Chia sẻ tin mừng năm C
 

Chia sẻ tin mừng năm C
Tác giả: AM Trần Bình An

Chia sẻ Tin Mừng CN Lễ Các Thánh Tử Đạo 2016 (Lc 21, 5-19)

Mạt thế

Trước khi qua đời vào năm 1996, bà tiên tri mù Baba Vanga trăn trối rằng, vài năm sau khi bà mất sẽ có một cô bé kế tục bà được sinh ra ở châu Âu, vào đúng thời điểm nhiều biến cố lớn trên thế giới xảy ra. Phải đến năm 2009, mọi người mới nhớ ra lời trăn trối của Vanga, khi một tờ báo Pháp đăng bài ngắn nói về khả năng tiên tri của cô bé Kaede Uber.

Năm 2011, cô bé 7 tuổi đã thu hút sự chú ý của dư luận với khả năng tiên tri và chữa bệnh của mình. Cô càng ngày càng có nhiều đặc điểm giống nhà tiên tri mù Vanga. Khi thị lực của cô kém dần đi, cùng với những cử chỉ rất giống bà. Trong một chương trình do truyền hình của Nga, Uber đã dự đoán được rằng thị trường tài chính thế giới sẽ khủng hoảng trầm trọng vào năm 2008. Khi đang diễn ra bầu cử Tổng thống ở Nga, hai phóng viên đã đưa cho Uber xem hình ảnh các ứng cử viên Tổng thống. Cô bé đã chỉ vào một tấm hình của Putin. Lời tiên đoán của cô trở thành sự thật. Tuy nhiên, khi những thông tin về Uber chính thức được xác nhận, thì cô bé và gia đình bắt đầu bị theo dõi, không được sống yên ổn, họ đột nhiên biến mất trong suốt 5 năm liền.

Cho đến tận tháng 1/2016, cô bé Uber mới xuất hiện trên sóng truyền hình Nga NTV, và đưa ra những dự đoán tiếp theo: "Nếu tình trạng tấn công khủng bố tiếp tục tràn lan ở châu Âu, cùng với đó là việc không tìm ra lời giải cho bài toán nhập cư, cả thế giới có thể sẽ gặp nguy hiểm." Ban đầu dư luận không mấy để tâm tới lời tiên tri của của Uber, cho đến khi nhìn nhận lại vấn đề từ vụ khủng bố xảy ra ở Bỉ cuối tháng 3 và mới nhất là vụ tấn công ở Nice, Pháp giữa tháng 7.

Mới đây, Uber lại tái xuất trên sóng truyền hình NTV để trả lời 15 câu hỏi quan trọng nhất về nhiều vấn đề thế giới đang quan tâm."Rất nhiều người sẽ bị sát hại và máu sẽ đổ xuống rất nhiều." Lời tiên đoán của Kaede Uber khiến mọi người lo lắng và hoang mang, thế giới sẽ trải qua một nỗi kinh hoàng mới và Mỹ có thể sẽ là nơi phải hứng chịu một cuộc khủng bố đẫm máu. Cô bé khẳng định: "Tai họa sẽ ập đến trong 4 tháng nữa." (Thanh Mai, tổng hợp)

Lời tiên báo của cô Kaede Uber có thể trở thành hiện thực, có thể không, như bà Baba Vanga đã sai hoàn toàn, khi tiên báo Châu Âu trở nên hoang địa vào năm 2016. Trái lại, Tin Mừng thánh Luca hôm nay, thuật lại Đức Giêsu tiên báo rất chính xác Đền Thờ Giêrusalem hoàn toàn bị phá huỷ, cũng như số phận nghiệt ngã của Kitô giáo chân chính đã và đang phải gánh chịu.

Phù vân

"Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá." Mặc dầu Đền Thờ Giêrusalem mất hơn 63 năm xây dựng, kiến thiết và trùng tu, với các mái vòm dát vàng, với các dây leo kỳ vĩ bằng vàng ròng ở cổng chính, với những cột đá cẩm thạch cao 12 mét hết sức nguy nga, tráng lệ, vốn là niềm tự hào của dân Do Thái. Năm 70, tướng La mã Titus đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem trong vòng sáu tháng. Thành thánh bị thiêu hủy bình địa. Dân Do Thái đầu hàng, bị giải giáp và phân tán tứ phương kể từ ngày thảm hại đó.

