CHÚNG
TÔI PHẢI LÀM GÌ?
1.
“Vậy chúng tôi phải làm gì?”
(Lc. 3:10).
2. “Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được
sự sống đời đời” (Mt 19:16).
3. “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được
sống đời đời” (Lc 10:25.
Ba
câu hỏi trên mang cùng một ý nghĩa, đó là những người hỏi muốn
tìm được câu trả lời cho phần rỗi đời đời của mình. Và những người
hỏi đại diện có một số chính trong nhân loại. Thành phần thuộc
giới bình dân, thương gia và quân nhân. Thuộc giới dư giả tiền
bạc, giầu sang và có thế lực. Và thành phần thuộc giới trí thức
và hiểu biết. Phần rỗi ấy, sự sống đời đời ấy là nhận biết Đức
Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian và đã chết
để cứu độ nhân loại
Về
người được hỏi, thì câu hỏi đầu tiên dành cho Gioan Tiền Hô, còn
lại hai câu, trực tiếp đặt vấn đề với Chúa Giêsu.
Đại
diện thành phần bình dân gồm những người nghèo khổ, bần cùng,
một số thuộc thành phần quân nhân đã hỏi Gioan Tiền Hô. Trong
khi đó, đại diện giới giầu có và trí thức lại hỏi chính Chúa Giêsu.
Nhưng nếu Gioan đã trở lời trực tiếp những vấn nạn của những người
hỏi ông, thì với Đức Kitô ngài đã không trực tiếp trả lời những
câu hỏi ấy mà lại muốn chính những người đã hỏi ngài phải suy
nghĩ về những gì mình đã hỏi. Qua hình thức trả lời của Gioan
Tiền Hô và của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra điều này, đó là chân
tướng của những chứng nhân Tin Mừng, và thái độ cần phải có khi
gặp gỡ Thiên Chúa.
1.
Chứng nhân Tin Mừng
Ngày
nay nếu có ai muốn tìm gặp Chúa, muốn biết về Chúa thì họ phải
làm gì? Dĩ nhiên, họ có thể tự mình học hỏi, tham vấn và tìm hiểu,
như trường hợp người luật sỹ và anh nhà giầu đã hỏi Chúa về con
đường phần rỗi. Nhưng thử hỏi những thành phần cao trong xã hội
và trí thức này được bao nhiêu, do đó, phần còn lại vẫn là đông
đảo những người chân lấm tay bùn, nghèo hèn, thất học, và lao
động vất vả kể cả thành phần quân nhân.
Những
người đến với Gioan Tiền Hô, họ đã được ông trả lời và bảo họ:
“Ai có hai áo, hãy cho người không
có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy” (Lc 3:10).
Với những người thu thế, ông khuyên họ: “Các
ngươi đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi” (Lc
3: 13. Và đối với những quân nhân, ông đã trả lời họ: “Đừng
ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương
của mình” (Lc 3:14).
Đối
với anh nhà giầu, Chúa Giêsu lại đặt ra một điều kiện. Có lẽ vì
thấy lòng dạ anh hẹp hòi, và tham lam. Tâm trí anh kiêu căng tự
phụ. Cũng có thể vì thái độ chỉ muốn nghe cho biết của anh mà
Chúa Giêsu đã muốn dò hỏi anh bằng cách bảo anh phải về bán hết
tài sản anh có, bố thí cho những kẻ nghèo và đến theo ngài. Và
như Thánh Ký đã ghi là anh đã lặng lẽ rút lui. Anh vừa muốn chiếm
hữu được Thiên Chúa, vừa muốn làm chủ của cải vật chất và sự giầu
sang của thế gian.
Riêng
đối với những đầu óc học rộng hiểu nhiều, biết rõ lề luật như
người luật sư đã hỏi ngài, Chúa Giêsu không muốn có câu trả lời
trực tiếp. Ngài đã dẫn chứng con đường dẫn vào nơi hằng sống ấy
bằng câu truyện người Samaritanô hiền hậu.
Nhưng
có lẽ điều mà ít khi chúng ta để ý đó là thái độ dân chúng đối
với Gioan mà Thánh Ký đã ghi: “Vì dân
chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng:
Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?” (Lc 3:15). Đây
là cốt lõi của đời sống chứng nhân. Chúng ta tự hỏi:
“Tại sao những người đến với Gioan lại tưởng ông là Đấng Thiên
Sai?” Và: “Cái gì đã làm
cho những người đến với ông tưởng ông là Đấng Thiên Sai?”
Đây là điều mà tất cả những ai muốn trở thành nhân chứng cho Đức
Kitô cần phải học hỏi, đó là câu ông nói với dân chúng trong khi
họ tưởng rằng ông là Đức Kitô: “Tôi
lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến,
tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người. Chính Người sẽ rửa
các ngươi trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16).
