Thập giá trong đời
Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 23 TN NC 2016 (Lc 14, 25-33)
Lực sĩ bơi lội Michael Phelps, người được nhiều huy chương nhất trong tất cả các kỳ thi thế vận hội, cách đây hai năm đã suýt tự tử. Vào thời điểm đó, anh bù đắp khoảng trống và nỗi đau của mình bằng ma túy và rượu, vì thế những thứ này còn đưa anh vào vòng xoáy hủy hoại hơn. Năm 2009, anh bị cấm bơi ba tháng vì một bức hình anh hút được lan truyền trên mạng; dù bị phạt nhưng cũng không ngăn anh tiếp tục cuộc chơi. Tệ hơn nữa khi anh bị bắt lần thứ hai, vì tội say rượu lái xe trong vòng mười năm.
Phelps ở dưới đáy. Những ngày sau khi bị bắt, anh sống cô lập và anh tiếp tục uống. Trong một buổi phỏng vấn với hãng tin ESPN, anh thú nhận: «Tôi không còn một sự tự tin nào. Tôi nghĩ không có gì có giá trị và thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi. Tôi tự nhủ, tốt nhất là tôi nên tự tử». Các huy chương vàng cũng không an ủi anh được: anh không còn tìm được ý nghĩa cuộc đời.
Sự quan phòng đã làm cho gia đình và các bạn của anh thuyết phục được anh vào một trung tâm phục hồi để đuổi các tư tưởng xấu này. Dù mới đầu anh không muốn nghe, nhưng cuối cùng anh chấp nhận số của mình và đi trên con đường chữa lành. Phelps mang theo anh quyển sách Mục đích hướng dẫn đời sống (The Purpose Driven Life) của Rick Warren. Đó là quyển sách do lực sĩ Ray Lewis tặng anh, lực sĩ Lewis là cựu phòng vệ của đội Ravens của Baltimore. Không những anh đọc mà anh còn cho nhiều bệnh nhân khác mượn, họ đặt cho anh biệt danh «Michael Người Rao Giảng».
Các lực sĩ đều mê huy chương, đó là sự tưởng thưởng cho công trình khó nhọc. Nhưng sự chú ý của truyền thông chỉ có một thời gian. Trong khi Đức Tin dựa trên tình yêu, một tình yêu giúp tìm lại thăng bằng và phối cảnh. Ngoài việc tìm lại Đức Tin trong thời gian ở trung tâm phục hồi, Phelps cho biết, một phần sự rối loạn của mình là do sự thiếu vắng người cha. Khi anh 9 tuổi, cha mẹ của anh ly dị và để bù cho sự thiếu thốn này, anh bắt đầu bơi. Một khi đã chinh phục được nước thì nỗi đau lại trồi lên mặt.
Trong tuần lễ gia đình ở trung tâm, Phelps đã có dịp tiếp xúc với cha mình và đã giúp anh chữa lành. Lần đầu tiên họ ôm nhau từ nhiều năm nay, điều này đã giúp Phelps đi tới đàng trước. Một vài tháng sau khi ở trung tâm phục hồi, Phelps ngõ lời xin cô bạn gái Nicole Johnson của mình làm đám cưới. Họ đã đính hôn và sẽ làm đám cưới sau kỳ thi Thế vận hội. Khi lần đầu tiên bồng con mình trên tay, Phelps đã khóc. Anh thổ lộ với hãng tin ESPN: «Tôi bàng hoàng không nói lên lời. Tôi nhận ra thế nào là một tình yêu thật».
