Suy niệm Lễ trọng
 
 

Tháng các linh hồn và lòng hiếu thảo
Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2-11-07

Ca dao Việt Nam thì nhiếu lắm. Nó là sự đúc kết kinh nghiệm sống của bao nhiêu người qua bao nhiêu thế hệ mà thành. Dành riêng cho chữ hiếu, ca dao Việt Nam lại càng phong phú. Có lẽ chữ hiếu đứng hàng đầu trong ca dao Việt Nam.

Bất cứ ai sinh ra làm người, nếu không từ giã cuộc đời quá sớm, đều có thể chứng kiến những cái chết của những người thân yêu của mình. Là người Công giáo, chúng ta mang trong mình dòng máu Việt Nam. Vì thế, nếu người Việt Nam đặt chữ hiếu lên hàng đầu, thì người Công giáo Việt Nam lại càng khắc sâu lề luật của Thiên Chúa trao ban một cách tuyệt đối về nghĩa đạo hiếu. Bởi nếu người Việt Nam, tự bản chất, vốn yêu mến chữ hiếu, thì người Công giáo nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng, có lề luật Thiên Chúa ban làm hướng đạo cho mình.

Chẳng hạn, khi khiển trách người Dothái về lối sống vụ hình thức, hay những kiểu làm dối trá nhằm tự đánh lừa lương tâm trong việc giữ đạo hiếu, Chúa Giêsu đã nói thẳng, nói dứt khoát: "Thiên Chúa dạy: ‘Ngươi hãy thảo kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử’. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thảo kính cha mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa" (Mt 15, 4- 6).

Với thái độ lấp liếm như thế, họ đã bị Chúa Giêsu vạch trần: "Hỡi những kẻ đạo đức giả kia, tiên tri Isaia đã nói rất đúng về các ông: ‘Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân’" (Mt 15, 7- 9).

Bởi vậy, nếu sự hiếu thảo là trách nhiệm không thể thiếu của người Công giáo, thì tháng 11, tháng kính nhớ những người đã khuất mặt là dịp để ta ý thức lại bổn phận thảo hiếu của mình. Sự ý thức này đặt trên nền tảng của giới luật Thiên Chúa ban:

I. ĐIỀU RĂNG THỨ IV: THẢO KÍNH CHA MẸ

"Ngươi hãy thờ kính cha mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" (Xh 20, 12).

Đó là điều răn thứ IV trong Mười điều răn, Thiên Chúa ban cho trần gian qua ông Môisen. Lặp lại chính lề luật Thiên Chúa ban, trong kinh Mười Điều răn, Giáo Hội dạy: "Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ".

Thứ tự của mười lề luật mà Thiên Chúa ban gồm hai phần rõ rệt (Xh 20, 2-17):

- Phần thứ nhất, gồm ba giới răn đầu quy về Thiên Chúa (thờ phượng một Chúa duy nhất, tôn kính danh Người, dành ngày Sabbat để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa).

- Phần thứ hai là bảy giới răn còn lại hướng về loài người (thảo kính cha mẹ, tôn trọng sự sống, giữ thân xác thanh sạch, hãy sống công bằng, giữ tư tưởng trong sạch và không tham lam), thì điều răn thứ nhất trong phần thứ hai này, không nhắm bất cứ đối tượng nào khác nhưng chính là gia đình, là cha mẹ.

Như vậy, với thứ tự như thế trong lề luật đến từ Thiên Chúa, cha mẹ chỉ đứng hàng thứ hai ngay sau Thiên Chúa. Cha mẹ cũng là đối tượng đầu tiên của tình yêu mà con người dành cho nhau. Vì thế, sau lòng kính mến đối với Thiên Chúa, con người phải dành sự kính tôn của mình đặc biệt đối với cha mẹ.

Và còn hơn bất cứ một tình yêu dành cho đối tượng nào của loài người, tình yêu dành cho cha mẹ chính là thảo kính cha mẹ mình. Ta không buộc phải yêu ai bằng tình yêu thảo kính, ngoại trừ cha mẹ. Chỉ có cha mẹ mới xứng đáng được yêu kính bằng tất cả tình yêu thiêng liêng nhất, sâu đậm nhất xuất phát tận trái tim yêu thương của một người con.