Vanitas vanitatum et omnia vanitas.” Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. (Gv 1, 2) Những gì mà người ta coi là vĩ đại, kiên vững, trường tồn thì đều sẽ sụp đổ, tan nát theo thời gian. Mọi sự đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế. (Gv 3, 1-2) Đời người cũng mong manh, sớm nở tối tàn, héo hon dần theo năm tháng, rồi trở về cát bụi. “Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.” (Tv 103, 15-16)

 Cánh chung

Chiến tranh, thiên tai, loạn lạc, động đất, ôn dịch đói kém xảy ra trước ngày tận thế, ngày cánh chung của nhân loại. Nhưng cái chết là ngày cánh chung mỗi người.

Qua cái chết, con người bước vào cuộc đời mới, sẽ được hưởng vinh phúc trường cửu hay chịu án phạt muôn đời, tuỳ theo đã sống trên thế gian như thế nào. "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.” (Mt 16, 27)

Bách hại

“Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng.”Thời nay, không còn cảnh cấm đạo thô bạo, nhưng thế gian bách hại Kitô hữu rất tinh vi, khéo léo và xảo quyệt khôn lường. Vật chất, danh lợi, hưởng thụ nghiễm nhiên trở thành ngẫu tượng bò vàng cho nhân loại.

Quyền lực sự dữ hiện nay hầu như đang thống trị trên mọi bình diện của nền văn minh. Vì thế, tín hữu Kitô phải chịu thử thách nặng nề, khi phải chọn lựa Thiên Chúa hay thế gian, văn minh sự sống hay sự chết. “Thế gian đang qua đi cùng với những dục vọng của nó. Chỉ những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa mới tồn tại mãi mãi.” (1 Ga 2, 17). Chỉ những gì vĩnh cửu mới tồn tại lâu dài!

Chứng nhân

Thiên Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài, luôn che chở những ai trung tín làm chứng nhân, có thể chống lại sự dữ.“Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.”

Mặc dù người Kitô hữu bị thế gian thâm thù, ghét bỏ, giết hại, vì danh Chúa, thì linh hồn vẫn được Chúa thương xót cứu thoát, được hạnh phúc muôn đời. “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con.” Vì chưng, Chúa đã bao lần khuyến khích, nhắc nhủ: “Ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10, 22; 24, 13; Mc 13, 13)

“Giữa những thử thách bên trong, bên ngoài khủng khiếp nhất, con hãy nhớ lời sách Khải Huyền: "Và Người sẽ lau sạch nước mắt họ, chết sẽ không có nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không còn nữa, vì các điều cũ đã qua." (Đường Hy Vọng, số 682) 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con noi gương các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam được mừng kính hôm nay, để cũng trở nên chứng nhân kiên trung trước những thử thách nặng nề ngày hôm nay.

Khấn xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng con được bền vững tin cậy mến Chúa đến hơi thở cuối cùng. Amen.

AM. Trần Bình An

 

Chia sẻ Tin Mừng CN 33 TN NC (Lc Lc 21: 5 – 19)

Một thời để sống

Mục tiêu là thành phố hải cảng và kỹ nghệ Hiroshima với 350 ngàn dân. Chiếc pháo đài bay B.29 mới được sơn lên cái tên mới: Enola Gay. Màu xám bạc của nó lấp lóa trong ánh mặt trời buổi sớm. Đại tá Tibbets ra lệnh cho phi hành đoàn: “Sắp đến mục tiêu, tất cả đeo kính an toàn. Chuẩn bị ném bom! ”.  

 Khi chiếc Enola Gay đã ở ngay trên trung tâm thành phố, lúc 8 giờ 15 phút 15 giây ngày 6-8-1945, chuyên viên thả bom nhấn nút, khoảng chứa bom mở ra, một quả bom khổng lồ với cây dù lớn xoè ra phía trên, rơi xuống!

