|
CHÚA KHÔNG
XUỐNG KHỎI THẬP GIÁ
“Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là
Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn” (Lc 23: 35).
“ Nếu ông là vua dân Do Thái, ông hãy tự cứu lấy mình đi” (Lc
23: 37).
“ Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”
(Lc 25: 39).
Một
lần nọ trong khi suy niệm Thánh Kinh về biến cố Tử Nạn, và việc
Chúa bị đóng đinh trên Núi Sọ, một anh bạn tôi đã lên tiếng với
quan điểm của riêng anh: “Phải là mình, mình sẽ xuống khỏi thập
giá và đến thẳng mấy tên trưởng tế, kỳ mục đang to mồm chế nhạo
tát cho mỗi đứa một cái, rồi lại lên nằm trên thập giá cho bọn
nó thấy mà kinh hồn”.
Thật
ra không phải chỉ anh bạn kia mới nghĩ như vậy, mà có lẽ nhiều
người, và kể cả chúng ta đôi khi cũng nghĩ như thế. Phải mà là
chúng ta, chúng ta chắc chắn không để bọn tư tế, kinh sư, đầu
mục, và đám quan quân hỗn độn ấy coi thường như vậy. Điều này
có thể tìm thấy ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Ai mà nói gì mình không làm hoặc không có thì bằng mọi giá phải
cải chính, phải làm thế nào cho người nói ra câu nói ấy bẽ mặt.
Nói cho ra nhẽ, nói để mà chừa lần sau đừng đụng chạm, xúc phạm
đến ta nữa. Hoặc nếu mình có lỗi, có khuyết điểm thì lại tìm cách
cắt nghĩa sao để người khác không nghĩ rằng mình tệ, mình dở,
hoặc tầm thường như vậy. Và đó là tâm lý, là lối sống, và lối
suy nghĩ thường tình của con người.
Chúa
không xuống khỏi thập giá. Chúa Giêsu thì khác, Ngài không thể
suy nghĩ và hành động theo lối thường tình. Ngài cũng không áp
dụng lối sống thường tình được trong trường hợp này, vì đây là
một việc làm đem lại sự giải thoát cho toàn thể nhân loại. Một
việc làm liên quan đến vận mạng đời đời của nhân loại. Và vì thế,
Ngài vẫn nhẫn nại ở trên thập giá để nghe những tiếng nhạo cười,
thách thức. Để chứng kiến thái độ cao ngạo, tự mãn của những người
ở dưới. Nhất là để câm nín và chết đớn đau trên thập giá.
Chúa
không xuống khỏi thập giá. Mặc dù Ngài có thừa quyền năng như
Ngài đã chứng tỏ trước đó: cho người mù được thấy, què được đi,
khu trừ ma qủi ra khỏi nhiều người, chữa lành những kẻ phong cùi,
khiến gió biển phải yên lặng, và nhất là cho kẻ chết sống lại.
Những việc ấy Ngài đã làm được, thì việc xuống khỏi thập giá chắc
chắn không phải là việc làm khó khăn đối với Ngài. Nhưng Ngài
đã không xuống khỏi thập giá. Ngài đã chết thảm, chết trần truồng
trên đó giữa tiếng chửi rủa, những cái nhìn khinh bỉ của ngay
cả tên cướp cùng chịu hành hình bên cánh trái của mình.
Chúa
không xuống khỏi thập giá. Chúng ta có lý để nghĩ rằng trước khi
tắt thở, Chúa cũng nên cho bọn tư tế, kỳ mục, và quan quân kia
một bài học về uy quyền của mình, biết đâu chúng thấy vậy mà ăn
năn, xám hối?! Nhưng Chúa vẫn không xuống khỏi thập giá.
Ở
một khía cạnh khác, một góc độ khác, và nhất là ở cái nhìn của
ơn cứu chuộc, thì chúng ta phải suy nghĩ về hành động không xuống
khỏi thập giá kia của Ngài. Mặc dù Ngài có quyền và có khả năng
làm việc ấy, nhưng Ngài đã không làm, vì đối với những kẻ yêu
mến Ngài, thì đây không phải là một hành động thách thức, mà là
một lời mời gọi dấn thân. Do bởi tình mến, và vì yêu mến Con Thiên
Chúa mặc xác phàm, đã chấp nhận chết đớn đau cho phần rỗi của
nhân loại và của chính mình. Đó cũng là cuộc sống và cái chết
mà Ngài đã tự nguyện. Một cái chết chứng tỏ tình yêu lớn lao mà
Ngài dành cho mỗi người: “Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ
thí mạng sống vì người mình yêu” Gio 15:13). Ngài đã nói và đã
thực hành điều ấy. Ngài muốn là một vị vua nhân ái. Ngài muốn
xét xử thần dân mình trên ngai tòa thập giá, vì ở đó, Ngài đã
chia sẻ đến tận cùng những đớn đau, yếu đuối, và mỏng dòn của
thân phận con người.
Chúa
không xuống khỏi thập giá. Vì Ngài muốn cho tất cả nhũng ai sẽ
theo Ngài phải hiểu rằng, sẽ không có con đường nào, và không
có phương pháp nào để chiếm hữu nước trời, để được vào vĩnh hằng,
vào được vương quốc tình yêu, ngoại trừ con đường thập giá. Đối
với những thử thách, đau đớn của cuộc đời, điều mà Đức Gioan Phaolô
II gọi là “mầu nhiệm” của đau khổ hay mầu nhiệm thập giá. Con
người không thể nào phân tích, hoặc cắt nghĩa được thập giá, ngoại
trừ họ khiêm nhường ôm vác nó. Và như Chúa Giêsu, sẵn sàng chịu
đóng đinh trên đó. Điều này cũng giải thích tại sao Chúa đã không
xuống khỏi thập giá. Nó cũng nói lên một điều huyền bí này là
tất cả các thánh nhân, những người thân thiết với Chúa Kitô đều
là những người “mê” thập giá, và đã bị đóng đánh trên đó vì Ngài.
Khi
Giáo Hội đề cao vương quyền của Chúa Giêsu mà lại dùng biểu tượng
thập giá, cái chết nhục nhã của Ngài trên đó, hẳn là Giáo Hội
có ý muốn nhấn mạnh đến một vương quốc tình yêu, một vương quyền
tình yêu, một dân tộc tình yêu mà Chúa Giêsu đã lấy chính cái
chết của mình để giải thoát, để qui tụ, và để đem về lại cho Thiên
Chúa Cha. Việc Ngài chấp nhận nhực nhã, và chết đớn đau trên thập
giá chính là bước đầu để dẫn tới vinh quang phục sinh, và mở màn
cho một vương quốc tình yêu vĩnh viễn.
Chúa
đã không xuống khỏi thập giá. Xin cho chúng con cũng được vững
vàng, can trường và bền bỉ với thập giá của cuộc đời chúng con.
T.s.
Trần Quang Huy Khanh
|
|