủi, cứu giúp.

 

Ngôn sứ

"(Thánh Thần Chúa,) sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.” Người Kitô hữu còn có chức năng ngôn sứ, đem Tin Mừng đến mọi người, nhất là người nghèo hèn, đau khổ, bệnh tật, qua chính cuộc sống bản thân, qua chứng tá đức tin, qua lời nói chân thành và việc làm bác ái, tương thân, tương ái với tha nhân.

Nhân Năm Thánh Lòng Thương Xót, từng Kitô hữu có thể tự kiểm điểm vai trò ngôn sứ của mình qua kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối. Thương Xác Bảy Mối thì tương đối dễ dàng thực hành, còn Thương Linh Hồn Bảy Mối thì người tín hữu Kitô đã chu toàn hay đã bỏ quên, chỉ vì lối sống vị kỷ mackeno, chẳng muốn dây dưa với tha nhân, khỏi phiền luỵ. Nếu thế, đến ngày cánh chung, Chúa cũng sẽ ngoảnh mặt làm ngơ, không biết chúng ta là ai, mà cho vào hưởng Nước Chúa.

“Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý." ( Hiến Chế Lumen Gentium 35, đ. 3 )

Vương giả

“Ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan; loan báo năm hồng ân của Chúa.” Hơn nữa, nhờ thuộc về Đức Giêsu người Kitô hữu còn dược vinh dự thông phần vào chức năng vương giả của Người. Đem ánh sáng Tin Mừng giải thoát tha nhân khỏi ngục tù tội lỗi chế ngự, khai sáng những kẻ mù loà, hoa mắt trong thế giới vật chất phù phiếm hấp dẫn, đem sự thật, công lý và tình thương đến những kẻ bị sự dữ khai trừ, đàn áp, bị bỏ rơi. Như thế, người Kitô hữu được mời gọi phục vụ, xây dựng và phát triển Nước Chúa ngay tại thế.

Nhưng trước hết, người Kitô hữu phải chiến đấu với chính mình, tỉnh thức vượt qua các chước cám dỗ hằng ngày, cũng như luôn ăn năn sám hối tội lỗi đã vấp phạm. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và ban sức mạnh, canh tân, đổi mới, người Kitô hữu mới có thể phục vụ Đức Giêsu đang hiện hữu trong mọi người. Như thánh Phaolô chân thành khuyên nhủ tín hữu Roma: “Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ, để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.” ( Rm 6, 13 )

Nếu con bảo "giáo dân có ơn đặc sủng của Chúa Thánh Thần" có người sẽ cho rằng con nhạo báng họ!  Nếu con bảo "giáo dân là tư tế, tiên tri, vương giả", có người sẽ cho con là thệ phản!  Có mấy giáo dân ý thức họ được Chúa gọi? Chúa cần họ? Hãnh diện và tri ân vì được làm con Chúa nhờ phép Thánh Tẩy? Làm chiến sĩ, chứng nhân cho phép Thêm Sức? ( Đường Hy Vọng, số 333 )

Lạy Chúa Thánh Thần xin thương xót, giúp chúng con noi gương Đức Giêsu, chu toàn ba chức năng Tư Tế, Ngôn sứ và Vương Giả với người thân thuộc đến Giáo xứ, Cộng đoàn và tất cả tha nhân.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ soi sáng chúng con ý thức rằng, nhờ Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người, chúng con luôn được vinh hưởng Lòng Thương Xót, trở nên đồng hình, đồng dạng Con Chúa, cũng như biến thành chi thể của Người. Xin Mẹ luôn nhắc nhủ chúng con chân thành tri ân, cảm tạ, ca tụng và ngợi khen Thiên Chúa chí nhân chí ái muôn đời. Amen.

AM. Trần Bình An 20-1-2016

 

Chia sẻ Tin Mừng CN 3 TN NC (Lc 1, 1-4; 4, 14 -21)

Người phá tan xiềng xích lầm than

Mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài.

Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Ðến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, "Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào" (Ga 10, 10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng.  (Ga 6, 53)   

Ai cũng biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Ðêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người. (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá)

Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh sữ Luca giới thiệu sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đấng Cứu Thế. Đấng Messia mà Ngôn sứ Isaia đã loan báo hàng trăm năm trước.

Đem Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn

Người đến không đem Tin Mừng đến cho quý bậc vương giả, quý chánh khách, quý nhân sĩ học cao hiểu rộng, quý vị kiêu căng, hợm hĩnh tự phụ về tài năng, về chức tước, bổng lộc. Mà Người đến với những thân phận nghèo hèn, những kẻ cùng đinh, những thân phận bên lề xã hội, những người bé nhỏ, khiêm tốn, nhường nhịn, tự hạ, vị tha, chân thành ý thức bản thân như cát bụi với Đấng Tạo Hóa.

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.”(Lc 4, 18)

Đến thờ lạy Đấng Cứu Thế trong hang đá Bê Lem, những trẻ mục đồng chăn chiên khốn khó, với tâm hồn chân thành, trong sáng, những nhà chiêm tinh thiện tâm, nhiệt tình khao khát yết kiến Vua Vũ Trụ.

Khởi sự đi rao giảng, Người cũng kêu gọi và chọn những tông đồ từ dân thuyền chài tầm thường, nghèo khó, đơn sơ, mộc mạc. Những người sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự thế gian, công việc, gia đình, để đi theo Chúa.  