 Không đầy một phút nữa, bom sẽ nổ. Phải nhanh chóng thoát khỏi vùng nổ. Đại tá Tibbets chúi mũi chiếc Enola Gay xuống để tăng tốc độ. Bốn mươi ba giây sau đó, một vùng sáng chói gấp hàng chục lần mặt trời bùng lên. Tiếp theo đó, chiếc pháo đài bay rung chuyển dữ dội như một món đồ chơi trong cơn bão. Đại tá Tibbets cố gắng giữ vững đường bay. Khi những cơn chấn động đã giảm bớt cường độ, ông mới quay đầu nhìn lại: Thành phố Hiroshima đã chìm dưới một đám mây hình nấm, màu tím đen đang mỗi lúc mỗi bốc cao. Có ai ở trong phi hành đoàn đã thốt lên bằng một giọng run rẩy xúc động: “Chúng ta vừa làm chuyện gì vậy?” Không có ai lên tiếng trả lời. Mọi người mặt mày xám ngắt trong cơn bàng hoàng cực độ.

 Đó không phải là quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ. Trước đó đã có những trái bom thí nghiệm. Nhưng nó là quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng vào mục đích tấn công, và không phải là quả cuối cùng. Kể từ buổi sáng hôm đó, nhân loại đã bắt đầu đem vào cuộc sống của mình một nỗi lo âu mới.

 Năm chục ngàn người đã chết ngay tức khắc trong ánh chớp kinh hoàng lúc 8 giờ 16 phút ngày 6-8-1945. Hàng trăm ngàn người bị thương, nhiều chục ngàn người khác chết trong những ngày sau đó. (Nguyễn Thiếu Nhẫn, thôngtinberlin)

 Trước những cái nhìn chiêm ngưỡng và thán phục đền thờ Giêrusalem lộng lẫy kì vỹ, Đức Giêsu mặc khải ngày thế mạt thật kinh hãi. Nhưng quan trọng hơn cả  thiên hạ là còn giữ được niềm tin và hy vọng hay không, khi bị tam gian như vòng kim cô khống chế trọn đời.
 Đó là thời gian đem đến già nua, cằn cỗi, hư hỏng. Không gian nổi giận đem đến thảm họa, động đất, sóng thần, núi lửa. Và nhân gian ích kỷ dối trá, lọc lừa, giả mạo, chia rẽ, bất hòa, bách hại, bạo lực, phản bội, chiến tranh. Tất cả sự dữ đồng loạt chế ngự, áp đặt, đày đọa con người.

Thời gian
 Con người vốn là tạo vật hữu hạn, trong khi Đấng Tạo Hóa vô hạn. Ngài hiện hữu muôn đời, mãi mãi vĩnh cửu. Từ “Thời gian” xuất hiện cả thảy 771 lần trong Kinh Thánh. Còn những chữ “vĩnh cửu, cõi đời đời, còn đến đời đời và cho đến đời đời” xuất hiện 548 lần. Ngài biết con người bị thời gian giới hạn. Ngài muốn con người biết Ngài vượt trên dòng thời gian. Luôn đồng hành cùng con người trong suốt cuộc đời hữu hạn.

Thời gian lẳng lặng tước đi tuổi xuân, sức khỏe, lạc quan, kín đáo đem đến tuổi già, bịnh hoạn, đau đớn, bi quan và thất vọng. Chẳng ai cưỡng lại nổi dòng thời gian lạnh lùng và vô tình. Thuốc men, dược phẩm, hay thẩm mỹ viện cũng chỉ vớt vát lại, cố tìm lại những gì thời gian đã tước đoạt lấy đi mất.

 Vậy tôi có biết dùng vốn thời gian vài chục năm để sinh lợi phần hồn, để cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa, để mong được sống đời đời? Hay chỉ ngu mê, dại dột, thiển cận, vị kỷ, chăm lo vun quén cho thân xác mỏng dòn, mau hư nát?

 Tôi phải sử dụng thời gian như thế nào, để có thể lạc quan như Thánh Phaolô hoan hỷ trước cái chết đến gần: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.” (2 Tm 4, 6-7) 

 Không gian
 Đức Giêsu nhập thể làm người, không chọn môi trường thân thiện, thuận lợi hay dễ chịu. Trái lại, Người chọn không gian nghiệt ngã, khó khăn như chốn lưu đầy. Người chấp nhận hòa mình vào môi trường tràn đầy bầu khí bất khoan nhượng, đố kỵ, chống đối, thù địch. Người can đảm vác thánh giá nặng nề khổ ải, nêu gương cho những ai muốn đi theo Người.

