|
HÃY MỞ CỬA RA!
Cùng Hội Thánh, chúng
ta kính thờ mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ngôi thứ Ba là Chúa Thánh
Thần. Đã từng được nghe giảng dạy về vai trò quan trọng của Chúa
Thánh Thần sau khi Chúa Kitô về trời, chúng ta cũng đã được học
hỏi về Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con
mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và quyền năng
như hai Ngôi cực trọng ấy. Chúng ta còn biết các hình ảnh chỉ
về Người như là gió, mây, nước, lữa, chim bồ câu…, rồi Người có
các danh xưng là “Đấng ban sự sống”,
là “Thần Chân lý”, “Đấng
bào chữa”…(x. GLCG chung số 683- 701). Có vị lại ví
Chúa Thánh Thần như Đấng dấu mặt. Người ta chỉ thấy hiệu quả tác
động của Người chứ nào đâu thấy Người như Đức Kitô vì đã nhập
thể làm người.
Nói
đến hoa quả của Chúa Thánh Thần thì thật khôn xiết. Người là Thần
Chân lý nên Người dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Người là
nguồn tình yêu nên Người đưa chúng ta vào biển cả bác ái bao la.
Người là nguyên lý của sự hiệp nhất nên Người làm cho chúng ta
nên một trong Chúa Kitô. Người là ngọn lửa nên Người đổi mới chúng
ta từ trong ra ngoài. Người là nguồn bình an nên Người đưa chúng
ta vào sự an bình đích thức, một sự bình an không như thế gian
ban tặng…
Chúa
Thánh Thần đã được trao ban. Người đã được trao ban cho nhân loại
từ Trái Tim cực thánh bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá
(x.Ga 19,31-37). Người được trao ban cho các Tông đồ, các môn
đệ khi Chúa Kitô phục sinh hiện ra: “Các
con hãy lãnh nhận Thánh Thần” (Ga 20,22). Người đã
hiện xuống trên các Tông đồ và nhiểu người ngày Lễ Ngũ tuần dưới
hình lưỡi lửa (Cv 2,1-11). Chúa Thánh Thần đã được trao ban, nhưng
vấn đề đặt ra là chúng ta có nhận được Người chưa? Và bằng cách
thế nào để ta đón nhận Chúa Thánh Thần?
Chúng
ta đã nhận được hồng ân Thánh Thần chưa? Câu trả lời
xem ra không dễ. Cứ xem quả thì biết cây. Mặc dù trong đức tin,
chúng ta tin nhận khi ta chịu Bí tích Thánh tẩy là ta đã nhận
được hồng ân Thánh Thần. Khi ta chịu Bí tích Thêm Sức, khi ta
lãnh nhận các bí tích khác như Truyền Chức Thánh, Hôn phối…, là
ta đã lãnh nhận hồn ân Thánh Thần. Thế nhưng hoa trái của Thánh
Thần như Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Galata 5,22-23
là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn
nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”
đã thực sự có nơi đời sống chúng ta thế nào thì thật khó trả lời.
Cũng thật khó trả lời rằng ta đã đến cùng chân lý vẹn toàn, đã
hiệp nhất nên một, đã đổi mới từ trong ra ngoài…
Một
sự thật không riêng gì ở các xứ mà tôi đang phụ trách, đó là nhiều
em thiếu niên trước khi chịu Bí tích Thêm Sức thì rất chuyên chăm
học giáo lý, tham dự Thánh Lễ, làm các việc tông đồ mà các anh
chị giáo lý viên đề ra. Thế nhưng sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm
Sức, một Bí tích mà qua đó các em lãnh nhận hồng ân Thánh Thần
cách đặc biệt, thì dường như có phần đi xuống, nếu xét hình thức
bên ngoài. Cũng có thể giải thích rằng do tâm lý tuổi mới lớn
có nhiều cung cách hành xử không như ý những người có trách nhiệm.
Tuy nhiên dưới con mắt nhân loại, để nhận ra những thay đổi nơi
các em theo hướng tích cực thì quả là khó thấy và nhiều khi lại
có phần theo hướng ngược lại. Dù vậy không ai dám to gan nói rằng
các em là chưa nhận lãnh hồng ân Thánh Thần!
Chúa
Thánh Thần đã được trao ban cho nhân loại. Xưa, thánh Phêrô đã
từng kinh ngạc khi Thánh Thần cũng đã đổ xuống trên những người
chưa chịu Bí Tích Thánh Tẩy. “Những
người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có
thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?”
(Cv 10,47 ). Vấn đề quan trọng là làm sao để có thể nhận lãnh
hồng ân Thánh Thần. Xin được đề nghị một trong những cách thế
để ta có thể đón nhận hồng ân Thánh Thần đó làhãy mở cửa ra.