Trong khi đó, bao nhiêu luật sĩ, kinh sư, tư tế và cư dân thành Giêrusalem đều nghe biết Đấng Messia được sinh hạ ở Bêlem, nhưng vẫn lạnh nhạt, hờ hững, làm ngơ, chẳng hề đoái hoài đón nhận Ngươì.

Cũng như trào lưu xã hội hiện nay, đang đua nhau phủ nhận Chúa, đang xua đuổi Người ra khỏi mọi lãnh vực. Khi đua nhau vái lạy những con Bò Vàng tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, lạc thú, thay vì kính Chúa, yêu người, thì Tin Mừng đương nhiên trở nên điều xa xỉ, không cần thiết với họ.

Do vậy, Tin Mừng chỉ có thể đến được với những tâm hồn khiêm cung, nhỏ bé, đói khát sự công chính, sự thật và chân lý. Chúa Giêsu vẫn khuyên nhủ mọi người, hãy trở nên trong sáng, hồn nhiên, đơn sơ như trẻ thơ, dễ dàng nhận được những hạt giốngTin Mừng, ươm chồi, nảy lộc, thành cây xanh tươi, sinh hoa thơm trái ngọt sau này.

Đem tự do cho người tù và bị áp bức

Chúa Giêsu đến thế gian không phải làm chiến sĩ anh hùng, giải thoát dân Israel khỏi ách đô hộ La Mã, không giải thoát những tù binh hay nô lệ. Nhưng giải thoát con người khỏi xiềng xích ma quỷ, khỏi quyền lực thế gian đen tối độc ác, khỏi cạm bẫy cám dỗ, khỏi đam mê xác thịt. Dẫn dắt con người đến bến bờ hy vọng cứu rỗi.

“Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,…,trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18)

Ngay nơi tù ngục,Tin Mừng vẫn đem lại ánh sáng tự do cho những ai đang quằn quại chịu nhục hình. Giải thoát tâm hồn họ khỏi ách tù đày, khỏi áp bức tra tấn, khỏi thù hận, nghi kỵ, bất mãn, như ĐHY Phanxicô Xaviê đã trải nghiệm “Dẫu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.“(Tv 23, 4)

Nhất là Tin Mừng còn phá tan vòng kiềm tỏa của ma quỷ, giam hãm con người trong ngục thất tội lỗi u mê, tìm được lối thoát an toàn. Những tù nhân của đam mê vật chất, những con tin của cuộc sống trụy lạc, sớm thức tỉnh, sẽ được tự do trở về với Lòng Thương Xót vô bờ.

Đem ánh sáng cho người mù

“Người sai tôi đi công bố cho người mù biết họ được sáng mắt.” (Lc 4, 18)

Người đem Tin Mừng đến dẫn dắt, soi sáng, hướng dẫn những ai mù lòa lạc đường trong tối tăm, trong bóng đêm vô thần. Những người đang bị chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng, khuynh đảo che mất tầm nhìn về tương lai. Nhất là chủ nghĩa duy tương đối và khuynh hướng tục hóa đang thách thức và đe dọa thô bạo đến niềm tin Kitô hữu. Vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105)

Trước cái bả danh lợi, sắc dục, của cải, con người dễ dàng mù quáng lao theo chước cám dỗ chiếm đoạt, không còn biết đến công bằng, chánh trực và đạo nghĩa. Trước những lời nói có cánh, khen ngợi, dụ dỗ, khích động, con người cũng dễ dàng gục ngã, a dua, tán đồng, hoặc bị phỉnh lừa. Đó là chính là lúc cần đến Lời Chúa đến soi sáng phân minh, đâu là thật giả, đâu là con đường chính đáng phải theo.

Ban phúc Hồng ân

Đấng Cứu Thế công bố năm hồng ân của Chúa, không chỉ là một năm duy nhất, mà kéo dài cho đến ngày chung thẩm. Nay thời thế mạt sắp đến gần, thế nhưng có bao nhiêu người chịu lắng tai nghe, tiếng kêu khần thiết trong hoang mạc của ông Gioan Tiền Hô, để kịp thời ăn năn sám hối?

Nhiều người đang trở nên điếc đặc, hay mù lòa trong cái xã hội hỗn độn, phù phiếm, gian manh, lừa đảo, bóc lột, đàn áp, bất nhân, bất nghĩa. Trong đó, con người coi nhau như cừu địch, chỉ biết đua nhau bước lên đầu lên cổ người khác để tiến thân, để hưởng thụ. Nhưng Đấng Cứu Thế đã kịp thời đến xua tan bóng đêm hãi hùng, chiếu dọi ánh sáng Tin Mừng, hóa giải những mưu ma, chước quỷ, mời gọi mọi người quay trở về đường ngay, nẻo chính, về với quê hương Nước Trời.  

Lạy Chúa, xin hãy giải thoát con khỏi xiềng xích tội lỗi, xin mở mắt, mở tai con ra, để biết đón nhận Tin Mừng, áp dụng vào đời sống thường ngày.

Lạy Mẹ Maria, xin cầu bầu cho con biết ăn năn sám hối, trở về cùng Chúa nhân lành, hầu con xứng đáng hưởng hồng ân cứu độ. Amen.

 

AM Trần Bình An (23-1-2013)