January 22, 2016

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 1: 1-4; 4: 14-21)

 

XỨC DÂU
Khởi công chép lại hành trình,
Biết bao biến cố, ánh minh cao vời.
Giê-su Chúa Cả mọi thời,
Hạ thân giáng thế, làm người như ta.
Rao truyền khắp chốn gần xa,
Tin mừng cứu rỗi, mưa sa ơn trời.
Khắp miền danh tiếng rạng ngời,
Giê-su từ ái, đôi lời bảo ban.
Trở về quê cũ yên hàn,
Nơi thành sinh trưởng, sẻ san đôi điều.
Đọc lời sách Thánh cao siêu,
Xức Dầu linh ứng, thiên triều giáng ân
Thánh Thần ân sủng biện phân,
Tin vui rao giảng, thế nhân mong chờ.
Ăn năn sám hối hưởng nhờ,
Giam cầm giải thoát, bóng mờ xóa tan.
Mù què rạng sáng ủi an,
Tù đầy áp bức, than van giãi bày.
Hồng ân Năm Thánh lạ thay,
Mọi điều ứng nghiệm, nơi Thầy chí nhân.

Theo thói quen vào ngày lễ nghỉ, Chúa Giêsu vào Hội Đường để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Hôm nay, người ta trao cho Ngài sách tiên tri Isaia, Ngài mở sách và đọc: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi. Với thái độ khiêm nhu, Chúa đã đọc xong, gấp sách lại và ngồi xuống. Mọi người chăm chú nhìn Ngài. Chúa Giêsu nói với họ: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe. Chúa không tự giới thiệu mình hay tự tìm cho mình một chỗ đứng. Có các tiên tri và lời Kinh Thánh làm chứng cho Ngài.

Chúa Giêsu không xuất hiện như một Thiên Chúa cao sang hay ở xa cách trên không. Chúa hạ thân làm người và mang thân phận con người để gần gũi chúng ta nhưng chúng ta lại khó chấp nhận Ngài. Chúng ta biết chương trình cứu độ nhân loại trải qua hằng ngàn năm. Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ và chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận ơn cứu rỗi. Thiên Chúa đã chọn một dân riêng là dân Do Thái. Thiên Chúa đã dẫn dắt, hướng dẫn dân riêng từng bước trải qua biết bao dòng dõi. Chúa sai gởi các tiên tri để loan báo ngày giờ Đấng Cứu Thế đến và khơi dậy niềm hy vọng cứu độ.

Thời giờ đã mãn, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài đến để hoàn tất mọi sự mà các tiên tri đã loan báo về Ngài. Kinh Thánh đã diễn tả về Đấng Được Xức Dầu như sau: Ngài sẽ rao giảng tin mừng, chữa tâm hồn sám hối, giải thoát kẻ bị giam cầm, người mù được thấy và công bố năm hồng ân. Chúa Giêsu đã ra đi rao giảng tin mừng cứu độ và đã chữa lành bệnh tật cả hồn cả xác. Chúa khai mở năm hồng ân giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của ma qủi.

Chúa Giêsu đến mang ơn cứu độ. Sứ mệnh của Chúa là tìm kiếm chiên lạc trở về. Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi chứ không phải người công chính. Truyện cổ kể rằng có một ông bị lạc khi du hành vào vùng cát xoáy. Khổng Tử đi qua thấy ông, thì nói: Rõ ràng ông phải xa tránh những chỗ như thế. Phật Quan Âm quan sát và nói với ông: Để sự khó khăn của ông nên như bài học cho mọi người. Mahômét cũng trông thấy liền nói: Ô, đó là ý Đấng Allah. Chúa Giêsu đi ngang qua thấy thế đã nói với ông: Cầm lấy tay cha, Cha sẽ cứu con.

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi lời tiên tri  đã loan báo về Ngài. Ngài đã đến cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Lời của Ngài và các phép lạ Ngài làm là dấu chỉ ơn cứu độ đang ở giữa chúng ta. Hãy tin tưởng vào Chúa, hãy nắm lấy tay Chúa, Chúa sẽ cứu chúng ta.