Ngày
Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ, Người đã trao ban
Thánh Thần cho các ngài thế mà dường như các ngài vẫn chưa nhận
được. Có thể có nhiều lý do nhưng ta có thể chân nhận một trong
những lý do, đó là “cửa vẫn đóng kín”.
Cánh cửa vật chất của căn nhà là hình ảnh của cách cửa tâm hồn
các ngài. Tâm hồn các tông đồ vẫn còn vương vẫn chuyện Thầy sẽ
khôi phục nước Israel (x.Cv 1,6 ). Tâm hồn các ngài còn lo âu
sợ hãi trước các thế lực bên ngoài. Đến ngày Lễ Ngũ tuần, gió
đã ùa vào đầy cả căn nhà chứng tỏ các cánh cửa đã rộng mở (x.
Cv 2,1-2 ). Cánh cửa tâm hồn các tông đồ và những người có mặt
hôm ấy cũng đã mở rộng.
Người
ta nhìn nhận Công đồng Vatican II như là một cuộc Hiện xuống lần
thứ hai cho Hội Thánh Chúa. Khi được hỏi Công Đồng là gì? Đức
cố Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mở cách cửa sổ căn phòng của Ngài
và nói: Công Đồng là thế đó. Mở cửa
để đón nhận hồng ân Thánh Thần. Hãy mở cửa ra ! Một đòi hỏi dường
như mang tính tất yếu để có thể đón nhận hồn ân Thánh Thần.
Mở
cửa ra để tha nhân, để thế giới nhận rõ, biết rõ con người ta,
tập thể ta, Hội thánh ta. Mở cửa ra
là một thái độ thẳng thắn chân thành trong sự khiêm hạ. Người
có thể thấy được những mặt tốt và cả những mặt xấu xa tồi tệ của
mình. Người ta có thể biết được sự thánh thiện và cả tôi lỗi của
ta. Mở cửa ra là một động thái can đảm sống trong sự thật. Dù
rằng không một ai có thể che dấu Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi
bí ẩn tâm can, nhưng chúng ta lại có thể che mắt thiên hạ những
gì chúng ta muốn che dấu bằng cách này bằng cách khác, với lý
do này với lý do khác, có khi là rất hữu lý và hợp tình theo nghĩ
suy nhân trần. Thế nhưng, đã không can đảm sống trong sự thật
thì e rằng khó mà nhận được Đấng là Thần Chân Lý.
Mở
cửa ra để hiệp thông với tha nhân, với nhân loại trên thế gian
này, một thế gian mà Thiên Chúa đã yêu thương đến
nỗi đa hiến ban chính Con Một (x. Ga 3,16 ), một thế gian mà Đức
Kitô đã tự hiến dâng chính xác thịt mình để cho nó được sống (x.Ga
6,51 ). Có sự hiệp thông thì sẽ có sự liên đới, tương ái tương
thân. Sự hiệp thông thúc giục ta sống liên đới với nhau, với thế
gian này cả trong công nghiệp lẫn trong tội lỗi. Đức bác ái đang
chớm nở. Và chúng ta sẽ nhận được Thánh Thần là nguồn tình yêu,
nguồn hiệp nhất.
Mở
cửa ra để đón nhận tha nhân, đón nhận thế giới cho
dù là bất đồng chính kiến hay quan niệm, bất đồng về niềm tin
hay cung cách hành xử.
Thánh Thần đã được trao ban với Trái Tim mở ra của Chúa Giêsu.
Trái Tim cực thánh của Người mở ra đón nhận Mẹ dấu yêu, người
môn đệ yêu dấu… và cả những người lý hình đang sỉ nhục Người.
Đón nhận không phải là chấp nhận tất cả bất kể tốt xấu, nhưng
là để thánh hóa và thăng hoa. Thành quả của Công đồng Vatican
II là một minh chứng cho sự mở cửa đón nhận này. Chính những vị
trước đây đã bị loại trừ cách này cách khác như Yve Congar, Chenu...,
đã được đón nhận cách chân thành. Và hoa trái Thánh Thần đã tỏ
hiện.
Hãy
mở cửa ra là hãy mở tâm hồn ra, mở vòng tay ra.
Sống trong sự khiêm tốn chân thành, sẵn sàng đối diện với sự thật,
sống trong sự hiệp thông liên đới với mọi người, sống trong tình
thân ái, bao dung đón nhận nhau, chính là cách thế để đón nhận
hồng ân Thánh Thần cách hữu hiệu. Tác giả sách Khải Huyền viết:
Thánh Thần và Tân nương là Hội Thánh
cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20 ).
Có lẽ ta đừng xin: “Lạy Chúa Thánh Thần,
xin hãy đến!”, nhưng hãy xin: “Xin
cho con, cho chúng con, cho Hội Thánh biết mở cửa ra!”
Lm.
Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
|
|