SỐNG THÁNH THỂ
trong
đời sống thường ngày
“Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén
này, anh em loan truyền cáu chết của Chúa cho tới khi Chúa đến”
(1 Cor 11:26).
- Loan truyền việc
Chúa chịu chết.
- Cho đến khi Chúa
lại đến.
Đó
là 2 mục đích cho bất cứ Kitô hữu nào mỗi khi nghĩ đến Thánh Thể,
đến với Thánh Thể, và đón nhận Thánh Thể. Ngoài những mục đích
đó ra, việc tiếp nhận Thánh Thể, theo Thánh Phaolô là một việc
làm bất xứng và vô ích.
QUA
VIỆC NHẬN LÃNH
Theo
Thánh Phaolô thì mỗi lần tiếp nhận Thánh Thể Chúa, Kitô hữu chúng
ta phải thâm tín một cách rất chắc chắn rằng, đây là Mình và Máu
Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc đã đổ ra vì chúng ta trên thập
tự giá. Ngài đã đánh đổi cái chết của mình để cho chúng ta được
sống.
Đón
nhận sức sống từ Thánh Thể để sống và để có thể loan truyền mầu
nhiệm tình yêu cho đến chết của Ngài là một đòi hỏi cũng như mục
đích của mỗi lần chúng ta rước Thánh Thể.
Bằng
một đức tin sống động, và chỉ với đức tin sống động chúng ta,
những Kitô hữu mới dám công khai lên lãnh nhận một tấm bánh nhỏ,
một hớp ruợu mà chỉ sau một lời đọc rất đơn sơ của linh mục: “Đây
là mình Ta. Đây là máu Ta”, chúng ta tin thật đó là
Thịt và Máu Chúa.
Đức
tin vững mạnh ấy, khiến chúng ta thấy mình hạnh phúc và vinh dự
mỗi khi đón nhận Mình và Máu Chúa. Nhưng việc đón nhận ấy cũng
chính là một thách đố lớn lao cho niềm tin của mỗi Kitô hữu. Chính
vì vậy, sau khi đọc lời truyền phép, linh mục đã hô to: “Đây
là mầu nhiệm đức tin”. Có nghĩa là những gì mà con
mắt đang nhìn thấy kia không thể lý giải được bằng lý luận và
cảm quan tự nhiên. Nó đã trở thành một mầu nhiệm, mà hơn thế nữa,
là một mầu nhiệm của đức tin. Và mỗi lần như vậy, lời Thánh Phaolô
viết cho giáo đoàn Corinthô đã được lặp lại như một lời tuyên
tín trước sự bất lực của trí khôn và tầm hiểu biết của con người:
“Lậy Chúa, chúng con loan truyền việc
Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi
Chúa lại đến”.
Hành
động tin tưởng này sẽ dẫn chúng ta đến việc chuẩn bị linh hồn
và thân xác để xứng đáng mỗi khi ở trước mặt Thiên Chúa và đón
nhận Thánh Thể. Một tâm hồn tinh tấn, trong sạch. Một thân xác
được chuẩn bị sạch sẽ, kín đáo và trang điểm xứng đáng. Điều này
ngược lại với hành động rước Mình Máu Thánh Chúa một cách cẩu
thả và coi thường của những người khi lên đón nhận Thánh Thể mà
trong lòng vẫn còn thù hằn, căm phẫn, lo ra, và đầy lo âu khắc
khoải. Điều này cũng khác với lối ăn mặc, trang phục của một số
người khi đón nhận Thánh Thể bằng lối ăn mặc hở hang, luộm thuộm
và dơ dáy.
Do
đó, việc loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa
sống lại qua hành động đón nhận Thánh Thể, không thể coi là một
việc làm chiếu lệ, một việc làm của thói quen. Bởi vì người ngoài
tôn giáo sẽ không thể hiểu được Đấng đã chịu chết và sống lại
ấy là gì khi thấy Kitô hữu chúng ta lãnh nhận Thánh Thể một cách
lơ là, vô ý thức. Thánh Phaolô gọi đây là việc ăn và uống lấy
án phạt: “Kẻ nào ăn và uống Mình Máu
Thánh Chúa một cách bất xứng là ăn và uống lấy án phạt cho mình”
(1 Cor 11:29).
QUA
ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN
Người
Kitô hữu không chỉ tuyên xưng và loan truyền cái chết và cuộc
phục sinh của Chúa qua việc đón nhận Thánh Thể, mà là phải sống
và trở thành chứng nhân cho điều mình tin tưởng ấy. Việc làm khó
khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, thử thách, và vì thế, phải được khởi
dẫn, ban ơn và khích lệ bởi Thánh Thần.
