Suy Niệm của LM Lợi, năm C
2016
Chúa Nhật XXV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 16, 1-13
NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG
Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, chúng ta luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện dạy dỗ rất thâm thúy, nhưng lại đầy tính nhân văn của các dụ ngôn. Có những câu chuyện thật dí dóm, bất ngờ và đầy thú vị. Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để giáo huấn nhân loại, dạy dỗ chúng ta. Do đó, những bài học Chúa Giêsu đem ra để giới thiệu Nước Trời, những ví dụ, những câu chuyện thực tế xảy ra trong xã hội Do Thái xưa, thời Chúa Giêsu, vẫn là những bài học tồn tại mãi mãi, khiến con người học hoài, tìm hoài. Bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn người quản gia bất lương.
Ngôn sứ Amos đã chứng kiến cảnh những người chỉ ham tiền, bon chen vật chất, tranh dành địa vị, đàn áp, bóc lột kẻ nghèo. Ngôn sứ đã lên tiếng cảnh tỉnh họ.Ngài đã viết :” Giavê đã lấy kiêu uy Giacóp mà thề rằng Ta sẽ không bao giờ quên những việc làm của chúng…” ( Am 8, 7 …). Thiên Chúa là Cha tình thương, Ngài luôn quan tâm, xót thương những người nghèo, nhưng cũng không ghét, bỏ rơi những người giầu có thiện chí, biết chia sẻ, cảm thông.
Bài Tin Mừng của thánh Luca có thể nói được là dụ ngôn về ơn cứu rỗi của người giàu. Người giàu phải làm gì để có thể vào được Nước Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ đến đoạn Tin Mừng nói về người thanh niên giàu có, anh này đã làm tất cả mọi sự tốt đẹp như giữ các luật lệ của Chúa từ khi còn tấm bé, nhưng khi Chúa đề nghị anh ta hãy về bán hết cả tài sản anh đang có, rồi đem phân chia cho người nghèo khó…Anh giàu này đã không làm được việc đó. Người giàu nếu cứ bo bo, giữ của, bo bo như Người giàu và Lazarô thì chắc chắn họ sẽ không vào được Nước Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa đòi hỏi con người phải biết chia sẻ, phải biết quan tâm đến người khác.
Người quản lý trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người quản lý khôn ranh, ranh mãnh, biết tiên liệu, trước khi biết mình bị bãi chức, anh đã gọi các con nợ của chủ đến và bớt cho các con nợ tùy sự định đoạt khôn ngoan của anh ta. Anh ta đã dùng tài sản của chủ nợ để làm lợi nghĩa là để thêm bạn cho chính mình.Chúa khen anh ta đã hành động khôn khéo theo cách ranh mãnh của người đời. Quả thực, Chúa không khuyên chúng ta hành động như người quản gia bất lương này. Chúa dạy chúng ta phải bắt chước con cái sự sáng biết lợi dụng vật chất để thêm bạn cho mình.Dụ ngôn muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải biết chia sẻ, biết giúp đỡ người nghèo, để rồi khi chúng ta trở vể cát bụi, họ sẽ cầu nguyện lại chúng ta.
Đàng khác dụ ngôn cũng dạy chúng ta: giầu của cải vật chất mà không biết chia sẻ, quan tâm đến người nghèo, chỉ biết tích trữ của cải, bo bo giữ tiền không biết tìm kiếm của cải thiêng liêng, nghĩa là sự sống vĩnh cửu thì cuộc đời cũng chẳng có ích lợi gì.
Ở đời, của cải rất cần thiết, rất quan trọng nhưng nó chỉ tạm bợ, chỉ mau qua.Nó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nếu coi của cải, tiền tài là mục đích, có một đồng lại muốn có hai đồng và cứ muốn liên tục tích lũy, quên đi tất cả mọi sự, quên đi mục đích chính là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu.
Do đó, Chúa căn dặn mọi người, dặn dò con người :” Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ, và hoặc nó ghét chủ này mà mến chủ kia, hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được “.
Bài học Chúa Giêsu dạy nhân loại, dạy con người thật quá rõ ràng :” Người giàu có đích thực là người biết chia sẻ, biết quan tâm đến người nghèo, biết tích trữ của cải thiêng liêng : “ dòi bọ, mối mọt không đục khoét được “.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi theo Chúa, luôn biết trung thành với sứ mạng Chúa trao phó. Xin Chúa cho chúng con luôn biết chia sẻ, vì khi cho đi là khi lãnh nhận…Xin cho chúng con luôn biết quan tâm đến những người nghèo, người đau khổ và những người bị bỏ rơi, tất bạt. Xin Chúa ban cho chúng con luôn sẵn sàng phục vụ người nghèo và những người bị ruồng bỏ. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Mục đích của người Kitô hữu là gì ?