 Còn không gian, môi trường bây giờ chẳng tốt lành hơn, mà còn bị thoái hóa, càng bất thân thiện hơn, khi mức độ ô nhiễm, hủy hoại môi trường tràn lan. Thời tiết thay đổi bất thường, hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ toàn cầu tăng cao, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, luôn sẵn sàng đe dọa kiếp người mỏng manh. Không gian sống lành mạnh ngày càng thu hẹp dần. Bước chân ra đường là đối mặt biết bao nguy hiểm rình rập. Tai nạn giao thông, giật dọc, cướp bóc, ma túy, mại dâm, mãi lộ… 

Nhưng tôi chưa can đảm phiêu lưu, dám xa rời tổ ấm, mái gia đình, như Đức Giêsu phiêu lưu vô tư: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8, 20) 

Tôi còn bị môi trường sống ràng buộc, xiềng xích bởi tình thân, tình phu phụ, tình phụ tử, nghĩa họ hàng, bạn bè thân quen. Tôi nào dám dứt khoát theo Chúa? Dám dứt khoát xả thân yêu tha nhân, kẻ lạ,  hay thù địch? Thế làm sao Người cứu rỗi tôi? 

Nhân gian 
Nhưng sự đe dọa đáng sợ hơn cả chính là sự dữ phát xuất từ con người vị kỷ, tham lam, thù hận, đố kỵ, mâu thuẫn. Hai trái bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki mở đầu cho mối lo sợ triền miên về chiến tranh hủy diệt toàn cầu. Võ khí càng tối tân, chiến thuật càng tinh vi, sự dữ càng lên ngôi. Cái chết nhanh gọn bất chợt như tia sáng. Tình người biến mất. Chỉ còn oan cừu, trả thù và ngồn ngộn sát khí. 

Nhưng, có lẽ đau đớn hơn cả chính là hiềm khích, phản bội từ ngay thân nhân, vì tôi theo tuyên ngôn Bát Phúc, vì tôi chọn Chúa, hơn là khôn ngoan theo thế gian, chọn theo thân bằng quyến thuộc. 

“Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em  sẽ bị mọi người thù ghét.”

Trước hai ngả đường, theo Chúa hay theo nhân gian, tôi luôn lúng túng, sợ hãi, lưỡng lự, muốn bắt cá hai tay. Như thế sao Chúa dủ lòng thương xót tôi được? 

Trước muôn ngàn thử thách đau khổ, con hãy sốt sắng, tin tưởng và đọc nhiều lần: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.” Bí quyết can đảm của người Kytô hữu. (Đường Hy Vọng, số 674) 

“Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” Qua sự dữ thử thách và tôi luyện, với hồng ân dào dạt, con người mới có thể chứng minh được niềm tin và hy vọng vào ơn Cứu Độ. “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” Luôn tin cậy và phó thác vào Chúa Quan Phòng, luôn kết hợp mật thiết với Ngài, cầu nguyện và sám hối, ăn năn, nguyện xin Lòng Chúa Thương Xót, tôi mới dám hy vọng được vinh hạnh sống mãi với Người.         

“Con hãy sẵn sàng cầm đèn sáng đợi chờ giờ Chúa trở lại, như Chúa muốn, nơi Chúa muốn, lúc Chúa muốn.” (Đường Hy Vọng, số 670) 

Nếu mỗi ngày, đều tâm niệm là ngày cuối cùng ở đời, ngày chung thẩm, liệu tôi còn dám đi hoang theo thế gian hay không? Hay là luôn sẵn sàng là người đầy tớ trung thành, kiên nhẫn chờ đợi Người Chủ trở về? 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống bấp bênh giữa chốn ba đào, ba chìm bảy nổi. xin cho chúng con luôn nghe được tiếng Chúa nói : “Thầy đây, đừng sợ”, để chúng con biết trở về với Tình Yêu Chúa, biết yêu thương nhau, yêu thương tha nhân, tin cậy, phó thác và sống theo Lời Chúa, hầu chúng con được cứu rỗi.  

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con noi gương Mẹ, luôn sống gần gũi mật thiết với Chúa, để được chở che, giúp sức chống trả các cơn cám dỗ, đam mê xác thịt, để sẵn sàng chấp nhận bền bỉ, kiên trì, trung thành trước sự gian nan, khó khăn, đau khổ, để được phúc đời sau. Amen.

AM Trần Bình An  November 9, 2016 9:22 AM

- dongcong.net

 

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)