Suy Niệm của LM Lợi, năm C
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm C-2013
Ga 20, 19-31
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu ( Ga 15, 13 ) “ Yêu như Thầy đã yêu “ ( Ga 15, 12 ). Chúa Giêsu đã yêu nhân loại đến nỗi chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha, gánh tội cho nhân loại và chết khổ hình trên Thập giá. Thánh Gioan đã định nghĩa “ Thiên Chúa là Tình Yêu “. ( 1 Ga 4, 8 ). Khi định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Thánh Gioan muốn nói lên tấm lòng đầy nhân hậu của Chúa, tình thương bao la của Ngài …Hôm nay, Giáo Hội tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa. Đây là Chúa nhật II Phục Sinh, Chân Phước Gioan Phaolô II đã ấn định toàn thể Hội Thánh mừng Lòng Thương Xót của Chúa vào năm 2001.
Vâng, vào năm 1930 một nữ tu người Ba Lan tên là Maria Faustina đã được Chúa Giêsu chọn để cổ võ Lòng Thương Xót của Chúa cho nhân loại, cho thế giới. Maria Faustina đã được hạnh phúc nhìn thấy Chúa Giêsu và diễn tả về Chúa Giêsu với tước hiệu “ Lòng Thương Xót “, để các họa sĩ có thể vẽ lên khung hình, hình ảnh Lòng Thương Xót của Chúa với hàng chữ Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Ngài. Thánh nữ Maria Faustina đã thấy Chúa Giêsu mặc y phục mầu trắng, tay phải giơ lên trời ban phép lành, tay trái đặt vào ngực. Nơi trái tim của Chúa phát tỏa ra hai luồng sáng, màu đỏ và xanh lợt, tượng trưng cho Máu và Nước đã đổ ra trong cuộc thương khó hồng phúc khi chính trái tim của Ngài bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Ánh sáng xanh lợt tỏ lộ cho nước rửa sạch và thanh tẩy linh hồn. Ánh sáng màu đỏ tượng trưng cho máu, làm phát sinh sự sống mới cho linh hồn. Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn về trái tim thanh sạch, vẹn tuyền, tình thương vô bờ vô bến của Chúa Giêsu. Một trái tim luôn chạnh thương, một trái tim nhạy cảm trước những đau khổ, thử thách, hoang mang của cuộc đời. Chúa luôn quan tâm đến con người, đặc biệt trước những nhu cầu cần thiết của con người.Chúa đã nhạy cảm và thương xót đám đông bơ vơ đói, khát khi nhiệt tình nghe Chúa giản dạy. Chúa đã làm phép lạ hóa bánh và cá để nuôi sống họ. Chúa đã chạnh thương làm cho người phụ nữ băng huyết đã mười tám năm được lành bệnh. Chúa đã làm cho con bà góa thành Naim hồi sinh và Lazarô cũng hồi sinh sau bốn ngày chết và chôn trong mồ.Chúa chạnh lòng thương mười người phong cùi và chữa lành họ. Chúa yêu thương, chạnh lòng tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa chạnh lòng thương đứa con hoang đàng trở về với Ngài…Trái tim của Chúa thật vô cùng bao la.Tình thương của Chúa đời đời con ca ngợi ( Tv 88 ).Các Tông đồ và hôm nay Tôma, sau tám ngày Chúa sống lại, hiện ra có cả Tôma nữa. Chắc chắn trái tim các ông đã phập phòng vì vui sướn, nhưng cũng không kém hồi hộp, âu lo. Tôma làm gì dám đưa bàn tay ra để đặt vào cạnh sườn Chúa, làm gì dám đưa ngón tay ra để thọc vào lỗ đinh tay, chân của Chúa. Cả Tôma và cả các tông đồ đều một phần cảm cảm nghiệm tình thương vô biên của Lòng Thương Xót của Chúa.
Các Tông đồ và Tôma cũng như các người phụ nữ đã tin vào Chúa sống lại.Họ đã kinh qua quá trình thử thách và rồi đức tin cứ tiệm tiến lớn lên.Họ đã hiên ngang làm chứng cho Chúa sống lại và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa.
Chỉ có tình yêu, chỉ có con tim nhân hậu, cảm thông, thương xót mới nói lên tấm lòng đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Thánh nữ Maria Faustina cho hay Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân, dẫu rằng có tội nhân đã hoàn toàn tuyệt vọng, nếu họ thực tâm hối cải và quay trở về với Chúa tình yêu. Tình yêu mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn cả sự chết. Trở về với Chúa, xưng thú tội lỗi và thật chừa cải tội lỗi chắc chắn sẽ được Chúa thứ tha.
Xin mượn lời của Cha Pr.Lâm Tấn Phát, Chánh xứ Tân Hồng, Đồng Tháp để kết luận những dòng suy niệm ” Tóm lại, xin anh chị em nghe lời dạy của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II : Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ phải tôn kính, loan báo, và thực hành kêu van khóc lóc Thiên Chúa của Lòng Thương Xót Chúa… “.
Hãy thực hành giới răn yêu thương như Chúa dạy trong Tin Mừng. Hãy tín thác đời mình cho Chúa :” Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa “.
Thực hiện những điều Chúa dạy trên đây thì ngày phán xét sẽ là ngày vui cho ta.
Chúa Giêsu nói :” Ta đến với con trong giờ lâm chung không với tư cách Quan tòa để xét xử công minh mà đến với con như Vị Cứu Tinh nhân hậu giầu Lòng Thương Xót “.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Ai đã chọn ngày Chúa nhật II Phục Sinh để tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa ?
2.Ai đã được Chúa mặc khải về Lòng Thương Xót Chúa ?
3. Trái tim Chúa thế nào ?
4.Tôma làm sao trước sự hiện diện của Chúa sống lại ?
