Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C
 
 


Ai người vô tội!


Khi bắt được quả tang một thiếu phụ đang phạm tội ngoại tình, mấy anh luật sĩ và biệt phái khấp khởi mừng thầm. Phen này ta có cơ hội minh chứng được sự trong sạch và vô tội của mình. Thiên hạ rồi ra sẽ thấy ta là người đạo đức và thánh thiện.

Nhưng có lẽ bọn luật sĩ và biệt phái này tự thấy mình quá tệ, nên muốn dựa vào thế giá của Chúa Giêsu. Họ muốn tỏ ra mình là công chính khi mượn tay Chúa ném đá người phụ nữ khốn khổ này. Và ở một phương diện nào đó, cũng đã muốn chà đạp kẻ khác để được leo lên bậc thang công chính: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Maisen, hạng phụ nữ này phải bị ném đá” (Gioan 8:4-5).

“Hạng phụ nữ này phải bị ném đá” (Gioan 8:5). Nghe lạnh lùng, và vô nhân đạo quá. Nhưng đó lại là lối sống và suy nghĩ của phần đông con người như bọn luật sĩ và biệt phái này. Thật vậy, biết bao nhiêu lần chúng ta cũng lạnh lùng, vô nhân đạo, và vô cảm như thế khi lên án, kết luận người này, người khác trong khi chính mình lại chẳng thánh thiện chút nào. Đấy cũng là những điểm tâm lý của những kẻ muốn nổi nang, khoe khoang mà không có đức độ và thực tài. Họ cần dựa vào thế giá của người khác. Rồi khi đã có chút danh phận thì lại muốn chà đạp kẻ khác để mình càng được nổi nang hơn. Cả hai tâm lý này thường ngày chúng ta có thể tìm thấy trong các giao tế và sinh hoạt giữa con người với nhau, kể cả trong lãnh vực đạo đức và tôn giáo.

Trong những tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay, rất mong có ai đó phát minh ra được một chiếc máy chịu hình mà khi chụp ai thì bên trong tâm tư họ đang nghĩ gì, suy tính gì đều hiện ra trên tấm hình chụp ấy. Nhà phát minh hay khoa học gia này chắc chắn sẽ trở thành tỷ phú tức thời, vì ai cũng muốn mua cho được một chiếc máy chụp hình loại này.

Chụp hình người khác với chiếc máy này thì chắc là nhiều người muốn trở thành nhiếp ảnh gia, nhưng liệu có mấy ai bằng lòng để người khác chụp hình của mình. Bởi vì nếu để người khác chụp hình mình thì e rằng những tính toán nham hiểm, những mưu đồ bất chính, những ước muốn vụng trộm, những gian dâm, đàng điếm và nhiều nhiều tội ác khác sẽ bị phơi bày. Lúc đó, những chàng sở khanh không dám mở miệng nói “anh yêu em” với những cô gái ngây thơ. Những cô gái đào mỏ cũng không dám mở miệng, ỏn ẻn hai chữ “yêu anh” với những chàng “dại gái” nữa. Những thương gia, những nhà buôn sẽ không ai dám đứng thẳng và tuyên bố: “Đây là hàng thiệt”, hoặc: “Nếu tôi ăn lời món hàng này trên 5 đồng, tôi sẽ chết liền tại chỗ”. Những tay hoạt động chính trị sẽ không dám đứng trước quần chúng để hoan hô hoặc đả đảo một ai. Những cuộc chạy đua vào các chiếc ghế quyền lực sẽ không mấy ai đoái hoài tới, bởi vì những lời thề hứa hão huyền, những tuyên bố mị dân và theo thời sẽ được ghi vào ống kính, và mọi người đều có thể xem thấy, và đọc được. Những máy chụp này mà chụp nhiều vị linh mục, giám mục thì cũng không cần chờ những hồ sơ mật vụ được bạch hóa, giải mã như các hồ sơ gián điệp ở Balan. Những ai là giáo gian, là quốc doanh sẽ được phơi bày tất cả qua những tấm hình chụp.

Tuy Chúa Giêsu không chế ra chiếc máy chụp hình tinh vi kiểu đó, nhưng ngài đã dùng một phản tỉnh tâm lý qua một câu nói tuy rất nhẹ nhàng nhưng lại rất tác dụng mãnh liệt để lột mặt nạ những kẻ giả nhân, giả nghĩa: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Gioan 8:7).

Thế là hết ồn ào. Hết la ó. Hết quan toà. Hết kết án. Hết ném đá. Người nọ nối đuôi người kia, kẻ già, người trẻ “bỏ của chạy lấy người”, khiến Chúa phải làm ra như ngỡ ngàng: “Những người kêu án của chị đâu. Không ai ném đá chị sao?” (Gioan 8:10). Thật ra, ngài đã chụp được hình tất cả bọn họ. Ngài biết tên nào phạm tội ngoại tình với ai, ở đâu, và khi nào. Ngài biết từng tên và từng lần bọn họ phạm tội. Không phải chỉ một lần mà là nhiều lần. Sự rút lui và tháo chạy của bọn họ đã chứng tỏ đời sống và lương tâm bất chính của họ.

