Tự hạ & yêu thương phục vụ-Am Trần Bình An
TỰ HẠ & YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ
Am Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 22 TN NC 2016 (Lc Lc 14, 1. 7-14)
Vào ngày Thứ Sáu, 28.11.2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến công du quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi máy bay hạ cánh tại phi trường Ankara-Esenboga, thay vì lên một chiếc xe limousine Mercedes bóng nhẫy, lộng lẫy, dành cho quốc khách, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại tự ý lên một chiếc xe Volkswagen Passat tầm thường, cùng ở trong đoàn xe đón ngài, khiến các quan chức Thổ bất ngờ, lúng túng không biết phải ứng xử ra sao.
Trước khi bắt đầu cuộc công du Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ ý không muốn đi xe sang trọng, nhưng chính phủ Thổ làm ngơ. Nhưng rồi họ cũng đành chấp nhận, khi ngài lên chiêc xe Volkswagen Passat không bọc sắt chống khủng bố. Khi đến thăm bảo tàng Hagia-Sofia-Museum, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng dùng xe Renault Clio rất nhỏ thay vì xe Mercedes sang trọng.
Quan sát viên cho rằng đây là một tấm gương khiêm nhường. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiện thân của sự khiêm nhường đạm bạc, muốn bày tỏ với Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan vừa cho xây xong dinh thự tổng thống tốn đến hơn 500 triệu Euro. TT Erdogan là người chuộng sang trọng, xa xỉ, hệt như chính trị gia ở nhiều nước khác. (Duong Hong-An, Tấm Gương Khiêm Nhường)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đầy Tớ các đầy tớ của Chúa, đã dứt khoát từ chối sự ưu ái đặc biệt dành cho quốc khách, để hoà mình vào công chúng, theo như huấn dụ Tin Mừng. Trình thuật Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu được mời dự tiêc trong ngày Sabat tại nhà một thủ lãnh Biệt phái. Thấy thực khách tranh giành nhau chỗ ngồi trên, Người giảng huấn về lòng khiêm nhường và yêu thương phục vụ.
Tự hạ
-“Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.” (Hc 3, 18) Lời giáo huấn của kinh sư Ben Xira sau này được Đức Giêsu tóm tắt cụ thể và súc tích hơn: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người." (Mc 9, 35) Lời Chúa không chỉ dành cho những người lãnh đạo có chức có quyền, mà còn dành cho tất cả mọi người, đều cần khiêm tốn, tự hạ đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Khiêm hạ trước Thiên Chúa, vì con người chỉ là tạo vật đầy khiếm khuyết, bất toàn, hữu hạn trước Đấng Tạo Hoá chí tôn toàn năng, vĩnh cửu. Tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Chúa trao ban nhưng không, từ thân xác, tinh thần, linh hồn, sở trường, trí tuệ, tài năng.”Tất cả là hồng ân,” như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm sống, tuy đời ngài ngắn ngủi, đầy gian nan, thử thách.
Trong tâm tình khiêm hạ, biết ơn, cảm tạ, nhạc sĩ Phanxicô đã thành tâm cảm nhận phận hèn con người, chẳng biết lấy gì báo đáp Đấng Tạo Hoá: "Lạy Chúa con chỉ là tạo vật, Chúa thật (í a) sang giàu. Có gì mà dâng Chúa đâu, có gì mà dâng Chúa đâu. Vì trước mặt Chúa Thái Sơn cũng mọn hèn, dòng sông cả mấy sâu có là mấy đâu. Giữa đời con đây nhỏ bé, biết tìm chi dâng tiến Ngài." (Ns Phanxicô, Con chỉ là tạo vật)
Tiếp đến, mỗi người còn cần khiêm tốn với đời, vì biết bao học thuật, nghệ thuật, kiến thức được chắt lọc, tích luỹ từ hàng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu công sức sáng tạo, tìm tòi, thử nghiệm, của các nhà thông thái, học giả, khoa học gia, nghệ sĩ. Chẳng qua, ai đó biết làm mới lại, đào sâu thêm, hay dựa vào đó sáng chế. “Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: Dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Gv 1, 9)
Cuối cùng, ai cũng thật cần khiêm nhường với tha nhân, vì chẳng ai tài sắc vẹn toàn. Người được cái này, thì mất cái nọ. Cũng chẳng ai nắm tay thâu đêm. Nên luôn phải hãm mình khiêm hạ, chớ tự cao, tự đắc, tự đại, kiêu căng, ngạo mạn, kinh rẻ, xúc phạm tha nhân, kẻo bị luận phạt. “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 22) Hơn nữa, có khiêm nhường mới có thể nhận ra cái sai, cái thiếu sót, lỗi phạm của mình, để học hỏi, canh tân, nhờ tha nhân giúp đỡ, chỉ dạy.
