Suy Nệm của Lm. Hương
LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C : LC 3,15-16.21-22
Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.”
Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”
CON THIÊN CHÚA TRÌNH LÀNG
Cả 4 Tin Mừng đều kể lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép rửa, điều đó cho thấy biến cố này rất quan trọng. Nhưng mỗi vị thánh sử đều nhấn mạnh trên điểm này hay điểm nọ. Và quả thật ích lợi khi chúng ta tiếp cận mầu nhiệm dưới nhiều góc độ khác biệt nhau và bổ túc nhau. Thánh Lu-ca, được chúng ta đọc trong năm nay, nhấn mạnh tới 3 điểm mà các trình thuật khác không nêu bật : 1- Đức Giê-su chịu phép rửa “như toàn dân”…; 2- Chính khi “đang cầu nguyện” mà Người nhận lãnh Thánh Thần…; Sau cùng, tiếng nói đến từ trời xác nhận Người được “Cha sinh ra hôm nay.”
1- Chịu phép rửa như toàn dân.
Theo phụng vụ, phép rửa này của Đức Giê-su đến ngay sau các cử hành long trọng của lễ Giáng Sinh và Hiển Linh. Điều đó có thể khiến chúng ta lầm lẫn. Với Lu-ca, chúng ta đã nghe trình thuật các thiên thần xưng tụng căn tính thần linh của Hài Nhi Bê-lem : “Hôm nay đã sinh ra cho anh em một Đấng Cứu Độ. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa !” Chúng ta cũng đã cùng với Mát-thêu nghe nói đến việc các đạo sĩ vinh sang rực rỡ đến “bái lạy Đức Vua dân Do-thái.” Cuối cùng, Lu-ca đã thuật lại cho chúng ta câu nói gây kinh ngạc mà cậu bé Giê-su thốt lên với song thân lúc 12 tuổi : “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Thành thử chúng ta quá biết rõ Đức Giê-su là “ai” rồi. Nhưng đã chẳng như thế khi Đức Giê-su xuất hiện bên bờ sông Gio-đan hôm nay. Đấy là một kẻ vô danh. Người còn chưa kêu gọi môn đệ nào. Người còn chưa bắt đầu sứ vụ. Người đã chẳng mở miệng rao giảng. Đó chỉ là một chú thợ mộc nghèo hèn, đến từ một ngôi làng chẳng hề ai biết. Nhưng đấy cũng là một con dân Do-thái hành đạo, trung thành, mà Lu-ca bảo là đang làm y như thiên hạ. Chi tiết này chẳng phải được tình cờ ghi nhận. Ta hãy đón nhận nó như một lời mời gọi ngỏ với cuộc sống thụ tẩy của riêng mình.
Chúng ta cũng vậy, đối với nhiều hành vi tôn giáo của mình, chúng ta đã chẳng đơn giản hòa mình vào trong một đoàn dân sao? “Y như toàn dân chịu phép rửa”, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa. Bao thập niên nay, người ta đã thấy nhiều ki-tô hữu trong thực tế đã từ bỏ kiểu trung thành đơn giản này, đặt lại vấn đề nhiều truyền thống đáng tôn trọng… ví dụ họ chẳng còn cho con cái mới sinh chịu rửa tội, chẳng còn đến nhà thờ cử hành phép hôn phối, chẳng còn trung thành đi lễ Chúa nhật... Điều đó có thể xuất phát từ ý muốn sống chân thực. Nhưng trong các thái độ ấy, khi muốn tỏ ra phản chứng, chẳng có một thói kiêu căng ngấm ngầm, từ chối “làm như mọi người”, “làm như bổn đạo” sao? Tuy nhiên chúng ta biết rõ : chẳng có cuộc sống ki-tô hữu đơn độc. Một ki-tô hữu đơn độc mau chóng thành một ki-tô hữu chết. Nhập vào “đoàn dân Giáo hội” là một nhu cầu sinh tử. Và hiệu quả đầu tiên của phép rửa chính là làm cho chúng ta đi vào trong gia đình các con cái của Thiên Chúa, thành anh em của Đức Giê-su, Đấng từng sống cuộc sống của dân mình, cách đơn giản.
