dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
CHIA SẺ TIN MỪNG
 
 
Alphonse Marie Trần Bình An
 
<<<    

Chia sẻ Tin Mừng lễ Giáng Sinh 2015 ( Lc 2, 1-14 )

  Lòng Thương Xót giao hoà Trời đất

  Một ngày cuối tháng 11 năm 1994, bà Allyson Moring bỗng ngã bệnh nặng và được đưa vào Bệnh Viện. Người ta khám phá bà bị bệnh nhiễm trùng huyết ở giai đoạn cuối cùng. Vị bác sĩ nói nhỏ với ông Danny Moring: “Ông nên báo cho thân nhân biết, vì có lẽ bà nhà sẽ không sống đến ngày mai.”

  Khi chồng, bố mẹ và các em vợ có mặt đầy đủ trong phòng, Allyson hé mở đôi mắt và trông thấy Cha Sở. Allyson nhắm mắt lại. Nước mắt ràn rụa chảy ra. Cha Watters đọc lời nguyện và ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho Allyson.

  Allyson Moring điều khiển ca đoàn trường trung học Charleston, thuộc bang Nam Carolina, Hoa Kỳ.Ca đoàn gồm 50 ca viên, tuổi từ 14 đến 17. Ca đoàn đã ráo riết tập dượt để trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh tại nhà thờ giáo xứ vào ngày 8-12-1994, lễ trọng kính Đức MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đặc biệt nữ ca trưởng Allyson mang tham vọng trình diễn bài cuối cùng ALLELUIA trong bản trường ca bất hủ ĐẤNG MESSIA của nhạc sĩ nổi danh người Đức, Georg Friedrich Haendel (1685-1759). Bản ALLELUIA là kiệc tác nhưng trình bày bản này quả là thách đố lớn đối với ca đoàn trẻ tuổi trường trung học Charleston. Dầu vậy nữ ca trưởng Allyson Moring cương quyết thực hiện cho bằng được giấc mộng! Tin nữ ca trưởng đã lãnh nhận Bí Tích Sau Cùng, được đồn nhanh tới tai các ca viên trẻ tuổi. Mọi người hốt hoảng lo lắng. Bằng mọi giá, phải cứu ca trưởng thoát chết và để buổi trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh được thực hiện như chương trình dự định. Jessica đề nghị với các bạn đưa cuộn băng đã thu thử buổi trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh, đến cho ca trưởng Allyson nghe.

  Những bản Thánh Ca Giáng Sinh với tiếng hát trẻ trung đều nhịp vang lên trong phòng bệnh. Khi đến bài ALLELUIA, bà Allyson gần như nhếch môi mỉm cười, khiến ông Danny tràn đầy hy vọng. Từ đó, khi ngồi bên giường vợ, ông Danny liên tục cho vợ nghe đi nghe lại băng Thánh Ca Giáng Sinh.

  Trong khi ấy các ca viên đã đề cử Katherine, 17 tuổi, thay thế Allyson điều khiển buổi trình diễn Thánh Ca. Ban đầu Katherine quyết liệt từ chối. Rồi nghĩ lại cô tự nhủ: “Mình phải làm vì ca trưởng Allyson”. Sau cùng, 8-12, ngày chờ mong và hồi hộp nhất đã đến. Nhà thờ thành phố Charleston chật ních thính giả đến nghe trình diễn Thánh Ca. Mọi người biết rõ các ca viên đã cố gắng vượt mức để thực hiện giấc mộng của vị ca trưởng nhiệt huyết, Allyson Moring. Trong phòng mặc áo, ca đoàn dợt lại lần cuối cùng. Xong, Katherine cất tiếng nói: “Bây giờ, tôi xin đề nghị với các bạn cùng cầu nguyện cho bà Allyson Moring, ca trưởng của chúng ta. Sau đó, chúng ta cố gắng hết mình để bà được hãnh diện vì chúng ta”.

