Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm C
 
 


Chỉ có một việc cần

 

Chúa Giêsu qua trích đoạn Tin Mừng của thánh Luca đã dùng một hình ảnh và lối so sánh rất tâm lý để dẫn chúng ta đi tìm cho mình một ý nghĩa thật của cuộc đời. Ngài muốn chúng ta hãy chọn cho mình những việc làm có giá trị thật, xứng với ơn gọi, tư cách, nhân vị, và phẩm giá của con người.

Trong đời sống thường ngày, chúng ta có biết bao nhiêu là việc cần. Những việc cần ấy thường là đi liền với nhu cầu của cuộc sống như nhu cầu thể lý, nhu cầu tâm lý và nhu cầu tâm linh. Tùy vào tầm nhìn, hiểu biết và phán đoán về mình, về cuộc đời mà những nhu cầu ấy trở thành quan thiết đến đâu. Nhưng theo Chúa Giêsu, thì chỉ có một sự cần. Ngài đã nói điều này với chúng ta qua Máttha: “Chỉ có một sự cần mà thôi” (Luca 10:42). Vậy sự cần ấy là gì?

Cần gì?

Để biết xem sự cần mà Chúa Giêsu đề cập đến ở đây là gì, chúng ta hãy đọc kỹ bài tường thuật của thánh sử Luca về cuộc tiếp đón mà chị em Máttha và Maria đã dành cho ngài. Trong lúc Máttha lăng xăng, lo lắng tiếp đón Chúa và các tông đồ, thì ngược lại, Maria lại ngồi không và không làm gì. Thánh Luca ghi: “Bà có người em tên là Maria, ngồi dưới chân Chúa và nghe lời ngài” (Luca 10:39).

Nhưng xét kỹ chúng ta mới thấy rằng không phải chỉ có Máttha mà cả Maria đều nồng nàn, tha thiết, và vui mừng được đón tiếp Chúa. Một đàng chuẩn bị cho Chúa bữa ăn thể xác, và một đàng đem lại cho Chúa một bữa ăn tinh thần. Theo đó, thì điều mà Maria làm là đem lại cho Chúa niềm vui khi ngồi nghe Chúa nói, và nói với Chúa. Và đối với ngài, thì bữa ăn tinh thần này quý hơn bữa ăn thể xác, vì thế, khi nghe Máttha càm ràm, khó chịu, ngài đã nói với bà: “Maria đã chọn phần nhất mà không ai có thể lấy đi được" (Luca 10:42).

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng những lo toan thuộc nhu cầu vật chất tuy cần thiết nhưng không bằng những lo toan thuộc nhu cầu tâm linh. Nếu đem so sánh giữa ba nhu cầu, thể xác, tâm lý, và tâm linh, nhu cầu tâm linh có vị trí cao nhất và cần thiết nhất, tiếp đến là nhu cầu tâm lý và sau cùng mới là nhu cầu thể lý là những lo toan, vất vả, thuộc về cuộc sống tự nhiên, thuộc về thế giới vật chất này. Đó cũng là lý do tại sao Chúa đã bênh cho Maria khi ngài nói: “Maria đã chọn phần nhất”, và còn hơn thế “không ai có thể cướp mất được”.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không hài lòng với Chúa về chọn lựa này, cũng như về lời khen mà ngài dành cho Maria. Và cũng có thể nhiều người trong chúng ta cho rằng khi khen Maria như thế, Chúa đã ngầm trách Máttha. Nhưng không phải thế, vì tuy khen Maria, nhưng ngài không phủ nhận sự khó nhọc và lo lắng của Máttha: “Máttha, con lo lắng nhiều chuyện quá” (Luca 10: 41). Lo lắng, băn khoăn tiếp khách để rồi trở thành bẳn gắt, khó chịu thì không những làm khách mất vui, mà còn làm cho khách thêm nghĩ ngợi nữa. Một hình thức nào đó, thái độ trách móc ấy cũng là một lời từ chối khéo, đuổi khéo khách. Riêng trong trường hợp của Máttha, không ai lại có thể nghĩ rằng bà đối xử với Chúa thiếu tế nhị và lạt lẽo như thế. Và khi Chúa Giêsu nói với Máttha về sự lo lắng, băn khoăn ấy, ngài hiểu được tâm hồn của bà, ngài không mất vui vì những lời càm ràm của bà, mà vì ngài thấy bà không được vui. Và đó là lý do mà Chúa đã khen Maria.

