|
Con nào đây?
Bản tường thuật mà Thánh
Luca đã kể về hai người con, chắc nhiều người trong chúng ta đã
đọc hoặc nghe rất nhiều lần. Nhưng có một điều mà cho đến giờ
này, cá nhân tôi vẫn chưa hiểu để tìm ra được nhân dáng của mình
qua hình ảnh của bất cứ người nào trong hai người con ấy.
Không
chỉ là trong phạm vi tâm linh đạo đức, mà ngay cả đối với cha
mẹ phần xác, giới răn thứ 4, tôi sống và cư xử lắm lúc trưởng
không ra trưởng mà thứ không ra thứ. Và điều này hẳn đã có lần
làm cho song thân tôi khó chịu và buồn lòng.
Riêng
trong đời sống tâm linh, nhiều lúc tôi không thấy mình là người
con trưởng. Người mà thường ngày hiếu thảo và chăm lo phụng dưỡng
cha già, mặc dù đôi lúc vẫn hy vọng được cha mình biết đến và
tưởng thưởng. Tôi cũng chẳng thấy mình giống người con thứ. Bởi
vì tôi chưa đủ can đảm để xin cha mình chia gia tài cho một chuyến
ra đi dong chơi dưới trời quên lãng. Có lẽ vì sống lấp lửng và
yêu mến một cách lấp lửng như thế, tôi thấy lời cảnh báo của sách
Khải Huyền khi nói về giáo đoàn Laodicea phần nào đúng với tôi:
“Ta biết các việc làm của ngươi. Ta
biết ngươi nóng không nóng mà lạnh cũng không lạnh. Điều mà ta
muốn ở nơi ngươi là hoặc là nóng hoặc là lạnh” (Khải
Huyền 3:15).
Phải
chi tôi như người con thứ dám đối diện với thực tế. Dám chấp nhận
cuộc chơi. Nhưng mất linh hồn thì không dám, nhất là khi phải
đối diện với hai chữ đời đời. Cái hèn của tôi là ở chỗ đó. Chơi
ngông, chơi ngang, muốn làm cha thiên hạ thì cũng muốn. Nhưng
nghĩ đến chuyện phải đi chăn lợn và ăn cám lợn thì lại run. Như
vậy có nghĩa là tôi chỉ sống trong ảo tưởng và ảo giác. Thực tế,
tôi lại rất sợ chết, sợ bị tai tiếng, sợ người khác chê cười.
Tóm lại, tôi không muốn ai nhìn thấy tôi, biết tôi là một đứa
con hoang đàng.
Mà
phải chi tôi được như người anh cả, chăm lo hầu hạ và phụng dưỡng
cha già ngày đêm. Cứ ví như lối sống đạo, giữ đạo của mấy bà nhà
quê, mấy người dốt nát vậy. Ngay cả ở tư thế này, tôi cũng chẳng
có. Đi lễ thì nhức đầu. Quỳ lâu thì đau đầu gối. Lần hạt thì ngủ
gật. Tóm lại, cái gì đụng đến đạo nghĩa là tôi có trăm nghìn lý
do để lẩn tránh, nhưng hễ có dịp thì tôi không ngần ngại tỏ ra
mình là người rất sùng đạo, rất yêu mến và kính sợ Thiên Chúa.
Nhất là mỗi khi thấy ai đó có hành vi, ngôn ngữ xem như xúc phạm
đến Chúa thì tôi không thể nào chịu được. Y như tâm sự của người
con trưởng nhìn thấy người em mình sau những tháng năm hoang đàng
nay trở về. Chì chiết, khó chịu, bực tức, và ghen tị. Như vậy
thì tôi ở vào trường hợp nào. Con trưởng hay con thứ. Lối sống
nửa nạc, nửa mỡ ấy của tôi phải chăng là một sự đau lòng cho người
cha rất mực thương yêu mình.
Thật
ra, cả hai người con đều làm cho cha mình buồn và khổ, ít nhất
trong 3 lý do sau:
1.
Thiếu thông cảm:
Đọc
kỹ những lời trao đổi giữa người con trưởng, người con thứ và
cha già của họ, chúng ta thấy cả hai đã không hiểu và không muốn
hiểu ý của cha mình. Một hình thức thiếu cảm thông và lắng nghe
cần thiết cho những trao đổi tâm tình, nhất là mối thân tình giữa
cha mẹ và con cái.
Người
con trưởng thì phàn nàn, so sánh, nuối tiếc. Người con thứ thì
ngang tàng, bướng bỉnh đòi phải chia cho được phần gia tài thuộc
về mình. Cả hai hình thức nói năng như thế đều rất thiếu kính
trọng và hiểu biết.