2- Nhận Thánh Thần khi cầu nguyện.
Khác với các tác giả Tin Mừng kia, Lu-ca trình bày cho thấy Thánh Thần tuôn tràn trên Đức Giê-su không phải như hậu quả của việc Người chịu phép rửa, nhưng như hoa quả của việc Người cầu nguyện. Ta biết rằng Lu-ca chẳng bỏ lỡ cơ hội nào để nêu bật hai điểm này : cầu nguyện… Thần Khí… Hiển nhiên Đức Giê-su đã chẳng chờ hôm đó để được đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng qua lần cầu nguyện này, trong sự thân tình với Cha, Người nhận lãnh một sự tuôn tràn Thần Khí mới mẻ, như sách Công Vụ sẽ kể lại cho chúng ta nhiều trường hợp tương tự. Thành ra ít nhất ở đây chẳng phải là một loại ơn thánh hóa cá nhân cho bằng là một ơn đoàn sủng, như người ta hay nói hiện nay. Đặc tính của đoàn sủng, đó là ơn Thánh Thần ban vì lợi ích của cộng đoàn, không phải cho bản thân, nhưng cho mọi người khác. Và rõ ràng là Đức Giê-su hôm nay nhận lấy ơn gọi để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Và chính Người sẽ nhắc lại điều đó. Vì sau một cuộc tĩnh tâm 40 ngày trong hoang địa, chúng ta gặp lại Người đưa ra bài giảng đầu tiên trong hội đường Na-da-rét mà rằng : “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi… Người đã xức dầu cho tôi… Người đã sai tôi đi công bố Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”
Phần chúng ta thì sao? Cũng chẳng phải chỉ qua lời cầu nguyện mà chúng ta có thể nhận được đầy tràn Thánh Thần như thế, nhận được đoàn sủng như thế, vốn sẽ thúc đẩy chúng đi loan báo Tin Mừng, phục vụ anh em, làm chứng cho đạo? Chúng ta đã chẳng có khuynh hướng xem việc cầu nguyện như một hành vi riêng tư sao, chỉ cần thiết cho việc duy trì đời sống nội tâm của mình? Bí tích ban Thánh Thần, mang danh hiệu “Thêm sức” theo truyền thống, bổ túc cho bí tích Rửa tội, là bí tích tuôn tràn Thần Khí cách mới mẻ. Thế mà bí tích này hướng chúng ta đến việc làm chứng nhân, đến trách nhiệm phúc âm hóa thế trần.
3- Được Cha sinh ra hôm nay.
Mạc khải này chẳng gây ấn tượng khi nghe sao? Chúng ta hãy để mình kinh ngạc. Chớ gì mấy tiếng đó đừng bị ta không thèm để ý, tỏ ra dửng dưng, như thể chúng chẳng có ý nghĩa gì. “Ngày hôm nay...” “Cha đã sinh ra Con...” Đây là câu minh nhiên nhắc lại điều mà các thần học gia gọi là “việc nhiệm sinh vĩnh cửu của Ngôi Lời giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.” Anh thanh niên làng Na-da-rét, tín hữu Do-thái hành đạo như toàn dân, thực ra đầy tràn một mầu nhiệm khôn tả. Người được Thiên Chúa “sinh ra” trong một thứ Hiện tại vĩnh cửu, thường tồn. Chúng ta thiếu từ ngữ để nói lên mầu nhiệm này. Và mọi hình ảnh đều vô ích. Dù sao hãy cố gắng đừng giản lược, thu gọn Đức Giê-su vào trong đầu óc nhỏ bé của chúng ta. Hãy để mình chìm ngập, như lời loan báo của Gioan Tẩy giả, “trong Thánh Thần và lửa” hầu khám phá Ngôi vị khôn tả giấu ẩn đằng sau chú thợ mộc đơn hèn. Vâng, chúng ta cần phải nhiệt thành nhảy vào trong Thiên Chúa với một con tim cháy bỏng lửa nội tâm, thay vì lạnh lùng lý luận với duy bộ não phàm nhân của mình.