Đó là tình yêu thảo hiếu mà loài người phải sống. Không ai có quyền vượt qua lằn ranh của lề luật ấy. Bởi lề luật ấy là lề luật chính Thiên Chúa trao ban, nếu ta không tuân giữ, cũng đồng nghĩa với việc ta chống lại Thiên Chúa. Bất tuân lời của ai, là xúc phạm đến chính người đó. Không đón nhận Lời Thiên Chúa trao ban, là chính lúc ta xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng là tác giả của Lề luật.

Đạo Công giáo trước hết là đạo của tình yêu. Hiếu nghĩa nằm trong bổn phận của lòng yêu thương này. Ta không được lãng quên trách nhiệm hiếu nghĩa với những ai đã có công sinh thành mình. Chỉ có sống hiếu, con người mới có thể có khả năng chứng tỏ tình yêu của mình dành cho nhau. Bởi nếu cha mẹ, và tất cả những ai có công dưỡng dục như chính cha mẹ mình, ta không thể yêu thương thảo hiếu, làm sao có thể nói đến tình yêu dành cho anh chị em quanh mình!

II. TẤM GƯƠNG HIẾU THẢO CỦA CHÚA GIÊSU.

Rất nhiều lần Thánh Kinh, đặc biệt là các sách Tin Mừng cho thấy nơi Chúa Giêsu là cả một tâm hồn thảo hiếu. Đó là bằng chứng xác đáng và bài học cao cả cho mỗi người chúng ta.

1. Đối với Chúa Cha.

Chúa Giêsu luôn luôn làm tròn bổn phận của một người con và luôn luôn đẹp lòng Chúa Cha (Ga 8, 29). Chính Chúa Cha đã nhiều lần công khai tuyên bố Chúa Giêsu là Con yêu quý của mình, là Người Con luôn làm đẹp lòng mình (Mt 3, 17; 17, 5).

Còn Chúa Giêsu đến trần gian là để làm việc của Chúa Cha, làm theo ý Chúa Cha: "Điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy" (Ga 19). Đó cũng là lý do mà Người ưu tiên làm việc của "Cha trên trời" (Lc 3, 49). Người đã không tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ tìm vinh quang Chúa Cha (Ga 7, 4). Bởi Chúa Giêsu nên một với Chúa Cha, vì thế, chỉ có ai hiệp nhất với Người, kẻ đó mới có Chúa Cha nơi mình, như cành nho gắn liền cây nho (Ga 15, 4; 17, 21- 23; 14, 20- 21; ). Tin Mừng còn ghi nhận Chúa Giêsu luôn luôn gặp gỡ và kết hợp với Chúa Cha trong sự cầu nguyện liên lỷ (Lc 6, 12; Mt 11,25- 26; 14, 23; 15, 23; 26, 36- 46; 26, 42- 44; 27, 46; Ga 6, 11; 11, 41; 12, 27- 28; 14, 16; 17, 1- 26…).

Nhiều lần Chúa Giêsu khẳng định, Người được Chúa Cha sai đến trần gian, vì thế Người tuân hành ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã không hành động, không giảng dạy, không xét đoán, không thực hiện điều gì mà không theo ý Chúa Cha và quy về Chúa Cha: "Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi" (Ga 6, 38. 57; 8, 16). Hay đúng hơn, chính Chúa Cha hoạt động nơi Chúa Giêsu: "Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình" (Ga 14, 10).

Chúa Giêsu luôn luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh. Người vâng phục thánh ý Chúa Cha cách tuyệt đối, dù đứng trước cái chết: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý Con mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39). Và cuối cùng, nhận lấy cái chết bi thương trên đồi Sọ, Chúa Giêsu đã chứng tỏ lòng yêu mến, sự thảo hiếu của Người đối với Chúa Cha lên đến cực độ (Ga 19, 28- 30).

2. Đối với Đức Maria và thánh Giuse.

Mặc dù luôn luôn hướng về Chúa Cha, và ưu tiên thực hiện thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn không quên nghĩa vụ thảo hiếu với người cha, người mẹ trần thế của mình. Thánh Luca đã từng ghi nhận chi tiết này: "Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaret và hằng vâng phục các ngài" (Lc 3, 51).