Vì
thiếu thông cảm, nên người con trưởng cho rằng cha mình không
công bằng. Vì thiếu thông cảm, nên người con thứ mới lên tiếng
hạch hỏi và kết quả đã tạo nên một chuỗi ngày đau khổ, mòn mỏi
chờ mong của cha anh. Ngày ngày đau buồn nhìn về phương trời xa
xăm nào đó mong có ngày con quay về. Cũng may mà anh đã quay về
sau những bài học đắng đót.
2.
Thiếu tình yêu mến:
Làm
sao ta có thể cho rằng người con cả cũng như người con thứ đã
hiếu thảo và tận tình với cha già của mình.
Trong
những năm tháng mà anh gọi là “hầu hạ” và không dám “cãi lệnh”
của cha anh, người con trưởng đã hành động như một tên đầy tớ.
Không có một chút tình cảm cha con, và càng thiếu hẳn lòng yêu
mến, hiếu thảo cần thiết dành cho cha già mình. Đây không phải
là chúng ta suy đoán hoặc gán ghép cho anh, mà là chính miệng
anh nói ra những lời này.
Phần
người con thứ thì càng không thể nói là đã yêu mến và thảo kính
cha mình. Làm sao có thể nói là anh yêu mến và kính trọng cha
anh khi anh đã làm cho cha anh đau khổ mỏi mòn. Sự đau khổ của
cha anh cũng không phải do chúng ta suy luận, mà là chính miệng
ông đã nói ra: “Con ta đã chết, nay
sống lại. Đã mất nay tìm thấy” (Luca 15:24). Không
biết nếu anh không trở về, liệu ông có nhắm mắt nổi khi chết không
hay vì quá đau khổ, thương con mà mở to con mắt để mong bắt gặp
hình ảnh con mình.
3.
Thiếu tình nghĩa anh em:
Không
biết trong cuộc sống thường ngày hai anh em này có nói truyện,
trao đổi, và yêu thương nâng đỡ nhau hay không, nhưng nhìn vào
lối sống và hành động thì rõ ràng hai người tương phản nhau và
hoàn toàn khác biệt. Một người ngang tàng, ăn chơi, trác táng
và biếng nhác. Một người hà tiện, hẹp hòi, và ghen tị.
Thái
độ sống của người anh đã phản ảnh rõ ràng, và sự hẹp hòi, bủn
xỉn anh ta đã khiến người cha phải xuống nước năn nỉ. Có lẽ vì
muốn đề cao tình thương của người cha đối với con mình nên Thánh
Ký đã không ghi nhận gì về cảm tình của hai anh em này sau những
ngày tháng xa cách. Nhưng cũng có lẽ vì thiếu tình nghĩa anh em,
nên Thánh Ký chỉ ghi nhận phản ứng của người con cả để nói lên
những bất đồng về quan niệm, về lối sống, và nhất là sự xích mích
giữa hai anh em này.
Con
nào đây?
Phần
tôi, tôi là ai? Người anh, người con trưởng; hoặc người em, người
con thứ. Hay lẫn lộn cả hai?
Rất
nhiều lần và nhiều trường hợp, tôi đã sống lẫn lộn và phản ảnh
của cả hai con người, hai nếp sống ấy trong mối tương quan giữa
tôi và Thiên Chúa. Một mặt tôi ngang tàng, bướng bỉnh, và lấn
lướt như người em, người con thứ. Mặt khác tôi ích kỷ, hẹp hòi,
và tính toán như người anh, người con trưởng. Chính vì lối sống
ấy, lối suy nghĩ ấy tôi đã không làm vui lòng Thiên Chúa. Một
lối sống, lối suy nghĩ không phản ảnh tình thương của Thiên Chúa
Cha, và mối tình hiệp nhất, bác ái giữa anh chị em với nhau.
Mùa
Chay, mùa thống hối ăn năn. Mùa cầu nguyện và sửa sai. Xin cho
con biết nhận ra chân tướng của mình. Và để con sống thật với
con, với Chúa, và với anh em.
Tôi
là ai? Người con trưởng, anh cả hay người con thứ, em út? Không!
Tôi muốn tôi là chính tôi. Và tôi phải là người con biết cảm thông
với nỗi cảm thông của cha mình, biết yêu thương, hiếu thảo với
cha, và biết yêu thương, hiệp nhất với anh chị em mình. Đây chính
là thái độ, suy nghĩ, và lối sống của tôi, của những người con
cái Chúa.
T.s.
Trần Quang Huy Khanh
|
|