 

 

THỨ HAI, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
(Mc 3, 22-30).
TRỪ QUỶ
Cạnh tranh Luật Sĩ tà ngôn,
Phê bình chỉ trích, tiếng đồn vang xa.
Chúa dùng quyền phép xua tà,
Nhiều người chứng kiến, ngợi ca tuyệt vời.
Luật sư ngược ngạo đôi lời,
Quỷ Bel-giê-bút, ám đời ông kia.
Chúa truyền ra lệnh phải lìa,
Qủi ma xuất khỏi, rẽ chia tan đàn.
Uy quyền phép lạ phá tan,
Đuổi ma xua quỉ, ban tràn ân thiêng.
Giê-su nhân ái dịu hiền,
Thân tâm chữa trị, thiêng liêng phần hồn.
Chớ đừng phạm thượng lộng ngôn,
Thánh Thần Thiên Chúa, túi khôn vũ hoàn.
Cầu xin thứ lỗi bất toàn,
Sấp mình thờ phượng, khôn ngoan sống đời.

 

THỨ BA, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
(Mc 3, 31-35).
MẸ THẦY
Thân nhân thăm viếng gặp Thầy,
Bà con lối xóm, Mẹ thầy cũng qua.
Sai người nhắn gởi Chúa ra,
Đôi người kháo láo, các bà đợi trông.
Chúa nhìn vào giữa đám đông,
Thực hành thánh ý, hợp thông gia đình.
Anh em với mẹ kết tình,
Ai mà nghe Chúa, trổ sinh phúc lành.
Gia đình mở rộng thành danh,
Kết đoàn dân Chúa, thực hành ý Cha.
Tình thương chan chứa bao la,
Thành phần thân thể, Chúa là đầu tiên.
Dẫn đường hướng tới cõi thiên,
Ban muôn phúc lộc, người hiền kẻ ngay.
Gia đình Giáo Hội hôm nay,
Bao người tín hữu, cơ may dự phần.

 

THỨ TƯ, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
(Mc 4, 1-20).
GIEO GIỐNG
Dụ ngôn gieo giống Nước Trời,
Người gieo hạt giống, giữa nơi cánh đồng.
Vệ đường rơi hạt uổng công,
Chim trời tha mất, còn trông mong gì.
Hạt rơi đất sỏi đường đi,
Mặt trời thiêu cháy, có chi trông chờ.
Bụi gai rơi hạt bên bờ,
Um tùm chết ngạt, vật vờ héo khô.
Hạt gieo đất tốt bên hồ,
Phì nhiêu mầu mỡ, nước vô nẩy mầm.
Sinh hoa kết qủa âm thầm,
Trĩu cây nặng hạt, đầy mâm trái vàng.
Truyền rao Lời Chúa xóm làng,
Thành tâm đón nhận, sinh ngàn hạt châu.
Lòng thanh tâm sạch ruộng dâu,
Sinh xôi nẩy nở, muôn mầu tốt tươi.

 

THỨ NĂM, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
(Mc 4, 21-25).
ÁNH SÁNG
Thắp đèn trên giá bục cao,
Soi chung khắp chốn, dạt dào thấu xuyên,
Ánh đèn chiếu tỏa tinh tuyền,
Rạng soi muôn lối, lời khuyên mỗi ngày.
Chẳng gì dấu kín hôm nay,
Mai sau rạng sáng, làm lay lòng người.
Đong đầy đấu ấy vui cười,
Đong qua đong lại, gấp mười gấp trăm.
Lắng nghe lời Chúa chuyên chăm,
Phát sinh ân lộc, ngàn năm phúc lành.
Giầu sang phú quí công thành,
Gia tài đã có, Chúa dành thêm cho.
Rộng tay ban phát tự do,
Càng cho càng có, đừng lo thiếu gì.
Sống đời keo kiệt làm chi,
Đại tâm rộng lượng, từ bi với người.

 

THỨ SÁU, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
(Mc 4, 26-34).
HẠT GIỐNG
Nước Trời ví tựa hạt gieo,
Ngủ đêm hay thức, mầm neo đất mềm.
Nở chồi sinh lá nhiều thêm,
Sinh hoa kết qủa, cả đêm lẫn ngày.
Hạt mầm bé nhỏ hôm nay,
Ngày mai gieo xuống, ai hay biết gì.
Đâm bông kết hạt đúng thì,
Nhà nông chăm chỉ, cũng tùy nhân duyên.
Quan phòng Tạo Hóa căn nguyên,
Môi trường phát triển, lưu truyền giống theo.
Nước Trời hạt cải bé teo,
Môn đồ nhóm nhỏ, đói nghèo khó khăn.
Dẫu rằng bắt bớ cản ngăn,
Chứng nhân sự thật, rạng danh cõi đời.
Cánh đồng truyền giáo khắp nơi,
Mở mang đạo giáo, gọi mời dấn thân.