Về mặt nhân trần, là con của Đức Maria, và nghĩa tử của thánh Giuse, Chúa Giêsu rất mực yêu mến cha mẹ. Người là con ngoan trong gia đình Nagiaret. Người đã lao động cùng với cha mẹ trần thế để sinh sống. Là Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha ngay trên trần thế, nhưng tình yêu đối với Chúa Cha nơi Chúa Giêsu, không bao giờ lấy mất tình yêu mà Người dành cho Đức Mẹ và thánh Giuse.

Dù không được nhấn mạnh khía cạnh vâng phục và yêu thương thảo kính đối với cha mẹ trần gian, nhưng các Tin Mừng, trong khi ghi nhận cuộc đời và những hoạt động của Chúa Giêsu, đã hé mở cho ta một tình yêu lớn lao mà Chúa Giêsu dành cho Đức Maria và thánh Cả Giuse.

Chẳng hạn, tại tiệc cưới Cana, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2, 4). “Giờ chưa đến”, nghĩa là lúc đó chưa phải đã đến lúc Chúa Giêsu công khai chứng minh quyền năng Thiên Chúa của mình, nhưng Chúa Giêsu vẫn vâng lời Đức Mẹ đề nghị: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3), thực hiện phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu ngon.

Một người con thảo hiếu như Chúa Giêsu, chắc chắn không để mẹ mình phải hụt hẩng khi thốt lên lời đề nghị ấy. Dù không có gì liên can giữa "bà và tôi", và dù "giờ" chưa đến, nhưng vì Đức Maria, vì lời khẩn cầu của Mẹ, Chúa Giêsu đã không từ chối, nhưng đã hành động.

Trong cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu vui lòng nhận lấy tước hiệu "con của bác thợ mộc Giuse, con của bà Maria" khi được người đồng hương gán cho mình (Ga 6, 42; 7, 27; Lc 4, 22- 23). Nhất là trên thánh giá, khi biết mình sắp trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu trối Đức Mẹ cho thánh Gioan và trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, càng là bằng chứng cho thấy tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với mẹ mình (Ga 19, 26- 27).

Phải chăng hành động trao gởi này, là cách thức Chúa Giêsu muốn an ủi Đức Mẹ, muốn làm dịu đi những đau khổ, những cô đơn mà Đức Mẹ gánh chịu? Phải chăng Chúa Giêsu mong muốn bên cạnh người mẹ của mình, luôn luôn có một người con nâng đỡ, chở che luc ấy, cũng như trong những năm tháng già nua tuổi tác?

Chúa Giêsu đã sống đạo hiếu hoàn hảo. Đến lượt chúng ta, bước theo Người, làm môn đệ của Người, chúng ta cũng hãy là những người con thảo hiếu với tất cả những ai có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta.

III. THÁNG CÁC LINH HỒN VÀ LÒNG THẢO HIẾU.

Dù đích thực là Thiên Chúa, tấm gương làm con của Chúa Giêsu vẫn sáng mãi và được nêu cao muôn đời để bất cứ ai, nếu sống trong cuộc đời này biết mình không vô cội vô nguồn, sẽ cố gắng nên tốt lành trong trách nhiệm làm con như Người.

Có một điểm mạnh nơi Chúa Giêsu dạy ta một bài học lớn và ý nghĩa hơn bất cứ một bài học nào trong cuộc đời. Điểm mạnh đó là, dù là Thiên Chúa – Đấng hằng hữu từ đời đời, tác thành và cứu chuộc mọi loài – một khi đã chọn cho mình một người mẹ, người cha trần thế, Chúa Giêsu vẫn thảo hiếu với người cha, người mẹ ấy, huống hồ là chúng ta, những con người được sinh ra bởi những con người.

Đàng khác, tháng các linh hồn, Hội Thánh dành kính nhớ tất cả những ai đã qua đời, nay còn đang được thanh luyện trong luyện ngục. Sự kính nhớ này, trước tiên hướng về những người thân thuộc, cách riêng là tổ tiên, ông bà cha mẹ của mình. Sự tưởng nhớ dành cho những người khuất mặt không còn có thể thể hiện bằng những nghĩa cử cụ thể "nâng khăn, sửa túi”, nhưng là sự tưởng nhớ tận đáy tâm hồn và lòng biết ơn sâu xa của chúng ta là những người còn sống.