2.Tiền của, vật chất có phải là cứu cánh của con người không ?
3.Phải làm gì để vào được Nước Thiên Chúa ?
4.Người khôn ngoan là người thế nào ?
Trung tín trong việc nhỏ thì trung tín trong việc lớn
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 16,1-13
Sống ở trần gian này, con người ai cũng vậy phải phấn đấu, phải đấu tranh để sinh tồn. Tiền tài, danh vọng, địa vị, của cải vật chất là những cái điều thú vị và hết sức lôi cuốn, hấp dẫn con người. Đặc biệt đồng tiền có sức mạnh cuốn hút con người đến nỗi có nhiều người mê tiền hơn mọi thứ. Thấu suốt lòng dạ con người, sự ham mê tiền bạc của con người, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo.
Đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta phải hiểu ý của Chúa, Ngài không khen người quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông ta, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Hành động của ông rất khôn ngoan, khéo léo bởi vì ông đã biết dùng tiền của tạm bợ ở trần gian này mà mua bạn hữu nghĩa thiết. Người quản gia đã khéo léo khi ông tuyệt vọng vì chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là ông bị sa thải, thôi việc. Ông đã hành động đúng lúc là dùng chính đồng tiền gian xảo mà mua bạn bè. Nên “ Chủ khen người quản lý gian xảo “. Điều ghi nhận khác “ Quả thật, Ta bảo các ngươi”.Chúa dạy con người cách đầu tư tiền bạc. Tiền bạc quí thật và là phương tiện để sinh sống nhưng phải biết cách xử dụng, đầu tư như Chúa đã dạy anh thanh niên giầu có trong Tin Mừng: ” Hãy về bán hết những gì anh có, rồi khi đã có tiền trong tay, Chúa lại nói “ Hãy đem chia sẻ hết cho những kẻ khó nghèo, rồi đến mà đi theo Ta “ hoặc ném nó đi như thánh Phanxicô Assi, hoặc như nhiều vị thánh hoặc biết dùng tiền bạc một cách khôn ngoan, thông minh nghĩa là biết nhận, phải biết cho đi, phải biết chia sẻ đến nỗi làm cho Chúa động lòng,quan tâm. Chúa gợi ý bằng một kiểu nói thật trong sáng: ” Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn bè, ngõ hầu khi hết của, họ sẽ chứa chấp các ngươi trong chốn đời đời “. Rõ ràng Chúa nói với những người giầu tiền, lắm của nhưng không biết chia sẻ, ích kỷ, ham mê tiền mà quên đi tất cả ngay cả sự sống vĩnh cửu sau này và đây cũng là lời nhắc nhở của Chúa đối với nhân loại, đối với mọi người. Chúa muốn con người biến tiền bạc mình có thành tình yêu. Đây là tiền bạc của những ai biết chia sẻ, biết quảng đại.Đừng như người phú hộ giầu có trước một Lazarô khó nghèo. Đừng như chàng thanh niên muốn hoàn thiện nhưng không có lòng rộng mở, quảng đại vv…
Chúa muốn nhân loại, muốn mọi người, đặc biệt những môn đệ của Chúa phải biết xử dụng của cải, tiền bạc tạm bợ, phù du để chia sẻ, để giúp đỡ những người nghèo, những kẻ lâm cảnh khốn cùng để mua lấy bạn hữu Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã khen ngợi bà góa bỏ tiền vào hòm tiền trong nhà thờ. Quả thực, nếu con người chúng ta đánh giá nhau bằng cách nhìn xem mỗi người chúng ta dùng tiền của như thế nào để biết được lòng trung tín của chúng ta đối với bản thân, với tha nhân và đối với Chúa. Trái lại, chính Chúa cũng đã nhấn mạnh rằng: ” Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn “. Tiền của là phương tiện để phục vụ con người, nhưng nó không phải là cùng đích để chúng ta nhắm tới. Cái cùng đích của chúng ta là Nước Trời. Nhận được của cải Chúa trao ban thì chúng ta cũng phải biết cho đi. Chỉ khi nào chúng ta biết cho đi với tình yêu thương, chúng ta mới thực sự là con của Nước Trời, là môn đệ của Chúa. Chúng ta phải trung tín trong việc xử dụng tiền bạc Chúa ban thì mới có thể trung tín được việc lớn hơn nhiều là làm con của Chúa.
Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con biết chia sẻ những gì Chúa thương trao ban cho chúng con bởi vì khi cho đi là nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
- dongcong.net