Tóm lại, khiêm nhường là đức tính thiết yếu của thân phận làm người, dám can đảm chấp nhận sự thật của chính mình, về những ưu khuyết điểm, về tài năng đức độ và cả giá trị của mình đối với người xung quanh, dẫu có bẽ bàng, yếu đuối, khiếm khuyết, tội lỗi, xấu xa, để biết ứng xử đúng đắn, lễ độ, cung kính, với Chúa và tha nhân. Với người Kitô hữu, càng nhất thiết phải sống thật khiêm hạ, vì Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), vì Người đã hết sức chân tình khuyên nhủ và mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hòa và khiêm nhượng, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ yên bồi dưỡng.” (Mt 11, 29. Nếu không thì “kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.” (Hc 3, 28)
Trước nhan Thánh Chúa, dù đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm cũng cần luôn khiêm nhường thân thưa:“Chúng con là những đầy tớ vô dụng, chúng con đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17, 10) Đừng vênh váo, kiêu căng kể lể, khoe khoang công đức, như dụ ngôn người Biệt phái và người thu thuế cầu nguyện trong Đền Thờ:“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 19, 10-14)
Yêu thương phục vụ
Bữa tiệc của một thủ lãnh Biệt phái hôm nay phục vụ thật chu đáo, nhằm phô trương thanh thế, bánh ít đi bánh qui lại, vừa có tiếng lẫn có miếng. Nên ngoài Đức Giêsu và các môn đệ, thực khách còn lại toàn là các bậc vị vọng, đáng kính, đồng trang lứa, đồng vai vế, chức sắc, quyền cao chức trọng, “phe ta” cả. Chẳng hề thấy bóng dáng một người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù, sứt mẻ nào dám bén mảng đến. Nếu ông chủ tiệc hào phóng, tha thiết mời cả những kẻ bần cùng khốn khó ấy vào chung vui, thì chắc hẳn “ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại." Nhưng sự khôn ngoan thế gian chẳng bao giờ dễ dàng chấp nhận như thế.
Tin Mừng luôn nghịch lý thế gian. Người thủ lãnh “không dùng quyền uy mà thống trị,” trái lại trở nên người phục vụ thân thương và chu đáo, như Đức Giêsu đã xác định công khai sứ vụ: “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22, 24-27). Vì thế, Người khuyên nhủ các môn đệ, các tín hữu Kitô hãy noi gương phục vụ: “Các con hãy biết rửa chân cho nhau.” (Ga 13, 1-15)
Theo Đức Giêsu, phục vụ tha nhân hoàn toàn vô vi lợi, thắm tình yêu thương, bác ái, nhân ái, không phân biệt hay loại trừ bất cứ ai. Dân Việt ta có câu: “Thương người như thể thương thân,” cũng giống với Tin Mừng: “Hãy yêu người thân cận như chính bản thân mình.” (Mt 22, 35-40) Người thân cận nghèo khổ, đói rách, bệnh hoạn cần được giúp đỡ, chính là Đức Giêsu ẩn mình: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; …(Mt 25, 35-36)
“Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật.” (Đường Hy Vọng, số 509)
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)
Khấn xin Mẹ Maria, cầu bầu và soi sáng chúng con nhận biết mình là "những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù" trước Thiên Chúa chí thánh, để chúng con luôn biết khiêm hạ với Chúa và với tha nhân. Xin Mẹ luôn nhắc nhủ chúng con luôn yêu thương phục vụ mọi người trong mọi nơi, mọi lúc. Amen.
Chia sẻ Tin Mừng CN 22 TN NC (Lc 14, 1. 7=14)
Nhận và cho nhưng không
Sau khi được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp, chị Bênadêta đã xin vào tu viện một dòng Kín ở Nevers. Một ngày Chúa nhật kia, vào năm 1876, một nữ tu đưa cho Bênadêta xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Đức trước đây để xem phản ứng chị thế nào.
Đang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Bênadêta hỏi:
- Người ta dùng chổi để làm gì hả chị?
- Để quét nhà.
- Quét xong họ để chổi ở đâu?
- Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ "cư trú" thường lệ của nó.
- Đời em cũng thế chị ạ. Đức Mẹ đã dùng em, rồi để em vào chỗ của em. Em sung sướng lắm, và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi! (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng)
Hôm nay trong trình thuật Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu đến dự tiệc do một thủ lãnh Pharisiêu khoản đãi. Thấy thói đời bon chen, giành nhau ghế đầu, cũng như ưa phục vụ người cao sang, quyền quý, hay bạn bè, thân hữu, Người nhắn nhủ về thái độ nhận và cho. Chị Bênadêta nhận được ơn trọng đại, đã chia sẻ cho mọi người, rồi chị âm thầm ẩn mình vào Dòng Kín, noi gương Mẹ khiêm nhường.