Nhưng có lẽ đó là con người của hơn 2000 năm trước hơi nhát nếu so với con người đời này. Nếu Chúa xuất hiện ở thời đại này, không biết ngài có dám thách thức con người thời nay với câu nói mà ngài đã dùng trước đó không: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Gioan 8:7), hay chính ngài phải lên tiếng bênh vực người phụ nữ thiếu may mắn đó. Bởi vì nếu Chúa thách thức như vậy với con người ngày nay thì không phải một mà nhiều viên đá sẽ bay vào nạn nhân khốn khổ đó ngay.

Thật vậy, mỗi năm trên thế giới có tới hơn 40 triệu thai nhi bị giết trong bụng mẹ. Hơn 50% các gia đình kết thúc bằng ly thân, ly dị. Mỗi ngày có hàng vạn thanh thiếu niên bỏ nhà đi hoang. Hàng trăm ngàn thanh thiếu niên nam nữ bị lợi dụng và đẩy vào những hố sâu tội lỗi bằng những đường giây buôn lậu, ma túy, buôn bán trẻ em, và khai thác tình dục phụ nữ. Và hàng triệu triệu những dân lành đang chết lần, chết mòn trong những quốc gia độc tài, cộng sản, và nghèo đói. Những tội lỗi tầy trời này đã được chụp và ghi nhận không phải một mà là hàng triệu triệu những máy chụp hình tối tân của lương tâm con người, của đạo lý và luân lý xã hội. Nhưng thật là khủng khiếp, vẫn có nhiều kẻ dám giơ tay ném đá người vô tội. Họ hành động như không có Thượng Đế, và không biết đến lương tâm.

Một điểm tuy nhỏ nhưng đã làm nổi bật cái tâm lý dựa vào thế giá của người khác, và tìm kiến danh vọng bằng cách chà đạp kẻ khác. Người đọc không thể không nêu lên một câu hỏi là “Tại sao chỉ có người thiếu phụ bị lôi ra xử tội và ném đá? Thế tên đàn ông kia ở đâu? Và hắn là ai?” Có phải là một tư tế hay thượng tế? Một luật sĩ và biệt phái? Một Pharisiêu? Một tên trọc phú trong vùng? Hay một tên sở khanh chuyên môn dụ dỗ đàn bà, con gái yếu lòng?

  • Tư tế và thượng tế thì ai mà dám đưa ra xử? “Chống cha là chống Chúa”. Họa may chỉ có luật pháp Hoa Kỳ ở thời đại tân tiến này mới dám lôi mấy người này ra tòa.
  • Luật sĩ và biệt phái? Những người này thuộc loại “miệng nhà sang có gang có thép” ai mà dám đụng tới.
  • Pharisiêu? Không đâu, một tuần ăn chay mấy lần, áo mão, tua rua đeo đầy người làm gì có chuyện đó.
  • Tên trọc phú trong vùng thừa tiền hởi mỡ.
  • Hay tên sở khanh, miệng mồm đỡ tay chân, chuyên môn nịnh bợ và lường gạt lòng tin của đàn bà, con gái yếu lòng.

Nhưng rốt cuộc thì cũng chỉ tội cho người thiếu phụ vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Tội nhân vì thật sự chị đã làm chuyện ấy, và bị bắt quả tang. Nạn nhân, vì chị chỉ là con dê tế thần cho những luật lệ phiến diện, bất công và bao che của những kẻ thừa tiền, nhiều của và có danh tiếng, địa vị.

Phải chăng đó là xu thế và lối sống của con người muôn thuở? Vì không phải là thời Chúa Giêsu, mà cả thời này cũng thế, trong cuộc sống và tương quan xã hội, những kẻ giầu có, địa vị, và bằng cấp bao giờ cũng được đời trọng vọng và có nhiều quyền lợi, nhiều ưu đãi. Chỉ có một mình Chúa Giêsu, đấng đã đến để giải thoát những bất công mới hiểu và biết phải làm gì: “Ta cũng không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Gioan 8:11).

Ai người vô tội. Không có ai dám nói là mình vô tội, ngược lại, ai cũng chính là những tội nhân đang cần được cảm thông và tha thứ. Tội trong tư tưởng. Tội trong lời nói. Tội trong hành động. Tội với chính mình. Tội với tha nhân. Tội với Thiên Chúa. Những tội này, theo Thánh Vương Đavít luôn luôn ở trước mặt mỗi người: “Tội con ở trước mặt con”. Vậy cớ sao lại hà khắc, tàn ác, và kết án bất công anh chị em mình!

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)