dongcong.net
 
 


VĨNH HẰNG

Chúa nhật 32c thường niên (2004)

Một thiếu phụ trải qua bẩy đời chồng, và mỗi người đều có cưới hỏi đàng hoàng. Nói một cách thực tế theo từ ngữ hiện thời, nàng đã lên xe hoa bẩy lần. Như vậy, trên nơi vĩnh hằng nàng sẽ là vợ ai? Ai sẽ là chồng của nàng? Nhóm Sađốc đã đưa ra câu hỏi này nhằm thách thức Chúa Giêsu, và ngụ ý chối bỏ sự sống lại, sự sống vĩnh hằng. Vì không lẽ ở trên Thiên Đàng, và ở đời sau người ta cũng cưới vợ, gả chồng, sinh con, đẻ cái; hoặc tranh dành vợ chồng với nhau sao?

Chối bỏ đời sau, không tin nhận giá trị của sống lại, cũng có nghĩa là chôn bám và chấp nhận giá trị của vật chất, của thế giới hữu hình. Đây có lẽ cũng là quan niệm và lối sống của nhiều người không riêng gì mấy người theo nhóm Sađốc. Tuy nhiên, một mặt nói là không tin có đời sau, nhưng dường như họ vẫn không chối bỏ sự hoài nghi về đời sau, nên họ đã muốn dùng hình ảnh người thiếu phụ với bảy đời chồng ấy, để dò hỏi, và để xem Chúa giải quyết cách nào nếu như thật sự có đời sau. Hiểu được tâm lý hụt hẫng, hoang mang, và nghi ngờ ấy, Chúa Giêsu đã nói với họ và cho tất cả những ai đang có cùng một thắc mắc về vĩnh hằng, rằng: “Con cái đời này lấy vợ, gả chồng, nhưng những ai được tuyển chọn và sống lại từ cõi chết không lấy vợ, gả chồng. Họ cũng không chết, mà là giống như các thiên thần. Là con cái của sự sống lại, họ cũng là con cái Thiên Chúa” (Lc 20:34-36). Vì theo Chúa Giêsu thì: “Thiên Chúa không phải là Chúa kẻ chết nhưng là Chúa của kẻ sống vì tất cả đều sống cho Ngài” (Lc 20:38). Câu trả lời của Chúa Giêsu đã đem lại một cái nhìn đầy xác tín về đời sau, về vĩnh hằng.

Trước hết, nó mở ra một nhãn quan về vĩnh hằng, và cho thấy rằng sự sống đời sau, Thiên Đàng và hỏa ngục là có thật., khi Ngài gọi những người được lên nơi cao xanh ấy là “những người được tuyển chọn và sống lại từ cõi chết”. Điều này cho thấy rằng là mọi người đều sống lại, tuy nhiên, chỉ có những ai được tuyển chọn mới sống lại để sống với Ngài mà thôi. Và lý do để ta có thể xác tín được điều này, chính là vì: “Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết nhưng là Chúa của kẻ sống”.

Nhưng sống lại rồi người ta sẽ làm gì trên chốn vĩnh hằng. Liệu rồi có diễn lại cảnh lấy vợ, gả chồng, sinh con, đẻ cái nữa không? Để trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu đã hé mở cho ta biết về sinh hoạt của con người trên nơi cao xanh ấy bằng một lối diễn tả cũng rất “cao xanh”, khi so sánh đời sống, và sinh hoạt của họ với các thần trời: “Người ta sống với nhau như các thiên thần”. Như vậy, trên nơi vĩnh hằng, con người vẫn là con người, vẫn có tình cảm, tình thương. Họ vẫn có trách nhiệm, vẫn có những ràng buộc liên đới với nhau, và vẫn trao đổi, thông cảm với nhau. Tuy nhiên, sinh hoạt của họ, tình cảm của họ, và cách thức trao đổi của họ không giống như con người tự nhiên qua lối diễn tả của xác thịt, của cái nhìn vật chất, đầy tính thế tục. Những hành động trực tiếp liên quan đến thân xác, hay việc làm vật chất như con người vẫn thường đối xử với nhau trong thế giới hữu hình không thể mang áp dụng nơi thế giới siêu hình. Tóm lại, Chúa Giêsu qua câu trả lời cho nhóm người Sađốc, đã vẽ cho chúng ta một bức tranh về hoạt động và sinh hoạt của con người ở thế giới siêu hình. Các thiên thần giao tiếp, thông cảm, chia sẻ, trao đổi với nhau như thế nào, con người sau khi đã lên nơi cao xanh ấy, cũng giao tiếp, trao đổi, và thương yêu nhau như vậy.

Quan niệm về đời sau, về cuộc sống vĩnh hằng nếu đem áp dụng vào sinh hoạt tâm linh của người Việt Nam, chúng ta cũng thấy rất gần gũi. Tuy không đồng nhất về quan niệm tín lý và thần học, nhưng phần đông mỗi người Việt Nam đều có một ý niệm về đời sau. Tại mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên. Họ cúng quả hàng ngày, đặc biệt vào những dịp giỗ lạt. Họ tảo mộ, họ dâng hương, đốt tiền mã, đồ dùng giả ngụ ý giử về bên kia thế giới cho người thân mình tiêu dùng. Hành động như vậy, vì họ tin rằng ông bà, cha mẹ, anh chị em họ đang sống bên kia thế giới, và đang cần những thứ ấy. Bằng con mắt tâm linh, họ luôn nhắc về người quá cố, cầu xin với người quá cố. Như vậy, là chúng ta đã tin nhận có đời sau, có cuộc sống bên kia thế giới. Và nếu đem tâm tình sống ấy lồng vào niềm tin Kitô Giáo, và cho tâm tình ấy một cái nhìn đời đời qua sự tin nhận Chúa Kitô, chúng ta sẽ không thấy khó khăn gì khi chấp nhận sự sống lại, và đời sống vĩnh hằng.

Nhưng một khi đã tin nhận đời sau, đã tin vào Chúa Kitô thì niềm tin ấy phải đi tới chỗ thực hành: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Giacôbê 2:17). Và một khi áp dụng thực hành niềm tin của mình, người Kitô hữu phải làm sao để phản ảnh đầy đủ khuôn mặt của Chúa Cứu Thế trong mọi khía cạnh của cuộc đời mình cách thành thật, đơn sơ, nhưng đầy xác tín.

Con cái đời này cưới vợ, gả chồng, nhưng con cái đời sau thì lại đối xử với nhau như các thiên thần. Đó là hai mặt của một đồng tiền, hai mặt của một bàn tay, hai cách nhìn và lối sống của người Kitô hữu trong khi còn ở trần thế và sau khi đã về Thiên Đàng. Trong lúc còn sống trên thế gian này, họ phải hoàn tất vai trò và trách nhiệm của mình như một phần tử của gia đình, của cộng đoàn, và của xã hội. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho sự sống đời sau, thì họ phải làm sao để những việc làm ấy mang lại những giá trị đời đời, bằng cách như Đúc Thánh Cha Gioan Phaolô II đã diễn tả khi nói về sự thánh thiện, là phô diễn gương mặt Chúa Cứu Thế qua những biến cố của đời mình khi vui cũng như khi buồn, khi gặp gian nan thử thách, cũng như khi được may mắn, và an ủi. Và đó cũng là đời sống của một Kitô hữu biết tin tưởng, và xác tín về đời sau và về vĩnh hằng.

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)