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH C-2010
CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
KHÔNG SỜ VÀO LỖ ĐINH, SAO MÀ TIN ĐƯỢC ?
Ga 20, 19-31
Cái câu chuyện của ông Tôma vào chiều Phục Sinh đầu tiên khi Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các môn đệ, không có mặt của ông, ông đã từng tuyên bố thẳng thừng với các môn đệ khác rằng nếu mắt ông không thấy, tai ông không nghe và tay ông không sờ vào Chúa phục sinh thì ông không tin. Nói theo kiểu dân dã, ông là người thực tiễn, ăn cây nào rào cây ấy và muốn có hoa lợi phải biết chăm bón cây cho tốt, chứ không chỉ khơi khơi mà có ăn. Do đó, cái chuyện sống lại của Thầy đối với ông thật khó hiểu. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại đó, tám ngày sau, Chúa phục sinh lại hiện ra với các môn đệ, lần này có cả Tôma. Chúa sống lại gọi đích danh ông:” Tôma, hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh sườn Thầy.Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” ( Ga 20, 27 ). Tôma chẳng nói lên lời nào, ông run sợ mà thưa với Người :” Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”( Ga 20, 28 ). Cả Tôma và mọi môn đệ đều được mời gọi trở nên sứ giả của Lòng Thương Xót của Chúa phục sinh.
TẠI SAO TÔMA LẠI ĐÒI HỎI ? :
Đọc lại Tin Mừng và theo dõi diễn tiến việc Chúa sống lại, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy các bà phụ nữ đạo đức đã được lãnh nhận ơn phục sinh, đón nhận tin vui phục sinh đầu tiên. Đi từ ngạc nhiên xác Thầy bị đánh cắp khỏi mộ, các bà đã được khơi dậy niềm tin và mau mắn chạy về loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ. Maria Mácđala đã được Chúa phục sinh gọi đích danh tên bà:” Maria “. Quay lại bà thưa :” Rabboni”, nghĩa là lạy Thầy.Tại sao Gioan khi thấy mồ trống và tấm khăn liệm gọn gàng là ông đã tin Thầy sống lại, còn Tôma đã được các bạn trong nhóm thuật lại việc Thầy sống lại mà ông vẫn không tin. Ông đòi phải nhìn Thấy Chúa phục sinh, nghe tiếng Chúa nói và tạy phải sờ vào lỗ đinh, bàn tay phải thọc vào cạnh nương long sườn Chúa thì ông mới tin. Gioan nhìn Chúa bằng con mắt đứcc tin, con mắt tình yêu. Còn Tôma chỉ muốn nhìn Chúa bằng con mắt xác thịt, con mắt phàm trần. Gioan đã nhờ tình yêu mà chạy tới mộ nhanh hơn Phêrô, cũng chính tình yêu đã khiến ông nhận ra Chúa đầu tiên trên biển hồ Galilêa, chính tình yêu đã làm cho ông trở nên “ Người môn đệ Đức Giêsu thương mến”( Ga 21, 7 ). Phêrô đã phải cố gắng vượt qua những dấu chỉ khả giác để tới niềm tin, và Tôma cũng đã phải phấn đấu vượt qua cái nhìn của giác quan để đến cái nhìn của đức tin. Tôma là con người rất thực tiễn, nhưng Chúa nói “ Phúc thay những người không thấy mà tin “( Ga 20, 29 ).
CÁC MÔN ĐỆ LÀ CHỨNG NHÂN CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA PHỤC SINH:
Như người Cha trong dụ ngôn người con hoang đàng đã giang hai tay đón nhận đứa con hư hỏng trở về, Chúa luôn luôn nhân từ, thương xót đón chờ những người tội lỗi quay trở về…Người mục tử hiền từ bỏ chín mươi chín con chiên mà đi tìm một con chiên lạc. Người đàn bà vui mừng, hân hoan vì tìm thấy đồng bạc bị mất…Các môn đệ khi nhận ra Chúa phục sinh đã không phụ Lòng Thương Xót của Thầy. Các Ngài đã hiên ngang hiến trọn mạng sống của mình miễn Lòng Thương Xót của Chúa được vinh danh, được tỏa sáng…Thánh Tôma, người môn đệ của Chúa đã được Chúa hoàn toàn đáp ứng đòi hỏi xem ra quá cứng cỏi của ông. Lòng Thương Xót của Chúa không dừng lại ở việc Người hiện ra cho các môn đệ và cho Tôma. Chúa phục sinh ban bình an, chỉ cho mọi môn đệ thấy vết tích của Lòng Thương Xót mà còn cho phép Tôma đụng chạm đến chính vết tích của tình thương bao la của Chúa:” Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27 ). Chúa phục sinh vẫn mời gọi các môn đệ làm chứng về Lòng Thương Xót của Chúa, đặc biệt lòng yêu thương vô bờ của Chúa trên thập giá:” Không có tình yêu nào cao quí bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa theo lời Chúa gửi gắm qua thánh nữ Maria Faustina:” Ta muốn ngày lễ kính Lòng Thương Xót là một trợ giúp và nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương.Trong ngày ấy, Lòng Thương Xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch Lòng Thương Xót của Ta”. Lòng Thương Xót của Chúa càng được rõ nét, càng cụ thể khi Tin Mừng của thánh Gioan 20, 19-31 thuật lại :” Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ hôm nay có cả mặt Tôma nữa, Ngài ban bình an cho các ông, rồi chỉ các vết thương tình yêu minh chứng Lòng Thương Xót của Chúa”. Ban bình an và sai các ông đi làm chứng cho Lòng Thương Xót của Ngài:” Bình an cho anh em ! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin củng cố lòng tin cho chúng con để chúng con luôn là sứ giả cho Lòng Thương Xót của Chúa”. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT