Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C
 
 


Yêu mến hơn những người khác


“Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến thầy hơn những người này không?” (Gioan 21:15).

Tại sao Chúa Giêsu không hỏi Phêrô: “Có yêu mến thầy không?” để cho ông dễ có câu trả lời, mà lại hỏi: “Có yêu mến thầy hơn những người này không?”

Để biết lý do tại sao, chúng ta cần phải nhìn lại toàn cảnh câu chuyện của Phêrô từ ngày bỏ chài lưới mà theo Chúa Giêsu cho đến khi ngài hỏi ông câu hỏi: “Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến thầy hơn những người này không?”(Gioan 21:15).

Theo Thánh Kinh thì Simon, sau này được Chúa Giêsu đổi tên cho là Phêrô, là một người nhiệt thành nhưng nóng nẩy và bộc trực. Ông đã sốt sắng và năng nổ bên Chúa mọi lúc. Ông đã thay mặt cho anh em trong nhóm 12 người theo Chúa lúc ban đầu trả lời ngài nhiều câu hỏi, và được ngài rất hài lòng. Thí dụ, khi ngài muốn biết các ông nghĩ gì về ngài, Phêrô đã nhanh nhẩu thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Matthêu 16:16), một câu trả lời khiến đến Chúa Giêsu cũng phải bỡ ngỡ. Vì theo ngài, xác thịt không thể nào biết được, ngoại trừ Chúa Cha trên trời mặc khải cho mới biết được. Hoặc khi, có những anh em muốn bỏ Chúa, thì ngài cũng thăm dò ý kiến của Phêrô. Những lúc đó, ông đã thẳng thắn trả lời ngay: “Bỏ thầy, chúng tôi đi với ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68). Rồi trong những lúc có những chuyện thử thách, trường hợp Chúa đến với các ông trên biển, trong khi mọi người sợ hãi, hốt hoảng, Phêrô đã mạnh dạn thưa với Chúa: “Nếu phải là thầy, thì cho tôi đi trên biển để đến với thầy” (Matthêu 14:28).

Với lòng sốt sắng, ông đã mạnh dạn can ngăn Chúa đừng đi chịu chết, và bị ngài quở trách gọi ông là quỷ: “Satan hãy lui ra” (Matthêu 16:23). Không hề buồn giận, và vì thế khi có dịp ông lại bày tỏ thái độ của mình với Chúa, như trường hợp ông đã đề nghị xin ở lại với Chúa trên núi giữa những vinh quan sáng láng của ngài.

Tuy thề hứa cùng chết với ngài, nhưng rồi cơn cám dỗ đến, cũng chính ông lại nhanh nhẩu chối không biết ngài.

Con người của Phêrô là như thế. Như một cuốn sách mở, với những trang chữ viết rõ ràng mà ai cũng có thể đọc được. Chính vì thế, mà ông đã được Chúa yêu thương.

“Anh yêu mến thầy hơn những người này không?” Cái làm cho Chúa Giêsu thương Phêrô hơn là tình yêu nóng nẩy và nhiệt tình của ông. Và cái làm cho Chúa Giêsu đôi lúc như “khó chịu” với ông cũng chính là tình yêu nóng nẩy và nhiệt tình của ông. Ông yêu Chúa, yêu thầy bằng với tất cả con tim, linh hồn, và thân xác: “Dù có phải liều mạng vì thầy” (Matthêu 14:31). Đó là lời ông đã từng tuyên bố. Nhiều khi tình yêu ấy đến chỗ ngây thơ, ngớ ngẩn: “Lậy thầy, được ở đây thì sướng lắm. Nếu thầy muốn tôi sẽ dựng ba lều, một cho thầy, một cho Êlia, và một cho Maisen” (Matthêu 17:4). Hoặc có lần ông đang mình trần thả lưới, nghe nói đó là Chúa, thì ôm quàng tấm áo nhẩy xuống biển để đến với ngài.

Nhưng tình yêu, dù là tình yêu nóng nẩy, bộc trực, và nhiệt thành như tình yêu của Phêrô cũng cần phải tôi luyện trong đau thương, thử thách, và ngay cả trong những thất bại, thống hối ăn năn. Nó cần phải được minh chứng một cách hết sức rõ ràng, cụ thể bằng hành động.

Chúa Giêsu nhìn thấy nơi ông, tính nhiệt thành, hăng say và lòng sốt sắng, nồng nàn do tình yêu đối với ngài. Nhưng về đường dài, Phêrô cũng cần phải cẩn trọng và bền bỉ hơn với tình yêu này, và vì thế ngài đã phải gạn hỏi ông đến 3 lần: “Anh có yêu mến thầy hơn những người này không?” (Gioan 21:15). Mến thầy thì chưa đủ, mà phải mến hơn mới đủ.

Chúa biết Phêrô yêu ngài. Nhưng Chúa cũng biết Phêrô yếu đuối, và vì thế những lời hứa trang trọng như thế sẽ có một âm hưởng cần thiết như một sự nhắc nhớ ông sau này về những điều mà chính ông đã thề hứa. Cũng như các cặp tình nhân khi mới gặp nhau, quen nhau và yêu nhau họ hứa hẹn đủ điều. Những lời hứa ấy thật nhiều và thật trang trọng, chân thành, nhưng rồi với thời gian, nó cứ rơi rụng đi dần dần và để rồi trong nhiều trường hợp, nó đã lịm tắt trong tim, trong lòng nhiều người. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu muốn Phêrô phải lặp lại tình yêu mến của ông đối với ngài.

Chúa thương Phêrô cũng như thương mọi người chúng ta. Và hôm nay, qua Phêrô, ngài cũng muốn hỏi mỗi người chúng ta một câu hỏi tương tự như đã hỏi Phêrô: “Duyệt! Con có yêu mến thầy hơn những người này không?” Hoặc: “Nhuệ! Con có yêu mến thầy hơn những người này không?” Hay: “Cẩm Tú! Con có yêu mến thầy hơn những người này không?” Và dĩ nhiên, là chúng ta thưa có. Nhưng rồi yêu mến hơn, tức là phải chứng minh bằng nhiều hơn trong những hy sinh, thách đố, và đau khổ.

Hơn ai? Đối với Phêrô là hơn những Tông Đồ khác. Hơn những người đang theo ngài lúc bấy giờ và sau này. Còn đối với chúng ta, hơn những người thân trong gia đình. Hơn những bạn hữu mà ta giao thiệp thường ngày. Hơn những người cùng sở, cùng giáo xứ. Để chi vậy. Không phải để so sánh và tự cho mình yêu Chúa hơn ai, nhưng đó chính là một hình ảnh chứng nhân cần thiết. Bởi vì chúng ta cần phải trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu. Không phải yêu hơn, mến hơn để được làm giáo hoàng như Phêrô, nhưng yêu hơn, mến hơn để Chúa được tôn vinh hơn, được nhiều người nhận biết và tôn thờ hơn. Và để chính chúng ta được cảm nhận cái tình yêu khôn tả từ trái tim rất yêu dấu của Chúa.

“Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến thầy hơn những người này không?” Chúa cũng đang muốn hỏi tôi, hỏi bạn, hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi tương tự. Phần chúng ta mỗi người hãy tìm câu trả lời cho ngài. Nhưng nên nhớ một điều, khi ta nói yêu và mến ngài, cũng là nói với ngài rằng, chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi đau thương, thử thách, và hy sinh. Và khi nói yêu mến hơn những người này, thì cũng có nghĩa là phải hy sinh, chịu khó, và chấp nhận hơn nếu Chúa muốn, để làm chứng nhân cho ngài trong chính cuộc đời mình.

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)