 

THỨ BẢY, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
(Mc 4, 35-40).
SÓNG BIỂN
Biển hồ sóng vỗ mênh mang,
Thuyền con rời chỗ, ghé sang bến này.
Đêm đen bão nổi cuốn quay,
Tông đồ gắng sức, loay hoay chống chèo.
Bập bềnh sóng nước ngập theo,
Thưa Thầy thức dậy, thả neo cứu người.
Chúa còn say ngủ nghỉ ngơi,
Mấy người ngư phủ, ngỏ lời xin thương.
Giê-su quyền phép tỏ tường,
Biển im gió lặng, mở đường tin yêu.
Quyền năng tuyệt đối cao siêu,
Vũ hoàn vâng lệnh, mọi điều phán ra.
Môn đồ kinh hãi kêu la,
Lạy Thầy cao trọng, ngợi ca danh Ngài.
Đức tin yếu kém van nài,
Xin Thầy củng cố, miệt mài vững tâm.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.

Ơn Hòa Giải
Lòng Thương Xót

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích các chìa khóa biểu tượng của Năm Thánh Lòng Thương Xót là bước qua Cửa Thánh và xưng thú tội lỗi. Bước qua Cửa Thánh là bày tỏ niềm tin vào Chúa Kitô và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải là trải nghiệm trực tiếp lòng thương xót của Chúa.
Bước qua Cửa Thánh của Lòng Thương Xót trong Năm Thánh, chúng ta bày tỏ ước ao bước vào sự sâu thẳm của mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chính Ngài là cửa dẫn tới sự sống đời đời. Ngài là cửa của ơn cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta, qua sự hối cải trở về, hãy mở lòng của chúng ta cho tình yêu chân thành hơn với Chúa và tha nhân.

Dấu chỉ ân sủng đặc biệt của Năm Thánh Lòng Thương Xót là Bí Tích Hòa Giải, nơi đó Chúa Kitô mời gọi chúng ta nhận biết về tội lỗi của mình và cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa. Chúng ta sẽ nhận lãnh ân sủng để giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Mỗi người chúng ta có thể thi hành việc bác ái, cảm thương và tha thứ, đây chính là dấu chỉ uy quyền tình yêu của Thiên Chúa để canh tân tâm hồn, mang lại sự hòa giải và bình an.

Truyện kể: Có một lần Chúa Giêsu hiện ra với cha Giovani và tỏ lòng yêu thương giáo xứ của ngài vì có rất nhiều người làm đẹp lòng Chúa. Cha Giovani liền thưa với Chúa: Lạy Chúa, đó là những lời chúc tụng ngợi khen Chúa ư? Chúa Giêsu lắc đầu. Cha Giovani mới nói tiếp: A, con biết họ dâng những lời cảm tạ, tri ân và ca khen Chúa phải không? Cũng không đúng. Cha sở Giovani nói tiếp: Hay là những lời cầu xin tựa dựa ân phước này nọ? Chúa Giêsu lắc đầu và nói: Con đoán sai cả rồi, lời nguyện mà giáo dân của con đã làm cho ta vui sướng nhất đó là: “Lạy Chúa, xin thương tha tội cho chúng con.”

Có rất nhiều lần chúng ta không có khả năng để tha thứ. Tha thứ là việc vĩ đại. Sự tha thứ không luôn dễ dàng, bởi vì trái tim của chúng ta nhỏ hẹp và ganh tị. Chúng ta xin Chúa tha tội cho, nhưng chúng ta khó có thể tha thứ cho anh chị em xúc phạm đến chúng ta. Với sức riêng, chúng ta không thể làm được, nhưng nếu chúng biết mở lòng và phó thác vào quyền năng lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể tha thứ cho nhau.