Nhận
Nhận là lãnh, thâu lấy cái gì người khác trao, gửi, đem đến cho mình, từ vật chất đến tinh thần. Nhận quà cáp, nhận lời mời dự tiệc, nhận lời khen, tiếng chê. Trong quan hệ gia đình, cộng đoàn hay xã hội, nhận và cho thể hiện mối quan hệ hỗ tương giữa hai người, hay giữa cá nhân với tập thể, hoặc ngược lại.
Trong bản thân, mỗi người cũng tự nhận mình như thế này, thế nọ. Thường dễ cường điệu, chủ quan, tự trang điểm, nhuận sắc cho mình hay ho, tốt lành, đẹp đẽ. Thường tánh kiêu ngạo tiềm tàng khiến người ta luôn cảm thấy tự mãn, hợm hĩnh giỏi giang, khôn ngoan, thông minh, tài năng hơn tha nhân. Nhất là bao giờ cũng cho mình có giá trị hơn người khác, vượt trội hơn, cao trọng hơn. Mình luôn luôn number one! Dĩ nhiên, cũng không thiếu kẻ lại mặc cảm tự ty, luôn cảm thấy thua kém thiên hạ.
Đức Giêsu khuyên nhủ hãy khiêm tốn ngồi vào chỗ cuối, để nhìn lại kỹ bản thân. Biết sự thật về mình, vốn là tạo vật, đầy khiếm khuyết, đầy nết hư tật xấu. Hơn nữa, còn lấm lem tội lỗi kín đáo, chắc gì tốt lành hơn ai, mà cứ còn đòi chọn chỗ nhất mà ngồi.
“Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn
25: 6-7).
Quan trọng nhất là hiểu biết mình đang nhận hồng ân của Thiên Chúa ban cho mình, từ khi tượng thai cho đến khi quay về với cát bụi. “Tất cả đều là hồng ân!” như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm thốt lên. Nhận được những ơn phúc tràn trề, chúng ta mới có điều kiện thăng tiến, phát triển thân xác cũng như tình cảm và trí tuệ, hơn người này kẻ kia. Nếu họ cũng có cơ hội như chúng ta, và khéo léo dùng vốn liếng Chúa ban cho, có khi còn kết quả, thành đạt hơn chúng ta.
Do vậy, luôn sống khiêm nhường, tự hạ, bé nhỏ, tầm thường, mới có thể nhận thức thân phận bọt bèo, mà cảm tạ tri ân, ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa, để không còn dám vênh váo, tự mãn kiêu ngạo, trước mặt thiên hạ.
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1,52)
Hiểu thấu thân phận vốn nghèo nàn, được nhận lãnh biết bao hồng ân, mà người đời quen coi là may mắn, mới trân trọng nhân đức khiêm nhu, tự hạ. Thánh Phanxicô Borgia thấm thía tấm gương khiêm nhường tuyệt hảo của Chúa Giêsu: "Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa, vì tôi đã thấy Ðức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy." Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối, thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Ðức Giêsu.”
Cho
Nếu đã nhận nhưng không những ơn huệ Chúa ban tặng, thì cũng biết cho đi nhưng không, biết phục vụ vô tư, không vụ lợi, không đặt điều kiện với người nhận, người được phục vụ, không màng đến chuyện trả ơn báo đáp. Vì tất cả việc tốt lành, hy sinh, bác ái chưa thể nào đền đáp, sánh nổi những gì đã nhận miễn phí từ Thiên Chúa.
Cho đi âm thầm, không khoa trương, không đánh trống, khua chiêng, thổi kèn, hầu kiếm chút danh thơm phù phiếm. Vì Đức Giêsu đã dăn dặn: “Còn anh em khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,1-4).
Cho đi cả thương yêu, không đắn đo tiếc rẻ. ”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,38)
Cho đi vô tư là phục vụ tận tình. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 45)
Cho đi cả cuộc đời, như, noi gương Đức Giêsu chịu khổ nạn để cứu độ nhân loại, thánh Maximilianô Kolbe chết đi thay người bạn tù.“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15,13)
“Người khiêm nhường như hạ mình sát đất, không còn ngã xuống đâu nữa. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp!” (Đường Hy Vọng, số 517)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn thương yêu những tâm hồn bé bỏng, đơn sơ, khiêm nhu, bác ái. Xin dạy chúng con biết khiêm nhường mà dấn thân phục vụ vô vị lợi, để được Chúa yêu nhiều hơn.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã thấu hiểu tình yêu Chúa dành cho những ai khiêm tốn, nhỏ bé khi Mẹ ca tụng: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1,52). Xin Mẹ luôn luốn nhắc nhở và dạy chúng con biết khiêm nhường, để được Chúa đoái thượng phận hèn tôi tớ. Amen.
AM Trần Bình An
August 26, 2016 11:34 AM
AM Trần Bình An - dongcong.net