Chia sẻ Tin Mừng CN XII TN NC 2016 (Lc 9, 18-24)
Ngài là ai?
AM. Trần Bình An
Tại một vùng bên Hoa Kỳ, những tháng ngày nắng hạn kéo dài đã làm cho những cánh đồng nứt nẻ vàng úa. Ngày nào người dân trong vùng cũng ngước mắt nhìn lên trên trời với niềm mong đợi sẽ có một tín hiệu tốt, nhưng đất vẫn khô cằn, mưa vẫn không chịu rơi.
Một ngày chủ nhật nọ, tất cả các vị mục sư tại các nhà thờ trong vùng kêu gọi mọi người đến tham dự một buổi cầu nguyện chung tại quảng trường thành phố để xin trời đổ mưa. Mọi người được yêu cầu đừng mang theo bất cứ điều gì ngoài niềm tin của mình.
Vào giữa trưa một ngày thứ Bảy, tất cả mọi cư dân trong vùng tập trung tại quảng trường. Tất cả mọi người đều tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện. Họ đến đó tràn trề hy vọng. Các vị mục sư rất cảm động khi nhìn thấy đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ. Từng đám đông đứng sát bên nhau, nắm tay nhau liên kết với nhau trong cùng một niềm tin và hy vọng. Những bài thánh ca được cất lên một cách sốt sắng. Mọi người đều tin tưởng và chờ đợi phép lạ. Khi buổi cầu nguyện vừa kết thúc, như có một lệnh thần diệu nào đó, những giọt mưa nhỏ đã bắt đầu rơi, những tiếng reo hò cũng bắt đầu vang lên. Mọi người đều phấn khởi trước phép lạ tỏ tường. Cầm trong tay bất cứ đồ vật gì, người ta cũng giơ lên để biểu lộ niềm hân hoan. Nhưng từ xa nhìn về đám đông người ta chỉ thấy có một biểu tượng đáng chú ý, đó là hình ảnh một cậu bé trai chín tuổi cầm dù gương lên cao. Em là người duy nhất mang theo dù để chuẩn bị đón mưa.
Thánh Augustinô đã nói: "Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin."
Trong câu chuyện trên đây, mọi người tham gia buổi cầu nguyện xin trời đổ mưa đều là những người có lòng tin nhưng người duy nhất nhận được phần thưởng của lòng tin là em bé trai cầm theo chiếc dù để trú mưa. Lắm khi trong cuộc sống đức tin, chúng ta tưởng mình tin, nhưng kỳ thực chúng ta chưa dám thể hiện những cử chỉ đích thực của lòng tin. Ðúng hơn, niềm tin của chúng ta chưa đủ mạnh được thể hiện bằng những hành động cụ thể đòi hỏi nhiều hy sinh và từ bỏ. Một em bé cầm dù giữa đám đông, đó là hình ảnh của những đòi hỏi của đức tin…
(Radio Veritas Asia, Sức Mạnh Của Ðức Tin, Chiếc Áo Từ Nhân)
Đức tin cần thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng chứng từ thuyết phục, không thể lửng lơ, mơ hồ hay bất định. Bởi vì Chúa sẽ từ chối, tẩy chay kẻ bắt cá hai tay, dấm dớ, tham lam: “Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta (Kh 3, 15-16)
Trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu trắc nghiệm các môn đệ, thử xem các ông có biết Người là ai không. Có tin Người là Đấng Thiên Sai chăng. Người vẫn biết các ông còn hồ đồ, còn tăm tối, chưa nhận biết chính xác Người là Con Thiên Chúa. Các ông vẫn còn đang hết sức kỳ vọng rằng, Người sẽ lên ngôi vua, giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ La Mã, rồi sẽ bá chủ toàn cầu. Thế nên Đức Giêsu không muốn các ông vỡ mộng khanh tướng, cũng chẳng muốn các ông hiểu lệch lạc sứ vụ của Người, mới ân cần mặc khải cho các ông hiểu sứ vụ cao cả của Người.
Nhận diện
Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa." Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, ông Phêrô thay mặt quý anh em đồng môn, tuyên xưng rất chính xác, làm Đức Giêsu hiểu ngay nhờ đâu ông được mặc khải.
“Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17)
Trong xã hội Do Thái bấy giờ, từ các Kinh sư, Luật sĩ, Biệt phái đến dân chúng hầu như đều không tin Đức Giêsu là Đấng Messiah, hay Đấng Kitô theo tiếng Hy Lạp, nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Theo quan niệm của họ, Đấng Messiah phải đến oai hùng, tiền hô hậu ủng, chứ chẳng thể lặng lẽ sinh hạ khiêm tốn nơi hang lừa bò, chẳng thể nào là con ông thợ Giuse và bà Maria nghèo nàn, chất phác, quê mùa.
Nay Đức Giêsu đi rao giảng đầy vẻ phong trần, chẳng cần cơ sở nguy nga, đồ sộ, tiện nghi, chẳng cần cơ cấu tổ chức quy mô, chặt chẽ, đầy đủ ban bệ, cũng chẳng hậu cần tiếp tế quy củ, bền vững, hiệu quả, chỉ như người khách lữ hành, không bị ràng buộc, chôn chân vào đâu. Người còn vui vẻ, hóm hỉnh tự trào: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu.”(Mt 8, 20)
Người lãnh đạo cũng chẳng giống ai, vì đã trở nên tôi tớ hầu hạ, phục vụ môn đệ, đến hiến thân cứu độ muôn người. “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 26-28).
Linh đạo
Con đường sứ vụ rao giảng của Người chẳng hoa thơm, cỏ lạ, chẳng quyền cao chức trọng, chẳng xuôi dòng mát mái, mà tràn trề, đầy rẫy chông gai, thách đố, cạm bẫy, nguy hiểm, thậm chí bị khổ nạn, chịu chết nhục nhã, thê thảm trên thập giá. Có thể nói đó chính là linh đạo Thập giá."Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại." Đức Giêsu không hề muốn giấu diếm các môn đệ tương lai sắp đến hết sức gian truân bĩ cực, mới hồi thái lai.
Cảnh cáo các môn đệ thức tỉnh khỏi giấc mơ quyền lực, “ngồi bên tả, bên hữu Thầy,” thoátkhỏi cám dỗ danh lợi, Đức Giêsu đã tiên báo cuộc khổ nạn của Người, cũng như số phận những ai đi theo Người sẽ không thể khá hơn."Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10, 17-18)
Đường hy vọng
Với các môn đệ, cùng tất cả những ai muốn theo Người, mong được hưởng hồng ân cứu độ, Đức Giêsu thẳng thắn kêu gọi:"Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình."
Bước đi theo Chúa tiên quyết bỏ mình, bỏ ý riêng, bỏ cả thân xác, của cải, tiền bạc, nhà cửa, tiện nghi, bỏ cả những tình cảm dây dưa, riêng tư, bỏ tất tần tật những gì níu kéo, ràng buộc cản trở. Đây là thách đố quan trọng và khó khăn cho tất cả những ai theo Chúa.“Của Cesar hãy trả về Cesar, Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.”(Mt 22, 21) Hãy buông xả tất cả những gì thuộc về thế gian, để chúng không thể ngăn trở, không thành chướng ngại vật, khi đến với Chúa.
Bỏ mình, cũng bỏ lại sau lung nhưng vương vấn gia đình, những tình cảm huyết tộc, linh tộc, uỷ mị, sướt mướt, yếu đuối, bỏ đi tất cả những gì vướng víu lên đường theo Chúa. "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa" (Lc 9, 60)
Theo Chúa toàn tâm toàn ý, chẳng hề tiếc nuối, chẳng quyến luyến, tính toán hơn thiệt, chẳng bối rối, so đo. "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa." (Lc 9, 62)
Hằng ngày vui lòng vác thập giá bổn phận và trách nhiệm, chẳng chối bỏ hay tránh né, cũng chẳng than phiền hay bất bình, bất mãn nặng nhọc, khó khăn dai dẳng. Luôn ý thức rằng vác thập giá theo chân Chúa lên Núi Sọ, chịu đóng đinh và chịu chết với Người. Bởi chưng tìm sự sống thế gian thì rồi sẽ tàn héo, sẽ mòn mỏi chết theo năm tháng, còn theo Chúa dấn thân chịu thua thiệt, chịu chết đi, sẽ được sống vinh quang với Người.
“Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng.” (Đường Hy Vọng, số 956)
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận diện ra Chúa trong mọi người, nhất là trong những anh chị em cơ nhỡ, đau khổ, nghèo đói, bị bỏ rơi, bệnh hoạn, tù đầy, để chúng con thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ, trong niềm hy vọng hạnh ngộ cùng Chúa mai sau.
Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ an ủi, cầu bầu, giúp đỡ, khích lệ chúng con biết trung thành theo Chúa đến cùng, như xưa Mẹ theo Chúa đến tận chân thập giá trên đồi Calvaire. Amen.
Chia sẻ Tin Mừng CN 12 TN NC (Lc 9, 18-24)
Nếu muốn theo Chúa
Ngày 14/3/2007, cụ bà Irena Sendler (97 tuổi) đã được Quốc hội Ba Lan tôn vinh là nữ anh hùng dân tộc, đồng thời đề cử là ứng viên cho giải Nobel hòa bình 2007. Vào năm 1939, khi Đức chiếm đóng Ba Lan, bà Irena Sendler là một nhân viên xã hội. Lúc này Gestapo đã tập trung khoảng 450.000 người Do Thái vào các khu trại tại thủ đô Warsaw.
Bà Sendler là một tín hữu Công Giáo, giả làm y tá xin phép ra vào trại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vào trại, Irena thông báo với những người Do Thái rằng họ sắp bị đưa đi, thuyết phục các bậc cha mẹ tin cậy giao con cho mình để cứu chúng.
Bà lập một nhóm bí mật gồm 20 thành viên chuyên che giấu các em, làm giấy tờ tùy thân mới cho chúng rồi đưa tới nơi an toàn. Bà và đồng đội lén chuyển bọn trẻ ra ngoài theo đường cống, trong vali và trên xe rác, xe cứu thương. Đôi khi họ phải đưa chó lên xe: tiếng chó sủa giúp che lấp tiếng khóc thét của những đứa trẻ không muốn rời bầu vú mẹ. Khoảng 2 500 trẻ em đã được cứu vớt bằng cách này.
Năm 1943, Sendler bị Gestapo bắt. Bà bị giam giữ và tra khảo suốt ba tháng trời, nhưng cả khi bị đánh gãy chân, bà cũng không hé một lời về thân phận những đứa trẻ được đưa đi. Tên tuổi, thân thế bọn trẻ bà viết ra giấy, bỏ vào lọ rồi chôn dưới gốc cây táo trong những khu vườn lân cận. Bà được cứu thoát ngay trước khi bị hành hình.
Chiến tranh kết thúc, bà đào những chiếc lọ này lên và tìm cách đoàn tụ các gia đình. Hầu hết những bậc cha mẹ không còn nữa. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ đã tìm được họ hàng sống nhiều nơi ở châu Âu. Năm 1965, bà Irena Sendler được Đài tưởng niệm nạn diệt chủng Yad Vashem của Israel thưởng huy chương “Đạo đức” cho những người cứu dân Do Thái.
Cụ bà Sendler hiện đang sống trong một nhà dưỡng lão tư ở Warsaw. Do sức khỏe yếu nên cụ chỉ gửi thư tới quốc hội và Elzbieta Ficowska, một trong những người được cụ cứu thoát khi còn là một bé gái sáu tháng tuổi, đã đọc thư này: “Mỗi đứa trẻ được tôi và những sứ giả bí mật khi đó cứu giúp, nhiều người nay không còn nữa, chính là biện minh cho sự tồn tại của tôi trên Trái đất này, không phải là một cái cớ để tự hào”.Điều duy nhất mà cụ hối tiếc là “không thể cứu được nhiều hơn” và nhắc nhở: “Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi xảy ra địa ngục diệt chủng, nhưng bóng ma của nó vẫn lơ lửng trên thế giới, chúng ta không được phép quên”.