  Các ca viên lần lượt tiến ra cung thánh, vừa đi vừa hát bài “Đêm Thánh Vô Cùng”. Khi tất cả cùng đứng nơi bục cao, đèn trong nhà thờ bật sáng. Trước khi bắt đầu, Katherine nói:“Chúng con xin dành riêng buổi trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh hôm nay cho bà Moring và cầu chúc bà sớm bình phục.” Và buổi trình diễn đã thành công rực rỡ, ngoài mức tưởng tượng và chờ mong của mọi người.

  Sau ngày 8-12, sức khoẻ bà Allyson Moring từ từ hồi phục. Ngày 25-12-1994, đúng 17 ngày sau buổi trình diễn Thánh Ca, bà xuất viện trở lại gia đình mừng lễ Giáng Sinh với chồng và hai đứa con. Cuộc khỏi bệnh đúng là phép lạ. Khi các ca viên đến chúc mừng, bà nói với họ: “Cơn bệnh dạy tôi bài học quý giá về hiệu quả của âm nhạc và của lời cầu nguyện cũng như về lòng tin tưởng nơi tài năng diệu kỳ của giới trẻ ..” ( Sr JB Minh Nguyệt, Món Quà Giáng Sinh, Reader’s Digest Sélection, Décember/1995 )

  Phép lạ bình phục của bà Allyson Moring minh chứng tỏ tường Lòng Chúa Thương Xót qua tâm tình cầu nguyện, niềm tin và hy vọng. Hôm nay, trình thuật Tin Mừng thánh Luca diễn tả giây phút Ngôi Lời giáng sinh trong bối cảnh nghèo hèn, thiếu thốn đến tận cùng. Chỉ trong 14 câu, thánh Luca còn khéo léo trình bày sự mâu thuẫn, tương phản, bất đồng giữa Trời và đất, giữa Thiên quốc và thế gian, làm nổi bật lên Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại.

  Quyền lực và tùng phục

  “Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.” Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-Ở-Cùng đầy quyền năng, nhập thể dù đang còn ở trong cung lòng Mẹ Maria, hoàn toàn tùng phục vương quyền đế quốc Roma. Mâu thuẫn bất khả tín này lại là một sự thật đáng kinh ngạc trong lịch sử nhân loại.

  Như thế bài học đầu tiên của Hài Nhi Giêsu muốn gửi đến tín hữu Kitô chính là đức “vâng phục.” Người vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha, xuống thế cứu độ nhân loại. Người cũng vâng phục uy quyền trần thế, chịu đoạ đầy kiếp người dân lầm than, kiếp nô lệ bị La Mã đô hộ.

  Ngày hôm nay, phần lớn các dân tộc đã thoát ách nô lệ ngoại bang, nhưng cư dân khắp hành tinh đều đang chịu đô hộ bởi những tân đế quốc bóc lột tinh vi, độc địa và tàn ác hơn nhiều. Đó là tiền tài, vật chất, xa hoa, đó là danh lợi, chức tước, quyền lực, đó là nếp sống của văn hoá sự chết, ma tuý, nhục dục, phá thai, đồng tính, an tử,…Những tân đế quốc này không biên giới, không cát cứ, cố định, mà len lỏi vào hang cùng ngõ hẻm mọi nơi, mọi lúc, đến tận từng khu phố, làng xóm và xâm nhập vào tận từng gia đình, vào cả tâm hồn mỗi người.  

