|
Cầu
nguyện, cầu xin
Đọc bài Tin Mừng, chúng
ta dễ dàng nhận ra đề tài Chúa Giêsu dạy là vấn đề cầu nguyện,
đây cũng là điều chúng ta tìm hiểu. Trước hết là một hình ảnh,
muốn đi từ bên đây sang bên kia sông, chúng ta phải qua một chiếc
cầu, cầu là phương tiện nối hai bờ sông lại, sông càng lớn, cầu
càng phải chắc và dài. Nếu bắc một chiếc cầu dài và chắc qua một
con sông lớn, chắc chắn sẽ phải tốn phí rất nhiều, thí dụ như
cầu Sài Gòn hay cầu Mỹ Thuận, vì hai bờ quá xa nhau. Cũng vậy,
giữa con người với Thiên Chúa cũng có một khoảng xa phân cách,
khoảng phân cách đó rộng hơn hai bờ bể xa hút ngàn trùng. Để đến
với Chúa, con người cũng phải đi trên một chiếc cầu, chiếc cầu
ấy mỗi người có thể tự bắc lấy, không tốn kém gì, không phải là
cầu gỗ, cầu sắt hay cầu bê tông, nhưng là cầu nguyện, chiếc cầu
làm bằng kinh nguyện. Đây là một việc không xa lạ gì đối với chúng
ta, nhưng vì quá quen thuộc mà đôi khi chúng ta cần xem xét lại,
kẻo nó trở thành việc máy móc, hoặc khi làm khi bỏ.
Chúng
ta đều biết cầu nguyện là gặp gỡ thân mật với Chúa. Gặp gỡ ai
là đầu tiên phải thấy người đó, gặp Chúa là nhìn thấy Chúa, không
phải bằng mắt xác thịt nhưng bằng mắt linh hồn, mắt đức tin. Nhìn
thấy Chúa ở đâu? Ở khắp nơi, nhưng cách riêng ở ba nơi sau: trên
trời, phép Mình Thánh và trong chúng ta. Nhìn lên trời để cầu
nguyện, đó là cử chỉ rất quen thuộc của Chúa Giêsu, nhìn lên trời,
đó là thái độ hướng lòng lên Chúa. Nhìn vào phép Thánh Thể để
cầu nguyện, đó là cử chỉ của chúng ta khi vào nhà thờ, vì dưới
hình bánh trong nhà tạm có thực chính Chúa Giêsu. Thu lòng trí
trở vào chính mình, chúng ta cũng sẽ tìm thấy Chúa, vì Chúa thích
ngự đó hơn ở trong bình vàng để trong nhà tạm. Tóm lại, Chúa ở
trên trời, Chúa ở nhà tạm, Chúa ở lòng chúng ta, đâu đâu Chúa
cũng nhìn chúng ta, cũng đợi chúng ta, nhưng nếu chúng ta không
nhìn lại, thì không bao giờ có sự gặp gỡ giữa đôi bên.
Nhưng
gặp gỡ thân mật để làm gì? Để nói chuyện với Chúa, nói chuyện
thì phải dùng lời : lời nói trên môi hay lời nói âm thầm trong
lòng trí. Đối với Chúa, chúng ta có thể dùng cả hai cách, vì Chúa
thấu suốt tận đáy tâm hồn. Nhưng chúng ta sẽ nói gì với Chúa?
Chúng ta có gì, chúng ta muốn gì, chúng ta là ai, tâm hồn chúng
ta thế nào, thì chúng ta cứ nói với Chúa như vậy. Nói về dĩ vãng,
hiện tại, tương lai, nói về mình, về người khác, về Chúa… bộc
lộ cả những âu lo, những niềm vui, những điều sầu muộn… giãi bày
lòng mình với Chúa. Tất cả hãy tâm sự với Chúa, tâm sự tất cả
với tấm lòng trên môi miệng, nói như con nói với cha, như kẻ thiếu
thốn nói với người giàu có. Tâm sự như thế là một việc tin yêu
: tin ở sự có mặt của Chúa đang nhìn chúng ta, nghe chúng ta và
sẵn lòng đón nhận chúng ta. Tin nhận sự yếu hèn tội lỗi của mình,
tin ở quyền năng và tình thương bao la của Chúa, tin ở sự khôn
ngoan vô cùng của Chúa luôn biết sự gì tốt cho chúng ta. Cầu nguyện
là như thế.