Vào khoảng cuối thế kỷ VI Công nguyên, tại thành Công-tăng-ti-nô-pô-li có một thượng phụ tên là Gioan nhiều phẩm cách và đức hạnh. Ông hăng hái làm việc lành phúc đức và sống kham khổ nhiệm nhặt đến độ được gọi là “Gioan, người chay tịnh.” Bất hạnh thay, ông vấp phải một khuyết điểm trầm trọng là kiêu ngạo. Lòng kiêu ngạo này khiến ông ganh tị với Đức Giáo Hoàng, thánh Ghê-gô-ri-ô I. Ông từng nói với khâm sai của Đức Thánh Cha rằng : “Hà cớ gì Ghê-gô-ri-ô lại là thủ lĩnh Giáo hội? Công-tăng-ti-nô-pô-li rộng lớn hơn Rô-ma, hoàng đế cũng đóng đô nơi này. Đây là thủ đô của đế quốc, vậy nó cũng phải là thủ đô của Giáo hội nữa chứ ! Điều ấy có nghĩa chính ta phải là Giáo hoàng mới đúng.” Một ngày kia, dường như không còn kìm nén được lòng ganh tị của mình, ông đã viết gởi thánh Ghê-gô-ri-ô I một phong thư, ký tên như sau : “Gioan, Giám mục toàn cầu, nghĩa là thủ lĩnh toàn thể Giáo hội.”
Thánh Ghê-gô-ri-ô rất khổ tâm. Người tự nghĩ : “Thủ lĩnh Giáo hội chắc chắn là ta rồi, vì thánh Phê-rô từng làm Giám mục Rô-ma và ta là người kế vị. Ta sẽ đáp lời ông ấy rằng thủ lĩnh Giáo hội chính là ta, nhưng để xoa dịu tính kiêu ngạo và lòng ganh tị của Gioan, ta sẽ cho ông ấy biết : Thủ lĩnh Giáo hội thì không như các bậc vua chúa trần gian, chuyên đòi danh dự và quyền lực lớn lao rồi cậy vào đó mà kiêu ngạo. Ta sẽ trả lời ông theo những gì Chúa Giê-su đã dạy.” Người đã viết thư phúc đáp mà ký tên như sau : “Ghê-gô-ri-ô, tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa.” Từ đó về sau, tất cả các vị Giáo hoàng đều ký như thánh Ghê-gô-ri-ô I.
Là Ngôi Hai, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su đã trình làng như một kẻ vô danh, khiêm hạ, đứng bên cạnh các tội nhân, nhờ Gioan ban phép rửa ! by Lm. Phêrô Phan văn Lợi 2025
TRỜI MỞ RA- Lm. Thái Nguyên 2025
Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa, năm C: Lc 3,15-16.21-22
Suy niệm
Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối thì dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Biết đâu ông này chẳng phải là Ðấng Mêsia mà toàn dân đang mong đợi? Gioan liền cho họ biết, ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, còn Đấng quyền thế đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho thấy thời đại cũ sắp qua đi, và thời đại mới đang tới, là thời đại của tình yêu và ân sủng.
Đức Giêsu đã đến và đã khai mạc sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lẽ đây là một biến cố trọng đại, gây choáng ngợp thiên hạ bằng quyền năng và oai phong của một Đấng Cứu Thế. Nhưng sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa cho ta thấy một điều lạ thường và trái ngược: Ngài là Đấng phải đến làm phép rửa mà lại xin chịu phép rửa; Ngài là Đấng ban ơn sám hối mà lại tỏ lòng sám hối; là Đấng thánh của Thiên Chúa mà lại đứng chung với hàng tội nhân; là Đấng thanh sạch vô ngần mà lại chịu dìm mình xuống dòng sông thanh tẩy. Nhưng chính trong sự tự hạ này, mà ta thấy Con Thiên Chúa đã xuống tận vũng bùn lầy của tội lỗi để cứu vớt nhân loại, đưa con người trở lại vườn địa đàng.
Ý thức mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, nên Đức Giêsu đã thể hiện trước tiên bằng thái độ liên đới với dân tộc mình: liên đới trong thân phận, trong tội lệ, trong sám hối và chờ mong ơn cứu độ. Tuy nhiên, quang cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa cũng đã hé lộ một mầu nhiệm cao cả: Trước tiên là trời mở ra, vì từ khi Ađam- Eva phạm tội thì cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Từ nay, nhờ Đức Giêsu, con người lại được sống thông hiệp với Thiên Chúa. Tiếp theo là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, cho thấy Đức Giêsu là con người mới, trong Ngài, nhân loại sẽ được tái tạo, được đổi mới. (Gl 6, 15). Lại có tiếng phán từ trời: “Con là Con của Cha…”. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Những ai tin và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.
Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc đạo đầu của bản trường ca “Yêu thương”. Để rồi vì yêu thương, mà Ngài sẽ bị người đời liệt vào "Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi" (Lc 7,34); bị người nhà coi là "kẻ mất trí"; bị xua đuổi ra khỏi thành; bị lên án như một tội nhân, và cuối cùng bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta".
Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một "phép rửa": "Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất." (Lc 12,50). Thật ra, chẳng ai muốn đau khổ nếu được chọn cách khác. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài xin Cha cất chén đắng đau thương, nhưng Ngài muốn chọn theo ý Cha để mở ra cho nhân loại một sự sống mới. Đau khổ sẽ là một phép mầu, khi nó là một phương tiện để biểu hiện tình yêu, minh chứng tình yêu, xóa tan những chia rẽ bất hòa. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người trở nên vĩ đại, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu đã dùng thập giá để cứu chuộc nhân loại. Không phải thập giá cứu chuộc mà Tình Yêu cứu chuộc.
Chúng ta cũng đã lãnh nhận phép Rửa nhờ phép rửa của Đức Giêsu trên thập giá. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi để mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người cùng khổ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã. Cha Zundel cũng đã nói lên rằng: "Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn rằng, họ chẳng gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chúng ta". Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần có thái độ khiêm hạ và hòa mình vào đám đông dân chúng, để chia sẻ, nâng đỡ, đem lại an vui và hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh. Phép Rửa đầu đời của chúng ta chỉ được được hoàn thành trong phép Rửa cuối đời nơi thập giá Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta dám hiến mạng vì yêu như Ngài, để vinh danh Thiên Chúa và ích lợi phần rỗi cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Phúc Âm ghi lại một biến cố lạ lùng,
một buổi sáng trên dòng sông Gio-đan,
trời mây thật lặng lẽ nắng nhẹ nhàng,
giữa đám đông nghe Gio-an rao giảng,
ai ngờ Chúa cũng có mặt xếp hàng,
chờ đợi tới phiên mình chịu phép rửa.
Như dân chúng, Chúa tỏ lòng sám hối,
chẳng khác nào như những người tội lỗi,
Ngài hạ mình làm con không hiểu nổi,
cũng chỉ vì gánh tội thế nhân thôi.
Thế rồi dấu lạ là cửa trời rộng mở,
Thần Khí tựa chim câu xuống trên Ngài,
tiếng Chúa Cha tuyên phán con chí ái,
cuộc tỏ mình Ba Ngôi cho nhân loại.
Lạy Cha là Thiên Chúa Đấng khôn cùng,
Đấng có mặt trong mọi nơi mọi lúc,
cuộc đời con quả thật là diễm phúc,
được làm con cái Cha qua phép Rửa,
đón nhận nguồn sống quá thâm sâu,
là chính Chúa Ba Ngôi rất nhiệm mầu.
Xin cho con mãi được làm con yêu dấu,
như chính Chúa Giê-su là gương mẫu,
dám hy sinh chấp nhận mọi thương đau,
để làm cho cuộc sống được tươi mầu,
cho Danh Cha lan rộng khắp hoàn cầu,
cho Nước Cha muôn đời sau hiển trị.