Nhân chứng Elzbieta Ficowska chia sẻ: “Trên nền sự lãnh đạm của thời đại chúng tôi, tấm gương của Irena rất quan trọng.(Theo Duy Văn, Tuổi Trẻ/Boston Herald, Reuters) Ngày12/5/2008, bà Sendler qua đời, hưởng thọ 98 tuổi.
Như thế bà Irena Sendler đã biết từ bỏ mình, chấp nhận vác thánh giá, cứu thoát chết hàng ngàn trẻ em Do Thái. Trong trích thuật Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ Người là ai. Rồi Người mặc khải mầu nhiệm tử nạn, cùng điều kiện đi theo Người.
Từ bỏ & Chấp nhận
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9, 23)
Từ bỏ chính mình là chết đi con người cũ, khuynh hướng vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Nhưng tiên vàn cần có đức khiêm nhường, noi gương Mẹ Maria, nhận ra mình là phận hèn tối tá Chúa, thì mới có thể bỏ mình, hoặc mới dám bỏ mình.
Bà Irena Sendler tỏ ra khiêm tốn khi được vinh danh là nữ anh hung dân tộc. Nhưng đầu tiên, bà đã tỏ ra tự hạ, dứt khoát từ bỏ cuộc sống yên lành, hóa thân vào vai y tá tầm thường, dấn thân vào nơi bệnh dịch, cứu thoát các em bé sắp bị sát hại, dù biết nguy hiểm đến tánh mạng lẫn thân quyến.
Từ bỏ chính mình trong cuộc sống thường nhật là từ bỏ những ưu ái dành cho bản thân, như không lo lắng chăm sóc, chau chuốt những đam mê, những thói hư tật xấu. Từ bỏ nếp sống nô lệ cho những đòi hỏi xác thịt, từ bỏ nô lệ của cải, tiền bạc, địa vị, danh lợi. Từ bỏ chính mình là sống thanh đạm, đơn giản, nhân hậu trong tinh thần khiêm hạ, phục vụ, như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).
Mỗi khi bực dọc, hằn học, ganh ghét, cọc cằn, thô lỗ, tham lam, so bì, tỵ hiềm, oán hận, xúc phạm tha nhân, là mỗi lúc chúng ta lại ra sức vuốt ve, nuông chiều, chăm lo cho bản ngã, cho cái tôi thậm tệ đáng ghét. Tệ hai thay, bản thân chẳng bao giờ biết thế nào cho vừa, chẳng biết sai trái, để tự điều chỉnh, cải thiện, đổi mới. Vì thế, chúng ta mới dễ dàng trở thành gia trưởng trong mái ấm, mới là ông kẹ trong xã hội hay trong giáo hội! Khiến ai cũng phải nể nang, khiếp vía, sợ hãi. Vậy đâu phải dễ dàng từ bỏ mình?
Nếu biết từ bỏ chính mình, thì mới có thể vui lòng chấp nhận đau khổ, vác thánh giá hằng ngày, như chồng tệ, vợ dại, con hư. Những lởi cằn nhằn than thở vô hồi kỳ tận, những lời trách móc, mắng nhiếc, giận hờn, oán than, nỉ nôi từng giờ, từng phút không bao giờ nguôi! Hơn nữa, thánh giá thường nhật còn là tha nhân, lối xóm, bè bạn, đồng nghiệp bất lương, bất nghĩa, bất tín, bất trung, phản phé, chốngbáng, quậy phá, xỏ xiên, vu khống, ném đá, đánh lén dưới thắt lưng, thậm chí đâm cả sau lưng…
Có một người tín hữu tốt lành nọ, ngày kia than phiến với Thiên Chúa: ”Lạy Chúa, con đã làm gì mà phải chịu đau khổ thế này?” Thiên Chúa trả lời với anh: “Còn Cha, Cha đã làm gì mà bị dẫn lên núi Calvaire?” Thế là anh ta hiểu ra, khóc nức nở, xin Chúa tha thứ cho mình, và hứa sẽ không bao giờ còn dám than trách khi gặp đau khổ nữa. Người đời thường khổ sở khi gặp đau khổ, còn người tín hữu tốt lành thì khổ sở khi không có thánh giá. Chúng ta phải sống giữa đau khổ như con cá sống trong nước vậy. (Phaolô Vũ Đức Thành, Đau Khổ, Những bài giảng bất hủ của Cha thánh Gioan Maria Vianney)
Chết đi để Sống
“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. “(Lc 9, 24)
Một kết luận tuyệt vời, súc tích và đơn giản, tóm tắt toàn bộ ý nghĩa lời giảng dạy của Chúa bên trên. Đây là chân lý ngàn đời cho ai tin theo Chúa.
Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Xaviê thuộc giáo phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình quyền quý. Năm 19 tuổi, ngài sang Ba Lê để tiếp tục việc học. Tám năm sau, ngài tốt nghiệp và trở thành giáo sư đại học đó. Ðược nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng thế tục. Nhưng một ngày kia, Chúa đã dùng miệng lưỡi thánh Ignatiô, cũng là thầy dạy, để nói cùng ngài: "Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?" (Mt 16,26). Và Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim thánh nhân, biến ngài trở thành một khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Năm 1539, Phanxicô Xaviê hăng hái lãnh sứ mệnh nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ, Mã Lai, Nhật Bản. (Vietnamese Missionaries in Asia)
Những lập luận từ bỏ và chấp nhận, chết và sống của Chúa Giêsu thoạt nghe thật mâu thuẫn và nghịch lý, điên rồ rất khó chấp nhận.
“Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!"… Từ đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa. (Ga 6, 60 & 66))
Thánh Phaolô đã diễn giải sự phi lý điên rồ đó: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái cho là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”(1Cr 1,22-25).
Nền văn minh sự chết ngày hôm nay, đang ra sức quảng bá những điều tưởng như tự do, nhân bản và tiến bộ, nhưng thật sự đang điên rồ chống lại tự nhiên, chống lại sự sống, và chống lại Thiên Chúa. Người ta hô hào hôn nhân đồng tính là tiến bộ, hợp với nhu cầu thời đại, Hô hào phá thai là tôn trọng tự do cá nhân. Há chẳng phải con người đang thoái hóa đạo đức, phản lại luật tự nhiên, hôn nhân nam nữ, sát nhân, tiêu diệt sự sống của thai nhi. Cái đà văn minh này chỉ đưa loài người đến chỗ diệt vong.
Vậy chỉ có những ai liều mình chết cho chân lý, sự thật, chánh đạo vì Thiên Chúa, thì chắc chắn được phần thưởng sự sống viên mãn đời đời. Thánh Phaolô không hề do dự khi mạnh dạn khẳng định:"Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài" (2Tm 2, 11).
Mất để được, chết để sống, từ để gặp. Ba Đạo sĩ liều hiểm nguy, chế nhạo; Phanxicô liều xa cha mẹ, mất của cải, thú vui, Goretti liều mạng sống. (Đường Hy Vọng, số 8)
Lạy Chúa Giêsu, Người đã thực hiện chính xác những điều giảng dạy, khi dấn thân vào cuộc tử nạn kinh hoàng, để cứu rỗi nhân loại. Xin Chúa giúp con biết can đảm đón nhận những đau khổ, và dâng hiến những đau khổ ấy thành của lễ cứu độ linh hồn con.
Lạy Mẹ Maria Bảy Sự Thương Khó, Mẹ đã chịu lưỡi gươm thâu qua Trái Tim Cực Sạch, cùng chịu đau khổ với Con Mẹ. Khấn xin Mẹ giúp sức con biết khiêm nhường từ bỏ bản thân, mà vác thánh giá theo Con Mẹ, hầu được cứu rỗi cùng với những người thiện tâm theo Chúa. Amen..
AM Trần Bình An
June 16, 2016
AM Trần Bình An - dongcong.net