Hài Nhi Giêsu hôm nay vâng phục giáng thế vào xã hội nhiễu nhương, xô bồ, điên rồ, chối bỏ Thiên Chúa, đua nhau tôn thờ, sùng kính bái vật. Người cũng vâng phục mà chịu đựng bất công, chịu khinh miệt, chịu phân biệt và chịu chối từ, mà không hề phản kháng, chống đối hay nổi loạn. Người cũng vâng phục uống chén đắng ngay từ trong lòng Mẹ Maria, bụng chửa vượt mặt, lê gót cùng ông Giuse, tìm kiếm chỗ trọ qua đêm đông rét mướt. Người muốn chia sẻ và đồng hành với tất cả những ai bất hạnh, đau khổ, để an ủi, giúp đỡ, vỗ về, đem ánh sáng tình yêu cứu độ đến giải thoát khỏi ngục tù sự dữ tối tăm. Để cho con người được tự do, thoát khỏi xiềng xích tội lỗi, để con người có thể lãnh nhận Lòng Thương Xót, Người đã vâng phục cho đến chết, để hoàn toàn hoá giải quyền lực sự dữ, cứu độ con người được sống mãi.  

Với Lòng Thương Xót, Người đã nhẫn nhục chịu đựng sự bất công, phân biệt, xua đuổi, mà vui vẻ tha thứ cho những kẻ bất nhân. Sự tha thứ tột cùng không chỉ cho những kẻ dữ hành hạ, khổ nhục, tử hình Người, mà còn cho cả những người chủ mưu, đồng loã, vu oan cáo vạ, kết án tử cho Người, cũng như cho cả những ai tội lỗi vấp phạm đến Chúa và tha nhân. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” ( Lc 23, 34 )  

Hôm nay, Người vẫn còn tiếp tục tha thứ cho bất cứ ai lấm lem, vấy bẩn tội lỗi, biết sám hối trở về với Người.“Sự tha thứ cho sự bất công đã mắc phải chính là một sự diễn tả rõ ràng nhất về Tình Yêu nhân hậu, và đối với các Ki-tô hữu chúng ta, nó trở thành một mệnh lệnh mà chúng ta không thể khước từ. Việc càng ngày càng phải tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một nhạc cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn.” ( ĐGH Phanxicô, Tông Sắc Năm Thánh LTX, số 9 )  

Giàu sang và nghèo khó 

Từ Thiên Quốc rạng ngời, cao sang, thánh thiện, ngập tràn niềm vui, Đức Giêsu vâng phục nhập thể, làm hài nhi sinh hạ trong gia cảnh nghèo nàn, khó khăn mọi bề. Người thế trần không thể nào hiểu nổi mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh trong bối cảnh nhếch nhác, thiếu thốn, thấp hèn như vậy. Bởi vì Hài Nhi Giêsu muốn đem đến nhân loại món quà “nghèo khó.” 

Người vốn là Đấng Tạo Dựng muôn loài, đầy đủ quyền năng, thế mà không đoái hoài đến giàu sang, sung túc, phú quý, tiền bạc, của cải, mà chọn lấy cái nghèo hèn vào đời. Người mong con người thoát ách vật chất, bụi trần, thoát khỏi vòng kềm toả, nô lệ tiền tài, bái vật, trở về làm con ngoan của Chúa. Người muốn chỉ dạy cho con người đâu là cái giàu có đích thực. Đó chính là Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa, để chia sẻ với tha nhân. “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” ( 2 Cr 8-9 ).

Khiêm hạ và vinh quang 

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” ( Pl 2, 6-7 )  

Vinh quang và khiêm hạ bỗng hoan hỷ kỳ duyên hoà hợp, khi Hài Nhi Giêsu giáng trần. Chẳng vua quan, thầy cả, tư tế hay chức sắc thế quyền, hay thần quyền nào được sứ thần mời gọi đến chiêm bái Hài Nhi. Chỉ có những mục đồng đơn sơ, mộc mạc, nghèo hèn, bị xã hội loại trừ, tẩy chay, nhưng lại thức tỉnh, sẵn sàng chỗi dậy giữa đêm đông mê muội, mộng mị, mới được vinh dự cao cả đến thờ lạy Con Chúa sơ sinh làm người. “Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ.” 

Nhờ Lòng Thương Xót, Thiên Chúa chiếu giãi ánh vinh quang tràn đầy viên mãn cho những ai khiêm nhường, vâng phục, khó khăn, thấp hèn. “Người đã ra oai sức mạnh cánh tay người, làm cho tan tác kẻ kiêu căng lòng trí. Hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu và suy tôn những người khiêm nhượng,” ( Lc 1, 51-52 ) như Mẹ Maria đã hân hoan cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa qua kinh Magnificat.  

“Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng, khi suy nghiệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, hạ mình chịu nọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta.” ( Đường Hy Vọng, số 510 )  

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, với mầu nhiệm Giáng Sinh, xin luôn nhắc nhủ chúng con chỉ là tạo vật phàm hèn được Chúa xót thương. Xin dạy chúng con “Xin Vâng” trước tất cả biến cố cuộc đời, xin giúp chúng con luôn biết sống khó nghèo và khiêm nhượng, như Chúa đã làm gương, để được Lòng Thương Xót Chúa cứu thoát. 

  Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn âm thầm lắng nghe Lời Chúa và thực hành Thánh Ý trong mọi hoàn cảnh. Xin Mẹ bầu cử cho chúng con luôn noi theo gương Mẹ, luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa mời gọi, luôn tin cậy vào Lòng Chúa Thương Xót, hầu luôn mãi cố gắng sám hối, ăn năn trở về cùng Chúa. Amen.  

AM Trần Bình An

 

Chia sẻ Tin Mừng Lễ Giáng Sinh Năm C ( Lc, 2, 1-14)

Thông Điệp Giáng Sinh

Nhiều ngày trứơc Lễ Giáng Sinh năm 1223, Thánh Phanxicô Assisiô dự định sẽ làm mọi ngừơi trong thành phố Greccio sống lại sự kiện sinh hạ của Chúa Giêsu, không chỉ bằng việc nghe công bố Tin Mừng, nhưng còn bằng việc diễn lại biến cố ấy. Để mọi việc có kết quả, Thánh Nhân nhờ một người bạn tên là John chuẩn bị tất cả những thứ, mà sau này được coi là hang đá Belem đầu tiên trong lịch sử về lễ Giáng Sinh. Người bạn tốt bụng của Thánh Phanxicô đã làm tất cả những gì Thánh Nhân đề nghị, tại nơi Thánh Lễ đêm Giáng Sinh sẽ được cử hành.

Vào chính đêm vọng Giáng Sinh, tất cả những nhân vật và đồ vật như: người sẽ đóng vai Mẹ Maria, Thánh Giuse, những mục đồng cùng nhiều chiên cừu, một con bò, một con lừa và một máng cỏ chứa đầy cỏ khô đã sẵn sàng. Tuy nhiên, trong chiếc máng đầy cỏ lại hoàn toàn không có gì hơn. Anh bạn John của Thánh Nhân đã không tìm ra một bà mẹ dám cho mượn con của mình. Lạ lùng thay, điều này không làm cho Thánh Nhân lo lắng.

Trong thánh lễ, khi Thánh Nhân đang hát Tin Mừng bằng một giai điệu du dương, mọi người nhìn thấy một trẻ thơ đang nằm bình yên trong vòng tay Thánh Nhân. Khi kết thúc bài Tin Mừng Giáng Sinh, Thánh Nhân nhẹ nhàng đặt bé thơ vào trong máng cỏ trước sự vui sướng của mọi người. (Theo Word and Life, XIII, 4)

Qua bài Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, trình thuật lại biến cố Giáng Sinh trọng đại, Chúa Giêsu muốn gủi đến con người Thông Điệp Giáng Sinh thật cô đọng và sâu sắc.

Vâng phục

Mẹ Maria là mẫu gương sáng chói về nhân đức Vâng Lời. Mẹ mau mắn tuân phục theo Sứ Thần Gabriel phán truyền. Mẹ hăng hái đi thăm bà chị Elisabet. Mẹ phục tùng kết bạn với Thánh Giuse. Mẹ tùng phục luật lệ, cùng Thánh Giuse về BêLem để chấp hành việc kiểm tra dân số, dù nặng nhọc thai nghén cuối kỳ.