Lạy Cha là Thiên Chúa rất từ bi,
cho chúng con từ đây chẳng ngại gì,
dám ra khỏi thành trì của bản thân,
biết cho đi những gì mình lãnh nhận. Amen.
by Lm. Thái Nguyên 2025
BÍ TÍCH CỦA NIỀM HY VỌNG
Chúa chịu phép rửa, năm C-2025
Chúa Nhật trước, khi mừng lễ Hiển Linh, Phụng vụ đã giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” còn gọi là “hiển linh,” tức là Chúa tỏ mình. Các nhà đạo sĩ từ phương Đông đã cất bước lên đường, vượt qua ngàn nguy khó để thờ lạy một Hài nhi mới sinh. Các ông vui mừng toại nguyện và đã lên đường trở về xứ sở của mình.
Với Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một cuộc “thần hiện” khác. Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra. Sự kiện này được cả ba Tin Mừng nhất lãm thuật lại như một chứng từ sống động về sứ vụ Thiên sai của Đức Giê-su. Người là Con Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian. Cuộc “thần hiện” diễn ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng, kể cả ông Gio-an Tẩy giả, người trước đó đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a (Đấng Thiên sai).
Việc lãnh nhận phép Rửa bởi tay ông Gio-an Tẩy giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Đây là khởi điểm của một chương mới trong lịch sử Cứu độ của Thiên Chúa. Đây cũng là thời Thiên Chúa an ủi dân Ngài, như ngôn sứ I-sai-a đã báo trước đó khoảng bảy thế kỷ (Bài đọc I). Vào thời đó, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện. Sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa, vì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài đã hứa. Những dấu hiệu ngôn sứ I-sai-a báo trước đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống dương thế của Người. Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, như tiếng nói từ trời đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” “Tiếng nói từ trời,” đó là cách Thiên Chúa hiển linh trong Cựu ước, để truyền lệnh và hướng dẫn dân Ngài. Đức Giê-su luôn luôn tìm ý Chúa Cha và làm mọi sự, miễn là ý Cha được thể hiện.
Theo Giáo lý Công giáo, khi Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, là lúc Người thiết lập bí tích Rửa tội. Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, thành viên Thượng hội đồng Do Thái, Chúa Giê-su đã nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của phép rửa tái sinh (x. Ga 3,3-8). Trước khi về trời, Người đã truyền lệnh cho các tông đồ đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19-20).
Hiệu quả của bí tích Rửa tội là gì? Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo trả lời: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh” (số 1213). Nội dung trích dẫn trên đây rất phong phú, diễn tả những khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô hữu. Ơn của bí tích Rửa tội thật kỳ diệu. Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho hành trình theo Chúa, cũng là hành trình của niềm hy vọng. Những ai đã lãnh nhận bí tích này đều được mời gọi xác tín vào quyền năng và ân sủng yêu thương của Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giê-su, họ được gọi Thiên Chúa là Cha, và được đồng thừa hưởng gia nghiệp vinh quang đời đời. Đó là ân sủng, vinh dự và sứ mạng mà người tín hữu được hưởng, nhờ bí tích này. Tiếc rằng có những Ki-tô hữu không mấy ý thức và cảm nhận vinh dự cao quý này.
Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Ki-tô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi” mãi mãi. Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh” (Số 20). Theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, bí tích Rửa tội mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng, để rồi dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều tăm tối âu lo, kể cả sự chết, chúng ta vẫn tin vào Thiên Chúa và tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Ngài dành cho người công chính.
Phụng vụ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su. Trong thư gửi ông Ti-tô là môn sinh của mình, thánh Phao-lô đã lưu ý: “ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” Đó cũng chính là những lời giáo huấn thiết thực và quý báu đối với các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay.
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên 2025
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
HỒNG ÂN TÁI SINH
CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
HỒNG ÂN TÁI SINH
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Biến cố này là gạch nối giữa đời sống ẩn dật và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu bắt đầu bước vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về sự khác biệt và ý nghĩa Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả, Phép Rửa của Chúa Giêsu và Phép Rửa của chúng ta.
1- Phép Rửa Gioan
Với tư cách là người dọn đường cho Đấng Mêsia, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối và hoán cải bằng việc đón nhận Phép Rửa của ông. Nhờ gương sáng và lời nói đầy thuyết phục, Gioan đã thu hút dân chúng. Người ta lũ lượt kéo đến với Gioan để xin ông làm Phép Rửa; nhiều người nghĩ rằng, Gioan chính là Đấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Nhưng Gioan quả quyết rằng, ông không phải là Đấng Mêsia: “Phần tôi, tôi làm Phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).