Là Kitô hữu, lòng kính nhớ các Đẳng linh Hồn nói chung và ông bà cha mẹ của mỗi một người, nay đã qua đời nói riêng, có thể thực hiện bằng cách thế mà Hội Thánh hướng dẫn và chấp nhận: dâng thánh lễ, lời cầu nguyện, lời kinh, tiếng ca, sự hy sinh, chay tịnh, bố thí, lãnh bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và hòa giải… của cá nhân hay tập thể, hay của mỗi gia đình để hưởng nhờ ơn Chúa, nhường lại cho ông bà cha mẹ đã ra đi và cho cả các Đẳng Linh Hồn.

Chúa cần sự nỗ lực cộng tác của ta với ơn cứu độ của Chúa. Bởi Chúa không cứu độ loài người cách áp đặc, nhưng cần tâm hồn nhiệt thành của ta để ơn cứu độ trở thành giá trị cứu độ đích thực cho chính ta và cho anh chị em quanh mình.

Không chỉ dừng lại nơi những người đã qua đời, tháng các Linh Hồn còn nhắc ta bổn phận thảo hiếu với chính những người thân còn sống cạnh bên ta. Sách Giáo lý Công giáo khi bàn về bổn phận của con cái, đã viết: "Lòng tôn kính của con cái đối với cha mẹ (hiếu thảo) phát xuất từ sự biết ơn đối với những người đã cho chúng được và nhờ tình yêu và lao công của họ, giúp chúng lớn lên về tầm vóc, khôn ngoan và ân sủng. ‘Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng’ (Hc 7, 27- 28)” (số 2215).

Thực tế của đời sống hằng ngày, ta chứng kiến biết bao cuộc chia ly rơi nước mắt của bao nhiêu người, cũng có thể là của chính ta. Nhưng trong những giọt nước mắt ấy, chắc không thiếu gì giọt ân hận vì đã sống thiếu bổn phận nghĩa hiếu. Vô phúc cho tất cả những ai phải mang niềm ân hận này suốt đời vì không sống tròn chữ hiếu.

Hãy sống ngay hôm nay, sống cho hoàn hảo chữ hiếu trong chính lúc này, lúc còn có thể sống, để mai này, dù có chia tay với người thân, lòng ta thanh thản nhẹ nhàng, không cảm thấy mất bình an vì bất hiếu. Hãy làm cho giọt nước mắt tiếc thương người thân ra đi, không lẫn một giọt hối hận cay đắng nào!

Nhưng tháng các Đẳng Linh Hồn còn nhắc ta về một chữ hiếu rộng hơn, thuộc về điều răn thứ IV. Đó là lòng biết ơn của ta đối với tất cả những ai làm ơn cho mình. Sách Giáo lý Công giáo ghi nhận: "Điều răn này còn rộng mở tới bổn phận của học trò đối với thầy, thợ với chủ, kẻ thuộc cấp đối với người chỉ huy, công dân đối với tổ quốc và với tất cả những người điều hành cai trị đất nước” (2199a).

Ca dao Việt Nam có viết: "Cây có gốc mới nở nghành sanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, người ta có gốc từ đâu? Có cha có mẹ, rồi sau có mình". Nếu lòng thảo hiếu dành cho các bậc sinh thành hết sức quan trọng đối với người Việt Nam, thì điều đó đối với các tín hữu Công giáo lại càng lớn lao và là một đòi buộc ngặt không thể thoái lui hay chối cãi. Lòng thảo hiếu của đức tin Công giáo lớn đến nổi, không chỉ là điểm quy chiếu giữa những con người với nhau, mà còn có lề luật hoàn hảo của Thiên Chúa và mẫu gương sống động của chính Đấng Thiên Chúa làm người làm chuẩn mực tuyệt đối hướng dẫn đời sống hiếu thảo của mọi người…

Lạy Chúa, xin dẫn đưa linh hồn ông bà, cha mẹ, anh chị em của chúng con đã qua đời về dự tiệc vui trong nhà Chúa muôn đời…

Lm. VŨ XUÂN HẠNH - 2013

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)