Cần nhất

Chỉ có một việc cần. Việc cần ấy nằm trong lãnh vực tâm linh và thuộc về đời sống tâm linh. Nhưng việc cần nhất trong đời sống tâm linh, vẫn theo Chúa Giêsu là việc con người có thể hiểu được ngài, và để ngài đi vào cuộc sống của mỗi người. Maria đã làm việc này khi bà ngồi dưới chân Chúa nghe và chia sẻ tâm sự với ngài.

Trong tâm lý thường tình, khi hai người yêu nhau và mến nhau, ít khi họ đặt nặng những đòi hỏi và nhu cầu vật chất. Nhưng ngược lại, thiếu sự hiểu biết, thông cảm và chia sẻ với nhau về đời sống tâm lý, tình cảm, và tâm linh mới là một thiếu sót không thể tha thứ và chấp nhận được. Những cuộc tình đổ bể, những cuộc hôn nhân đưa đến chia rẽ, ly dị thường không do những khía cạnh thể lý nhiều, mà là do vấn đề tâm lý. Điều mà chúng ta ngày nay gọi là thiếu thông cảm, và từ thiếu thông cảm dẫn đến sự tê liệt và cạn kiệt tình yêu.

Sự mật thiết dẫn đến hiểu biết và hoàn toàn chia sẻ được với nhau như Maria và Chúa Giêsu hôm nay là điều không những Chúa vui thích, mà còn đem lại lợi ích cho chính cuộc sống tâm linh của con người nữa.

Làm sao chúng ta có thể làm cho Chúa vui khi không biết ngài muốn gì nơi chúng ta? Nhưng làm sao biết được Chúa muốn gì, nếu không nghe ngài nói? Và làm sao nghe được ngài nói gì, khi không có thời giờ, gần gũi, và tâm sự với ngài. Tóm lại, gần gũi đem đến thân mật, thân mật đem lại cảm tình tốt đẹp, và cảm tình tốt đẹp nẩy nở tình yêu. Và chỉ tình yêu mới đem lại hạnh phúc cho cả hai.

"Chỉ có một việc cần”. Đó là hiểu và yêu được Chúa. Nhưng để hiểu và yêu Chúa, con người phải biết đón mời ngài vào nhà tâm hồn mình như chị em Máttha và Maria đã làm. Phải ngồi dưới chân ngài, nghe lời ngài, và tâm sự với ngài. Nói theo tiếng nói của tu đức là kết hợp và cầu nguyện. Đây là điều mà không ai có thể lấy đi được. Chúng ta cầu nguyện được mọi nơi, mọi chỗ, và trong mọi cảnh ngộ. Dù độc tài, dù dã man như Cộng Sản cũng không cấm được ta cầu nguyện.

Maria đã chọn phần nhất

Nhưng không phải cầu nguyện suông. Mà cầu nguyện là để kín mục sức mạnh, tình yêu và nghị lực để đi vào đời. Để sẵn sàng phục vụ. Cầu nguyện như thế và phục vụ như vậy mới là điều mà Chúa Giêsu cho là nhất, là cần, và không ai có thể lấy đi được.

Tóm lại, ngồi và nghe Chúa nói dù được coi là việc làm cần, nhưng nó phải được hiểu theo một ý nghĩa tích cực. Một hành động mà theo các nhà tu đức cho rằng đó là một sự kết hợp mật thiết giữa Thiên Chúa và linh hồn. Ngồi và nghe Chúa chính là hành động tâm nguyện mà mỗi Kitô hữu sử dụng khi cầu nguyện. Một hình thức kết hợp với Chúa Giêsu, mang tính cách nội tâm, để rồi sau khi đầy Chúa Giêsu, chúng ta tràn phần dư cho các linh hồn. Hiểu Chúa, yêu Chúa và làm cho Chúa được yêu mến đó là việc làm cần thiết và cao cả nhất.

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)