Đứng trước trách nhiệm mới của gia đình, cuộc thi thế vận kỳ này sẽ là lần chót. Nhờ ơn Chúa, lực sĩ Phelps đã ra khỏi vực thẳm để về với cuộc sống. Có thể anh không hoàn hảo, nhưng Đức Tin của anh đã dẫn anh đi trên một con đường mới. Anh hiểu, dù số lượng huy chương vàng có nhiều như thế nào thì chúng cũng không có khả năng cứu được anh. (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch, Đối với Michael Phelps mọi huy chương không thể sáng chói nếu không có Chúa)
Kình ngư huyền thoại Michael Phelps, vô địch huy chương vàng Olympic hôm nay đã không thể đạt những kỳ tích, nếu không có sự đồng hành của bà mẹ Debbie Phelps. Người đã quyết tâm rèn luyện Michael Phelps vượt qua nỗi sợ xuống nước từ hồi 7 tuổi và hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) lúc 9 tuổi. Khi đã lên đỉnh vinh quang, Michael Phelps lại đắm đuối vào những cám dỗ ma tuý, rượu chè, cờ bạc, cá ngựa, nhưng nhờ trông cậy vào ơn Chúa và tình yêu, anh lại tiếp tục gặt hái huy chương thế vận hội. Anh đã có tiền tài, danh vọng, chỉ thiếu có Chúa, nên mới lạc lối.
Trong Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu nêu lên những điều kiện bắt buộc tuân theo, để làm môn đệ Người, để đi theo Người. Đó là từ bỏ vật chất, tình cảm thế tục và chấp nhận thập giá. Ở đời, bất cứ ai chẳng nhiều ít, cũng đều vấp phải đau khổ, khó khăn, thách đố, nên ra sức tránh né. Nhưng Đức Giêsu lại đòi hỏi phải gánh vác lấy, không được từ chối: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Thập giá bản thân
Thách đố nặng nề hơn cả chính là tính xác thịt. Chống lại bản năng, thú tính, ham muốn, chính là một thập giá bất khả phân ly, liên tục cho đến nhắm mắt xuôi tay. Có thể gọi là thập giá tu thân. Thánh Phaolô khuyên nhủ Kitô hữu hãm mình, không nô lệ bản thân: “Chúng ta hãy ăn ở đứng đắn, như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.“ (Rm 13, 13-14)
Tiếp đến, thập giá còn là bổn phận và trách nhiệm, mà bất cứ ai sống trong cuộc đời cũng phải gánh vác. Làm con cái, cha mẹ, làm tu sĩ, Linh mục, đều có trọng trách, đều được Chúa giao cho một nén, hay nhiều nén bạc sinh lãi, tuỳ theo khả năng. (Mt 25, 14-20) Đó chính là thập giá tích đức. Mong ngày sau, được hân hạnh nghe lời khen của Ông Chủ: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25, 21)
Thập giá Kitô hữu
Ngoài thâp giá tha nhân, như quan tâm, nhân ái, tận tuỵ chăm sóc, tận tình phục vụ những người cô quả, nghèo đói, bệnh hoạn, đau khổ, bị bỏ rơi, cần được yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, người tín hữu Kitô còn phải vác thập giá chứng nhân, gieo vãi hạt giống Tin Mừng khắp nơi. Như chính Đức Giêsu đã trao phó nhiệm vụ cao cả cho các môn đệ, những người theo Người: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8)
Đức Giêsu cũng thẳng thắn tiên báo những gian khổ, nguy hiểm, thách đố, dành cho các môn đệ khi thi hành sứ vụ: "Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” (Mt 10, 16) Những thập giá đau đớn, xót xa: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10, 22)
Tránh né vác thập giá, hay “khôn ngoan” thoả hiệp, thông đồng, hiệp lực, cộng tác với quyền lực đen tối của sự dữ, với văn minh sự chết, để cọng sinh, hỗ tương, thuận lợi “giữ đạo,” đều là trắng trợn nguỵ biện, xảo ngôn, cùng đối phó, phản nghịch, antichrist, bất trung với Tin Mừng. “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” (Lc 14, 27)
Thử thách gian khổ là "giấy phép theo Chúa" để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá mà theo Ta." (Đường Hy Vọng, số 714)
Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, chúng con quá mỏng dòn, yếu đuối, dễ ngã lòng, xin Chúa luôn ban Thánh Thần đến an ủi, khích lệ, phù hộ chúng con can trường vác thập giá hàng ngày, luôn trung thành theo Chúa.