Chúng
ta có thể cầu nguyện không? Nói không thể cầu nguyện được, là
vì sao? Phải chăng vì không có thời giờ? Mỗi ngày có 24 giờ, tức
1440 phút, trong đó chúng ta có giờ ngủ, giờ ăn, giờ làm việc,
giờ giải trí, có giờ để nói với người trong nhà, trong nơi làm
việc, ngoài đường, nhỏ nhặt như việc xỉa răng cũng có thời giờ
: sáng hai phút, trưa hai phút, tối hai phút, là sáu phút. Chỉ
có việc cầu nguyện thì không có thời giờ. Như thế Chúa là một
kẻ ăn xin sao? như thể cầu nguyện là một việc bố thí cho Chúa,
dư giờ và tiện thì làm, không có giờ thì làm ngơ, thái độ đó có
xứng đáng cho một người chịu ơn Chúa, gọi Chúa là cha, là Chúa,
do Chúa sinh ra, và một ngày kia trở về với Chúa không? Không
cần trả lời, ai cũng quá biết.
Có
người lại chữa mình rằng: không thể cầu nguyện, vì không thể đi
nhà thờ được, hay vì không thuộc kinh. Những lý do đó không đứng
vững, nếu người ta hiểu cầu nguyện là gì như đã nói ở trên. Chúa
ở trong nhà tạm, nhưng cũng ở trên trời và ở trong lòng ta, ở
bên ta. Như thế, cầu nguyện ở đâu cũng được, ở đâu cũng có thể
cầu nguện được. Đàng khác, cầu nguyện không lệ thuộc vào kinh,
kinh in trong sách, kinh đọc nơi chung rất ích lợi để gợi ý gợi
tình, giúp trí lòng chúng ta dễ cầu nguyện. Nên nhớ chỉ giúp cầu
nguyện mà thôi, chứ không làm nên sự cầu nguyện. Sự làm nên việc
cầu nguyện phát xuất tự lòng chúng ta. Gặp và nói chuyện với Chúa,
đó là cầu nguyện : nói như con nói với cha, như bạn thân nói với
kẻ mình thương yêu tin tưởng. Dễ như thế thì ai cũng có thể cầu
nguyện được.
Nói
rõ hơn, về cầu nguyện, chúng ta hãy nhớ hai điều: Thứ
nhất, chúng ta đừng bao giờ coi cầu nguyện một số lúc nào đó là
đủ, đừng nghĩ chỉ khi nào đến nhà thờ mới là cầu nguyện.
Chúng ta đang ở nhà và đang làm việc vất vả ư? Hãy hướng tâm hồn
lên với Chúa, hãy ngước mắt nhìn Ngài, như thế cũng đã là cầu
nguyện rồi. Chúng ta đang đi đường ư? Hãy cùng đi với Chúa. Chúng
ta đang vui ư? Hãy vui với Chúa. Chúng ta đang buồn khổ hay đang
gặp khó khăn ư? Hãy trình bày với Chúa… Nói chung, trong mọi môi
trường, mọi hoàn cảnh, mọi việc làm… chúng ta đều có thể cầu nguyện.
Một
điều quan trọng nữa, là những điều chúng
ta cầu xin Chúa, dù được hay không được, đó là quyền của Chúa,
đó là ý Chúa. Chúng ta cho rằng những điều chúng ta
cầu xin là tốt đẹp, là cần thiết, chúng ta muốn Chúa nhận lời
hay ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta có khôn ngoan và hiểu biết
bằng Chúa không? Chúng ta phải tin rằng Chúa nhìn xa trông rộng,
thông minh vô cùng, Ngài biết những gì tốt và cần cho chúng ta,
do đó, nếu vì thương, Chúa đáp ứng lời chúng ta cầu xin , thì
trái lại, cũng vì thương mà nhiều khi Ngài từ chối. Cả hai trường
hợp, chúng ta đều phải xin vâng và cảm tạ Ngài.
Tóm
lại, cầu nguyện là việc rất cần, nhưng cũng là việc rất dễ, ai
cũng có thể làm được và cần làm thường xuyên, cho cả đời chúng
ta thành một lời cầu nguyện liên lỉ, một cuộc sống thân mật với
Chúa mỗi ngày, nhờ đó, như chiếc cầu linh thiêng, chúng ta đến
với Chúa, gặp gỡ Chúa, tâm tình, tâm sự với Chúa.
Giacôbê
Phạm Văn Phượng op
|
|