Sống
chứng nhân qua những điều mình tin tưởng và tuyên xưng. Sống để
những người chung quanh có thể nhận ra được điều mình đang tin
ấy thoát hiện qua cuộc sống thường ngày, trong những giao tiếp
thường ngày với môi trường và những người chung quanh mà mình
giao tiếp.
Thật
vậy, nhiều Kitô hữu không có nhiều thời giờ và hoàn cảnh để nói
về Chúa, giảng giải về Chúa. Nhiều người tuy có giờ, có hoàn cảnh
nhưng lại không có khả năng. Và do đó, bằng vào lối sống thực
tế, chúng ta có thể vượt qua được những giới hạn kia mà làm cho
những người chung quanh nhận ra được Chúa. Đây là việc tuyên xưng
bằng hành động. Một việc làm khó và đòi hỏi nhiều hy sinh, cố
gắng.
Trong
thực tế, nhiều Kitô hữu có thể hiểu được ý nghĩa của hành động
tuyên xưng qua những ý nghĩ trìu tượng, nhưng ứng dụng vào hành
động những ý nghĩa của điều mình tin nhận còn khó khăn hơn việc
đem vào tri thức điều mình tin nhận. Bởi vì sống đức tin là hành
động tuyên xưng hai lần. Một lần tuyên xưng bằng tri thức và hiểu
biết, và một lần tuyên xưng bằng việc hòa nhập sự hiểu biết ấy
với cảm nhận và cuộc sống của mình.
THỊT
MÁU CHÚA
Những
điều kiện và cũng là mục đích mà Thánh Phaolô đã đưa ra khi nói
về Thánh Thể, cuối cùng cũng chính là để chúng ta đặt trọn niềm
tin mình và sống với niềm tin ấy khi đón nhận Thánh Thể. Chúa
Giêsu khi nói về bí tích mà Ngài sẽ thiết lập đã nói rằng: “Vì
bánh của Thiên Chúa là Đấng từ trời xuống và trao hiến mạng sống
mình cho nhân loại” (Gio 6:33).
Bánh
đó, Đấng đó khi tiếp nhận sẽ đem lại sự sống đời đời. Ngài nói
tiếp: “Ta là bánh hằng sống. Ai đến
với Ta sẽ không bao giờ đói, và ai tin Ta sẽ không bao giờ khát”
(Gio 6:35). Sự sống đời đời là không bao giờ bị đói hoặc khát
tình yêu của Thiên Chúa.
Đi
xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn nói với mọi người rằng:
“Vì ý Chúa Cha là tất cả những gì Ngài ban cho Ta, Ta sẽ không
để hư mất, nhưng sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết. Và đây
là ý của Ngài, Đấng đã sai Ta, là những ai thấy Con và tin vào
Ngài sẽ được sự sống đời đời, và Ta sẽ làm cho sống lại trong
ngày sau hết” (Gio 6:39-40).
Chúa
Giêsu đã xác nhận Ngài là bánh hằng sống. Đón nhận Ngài, ăn thịt
và uống máu Ngài chúng ra sẽ được sống. Chính Ngài chỉ trong một
mạch văn ngắn gọn, đã hai lần khẳng định sẽ làm cho những ai tiếp
nhận Ngài sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Và đây cũng là
điều mà theo Thánh Phaolô, chúng ta không những phải loan truyền
và tuyên xưng cái chết và sự phục sinh của Chúa, mà còn phải loan
truyền và tuyên xưng cho đến khi Chúa đến.
Chúa
đến với mỗi chúng ta là ngày chết, và Chúa đến với toàn thể nhân
loại là ngày quang lâm của Ngài. Như vậy, tuyên xưng đến khi Chúa
đến là việc làm suốt đời của mỗi Kitô hữu, cũng như đón nhận Thánh
Thể là điều mà mỗi người cần phải có cho đến khi từ giã cõi đời
tạm bợ này.
Tóm
lại, khi chúng ta đón nhận Thánh Thể, tức là chúng ta đón nhận
sức sống thần linh của Thiên Chúa để loan truyền và để tuyên xưng
Chúa Giêsu là Cứu Chúa, và là Đấng sẽ đem lại cho mỗi người chúng
ta cũng như những ai tin nhận nơi Ngài sự sống đời đời. Và bổn
phận chứng nhân của mỗi người chúng ta là phải tuyên xưng, loan
truyền và sống với niềm tin ấy cho đến khi Chúa đến mỗi lần chúng
ta lên rước Mình và Máu Thánh Ngài trong Phép Thánh Thể.
T.s.
Trần Quang Huy Khanh
|