Đó
là điều khiến người khác tưởng ông là Đấng Thiên Sai. Không phải
vì ông có tài hùng biện. Cũng không phải vì ông đã làm được những
việc cao cả. Nhưng là ông đã đóng trúng vai của một nhân chứng:
Không cao ngạo, huênh hoang. Không khoe tài, khoe sắc. Không kể
mình là cao trọng, đạo đức đến nỗi nếu thiếu mình thì mọi chuyện
đều hỏng, đều không xong, và không ai có thể thay thế được.
Tóm
lại, nếu lúc này có ai hỏi chúng về Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai
thì chúng ta cũng không thể nào làm chứng hay hơn Gioan đã làm.
Đó là tấm lòng chân thật và khiêm cung. Gioan chỉ muốn Đức Kitô
nổi nang, và được mọi người nhận biết. Ông tự nhận mình chỉ là
kẻ dọn đường, và còn tầm thường hơn một kẻ dọn đường, là không
xứng đáng cởi dây giầy cho ngài.
Như
vậy chúng ta không những phải là chứng nhân cho Đức Kitô mà chúng
ta còn phải là chứng nhân của chính mình. Bằng cách sống và hành
động để qua chúng ta, người khác nhận ra Chúa. Và chính chúng
ta cũng phải nhận ra ngài để có thể hoàn tất sứ mạng chứng nhân
của mình.
2.
Thái độ khi đến với Chúa
Theo
trình thuật của Thánh Ký, Gioan đã không giới thiệu Đấng Thiên
Sai với mọi người khi thấy họ chưa sẵn sàng. Khi họ chưa làm được
điều mà họ cần làm để xứng với những gì họ đang tìm kiếm. Ở đây
thái độ chuẩn bị, và tìm cầu ơn cứu độ được lồng vào những hành
động bác ái đối với tha nhân và tấm lòng khiêm nhường.
Những
người đến với Gioan đều là những người thiện tâm, mặc dù họ có
đôi lỗi lầm. Và vì thế, ông đã đưa điều kiện để họ đạt được nước
Trời, để thấy Đấng Thiên Sai, đó là những hành động bác ái cụ
thể. Gioan đã rất thực tế nói với những người đến với ông và đang
muốn qua ông tìm gặp Đấng Thiên Sai. Cho một chiếc áo dư. Bố thí
một đồng hay năm, mười xu. Bình an với chính mình. Đừng hà hiếp,
bóc lột người. Tất cả là luật công bình và bác ái. Và tất cả là
hướng về tha nhân một cách cụ thể.
Nhưng
người giầu có và luật sỹ thì không được Chúa Giêsu đối xử như
vậy. Ngài không giải thích về những hành động bác ái cụ thể mà
họ cần phải làm để chiếm hữu nước Trời, vì những người này đã
tự cho mình hiểu biết, nhưng thực sự lại không sống với điều mình
hiểu biết. Chưa sống thật với mình thì làm gì có khả năng để sống
với tha nhân. Không rộng lòng với tha nhân làm sao có thể mở rộng
lòng mình để đón nhận Ơn Cứu Độ.
Nhân
loại đang nô nức mong chờ ngày kỷ niệm Chúa giáng trần. Thật ra,
ngài đã giáng trần và đã đến với nhân loại hơn 2000 năm trước,
và Gioan cũng đã làm chứng về ngài. Nhưng chúng ta đã đón nhận
ngài vào cuộc đời mình như thế nào. Ánh sáng của ngài có chiếu
tỏa nổi qua cuộc đời và con người bằng xương thịt của chúng ta
đây để qua đó người khác có thể nhận biết và yêu mến Đức Kitô
không? Nếu không thì việc chuẩn bị, cũng như việc mừng kỷ niệm
ngài giáng trần hoàn toàn mang tính nhân loại, hình thức và vô
nghĩa. Nó sẽ làm cho biến cố Giáng Trần của Con Thiên Chúa thành
một lễ hội vui chơi, tưng bừng và náo nhiệt. Chúa Giêsu chẳng
được gì, và cũng chẳng ai nhìn ra ngài giữa những rộn ràng và
chuẩn bị tốn kém, cũng như giữa những hình thức đón tiếp mà chính
ngài cũng đã biết rằng nó không dành cho ngài. Trong đêm Giáng
Trần, Ngài vẫn trơ trọi một mình bên trong hang bò tanh hôi, lạnh
lẽo. Bên trong chiếc nôi bằng máng bò lừa ăn cỏ. Quanh ngài lại
cũng chỉ vài mục đồng nghèo khó và mấy con lừa, con chiên, con
bò vây quanh thở chút hơi ấm cho ngài giữa đêm trường rét mướt.
Và
chúng ta có cần phải hỏi Chúa hay hỏi Gioan câu: “Chúng
tôi phải làm gì” không?
T.s.
Trần Quang Huy Khanh
|