Như vậy, Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước, là dấu chỉ bên ngoài để tỏ lòng sám hối và giúp quay trở về với Chúa, nhưng chưa phải là bí tích. Bởi thế, Phép Rửa này không mang lại hiệu quả ơn tha tội khi lãnh nhận. Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa dọn đường cho Phép Rửa của Chúa Giêsu sẽ được thiết lập sau này.
2- Phép Rửa của Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu đến với Gioan và xin ông làm Phép Rửa tại sông Giođan. Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan làm Phép Rửa? Tại sao Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa lại cần phải thống hối và thanh tẩy? Chắc chắn là không. Đây là ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa này:
Trước hết, việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan là một hành vi tự hạ và khiêm tốn mà Người thực hiện theo ý định của Chúa Cha. Nếu biến cố nhập thể là bước khởi đầu mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Nay, qua biến cố Phép Rửa, Chúa Giêsu đi thêm một bước nữa, đó là hạ mình xuống để hòa mình và liên đới với mọi tội nhân. Như thế, qua hành vi này, Chúa Giêsu sống tinh thần tự hạ, muốn trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Hơn nữa, theo các Giáo Phụ, việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là để thanh tẩy thay tội lỗi nhân loại. Cũng như trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã dìm mình trong bản tính nhân loại để thánh hóa bản tính ấy, nay Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước để thánh hóa dòng nước, nhờ đó mà thánh hóa nhân loại qua bí tích Rửa Tội.
Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, thánh Luca tường thuật về ba dấu hiệu xảy ra:
Dấu hiệu thứ nhất: “Trời mở ra.” Chúng ta nhớ lại: khi Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua bao thế hệ, dân Chúa cầu khẩn: “Ước chi Ngài xé các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nay đã đến lúc, nhờ Chúa Kitô, trời mở ra. Điều này nói lên rằng từ nay trời đất giao thông với nhau, con người được sống hiệp thông với Thiên Chúa.
Dấu hiệu thứ hai: “Chúa Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu.” Đây là mạc khải về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Người được sai đến và cùng với Chúa Giêsu khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn cứu độ nhân loại. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Người thánh hóa và dẫn đưa mỗi người về với Thiên Chúa.
Dấu hiệu thứ ba: là lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con” (Lc 3,21-23). Đây là mạc khải về Chúa Cha. Người là Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta. Người sai Chúa Con đến trong trần gian. Chúa Cha luôn hài lòng vì Chúa Con luôn làm theo ý định cứu độ của Chúa Cha.
Như thế, qua ba dấu hiệu trên mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và vai trò mỗi ngôi vị trong chương trình cứu độ nhân loại.
3- Phép Rửa của người Kitô hữu
Nếu Phép Rửa của Gioan là dấu chỉ bằng nước, mời gọi sám hối, thì Phép Rửa của Chúa Giêsu là bí tích bằng nước và Thánh Thần. Phép Rửa này là một bí tích trong bảy bí tích vừa mời gọi hoán cải, vừa mang lại hiệu quả tha tội và thánh hóa cho những ai đón nhận.
Bí tích Rửa Tội tha thứ tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân cũng như các hình phạt do tội, ban cho chúng ta sự sống thần linh. Đồng thời, nhờ Phép Rửa, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể Chúa Kitô, được gia nhập và tham dự vào các sứ mạng của Hội Thánh (GLCG. số 1213).
Như vậy, chúng ta đón nhận Phép Rửa không phải vì danh nghĩa làm Kitô hữu, nhưng là để sống tốt đời Kitô hữu. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn ý thức những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Phép Rửa Tội. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi cố gắng mỗi ngày sống xứng đáng là con cái Chúa và biết làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện, Chúa đã cúi xuống để đón nhận Phép Rửa tại sông Giođan, Chúa cũng đã lập Phép Rửa để thanh tẩy và thánh hóa chúng con, xin cho mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng là con cái của Chúa để chúng con trở thành những người con yêu dấu và hằng đẹp lòng Chúa. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
-
January 9, 2025