|
BỀN ĐỖ ĐẾN
CÙNG
Trong một tuần phòng nọ, tôi đã quyết tâm một điều là mỗi ngày
sẽ để ra 15 phút trước khi đi ngủ để hồi tâm về những tư tưởng,
lời nói và hành động của mình. Đặc biệt, tôi để ý kiểm điểm xem
trong ngày qua, tôi có nhận xét, phê bình hoặc lên án ai không?
Quyết định này không những tốt về mặt tâm linh, đạo đức, mà về
phương diện đạo đức xã hội, nó còn giúp tôi quân bình và khách
quan trong lối cư xử và sống với mọi người; nhất là những người
tôi không ưa, không thích. Ngoài ra, về mặt tâm lý, sự bình tĩnh
và khách quan trong lối suy tư này cũng giúp tôi tự kiềm chế được
những tâm tính và tình cảm nóng nẩy, bộc trực hoặc những xúc động
không đúng khi phải đối diện với những cảnh ngộ, hoặc những con
người mà tôi thường ngày phải va chạm.
Sống
bình thản, bằng an, và khách quan. Đức tính xã hội và triết lý
sống ấy, tôi biết là tốt lành, là cần thiết. Mười lăm phút bình
tâm và suy niệm ấy, tôi cũng biết là cần thiết và phải thực hành.
Thế nhưng trong lúc thực hành tôi từ từ nhận ra rằng để trung
thành, bền bỉ và hoàn tất được quyết tâm ấy thật không phải dễ.
Chính vì vậy, cũng trong một tuần phòng khác sau đó, tôi đã xin
Chúa tự giảm xuống chỉ còn 10 phút.
Trung
thành, cương quyết hay bền bỉ, là một đức tính tự nhiên đáng quí.
Nó cũng là một nhân đức có liên hệ mật thiết với những nhân đức
luân lý như khôn ngoan, công bằng, đại đảm, và tiết độ.
Người
trung thành là người trước sau như một, không thay lòng đổi dạ,
bền bỉ và quyết tâm đi đến cùng hoặc hoàn tất cách đầy đủ công
việc đã được trao phó cho mình. Ở đây, lòng trung thành không
chỉ hiểu theo nghĩa là gắn bó và nhiệt tâm với một người nào,
thí dụ, một người đệ tử trung thành với thầy mình. Trung thành
trong trường hợp Chúa Giêsu đề cập đến ở đây còn vươn tới vĩnh
cửu, vì theo Ngài, thì nhờ trung thành, bền bỉ sẽ dẫn ta đến sự
sống đời đời, sẽ giải thoát và cứu được linh hồn mình: “Bền đỗ
anh em sẽ cứu được linh hồn” (Lc 21:19).
Quyết
tâm thực hiện một việc gì cho đến cùng, bền tâm, kiên trì đến
cùng có nghĩa là sẽ bằng mọi giá phải thực hiện được việc ấy,
dù phải gặp những thử thách, những khó khăn trong khi thực hiện.
Điều này mới xem ra có vẻ dễ dãi, nhất là khi ta làm một việc
mà kết quả trông thấy trước mắt. Nhưng dù là thành quả tích cực
hay tiêu cực, trung thành đến cùng vẫn là một điều khó lòng thực
hiện. Trở lại kinh nghiệm của chính mình, 15 phút hồi tâm rồi
giảm xuống 10 phút mỗi ngày. Những lúc khỏe mạnh, những lúc thanh
thản, những lúc không gặp chuyện phải lo âu, thì tôi không gặp
khó khăn nào với quyết tâm của mình. Nhưng những lúc mệt mã, bệnh
tật, và bận rộn với công việc, hoặc những lúc gặp thử thách thì
quyết tâm này không phải là dễ dàng thực hiện. Những lúc như vậy,
tôi mới thấy ứng nghiệm lời Chúa Giêsu nói về sự bền bỉ và trung
thành, và tại sao Ngài lại gắn liền việc trung thành với những
giá trị đời đời.
Nhưng
để được cứu rỗi, được giải thoát, và được vào vĩnh hằng, thì sự
trung thành của ta phải đạt được tiêu chuẩn theo với ý nghĩa đời
đời của nó. Những đòi hỏi này thật sự không dễ dàng, vì nó không
do tự mình quyết định hay chọn lựa, mà là chính Chúa đã xếp đặt,
đã cho phép xẩy ra trong cuộc sống để đo lường, và thử thách sự
trung thành của chúng ta: “Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp
và nộp các con đến các hội trường và ngục tù, điệu các con đến
trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: Các con sẽ có dịp
làm chứng. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và
có kẻ trong các con sẽ bị giết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ
vì danh Thầy” (Lc 21:12-13, 16-17).
Trung
thành, bền bỉ dù bị bắt bớ, giam cầm, tù tội. Trung thành, bền
bỉ dù bị cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, và bạn hữu khinh
chê, nhạo báng. Trung thành, bền bỉ dù phải thí mạng vì danh Chúa,
không phải là chuyện nhỏ, và chuyện dễ. Điều này dĩ nhiên khó
gấp trăm lần một mình đối diện với mình 10 phút mỗi ngày.
Tuy
nhiên, Thiên Chúa đã không để con người rơi vào một thử thách
mà họ không thể thắng vượt được, bằng không con người sẽ đổ thừa
cho Ngài và sẽ bỏ cuộc. Biết như thế, nên Chúa Giêsu đã lồng vào
những điều kiện trung thành những lời hứa nâng đỡ và khích lệ.
Ngài cho biết về phương diện tri thức, khả năng trí tuệ và lợi
khẩu sẽ có Thánh Thần Chúa giúp đỡ: “Chính Thầy sẽ ban cho các
con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù các con không thể
chống lại và bắt bẻ các con” (Lc 21:15). Riêng về những thử thách
tưởng như vượt quá sức tự nhiên kia thì trong những hoàn cảnh
ấy, Thiên Chúa vẫn ở bên và bênh đỡ: “Dù một sợ tóc trên đầu các
con cũng không bị hư mất” (Lc 21:18).
Và
đó là lời hứa của Thiên Chúa, Ngài dành cho những ai trung tín
với Ngài, dám chấp nhận theo Ngài và làm chứng nhân cho Ngài.
Điều này dẫn ta đến một quyết định thực hành rằng, chỉ cần chu
toàn cách nghiêm chỉnh, bền bỉ mọi công việc mình trong cuộc sống,
và với lòng yêu mến chân thành, cậy nhờ vào ơn Chúa, con người
sẽ được giải thoát. Vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa nhưng lại tùy
vào sự trung thành đáp trả của mỗi người. Khi Chúa nói đến trung
thành, bền bỉ, Ngài không nói đến phải trung thành và hoàn tất
những công tác lớn lao, những việc làm hiển hách. Và đây là điều
làm chúng ta an tâm, vì một khi trung thành với Ngài trong mọi
khía cạnh nhỏ mọn của cuộc đời, cũng chính là trung thành và bền
bỉ với Ngài trong toàn bộ cuộc sống mình, và như vậy nhờ sự trung
thành ấy sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời: “Bền đỗ anh sẽ cứu
được linh hồn” (Lc 21:19).
T.s.
Trần Quang Huy Khanh
|
|