Khấn xin Mẹ Maria, cầu bầu chúng con luôn chấp nhận những khó khăn, vất vả, đắng cay trong đời cho nên, cho đẹp lòng Chúa. Amen.
AM. Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 23 TN NC (Lc 14, 25-33)
Ai có thể làm môn đệ Đức Giêsu?
Ngày 02/08/2013, ca nô mang số hiệu H29, tuy tải trọng chỉ 18 khách, nhưng đã chở đến 30 người trong chuyến hành trình từ huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đến Vũng Tàu. Bất ngờ gặp sóng lớn ca nô bị lật úp, cách bờ biển Cần Giờ khoảng 4 km.
Chàng trai Trần Hữu Hiệp, 26 tuổi quê Thanh Hóa, cũng là hành khách bị nạn trên ca nô, đã cố gắng cứu vớt được 4 người suýt chết đuối. Thấy một người phụ nữ đang mang bầu, yếu ớt bám vào thân ca nô, anh Hiệp đã không tiếc mạng sống cởi ngay áo phao đưa cho người này.
Nhường áo xong, anh Hiệp bám vào thành tàu cùng bạn hữu, nhưng liên tục bị nhiều cơn sóng khác đánh dạt ra. Anh bơi vào lại, nhưng chỉ được một lúc lại bị đánh ra xa tiếp. Nhiều con sóng khác lại ập vào, anh Hiệp lúc này đã kiệt sức lại trôi ra xa.
Những người đồng cảnh ngộ liền cố gắng níu giữ anh Hiệp. Tuy nhiên lúc này anh đã quá kiệt sức, không thở được nữa. Tay bám tàu, họ cố gắng níu giữ lại anh Hiệp, nhưng một cơn sóng khác lại đánh anh ra xa. Rồi liên tiếp những sóng đánh tơi tả, thân xác anh Hiệp trôi mất hút vào trong đêm tối. (Tổng hợp trên net)
Trích thuật Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều kiện làm môn đệ. Tiên quyết là chọn theo Người hay không. Tiếp theo là từ bỏ những quan hệ thân thuộc, đến sẵn sàng hy sinh mạng sống như gương dũng cảm nêu trên. Cuối cùng là chấp nhận những thương đau, khốn khổ để theo Người.
Chọn lựa
“Chọn lựa chính là loại trừ” (Choisir, donc exclure), triết gia Henri Bergson thừa nhận sự hiển nhiên về chọn lựa. Anh Trần Hữu Hiệp đã loại trừ sinh mạng mình, để cho chị phụ nữ mang thai được sống. Tuy nhiên chẳng hề dễ dàng khi chọn lựa, nếu không cân nhắc tầm quan trọng, ưu tiên phục vụ tha nhân hơn bản thân.
Chiến đấu hay hòa hoãn, xây dựng hay thúc thủ, sống cho mình hay chết cho người, đều là vấn đề tương phản, mâu thuẫn gay gắt, cần phải lựa chọn. Không thể bắt cá hai tay, chẳng được gì.
Dựa vào lương tâm, căn cứ vào Tin Cậy Mến, để tìm hiểu Thánh Ý, mà chọn lựa cái tốt nhất hay cái không tốt bằng, cái thiện hay cái ác, cái thánh thiện hay cái tầm thường.
Nếu băn khoăn khó phân định tốt xấu, thì nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, ban can đảm để chọn lựa và theo đuổi. Lửa Mến sẽ minh định sự chọn lựa chính xác, phù hợp Thánh Ý Chúa.