“Thời ấy, hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ…Ai nấy đều về thành của mình để khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse cũng từ thành Nazareth, miền Galile, lên thành vua Đavit, gọi là Bê lem, miề Giuđê, vì ông thuộc gi đình và dòng tộc vua Đavit. Ông lên đó khai tên cùng với bà Maria, là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai.”(Lc 2, 1-5)

Mẹ luôn tuân theo Thánh Ý Chúa, qua các dấu chỉ. Mẹ không mảy may thắc mắc, nghi ngờ hay lưỡng lự. Một thái độ Vâng Phục tuyệt đối.

Khó nghèo

“Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khi hoa. Bà sinh con đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 6-7) Trong cảnh bần cùng, Đôi Bạn Thánh chẳng một lời thán oán, kêu ca hay buồn phiền vì thiếu thốn của cải, vật chất, vì bị khinh miệt, khước từ, vì lâm vào hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã.

Trái lại Mẹ và Thánh Cả chấp nhận tinh thần khó nghèo, như một kho tàng vô giá, giải thoát khỏi kiếp nô lệ cho tiền bạc, của cải, vật chất tiện nghi, khỏi mọi dục vọng thấp hèn. Như thế, tinh thần khó nghèo đem tự do cho nhân phẩm, giải phóng con người khỏi vật chất, để có thể dễ dàng hướng tâm hồn lên tới Thiên Chúa.

Trong sạch

Đức Trinh Nữ Maria thụ thai bới phép Đức Chúa Thánh Thần là một mầu nhiệm, tôn vinh sự Trong Sạch vẹn tuyền. Me Maria kết bạn với Thánh Giuse thành một Thánh Gia, gương mẫu cho mọi gia đình. Ở đó Tình thương chế ngự các đam mê thấp hèn, những dục vọng cá nhân, những toan tính ích kỷ, những đố kỵ nhỏ nhen.

Mẹ đã không hề oán thán sự bạc bẽo bất nhân của dân thành Bêlem. Trái lại, Mẹ còn cầu xin Chúa thưởng công họ đã hất hủi, không cho ở trọ, nhờ thế mới tìm được hang đá bò lừa. Tâm hồn Mẹ trong suốt như bảo ngọc.

Chúa Giêsu Hài Đồng giáng sinh trong hoàn cảnh khốn cùng của kiếp người, không tiện nghi tối thiểu, không thân bằng quyến thuộc, không trợ giúp ý tế, không có sự quan tâm của xã hội, xóm giềng. Chỉ có vài mục đồng nghèo khó đến mừng vui chào đón. Ngày nay, người ta mừng Chúa Giáng Sinh, mà vẫn tiếp tục bỏ quên Người trong nơi băng giá, cô đơn, quên đi thông điệp Giáng Sinh, để vui vẩy tiệc tùng, quà cáp, chúc tụng lẫn nhau.

Mẹ Maria nghèo khó, không tiền không bạc, có lúc không nhà cửa, không ghế bàn. Mẹ không biết giảng, nhưng Mẹ có món quà quý nhất để cho Mục tử Bêlem, Ba đạo sĩ phương Đông, Simeon và Anna ở Đền Thánh. Mẹ đã thinh lặng cho họ Chúa Giêsu, món quà mà chỉ Mẹ có, món quà ấy giảng thay cho Mẹ, vì đó là Ngôi Lời. (Đường Hy Vọng, 932)

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, đã giáng sinh trong cảnh bần cùng, xin dạy cho con biết sống nghèo khó, vâng phục, và trong sạch như Thánh Gia đã làm gương mẫu, để con xứng đáng hưởng ơn Cứu Độ.

Lạy Mẹ Maria, xưa đã can đảm cùng Thánh Cả Giuse phó thác mọi sự cho Chúa Quan Phòng, xin dạy cho con vững lòng luôn tin cậy vào Đấng Toàn Năng. Amen.

AM Trần Bình An (23-12-2012)


-dongcong.net

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)