Sống chung tập thể trong một cộng đoàn hay nhóm hội, chúng ta dễ gây sự bất bình vì lòng nhỏ nhen và ích kỷ. Trong bất cứ một tổ chức sinh hoạt chung nào cũng đòi hỏi sự nhẫn nhục và hy sinh. Hy sinh từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý chung. Chúng ta không có sự thật tuyệt đối hay một phương thức hoàn hảo trong đời sống thường nhật. Người ta vẫn thường nói: Trăm người trăm ý. Ý nào cũng hay và cũng có lý của nó. Sự tập tành để biết lắng nghe nhau là điều kiện cần thiết để xây dựng mối tương giao. Cần nhiều sự cố gắng học hỏi và tập tành đức kiên nhẫn. Chúng ta có thể phê bình chỉ trích người khác ở bất cứ khía cạnh nào vì ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Chê bai dè bửu dễ gây xích mích và phân rẽ.

Trong cuộc sống xã hội, con người bất bình hay gây sự với nhau vẫn thường xảy ra. Chúng ta không nên dừng tại đó để khích bác, thù hằn và tẩy chay nhau. Chúng ta cần sự hóa giải đôi bên thuận hòa. Chúa Giêsu mở cửa Lòng Thương Xót để nhắn nhủ cách hành xử tốt: Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5, 23-24). Thắng mình không luôn dễ. Muốn làm hòa, trước hết chúng ta phải có thái độ khiêm nhu, chấp nhận sự yếu đuối và sai trái của mình để xin lỗi. Dù trong hoàn cảnh nào, có lý hay vô lý, người nào lên tiếng giao hòa trước, người đó đã thắng mình, trước khi thắng kẻ khác.

Có những sự bất bình hay mối thù khó quên, nó đeo đẳng chúng ta suốt dọc cuộc đời. Sự bất hòa này chính là gánh nặng âm ỉ trong tâm, làm cho chúng ta mỏi mòn, buồn bực và sầu đau. Mối hờn ghen giận dữ ảnh hưởng đến tâm, sinh, lý và cả cách suy nghĩ, biểu lộ và hành xử. Nó giống như chiếc gai đâm sâu trong thớ thịt, hơi đụng đến là đau buốt. Để chữa lành, chúng ta cần mổ sẻ, cắt bỏ và giải phẫu vết thương mưng mủ này. Vết hằn trong tâm cũng thế, nó làm chúng ta nhức nhối, khó chịu và thù ghét. Đôi khi vì cái ‘tôi’ hơi lớn hoặc có khi tự ái, chúng ta không muốn nhận mình là người sai lỗi hay bị thua. Chúng ta khăng khăng giữ thái độ cố hữu và cách suy nghĩ một cách ích kỷ của mình. Tự cao tự đại trong cách hành xử trịch thượng rất khó để giải hòa. Chỉ khi nào chúng ta dám hạ mình và buông bỏ, thì tâm hồn của chúng ta mới tìm được sự bình an và thanh thản thực sự.
Đôi khi chúng ta cần có người trung gian để lắng nghe, khuyên nhủ và hòa giải. Từng bước tế nhị góp ý sửa sai: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (Mt 18, 15-17). Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người chúng ta có rất nhiều cơ hội để xem xét lại cuộc sống của mình. Ai cũng có lỗi, không lớn thì nhỏ. Chẳng có ai tốt lành và vô tội hoàn toàn. Nhân vô thập toàn. Chẳng có ai xấu quá đến nỗi phải tẩy chay ruồng bỏ. Chúng ta có bổn phận giúp nhau nên hoàn thiện mỗi ngày.

Thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu thành Corintô đã khuyên nhủ: Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa (2 Cor 5, 20). Làm hòa với Thiên Chúa. Nói đúng hơn là chúng ta trở về với lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Chỉ có chúng ta là những người thất trung, bất tín và ngỗ nghịch chối bỏ tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta từ chối tình yêu, phạm tội và làm mất lòng Chúa. Chúa vẫn luôn trung thành với lời đã hứa và yêu thương chờ đón chúng ta. Chúng ta hãy chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa để xin ơn tha tội và giao hòa cùng Chúa.

Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Ngài đã thí mạng để chúng ta được sống và được lãnh ơn cứu độ. Chính nhờ hy tế của Chúa Kitô trên thập giá mà nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa Cha: Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải (2 Cor 5, 18). Điều làm Chúa vui nhất là lòng thống hối ăn năn và xin ơn tha thứ. Ngay cả các Thiên Thần trên thiên đàng cũng vui mừng vì một người tội lỗi biết ăn năn sám hối trở về.
Lạy Chúa, xin thương tha thứ tội lỗi cho chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

 

sưu tầm