Nếu chưa tỏ tường thì nhờ các đấng tu trì, đạo đức. Các ngài sẵn sàng giúp chọn lựa theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, tiên vàn cần đến lòng khiêm nhường và phó thác, noi gương Mẹ tự hạ, sẵn sàng Xin Vâng, cảm tạ và ngợi khen hồng ân lãnh nhận, mới được Chúa đoái thương chỉ bào đàng ngay nẻo chánh. Vì “chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6)
Sự lựa chọn, phân định tốt xấu còn được Đức Giêsu khẳng định thật rõ ràng:“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.”(Mt 6, 24)
Từ bỏ
Từ bỏ là loại trừ đi, không quan tâm hay chú trọng. Đến với Chúa luôn ưu tiên số một, vượt trên tình cảm gia đình, huyết tộc và cả sinh mệnh.“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Thời điểm này, Đức Giêsu không còn nhắc đến sự quyến luyến với vật chất của cải phù vân nữa, mà hơn nữa, còn đòi hỏi người môn đệ vượt qua tình cảm gia đình. Theo thói đời, thường những tình cảm này tuy được cho là cao quý và đáng trân trọng, nhưng không thể trở nên sức cản khi đến với Chúa.
Những người tận hiến cho Chúa, đều phải dứt áo xa lìa mái ấm, hy sinh những tình cảm huyệt tộc để có thể đến với tha nhân, đến với Chúa trong những hình hài xa lạ, khốn khổ hay tội lỗi trầm luân. Người giáo dân cũng thế, cần nhìn ra bên ngoài tổ ấm, quan tâm, săn sóc và phục vụ những người cơ nhỡ, bần hàn.
Mặt khác, từ bỏ chính mình vì ”Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em mặc lấy Đức Kitô”(Gl 3,27). Mặc lấy Đức Kitô là bỏ đi con người cũ, vốn đầy đam mê những phù phiếm thế gian, vốn sa đọa tội lỗi, mà sống Lời Chúa thật sự, tin yêu và phục vụ.
Chấp nhận
Trong cuộc sống, chẳng một ai thoát khỏi những gánh nặng thường ngày đè nặng trên vai. Kẻ lo âu về vật chất, kẻ thì khắc khoải tinh thần. Mỗi người đều có thánh giá dài ngắn, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng chẳng có thánh giá nào êm ái, dễ chịu. Cũng chẳng thể nào vác thay cho ai.
“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được".
Chấp nhận hy sinh, đau khổ, khinh khi, rẻ rúng, chịu bách hại, tù đầy vì danh Chúa, vì Nước Chúa, nếu muốn làm môn đệ. Nhờ ơn Chúa, nhờ sức mạnh của Đức Chúa Thánh Thần, người môn đệ chấp nhận mọi đầy đọa, mọi thách đố, để bước theo cuộc khổ nạn, chịu hiến tế theo Đức Giêsu.
Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã chấp nhận toàn hiến, qua 14 bước theo Đức Giêsu:
Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng:
Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem,
Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập,
Bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét,
Bước phấn khởi lên Ðền thánh với Mẹ Cha,
Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,
Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng,
Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,
Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt,
Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân,
Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn,
Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác,
Không tiền không bạc,
Không manh áo, không bạn hữu,
Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa,
Nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha.
( ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Năm chiếc bánh và hai con cá)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con chưa đủ can đảm làm môn đệ của Chúa. Chúng con còn đang chần chừ, chân trong chân ngoài. Vừa muốn theo Chúa, vừa muốn hưởng thụ lạc thú thế gian. Trong khi Chúa muốn chúng con quyết định dứt khoát, theo Chúa hay không. Xin Chúa ban cho chúng con Tình Yêu nồng nàn, cùng Tin, Cậy nhiệt thành, để quyết tâm theo Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin cứu giúp chúng con biết từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân, để cố gắng noi gương Mẹ, xin vâng theo Thánh Ý Chúa mãi mãi. Amen.
AM Trần Bình An
August 31, 2016 11:21 AM
AM Trần Bình An - dongcong.net